27 thg 10, 2013

Thiết kế cầu thang theo phong thủy


Theo phong thủy, nếu nhà bạn có cầu thang không thích hợp thì sẽ ảnh hưởng đến sự may rủi, mất mát tài sản hay bệnh tật ốm đau của gia đình. Nếu cầu thang nhà bạn hợp phong thủy, nó sẽ phân chia đều sự may mắn giữa các phần trong nhà và hiết kế cầu thang theo phong thủy .
Những kiêng kỵ khi bố trí cầu thang
Những kiêng kỵ khi bố trí cầu thang
Tuy nhiên nếu nó không hợp phong thủy thì dòng năng lượng đó sẽ lan truyền các loại bệnh tật, mất mát tài sản và vận rủi cho gia đình.

Các nguyên tắc chung khi thiết kế cầu thang

- Bậc cầu thang không nên bị lõm hay hở bởi nó làm ảnh hưởng đến sự tích lũy của cải.
- Nên có đèn cầu thang để việc đi lại ban đêm dễ dàng hơn.
- Chân và đỉnh cầu thang không bao giờ đối diện cửa chính.
- Cầu thang phải có độ vững chắc. Tránh cầu thang “kẽo kẹt” và lan can “lung lay”.
- Tránh chọn màu đỏ cho cầu thang bởi điều này mang lại những bất hạnh nghiêm trọng.
- Tránh đặt nước (non bộ) dưới chân cầu thang bởi điều này sẽ cản trở sự thành công của thế hệ thứ hai trong gia đình.
- Tránh đặt cầu thang ở chính giữa nhà. Trong trung cung lại chia làm 9 phần như phương pháp tìm trung cung của diện tích đất.
Phần giữa của Trung cung gọi là biệt cung, đặc biệt cấm kỵ đặt bậc cầu thang ở đây.
- Cầu thang không nên bắt đầu hay kết thúc ở trước nhà vệ sinh.
- Tránh đặt cầu thang xoắn ốc vì đây là một điềm gở. Càng nguy hại hơn khi cầu thang đó đặt giữa nhà. Đặc biệt không dùng cầu thang xoắn quanh cột. Loại cầu thang này sẽ tạo một khí xoắn quanh cột khiến Dương khí bị xoắn lại hại gia chủ và người nam trong nhà.
- Hai bên các bậc cầu thang phải có thành cầu thang để che chắn. Những cầu thang xây theo kiểu hiện đại như cầu thang xương cá, cầu thang không có thành chắn đều không được tốt theo quan niệm phong thủy.
- Các trường hợp bất khả kháng thì cũng cố tránh đặt bậc cầu thang đầu tiên vào giữa nhà . Bởi vì Trung cung thuộc hành thổ, sẽ bị cầu thang thuộc Mộc khắc.
- Tránh làm cầu thang quá dài từ tầng này lên tầng khác. Cầu thang càng dài thì khí càng yếu.
- Lưu ý hành lang, bậc thang nghỉ liên quan đến cầu thang phải có gờ bao phía dưới tay vịn để tránh thoái khí. Cầu thang cũng không được đâm thẳng vào bếp hoặc cửa nhà vệ sinh ở bất cứ tầng nào.Đồng thời, cần lưu ý không để đà ngang (xà nhà) đè lên cầu thang
- Cầu thang nên đặt ở những nơi thoáng đãng, sinh khí dồi dào ở trong căn nhà và đi từ hướng tốt đi lên. Như vậy sẽ bảo đảm được các tầng trên thu được khí tốt của căn nhà.
- Tuyệt đối kiêng kỵ đặt cầu thang đi từ phía sau nhà đi lên. Bởi vì, khí trong nhà đi từ ngoài vào và thoái ở phía sau. Nếu cầu thang đặt đi từ phía sau nhà lên các tầng trên sẽ lần lượt suy khí. Người ở trong nhà sức khỏe, tài lộc sẽ suy giảm. Thậm chí khi dương khí suy kiệt nặng, âm khí vượng sẽ dễ mắc các bệnh hoang tưởng và thần kinh
- Trong Phong Thủy cầu thang còn được coi như khúc ruột trong cơ thể người. Bởi vậy tránh làm cầu thang đứt đoạn. Cụ thể là: Tầng một thì cầu thang đặt ở đầu hành lang, lên tầng 2 – 3 thì cầu thang lại đặt cuối hành lang, hoặc vị trí khác.
Trường hợp này phải khắc phục bằng cách trải thảm nối các bậc và các vị trí cầu thang lại. Trong trường hợp nhà không vượng khí, đủ để dẫn lên các tầng trên qua cầu thang, thì nên có đèn chiếu sáng, để tăng cường sinh khí.

Biện pháp tốt cho phong thủy cầu thang

- Đặt một chiếc đèn chùm phía trên cầu thang.
- Đặt một màn che hay chia cầu thang và cửa chính thành những khu vực khác nhau nếu chúng đối diện nhau.
- Cầu thang có thể làm bằng gỗ, kim loại hoặc bê tông là biểu tượng của ba yếu tố rắn chắc. Cầu thang gỗ thích hợp đặt hướng Nam, Đông và Đông Nam. Cầu thang kim loại tốt nhất nên đặt hướng Đông Bắc, Tây Nam, Tây và Tây Bắc.
- Đặt một cặp Kỳ Lân hai bên cầu thang để chống lại nguồn năng lượng xấu di chuyển lên trên và khuyến khích năng lượng tốt lên trên.
Nguồn:  Phong Thủy Tổng Hợp

19 thg 10, 2013

Khám phá nguyên nhân chính gây cao huyết áp


 
Khám phá nguyên nhân chính gây cao huyết áp
Khám phá nguyên nhân chính gây cao huyết áp
Các nhà khoa học Úc cuối cùng đã khám phá một bí mật vốn là nguyên nhân chính gây bệnh cao huyết áp sau 40 năm nỗ lực tìm kiếm, theo trang tin Top News.
Giáo sư Brian Morris và các cộng sự tại Đại học Sydney đã tìm ra vai trò bí ẩn của enzyme renin trong việc kích hoạt căn bệnh này.
Đây là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này sử dụng thận của con người. Nó mở đường cho những loại thuốc mang tính nhắm đích nhiều hơn, vốn có thể biến đổi việc điều trị cao huyết áp, một tác nhân rủi ro lớn gây đau tim và đột quỵ.
Ông Morris, một trong những nhà khoa học di truyền hàng đầu của Úc, bắt đầu nghiên cứu renin khi còn là một sinh viên trẻ đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Hiện một nhà khoa học trẻ khác, nghiên cứu sinh tiến sĩ Francine Marques đã tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm dưới sự giám sát của ông Morris và đã phát hiện ra những vấn đề mới có tầm quan trọng quốc tế này.
Trong khi renin được cho là đóng vai trò đáng kể trong bệnh cao huyết áp nhưng nó hoạt dộng như thế nào để đạt được vai trò này là điều vượt quá tầm hiểu biết của giới nghiên cứu trong nhiều năm.
Nhóm nghiên cứu của ông Morris đã xác định được vai trò quyết định của 2 micro-RNA, vật liệu di truyền mới có tác dụng làm mất ổn định sự sản sinh renin từ gien của nó.
Nghiên cứu của họ cho thấy trong thận của người bị cao huyết áp, renin hoạt động nhiều hơn gấp 6 lần trong khi các micro-RNA lại hoạt động ít hơn 6 lần.
“Đó chính là mấu chốt. Hai micro-RNA thấp hơn rất nhiều ở những người cao huyết áp. Vì vậy, nếu bạn mất chúng thì renin tăng lên, khiến huyết áp tăng theo”, ông Morris giải thích.
“Đây là một khái niệm hoàn toàn mới và rất thú vị. Chưa người nào tìm ra được bất cứ điều gì như thế về renin”, ông nhận xét.
Việc phát hiện vai trò của 2 micro-RNA có thể mở đường cho việc bào chế các loại thuốc trị bệnh cao huyết áp, vốn được thiết kế theo kiểu “hạ gục sự biểu hiện của renin ngay tại nguồn của nó”.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Hypertension của Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
(Theo TNO)

17 thg 10, 2013

Cỏ mực - thuốc thanh nhiệt và cầm máu



Để chữa chứng chảy máu mũi đêm ngày không dứt, Y thư cổ Nam dược thần hiệu khuyên lấy cỏ mực giã nát, đắp vào giữa mỏ ác và trên trán.
Cỏ mực (rau mực) có tên khoa học là Eclipta alba Hassk, thuộc họ cúc Asteraceae. Gọi là cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen. Người ta còn gọi nó là cây nhọ nồi, dễ gây nhầm lẫn với vị thuốc nhọ nồi lấy từ nồi chảo. Tên chữ Hán là hạn liên thảo (cây có đài quả như sen).

Cỏ mực tính lạnh, vị ngọt chua, không độc, có tác dụng lương huyết (mát huyết), cầm máu, thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, làm đen râu tóc. Chủ trị: xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, tiêu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét, mẫn ngứa (uống trong, rửa ngoài).

Sách Thần nông bản thảo gọi cỏ mực “là thuốc cầm máu nổi tiếng”. Sách Đường bản thảo viết, người bị chảy máu dữ dội dùng cỏ mực đắp sẽ cầm, bôi nước lên đầu thì tóc sẽ mọc lại nhanh chóng. Điền nam bản thảo cho rằng, rau mực làm chắc răng, đen tóc chữa khỏi 9 loại trĩ. Bản kinh (ra đời cách đây 2000 năm) viết: “Máu chảy không cầm, đắp rau mực cầm ngay”.

Kỵ dùng cỏ mực khi có âm hư không có nhiệt, tỳ vị hư hàn tiêu chảy. Ngày nay, vị thuốc này được dùng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư và nhiều bệnh khác.

Viện Dược liệu từng nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ mực và nhận thấy nó có khả năng chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông), cầm máu ở tử cung, tăng trương lực tử cung. Cỏ mực không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sẩy thai.

Một số bài thuốc

Thổ huyết và chảy máu cam: Dùng cỏ mực cả cành và lá tươi giã lấy nước để uống.

Tiêu ra máu: Cỏ mực nướng trên miếng ngói sạch cho khô, tán bột. Mỗi lần dùng 2 chỉ (8g) với nước cơm (Gia tàng kinh nghiệm phương).

Tiểu ra máu: Cỏ mực, mã đề 2 vị bằng nhau, giã lấy nước ngày uống 3 chén lúc đói (Y học chân truyền). Hoặc nấu cháo cỏ mực (100 g) với 3 lát gừng.

Trĩ ra máu: Một nắm cỏ mực để nguyên rễ, giã nhuyễn, cho vào 1 chén rượu nóng, thành dịch đặc vừa uống trong, vừa đắp bã ngoài (Bảo thọ đường phương).

Chảy máu dạ dày - hành tá tràng: Cỏ mực 50 g, bạch cập 25 g, đại táo 4 quả, cam thảo 15g sắc uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Vết đứt chém nhỏ chảy máu: Một nắm cỏ mực sạch nhai hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.

Chữa râu tóc bạc sớm: Cỏ mực với lượng tùy dùng, rửa sạch, nấu cô đặc thành cao rồi cho nước gừng, mật ong với lượng vừa phải, cô lại lần nữa. Cho vào lọ, khi dùng lấy 1-2 thìa canh hòa nước đun sôi còn ấm hoặc cho ít rượu gạo để uống. Ngày 2 lần, cao này có tác dụng bổ thận, ích tinh huyết.

Hoặc: Cỏ mực 1-2 kg, cho vào nước ép lấy dịch đặc trộn với bột nữ trinh tử đã được chế sẵn như sau: nữ trinh tử 300-1.000 g ngâm rượu 1 ngày, bóc vỏ, rang khô tán bột. Viên hoàn bằng mật ong. Mỗi lần uống 10 g. Ngày uống 3 lần với rượu gạo hâm nóng. Hoàn này bổ can thận, xanh đen râu tóc, khỏi đau lưng gối (Nữ trinh tử không phải trinh nữ tử).

Chữa di mộng tinh (do tâm thận nóng): Cỏ mực sấy khô, tán bột. Uống ngày 8 g với nước cơm, hoặc sắc cỏ mực để uống ngày 30 g.

Rong kinh: Nếu nhẹ, lấy cỏ mực tươi giã vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều, cần phối hợp thêm trắc bá diệp hoặc cây huyết dụ…

Trẻ tưa lưỡi: Cỏ mực tươi 4 g, lá hẹ tươi 2 g giã nhuyễn, lấy nước cốt hòa mật ong chấm lên lưỡi cách 2 giờ 1 lần.

Cỏ mực chữa sốt xuất huyết

Viện Đông y cùng bệnh viện quận Đống Đa từng dùng cỏ mực chống dịch sốt xuất huyết muỗi truyền vào năm 1969, với 230 bệnh nhân nội trú, kết quả khỏi bệnh 99,6%. Viện Quân y 13, quân khi 5 cũng dùng mấy bài thuốc Nam dạng xiro có thành phần cỏ mực để chữa bệnh này, đem lại hiệu quả cao.

Ngoài việc thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, tác dụng cầm máu của cỏ mực đã được nghiên cúu tổng kết qua lâm sàng bệnh sôta xuất huyết và trong phòng thí nghiệm, mở ra cách giải thích cơ chế tác dụng cầm máu. Do vậy, cần bảo lưu vai trò của cỏ mực trong phương pháp chữa sốt xuất huyết vì chảy máu là một trong 2 yếu tố gây tử vong lớn nhất trong bệnh này.

Ngoài ra, theo tài liệu của Trung Quốc, cỏ mực đã được dùng để chữa ung thư các loại (phối hợp với những vị khác) như ung thư dạ dày, tử cung, xương, bạch huyết, họng. Trong đó, để chữa ung thư họng, chỉ dùng mỗi vị cỏ mực 50 g tươi vắt nước uống hàng ngày hoặc sắc nước uống.

5 bài thuốc chữa chảy máu cam


Mùa thu, khi tiết trời bắt đầu chuyển sang hanh khô. Độ ẩm không khí thường thấp, nhất là trong điều kiện đường sá có nhiều bụi bậm, bên cạnh đó, thời tiết lại thường có các đợt gió mùa đông bắc, se lạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho chứng "chảy máu cam" xuất hiện. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song ở trẻ em, tỷ lệ thường cao hơn.

Tại sao lại gọi là chảy máu cam?

Chữ cam ở đây theo nghĩa là "Ngọt", có nghĩa là chứng chảy máu gây ra do một thứ bệnh có tên chung là "Bệnh cam". Bệnh thuộc chứng cam thường chỉ xuất hiện ở trẻ em. Vì trẻ em thường thích ăn nhiều đồ ngọt. Và sau mỗi lần ăn như vậy, các em lại không có thói quen súc miệng sạch. Chính điều đó là điều kiện tốt cho các yếu tố gây viêm nhiễm ở các bộ phận họng, mũi, lưỡi, niêm mạc miệng, răng, lợi... Khi bị viêm niêm mạc mũi bị sưng tấy, sung huyết. Các mao mạch ở niêm mạc mũi do viêm nhiễm dẫn đến xơ giòn, dễ bị đứt. Mặt khác với khí hậu của mùa thu và đầu đông khô hanh, kèm theo thời tiết lạnh,  làm cho các mao mạch bị co lại, mà gây xuất huyết, tức "chảy máu cam". Đương nhiên, điều đó sẽ xảy ra nhiều hơn đối với  những trẻ em có sức đề kháng kém hơn, và trong tình trạng cơ thể thiếu một số vitamin, liên quan đến tính thấm của thành mạch, như vitamin C, P, K... những chất có tác dụng làm cho  thành mạch dẻo dai, bền chắc.
Bịt mũi khi bị chảy máu cam.
Thuốc cổ truyền trị chảy máu cam 

Chảy máu cam là chứng thường gặp, thường không có dấu hiệu gì báo trước, cũng không kể về thời gian. Có khi trẻ em đang nô đùa cũng chảy máu cam, có khi đêm ngủ máu cam ra lúc nào cũng không hay... Nếu bị chảy với lượng ít, số lần bị ít, thì ảnh hưởng cũng không lớn. Song nhiều trẻ do việc chăm sóc và quan tâm của gia đình không chu đáo, hiện tượng chảy máu cam sẽ xuất hiện nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đến việc học tập của các cháu.

YHCT cho rằng, chảy máu cam là do nguyên nhân "huyết nhiệt" gây ra "huyết nhiệt sinh phong", tức cơ thể ở trạng thái nhiệt sẽ làm cho "bức huyết vong hành", tức là gây xuất huyết; mà trong trường hợp này là xuất huyết ở mũi. Do vậy mà YHCT thường sử dụng các vị thuốc và phương thuốc mang tính lương huyết, chỉ huyết, kèm với bổ huyết để điều trị chứng bệnh này.

Một số bài thuốc thường dùng

Khi bị chảy máu cam, trước hết lấy ngón tay trỏ và ngón tay cái, ấn vào chỗ phía trên cánh mũi, hơi ngửa cổ về phía sau. Đồng thời lấy một ít tóc rối, tên vị thuốc là "loạn phát", loạn là "rối", "phát" là tóc. Trường hợp không có tóc rối có thể cắt ngay một nhúm tóc cũng được. Đem tóc đốt cháy thành than, vò cho thành bột mịn, rồi đặt ngay vào bên lỗ mũi bị chảy máu, hít  sâu vào trong, máu sẽ ngừng chảy ngay.
Cỏ nhọ nồi.
Sau đó hãy dùng các bài thuốc sau đây.

Bài 1: Ngó sen tươi 40 g, móng giò lợn 1 cái. Ninh nhừ, ngày ăn một lần. Cách 2 ngày ăn lại. Làm liền như vậy 2 tuần lễ, là được. Cách này rất dễ làm, và tiện cho các trẻ nhỏ. 

Bài 2: Lá sen tươi 50 g, hoặc 20 g khô. Sắc uống. Để tăng tác dụng, cần đem lá sen sao cháy.

Bài 3: Lá cây huyết dụ 12 - 16 g, cỏ nhọ nồi,  lá trắc bách diệp, đồng lượng,  sao đen, sắc uống, ngày một thang, 2 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền hai tuần lễ.

Bài 4: Hoa hòe (sao cháy) 12g, trắc bách diệp (sao cháy) 12g, kinh giới tuệ (sao cháy) 12g, chỉ xác (sao vàng xém cạnh) 12g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 2 lần uống, sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền 2 tuần lễ.

Bài 5: Thục địa 16g, trạch  tả 6g, hoài sơn 8g, bạch linh 6g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì 6g.

Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ 30 phút. Uống liền 3 tuần lễ. Cũng có thể làm dưới dạng viên hoàn với mật ong, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g. Phương này thích hợp cho những trường hợp cơ thể bị huyết nhiệt, do chứng âm hư hỏa vượng, chứng chảy máu cam, nhiều lần, cơ thể gầy và xanh...

Ngoài việc dùng thuốc YHCT ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần bổ sung thêm thường xuyên các loại rau quả tươi, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Trong trường hợp cần thiết nên kết hợp uống thêm vitamin C và hoa hòe sao đen hàng ngày, dưới dạng chè hãm. Vì trong hoa hòe chứa rutin, một chất có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm giảm tính thấm của thành mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Do đó, nó là thành phần hữu hiệu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch và suy yếu tĩnh mạch,  gây chảy máu cam, ho ra máu và các chứng xuất huyết khác.      
GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Ứng dụng mới của cỏ Nhọ nồi trên lâm sàng


Cỏ Nhọ nồi (còn có tên Cỏ mực, Hạn liên thảo) vị chua, ngọt, tính hàn, vào 2 kinh can, thận; có tác dụng lương huyết, cầm máu, bổ thận, ích âm, thường dùng chữa trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, băng huyết, rong huyết. Gần đây, Y học cổ truyền đã có nhiều ứng dụng mới về cỏ Nhọ nồi trên lâm sàng, đạt hiệu quả tốt. 

Cỏ nhọ nồi chữa gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là cả một quá trình tích tụ lâu dài, ảnh hưởng đến các tạng phủ của cơ thể, làm chức năng tạng phủ bị tổn thương. Bệnh lâu ngày vào thận, thận tinh dần hao tổn, thuỷ (thận) không nuôi dưỡng được mộc (can), ắt can kém sơ tiết, tỳ kém kiện vận, lipit huyết vận hoá không bình thường, tích ứ ở huyết làm tắc nghẽn can lạc mà thành gan nhiễm mỡ. Mỡ tồn đọng lâu ngày ở can, can uất lâu ngày tất sinh nội nhiệt. Can tàng huyết nên thành nhiệt huyết.
            Bài thuốc: Cỏ nhọ nồi 30 - 100g, Nữ trinh tử 20g, Trạch tả 15g, Đương quy 15g; Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm: Cát căn 30g, Chỉ củ tử (hạt Khúng khéng) 15g, Bồ công anh 15g; người bị viêm gan virut, nhất là viêm gan B mạn thì thêm: Phong phòng 15g, Bán biên liên 20g, Hổ trượng 15g. Người bị bệnh đái đường, thêm: Huyền sâm 15g, Thương truật 15g; người béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: Đại hoàng 6 – 10g, Hà diệp (lá sen) 15g; người tỳ hư thêm Phục linh 12g, Bạch truật 20g. Mỗi ngày uống một thang.
 
Cỏ nhọ nồi chữa bạch biến
 
Bệnh này, một là do phong tà từ ngoài xâm nhập vào da, tấn công lỗ chân lông làm cho huyết khí ứ trệ, tắc mao khiếu, không nuôi dưỡng được da; hai là do bên trong huyết hư sinh phong, lại thêm khí trệ huyết ứ, gốc thì hư mà ngọn thì thực
Bài thuốc: Cỏ nhọ nồi 30g, Sa uyển tử 15g, Sinh hà thủ ô 30g, Bạch chỉ 12g, Đương quy 10g, Xích thược 10g, Đan sâm 15g, Đảng sâm 15g, Bạch truật 10g, Thiền thoái 6g; sắc uống ngày một thang; 15 ngày là một liệu trình.
Trong bài thuốc: Cỏ nhọ nồi, Đương quy, Sinh hà thủ ô, Đảng sâm, Bạch truật có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, kiện tỳ hoá ứ, tư bổ can thận; Bạch chỉ, Thiền thoái có tác dụng tán phong trừ thấp, sinh cơ da, nhuận sắc da; Đan sâm, Xích thược có tác dụng hoạt huyết thông lạc, khư ứ sinh tân, chủ yếu nhằm cải thiện tuần hoàn huyết dịch. 
 
Cỏ nhọ nồi trị eczema trẻ em
 
Cỏ nhọ nồi tươi, rửa sạch, giã lấy nước, cho vào nồi hấp 15 - 20 phút (tiệt trùng), để nguội, bôi chỗ đau, ngày vài ba lần, hoặc 50g Cỏ nhọ nồi khô (nếu không có tươi) sắc lấy nước rồi cô đặc, bôi chỗ đau; thường 2 - 3 ngày sau là dịch rỉ giảm rõ ràng, đóng vẩy, đỡ ngứa, khoảng một tuần là khỏi.
Theo Y học cổ truyền, eczema trẻ em thuộc phạm trù thai liễm sang, chủ yếu do thấp nhiệt nội uẩn, phát ra ngoài da, chữa bằng Cỏ nhọ nồi da không bị kích ứng.
 
(Theo Trung y tạp chí)
GS. Phạm Đình Sửu

Bàn thêm về con Giun đất (Địa long)

Nguồn: http://www.caythuocquy.info.vn/old/modules.php?name=News&opcase=detailsnews&mid=1765&mcid=245

Trong bài trả lời bạn đọc về Con giun đất trên CTQ27, lương y Nguyễn Hữu Hiệp có nhắc đến bài thuốc “Thần dược cứu mệnh”. Nhân đây tôi xin kể thêm sự việc vào các năm 97-98 thế kỷ trước, bài thuốc này đã từng là “huyền thoại một thời”. Không ai ngờ được rằng từ một “tư liệu y học” đăng nhiều kỳ trên tờ báo địa phương tỉnh Long An, sau được một loạt các tạp chí không phải chuyên ngành y dược như Thế giới mới,... đăng giới thiệu, thế là dẫn đến một phong trào sử dụng bài thuốc cho nhiều bệnh chứng nan y phát triển rầm rộ từ Nam ra Bắc. 

Thời đó quả là một cơ hội vàng cho nhiều cửa hiệu kinh doanh thuốc. Giá Địa long đắt như tôm tươi, từ khoảng trên dưới ba mươi ngàn đã đẩy lên đến cả trăm ngàn/1kg, mà nhiều khi không đủ hàng để bán. Theo quy luật cung cầu, có những nhà thuốc, thậm chí cả những bệnh nhân sau một vài lần sử dụng đã có thể tự xào xáo chế biến hàng loạt cái gọi là “thần dược” ấy để tung ra bán trên thị trường nhằm trục lợi. Không ai có thể phủ định một số hiệu quả thực tế của bài thuốc, nhưng thổi phồng tác dụng quá đáng để cho kẻ xấu lợi dụng, gây khủng hoảng niềm tin cho người bệnh, bởi càng gieo hy vọng tràn trề, càng chuốc thất vọng não nề  cho nhau, thì thật là đáng tội. Sau hơn một năm suy nghĩ, thậm chí cả day dứt trăn trở nữa, tôi đã quyết đinh viết bài “cuối năm con hổ, tính sổ con giun” hay “hiểu đúng về vị thuốc Địa long” đăng trên chuyên san y dược của địa phương. Việc xảy ra 6 - 7 năm rồi, nay có dịp trở lại nói thêm về con Giun đất ngỏ hầu tiếp chuyện cùng bạn đọc CTQ.
Giun đất còn gọi là Trùn, Địa long, Thổ long, Khâu dẫn..., là một vị thuốc khá quen thuộc, được sử dụng lâu đời trong Đông y. Trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, quyển sách thuốc đầu tiên ra đời khoảng hai ngàn năm trước, với tên “Bạch cảnh khâu dẫn” nghĩa là trùn có cổ trắng, hay như dân ta quen gọi là trùn khoang cổ, vị thuốc này bị xếp vào loại “hạ phẩm”, theo cách phân loại của sách này chỉ những vị thuốc ít nhiều có độc, không được dùng lâu dài, chủ yếu để trị bệnh chứ ít tác dụng bổ dưỡng.  
Các sách thuốc đời sau, kể cả danh tác Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân ở Trung Quốc, cũng như Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh Thiền sư và Lĩnh Nam Bản Thảo của Hải Thượng Lãn Ông đều phân Giun đất vào bộ côn trùng. Quyển Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam của GS, TS. Đỗ Tất Lợi cũng không ngoài lệ ấy. Nếu phân loại thuốc theo tác dụng dược lý cổ truyền mà hầu hết sách Đông dược mới biên soạn hay áp dụng, theo một số đầu sách ít ỏi chúng tôi có được thì  giun đất được xếp vào rất nhiều nhóm thuốc khác nhau.  Sách Lâm sàng thường dụng, Trung dược thủ sách (Học viện Trung y Hồ Nam biên soạn, NXB Vệ sinh Nhân dân, Bắc Kinh, 1972) xếp vào nhóm “khu phong thấp”. Sách Dược học cổ truyền của GS.Trần Văn Kỳ (T.2, NXB Tp.HCM,1997) cũng xếp theo nhóm này. Sách Tân biên Trung y học khái yếu  (do 9 Học viện Trung y Trung Quốc phối hợp biên soạn, nxb VSND, Bắc Kinh, 1974) xếp vào nhóm thuốc “trấn tiềm an thần”. Sách Giản minh Trung y học (Đại học Tân Y Hà Bắc biên soạn, nxb VSND, Bắc Kinh, 1974) xếp vào nhóm “bình can tức phong”. Tương tự là sách Thuốc cổ truyền và ứng dụng Lâm sàng của GS. Hoàng Bảo Châu (NXB Yhọc, Hà Nội, 1999) xếp vào nhóm “trấn kinh an thần” loại “tức phong chỉ kinh”. Trong khi đó sách Dược Tính Đại Từ Điển (Hồ An Bang biên soạn, Trường Hưng thư cục, xuất bản ở Hương Cảng, không ghi năm in) lại xếp giun đất vào nhóm “tả hạ thuỷ ẩm “ (lợi tiểu). Chúng tôi buộc phải dẫn nhiều sách của TQ vì các tài liệu chính thống ở nước ta như bộ giáo trình Bài Giảng YHCT in đi in lại nhiều lần vẫn bỏ quên vị thuốc này. Nhưng mục đích quan trọng của trưng dẫn xếp loại không thống nhất là muốn nói lên một sự thật về tính công dụng đa năng của vị thuốc Giun đất.
Nhìn chung, theo tài liệu cổ, Giun đất có vị mặn, tính hàn, nhập các kinh Tỳ, Vị, Can, Thận, có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, lợi tiểu, giải độc, định suyễn; dùng chữa bệnh nhiệt phát cuồng, kinh phong co giật, ho suyễn, bán thân bất toại, miệng mắt méo lệch, tiểu tiện khó khăn, phong thấp đau nhức,..
Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại của các nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc, tác dụng thanh nhiệt (hạ sốt) của Giun đất là do thành phần lumbrifebrin; tác dụng phá huyết (làm giảm độ dính của máu và độ ngưng tập của hồng cầu) là do chất lumbritin; tác dụng lợi tiểu, chữa đau nhức khớp xương là do có nhân purin. Các thực nghiệm còn chứng minh các thành phần đạm có trong giun đất có tác dụng kháng histamin (giải độc), làm giản khí quản (hiện nay ở TQ đã chế thành ống tiêm dịch giun đất gọi là địa long chú xạ dịch để điều trị hen suyễn trên lâm sàng), hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của ruột non. Thành phần Giun đất còn có một độc tố là terrestro-lumbrolysin có thể gây co giật. Có lẽ nhờ thành phần này mà Giun đất được dùng điều trị các chứng cấp mạn kinh phong theo nguyên tắc “lấy độc trị độc”, nhưng phải theo liều lượng và phối hợp thuốc nghiêm mật. Liều dùng thông thường của Giun đất ghi nhận qua các tài liệu là 6-12g dưới dạng thuốc sắc, 2-4g dưới dạng thuốc bột (khô). Việc bào chế cũng là một khâu rất quan trọng trong dùng thuốc Đông y, tuỳ từng trường hợp mà có cách bào chế riêng, xin giới thiệu một vài ứng dụng lâm sàng của Giun đất:
Dùng làm thuốc thông kinh hoạt lạc, giảm đau: Sử dụng cho thể thấp nhiệt ứ trệ kinh lạc, khớp xương sưng nóng đỏ đau, tiểu tiện ít mà vàng. Có thể phối hợp với các vị thuốc nhiệt như Ô đầu, Phụ tử để điều trị đau khớp xương thể hàn thấp. Bài thuốc điển hình là Hoạt lạc đơn: Xuyên ô đầu, Thảo ô đầu,  Địa long, Thiên nam tinh mỗi thứ 8g, Nhủ hương, Một dược mỗi thứ 6g, tất cả tán bột, lấy rượu khuấy hồ làm hoàn. Mỗi lần uống 4g với nước sắc Kinh giới để trị thấp đàm ứ huyết trở trệ kinh lạc gây đau.
            
Một bài thuốc khác có công dụng bổ khí hoạt huyết, hành ứ tán trệ, dùng trị di chứng trúng phong (tai biến mạch máu não): liệt nửa người, miệng mắt méo lệch, nói khó, miệng chảy nước dãi, tiểu không tự chủ... cho kết quả tốt là bài Bổ dương hoàn ngũ thang của tác giả Vương Thanh Nhiệm: Hoàng kỳ 40g, Đương quy vĩ, Xuyên khung, Địa long mỗi thứ 8g, Đào nhân 12g, Hồng hoa 6g, Xích thược 12g; sắc uống ngày một thang.
  
Dùng trị sốt cao, co giật: Có thể chọn một trong các bài sau:
- Địa long tán: Địa long 12g, Toàn yết 4g, Câu đằng 16g, Kim ngân hoa 16g, Liên kiều 12g; sắc uống.
- Địa long 12g, Châu sa (Thuỷ phi) 4g; tán bột làm viên, mỗi lần uống 4g.
-Trùn đất sống 160g, Đường đỏ 40g, giã nhuyễn, bọc vải đắp lên bụng dưới.
Dùng làm thuốc lợi tiểu, trị đái khó: Đi tiểu không thông do thấp nhiệt, hoặc bí tiểu do sỏi tiết niệu, dùng Trùn tươi, đầu củ Tỏi, lá Khoai đỏ giã nhuyễn đắp lên vùng rốn, hoặc phối hợp thuốc lợi thuỷ để uống.
Dùng làm thuốc thanh phế bình suyễn: Đối với ho suyễn do hoả nhiệt thượng viêm, như hen phế quản khó thở, trẻ em ho gà, có thể dùng:
- Địa long 12g sắc uống.
- Hoặc Địa long tán bột mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần.
- Hoặc Địa long và Sinh cam thảo bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần.
            
Ngoài ra, xin giới thiệu một bài thuốc mới được báo cáo có khả năng trị ung thư và hạ huyết áp, trích từ sách Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách như sau: Địa long, Ngô công, Phong phòng (tổ ong), Bồ công anh, Bản lam căn, Toàn yết, Xà thoát (xác rắn lột), mỗi thứ 40g, Bạch hoa xà thiệt thảo 320g, tất cả tán bột, luyện mật làm hoàn; mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.
Những bài thuốc trên đây chủ yếu để giới thiệu ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Giun đất hay Địa long, thầy thuốc có thể tham khảo vận dụng phép gia giảm, điều chế (nhất là đối với các vị thuốc có độc như Phụ tử, Ô đầu, Châu sa...) thích hợp với từng người bệnh cụ thể mới đem lại kết quả trong điều trị. Người bệnh không được tự ý sử dụng, bởi không nắm được các chống chỉ định của thuốc. Thuốc là con dao hai lưỡi cần được điều khiển bởi bàn tay lành nghề mới phát huy hết tác dụng và tránh được tác hại của nó.
L/Y Phan Công Tuấn

10 thg 10, 2013

Bài thuốc dân gian chữa dị ứng

Bài thuốc dân gian chữa dị ứng



Cuộc đời có số phận hẩm hiu khi chồng hi sinh, con qua đời, bà lão Nguyễn Thị Chuyền (77 tuổi, ngụ xóm 1, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hàng chục năm nay chỉ biết tìm nguồn vui từ những thang thuốc công hiệu chữa bệnh dị ứng, mẩn ngứa giúp người nghèo.
Những vị thuốc… với tay ra hàng rào là bắt gặp
Nguyên nhân của bệnh mẩn ngứa, theo bà lão thì có nhiều lý do như thay đổi thời tiết, dị ứng với thức ăn; khi ốm chưa khỏi mà không kiêng cữ, lại ra ngoài trời gặp gió… Thường thì mọi loại bệnh mẩn ngứa rất dễ chẩn đoán, phân biệt bằng mắt thường, được chia làm hai loại: Nếu nổi những nốt đỏ như rôm sảy thì gọi là “đơn bọ nẹt” theo cách nói của người địa phương, còn nếu nổi nốt to hơn gọi là đơn hỏa (đơn mề đay).




Bà lão Nguyễn Thị Chuyền và một số vị thuốc trong bài thuốc chữa mẩn ngứa
Nếu không chữa trị kịp thời, những nốt mẩn ngứa ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt cho người mắc phải.

Bà Chuyền tự tin cho rằng mình có thể chữa khỏi 90% các loại bệnh này và không “giấu nghề” mà sẵn sàng kể tên, phương pháp kết hợp những loại cây dại trong tự nhiên để tạo thành bài thuốc. Tùy vào độ tuổi, liều lượng, bài thuốc chữa mẩn ngứa sẽ được bổ sung thêm loại cây thuốc khác nhau.

Có hai bài thuốc dành cho hai lứa tuổi: Trẻ em từ sơ sinh - 10 tuổi; và người lớn từ 10 tuổi trở. Bài thuốc của trẻ em dùng những loại cây sau: Lá cúc tần, cây cam nha, sài đất, phượng vĩ, tía tô, lá rưới, rau má đề, ké đội đầu, râu ngô, sắn dây (lá hay cây đều được), tổng trọng lượng mỗi thang thuốc khoảng 100g. Bài thuốc của người lớn ngoài những loại cây trên còn có thêm cây đơn mặt xanh, kinh giới, đăng cay với trọng lượng mỗi thang thuốc là gấp đôi, khoảng 200g.

Những loại cây này đều phải được hái lúc còn tươi, sau đó rang vàng hạ thổ, theo lý giải của bà Chuyền thì bào chế theo cách này sẽ giúp thuốc phát huy hết tác dụng, đem lại hiệu quả cao nhất. Có một lưu ý là trong trường hợp người bệnh nặng, bị sưng phù, đau nhức; trong đơn thuốc sẽ có thêm cây dáy, và lượng cây má đề phải nhiều lên. Nhìn chung đây là những loại cây cực kỳ dễ gặp, dễ kiếm.

Bà lão hướng dẫn người bệnh sử dụng bài thuốc kết hợp giữa xông và uống. Ngoại trừ trường hợp trẻ nhỏ mới sinh thì không được uống mà chỉ xông, lúc này người mẹ sẽ uống thay con, khi con nhỏ bú sữa mẹ thì bài thuốc cũng sẽ được đứa con hấp thụ.

Cách sử dụng như sau:
Nước lá thuốc khi đun xong sẽ lấy khăn sạch hơ nóng, nhúng vào rồi lau vào những vết mẩn ngứa. Với thang thuốc dành cho người lớn, 200g thuốc được sắc thành một ấm, đổ bốn bát nước (tương đương khoảng một lít nước), đun đến sôi và sau khoảng 5 phút “sôi sùng sục” thì nhấc ra để nguội.

Khác với nhiều bài thuốc dân gian khác là có thể cho nhiều nước rồi cô đặc lại thành thuốc, bài thuốc của bà lão Chuyền lại tuân thủ nguyên tắc “cho nhiêu bát nước thì lấy bấy nhiêu bát thuốc”. Bát đầu tiên để cho dễ uống, bệnh nhân có thể cho thêm đường. Còn 3 bát thuốc sau được chia đều uống trong ngày, nhưng đặc biệt lưu ý là không được để qua đêm vì thuốc sẽ hết tác dụng. Đến cuối ngày, khi đã uống hết thuốc, bệnh nhân tận dụng lá thuốc đó cho thêm nước vào đun lần nữa, lấy nước xông hơi, tắm rửa.

Để bài thuốc thêm hiệu quả, bà lang khuyên người bệnh phải kiêng ra gió; tuyệt đối không được tắm nước lã mà phải dùng nước đun sôi để nguội. Bên cạnh đó cần kiêng cứ: Không ăn thịt gà, cá gáy, cua đồng, mắm tôm, thịt ếch, trứng vịt, trứng gà. Tùy theo biểu hiện bệnh và thể chất người bệnh thời gian có thể khỏi lâu hay chậm, thông thường theo bà thì chỉ cần uống từ 2 – 3 thang là bệnh mẩn ngứa biến mất.

Nỗi lo thất truyền
Khách mới đến ngôi nhà cấp 4 đã ngả màu thời gian của bà lão, thường phải cất tiếng gọi bà lão chữa bệnh mẩn ngứa vài câu thì mới thấy tiếng đáp vọng từ phía sau nhà. Những khi rảnh rỗi, bà lão lại cặm cụi cuốc đất trồng thêm những cây thuốc mới mang từ rừng. “Trước đây còn trẻ khỏe thì còn lên rừng kiếm những cây thuôc gắp ít gặp, nhưng giờ già rồi nên mang cây về vườn gây giống. Nhưng đấy chưa phải là nỗi lo lớn nhất của tôi, sợ nhất vẫn là sau khi tôi mất đi bài thuốc sẽ bị thất truyền”, bà lão chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em có người mẹ từng nức danh chữa bệnh bằng thuốc Nam trong vùng, các anh chị em của bà đều thành đạt và chọn con đường riêng mà không theo nghề của mẹ. Năm 16 tuổi cô thiếu nữ Chuyền lấy chồng, thời gian sau có bầu được khoảng 3 tháng thì niềm vui làm mẹ vuột mất vì sảy thai.

Không lâu sau đó chồng bà đi bộ đội và hi sinh ở chiến trường miền Nam, góa phụ chuyển về ở với mẹ, theo học nghề bốc thuốc chữa bệnh, đặc biệt là bài thuốc chữa bệnh mẩn ngứa. Bà sống cô độc từ ngày mẹ qua đời, lấy niềm vui là bài thuốc giúp người nghèo.

Gần 80 tuổi nhưng không con cháu, không chịu nghỉ ngơi khi về già, bà lão “cứ như trời đày” như lời dân làng nhận xét, cứ thấy bệnh nhân đến là lại tất tả đi hái thuốc, cặm cụi chế biến. Lấy công việc là nguồn vui chứ không phải vì tiền nên thuốc của bà không có giá, ai có lòng đưa bao nhiêu bà cũng không chê ít nhiều.

Người dân ở đây đa số là những người làm nghề nông nghiệp, người có tiền thì biếu bà 5 – 10 ngàn, “kỷ lục” là 20 ngàn đồng cho mỗi lần bốc thuốc, nhiều người vì hoàn cảnh nghèo quá mà không có tiền thì bà biếu không.

Riêng những người nghèo trong làng thì thậm chí bà còn lọ mọ tìm đến tận nhà chữa giúp vì bệnh nhân kiêng không được ra gió. Một người dân trong xóm xác nhận: “Trong làng cứ ai bị bệnh mẩn ngứa là lại đến bà Chuyền. Bà lão nhiệt tình khám chữa bệnh còn không lấy tiền, thường nói “của nhà trồng được”, giúp được ai thì giúp”.

Vài năm trở lại đây, người anh trai của bà lão là ông Nguyễn Xuân Lưu (80 tuổi) sau hàng chục năm công tác, định cư ở một tỉnh phía Nam trở về sống cùng em gái. Tuy nhiên, do tuổi đã cao nên người anh từ năm ngoái người anh đã không còn bốc thuốc giúp em, hiện chỉ còn mình bà theo nghề gia truyền mẹ để lại.

Tuổi đã cao, lại không có con nối nghề, nỗi niềm bà lão nhiều năm nay lúc nào cũng canh cánh nỗi lo thất truyền: “Góp một phần sức mình giúp người bệnh là tôi cảm thấy vui, chỉ tiếc là tôi già rồi lại không có người kế nghiệp bài thuốc”.

Lưu ý: Những Thông tin trên mang tính chất tham khảo, để việc điều trị bệnh của bạn có hiệu quả cao nhất bạn nên tham khảo ý kiến của Bác Sĩ trước khi áp dụng!

9 thg 10, 2013

Chữa dị ứng bằng Đông y


Để chữa dị ứng mẩn ngứa, bạn có thể chọn một trong những vị sau sắc uống: cây đơn kim 15 g, lá đơn tía (đơn lá đỏ) 15 g, cây đơn nem 10 g hoặc lá đơn tướng quân 15 g.
tr
Đơn lá đỏ.
Theo y học hiện đại, dị ứng là một phản ứng không bình thường của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ, thường gọi là “dị nguyên”. Dị nguyên có thể là bụi, phấn hoa, những lông nhỏ trên cành, lá của một vài loại thực vật, các protein, dịch tiết các loại côn trùng, hóa chất... Khi bị xâm nhập, lập tức trong cơ thể xuất hiện phản ứng kháng nguyên - kháng thể và một chất trung gian sinh học histamin được phóng thích khỏi các tế bào dưới dạng tự do. Chính chất này đã gây nên hiện tượng dị ứng làm mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp...
Sự xâm nhập của các dị nguyên có thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt) và phần nhiều qua đường da do tiếp xúc.
Trong Đông y, dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang. Phong ngứa là từ dân gian quen gọi chỉ hiện tượng dị ứng. Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào trong cơ thể còn do nhiễm ngoại tà hoặc thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp, phong thấp nhiệt... mà gây ra uất kết ở da, bắp thịt. Mặt khác, do quá trình chuyển hóa, hoạt động của các tạng phủ thiếu điều độ, chẳng hạn can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.
Để điều trị dị ứng, điều quan trọng là xác định được nguyên nhân và loại trừ “dị nguyên”. Có rất nhiều bài thuốc chữa dị ứng:
- Gặp mưa, lạnh, người nổi ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu, dân gian thường gọi bị “lất”: Cần vào chỗ ấm tránh mưa lạnh. Dùng một miếng vải vó cũ cho vào chảo rang lên cho nóng chừng 40-45 độ C rồi chườm vào vùng bị lất. Có thể lấy 3 lát gừng tươi, giã nát thêm ít nước sôi và một chút đường cho uống để tăng tác dụng ôn trung.
- Rễ chàm mèo 12 g, kim ngân hoa 10 g, đại hoàng 9 g, hoàng bá 8 g, cam thảo 5 g, hoặc phù bình 6 g, thuyền thoái 3 g; phòng phong, kim ngân hoa mỗi thứ 5 g. Sắc uống.
- Dị ứng mẩn ngứa do ăn phải các chất lạ, đặc biệt các protein lạ như các loại hải sản, nhộng tằm: Dùng kinh giới 25 g, sao vàng sắc uống, kết hợp lấy một ít lá kinh giới sao với cám rồi xát nhẹ lên vùng da bị ngứa, ngày 2-3 lần cho đến khi khỏi. Nếu mẩn ngứa do tuần hoàn huyết dịch trì trệ, thêm chỉ xác 12 g sắc với kinh giới; hoặc dùng lá đơn tướng quân 15 g, sài đất, kim ngân hoa mỗi vị 12 g; cỏ nhọ nồi 10 g; núc nác 8 g; thổ phục linh 15 g. Sắc uống. Trường hợp lở ngứa nổi sần do huyết trệ thêm đan bì, xích thược, quy vĩ mỗi thứ 10 g sắc.
- Trường hợp ngứa phát ban do phong nhiệt dùng thương nhĩ tử, địa phu tử mỗi thứ 6 g; hoặc dùng bồ công anh 15 g; cúc hoa, kim ngân hoa mỗi vị 9 g, cam thảo 5 g. Sắc uống ngày một thang. Có thể dùng lá đơn tướng quân 20 g hoặc nhẫn đông đằng, thổ phục linh, thương nhĩ tử mỗi vị 20 g. Sắc uống.
- Nếu huyết nhiệt gây ra mụn nhọt, mẩn ngứa dùng bài Ngũ vị tiêu độc ẩm: Kim ngân hoa 20 g, bồ công anh, cúc hoa, sinh địa, cam thảo đất mỗi thứ 10 g. Sắc uống.
Phạm Hinh, Sức Khỏe & Đời Sống