27 thg 7, 2014

Sự thực ít biết về Tượng thần tự do NewYork ở Hà Nội xưa

print friendly
(Kiến Thức) - Tượng nữ thần tự do nay là một biểu tượng của thành phố NewYork nói riêng và nước Mỹ nói chung. Nhưng ít ai biết Hà Nội từng có một phiên bản của bức tượng này.



Người Mỹ nói chung và người dân NewYork nói riêng coi tượng thần tự do là biểu tượng đáng tự hào của họ. Nhưng thật ra, đây lại là tác phẩm của các nhà kiến trúc, điêu khắc Pháp thế kỷ 19. Năm 1875, chính phủ Pháp đã đặt hàng kiến trúc sư Bartholdi một bức tượng để tặng cho chính phủ Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Mỹ. Phải mất gần 10 năm, Bartholdi mới hoàn thành công trình tượng thần tự do khổng lồ với khối lượng 204 tấn này. Năm sau, tượng được đưa lên tàu chiến Mỹ đem về đặt ở cảng New York. 

Sau khi trao cho chính phủ Mỹ tượng thần tự do, người Pháp cũng tạo thêm một vài phiên bản nhỏ hơn nhiều để đem dự triển lãm. Một trong số những phiên bản đó được đem sang triển lãm ở Việt Nam năm 1887 và sau đó, được tặng cho thành phố Hà Nội. Bức tượng mang sang Hà Nội cao 2,5m làm bằng đồng. Vì tượng mặc áo lòe xòe nên người dân gọi nôm na là tượng bà đầm xòe. 

Lúc đầu, tượng được đặt ở vườn hoa trung tâm gần tòa công sứ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau đó, vào năm 1891, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương muốn thay vào đó tượng Pôn Be (paul Bert) - viên toàn quyền Đông Dương đầu tiên, nên đã hạ tượng bà đầm xòe xuống. Trong lúc còn chờ xây dựng bệ đá đặt tượng Pôn Be và tìm vị trí mới đặt tượng bà đầm xòe, cả hai bức tượng bị hạ xuống nằm chỏng trơ trên nền cỏ. Nhân đó, người Hà Nội đặt câu vè để chế diễu:
“Ông Pôn Be lấy bà đầm xòe
Trước nhà kèn ò e í e”

Sau nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng, chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội quyết định đặt tượng bà đầm xòe trên nóc tháp Rùa mà họ gọi là ngôi đền nhỏ. Bức tượng được đặt ở đó từ năm 1891 đến 1896. Mặt tượng hướng về phía đông tức là khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay. Sau năm 1896, một lần nữa người ta lại di dời bức tượng này về vườn hoa Cửa Nam.


 Ảnh chụp tháp rùa với tượng bà đầm xòe được đặt trên nóc.

Tháng 7/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được quân Nhật dựng lên. Ở Hà Nội, cụ Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm thị trưởng. Là một người yêu nước, cụ Lai đã cho đổi lại tên hầu hết các con phố Hà Nội từ những tên của Pháp sang tên các danh nhân nước Việt mà cụ biết. Đồng thời với hành động đó, cụ Lai cũng ký quyết định cho giật đổ nhiều tượng đài tàn tích của thực dân Pháp. Một trong số chúng là tượng bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam. 

Như vậy, so với “người anh em” của mình bên Mỹ, tượng bà đầm xòe đã không thể yên ổn ở một chỗ. Ít nhất nó đã phải ba lần di chuyển. Và trong khi tượng thần tự do ở Mỹ trở thành một biểu tượng để người dân nước này tự hào thì tượng bà đầm xòe là thứ khiến cho người Việt căm ghét vì nó gắn với sự xâm lăng của bọn thực dân.

Những thứ tự do, bình đẳng, bác ái giả hiệu mà bọn thực dân nêu ra khi xâm lăng nước Việt không thể ru ngủ người Việt. Bởi thế, chúng chẳng thể đặt bức tượng lòe bịp ấy ở yên một chỗ lâu dài. 

Người Việt ta có tính tiết kiệm, phàm cái gì đã hư hỏng cũng đều cố tận dụng để làm việc khác. Từ khi thứ nghề “đồng nát” ra đời, những vật hỏng quá không còn giá trị sử dụng thì đem bán đồng nát cho đỡ phí của. Và tượng bà đầm xòe cũng được người Việt cho đi theo truyền thống. Đó là thanh lý đồng nát. 

Cụ thể, năm 1952, dân làng Ngũ Xã – một làng có nghề đúc đồng nổi tiếng ở Hà Nội, có ý định đúc một bức tượng phật A Di Đà, họ đã xin mua lại hai bức tượng trên để lấy đồng. Pho tượng A Di Đà này cao 3,95m, nặng hơn 12 tấn được đánh giá là hoàn hảo, không hề có một chút sai sót nào về kỹ thuật đúc và là pho tượng A Di Đà bằng đồng đầu tiên ở Việt Nam. 
 Hiện tại tượng ông Pôn Be và bà đầm xòe đã nằm trong pho tượng
phật A Di Đà ở chùa Ngũ Xã.

Vậy là tượng ngài Pôn Be với “bà đầm xòe” – đại diện cho cái tự do giả hiệu ở xứ An Nam bị nấu chảy để đúc nên tượng phật A Di Đà với gương mặt hiền từ luôn cảm thông, cứu vớt những nỗi đau trần thế. Sự kết thúc của pho tượng nữ thần tự do ở Việt Nam có thể là vô tình hay hữu ý của những người thợ đúc. Tuy nhiên, nó rất hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Truyền thống đó là luôn tiếp thu văn hóa bên ngoài để làm giàu nền văn hóa của dân tộc nhưng cũng luôn bài trừ rất mạnh những yếu tố văn hóa đi cùng các đội quân xâm lược. 


Minh chứng cho điều này, ta có thể ví dụ: học thuyết Nho giáo đã phát triển từ trước Công Nguyên ở Trung Quốc, tuy nhiên, suốt gần 1.000 năm người Hán thống trị nước Nam, dù dùng vũ lực để ép người Việt học văn hóa Hán, ăn mặc giống người Hán mà kết quả vẫn chẳng được bao nhiêu. Nhưng từ khi người Việt lấy lại độc lập thì lại chủ động tìm học Nho giáo và tạo ra một thời vàng son của chế độ khoa cử. Nhiều trí thức Việt khi sang phương Bắc đối đáp về Nho giáo, Khổng học khiến triều đình Trung Quốc phải kính nể. Đó là một minh chứng rất rõ ràng về khí phách kiên cường bất khuất của người Việt Nam.

2 nhận xét:

Nguyễn Viết Tân nói...

Sống giữ thủ đô mà bây giờ Minh mới biết về điều này -cảm ơn chủ nhà thật nhiều -
Mà cái hình bà đầm trên nóc tháp rùa nhìn kệnh cỡm nhỉ -cũng may mà nó không tồn tại được lâu -
Chiều chủ nhật vui vui nhé -chủ nhà ơi

jojojotran.blogspot.com nói...

Cảm ơn bác Trần. Nước Mỹ đón nhận Tự do một cách thực sự TỰ DO, và TỰ DO đã làm nên một thế giới TỰ DO. Thế giới ấy đã đưa nước Mỹ lên vị trí số một về kinh tê - chính trị - văn hoá! Còn Việt Nam đã nấu chảy bà Đầm xoè để đúc tượng. Sự đón nhận Tự do phụ thuộc rất nhiều vào thời thế, văn hoá, chính trị và cả sự hiểu biết - nhìn xa - trông rộng của người cầm quyền!