Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật Bản. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhật Bản. Hiển thị tất cả bài đăng

28 thg 2, 2014

Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản

Những mặt trái của kỳ quan kinh tế Nhật Bản
Không ai có thể phủ nhận những thành tích đáng nể của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Nhật Bản. Đó là kết quả đóng góp lao động hết mình của mọi người dân đất nước mặt trời mọc.
Tuy nhiên, không thể không nói đến những mặt trái của nền kinh tế này: người dân Nhật đang “chết dần” trong công việc, không còn thời gian dành riêng cho gia đình, thậm chí phải thuê mướn gia đình giả để có thời gian thư giãn và tỷ lệ tự sát ngày càng cao vì áp lực công việc…

Ban đêm, tại những khu phố kinh doanh ở Tokyo, người ta có thể nhìn thấy vô số những khách sạn kiểu “vỏ nang” trên các hành lang chật hẹp. Đó là những chiếc lều nằm có nắp che, gắn trên vách chiếc ti vi nhỏ. Đây chính là nơi nghỉ đêm của các quản trị viên trẻ tuổi mải mê làm việc quá trễ, nên không còn xe điện ngầm để về nhà trong khi lại không đủ nhiều tiền để đi taxi.
Stress đang “tấn công” các viên chức tại Nhật.

Sáng hôm sau, họ chỉ cần đơn giản chui ra khỏi chiếc “vỏ nang” của mình để tới văn phòng làm việc gần đó. Một vài người trong số họ không có mặt ở nhà suốt 2 tuần liền, còn số khác có khi đến cả tháng. Họ chỉ trò chuyện với người thân qua điện thoại di động.

Hàng năm, tại đất nước mặt trời mọc có tới vài trăm trường hợp bị chết vì quá sức ngay tại chỗ làm, phần lớn trong số này là đàn ông. Thống kê trung bình cho thấy, cứ mỗi tuần có ít nhất một người nhảy ra khỏi cửa sổ văn phòng mình để tự vẫn vì không chịu nổi stress. Ví dụ mới đây, một quản trị viên 25 tuổi đã nhảy từ nhà cao tầng xuống sau khi chỉ số bán hàng của anh ta bị giảm… 1%.

Các báo chí Nhật Bản hiện có nhiều thông tin quảng bá về việc “thuê gia đình”. Khó có thể tin rằng, có đến 1/3 số người Nhật do làm việc quá nhiều nên không có thời gian… lập gia đình và có con.
Đó là lý do xuất hiện nhiều công ty mới với dịch vụ đặc biệt: khi bạn về “nhà”, bạn sẽ được người vợ chờ đón sẵn với một bữa ăn ngon, dâng trà lên tận nơi, hai đứa bé chạy tới bá cổ bạn y hệt một gia đình thực sự. Một giờ dịch vụ đặc biệt này có giá tới 700 USD nhưng các công ty vẫn phục vụ không xuể, bạn thường phải đăng ký từ vài ngày trước.

Một yếu tố quan trọng nữa phải kể đến là áp lực ngày càng lớn trong công việc. “Trước đây, chúng tôi thường áp dụng hình thức “thuê mướn suốt đời”, có nghĩa là khi được công ty tuyển dụng, bạn sẽ ký hợp đồng và làm việc cho họ cho tới lúc nghỉ hưu – công dân Nhật Masako Hagiwara giải thích – Trong 15 năm đầu tiên, tiền lương chỉ mang tính tượng trưng, dù bạn phải làm việc rất nhiều, nhưng cứ mỗi năm sau đó, tiền lương lại tăng lên và cho đến năm 40 tuổi, bạn sẽ có những khoản tiền tương đối lớn.
Hiện giờ, hình thức trên đã trở nên lạc hậu, thay vào đó, mọi nhân viên đều có thể bị sa thải, đồng thời được trả lương không phải theo thâm niên công tác mà theo năng lực thực sự. Mức độ cạnh tranh vì thế trở nên ghê gớm đến nỗi các nhân viên luôn lo sợ họ sẽ bị “quẳng ra ngoài đường” nếu ông chủ tìm được người xứng đáng hơn. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những vụ tự sát hay chết vì làm việc kiệt sức tại Nhật”.

Tuy nhiên, phần lớn các chính trị gia của Nhật cho rằng, chính những “mặt trái” này lại là động lực thúc đẩy nền kinh tế của Nhật. Nhờ đó mà Nhật Bản, nước thường xuyên phải mua tới 1/3 lượng lương thực cần thiết của mình cũng như nhập khẩu toàn bộ dầu và thép, lại có mặt trong hàng ngũ những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Tỉnh trưởng Hokkaido của Nhật nói: “Cứ để mọi người làm việc cả đêm, cứ để họ phải sống trong nỗi sợ hãi phải mất việc , nếu không, nước Nhật sẽ nổ tung như cái bong bóng xà phòng. Bởi vì đơn giản chúng tôi không có gì hết, chúng tôi chỉ có thể dựa vào chính cái đầu của mình”.

Quả thật, với sức mạnh trí tuệ của mình, người Nhật có thể làm nản lòng bất cứ một nhà văn viễn tưởng nào. Ví dụ như họ có thể chế tạo rác thải thành những hòn đảo nhân tạo lớn nhất tại vịnh Tokyo và xây dựng những ngôi nhà chọc trời trên đó. Ngay cả đến vấn đề chứa rác thải cũng khiến người Nhật phải đau đầu và phải thành lập ra cả một ủy ban để suy nghĩ ra những giải pháp cho vấn đề này.
Trong chuyện này, cũng có nhiều phương pháp rất đặc trưng “kiểu Nhật”. Ví như người Nhật muốn bỏ chiếc ti vi cũ của mình đi, họ phải mang nó tới điểm xử lý đặc biệt và trả thêm 25 USD để xử lý. Ngay cả những người vô gia cư tại Nhật cũng có thể sở hữu những chiếc điện thoại đắt tiền (dù đã dùng rồi). Đó là kết quả của một chương trình từ thiện, theo đó, những người muốn bỏ vật dụng cũ sẽ mang tới điểm trưng thu, để từ đây chính quyền sẽ phát cho người nghèo.
Các “Câu lạc bộ tự sát” không phải là hình ảnh hiếm thấy tại Nhật Bản.

Nhật là quốc gia có loại tàu “viên đạn” chạy nhanh nhất thế giới với vận tốc 250km/giờ, có các phòng in ảnh tự động từ điện thoại, có cảnh sát điện tử có thể giám sát bạn chấp hành giao thông đúng hay không. Đây là quốc gia có mật độ dân cư thuộc loại cao nhất thế giới. Một mét vuông nhà ở rẻ nhất tại đây giá cũng tới 7.000 USD, cái giá khiến những người có thu nhập cao cũng phải mất cả nửa đời để có một căn hộ khiêm tốn.
Phần lớn những “người may mắn” (ý nói đến người có căn hộ riêng của mình) vẫn phải sống chung trong cùng một phòng với vợ và con. Đó là lý do hình thành tại Tokyo một khu vực được gọi là “khách sạn tình yêu”, nơi các cặp vợ chồng muốn tìm kiếm những giờ phút riêng tư bên nhau mà không có con cái hay cha mẹ bên cạnh.

Một hạn chế khác đằng sau kỳ quan kinh tế Nhật Bản chính là những câu lạc bộ tự sát trên Internet. Đã có trường hợp nhiều thanh niên từ 20-25 tuổi (kể cả con gái) tìm được những người “hợp ý” với mình qua các website đặc biệt, tụ tập thành từng nhóm khoảng 10 người rồi chui vào trong chiếc xe kín, xả khí thải để cùng chết trong đó.
Tính ra, đã có khoảng 150 người cùng nhau tìm đến cái chết theo kiểu này trong tổng số gần 35.000 trường hợp tự sát trung bình hàng năm tại Nhật. Thống kê chính thức cho thấy, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các vấn đề về tài chính và mối lo sợ thường xuyên bị mất việc làm.
“Tại Nhật, chuyện này đang trở thành mốt – nhà chính trị học Amato Magayama đã giải thích như vậy – Khi bế tắc trong những vấn đề mình gặp phải, một giải pháp nhiều người nghĩ đến chính là tự sát. Chống lại hiện tượng này là chuyện rất khó. Tại nước Nhật chúng tôi, tự sát không bao giờ bị coi là tội lỗi mà ngược lại, đó là cách thể hiện cao nhất của lòng dũng cảm!”. 
LINH NGA (Tổng hợp)