Hiển thị các bài đăng có nhãn Địa long. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Địa long. Hiển thị tất cả bài đăng

17 thg 10, 2013

Bàn thêm về con Giun đất (Địa long)

Nguồn: http://www.caythuocquy.info.vn/old/modules.php?name=News&opcase=detailsnews&mid=1765&mcid=245

Trong bài trả lời bạn đọc về Con giun đất trên CTQ27, lương y Nguyễn Hữu Hiệp có nhắc đến bài thuốc “Thần dược cứu mệnh”. Nhân đây tôi xin kể thêm sự việc vào các năm 97-98 thế kỷ trước, bài thuốc này đã từng là “huyền thoại một thời”. Không ai ngờ được rằng từ một “tư liệu y học” đăng nhiều kỳ trên tờ báo địa phương tỉnh Long An, sau được một loạt các tạp chí không phải chuyên ngành y dược như Thế giới mới,... đăng giới thiệu, thế là dẫn đến một phong trào sử dụng bài thuốc cho nhiều bệnh chứng nan y phát triển rầm rộ từ Nam ra Bắc. 

Thời đó quả là một cơ hội vàng cho nhiều cửa hiệu kinh doanh thuốc. Giá Địa long đắt như tôm tươi, từ khoảng trên dưới ba mươi ngàn đã đẩy lên đến cả trăm ngàn/1kg, mà nhiều khi không đủ hàng để bán. Theo quy luật cung cầu, có những nhà thuốc, thậm chí cả những bệnh nhân sau một vài lần sử dụng đã có thể tự xào xáo chế biến hàng loạt cái gọi là “thần dược” ấy để tung ra bán trên thị trường nhằm trục lợi. Không ai có thể phủ định một số hiệu quả thực tế của bài thuốc, nhưng thổi phồng tác dụng quá đáng để cho kẻ xấu lợi dụng, gây khủng hoảng niềm tin cho người bệnh, bởi càng gieo hy vọng tràn trề, càng chuốc thất vọng não nề  cho nhau, thì thật là đáng tội. Sau hơn một năm suy nghĩ, thậm chí cả day dứt trăn trở nữa, tôi đã quyết đinh viết bài “cuối năm con hổ, tính sổ con giun” hay “hiểu đúng về vị thuốc Địa long” đăng trên chuyên san y dược của địa phương. Việc xảy ra 6 - 7 năm rồi, nay có dịp trở lại nói thêm về con Giun đất ngỏ hầu tiếp chuyện cùng bạn đọc CTQ.
Giun đất còn gọi là Trùn, Địa long, Thổ long, Khâu dẫn..., là một vị thuốc khá quen thuộc, được sử dụng lâu đời trong Đông y. Trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, quyển sách thuốc đầu tiên ra đời khoảng hai ngàn năm trước, với tên “Bạch cảnh khâu dẫn” nghĩa là trùn có cổ trắng, hay như dân ta quen gọi là trùn khoang cổ, vị thuốc này bị xếp vào loại “hạ phẩm”, theo cách phân loại của sách này chỉ những vị thuốc ít nhiều có độc, không được dùng lâu dài, chủ yếu để trị bệnh chứ ít tác dụng bổ dưỡng.  
Các sách thuốc đời sau, kể cả danh tác Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân ở Trung Quốc, cũng như Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh Thiền sư và Lĩnh Nam Bản Thảo của Hải Thượng Lãn Ông đều phân Giun đất vào bộ côn trùng. Quyển Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam của GS, TS. Đỗ Tất Lợi cũng không ngoài lệ ấy. Nếu phân loại thuốc theo tác dụng dược lý cổ truyền mà hầu hết sách Đông dược mới biên soạn hay áp dụng, theo một số đầu sách ít ỏi chúng tôi có được thì  giun đất được xếp vào rất nhiều nhóm thuốc khác nhau.  Sách Lâm sàng thường dụng, Trung dược thủ sách (Học viện Trung y Hồ Nam biên soạn, NXB Vệ sinh Nhân dân, Bắc Kinh, 1972) xếp vào nhóm “khu phong thấp”. Sách Dược học cổ truyền của GS.Trần Văn Kỳ (T.2, NXB Tp.HCM,1997) cũng xếp theo nhóm này. Sách Tân biên Trung y học khái yếu  (do 9 Học viện Trung y Trung Quốc phối hợp biên soạn, nxb VSND, Bắc Kinh, 1974) xếp vào nhóm thuốc “trấn tiềm an thần”. Sách Giản minh Trung y học (Đại học Tân Y Hà Bắc biên soạn, nxb VSND, Bắc Kinh, 1974) xếp vào nhóm “bình can tức phong”. Tương tự là sách Thuốc cổ truyền và ứng dụng Lâm sàng của GS. Hoàng Bảo Châu (NXB Yhọc, Hà Nội, 1999) xếp vào nhóm “trấn kinh an thần” loại “tức phong chỉ kinh”. Trong khi đó sách Dược Tính Đại Từ Điển (Hồ An Bang biên soạn, Trường Hưng thư cục, xuất bản ở Hương Cảng, không ghi năm in) lại xếp giun đất vào nhóm “tả hạ thuỷ ẩm “ (lợi tiểu). Chúng tôi buộc phải dẫn nhiều sách của TQ vì các tài liệu chính thống ở nước ta như bộ giáo trình Bài Giảng YHCT in đi in lại nhiều lần vẫn bỏ quên vị thuốc này. Nhưng mục đích quan trọng của trưng dẫn xếp loại không thống nhất là muốn nói lên một sự thật về tính công dụng đa năng của vị thuốc Giun đất.
Nhìn chung, theo tài liệu cổ, Giun đất có vị mặn, tính hàn, nhập các kinh Tỳ, Vị, Can, Thận, có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, lợi tiểu, giải độc, định suyễn; dùng chữa bệnh nhiệt phát cuồng, kinh phong co giật, ho suyễn, bán thân bất toại, miệng mắt méo lệch, tiểu tiện khó khăn, phong thấp đau nhức,..
Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại của các nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc, tác dụng thanh nhiệt (hạ sốt) của Giun đất là do thành phần lumbrifebrin; tác dụng phá huyết (làm giảm độ dính của máu và độ ngưng tập của hồng cầu) là do chất lumbritin; tác dụng lợi tiểu, chữa đau nhức khớp xương là do có nhân purin. Các thực nghiệm còn chứng minh các thành phần đạm có trong giun đất có tác dụng kháng histamin (giải độc), làm giản khí quản (hiện nay ở TQ đã chế thành ống tiêm dịch giun đất gọi là địa long chú xạ dịch để điều trị hen suyễn trên lâm sàng), hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của ruột non. Thành phần Giun đất còn có một độc tố là terrestro-lumbrolysin có thể gây co giật. Có lẽ nhờ thành phần này mà Giun đất được dùng điều trị các chứng cấp mạn kinh phong theo nguyên tắc “lấy độc trị độc”, nhưng phải theo liều lượng và phối hợp thuốc nghiêm mật. Liều dùng thông thường của Giun đất ghi nhận qua các tài liệu là 6-12g dưới dạng thuốc sắc, 2-4g dưới dạng thuốc bột (khô). Việc bào chế cũng là một khâu rất quan trọng trong dùng thuốc Đông y, tuỳ từng trường hợp mà có cách bào chế riêng, xin giới thiệu một vài ứng dụng lâm sàng của Giun đất:
Dùng làm thuốc thông kinh hoạt lạc, giảm đau: Sử dụng cho thể thấp nhiệt ứ trệ kinh lạc, khớp xương sưng nóng đỏ đau, tiểu tiện ít mà vàng. Có thể phối hợp với các vị thuốc nhiệt như Ô đầu, Phụ tử để điều trị đau khớp xương thể hàn thấp. Bài thuốc điển hình là Hoạt lạc đơn: Xuyên ô đầu, Thảo ô đầu,  Địa long, Thiên nam tinh mỗi thứ 8g, Nhủ hương, Một dược mỗi thứ 6g, tất cả tán bột, lấy rượu khuấy hồ làm hoàn. Mỗi lần uống 4g với nước sắc Kinh giới để trị thấp đàm ứ huyết trở trệ kinh lạc gây đau.
            
Một bài thuốc khác có công dụng bổ khí hoạt huyết, hành ứ tán trệ, dùng trị di chứng trúng phong (tai biến mạch máu não): liệt nửa người, miệng mắt méo lệch, nói khó, miệng chảy nước dãi, tiểu không tự chủ... cho kết quả tốt là bài Bổ dương hoàn ngũ thang của tác giả Vương Thanh Nhiệm: Hoàng kỳ 40g, Đương quy vĩ, Xuyên khung, Địa long mỗi thứ 8g, Đào nhân 12g, Hồng hoa 6g, Xích thược 12g; sắc uống ngày một thang.
  
Dùng trị sốt cao, co giật: Có thể chọn một trong các bài sau:
- Địa long tán: Địa long 12g, Toàn yết 4g, Câu đằng 16g, Kim ngân hoa 16g, Liên kiều 12g; sắc uống.
- Địa long 12g, Châu sa (Thuỷ phi) 4g; tán bột làm viên, mỗi lần uống 4g.
-Trùn đất sống 160g, Đường đỏ 40g, giã nhuyễn, bọc vải đắp lên bụng dưới.
Dùng làm thuốc lợi tiểu, trị đái khó: Đi tiểu không thông do thấp nhiệt, hoặc bí tiểu do sỏi tiết niệu, dùng Trùn tươi, đầu củ Tỏi, lá Khoai đỏ giã nhuyễn đắp lên vùng rốn, hoặc phối hợp thuốc lợi thuỷ để uống.
Dùng làm thuốc thanh phế bình suyễn: Đối với ho suyễn do hoả nhiệt thượng viêm, như hen phế quản khó thở, trẻ em ho gà, có thể dùng:
- Địa long 12g sắc uống.
- Hoặc Địa long tán bột mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần.
- Hoặc Địa long và Sinh cam thảo bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần.
            
Ngoài ra, xin giới thiệu một bài thuốc mới được báo cáo có khả năng trị ung thư và hạ huyết áp, trích từ sách Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách như sau: Địa long, Ngô công, Phong phòng (tổ ong), Bồ công anh, Bản lam căn, Toàn yết, Xà thoát (xác rắn lột), mỗi thứ 40g, Bạch hoa xà thiệt thảo 320g, tất cả tán bột, luyện mật làm hoàn; mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.
Những bài thuốc trên đây chủ yếu để giới thiệu ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Giun đất hay Địa long, thầy thuốc có thể tham khảo vận dụng phép gia giảm, điều chế (nhất là đối với các vị thuốc có độc như Phụ tử, Ô đầu, Châu sa...) thích hợp với từng người bệnh cụ thể mới đem lại kết quả trong điều trị. Người bệnh không được tự ý sử dụng, bởi không nắm được các chống chỉ định của thuốc. Thuốc là con dao hai lưỡi cần được điều khiển bởi bàn tay lành nghề mới phát huy hết tác dụng và tránh được tác hại của nó.
L/Y Phan Công Tuấn