Hiển thị các bài đăng có nhãn Tên lửa Scud. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tên lửa Scud. Hiển thị tất cả bài đăng

12 thg 7, 2014

Tên lửa Scud của Việt Nam: Lữ đoàn Tên lửa 490




Lãnh đạo Binh chủng Pháo binh kiểm tra công tác SSCĐ và chụp ảnh với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn
Trong vài năm qua, có tin cho rằng Việt Nam đã có được một số tên lửa đất đối đất Scud. Ví dụ như, tài liệu Cán cân Quân sự Năm 2012, của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã liệt kê mục sau đây “SSM Scud-B/Scud-C (báo cáo)” ở phần tên lửa Việt Nam.
Hồi tháng 5, Việt Nam dỡ bỏ bức màn bí mật về khả năng tên lửa Scud của mình khi tạp chí quân sự có tên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân đã in một trang duy nhất về hình ảnh Lữ đoàn Tên lửa 490 (xem bức hình bên phải và các bức ảnh bên dưới).

Tháng sau, báo Đất Việt, một tờ báo tiếng Việt (số ra ngày 11 tháng 6 năm 2012) đã đăng bức ảnh giống như hình phía trên bên phải và xác định tên lửa này là R-17E/9K72, hay tên lửa SS-1 Scud B. Tờ báo này cũng đưa tin Viện Công nghệ, Quân chủng Phòng không-Không quân, đã sản xuất thành công một trong những thành phần quan trọng cho các nhiên liệu tên lửa lỏng được sử dụng bởi các tên lửa Scud. Bảo Đất Việt đã xác định đơn vị sản xuất là Lữ đoàn B90 .
Trong thập niên 1980, tin cho biết rằng Liên Xô cung cấp cho Việt Nam một số tên lửa Scud B (xem tin trong khung bên dưới). Năm 1998-1999, Việt Nam có được một nguồn cung cấp tên lửa Scud C từ Bắc Triều Tiên. Trung tâm Tình báo Không quân Mỹ ước tính, Việt Nam “có chưa tới 50 tên lửa” Scud B.
Lực lượng chiến lược
Có lẽ vào thập niên 1980, đôi khi Việt Nam sở hữu một số lượng nhỏ tên lửa đất đối đất Scud B SS-1 do Nga sản xuất (tầm hoạt động 300 km và lượng chất nổ 985 kg). Nỗ lực của Việt Nam để hiện đại hóa lực lượng quân sự và phát triển một [lực lượng] ngăn chặn cách đáng tin cậy đối với Quân đội Trung Quốc (PLA) đã đưa Việt Nam đi tới một loạt các thỏa thuận với Bắc Triều Tiên. Tháng 5 năm 1994, một đoàn đại biểu quân sự Việt Nam đã đến thăm Bình Nhưỡng để thảo luận sơ bộ về khả năng Bắc Triều Tiên bán vũ khí cho Việt Nam. Trong tháng sau đó (ND: tháng 6-1994), Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê dẫn một đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới Bình Nhưỡng trong chuyến thăm chính thức theo lời mời của Nguyên soái O Chin-u, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang của CHDCND Triều Tiên. Tháng 11 năm 1994, Phó Nguyên soái Choe Kwang, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao Động Triều Tiên và quyền bộ trưởng lực lượng vũ trang và Tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên, đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự đến thăm như một khách mời, để đáp lại lời mời của tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Quốc phòng. Ngay sau chuyến thăm đó, một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh tiết lộ rằng, Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã “nhắm tới một thỏa thuận về trao đổi thương mại, theo đó Bắc Triều Tiên cung cấp cho Việt Nam các bộ phận vũ khí và đạn dược, đổi lại các tàu Việt Nam đưa gạo tới Triều Tiên”.
Tháng 12 năm 1996, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tướng Nguyễn Thới Bưng đã đến thăm Bắc Triều Tiên và ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 100 triệu đô la. Thanh toán bằng các khoản trao đổi gạo của Việt Nam. Việc mua bán tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud, theo tin tức, đã được thảo luận vào thời điểm này. Tháng 4 năm 1999, tin tức cho biết Việt Nam đã mua một số tên lửa đất đối đất Scud C (SSMs) của Bắc Triều Tiên. Scud C có thể chứa lượng chất nổ 770 kg, tầm hoạt động 550 km. Tháng 2 năm 2009, tin tức nói rằng Hà Nội và Bình Nhưỡng đang thảo luận về việc Bắc Triều Tiên hỗ trợ để nâng cấp tên lửa Scud SSMS cho Việt Nam.
Nguồn: Carlyle A. Thayer, Quân đội Nhân dân Việt Nam: Phát triển và hiện đại hóa. Loạt bài giảng về Lực lượng Vũ trang. Tài liệu số 4, Bandar Seri Begawan: Học viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Vua Haji Hassanal Bolkiah, năm 2009.
Trùng hợp với những phát triển này, báo United Daily News đưa tin hôm 2 tháng 7, Trung Quốc đã thiết lập một lữ đoàn tên lửa mới, Lữ đoàn Tên lửa đạn đạo 827, ở thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông. Báo Đài Loan đưa tin với suy đoán rằng, Lữ đoàn Tên lửa này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong DF-21 và Đông Phong 16, loại lửa đạn đạo mới hơn, có tầm hoạt động xa hơn. DF-21 có tầm hoạt động từ 2.000-3.000 km và tin tức cho biết, khả năng tấn công các mục tiêu di chuyển trên biển với độ chính xác cao. DF-16 có tầm hoạt động 1.200 km và do đó có khả năng bắn trúng Hà Nội.
Tên lửa Scud của Việt Nam có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở đảo Hải Nam, gồm căn cứ hải quân Du Lâm, gần Tam Á, và các thành phố nằm trong bán kính 500 km ở miền nam Trung Quốc như Nam Ninh.
Nguồn: Thayer Consultancy
Tác giả: Carl Thayer
Người dịch: Dương Lệ Chi
Nguồn: Anh Ba Sàm


Tên lửa đạn đạo R-17 (Scud B) trên bệ phóng di động 9P117 của Lữ đoàn 490 (Binh chủng Pháo binh). Nguồn: Quân đội Nhân dân Theo tài liệu “Scud Ballistic Miss and Launch System 1955-2005” (công ty xuất bản sách Osprey Publishing có trụ sở tại Oxford, Anh), năm 1979 Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 12 xe phóng cùng số lượng nhỏ tên lửa Scud biên chế đủ cho một lữ đoàn.

Còn theo cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI), năm 1981 Việt Nam nhận được 4 bệ phóng di động cùng 25 quả đạn Scud. Các năm tiếp đó không có số liệu.

Lưu ý về cái tên Scud, đây là định danh của NATO dành cho hai dòng tên lửa đạn đạo R-11 và R-17 của Liên Xô (R-11 được NATO định danh là Scud A còn R-17 được gọi là Scud B). Trong đó, loại R-11 ra đời vào đầu những năm 1950, còn R-17 là thế hệ cải tiến thay thế R-11 ra đời năm 1958.

Loại tên lửa đạn đạo mà Việt Nam nhận viện trợ là loại R-17 (Scud B). Nhưng R-17 chỉ là một thành phần trong cả hệ thống tên lửa mà nước ta nhận. Tên đầy đủ của hệ thống này là “hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật 9K72 Elbrus”. Đây là tên rất ít khi được biết đến trên các phương tiện truyền thông phương Tây, hầu như người ta chỉ gọi chung nó là Scud.

Tên lửa đạn đạo R-17 (Scud B) trên bệ phóng di động 9P117 của Lữ đoàn 490 (Binh chủng Pháo binh). Nguồn: Quân đội Nhân dân

Tên lửa R-17 (Scud B) có chiều dài 11,25m, đường kính thân 0,88m, trọng lượng phóng 5,9 tấn. Tên lửa trang bị động cơ nhiên liệu lỏng Isayev RD-21 (thành phần nhiên liệu gồm chất cháy TM-185, chất oxy hóa AK-27I và nhiên liệu phóng TG-02).

Hệ thống dẫn đường sử dụng 3 con quay hồi chuyển cho phép đạt độ chính xác tương đối, bán kính lệch mục tiêu 450m (phương Tây cho rằng con số vào khoảng 900m).

R-17 thiết kế mang đầu đạn thuốc nổ thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân 5-70 kiloton, đầu đạn hóa học. Với đầu đạn thuốc nổ, tốc độ va chạm 1,4km/s sẽ tạo ra hố sâu 1,5-4m, rộng 12m.

Tên lửa có khả năng đạt tầm bắn tới 270km. Các biến thể cải tiến sau này có thể tăng tầm lên 300km hoặc 500-600km.

Dù loại tên lửa dùng động cơ nhiên liệu lỏng nhưng qua cải tiến, việc bảo quản nhiên liệu trong điều kiện chiến trường kéo dài tới 6 tháng, ở điều kiện bình thường tới 19 năm.

Đạn tên lửa R-17 (Scud B) được đặt trên bệ phóng di động 9P117 Uragan dựa trên khung gầm cơ sở xe vận tải hạng nặng MAZ-543. Khi phóng, tên lửa sẽ được khung nâng đạn dựng thẳng đứng và bắn đi (trước đó tên lửa cần khoảng thời gian để nạp nhiên liệu phóng, nạp thông số mục tiêu). 


Hiện nay, theo một số hình ảnh của báo Quân đội Nhân dân, R-17 (Scud B) cùng xe phóng được biên chế trong Lữ đoàn 490 (Binh chủng Pháo binh). Mặc dù đã qua hàng chục năm sử dụng, nhưng tên lửa vẫn được bảo quản tốt, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.