10 thg 12, 2017

CÂU CHUYỆN CHỮA GÚT BẰNG LÁ MƠ LÔNG DẠỊ CỦA THẦY LÊ VĂN SỬU


Mùa hè năm 2005 vừa qua, trên các báo hàng ngày, báo tuần, xuất bản ở Hà Nội, đều đăng bài có nội dung về việc ông sư giả mạo L. Q. H chữa bệnh gút cho tiến sỹ y khoa Ng. H. K.. Báo viết về lời của ông K. tả lại, ông H đã tiêm cho ông một mũi thuốc biệt dược, với số tiền là 12 ngàn đô la Ông K thấy sau khi được tiêm, bệnh ông có đỡ, nhưng chưa biết được bệnh có khỏi lâu dài hay không. Điều mà ông K còn băn khoăn, đó là: Không biết tên thuốc, thành phần của thuốc ra sao, và xuất xứ của thuốc do hãng nào, nước nào sản xuất. Nhận thấy ở nước ta có nhiều người bị bệnh gút, bệnh gây ra rất đau đớn, lại được coi là bệnh khó chữa. Từ nhiều năm nay, tôi đã để tâm tìm hiểu, thu lượm bài thuốc dân gian, bằng cây cỏ nước ta, tiến hành chữa thử cho một số người bị bệnh này. Người nào đã được tôi chỉ cho họ cách tự làm thuốc chữa cho mình, họ cũng đều khỏi cả. Nay tôi muốn phổ biến bài thuốc kinh nghiệm này đến mọi người. Tôi xin kể một trường hợp cụ thể, mong đồng nghiệp có thêm niềm tin.

Cụ K. ở cụm dân cư số 9, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhà cụ cùng khu tập thể tôi ở hiện nay, nhưng bên dãy nhà A 5, tầng một. Tôi ở tầng hai, đầu dãy A 3. Từ cửa sổ đầu hồi nhà tôi, tôi nhìn xuống cửa chính nhà cụ rất rõ. Cụ hơn tôi chừng dăm tuổi, nhưng người cụ nhỏ nhẹ, và cụ còn rất nhanh nhẹn. Chúng tôi thường quan hệ, giúp đỡ nhau những chuyện nhỏ trong đời sống hàng ngày. Một hôm, vào mùa hè năm 2004, khi tôi đi chợ, qua ngách nhỏ gần nhà cụ, gặp cụ từ chợ về. Cụ gọi tôi đứng lại và hỏi tôi về bệnh tật của cụ. Cụ kéo ống quần chân trái lên, để lộ từ bắp chân trở xuống cho tôi xem. Cụ nói: “Ông thầy thử xem giúp tôi, chân tôi sưng đau như thế này, vậy nó là bệnh gì ?.” Một phần, vì gặp nhau ngay giữa nơi nghách hẹp, không tiện đứng lâu xem chân cụ được. Phần nữa, tôi cũng muốn cụ đi khám ở cơ sở y tế, để có được chẩn đoán chắc chắn, sau đó tôi mới bàn với cụ về phương án chữa cho tiện lợi nhất. Vì thế tôi đã hỏi cụ: “Chân cụ bị sưng đau như thế này mấy hôm rồi ?.” Cụ nói: “Mới hai ba hôm nay thôi.” Tôi khuyên cụ: “Chân cụ sưng đau thế này, có thể là do nhiều loại bênh khác nhau gây ra, cụ nên đi khám ở bảo hiểm y tế ngay. Khám xong, cụ về cho tôi biết, họ chẩn đoán bệnh của cụ thế nào. Cụ đừng cho họ tiêm thuốc, cũng đừng uống thuốc gì, như thế, khi tôi xem xong mới dám bàn với cụ.”Tối hôm đó, cụ gặp tôi và nói: “Họ chẩn đoán là tôi bị bệnh gút.” Tôi nói với cụ: “Thế thì không đáng ngại.” Cụ hỏi tôi: “Nghe nói bệnh này khó chữa lắm phải không ông thầy ?.” Tôi nói với cụ: “Ngày mai cụ phải đặt ở hàng thuốc Nam, mua loại lá mơ dại, mua được càng nhiều càng tốt. Khi có lá thuốc về, tôi sẽ hướng dẫn cụ cách chế biến để sắc uống.” Về đến nhà, tôi mở sách, xem lại những thông tin chính về bệnh gút, để đối chiếu với chứng đau ở chân cụ. 

Trong cuốn sách “Sổ tay lâm sàng.” của Nhà xuất bản Y học Hà Nội năm 1994, có những thông tin chính như sau:

 “Định nghĩa : Rối loạn chuyển hoá a xít u ríc, thường do nguồn gốc gia đình có đặc trưng a xít u ríc máu tăng, biểu hiện bằng những cơn đau khớp cấp, u rát kết tủa dưới da ở quanh các khớp (cục u rát) và tổn thương thận.

Bệnh căn : Sự liên quan giữa tăng a xít u ríc máu và những biểu hiện ở khớp của bệnh gút chưa được biết rõ. Thực tế, tăng a xít u ríc máu có thể hoàn toàn không có triệu chứng, hình như những biến đổi nhanh của a xít u ríc máu thuận lợi cho sự kết tủa u rát.

1 - Bệnh gút tiên phát : Tăng a xit u ríc máu do sản xuất tăng và hoặc do a xít u ríc bài xuất giảm. Trong 10 - 20% các trường hợp, thấy có tiền sử gia đình trong tiền sử bệnh. Những khiếm khuyết di truyền của một số en zim đã được xác định trong một số trường hợp (xem tăng a xít u ríc máu di truyền). Gần như là bệnh gút chỉ gặp ở đàn ông (95% các trường hợp) từ 30 tuổi; ở phụ nữ chỉ gặp ở tuổi mãn kinh.
2 - Bệnh gút thứ phát: (lược)…

... Triệu chứng : Tiến triển của bệnh gút tiên phát thường rất chậm và đặc trưng bởi các cơn đau của bệnh gút cấp : Sau một bữa ăn quá thịnh soạn, mệt mỏi thể chất hoặc chấn thương cục bộ. Khoảng cách tự do ngày càng ngắn lại. Cơn gút cấp (viêm khớp cấp) : Cơn đau đánh thức người bệnh vào khoảng 2 giờ sáng. Trong đa số trường hợp, đau ở ngón chân cái (khớp xương bàn chân - đốt một ngón chân). Các nơi khác cũng có thể bị : Háng, đầu gối, tay. Lúc đầu, đau vừa phải, sau đó tăng dần rồi đau ghê gớm. Người bệnh giãy giụa và tăng cảm giác khiến không chịu đựng được sức nặng của chăn đắp trên người. Khám tại chỗ thương tổn, khớp sưng đỏ màu rượu vang (rouge - vineux), bóng, phù cứng và đàn hồi. Thường đau giảm về buổi sáng rồi lại đau lại, ngày càng giảm cường độ những đêm sau; thấy xuất hiện vẩy cám ở da trên khớp thương tổn. Toàn bộ các triệu chứng này hợp thành cơn đau của bệnh gút, cơn đau có thể kéo dài chỉ một đêm hoặc kéo dài vài tuần ...”
Bệnh gút là tên của y học cổ truyền, thuộc phạm trù bệnh “Phong thấp”, loại hình “Phong thấp nhiệt chứng.” Về hình thái, bệnh đau ở khớp ngón chân cái nối với bàn chân, nơi có hai kinh can, tỳ đi qua. Giờ phát cơn đau lại vào giờ sửu (1- 3 giờ sáng), giờ và đường kinh phù hợp (hợi tiêu, tý đảm, sửu can thông). Trong nhiều năm, tôi theo dõi bệnh này bằng đo nhiệt độ kinh lạc, thấy ở bệnh gút và bệnh thấp khớp nói chung, trên hai kinh đại trường và kinh can đều có số nhiệt chỉ mức bệnh lý. Kết hợp với vấn chẩn, những người này đều có tiền sử hoặc đang cùng có bệnh viêm đại tràng mạn tính. Lúc đầu do tôi dùng bài thuốc dân gian, cho sắc lá mơ dại uống, chữa khỏi nhiều người bệnh viêm đại tràng mạn tính. Sau dần, tôi dùng sang chữa cho người có bệnh thấp khớp và bệnh gút uống, họ đều khỏi cả.

Cách dùng bài thuốc này là : Lá mơ dại thu hái về còn tươi, sau khi loại bỏ lá sâu và các loại lá tạp, ta đem băm cả dây, lá cho ngắn ra, phơi khô, sao vàng, hạ thổ. Mỗi ấm thuốc, lấy lượng bằng một bốc tay (khoảng 40gr), đổ thêm nước, sắc đặc. Mỗi ngày sắc một ấm, uống hai lần trong ngày. 

Ngay ngày đầu, sau khi người bệnh uống thuốc, cơn đau đã giảm nhẹ. Từ 4 đến 6 ngày sau, có thể dứt hẳn đau đớn. Nhưng tôi khuyên người bệnh phải kiên trì uống lâu dài. Cụ K uống thuốc được chừng một tháng, do phải ăn kiêng lâu, cụ đã thấy thèm thịt cá. Cụ hỏi tôi: “Tôi không thấy đau nữa, liệu tôi còn phải ăn kiêng hay thôi?” Tôi nói với cụ: “Theo tôi nghĩ, cụ cứ nên ăn kiêng thêm một thời gian nữa. Khi cụ uống thuốc được đủ ba tháng, cụ hãy ăn thử ít một, sau tăng dần lên.” Đến nay, sau hơn một năm rưỡi, cụ K. không thấy đau lại. Hằng ngày cụ vẫn chăm chỉ thức khuya, dậy sớm. Cụ cùng với cụ bà lo cho nồi bún nấu của hai cụ được khách ăn ngon miệng, cũng là ích xã hội, lợi nhà.

Ngày 15 tháng 11 năm 2005, Tỉnh hội Y học cổ truyền Hà Tây tổ chức hội nghị đại biểu, nghe Giám đốc Trung tâm Y tế Thị xã Hà Đông báo cáo chuyên đề: “Chẩn bệnh bằng máy đo nhiệt độ kinh lạc .” Trong cuộc hội nghị này, tôi đã giới thiệu bài thuốc “Dùng lá mơ dại để chữa bệnh gút”, trước các vị lương y lão thành trong tỉnh Hà Tây và ông Lê Lương Đống, Quyền vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế. Hy vọng người bị bệnh gút trong tỉnh Hà Tây sớm được chữa khỏi bằng thứ cây cỏ Việt Nam quanh vườn nhà, không phải tốn nhiều đô la để mua thuốc ngoại nhập về để chữa bệnh này.
Nguồn: sách cẩm nang chẩn trị đông y

CHỮA CHỨNG TRẺ EM KHÓC ĐÊM (DẠ ĐỀ)


Ngày xưa có câu: “Cha mẹ nuôi con, công bằng trời, bằng bể.” Câu nói ấy chỉ về nỗi vất vả của tất cả các bậc cha mẹ đối với việc nuôi dạy con cái của mình. Nó càng đúng hơn, khi các bậc cha mẹ có những đứa con ốm yếu, hay bị các chứng sài đẹn... Đối với các cặp vợ chồng muộn mằn, hiếm hoi, khi sinh được một đứa con, đó vừa là nỗi mừng khôn tả xiết, nhưng cũng là nỗi niềm ước mong, lo lắng thường trực trong lòng. Mong sao ơn trời, con mình hay ăn, chóng lớn. Lo lắng cho con mỗi khi trái gió, trở trời. Chăm cho con từ thìa bột, miếng cơm, để con ăn được ngon miệng. Rồi đến tấm tã lót khô, sạch, thơm tho, đồ chơi đẹp đẽ,vui mắt cho con nhìn. Ngày nay, các bậc làm cha mẹ còn rất trẻ, họ chưa được hướng dẫn đầy đủ những kiến thức cơ bản, cần thiết để chăm lo cho con cái mình. Cho nên, phần lớn trách nhiệm ấy thường được ông bà nội, ngoại mở rộng vòng tay ra đón lấy, như một sự tự nguyện thiêng liêng.

Vợ chồng vị đại tá, phó giáo sư, tiến sỹ Tr. Tr. B. là một cặp ông bà nội của thời đại mới như trên. Bởi vì, ông bà vừa mới có cháu đích tôn cách đây chưa lâu. Ông bà Tr. Tr. B. ở hoàn cảnh đã muộn, lại hiếm. Đến tuổi ngót bốn mươi, ông bà mới sinh được một cậu con trai. Với truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, ông bà đặt tên cho cậu là Tr. M. H.. Cậu M. H. lớn lên trong sự chăm lo, dạy dỗ hết lòng của cha mẹ. Đáp lại tấm lòng của cha mẹ, cậu đã học hành ngoan ngoãn. Hết cấp phổ thông, cậu thi đỗ đại học, rồi đến tốt nghiệp đại học. ở cấp học nào, cậu cũng đều đạt mức điểm cao. Trước tết năm ngoái, cậu được ông bà giáo sư cho cậu xây dựng hạnh phúc. Tháng chạp vừa qua, vợ chồng cậu đã sinh cho ông bà nội một cháu bé trai, cháu đích tôn của ông bà. Hồi 8 giờ tối ngày 14- 1 - 2006 vừa qua, tôi được ông B. nói qua điện thoại, ông báo tin mừng về việc ông bà đã có cháu trai nội. Đồng thời ông hỏi tôi về chứng khóc đêm của cháu ông. Qua điện thoại, tôi nói với ông mấy cách chữa bệnh đó. Cuối câu chuyện, tôi khuyên ông nên dùng điếu ngải hơ trên huyệt Bách hội cho cháu. 

Cách cứu bằng điếu ngải, tôi đã giới thiệu kỹ từ những ngày tôi cộng tác với đơn vị ông, cùng nhau làm đề tài cấp nhà nước, ông còn nhớ rất rõ. Ông cẩn thận nhắc lại cách cứu điếu ngải để tôi nghe xem ông nhớ còn đúng không. Ông nói : 
Đốt điếu ngải, phải đợi cho mồi lửa cháy hồng khắp đầu điếu ngải. Tay cầm điếu ngải, cần có hai ngón tay 4-5 để lên đầu cháu bé làm cữ, sao cho mồi ngải cách huyệt khoảng 2-3 cm. Sức nóng từ điếu ngải xông xuống huyệt, làm cho da đầu cháu dần dần ửng hồng lên. Không được hơ gần qúa, sợ gây bỏng da đầu bé. Hơ khoảng 5-7 phút, da xung quanh huyệt ửng hồng lên là được.” 

Tôi khen ông B : “Ông nhớ giỏi lắm.” Ông nói: “Thỉnh thoảng em vẫn tự cứu cho mình và người nhà để chữa những bệnh vặt, nên em còn nhớ chứ.” Gần 10 giờ đêm 17-1- 2006, ông gọi điện thoại đến cảm ơn tôi, và ông nói: “Đêm đầu tiên, em hơ cho cháu, cháu đỡ khóc hơn một ít. Đêm thứ hai, em hơ xong, cháu khóc ít hẳn đi. Sau lần hơ đêm thứ ba, cháu không khóc nữa. May quá, cả nhà em thoát được nỗi khổ mất ngủ, mệt mỏi, vì phải thức theo cháu. Nhất là mẹ cháu và bà nội cháu.” Ông cảm ơn tôi xong, ông lại hẹn với tôi, chừng ít ngày nữa ông sẽ đến chơi thăm tôi. Ông tuy đã nghỉ hưu, nhưng không chịu nghỉ yên. Với khả năng ngoại ngữ thành thạo, ông luôn cộng tác với các đơn vị cần đến vốn liếng tiếng Nga của mình để ông phục vụ. Mỗi khi có điều kiện, ông lại ghé qua thăm tôi. Nhờ đó, tuy đã cách xa những ngày cộng tác ở Học viện Quân y hơn 20 năm, nhưng tình cảm giữa ông và tôi vẫn đằm thắm và tôn trọng lẫn nhau. Tôi quý nhất ở ông là, lúc nào ông cũng tìm hiểu vấn đề một cách khoa học. Vì thế, chắc chắn buổi gặp sắp tới đây, ông sẽ hỏi tôi về nguyên nhân bệnh dạ đề của cháu nội ông. Cho nên tôi chuẩn bị tài liệu để cung cấp cho ông như sau:

Sách Đông y nhi khoa viết: Dạ đề, nghĩa chữ là “kêu đêm”, một loại khóc không có nước mắt. Trẻ em ban ngày thì yên tĩnh, ban đêm thì kêu khóc không yên. Đêm nào cũng thế, giống như có quy luật, cho nên gọi là “dạ đề.”Nếu như bởi có mụn ở miệng, do sữa làm hại; do phát sốt; hoặc trẻ mới được cai sữa; cho tới ban đêm có tập quán ưa nhìn đèn; hoặc bởi có sự thay đổi hoàn cảnh đã dẫn đến khóc đêm, đều không phụ thuộc phạm vi bài này, nên phân biệt để xử lý cho đúng.
Nguyên nhân bệnh:
Có ba nguyên nhân là : Tâm nhiệt, tỳ hàn và sợ hãi.
- Tâm nhiệt : Trẻ em mới sinh, do bẩm thụ nhiệt ẩn náu từ trong thai, tâm hoả tích thịnh, thao nhiễu không yên, đưa đến khóc đêm.
- Tỳ hàn : Trẻ em mới sinh, bẩm phú bất túc, tỳ tạng hư hàn, ban đêm đến âm thịnh, khí trệ, tỳ không vận hoá, đến nỗi uất tích không thư. Hoặc do đau bụng kéo dài, kêu khóc không dứt.
- Sợ hãi : Trẻ em mới sinh, bởi thần khí non nớt, cảm xúc về tiếng động lạ, vật lạ, sợ hãi quá mức làm cho giấc ngủ không yên, khi phát sợ hãi thì khóc...”
Theo thời sinh học cổ Phương Đông, trẻ em sinh ra phạm giờ dạ đề, chúng đều có chứng khóc đêm. Cách tính trẻ sinh phạm giờ dạ đề như sau:
Mùa đông sinh giờ mão. Mùa xuân sinh giờ ngọ. Mùa hạ sinh giờ dậu. Mùa thu sinh giờ tý.
Ngoài phương pháp chữa dạ đề bằng cứu ngải ở huyệt Bách hội ra, còn có bài thuốc khác dễ làm, không đòi hỏi kỹ thuật chuyên nghành như cứu ngải. Sách “Y tông kim giám” chép tên bài thuốc là: “Thiền hoa tán.” Dược vật và cách chế như sau :

Xác ve sầu (Thiền y), bỏ đầu, bỏ chân. Đem nghiền thuốc thành bột nhỏ mịn. Lấy 3 phân Bạc hà (khoảng 1gr) sắc nước. Ngoáy với bột xác ve sầu đã làm mịn, từ 1 đến 3 phân (khoảng 0,5 đến 1 gr), đổ cho trẻ uống. Hy vọng ông B. có thể đem kinh nghiệm của bản thân đã chữa cho cháu mình, ông sẽ phổ biến cho nhiều người biết. Các bạn đồng nghiệp trẻ cũng như mọi bậc ông bà, cha mẹ trẻ, nếu đọc được bài viết này sẽ có một kinh nghiệm quý cho gia đình mình.
Nguồn: sách cẩm nang chẩn trị đông y