29 thg 5, 2013

Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa


 

Thầy Trần Công Bình

Tôi không phải là một thầy thuốc Đông hay Tây y,, chỉ là một giáo viên đã nghỉ dạy. Bản thân mình, đã hai lần bị đau ” Thần kinh tọa “. Hiện nay, sức khỏe đã bình thường. Tôi muốn ghi lại đây một vài kinh nghiệm từ việc điều trị bệnh đau thần kinh tọa của bản thân, ngỏ hầu nếu được, có thể giúp ích phần nào cho bà con xung quanh. Rất mong quý vị rành về nghề Y đóng góp thêm ý kiến.

Năm 1990, lần đàu tôi phát bệnh, lúc này trong khi cố gắng vác một bao phân xuống ruộng, với quãng đường khoảng 500 mét ( trước đó, vào năm 1983, có lần tôi đã bị ” Cụp xương sống ” do khiêng vác nặng), về nhà thấy chân bị mỏi và bắt đầu đau nhức, đau lan từ thắt lưng xuống sau mông, xuống tiếp phía sau đùi và đến gót chân, ngày càng đau nhức nhiều hơn, đi đứng, nằm ngồi, kể cả đi cầu rất khó khăn, mỗi lần thay đổi tư thế là một cực hình. Đến khám bệnh, bác sĩ Châu Hữu Hầu chẩn đoán tôi bị thoát vị đĩa đệm gây chèn ép và viêm chùm dây thần kinh (trong cột sống) dẩn đến bị “đau thần kinh toạ”.

Lần ấy tôi theo Tây y điều trị mỗi ngày, uống 3B (B1,B6,B12) + thuốc chống viêm+thuốc chống đau nhức+chích Terneurine H5000. Sau vài tháng mới bớt đau nhức và đi lại được, nhưng chân đau bị teo lại (khoảng8/10) so với chân không đau, sau gần một năm hai chân mới bình thường.

Đầu năm 1992, một lần nữa tôi phát bệnh (đau thần kinh toạ). Lần nầy, không phải đau chân trái mà đau chân phải.Lúc đầu, tôi cũng theo Tây y và điều trị như trên, nhưng còn thuốc trong người thì bớt đau nhức, hết thuốc thì đau nhức trở lại. Điều kiện kinh tế gia đình ngày một khó khăn, sức khoẻ ngày một kém. Đầu hè 1992 tôi nộp đơn xin nghỉ dạy, ở nhà chuyên tâm trị bệnh.

Trong thời gian nằm nhà điều trị bệnh, bạn bè, người thân, học trò đến thăm, người chỉ phương cách nầy, người đưa tài liệu kia…để tham khảo.Tôi để ý đến một số tài liệu:

Toa I:


Trị đau thần kinh toạ, có in trong quyển sách “Sổ tay Bệnh Lý&Điều trị Đông và Tây y”(tập III,bệnh ngoại và chuyên khoa,Hội Y Dược T.P Hồ Chí Minh xuất bản năm 1992) do em Nguyễn Văn No ( hiện là BS trưởng khoa ngoại Trung Tâm Y Tế Tân Châu) cho mượn:

1/-Rễ lá lốt 12g

2/-Thiên niên kiện 12g

3/-Cẩu tích 16g

4/-Quế chi 8g

5/-Ngãi cứu 8g

6/-Chỉ xác 8g

7/-Trần bì 8g

8/-Ngưu tất 12g

9/-Xuyên khung 12g

(Đổ 500ml nước, nấu sắc còn 100ml, ngày uống một thang 2-3 lần nấu)

-Toa II: Toa thuốc ngâm rượu (2lít) trị: tê-nhức, bao tử(ngày uống một ly nhỏ trước khi ngủ)

1/-Lưu lợi  2chỉ

2/-Hồng hoa 1chỉ

3/-Đại hoàng 3c

4/-Quyết kiệt 1c

5/-Ngưu thất 3c

6/-Lục đoạn 2c

7/-Đơn qui 2c

8/-Mộc hương 3c

9/-Mộc hoa 2c

10/-Đỗ trọng 2c

(Toa thuốc nầy tôi ghi lại từ một chương trình phát hình của Đài Truyền Hình Cần Thơ, khoảng thời gian 1988-1990 do một nữ dược sĩ phổ biến mà tôi quên ghi tên. Khi tôi bệnh, anh bạn nông dân tên Hết ngụ ở ấp Long Thạnh B Tân Châu đến thăm và mang cho toa nầy, nói toa gia truyền của ai đó anh nhờ người dịch lại từ chữ Hán, tôi đối chiếu hai toa giống hệt nhau)

-Một số bài báo và tài liệu do hai em Trần Ngọc Thu (phòng Giáo Dục Phú Châu) và Cao Thanh Đừng (Trường C2 Tân Châu) cho mượn.

Lúc đầu,cũng ngại thuốc “Bắc” mắc tiền và không trị đúng bệnh, nhưng hằng ngày điều trị theo Tây y cũng khá tốn, mà còn thuốc trong người thì bớt đau nhức, hết thuốc thì đau nhức nhiều.Tôi thử đến tiệm Phước Sanh Đường, Sanh Sanh Đường.. ở Tân Châu bổ thuốc. Thật không ngờ, toa I chỉ có3000đ, toa II chỉ có 5000đ ( hiện toa I khoảng 5000đ, toa II khoảng 8000đ). Hằng ngày, nhờ vợ con nấu thang I (2-3 lần nấu, đến chừng nào thuốc lạt thì thôi. Trước khi ngủ (trưa và tối),uống thêm một cốc ruợu thang II. Sau vài ngày sử dụng, thấy bớt đau nhức, người ấm hơn, đi cầu nhẹ nhàng hơn.

Trong thời gian rảnh, dưởng bệnh, những tài liệu của em Thu & Đừng cũng giúp thêm cho tôi một ít. Thì ra, theo đông y, đau thần kinh toạ (phổ biến) do “kinh dớn” bị viêm, trời lạnh đau nhức nhiều, ăn đồ ăn có tính “hàn”(như rau má, nước dừa, khổ qua…)gây nhiều đau nhức, tắm tối với nước lạnh cũng gây nhiều đau nhức.

Ngoài sử dụng hai thang thuốc trên, tôi kết hợp”nằm lửa” (như đàn bà đẻ ở quê ngày xưa), bên dưới có lót lá đu đủ dầu (hoặc lá điều, dây lá cù lần, lá huệ chuối), cũng thấy người ấm hơn và đở đau nhức kết hợp với tập thể dục nhẹ những động tác chân và lưng.

Sử dụng hai thang thuốc trên được khoảng một tháng hết đau nhức. Tôi bỏ thang I và chỉ sử dụng thang II . Hiện tại, tôi vẫn còn ngâm rượu thang II, lâu lâu uống một cốc, không bị táo bón và tay chân..cũng đở tê mỏi sau những giờ lao động ở ruộng về, đi đứng không còn bị đau nhức, nhưng chân phải (chân đau) bị teo nhiều, bước đi khập khểnh, chân thấp chân cao.

Kể từ lúc phát bệnh đến khi hết đau nhức khoảng 6 tháng,trong đó sử dụng thuốc tây khoảng hơn 5 tháng đầu, thời gian sau chỉ dùng hai thang trên, nhưng bước chân vẫn khập khểnh, mãi đến tháng 9/1996(sau hơn bốn năm),một sự tình cờ, tôi mới đi đứng bình thường .

Tháng 9/1996, sau khi nhận được giấy báo của trường Đại Học Đà Lạt không đồng ý cho phép con tôi tiếp tục nghỉ học thêm một năm nửa để điều trị bệnh (tâm thần), phải trở lại trường tiếp tục học, nếu không phải bỏ học.Với sự thiết tha việc học của con, sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, tôi quyết định đưa con trở lại Đà Lạt để tiếp tục học (đây là một quyết định sai lầm của tôi, đứa con phát bệnh trở lại, điều trị đến giờ vẫn chưa khỏi). Trong thời gian chờ đợi quyết định (một tuần), hàng ngày, hai buổi đi bộ từ chợ Hoà Bình đén trường (khoảng 2 km), đường Đà Lạt nhiều dốc, lên và xuống dốc đều phải cố sức giữ thăng bằng, khi trở về nhà, bước đi không còn khập khểnh mà không hay. Hiện sức khoẻ của tôi bình thường, vác lúa, rải phân, xịt thuốc sâu đôi khi vẫn làm như thường.

Sau nầy, có nhiều người trong xóm cũng đau thần kinh toạ, sử dụng hai toa trên đều có kết quả tốt. Tôi không phải là thầy thuốc nên không rõ “đau thần kinh toạ “ do bao ngyên nhân, nhưng nếu có bạn nào bị đau và có triệu chứng giống như tôi ở trên, hãy thử sử dụng xem sao, không hại gì sức khoẻ và không tốn hao bao nhiêu đâu, đừng ngại!

Trần công Bình,Tổ 13 ấp Long Hưng I, xã Long Sơn, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

Bài này của Lương y Phan VăN Sang:
http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/11283-Phuong-tri-benh-than-kinh-toa.html 

Phương trị bệnh thần kinh tọa


Chứng đau Thần kinh tọa phổ biến nhiều ở lứa tuổi 30-60. Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa cũng có rất nhiều nhưng hay gặp là do thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống nguyên phát hay thứ phát do hậu quả của hư đĩa đệm, gây chèn ép rễ thần kinh liên quan, hẹp lỗ gian đốt sống, viêm ngoài màng cứng và những nguyên nhân khác.
Tọa  có nghĩa là ngồi. Đau chứng Thần kinh tọa ở đây là bỡi liên quan đường vận hành ở chân và eo lưng của đường kinh Bàng quang, Đởm và Vị, do nhiều nguyên nhân cơ năng hoặc thực thể ở bản thân dây thần kinh hoặc rễ thần kinh, cơn đau kéo dài từ thắc lưng qua mông dẫn xuống tận bàn cân, ngón chân.
Ngoài những đường kinh nói trên tôi còn quan tâm nhiều đến Đốc mạch, mà cột sống lưng có liên quan mật thiết đến Đốc mạch.
Chứng đau Thần kinh tọa phổ biến nhiều ở lứa tuổi 30-60. Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa cũng có rất nhiều nhưng hay gặp là do thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống nguyên phát hay thứ phát do hậu quả của hư đĩa đệm, gây chèn ép rễ thần kinh liên quan, hẹp lỗ gian đốt sống, viêm ngoài màng cứng và những nguyên nhân khác.
Người thường măc phải bệnh này phần đông là nhân viên văn phòng, công nhân  bốc vác, người làm việc ở môi trường ẩm thấp…
Đầu tháng 01 năm 2008 tôi có tiếp một bệnh nhân tên trần Minh Năm 56 tuổi, cư ngụ tại huyện E’Hleo thuộc Tỉnh Đắc Lắc làm nghề xây dựng.
QUA TỨ CHẨN :
1.VỌNG : Nhìn  2 người con trai kẹp nách 2 bên giúp ông lê từng bước khó nhọc vào đến phòng khám của tôi, ngồi an vị trên ghế mà ông cứ nhăn mặt khóc ròng trông thật thảm hại khiến cho ai thấy cũng cảm nhận được cái đau đang hành hạ trên cơ thể ông.
Vẻ tiều tụy, ánh mắt thất thần qua nhiều đêm không ngủ.
2.VĂN: Nghe từng câu đứt quãng không rõ ràng, hơi thở mệt nhọc nên tôi yêu người nhà khai hộ.
3.VẤN : Theo lời khai của người nhà, bệnh nhân này phát sinh ra chứng đau nhức vùng cột sống thắc lưng lan tỏa qua 2 mông, chạy xuống khớp gối và dọc xuống tận mắt cá chân. Bệnh âm ỉ cũng đã lâu năm, nhưng do cuộc sống lao động nên không  có thời gian chạy chữa.
Đến khi phát bệnh đau dữ dội mới đi khám ở các tuyến dưới. Sau một thời gian nằm viện, được chích thuốc lúc bớt lúc không, đến lúc đau chịu hết nổi nên xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy Sài gòn, sau khi chụp Phim được Bác Sĩ chẩn đoán là thoái hóa cột sống lưng từ L1 đến S1.
Do bệnh không gì nguy hiển nên Bệnh viện bán thuốc rồi cho về, nhưng đau quá không ăn không ngủ được, giờ chuyển qua xin chữa Đông Y.
4. THIẾT : Huyết áp 11/7; mạch Tả Quan, Xích ( mạch Can, mạch Thận bên trái )Trầm hoạt.
Sau khi dùng 4 pháp chẩn như trên, xác định được nguyên nhân sinh ra bệnh, tôi mời ông nằm yên trên giường, đang trong cơn đau hoành hành của bệnh nhân tôi phải dùng những mũi kim châm cứu xuyên thấu qua từng huyệt đạo: Bá hội, Đại chùy, Đại trữ, Phong môn, Mệnh môn, Thận du, Hoàn khiêu, Thừa phò, Ủy trung, Dương lăng tuyền, Túc Tam lỳ, Tam am giao, Huyền chung, côn lôn…( luôn thay đổi huyệt trên chứ không châm hết một lần ) dùng nhịp rung của điện cực vừa tả vừa bổ cộng với ánh đèn hồng ngoại hơi ấm chiếu vào khiến cho bệnh nhân trong hơi thở êm ái ngủ ngon lành sau hơn tháng trời mất ngủ vì cơn đau hành hạ.
Cứ như thế mỗi ngày người nhà đưa ông đến để tôi châm cứu và dùng phương “Độc hoạt Tang ký sinh gia giảm” uông liên tục mỗi ngày. Hơn nửa tháng  điều trị, đến nay ông đã giảm đau đến 80%.
Ngày thứ Bảy vừa qua (19/01/2008), ông đã vui vẻ cho tôi biết, ông đã thử lên xe đạp chạy vòng vòng, thấy mình đã bớt đau nhiều nên chủ nhật hôm sau (20/01/2008) ông xin ngưng châm cứu và bổ thêm mươi thang thuốc về lại huyện nhà E’Hleo thuộc tỉnh Cao nguyên Dakak.
Làm cách nào mà tôi điều trị một bệnh nhân đang trong cơn đau mà giảm nhanh chóng như vậy ?
Xin thưa quý vị. Ở đây tôi không hề dùng  đến các loại thuốc Tây có tính chất gỉam đau của Tây Y.
Tôi xếp bệnh này thuộc hội chứng thoái hóa xương khớp, thể hiện cơn đau qua chứng Thần Kinh Tọa thuộc loại bệnh Phong Thấp Hàn.
Một Lương Y đồng nghiệp của tôi có đã viết như thế này:
Bệnh đau xương khớp vì sao ?
Thận hư, xương yếu, phong thấp vào mà sinh ra.
Như vậy, bệnh đau do xương khớp bị thoái hóa, hoặc vôi hóa là do gốc ở Can Thận bất túc đến mức quá hư suy, phong hàn thấp từ ngoài thừa thế xâm nhập vào mà sinh ra.
Bỡi  chức năng Thận là nuôi cốt tủy, chức năng Gan là nuôi dưỡng gân cơ.
Thận sinh ta Tinh, tinh hoa của thận chuyển qua ống xương thành tủy, tủy nuôi xương khớp, khiến cho xương khớp được cứng cáp.
Như vậy, Thận coi như là mẹ của xương khớp. Nếu mẹ ( là Thận ) thiếu bồi dưỡng ( trường hợp Phụ nữ huyết trắng, Nam di tinh  lâu ngày ) hoặc nam nữ trác tráng ( thất thoát nhiều khiến cho tinh khô huyết kém). Thận tinh suy kiệt  khiến cho xương khớp thoái hóa.
Tỳ vị ( chức năng tiêu hóa ), Tỳ hấp thu dinh dưỡng ( trong thức ăn) hợp với Can sinh ra huyết ( hệ thống Can Tỳ vị ). Can cung cấp dinh dưỡng nuôi các gân cơ. Nhưng Can huyết kém ( do thiếu dinh dưỡng ) không đủ cung cấp nuôi dưỡng gân cơ, gân cơ co duỗi khó khăn, đau mỏi.
Can Thận suy, tà khí ( hàn thấp, hoặc nhiệt thấp ) thừa thế xâm nhập vào sinh ra chứng Phong Thấp đau nhức.
Trong Đông y có câu “Cấp trị Tiêu, hoãn trị Bản”, nghĩa là bệnh đau gấp quá thì trị “Ngọn” ( làm giảm đau ), bệnh đau không gấp thì từ từ mà trị “Gốc” bệnh.
Vậy, bệnh nhân này là hàn thấp nên gây ra đau đớn các thần kinh cơ khớp là cái ngọn. Cái gốc là do Can Thận suy.
Can Tỳ Thận là gốc rễ tạo nên TINH-HUYẾT-KHÍ-THẦN-TÂN DỊCH.
Đối với bệnh nhân Trần Minh Năm này, vì muốn nhanh chóng bớt bệnh cho nên tôi vừa trị Tiêu, vừa trị Bản, nghĩa là vừa Tả ( loại trừ ) Phong hàn thấp vừa mạnh tay Bổ Can Tỳ Thận, bổ Can Tỳ Thận tức là bổ Chánh khí. Bỡi Tổ Lãn Ông có dạy : “ Chánh khí đắc lực tà vô dụng địa
Tà ở đây ám chỉ cho khí độc bên ngoài xâm nhập gây ra bệnh.
Chánh ở đây là chỉ cho Khí lực của Tỳ khí, Can khí, Thận khí ( bao gồm TINH-HUYẾT-KHÍ-THẦN-TÂN DỊCH : Tinh là tinh nam nữ, Huyết là máu, Khí là sức vận hóa, sức đề kháng, Thần: là sự nhận thức phân biệt, Tân Dịch là lượng nước trong cơ thể). 
Chánh khí đầy đủ thì trong thân ta bệnh tật không có chỗ dung chứa.
Y tổ Lãn Ông lại dạy : “Lương y như Lương tướng” Làm nghề Lương Y phải như một tướng tài biết điều binh, khiển trận.
Ngài Lãn Ông lại nói: “Y giả, ý dã, dụng dược như dụng binh” nghĩa là lương y sử dụng thuốc phải theo cái ý của mình, như dũng tướng biết điều binh nơi trận mạc vậy !
Đối với người bệnh trần Minh Năm này sinh sống ở vùng Cao nguyên xứ lạnh, thừa lúc suy yếu hàn thấp đã xâm nhập vào các kinh mạch gây nên đau nhức dữ dội. Để ôn bổ ( bổ ấm ) Can, Tỳ, Thận qua các Kinh mạch, tôi phải dùng các vị thuốc thuộc nhóm Dương dược để trừ chứng Hàn Thấp như: Đỗ trọng, Tục đọan, Cốt toái bổ, Cẩu Tích, Phụ tử, Quế chi (để tẩu tán 12 kinh mạch), thân cây lá lốp (Tất bát), ngưu tất để dẫn thuốc thấm sâu vào tận xươn tủy và đi xuống dưới tận dưới bàn chân vì thế mấ ngày sau bệnh nhân Trần Minh Năm hỏi tôi: “ Sao uống thuốc vào thấy nó chạy rầng rầng, mà chạy đến đâu nóng đến đó thêm đau nhức dữ quá.
Tôi trả lời: “ Anh yên chí và chịu đau chút đi, vì đó là theo ý của tôi đó. Bỡi lâu nay anh bị thấm lạnh nên kinh mạch, khí huyệt bị  ngưng trệ, nay cho thuốc vào để  khai thông , nên thuốc chạy đến đâu nó phá ứ đến đó nên phài đau chút vậy đó, vài hôm sẽ hết thôi.”
Vài hôm sau ông lại hải: “ Thầy ơi , hôm nay thì hết đau nhức, nhưng giờ thuốc chạy đến đâu thì nổi mề đai ngứa đến đó.?”
Nghe qua tôi sực nhớ lời ngài Hải thượng Lãn Ông có dạy: “ Đánh giặc thì phải mở cữa thành”.
Thế là tôi gia thêm các vị như : Đại hoàng ( hoặc lá muồng trâu ), Trạch tả ( hoặc rễ tranh ), lúc bấy giờ đường đại tiểu tiện ông thông thoáng, bài tiết hết các chất độc trong cơ thể ra ngoài ông hết phong độc , hết ngứa, ăn ngủ được yên.
Y Tổ Lãn Ông còn dạy: “ Trị phong tiên trị huyế, huyết hành phong tự diệt
Như vậy chưa đầy một tháng mà bệnh nhân Trần Minh Năm đã bớt bệnh nhanh chóng và trở về Daklak  sum họp với gia đình thân quyến, với bạn bè và đã hưởng một mùa xuân Nhâm Tý( 2008) tràn đầy vui tươi và hạnh phúc.
Đó là niềm vui và một trong những thành quả đã đạt được trong nghề chữa bệnh của tôi xin được chia sẻ đến với mọi người, nói thế nhưng trình độ vẫn còn hạn hẹp, nếu các bậc cao minh có thấy những điều sai sót, lương y Phan văn Sang tôi xin được học hỏi thêm.
Thần kinh tọa lâu ngày, teo cơ đùi, do đau vùng cột sống, thắc lưng qua 2 bên mông ( hoặc 1 bên ) chạy dọc xuống chân đến mắc cá, Thần Kinh Tọa lâu ngày muốn liệt cả 2 chân, đau không chịu nổi.

Phương thuốc:


Thục địa 12 gam
Xuyên khung 10 gam
Đương quy 12gam
Tục đoạn 16 gam
Tang Ký sinh 16gam
Ngưu tất 16 gam
Đãng sâm 16 gam
Huỳnh kỳ 12 gam
Cam thảo 4gam
Bạch Truật 12 gam
Bắc Chánh Hoài 12 gam
Tỳ giải 12 gam
Hà Thủ ô 16gam
Bắc đỗ trọng 16gam
Hồ Đào nhân 9gam
Cẩu tích 12gam
Cốt toái bổ 12gam
Phòng phong 10gam
Độc hoạt 12gam
Khương hoạt 12gam
Nhủ hương 8gam
Mộc dược 8g
Xích thược 8gam
Đơn bì 8gam.
Tế tân 8gam

Xưa nay chữa cho người bệnh Thần Kinh Tọa tôi chỉ dùng bài này, nhưng phải linh hoạt gia giảm cho hợp cơ địa người bệnh mới mong chóng khỏi.
Nhưng cũng tùy cơ địa mỗi người mà gia ( thêm vị thuốc vào), giảm ( bỏ bớt những vị thuốc ra vì không hợp hàn hay nhiệt của người bệnh )
Ví dụ người bệnh có kèm huyết áp cao , gia Rễ nhàu, tăng vị Đỗ Trọng, Ngưu tất vào v.v..
Người ốm yếu mệt mỏi gia Tăng vị Đãng sâm, gia Huỳnh kỳ…..
Lần lượt tôi sẽ chia sẻ những phương kinh nghiệm cho tất cả mọi người. Mong sao ai ai cũng chóng khỏi bệnh, đem lại sức khỏe và niềm vui cho mọi nhà.
Nếu quý vị không thể tự gia giảm, xin liên hệ tôi với số ĐT 0902323549 ,
hoặc Email : luong_y_sang@yahoo.com

Phật tử lương y PHAN VĂN SANG


Bài thuốc hay chữa khỏi viêm đại tràng


ST

Bùi Hữu Cư   -Thứ Tư, 17/04/2013, 18:30 (GMT+7)
Nhờ bài thuốc này, từ 39 kg nay vợ tôi đã nặng 50 kg và không còn thấy đau đại tràng suốt 20 năm. Tôi cũng đã cho không dưới hai chục người công thức bài thuốc này và họ đều nói là đã khỏi bệnh.

Tôi là Bùi Hữu Cư - cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, hiện sống tại ngõ 78 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vợ tôi trước đây bị bệnh viêm đại tràng (thể táo), đã chữa rất nhiều nơi bằng rất nhiều các loại thuốc từ Tây y đến Đông y của rất nhiều thầy thuốc nhưng đều không khỏi. Mỗi bữa ăn cơm cứ có mỡ hoặc chất tanh là vợ tôi lại bị đau bụng quặn lên. Khi đó vợ tôi chỉ nặng có 39 kg.

Thật may, năm 1991 tôi được một anh bạn (có bố cũng bị bệnh này, đã đi chữa ở CHDC Đức không khỏi, dùng một bài thuốc rất đơn giản do một người quen bên Trung Quốc cho thì khỏi hẳn) cho lại công thức của bài thuốc chữa bệnh viêm đại tràng. Tôi làm thuốc cho vợ tôi uống. Chỉ trong 3 ngày đầu vợ tôi thấy dễ chịu hẳn. Sau một tuần thì không đau và có thể ăn thức ăn có mỡ. Sau một tháng thì có thể ăn cả cá .Cơ thể hấp thụ tốt nên ngay tháng đầu uống thuốc vợ tôi đã tăng được 2 kg. Từ 39 kg nay vợ tôi đã nặng 50kg và không còn thấy đau đại tràng suốt 20 năm. Hiện nay gia đình tôi vẫn có một lọ nhỏ loại thuốc này trong tủ lạnh để khi thấy bụng dạ không ổn là uống một viên.

Tôi cũng đã cho không dưới hai chục người công thức bài thuốc này và họ đều nói là họ đã khỏi. Theo anh bạn tôi kể lại rằng: Người bạn Trung Quốc có nói qua về tác dụng của các thành phần của bài thuốc như sau :


- Cây ngải cứu có tác dụng như một kháng sinh có thể đẩy một số loại vi khuẩn có hại ra ngoài như vi khuẩn lị, amip...

- Nghệ và mật ong thì trám vào vết thương trong đường ruột làm nó mau lành.

- Mật lợn: Theo họ nói người bị bệnh đại tràng thường là do dịch mật tiết ra không đủ trong quá trình tiêu hóa nên một lượng thức ăn vẫn còn độ cứng dễ làm các vết thương trong đại tràng tái phát. Mật lợn trong bài thuốc này hỗ trợ cho phần thiếu hụt trong cơ thể.
 

Lá ngải cứu.

Bài thuốc cụ thể như sau:

Thành phần:

- Mật lợn tươi: 1 cái  (lợn có trọng lượng 70 – 100 kg).
- Nghệ vàng tươi: 2 lạng.
- Mật ong: 30 ml.
- Ngải cứu tươi: 5 bó to (tương đương với khoảng 500 g).

Cách làm:

Nghệ tươi và ngải cứu rửa sạch, cắt nhỏ cho vào máy xay sinh tố xay cùng với 0,5 lít nước thật nhuyễn. Sau đó lọc qua vải phin lấy nước. Bã bỏ đi. Mật lợn lọc lấy nước (vì mật lợn hay có sạn sỏi bên trong). Cho tất cả phần nước hỗn hợp nghệ + ngải cứu + nước mật lợn + mật ong vào môt nồi, quấy đều, đun nhỏ lửa để cô lại thành cao. Cho phần cao đó vào một cái lọ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần.

Lưu ý: Để tránh mất thời gian và đủ lượng dùng, ta nên làm một lần với tỷ lệ trên cho 4 hoặc 5 cái mật lợn.

Cách dùng:

Mỗi ngày 2 lần: Sáng và tối, uống vào trước bữa ăn 30 phút. Liều lượng mỗi lần 1 viên to như hạt lạc là đủ.

Nếu bạn nào muốn hỏi thêm thông tin về bài thuốc này, xin mời liên hệ với tôi: Bùi Hữu Cư, số điện thoại 0913.205363. Chúc các bạn nhanh khỏi bệnh!

28 thg 5, 2013

11 Bí Quyết Giúp Bạn Đơn Giản Hóa Cuộc Sống

 


1./ Rút kinh nghiệm chứ đừng sống trong quá khứ!


Những vấp ngã ngày xưa sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, giúp bạn xây dựng một tương lai tốt đẹp. Đừng để quá khứ trở thành nỗi sợ hãi. Đừng để bụng những phiện muộn mà bạn đã trải qua. Thay vào đó, hãy đạp lên quá khứ, hãy biến nó thành những nấc thang kinh nghiệm. Đừng hối hận. Nếu quá khứ bạn tốt đẹp, đó là điều tuyệt vời. Nếu ngược lại, nó là những trải nghiệm quý báu. Thành công không phải ở vị trí mà bạn đang đứng, thành công là bạn đã học hỏi được bao nhiêu và bạn đã đi được bao xa.

2./ Tập trung vào những việc quan trọng

Hãy xác định điều gì là thiết yếu nhất đối với bạn. Loại bỏ tất cả những thứ không đáng để quan tâm. Đừng phí thời gian vào những gì vô bổ để rồi phải hối hận.

3./ Làm việc thông minh chứ đừng chăm chỉ

Hoàn thành xong việc khác với hoàn thành đúng việc. Kết quả luôn luôn quan trọng hơn thời gian bạn bỏ ra để hoàn thành công việc nào đó. Dừng lại và tự hỏi bản thân: công việc mình đang làm liệu có đáng để nỗ lực? Liệu nó có đưa mình đến gần mục tiêu mình muốn hay không? Đừng để bị cuốn vào những công việc lặt vặt, thậm chí là nghe có vẻ khẩn cấp. Hãy làm những việc quan trọng nhất.

4./ Cho đi những gì bạn muốn nhận

Bạn nhận được những thứ tốt nhất từ mọi người khi bạn cho đi những gì tốt nhất từ bạn, trong mọi tình huống. Hãy tiến hành quy luật vàng này. Nếu bạn muốn ai đó yêu thương bạn, hãy yêu thương họ. Nếu bạn muốn kết bạn, hãy tỏ ra thân thiện. Nếu bạn muốn vật chất, hãy bổ sung giá trị. Đó là sự thật, chỉ đơn giản là thế.

5./ Hãy thôi lo chuyện bao đồng

Đừng cố gắng làm bạn với tất cả mọi người. Hãy xây dựng mối quan hệ thân tình với một nhóm người. Hãy trở thành mọi thứ với một ai đó. Giúp đỡ hay làm hài lòng thiên hạ là chuyện bất khả thi. Nhưng làm cho một ai đó cười có thể thay đổi cả thế giới, không phải thế giới to lớn ngoài kia, mà là thế giới của họ. Do đó, hạn chế các mối quan hệ lại và hãy là chính bạn.

6./ Làm theo những gì trái tim bạn cho là đúng

Hãy thôi làm những việc trái với lương tâm chỉ vì bạn có thế làm. Hãy trở nên trung thực với chính bản thân mình và với mọi người. Đừng gian dối. Hãy tử tế. Làm những việc đúng đắn. Một cách đơn giản nhất để sống. Đức tính chính trực là đức tính quan trọng nhất để thành công. Khi bạn đánh mất đi sự liêm chính của mình, vô tình bạn đã mời gọi những rắc rối đáng kể bước vào cuộc sống của bạn. Hãy đơn giản hóa cuộc sống và hạnh phúc làm theo những gì trái tim bạn cho là đúng.

7./ Sống và làm việc có tổ chức

Hãy dọn sạch mọi hỗn độn. Vứt bỏ đi những vật vô ích và sắp xếp những gì còn sót lại. Giữ cho ngôi nhà và nơi làm việc của bạn được gọn gang là việc hoàn toàn cốt yếu. Nếu không gian của bạn bừa bộn, bạn sẽ dễ bị stress và xao nhãng nhiều thứ. Không gian sạch sẽ giống như một bức tranh trắng vậy, bạn có thể vẽ lên đó những nét họa tuyệt vời.

8./ Làm việc hiệu quả

Hãy thôi làm việc kém hiệu quả chỉ vì lúc nào bạn cũng hoàn thành công việc theo cách cũ. Nếu bạn cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ chỉ nhận được tiếp những gì ban đang nhận. Nghĩ lại xem, có phải bạn đang sống trong một cuộc sống đầy phức tạp và vô kế hoạch chỉ đơn giản vì bạn lười biếng, không muốn tìm hướng đi mới hay không? Thay vào đó, hãy tổ chức hóa cuộc sống của bạn bằng cách tìm những phương pháp tốt nhất để giải quyết mọi công việc thường lệ. Tập trung hệ thống từng việc tại từng thời điểm (hệ thống hóa công việc dọn dẹp, hệ thống hóa các việc lặt vặt mỗi ngày, hệ thống hóa các công việc giấy tờ, hệ thống hóa chiếc Laptop/PC của bạn…) theo cách hiệu quả và logic. Một khi bạn hài lòng với hệ thống mới của mình, hãy cứ theo đó mà tiến hành.

9./ Giã từ chủ nghĩa hoàn hảo

Hãy hài lòng với mọi cơ hội mà bạn có, không phải vì cuộc sống này dễ dàng, tuyệt mỹ, hay chính xác với những gì bạn đã đề ra, mà bởi vì bạn đã chọn cách hạnh phúc và biết ơn những điều tốt đẹp bạn đang có. Hãy chấp nhận sự thật rằng cuộc sống này không hề hoàn hảo, con người cũng không hoàn hảo và cả chính bạn cũng vậy, chúng ta đều không hoàn hảo. Chẳng sao cả, vì thực tế cuộc sống chẳng đề cao sự hoàn mỹ. Nó đề cao những người hoàn thành đúng những việc đáng làm. Và cách duy nhất để hoàn thành mục tiêu bạn đề ra là hãy thôi đòi hỏi sự hoàn mỹ.

10./ Hãy làm lơ những kẻ tiêu cực

Đừng kết bạn với những người tiêu cực. Hãy kết bạn với những ai khiến bạn tự hào mỗi khi nhắc đến, những người bạn ngưỡng mộ, những người yêu thương và tôn trọng bạn – những người làm cho mỗi ngày của bạn sáng sủa hơn dù chỉ một ít. Đừng tránh xa những kẻ tiêu cực, HÃY TRỐN CHẠY HỌ! Cuộc sống này quá ngắn ngủi, thật uổng phí khi bạn phải quan tâm đến những người đã lấy đi hết niềm vui của bạn.

11./ Bớt quan tâm đến những gì mà mọi người nghĩ về bạn

Nếu bạn muốn tự do, đơn giản thôi, hãy thôi để ý đến dư luận. Thỉnh thoảng bạn nên ra ngoài đi đâu đó đi, hít thở chút không khí, và tự nhủ với bạn thân : Tôi là ai và tôi muốn trở thành ai? Tốt nhất, hãy làm theo trái tim mình. Đánh liều. Đừng ở mãi trong vùng an toàn với những sự lựa chọn dễ dàng chỉ vì bạn sợ sẽ đối mặt với dư luận, với những hậu quả được họ báo trước. Nếu bạn tiếp tục quan tâm đến những gì thiên hạ nghĩ về bạn, bạn sẽ chẳng thu được thành tích gì lớn lao. Đừng để những tâm trí hèn mọn thuyết phục bạn rằng :” Ôi, mày trèo cao quá con à!”. Thử nhìn lại xem, họ chẳng làm được gì to tát cả.