Hiển thị các bài đăng có nhãn Viêm xoang mũi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Viêm xoang mũi. Hiển thị tất cả bài đăng

7 thg 4, 2014

Bài thuốc trị viêm xoang trong 8 ngày với mướp

ST

Mướp rất lành và trị được nhiều bệnh như mề đay, hen suyễn, bệnh trĩ... trong đó một bài thuốc được nhiều người biết tới là dùng mướp sao khô, tán nhỏ trị viêm xoang.

Mướp là một loại cây thảo dạng dây leo. Lá mọc so le, dạng tim, có 5-7 thùy có răng. Hoa đơn tính, các hoa đực tập hợp thành chùm dạng chùy, các hoa cái mọc đơn độc. Quả dài 25-30cm hay hơn, rộng 6–8 cm, hình trụ thuôn, khi già thì khô, bên trong có nhiều xơ dai.
Quả chứa chất đắng, saponin, chất nhầy, xylan, mannan, galactan, lignin, mỡ, protein 1,5%. Trong quả tươi có nhiều choline, phytin, các acid amin tự do: lysin, arginin, acid aspartic, glycin, threonin, acid glutamic, alanin, tryptophan, phenylalanin và leucin. Hạt chứa một chất đắng là cucurbitacin B, một saponin đắng kết tinh khi thuỷ phân cho acid oleonolic và một sapogenin trung tính; còn có một saponin khác.
Tất cả các bộ phận của mướp đều được sử dụng mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào, những người có tì vị kém, đau bụng, đi phân nát, liệt dương thì không nên dùng mướp thường xuyên.
Theo Đông y, quả mướp vị ngọt, tính bình, không độc, dùng nấu nước uống giúp lợi sữa cho phụ nữ mới sinh, có thể nấu với móng giò lợn để ăn.
- Xơ mướp là vị thuốc lương huyết, hoạt huyết, thông kinh giải độc, giảm đau, cầm máu; dùng chữa chảy máu ruột, băng huyết, lỵ ra máu.
- Trái mướp: Trong trái mướp có chứa nhiều chất nhớt, nó có tác dụng giúp dễ tiêu hóa và kính thích tuyến sữa, tăng cường sự tuần hoàn máu..
- Lá mướp có vị đắng và chua, tính hơi hàn; có tác dụng chỉ huyết, thanh nhiệt giải độc, ho gà, trị vết thương chảy máu, trị mụn...
- Hạt có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng trị ho nhiều đờm, tiểu khó ...
- Dây có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thông kinh hoạt lạc, chỉ khái hoá đàm.
- Rễ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Có thể dùng trị chứng viêm xoang mũi, đau lưng.
Dưới đây là công dụng tuyệt vời của quả mướp
Trị viêm xoang
Mướp khô dùng nồi rang teo lại, nghiền nhỏ thành bột mịn, mỗi lần uống 6g, vào buổi sáng sớm khi bụng trống rỗng dùng nước ấm hòa tan uống, uống liên tục 8 ngày.
Trị viêm yết hầu
Mướp mềm rửa sạch xay nhuyễn thành nước, thêm một lượng đường thích hợp, mỗi ngày uống 1 thìa,chia 3 lần uống.
Trị phong hàn ho
Mướp tự phơi khô, nghiền thành bột mịn, trộng với mật ong làm thành viên, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 9g.
Trị khuẩn lợi
Gốc, rễ, lá mướp đều được. Rửa sạch xong xay nghiền nhỏ thành nước, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa.
Tăng tiết sữa
Phương pháp 1: 60g mướp, 1 cái chân giò, nấu chín nhuyễn ăn.
Phương pháp 2: Mướp già 1 quả, sấy khô, nghiền nhỏ, uống với rượu vàng lượng thích hợp, mỗi lần uống 9g.
Trị hen suyễn do dị ứng
Phương pháp 1: Dây mướp rửa sạch xay nghiền thành nước, mỗi lần uống 1 thìa, chia uống 3 lần.
Phương pháp 2: Mướp sống 2 quả, cắt ngắn, cho vào nồi luộc nhừ, lấy ra vắt nước đặc uống, khoảng 150ml, mỗi ngày uống 3 lần.
Trị đại tiện ra máu do trĩ
Phương pháp 1: Hoa mướp 30g, nấu nước uống, mỗi ngày 1 lần.
Phương pháp 2: Mướp tươi 250g cắt khúc, thịt lợn nạc 200g cắt miếng, thêm lượng nước thích hợp nấu canh ăn.
Trị đau nhức thần kinh
Lấy nước mướp hâm nóng xong uống, lượng dùng dựa theo triệu chứng bệnh nặng nhẹ để định đoạt, mỗi ngày khoảng 100ml hoặc dùng lá mướp xay nhuyễn thành nước bôi lên chỗ đau cũng có hiệu nghiệm.
Trị da sưng nhọt
Mướp tươi 1 quả, sau khi xay nhuyễn đắp lên chỗ đau, sau đó dùng vải màn băng lại, mỗi ngày thay 1 lần.
Trị nổi mề đay
Lá mướp tươi 1 nắm, nghiền nát thành nước, thêm vào một chút băng phiến, bôi lên vết lở, nổi.
Trị hói từng vùng
Mướp già chia thành miếng, dùng lực xát lau vào vùng không có tóc, cho tời lúc vùng đó phát nóng là được, mỗi ngày làm từ 2-3 lần.
Trị mồ hôi chân quá nhiều
Lấy mướp già đốt thành tro, tản rắc ở trong giày, chân trần không tất đi vào giày liên tục 15 ngày.

17 thg 8, 2013

Bài thuốc đơn giản tự chế “vĩnh biệt” bệnh viêm xoang không tốn một xu

ST

Hễ bệnh viêm xoang càng nặng thì khi xông mũi bằng bài thuốc này sẽ càng thấy có hiệu quả nhanh, bình thường chỉ sau từ 2 - 4 lần xông sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ. Thương con trai bị viêm xoang từ nhỏ, đã điều trị nhiều năm với đủ mọi phương pháp mà không khỏi bệnh, vợ chồng ông bà Trần Ngọc Đảnh - Trần Thị Kim Phúc (ngụ Quận 6, Tp.Hồ Chí Minh) cất công mày mò, cậy nhờ những bài thuốc dân gian.
Điều thần kỳ đã đến khi gia đình này được mách nước tự chế bài thuốc cực kỳ đơn giản của đồng bào dân tộc Tây Nguyên dùng cây giao (một loại cây thuộc họ xương rồng), giúp người bệnh “đoạn tuyệt” với bệnh xoang mà không tốn một đồng tiền.
Bài thuốc quý của đại ngàn
Ông Đảnh (67 tuổi) vốn không phải là bác sĩ, cũng không một ngày được học về thuốc trị bệnh. Ông trước là giảng viên Trường Đại học Nông Lâm, sau này về công tác ở Sở Nông nghiệp cho đến khi nghỉ hưu.
Vị kỹ sư về hưu kể lại: “Con trai tôi bị viêm xoang từ năm 10 tuổi. Cứ mỗi lần thay đổi thời tiết là cháu đau, nhức đầu, nước mũi chảy liên tục rất khó thở. Ngoài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thì căn bệnh này còn gây cho cháu rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt và học tập. Thương con, vợ chồng tôi cứ nghe nói có thầy thuốc nào, bài thuốc nào chữa bệnh cho con dù xa xôi mấy cũng lặn lội đến. Suốt nhiều năm đưa con đi điều trị ở khắp các bệnh viện nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm”.
Khoảng đầu năm 2003, một lần ông Đảnh tình cờ gặp một đồng đội cũ từng cùng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Khi biết những vất vả của gia đình bạn trong việc điều trị cho con trai, người này đã chỉ cho chú Đảnh một bài thuốc rất mà trước khi  đóng quân ở Tây Nguyên đã được đồng bào dân tộc tốt bụng chỉ cho khi thấy mình bị xoang nặng. Bản thân người này sau khi áp dụng đã khỏe mạnh, hết bệnh từ đó đến nay.
Bài thuốc này kỳ thực rất đơn giản, chỉ duy nhất một vị thuốc là cây giao. Phương pháp chữa bệnh cũng rất dễ dàng, người bệnh chỉ việc đun cây giao tươi lên và xông. Chỉ sau hơn một tháng dùng loại thuốc tự chế này, căn bệnh dai dẳng và “cứng đầu” của con trai ông Đảnh đã hết hẳn. Người thanh niên này đang học tập và làm việc tại Úc, sống trong mùa đông lạnh và khắc nghiệt của xứ sở “chuột túi” nhưng căn bệnh vẫn không tái phát.
Bà Trần Thị Kim Phúc trong một lần đi tìm cây giao phát miễn phí cho người mắc bệnh xoang
Từ khi con trai khỏi bệnh, trong những lần đi tập dưỡng sinh, sinh hoạt các câu lạc bộ, bà Phúc đã phổ biến bài thuốc này cho người quen và rất nhiều người nhờ đó đã khỏi bệnh. Nhiều năm chứng kiến nỗi khổ của con trai khi phải sống chung với căn bệnh khó chịu, ông bà quyết tâm giúp những người bị bệnh như con trai mình tìm lại sức khỏe.
Khi bài thuốc được phổ biến rộng rãi, nhiều người tìm đến gia đình để xin bài thuốc, cây thuốc. Ngôi nhà ống giữa đất Sài Thành không có không gian để trồng cây nên để giúp đỡ những người bệnh, nên có mấy năm ròng, mỗi tuần ông bà lại thuê một chiếc xe 16 chỗ chạy ra Ninh Thuận, Bình Thuận chở đầy một xe cây giao về phát cho mọi người.
Thời gian gần đây do tuổi cao, vợ chồng ông bà không thể đi xa lấy thuốc cho mọi người nên bỏ thời gian soạn hẳn một quy trình đầy đủ từ mô tả cây, công dụng, cách làm, tác dụng, lưu ý … và mỗi người bệnh tìm đến đều được biếu một bản quy trình này.
Chi tiết quy trình diệt bệnh xoang bằng cây giao
Điều đầu tiên trong bài thuốc này, ông Đảnh nhấn mạnh: “Do cây giao thuộc họ xương rồng, có mủ đục có hại cho mắt nên trong mọi thao tác làm thuốc (cắt, bẻ…) nhất thiết phải thật cẩn thận, tránh để mủ này dính vào mắt (có thể mang kính), tránh trường hợp mủ có khả năng làm hại, đui mắt.
Những dụng cụ nhất thiết phải có để chữa bệnh xoang gồm: 1. Một ấm nước nhỏ (bằng kim loại, sành sứ đều được và lưu ý sau này không dùng ấm này để nấu nước uống vì sợ độc). 2. Lấy một tờ lịch treo tường loại lớn quấn xéo lại thành một cái ống dài. Lưu ý ống phải dài khoảng 50cm, nếu ngắn quá thì hơi sẽ quá nóng, dễ bị phỏng da; còn nếu dài quá thì hơi không đủ mạnh để hít. Ống phải quấn sao cho một đầu vừa miệng vòi ấm, còn một đầu nhỏ hơn dùng để hít. Nếu có ống tre hay trúc được thông lỗ giữa các đốt cây thì tốt hơn, nhưng không được dùng loại ống bằng nhựa bởi dễ nóng chảy.
Cây giao ->
Bài thuốc xông mỗi ngày gồm một chén (bát) nước và khoảng 70gr cây. Nếu không có cân thì có thể đếm khoảng 15-20 đốt cây thuốc cho một ngày dùng. Thường buổi sáng dùng phần lớn lượng cây thuốc trong phần thuốc của cả ngày, chừa lại một vài nhánh nhỏ để đến chiều bổ sung lượng thuốc đã bốc hơi.
Nếu dùng một lần một ngày thì trọn phần thuốc đã định vào một lần. Cắt nhỏ các đốt cây thành cỡ một nửa đốt ngón tay rồi thả vào ấm. Nên cắt cây ngay trên miệng ấm để cho mủ cây nhỏ vào ấm càng tốt. Sau đó đặt ấn lên bếp, nên sử dụng loại bếp có chức năng tăng giảm lửa như bếp ga mini. Đầu tiên vặn lửa thật lớn cho nước trong ấm sôi sùng sục. Khi thấy hơi xông ra nhiều từ vòi ấm thì bớt lửa đến cực nhỏ, canh sao cho hơi vẫn còn bốc ra nhẹ ở vòi ấm. Kế tiếp đưa một đầu ống đã quấn vào vòi ấm, còn một đầu cho vào mũi để hít hơi xông lên.
Thời gian xông là hai lần trong một ngày (nên sử dụng vào sáng và tối). Thuốc đã dùng buổi sáng nên để dành và hâm lại dùng buổi tối. Khi hâm dùng lần hai thì nhớ bổ sung thêm một ít nước cùng vài đốt cây mới. Sau đó đổ bỏ, hôm sau lại làm liều thuốc mới. Hai hôm đầu xông mỗi lần 20 phút, từ ngày thứ 3 - 5 mỗi lần 25 phút, sau đó xông 30 phút mỗi lần và duy trì như vậy cho đến hết bệnh. Khi bệnh đã khỏi, nên xông củng cố thêm vài lần, mỗi lần 45 phút rồi mới nghỉ hắn. Trẻ em nên xông với thời gian ngắn hơn so với người lớn, để khi quen dần mới tăng thời gian lên.
Theo ông Đảnh, nên xông kiên trì cho đến khi hết hẳn, bệnh nặng có thể xông đến khoảng 30 ngày. Sau đó duy trì thêm một vài lần cho chắc ăn rồi ngưng, không nên lạm dụng. Về sau, nếu có tái phát mới xông tiếp. Có nhiều trường hợp bệnh nặng lâu năm, khi xông đã khỏi bệnh lâu dài.
Kinh nghiệm bản thân của vị kỹ sư về hưu này cho thấy hễ bệnh càng nặng thì khi xông sẽ càng thấy có hiệu quả nhanh, bình thường chỉ sau từ 2 - 4 lần xông sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ. Nếu xông quá lâu mà vẫn không có chút kết quả gì thì chỉ có thể là cơ thể người bệnh không “chịu thuốc” hoặc là đã lấy không đúng giống thuốc hay sử dụng không đúng cách. Những trường hợp này nên ngưng dùng. Qua nhiều năm tiếp xúc với nhiều người bệnh xoang, ông Đảnh khẳng định: “Tỉ lệ khỏi bệnh là rất cao, khoảng trên 90% người đã dứt bệnh xoang khi xông mũi bằng cây giao.”
Ông Đảnh lưu ý: “Người mới xông có thể gặp các biểu hiện sau: Có người xông vào thấy thông mũi, nhẹ đầu, dễ chịu và khỏi bệnh nhanh chóng. Có người 2 - 3 hôm đầu thấy sổ mũi nhiều, khó chịu nhưng tiếp tục xông sẽ qua khỏi và êm dần cho đến khi hết bệnh. Có một số bệnh nhân viêm xoang sàng sẽ thấy bớt đau ở cổ và vai nhưng dồn lên đau nhiều ở đầu nhưng chừng 2 - 3 hôm sau cơn đau sẽ dịu dần; khi xông tiếp sẽ hết đau rồi hết hẳn bệnh”.
Một lưu ý cuối cùng: Bài thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Cây giao là một loại cây thuộc họ xương rồng, không lá, không gai (Có nơi còn gọi là cây nọc rắn, cây càng tôm, cây xương khô, xương cá hay cây san hô xanh...). Cây mọc hoang ở nhiều nơi, ở thôn quê cây thường được trồng làm hàng rào. Thân chỉ gồm nhiều đốt tròn có đường kính như chiếc đũa, màu xanh, có độ dài không đều, mọc tua tủa ra các phía. Lá nhỏ, hẹp, rụng sớm, thường chỉ có cành nhánh trơ trọi. Thân khi bẻ ra thấy nhiều mủ màu trắng đục như sữa, và chính mủ này là vị thuốc trị bệnh xoang.
Cây dễ trồng, có thể cắt cành và giâm xuống đất ẩm. Sau khi giâm, người ta tưới nước vừa phải mỗi ngày, sau vài ngày thì cây sẽ bén rễ, rồi dần sẽ nảy nhánh con, phát triển tốt.
Theo Thủy Trúc - PLVN

5 thg 3, 2012

Bài thuốc cổ trị viêm mũi xoang


Một trong những bài thuốc cổ nổi tiếng trị viêm mũi xoang là Thương nhĩ tử tán hay còn gọi là “Thương nhĩ tán”.


Khởi thủy từ sách thuốc cổ nổi tiếng Tế sinh phương do y gia trứ danh Nghiêm Dụng Hoà, tự Tử Lễ, người Giang Tây, Trung Quốc biên soạn.

Thành phần gồm:
thương nhĩ tử 2 tiền rưỡi (7g),
tân di nửa lạng ta (15g),
bạch chỉ 1 lạng (30g),
bạc hà nửa tiền (1,5g).

Tất cả sấy hoặc phơi khô, tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6g.

Theo cổ nhân, nếu dùng nước sắc củ hành và lá trà tươi để uống bột thuốc là tốt nhất.

Thương nhĩ tử tán có công dụng tán phong hàn, thông tỵ khiếu (làm thông mũi), chỉ đầu thống (chống đau đầu), thường được dùng để trị các chứng bệnh về mũi xoang như chảy nước mũi trong và hắt hơi nhiều, ngạt mũi, chảy nước mũi tanh hôi kéo dài..., tương ứng với y học hiện đại là các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp và mạn tính, viêm xoang cấp và mạn tính...

Trong Thương nhĩ tử tán, thương nhĩ tử vị cay đắng, tính ấm, có công dụng thông mũi, trừ phong thấp, chỉ thống (giảm đau).

Bạch chỉ vị cay, tính ấm, có công dụng giải biểu, trừ phong táo thấp, tiêu thũng bài nùng (chống phù nề và làm hết mủ), chỉ thống.

Tân di vị cay, tính ấm, có công dụng tán phong hàn, thông tỵ khiếu.

Bạc hà vị cay, tính mát, có công dụng sơ tán phong nhiệt, thanh lợi đầu mục, lợi hầu, thấu chẩn.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, thương nhĩ tử có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm ho, ức chế miễn dịch, chống ôxy hoá, hạ huyết áp và đường huyết, hưng phấn hô hấp và chống ung thư.

Bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giải nhiệt, chống co giật, hạ huyết áp, chống ung thư và cầm máu. Tân di có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, giảm phù nề, chống dị ứng, hạ huyết áp, kháng khuẩn, ức chế ngưng tập tiểu cầu, chống ung thư và làm hưng phấn hô hấp.

Bạc hà có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, kháng khuẩn, kháng virut, chống viêm, giảm ho, trừ đàm, giảm ngứa và lợi mật.

Điều này giải thích vì sao 4 vị thuốc phối hợp với nhau trong phương thuốc Thương nhĩ tử tán lại có công dụng trị liệu các bệnh lý viêm nhiễm ở mũi xoang.

Lưu ý: Trong các sách thuốc cổ còn có 3 bài thuốc cùng mang tên Thương nhĩ tán là:

(1) Thương nhĩ 3 lạng ta, sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 tiền khi bụng đói để chữa chứng ôn dịch, thời khí (theo sách Thánh tễ tổng lục).

(2) Rễ thương nhĩ 2 lạng 5 tiền, ô mai 5 quả, rễ hành 3 cái, sắc với rượu, uống nóng để chữa mụn nhọt (theo sách Xích thủy huyền châu).

(3) Cành và rễ thương nhĩ lượng vừa đủ sao đen tồn tính rồi tán bột, trộn với rượu, đắp vào tổn thương để trị mụn nhọt (theo sách Tam nhân chí nhất bệnh chứng phương luận).

Theo SKDS