Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiểu ra máu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiểu ra máu. Hiển thị tất cả bài đăng

20 thg 8, 2013

Bài thuốc y học cổ truyền trị bệnh tiểu ra máu

ST



Tiểu ra máu là một chứng do nhiều nguyên nhân bệnh ở đường tiết niệu gây ra như viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, lao thận, u bàng quang, u thận... được miêu tả trong phạm vi chứng ngũ lâm (huyết lâm) của y học cổ truyền. Nguyên nhân là do viêm nhiễm cấp và mạn tính đường tiết niệu, do sỏi đường tiết niệu và các nguyên nhân toàn thân khác. Sau đây là một số bài thuốc điều trị chứng này theo từng thể bệnh.
Tiểu ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu,  viêm cầu thận cấp, viêm bàng quang cấp (y học cổ truyền gọi là thể tâm hỏa vọng động, nhiệt tích xuống hạ tiêu gây tiểu ra máu). Người bệnh có biểu hiện tiểu ra máu, miệng khát, sốt, mặt đỏ, ngủ ít, hay mê, mạch hồng sác. Phép chữa là thanh tâm hỏa, thanh nhiệt giải độc lương huyết chỉ huyết. Dùng một trong các bài:

Bồ công anh.
Bài 1:lá tre 16g, sinh địa 12g, cam thảo đất 12g, mộc hương 12g, cỏ nhọ nồi 16g, tam thất 4g, kim ngân 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2 - Tiểu kế ẩm tử:
sinh địa 20g, tiểu kế 12g, hoạt thạch 16g, mộc thông 12g, chích thảo 6g, bồ hoàng (sao) 12g, đạm trúc diệp 12g, ngẫu tiết 12g, đương quy 6g, chi tử 12g. Để thanh nhiệt giải độc gia kim ngân 12g, liên kiều 12g, bồ công anh 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tiểu ra máu do viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu,
viêm bàng quang mạn, lao thận (y học cổ truyền gọi là thể âm hư hỏa động). Người bệnh có biểu hiện nước tiểu ít, đỏ, khát nước, họng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác. Phép chữa là tư âm thanh nhiệt, chỉ huyết. Dùng một trong các bài:

Bài 1:
sinh địa 12g, thạch hộc 12g, sa sâm 12g, mạch môn 12g, a giao 8g, kỷ tử 12g, cỏ nhọ nồi 16g, rễ cỏ tranh 12g, trắc bá diệp 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2 - Đại bổ âm hoàn gia giảm:
hoàng bá 12g, tri mẫu 8g, thục địa 16g, quy bản 12g, cỏ nhọ nồi 12g, rễ cỏ tranh 12g, chi tử (sao đen) 8g. Sắc uống ngày 1 thang.


 Vị thuốc chi tử.
Tiểu ra máu do sỏi đường tiết niệu (y học cổ truyền gọi là thể huyết ứ). Phép chữa là hoạt huyết chỉ huyết. Dùng bài thuốc: đan sâm 12g, ngưu tất 12g, ích mẫu 12g, uất kim 12g, chỉ thực 6g, cỏ nhọ nồi 16g, huyết dụ 12g, bách thảo sương 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tiểu ra máu kéo dài do các nguyên nhân toàn thân khác
(y học cổ truyền cho là do tỳ hư, không thống huyết). Người bệnh có biểu hiện tiểu tiện nhiều lần, có lẫn máu, ăn không ngon, mệt mỏi, sắc mặt vàng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi bẩn, mạch hư nhược. Phép chữa là kiện tỳ chỉ huyết. Dùng bài thuốc: hoài sơn 12g, đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, thạch hộc 12g, thục địa 12g, cỏ nhọ nồi 16g, trắc bá diệp 12g, ngải cứu 12g. Sắc uống ngày 1 thang.        
   Lương y  Thái Hòe

Bài thuốc chữa bệnh đi tiểu ra máu

ST


Tiểu ra máu là hiện tượng khi đi tiểu có lẫn máu tươi hay những cục máu đông trong nước tiểu. Đông y cho rằng nguyên nhân chủ yếu do thận hư, bàng quang thấp nhiệt, viêm nhiễm đường niệu hoặc do sỏi. Khi viên sỏi di chuyển làm niệu quản hoặc niệu đạo bị tổn thương, nước tiểu có màu đỏ lẫn máu. Tiểu ra máu thường kèm theo đau buốt, bí tiểu hoặc tiểu nhiều lần. Bệnh nhân có cảm giác bế tắc khó chịu... Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể bệnh.
Tiểu ra máu do sỏi: người bệnh bí tiểu, đau buốt, nước tiểu màu đỏ hoặc sẫm màu. Đau có thể tăng lên làm người bệnh phải lấy hai tay ôm lấy bụng, người còng xuống. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: kim tiền thảo 20g, khổ qua 20g, râu ngô 16g, hương nhu 16g, trúc diệp 20g, cỏ xước 16g, cỏ mực 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống 7 - 9 ngày liền. Công dụng: thanh nhiệt trừ thấp, bài thạch.
Bài 2: mộc thông 16g, kê nội kim 16g, mã đề thảo 20g, rau dừa nước 20g, rau má 20g, trinh nữ 16g, khổ qua 16g, kim tiền thảo 20g, hoa hòe (sao vàng) 16g, đinh lăng 16g, cây và lá cối xay 16g, cỏ mực 20g, kim ngân 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: chống viêm, trừ thấp, chỉ huyết, bài thạch.

Rau dừa nước
Do thận hư lâu ngày: thấp nhiệt tích tụ ở bàng quang làm chức năng thăng giáng lưu thoát bị cản trở dẫn đến nước tiểu sẫm màu, có khi lẫn máu. Người bệnh đau đớn, toàn thân mệt mỏi, chất lưỡi đỏ, mạch sác. Phép trị: thanh nhiệt chỉ huyết dưỡng âm. Dùng 1 trong các bài thuốc:
Bài 1: sinh địa 16g, mộc thông 16g, trúc diệp 20g, lá dâu 16g, cỏ mần trầu 20g, bạch thược 12g, lá đinh lăng 16g, chi tử 12g, xa tiền 12g, mạch môn 16g, hoa hòe (sao cháy) 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: thanh nhiệt dưỡng âm chỉ huyết.
Bài 2: sinh địa 20g, hoàng cầm 12g, a giao 5g, cỏ mực 16g, thạch hộc 16g, đậu đen (sao thơm) 24g, chi tử 12g, rau má 20g, đương quy 16g, sâm hành 16g, lá dâu 20g, lá tre 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: thanh thấp nhiệt, dưỡng âm, chỉ huyết.
Trong khi điều trị, nên kết hợp dùng món ăn để hỗ trợ: chè bí đỏ - đậu đen: bí đỏ 250g, đậu đen 100g, đường trắng vừa đủ. Bí đỏ gọt vỏ, bỏ ruột, thái miếng. Đậu đen và bí đỏ cho vào nồi, đổ nước hầm cho chín mềm, cho đường vào quấy đều, thêm 1 - 2 lát gừng giã nhỏ là được. Ăn nguội. Công dụng: nhuận huyết, bổ âm, dưỡng thận, thanh thấp nhiệt.  

Lương y Trịnh Văn

23 thg 6, 2013

Móng tay người đốt cháy để… chữa bệnh

ST

Hàng trăm năm qua, trong dân gian có không ít người, nhất là các cụ già vẫn truyền lưu cho con cháu chuyện về những phế phẩm từ cơ thể người như răng, tóc, ráy tai… được các lương y bào chế thành nhiều phương thuốc thần hiệu để chữa bệnh giúp dân trong những tình cảnh khó ngặt.

Y học cổ truyền Việt Nam vốn dĩ là kho tàng phong phú với hàng ngàn vạn bài thuốc huyền diệu, giản đơn mà hiệu quả. Nhưng tiếc rằng với sự phát triển của y học hiện đại và do hậu thế ít quan tâm, gìn giữ nên khá nhiều bài thuốc quý được cha ông sau hàng trăm, có khi cả ngàn năm mới đúc kết được đã bị chìm vào lãng quên, mai một. 

Với mong muốn vén màn bí mật về những phương thuốc dân gian thần hiệu của người xưa, đồng thời để bạn đọc hiểu rõ hơn về kinh nghiệm chữa trị của cha ông ta ngày trước, sau một thời gian dài kiếm tìm, chúng tôi đã biết và làm rõ nhiều bài thuốc thoạt nghe tưởng vô căn cứ, thậm chí đến khó tin. 

Câu chuyện về những phương thuốc thần hiệu từ cơ thể người là minh chứng điển hình ấy!

 Móng tay có khả năng chữa bệnh? 

Biết chúng tôi quan tâm đến những bài thuốc y học cổ truyền dạng bí truyền, ông Nguyễn Tố, 62 tuổi, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, ngay khi nhận quyết định nghỉ hưu, rời bục giảng, ông đã lập tức dồn thời gian tìm hiểu những bài thuốc cổ từ cơ thể người mà ông vốn dĩ rất đam mê. Bài thuốc đầu tiên mà ông Nguyễn Tố muốn nói đến là bài thuốc trị bệnh tiểu ra máu được bào chế từ móng tay người. 

“Những kinh nghiệm chữa trị của cha ông mình huyền diệu lắm”, ông Tố bắt đầu câu chuyện. “Có ai nghĩ cái móng tay, ráy tai, nước bọt, nước tiểu… lại từng được các danh y Việt như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông sử dụng chữa cho nhiều người mắc các chứng bệnh trầm kha (chữa nhiều nơi nhưng không khỏi) rất hiệu nghiệm. 

Bản thân tôi ngày trước từng bị chứng bệnh tiểu ra máu, đi chữa nhiều nơi không khỏi, cơ thể vỗn dĩ hao gầy càng thêm suy nhược tưởng khó qua khỏi. May sao lương y Trần Song, người gốc Bình Định, sinh sống tại Quận 12 là bạn thân của ba tôi khi đến nhà chơi đã mách cho bài thuốc với nguyên liệu từ móng tay người. Nhờ đó mà tôi đã lướt qua bạo bệnh”, ông Tố kể.

Bài thuốc kỳ diệu cứu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần 

Ông Tố cho biết, ông phát bệnh tiểu ra máu lúc 30 tuổi. Khi đó, ông chuẩn bị lấy vợ. Bệnh tình cứ ngày càng tiến triển nặng, nước tiểu càng lúc càng đỏ như máu, chữa nhiều nơi không khỏi nên ông rất bi quan. 

Đến khi được cụ Trần Song đến thăm nhà qua bắt mạch, hỏi bệnh đã cười khùng khụng cam đoan chỉ cần dùng bài thuốc cổ mà cụ đã từng áp dụng cho chính mình thì sẽ dứt bệnh trong nay mai. 

“Khi ấy tôi nghĩ trong đầu hoặc cụ Song lẩm cẩm, hoặc cụ bỡn cợt với nỗi đau của mình nên giận cụ lắm. Nhưng thấy cụ nhất mực quả quyết rằng đó không phải là kiểu chữa bệnh điên rồ, tôi quyết định thử, thử để cho ông già tôi được vui chứ thật lòng tôi chẳng tin gì mấy”, ông Tố chia sẻ. 

Chuyện đã xảy ra hơn 30 năm nhưng mỗi khi kể lại bài thuốc lạ “lấy móng tay người chữa dứt chứng bệnh tiểu ra máu”, ông Tố vẫn nhớ như in, như thể chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. 

Khi ấy, cụ thân sinh ông (qua đời năm 2008) đã tụ hợp con cháu trong nhà lệnh phải cắt gọt hết móng tay, được một nhúm, giao cho lương y Trần Song chế thuốc. Ông Tố nhớ lại: “Vì không tin tưởng nên tôi khi ấy tỏ ra rất bất cần. Dầu vậy với suy nghĩ sẽ chứng minh cho ba tôi thấy rằng ông bạn lương y của ông thực chất chỉ là lang băm, chẳng tài cán như ba vẫn thường khen ngợi nên tôi bám riết cụ Song xem mọi nhất cử nhất động của cụ để mai này vạch trần, kết tội.

Chẳng biết khi ấy cụ có cảm nhận được điều ấy hay không nhưng cụ Song vẫn thản nhiên và chỉ bảo tôi cặn kẽ cách chế thuốc từ móng tay. Kiểu chế thuốc của cụ cũng rất quái đản. Nhận được móng tay, cụ bảo tôi kiếm cho mình một miếng ngói rồi hối má tôi nhóm lửa.

Khi lửa đã đượm, cụ kê miếng ngói lên nung cho thật nóng rồi thả hết mớ móng tay lộn xộn lên trên. Ngói đỏ rực khiến mớ móng tay bốc khói rồi trở màu đen, động vào thì rã thành bột. Rồi cụ lấy bột đó pha nước bảo tôi uống. Cảm giác uống móng tay vừa gớm ghiếc vừa tởm lợm”. 

Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, việc vệ sinh thân thể, cắt móng tay chân ít được chú trọng nên móng tay của nhiều thành viên trong gia đình tôi, nhất là mấy đứa nhỏ đóng đầy đất, đen sì. Nay phải uống cái thứ ấy vào bụng, hỏi sao mà không gớm. Dầu vậy tôi cũng cũng ráng bấm bụng uống một mạch cho xong. 

Được 5 phút sau, cụ Song lại bảo tôi uống thêm một ly nhưng lần này cái thứ bột hắc ám kia chỉ bằng phân nửa lần trước. Lúc tôi dùng dằng tỏ ý không bằng lòng, cụ nhẹ nhàng bảo: “Cháu cứ uống đi, ông từng bị như cháu, từng không tin như cháu nhưng nhờ bài thuốc này mà dứt bệnh, từ đó ông quyết tâm theo nghề y”. 

Nghe cụ nói thế, nhất là khi thấy cụ quá nhiệt tình, tôi không nỡ chối từ. Lúc tôi đưa ly lên miệng, nghe rõ mồn một lời nói của cụ với ba rằng ngày mai, nếu cháu nhà anh không giảm bệnh, tôi bỏ nghề”.

Khoảng 1 giờ khi cụ Song chào về, ông Tố “đau tiểu” và lắc đầu khi nước tiểu vẫn đỏ như máu. “Tôi đem chuyện kể với ba thì ông vỗ vai động viên dù gì cũng nên ghi nhận thiện ý của cụ Song. Ai ngờ tối hôm ấy, tôi đi tiểu thì thấy màu máu có phần lờn lợt. Sáng hôm sau thì cái màu đỏ quạch ấy đã giảm còn phân nửa. 

Nghe tin vui, ba tôi hộc tốc đạp xe đến tìm gặp cụ Song kể cho cụ nghe và khi uống hết phần bột móng tay còn lại, tôi hết bệnh, cơ thể lại nhẹ nhõm, dứt các cơn đau rát trong quá trình tiểu tiện, từ đó tôi ăn được ngủ được, lên ký trông thấy”.

Đến khi hết bệnh, ông Tố mới tin bài thuốc bột móng tay người quả thật thần hiệu và kể từ đó, ông rất mến phục tài chữa bệnh của cụ Trần Song. Ông cho biết: “Trước khi cụ mất vì tai nạn giao thông, tôi đã được đàm đạo với cụ mấy lần. Cụ Song bảo rằng y học cổ truyền Việt Nam rất vi diệu. 

Mọi thứ quanh mình đều gắn kết với nhau, hỗ trợ và phục vụ lẫn nhau, nói chung đều có vị thuốc. Khi nghe cụ nói không chỉ móng tay, nhiều bộ phận phế thải của cơ thể người như tóc, nước bọt, ráy tai… cũng có nhiều phép chữa bệnh rất hay, tôi đâm ra mê mẩn và ngỏ ý muốn được theo học nghề của cụ”.

Giải mã bí ẩn… nhân chi giáp!

Chắc hẳn khi nghe câu chuyện của thầy giáo tuổi hưu Nguyễn Tố, không ít người cho đó là chuyện xằng bậy, hoang đường. Cá nhân người viết lúc đầu cũng tin như vậy nhưng càng đi sâu tìm hiểu mới thấy niềm tin của mình trong trường hợp này… nói theo kiểu cách dân gian là “trật lất”. 

Từ ghi chép của các danh y trong các y văn, mới biết móng tay người là bài thuốc hẳn hoi, được y học cổ truyền gọi là “Nhân chi giáp”. Và kỳ lạ hơn, không chỉ chữa dứt căn bệnh đái ra máu như ông Tố từng mắc phải, Nhân chi giáp còn chữa được nhiều chứng bệnh khác.

Trong cuốn Nam dược thần hiệu, Nhân chi giáp được danh y Tuệ Tĩnh gọi là “Trảo giáp - móng tay người”. Về khí chất, Trảo giáp được danh y Tuệ Tĩnh ghi: “Vị ngọt mặn, tính hàn không độc, có công dụng khai thông thúc đẻ, thông lâm chỉ huyết, chữa chứng phạm phòng và chứng thương phong”. Cách dùng Trảo giáp rất giản đơn: “Đốt tồn tính cho uống vào là khỏi ngay”. 

Không dừng lại ở danh y Tuệ Tĩnh, bài thuốc Trảo giáp cũng được Hải Thượng Lãn Ông ghi nhận trong Lĩnh Nam bản thảo: “Trảo giáp gọi tên là móng tay/ Ngọt, mặt, không độc mở thông thay/ Thúc đẻ, chữa huyết lâm, nục huyết/ Dịch phục, thương phong uống khỏi ngay”. 

Từ ghi chép của 2 danh y đất Việt là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, mới rõ tuy mỗi danh y gọi móng tay người khác nhau (Nhân chi giáp và Trảo giáp) nhưng đều có điểm chung là cùng khẳng định chỉ cần đốt tồn tính thì ai đó mắc các chứng bệnh huyết lâm, nục huyết và dịch phục uống vào sẽ dứt bệnh trông thấy. 

Lại cất công tìm hiểu, người viết mới biết huyết lâm là chứng bệnh tiểu ra máu mà ông Tố từng mắc phải, nục huyết là chứng mũi chảy máu (bệnh chảy máu cam) và dịch phục là chứng bệnh trai (gái) bị bệnh nặng mới khỏi đã vội hành phòng (quan hệ tình dục) làm cho bệnh tái phát. 

Đặc biệt hơn, cuốn Dược tính chỉ nam của Đông y sĩ Hạnh Lâm - Nguyễn Văn Minh ghi Nhân trảo giáp còn có tên gọi khác là “Cân thoái” với cách thức chữa bệnh như sau: “Dùng móng tay người đàn bà có thai tán bột thật nhỏ điểm mắt chữa được chứng đau mắt có màng mộng rất hay”. Không những thế, Cân thoái còn chữa được chứng “trúng gió bị đờm rãi vướng chặt ở cổ”. 

Box: Trong cuốn Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam, nói về móng tay người, bên cạnh kinh nghiệm chữa trị của 2 danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, TS. Võ Văn Chi ghi: “Ngày nay người ta còn dùng móng tay đốt cháy làm thuốc có tác dụng lợi niệu tiêu thủng, thúc đẻ làm hạ thai, làm thuốc trị mắt mờ và hóc xương”.