19 thg 6, 2013

Trị mụn nhọt bằng Đông dược


Chăm sóc vườn thuốc Nam.

Những người bị nhọt tái phát nhiều lần có thể do cơ địa huyết nhiệt, nên uống thuốc thanh nhiệt, lương huyết theo hướng dẫn của lương y. Nếu sốt cao liên tục và kéo dài, cần kết hợp với Tây y.

Nhọt chủ yếu do tụ cầu gây nên (theo Đông y là do huyết nhiệt và nhiệt độc) gây nên, phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhất là ở nơi có điều kiện khí hậu và mức sống chưa cao như Việt Nam. Tây y điều trị chủ yếu bằng kháng sinh trấn áp, thuốc nâng cao thể trạng và điều trị rối loạn chuyển hóa (nếu có); kết hợp với chích tháo khi có điều kiện. 
Y học cổ truyền chữa mụn nhọt bằng các phương pháp sau:
1. Giai đoạn mới phát: Tại chỗ nhọt có sưng, nóng, đỏ, đau, toàn thân có thể kèm theo sốt. Thuốc đắp tại chỗ: Lá cúc hoa trắng giã nát với chút ít muối, đắp vào mụn nhọt. Về thuốc uống trong, có thể dùng một trong các bài sau:
- Thổ phục linh 20 g, thương nhĩ tử (quả ké đầu ngựa) 20 g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Kinh giới 8 g, đỗ đen sao 40 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo dây 8 g, ké đầu ngựa 16 g, liên kiều 12 g, lá sen 16 g, sắc uống. Nếu sốt cao, thêm hoàng liên, hoàng cầm, chi tử (quả dành dành) mỗi thứ 12 g. Tiểu tiện ngắn, đỏ thì thêm xa tiền tử 12 g. Táo bón thêm đại hoàng 4 g.
2. Giai đoạn hóa mủ: Tại vùng nhọt, sưng nhức tăng hơn, xuất hiện mủ trắng và chuyển dần thành màu vàng. Một số nhọt có ngòi (là khối mủ và tổ chức hoại tử đặc quánh), thường nằm giữa trung tâm nhọt.
- Thuốc đắp tại chỗ cho phá vỡ mủ: Dọc ráy, lá xoan, muối liều lượng như nhau, đem giã nhỏ, trộn đều, ngày đắp 2 lần.
- Thuốc uống: Kim ngân hoa 20 g, hoàng cầm, liên kiều, tạo giác thích mỗi thứ 12 g, trần bì 6 g, bồ công anh 16 g, bối mẫu 8 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục 3 đến 5 thang.

3. Giai đoạn đã vỡ mủ: Bình thường, cần rửa sạch, thay băng cho mọc tổ chức, liền da. Nếu cơ thể suy nhược, mủ không hết, nhọt lâu liền thì uống thêm các vị thuốc bổ khí huyết như bạch truật, đẳng sâm, hoàng kỳ, đương quy...
Dùng cao dán hút mủ và lên da non: Củ ráy dại 100 g, sáp ong 30 g, nghệ già 50 g, nhựa thông 30 g, dầu vừng 500 ml, cóc vàng 1 con đốt tồn tính. Cho dầu vừng, nghệ, ráy đun sôi cho đến khi teo lại, gạn bỏ bã, cho sáp ong vào đun tan; cho bột cóc, nhựa thông quấy đến khi tan đều, lấy một giọt rỏ vào một cái đĩa thấy không loe ra là được. Rửa sạch mụn nhọt bằng nước lá trầu không và kinh giới. Lấy miếng giấy chọc thủng ở giữa và phết cao lên giấy. Ngày dán một lần.
Các nghiên cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội cho thấy, loại cao dán trên có hiệu quả tương tự kháng sinh cephalexin. Cao không gây tác dụng phụ, người bệnh đỡ đau sau 1đến 2 lần dán.
TS Lê Lương Đống, Sức Khỏe & Đời Sống

Cây Lược vàng chữa khỏi bệnh vẩy nến toàn thân

Cảm ơn bạn Nguyễn Trần Như Thảo đã cung cáp bài này!

Báo Người cao tuổi - 21/02/2012 09:23

Tháng 8 năm 2010, tôi mua cuốn “Cây Lược vàng quý hơn vàng” đọc hết, biết nhiều tác dụng chữa bệnh của nó. Nhưng cũng như nhiều người khác, tuy tin tưởng, tôi vẫn muốn được kiểm chứng, dù chỉ là một loại bệnh. May sao, tôi đã thực hiện được ý định này.


Tháng 2-2010, Chị Trần Thị T, 48 tuổi ở số nhà 206, tầng 2, nhà A4 Tập thể Dệt Kim, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bị mẩn ngứa, xuất hiện các lớp vẩy ở hai khuỷu tay, lan dần ra hai thái dương, tóc rụng nhiều khi chải đầu. Nghĩ là bệnh ngoài da bình thường, chị rửa cồn, bôi thuốc mỡ không đỡ, đến Bệnh viện Da Liễu Hà Nội khám, xét nghiệm, được kết luận là viêm da cơ địa + rụng tóc, được điều trị bằng kem bôi và thuốc uống. Đột nhiên, đầu tháng 4 năm 2010 bệnh phát triển rất nhanh: Lớp vẩy lan ra hai tay, khắp người, cổ, mặt, toàn thân trông rất sợ, đầy vẩy, dưới lớp vẩy ứa máu, ngứa ngáy toàn thân, tóc rụng từng mảng, chị luôn phải mặc áo dài, đội mũ. Cả nhà vô cùng lo lắng, đưa đi khám lại và được kết luận là vẩy nến thể mảng, lại được điều trị bằng kem bôi và thuốc uống. Chị phải nghỉ bán hàng, người hốc hác, khó chịu, phải nằm thường xuyên, kiên trì uống thuốc, chấm bôi thuốc mỡ khắp người, vẩy rụng ra hàng vốc lại mọc mà không đỡ.
Sốt ruột, nghe mách bảo, tháng 6-2011 chị đi khám Đông y Nguyễn Bỉnh Khiêm, uống hơn 30 thang thuốc, không thay đổi gì, lại quay lại khám Bệnh viện Da liễu được cấp thuốc mỡ, kem bôi và thuốc uống, kiên trì từ tháng 7 đến hết tháng 10-2010. Tháng 11-2010 chị chuyển sang khám tại Viện Da liễu Quốc gia (tại Bệnh viện Bạch Mai), sau khi sinh thiết, vẫn được kết luận là vẩy nến thể mảng, được cấp kem bôi và thuốc uống, tiếp tục kiên trì điều trị. Trong quá trình điều trị, chị còn được chạy xạ hai đợt tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, mỗi đợt 5 ngày, mỗi ngày khoảng 5 phút, người đỏ như tôm luộc.
Tuy biết vẩy nến không nguy hiểm ngay đến tính mạng, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, có khi phải “chung sống”, nhưng cả gia đình chị hết sức lo lắng, vì chị là trụ cột chính của gia đình, lại phải nằm bẹp một chỗ.
Tháng 10-2010 tôi đến thăm chị. Lần đầu tiên nhìn thấy bệnh vẩy nến tôi cũng ghê sợ. Cầm trên tay cuốn sổ y bạ kẹp hơn hai chục tờ giấy xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn; nhìn chị ngồi thu lu, rúm ró trên giường tôi ái ngại khuyên chị thử dùng cây Lược vàng và đưa cho chị cuốn “Cây Lược vàng quý hơn vàng” bản phô-tô, dặn đọc kĩ những trang đánh dấu về chữa bệnh vẩy nến.
Gần Tết Tân Mão (2011), người nhà chị ở Nam Định gửi đến một bao tải dứa cây Lược vàng, chủ yếu là thân, vòi nhờ tôi ngâm rượu. Còn lá chị cho vào nhiều túi ni-lông, để vào tủ lạnh, dùng dần. Đúng 28 Tết, chị bắt đầu sử dụng: Ngày ăn 6 lá (lá dài trên 20cm), chia 3 lần trước bữa ăn 20 phút. Đập giập lá, lấy bã và nước xoa xát khắp người. Tạm dừng sử dụng các loại thuốc Tây. Sau 5 ngày, chị thấy người thay đổi: Toàn thân như căng ra, nhất là chân, tay, da căng mọng, chân các vẩy rớm máu, rất khó chịu. Đó là phản ứng có tác dụng như sách đã nói, thông báo cho tôi biết và tiếp tục kiên trì sử dụng. Thời gian tiếp theo là những tin đáng khích lệ: Toàn thân dịu dần, vẩy không ứa máu, tắm nước nóng ấm hằng ngày vẩy rụng rất nhiều, người thấy dễ chịu. Sau hai tháng, vẩy rụng hết, các vết bắt đầu lên da non, tóc không còn rụng. Chị sử dụng thêm rượu Lược vàng xoa khắp chỗ bị vẩy nến. Tháng 4-2011, da chân tay trở lại bình thường, sức khỏe hồi phục, chị lại đi bán hàng. Tháng 6-2011, chị cùng chồng, con đến thăm tôi, vui tươi, khỏe mạnh hơn trước, có thể do trút được gánh nặng lo âu về căn bệnh khó chịu chăng? Tôi khuyên chị duy trì sử dụng cho đến khi khỏi hẳn và tiếp tục dùng phòng bệnh tái phát.
Gia đình và họ hàng chị cũng vô cùng phấn khởi, có người nói: “Đó là thuốc tiên dành cho người nghèo và mọi nhà đều phô-tô cuốn “Cây Lược vàng quý như vàng”, để sử dụng. Ngoài ra, một người trong họ từ tháng 5-2011 sử dụng Lược vàng để chữa trị biến chứng tiểu đường, đến nay đã có nhiều chuyển biến khả quan: Đường huyết hạ, mắt đỡ biến chứng, đang dần hồi phục.
Còn chị T bệnh nhân vẩy nến, yên tâm vui vẻ ăn Tết Nhâm Thìn. Tôi thực sự vui lây và muốn chuyển lời cảm ơn của gia đình họ đến Báo Người cao tuổi, đến tác giả cuốn sách “Cây Lược vàng quý như vàng”
Xuân Hùng