26 thg 7, 2014

Mỹ không có bộ giáo dục, còn VN có văn hóa truyền khẩu



Cái tựa entry này sẽ làm cho nhiều người thắc mắc, thậm chí khó chịu. Một cái tựa ... rất vớ vẩn. Vì hai phần trước và sau dấu phẩy chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng nếu kiên nhẫn đọc đến hết bài, sẽ thấy giữa 2 phần có chút liên hệ logic. Là tôi nghĩ thế.

Trước hết, nói về phần đầu của cái tựa. Tôi rất mong những bạn đọc blog của tôi đều biết điều khẳng định ấy là sai. Mong vậy thôi, chứ không dám chắc. Vì ở Việt Nam, đã có nhiều hơn một người dám công khai khẳng định rằng Mỹ không có bộ giáo dục. Xin mở ngoặc, tôi nói "nhiều hơn một" có nghĩa là 2, vì tôi biết chắc chắn là có ít nhất 2 người; nhưng theo cách nói của tiếng Anh thì "nhiều hơn một" được hiểu đơn giản là "nhiều"; có lẽ cũng không sai!

Nói có sách, mách có chứng. Trước hết, xin mọi người hãy đọc entry của GS NVT, Việt kiều Úc, người đã từng rất ngạc nhiên, thậm chí shocked, khi đọc trên báo Việt lời khẳng định nói trên. Entry ấy ở đây.

Xin trích lại ở đây lời phát biểu của chuyên gia ấy, hiện vẫn còn nằm nguyên trên mạng, ở đây. Format in đậm nghiêng do tôi thêm vào để nhấn mạnh.
Ở Anh, Mỹ, khi kiểm định, Hội đồng thẩm định có quyền tối cao, nhà nước không tham gia nữa vì họ không có Bộ GD-ĐT.


Uả, vậy chứ mấy nước này có bộ giáo dục không vậy? GS NVT đã viết rất rõ ràng:
Ở Mĩ, bộ này có tên là “U.S. Department of Education” và website đàng hoàng www.ed.gov/index.jhtml. Còn Anh thì bộ giáo dục và đào tạo xuất hiện qua nhiều tên khác nhau như Ministry of Education (trước đây là Board of Education). Tra wikipedia thì được biết cơ quan quản lí giáo dục và đào tạo của Anh đã trải qua nhiều tên như Department for Education and Skills (từ năm 2001 đến 2007), Department for Children, Schools and Families (2007), Department for Innovation, Universities and Skills (2007-2009).


Nói thêm, 2 trang web của 2 Bộ Giáo dục này, đặc biệt là Bộ Giáo dục của Mỹ, là những địa chỉ tôi ra vào thường xuyên lắm lắm. Vì chúng rất hay. Vào trang web của bộ giáo dục Mỹ, tôi tìm được các thông tin về chủ trương, chính sách, hoặc cơ cấu tổ chức, nhân sự, và hoạt động của Bộ Giáo dục và chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề giáo dục của toàn nước Mỹ.

Và quan trọng hơn đối với tôi, ở đó còn có các số liệu thống kê về giáo dục Mỹ, các thực tiễn tối ưu (best practices) liên quan đến giáo dục để mọi người cùng học hỏi, các tài liệu hướng dẫn thực hành các vấn đề liên quan đến giảng dạy và học tập, và cả các nghiên cứu hàn lâm nữa.

Rất thuận tiện, và đáng đọc, cho tất cả mọi người đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục dưới những vai trò khác nhau - giáo viên đứng lớp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, và các vị lãnh đạo ngành giáo dục. Trang ấy ở đây. Hình ngay dưới đây.

Trước đây tôi cũng có đọc cả phát biểu của chuyên gia ở Hà Nội lẫn entry của GS NVT, nhưng tin rằng có lẽ phóng viên ghi nhầm vì không hiểu hết ý của người phát biểu. Gì chứ việc này ở VN dễ xảy ra lắm. Nên bỏ qua, không chú ý.

Nhưng tôi thực sự giật mình khi cách đây 2 ngày, trong chuyến công tác Thái Lan vừa qua, được nghe lại lời phát biểu cũng vẫn chắc như đinh đóng cột như thế của một chuyên gia giáo dục đại học khác, lần này là chuyên gia ở TP Hồ Chí Minh (cho nó cân bằng í mà): Mỹ không có bộ giáo dục!

Sao thế nhỉ? Cả hai chuyên gia có những phát biểu "giật gân" này tôi đều biết rõ, là đồng nghiệp hẳn hoi, và là những nguời tôi đánh giá cao, làm việc khá nghiêm túc, giỏi giang hơn mức trung bình chung trong giới rất nhiều. Cả hai đều đã học nước ngoài, nước tư bản cẩn thận, sử dụng tiếng Anh thoải mái trong công việc.

Hai chuyên gia giáo dục của VN, một Nam một Bắc, đều đã công khai khẳng định nước Mỹ không có bộ giáo dục?

Băn khoăn, tôi hỏi hai người. Một người là một đồng nghiệp khác, đi cùng đoàn với tôi, và ngồi gần tôi trên cùng chuyến bay từ Bangkok về Sài Gòn. Người ấy nói, không tỏ ra bức xúc lắm, rằng có lẽ người ta muốn nói không có bộ giáo dục theo kiểu của mình, tức một bộ giáo dục can thiệp quá sâu vào việc vận hành của các trường. Nhưng tôi chưa cảm thấy thuyết phục lắm. Vì như thế, thì phải nói rằng ở Mỹ, bộ giáo dục không can thiệp vào việc của các trường, chứ không thể nói là không có bộ giáo dục.

Người thứ hai mà tôi hỏi, vâng, còn ai trồng khoai đất này nữa, đó là ông xã tôi. Và ông ấy nói, "Em ơi, đúng rồi còn gì, Mỹ nó đâu có các ministry giống như mình. Nó gọi là department mà!"

Và thế là tôi bỗng ngộ ra mọi việc (ừ, thì tôi tưởng bở thế). Nên mới bật ra phần thứ hai của cái tựa này. Tôi nhớ mang máng cũng đã từng nghe ai đó, rất lâu rồi, kể về việc nhầm lẫn này. Mỹ không gọi là ministry và minister (bộ và bộ trưởng như Việt Nam và một số nước khác), mà nó gọi là department và secretary. Ví dụ, department of education và secretary of education. Nếu không thực sự hiểu biết về thế giới (thời VN đóng cửa, chưa có internet), thì khi gặp từ department of education dám dịch là "bộ môn giáo dục", và secretary of education dịch là "thư ký bộ môn giáo dục", không biết chừng!

Vậy thì, có thể mọi việc đã diễn ra như thế này chăng: có ai đó (cỡ bậc thầy, cao niên một chút) nghĩ rằng Mỹ không có bộ giáo dục vì thấy nó không có "ministry of education". Người ấy đã chân thành nhưng hăng hái phát biểu suy nghĩ nhầm lẫn này công khai ở nơi nào đó. Với một ấn tượng rất sâu sắc rằng vì Mỹ không có bộ giáo dục nên các trường đại học được sự tự chủ rất cao (điều này không phải là sai hoàn toàn: có bộ, nhưng bộ không can thiệp gì nhiều, các trường rất chủ động --> có thể coi như là không có bộ?)

Sau đó, những người khác cứ thế mà phát biểu theo, không kiểm chứng lại?

Có lẽ những gì tôi viết ở trên chỉ là do tôi tưởng tượng ra. Nhưng nếu không dùng đến sự tưởng tượng này, thì tôi thực sự không làm sao lý giải được những phát biểu tự tin, công khai đến thế của các đồng nghiệp đáng kính kia của tôi.

Mà suy cho cùng, chẳng phải văn hóa truyền khẩu đã ăn rất sâu vào người VN chúng ta rồi sao? Mời đi ăn cưới, dự tiệc, hoặc thậm chí đi họp, nếu chỉ đưa thiệp/giấy mời, thì như thế là không coi trọng, người ta sẽ không đi. Phải gọi điện, nói đến tận tai, thì mới là thông tin chính thức.

Cũng vậy, thông báo dán sờ sờ trên bảng, nhưng vẫn cứ phải chen chúc đến chỗ người văn thư để hỏi, mới thấy yên tâm, mới tin là thật. Nếu có sự khác biệt giữa giấy và lời, thì người Việt tin vào lời hơn là tin vào giấy. Văn hóa truyền khẩu mà.

Ai không đồng tình với entry này của tôi, xin cho tôi lời giải thích khác. Mong lắm lắm, và cám ơn lắm lắm!

Còn các vị đồng nghiệp của tôi nếu có đọc entry này, mong các vị không giận, vì tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm các vị. Nhầm lẫn cũng là bình thường thôi, quan trọng là khi nhận ra mình nhầm thì sửa lại. Chứ đừng tự vệ bằng cách cãi cho lấy được, thà chết chứ nhất định không nhận mình sai.

Mà dân trí, quan trí, "trí trí" (= trí tuệ của trí thức) của ta như thế này, đố biết khi nào VN có trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế?

21 thg 7, 2014

Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật

Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật
GiadinhNet - Từ câu chuyện vô tình chứng kiến trên chính quê hương mình, lương y Phan Văn Sang , hiện đang công tác tại Phòng khám Đông y, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng – trạm y tế phường 7, quận Gò Vấp đã bào chế thành công bài thuốc quý từ trái sung để áp dụng vào trị bệnh sỏi mật, sỏi gan. Cuộc trò chuyện tại phòng khám, lương y Sang vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên sở hữu bài thuốc đặc biệt này.
Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật 1
Lương y Sang được tặng giấy chứng nhận của Hội Đông y và châm cứu TP.HCM. Ảnh TG
Cơ duyên với phương thuốc quý
Quê gốc của lương y Sang ở xã Cát Thánh, huyện Phù Cát . Ông còn nhớ, những năm sau giải phóng, mảnh đất nơi ông sống gặp vô vàn khó khăn vì hạn hán xảy ra liên miên. Mỗi khi người dân trong vùng mắc bệnh, họ đều phải đi tìm những bài thuốc dân gian để trị bệnh, phần vì bệnh viện ở khá xa, phần bởi cuộc sống của bà con chẳng lấy gì làm dư dả. Chứng kiến những bài thuốc từ cây cỏ mọc xung quanh đã cứu sống biết bao mạng người, chàng trai trẻ Lương Văn Sang đã bị kích thích mạnh mẽ. Những trăn trở về y thuật dân gian, về cái nghiệp hành thiện cứu người đã khiến chàng trai lặn lội tìm hiểu các phương thuốc mà chưa sách vở nào ghi chép. May mắn hơn, lương y Sang đã được một người tinh thông y thuật ngay tại quê nhà nhận làm đệ tử. Không quản ngại mưa nắng, ngày nào hai thầy trò cũng đi đây đó tìm những bài thuốc dân gian chữa bệnh cứu người. Cũng trong thời gian này, ông đã được sư phụ truyền lại nhiều bài thuốc quý.
Đau đáu cái tâm với nghề nên những ngày ở trong quân ngũ, lương y Sang vẫn luôn mày mò tìm kiếm những dược liệu quý. Năm tháng sống giữa chốn “rừng thiêng nước độc” lại là cơ hội để ông tiếp xúc với nhiều loại thảo dược mà không phải ai cũng may mắn có được. Rời quân ngũ, ông trở lại làng quê nhưng chưa bao giờ gác lại sở thích đó. Ông vẫn thường xuyên rong ruổi khắp các làng xóm, tìm gặp những lang y vườn để có bài thuốc hay. Đó cũng là cơ duyên giúp ông may mắn đến được với bài thuốc có thể chữa tan hoàn toàn sỏi gan, sỏi mật. Theo lương y Sang, câu chuyện xảy ra khoảng năm 1976, vào một buổi chiều muộn trên chuyến xe tỉnh đi về huyện Phù Cát, ông đã vô tình nghe được cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa một bà lão và người phụ nữ trên xe về một cô bé đang mắc căn bệnh sỏi mật khá nặng. “Tôi nhớ rất rõ, lúc đó ngồi cạnh tôi là một người mẹ ăn mặc rách rưới, tay ôm chặt đứa con nhỏ da mặt vàng sạm, nom rất yếu ớt. Ngồi kế bên là một bà cụ miệng nhai trầu bỏm bẻm, thấy tình cảnh tội nghiệp của hai mẹ con nọ nên tôi bắt chuyện. Thì ra, đứa bé bị sỏi mật nằm ở Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn được bác sĩ chỉ định mổ nhưng vì mắc chứng máu khó đông nên người mẹ ấy đành bế con về nhà nằm chờ chết”, lương y Sang nhớ lại.
Sau khi bà mẹ vừa dứt lời, cụ bà đáp lại ngay: “Chết cái gì mà chết, bệnh này không cần phải mổ xẻ gì cả đâu. Chị nghe lời tôi, về nhà hái một rổ sung xanh, thái mỏng phơi khô sao vàng cho vào nồi, đổ ngập nước nấu cạn còn nửa nồi thì cho cháu uống, dần sẽ hết bệnh”. Nghe lấy làm lạ nhưng cũng muốn biết thực hư tác dụng của trái sung đối với bệnh sỏi nên ông quyết theo chân mẹ đứa bé về kiểm nghiệm. Kết quả thật bất ngờ, bệnh tình của cháu bé chuyển biến tích cực và bé liên tục đòi ăn đòi uống, mặc dù thời gian trước đó cô bé chẳng ăn uống được gì. Những ngày sau đó, cô bé vẫn được mẹ sắc nước từ trái sung cho uống và dần khỏi hẳn. Sự kiện thoát khỏi tử thần nhờ trái sung mọc hoang của cô bé khiến ai nấy đều lấy làm lạ. Vì thế, ông đã dò la tin tức của bà lang trên để học hỏi kinh nghiệm rồi tự mình nghiên cứu tác dụng trị bệnh của trái sung.   Công dụng thần kỳ của trái sung  
Gần 40 năm chia sẻ bài thuốc quý từ quả sung giúp bệnh nhân đánh tan sỏi mật 2
Sung là loại cây mọc hoang nhiều ở các vùng quê Việt Nam.

Sung là một loại cây dân dã mọc rất nhiều ở các vùng quê nhưng ít ai biết được công dụng trị bệnh của nó. Theo Y học cổ truyền, quả sung có vị ngọt, có tác dụng kiện tỳ, ích vị, nhuận tràng… Lương y Sang cho biết, trái sung có tên khoa học là Ficus carica, thuộc họ dâu tằm, bên trong có chứa axit béo và một số hoạt chất tốt cho tim mạch, giàu phenol. Thú vị hơn, trái sung phơi khô có tác dụng trị bệnh sỏi mật cực kì hiệu quả. Nói về bài thuốc chữa bệnh sỏi mật, sỏi gan từ trái sung, ông Sang cho biết: “Bệnh sỏi mật do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như ăn phải thực phẩm nhiễm độc tố cộng với bộ phận gan suy yếu. Về mặt y lý, khi gan suy yếu chức năng, lượng dịch mật được cơ thể tiết ra hỗ trợ dạ dày tiêu hóa thức ăn không được giải phóng hết. Lâu dần, dịch mật kết tủa tạo thành khối u gọi là sỏi. Ngoài phương pháp tây y là phẫu thuật cắt bỏ, bài thuốc Nam từ trái sung cũng sẽ làm tiêu tan được sỏi”.
Với mong muốn bài thuốc của mình sẽ được phổ biến rộng rãi khắp cả nước để mọi người có thể áp dụng chữa trị, ông không ngần ngại tư vấn miễn phí trực tiếp hoặc qua điện thoại và hướng dẫn cách thức bào chế thuốc cho người bệnh có nhu cầu. Theo lương y Sang, khi bào chế thuốc nên chọn hái những trái sung không quá non nhưng cũng không quá già, đem đập dập hoặc thái mỏng phơi khô. Tiếp sau đó, đem lượng sung khô sao vàng hạ thổ , dùng sắc lấy nước uống theo công thức, mỗi ngày dùng 200g. Mỗi người bệnh khi tìm đến phòng khám đều được lương y hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ: “Cho 200g trái sung vào nồi, đổ 4 chén nước rồi đun sôi đến khi cô cạn còn 1 chén thì để uống. Và nên chia uống nhiều lần trong ngày sau mỗi bữa ăn để tránh cơ thể mệt mỏi do hàm lượng thuốc đậm đặc. Những người mắc chứng bệnh sỏi gan, sỏi túi mật, sỏi thận cần phải chú ý kiêng một số thực phẩm như: Trứng, mỡ, nội tạng động vật và các loại hải sản”. “Khi người bệnh uống nước từ trái sung đã được rang vàng hạ thổ thì những chất có trong nó sẽ tiếp xúc với khối sỏi và làm cho nó mềm đi, tan dần rồi bị đào thải ra bên ngoài qua đường bài tiết. Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người mà có thời gian điều trị khác nhau, có người khoảng 2-3 tháng, lâu hơn thì phải mất 5-6 tháng”, ông Sang lý giải.   Tuy nhiên, theo ông Sang, người bệnh uống liên tục từ 1-3 tháng thì khi đi siêu âm sẽ có được kết quả khả quan. Nói về tác dụng chữa bệnh kỳ diệu từ quả sung, loại trái cây mọc hoang nhiều ở các làng quê Việt Nam, lương y Sang cho rằng: “Thuốc không phân đắt rẻ, thuốc nào trị lành bệnh là thuốc hay! Tôi không có quan niệm giữ khư khư một bài thuốc hay bí quyết nào cho riêng mình. Để có thể cứu giúp cho người thì bài thuốc đó phải được phổ biến rộng rãi”.              
Về bài thuốc trị sỏi mật, sỏi gan của lương y Phan Văn Sang, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Trong Đông y không có bài thuốc nào trị sỏi mật, sỏi gan từ quả sung cả. Bài thuốc của ông Sang có lẽ là một bài thuốc dân gian của một đồng bào vùng miền nào đó. Để chứng thực bài thuốc này, trước hết cần kết quả điều trị của 100 người sử dụng trở lên, sau đó mới có thể đánh giá nó có hiệu quả hay không”. Đồng quan điểm này, lương y Hà Văn Tiêu, Phó Chủ tịch Hội Đông y T.P Hà Nội cũng cho biết: “Tôi có biết một số bài thuốc sử dụng trái sung làm vị nhưng chỉ một loại trái cây này mà có thể trị được sỏi gan, sỏi mật thì tôi chưa nghe thấy bao giờ. Chính vì vậy, bài thuốc của lương y Sang cần được kiểm nghiệm”.
  Khôi Nguyên