ST
Hễ
bệnh viêm xoang càng nặng thì khi xông mũi bằng bài thuốc này sẽ càng
thấy có hiệu quả nhanh, bình thường chỉ sau từ 2 - 4 lần xông sẽ thấy
bệnh thuyên giảm rõ.
Thương con trai bị viêm xoang từ nhỏ, đã điều trị nhiều năm với đủ
mọi phương pháp mà không khỏi bệnh, vợ chồng ông bà Trần Ngọc Đảnh -
Trần Thị Kim Phúc (ngụ Quận 6, Tp.Hồ Chí Minh) cất công mày mò, cậy nhờ
những bài thuốc dân gian.
Điều thần kỳ đã đến khi gia đình này
được mách nước tự chế bài thuốc cực kỳ đơn giản của đồng bào dân tộc
Tây Nguyên dùng cây giao (một loại cây thuộc họ xương rồng), giúp người
bệnh “đoạn tuyệt” với bệnh xoang mà không tốn một đồng tiền.
Bài thuốc quý của đại ngàn
Ông Đảnh (67 tuổi) vốn không phải là bác
sĩ, cũng không một ngày được học về thuốc trị bệnh. Ông trước là giảng
viên Trường Đại học Nông Lâm, sau này về công tác ở Sở Nông nghiệp cho
đến khi nghỉ hưu.
Vị kỹ sư về hưu kể lại: “Con trai tôi bị
viêm xoang từ năm 10 tuổi. Cứ mỗi lần thay đổi thời tiết là cháu đau,
nhức đầu, nước mũi chảy liên tục rất khó thở. Ngoài ảnh hưởng lớn đến
sức khỏe thì căn bệnh này còn gây cho cháu rất nhiều bất tiện trong
sinh hoạt và học tập. Thương con, vợ chồng tôi cứ nghe nói có thầy
thuốc nào, bài thuốc nào chữa bệnh cho con dù xa xôi mấy cũng lặn lội
đến. Suốt nhiều năm đưa con đi điều trị ở khắp các bệnh viện nhưng bệnh
vẫn không thuyên giảm”.
Khoảng đầu năm 2003, một lần ông Đảnh
tình cờ gặp một đồng đội cũ từng cùng chiến đấu ở chiến trường Tây
Nguyên. Khi biết những vất vả của gia đình bạn trong việc điều trị cho
con trai, người này đã chỉ cho chú Đảnh một bài thuốc rất mà trước khi
đóng quân ở Tây Nguyên đã được đồng bào dân tộc tốt bụng chỉ cho khi
thấy mình bị xoang nặng. Bản thân người này sau khi áp dụng đã khỏe
mạnh, hết bệnh từ đó đến nay.
Bài thuốc này kỳ thực rất đơn giản, chỉ
duy nhất một vị thuốc là cây giao. Phương pháp chữa bệnh cũng rất dễ
dàng, người bệnh chỉ việc đun cây giao tươi lên và xông. Chỉ sau hơn
một tháng dùng loại thuốc tự chế này, căn bệnh dai dẳng và “cứng đầu”
của con trai ông Đảnh đã hết hẳn. Người thanh niên này đang học tập và
làm việc tại Úc, sống trong mùa đông lạnh và khắc nghiệt của xứ sở
“chuột túi” nhưng căn bệnh vẫn không tái phát.
Bà Trần Thị Kim Phúc trong một lần đi tìm cây giao phát miễn phí cho người mắc bệnh xoang
Từ khi con trai khỏi bệnh, trong những
lần đi tập dưỡng sinh, sinh hoạt các câu lạc bộ, bà Phúc đã phổ biến
bài thuốc này cho người quen và rất nhiều người nhờ đó đã khỏi bệnh.
Nhiều năm chứng kiến nỗi khổ của con trai khi phải sống chung với căn
bệnh khó chịu, ông bà quyết tâm giúp những người bị bệnh như con trai
mình tìm lại sức khỏe.
Khi bài thuốc được phổ biến rộng rãi,
nhiều người tìm đến gia đình để xin bài thuốc, cây thuốc. Ngôi nhà ống
giữa đất Sài Thành không có không gian để trồng cây nên để giúp đỡ
những người bệnh, nên có mấy năm ròng, mỗi tuần ông bà lại thuê một
chiếc xe 16 chỗ chạy ra Ninh Thuận, Bình Thuận chở đầy một xe cây giao
về phát cho mọi người.
Thời gian gần đây do tuổi cao, vợ chồng
ông bà không thể đi xa lấy thuốc cho mọi người nên bỏ thời gian soạn
hẳn một quy trình đầy đủ từ mô tả cây, công dụng, cách làm, tác dụng,
lưu ý … và mỗi người bệnh tìm đến đều được biếu một bản quy trình này.
Chi tiết quy trình diệt bệnh xoang bằng cây giao
Điều đầu tiên trong bài thuốc này, ông
Đảnh nhấn mạnh: “Do cây giao thuộc họ xương rồng, có mủ đục có hại cho
mắt nên trong mọi thao tác làm thuốc (cắt, bẻ…) nhất thiết phải thật
cẩn thận, tránh để mủ này dính vào mắt (có thể mang kính), tránh trường
hợp mủ có khả năng làm hại, đui mắt.
Những dụng cụ nhất thiết phải có để chữa
bệnh xoang gồm: 1. Một ấm nước nhỏ (bằng kim loại, sành sứ đều được và
lưu ý sau này không dùng ấm này để nấu nước uống vì sợ độc). 2. Lấy
một tờ lịch treo tường loại lớn quấn xéo lại thành một cái ống dài. Lưu
ý ống phải dài khoảng 50cm, nếu ngắn quá thì hơi sẽ quá nóng, dễ bị
phỏng da; còn nếu dài quá thì hơi không đủ mạnh để hít. Ống phải quấn
sao cho một đầu vừa miệng vòi ấm, còn một đầu nhỏ hơn dùng để hít. Nếu
có ống tre hay trúc được thông lỗ giữa các đốt cây thì tốt hơn, nhưng
không được dùng loại ống bằng nhựa bởi dễ nóng chảy.
Cây giao ->
Bài thuốc xông mỗi ngày gồm một chén
(bát) nước và khoảng 70gr cây. Nếu không có cân thì có thể đếm khoảng
15-20 đốt cây thuốc cho một ngày dùng. Thường buổi sáng dùng phần lớn
lượng cây thuốc trong phần thuốc của cả ngày, chừa lại một vài nhánh
nhỏ để đến chiều bổ sung lượng thuốc đã bốc hơi.
Nếu dùng một lần một ngày thì trọn phần
thuốc đã định vào một lần. Cắt nhỏ các đốt cây thành cỡ một nửa đốt
ngón tay rồi thả vào ấm. Nên cắt cây ngay trên miệng ấm để cho mủ cây
nhỏ vào ấm càng tốt. Sau đó đặt ấn lên bếp, nên sử dụng loại bếp có
chức năng tăng giảm lửa như bếp ga mini. Đầu tiên vặn lửa thật lớn cho
nước trong ấm sôi sùng sục. Khi thấy hơi xông ra nhiều từ vòi ấm thì
bớt lửa đến cực nhỏ, canh sao cho hơi vẫn còn bốc ra nhẹ ở vòi ấm. Kế
tiếp đưa một đầu ống đã quấn vào vòi ấm, còn một đầu cho vào mũi để hít
hơi xông lên.
Thời gian xông là hai lần trong một ngày
(nên sử dụng vào sáng và tối). Thuốc đã dùng buổi sáng nên để dành và
hâm lại dùng buổi tối. Khi hâm dùng lần hai thì nhớ bổ sung thêm một ít
nước cùng vài đốt cây mới. Sau đó đổ bỏ, hôm sau lại làm liều thuốc
mới. Hai hôm đầu xông mỗi lần 20 phút, từ ngày thứ 3 - 5 mỗi lần 25
phút, sau đó xông 30 phút mỗi lần và duy trì như vậy cho đến hết bệnh.
Khi bệnh đã khỏi, nên xông củng cố thêm vài lần, mỗi lần 45 phút rồi
mới nghỉ hắn. Trẻ em nên xông với thời gian ngắn hơn so với người lớn,
để khi quen dần mới tăng thời gian lên.
Theo ông Đảnh, nên xông kiên trì cho đến
khi hết hẳn, bệnh nặng có thể xông đến khoảng 30 ngày. Sau đó duy trì
thêm một vài lần cho chắc ăn rồi ngưng, không nên lạm dụng. Về sau, nếu
có tái phát mới xông tiếp. Có nhiều trường hợp bệnh nặng lâu năm, khi
xông đã khỏi bệnh lâu dài.
Kinh nghiệm bản thân của vị kỹ sư về hưu
này cho thấy hễ bệnh càng nặng thì khi xông sẽ càng thấy có hiệu quả
nhanh, bình thường chỉ sau từ 2 - 4 lần xông sẽ thấy bệnh thuyên giảm
rõ. Nếu xông quá lâu mà vẫn không có chút kết quả gì thì chỉ có thể là
cơ thể người bệnh không “chịu thuốc” hoặc là đã lấy không đúng giống
thuốc hay sử dụng không đúng cách. Những trường hợp này nên ngưng dùng.
Qua nhiều năm tiếp xúc với nhiều người bệnh xoang, ông Đảnh khẳng
định: “Tỉ lệ khỏi bệnh là rất cao, khoảng trên 90% người đã dứt bệnh
xoang khi xông mũi bằng cây giao.”
Ông Đảnh lưu ý: “Người mới xông có thể
gặp các biểu hiện sau: Có người xông vào thấy thông mũi, nhẹ đầu, dễ
chịu và khỏi bệnh nhanh chóng. Có người 2 - 3 hôm đầu thấy sổ mũi
nhiều, khó chịu nhưng tiếp tục xông sẽ qua khỏi và êm dần cho đến khi
hết bệnh. Có một số bệnh nhân viêm xoang sàng sẽ thấy bớt đau ở cổ và
vai nhưng dồn lên đau nhiều ở đầu nhưng chừng 2 - 3 hôm sau cơn đau sẽ
dịu dần; khi xông tiếp sẽ hết đau rồi hết hẳn bệnh”.
Một lưu ý cuối cùng: Bài thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Cây giao là một loại cây thuộc họ
xương rồng, không lá, không gai (Có nơi còn gọi là cây nọc rắn, cây
càng tôm, cây xương khô, xương cá hay cây san hô xanh...). Cây mọc
hoang ở nhiều nơi, ở thôn quê cây thường được trồng làm hàng rào.
Thân chỉ gồm nhiều đốt tròn có đường
kính như chiếc đũa, màu xanh, có độ dài không đều, mọc tua tủa ra các
phía. Lá nhỏ, hẹp, rụng sớm, thường chỉ có cành nhánh trơ trọi. Thân
khi bẻ ra thấy nhiều mủ màu trắng đục như sữa, và chính mủ này là vị
thuốc trị bệnh xoang. Cây dễ trồng, có thể cắt cành và giâm xuống đất ẩm. Sau khi giâm, người ta tưới nước vừa phải mỗi ngày, sau vài ngày thì cây sẽ bén rễ, rồi dần sẽ nảy nhánh con, phát triển tốt. |
Theo Thủy Trúc - PLVN