9 thg 10, 2013

Chữa dị ứng bằng Đông y


Để chữa dị ứng mẩn ngứa, bạn có thể chọn một trong những vị sau sắc uống: cây đơn kim 15 g, lá đơn tía (đơn lá đỏ) 15 g, cây đơn nem 10 g hoặc lá đơn tướng quân 15 g.
tr
Đơn lá đỏ.
Theo y học hiện đại, dị ứng là một phản ứng không bình thường của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ, thường gọi là “dị nguyên”. Dị nguyên có thể là bụi, phấn hoa, những lông nhỏ trên cành, lá của một vài loại thực vật, các protein, dịch tiết các loại côn trùng, hóa chất... Khi bị xâm nhập, lập tức trong cơ thể xuất hiện phản ứng kháng nguyên - kháng thể và một chất trung gian sinh học histamin được phóng thích khỏi các tế bào dưới dạng tự do. Chính chất này đã gây nên hiện tượng dị ứng làm mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp...
Sự xâm nhập của các dị nguyên có thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt) và phần nhiều qua đường da do tiếp xúc.
Trong Đông y, dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang. Phong ngứa là từ dân gian quen gọi chỉ hiện tượng dị ứng. Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào trong cơ thể còn do nhiễm ngoại tà hoặc thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp, phong thấp nhiệt... mà gây ra uất kết ở da, bắp thịt. Mặt khác, do quá trình chuyển hóa, hoạt động của các tạng phủ thiếu điều độ, chẳng hạn can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.
Để điều trị dị ứng, điều quan trọng là xác định được nguyên nhân và loại trừ “dị nguyên”. Có rất nhiều bài thuốc chữa dị ứng:
- Gặp mưa, lạnh, người nổi ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu, dân gian thường gọi bị “lất”: Cần vào chỗ ấm tránh mưa lạnh. Dùng một miếng vải vó cũ cho vào chảo rang lên cho nóng chừng 40-45 độ C rồi chườm vào vùng bị lất. Có thể lấy 3 lát gừng tươi, giã nát thêm ít nước sôi và một chút đường cho uống để tăng tác dụng ôn trung.
- Rễ chàm mèo 12 g, kim ngân hoa 10 g, đại hoàng 9 g, hoàng bá 8 g, cam thảo 5 g, hoặc phù bình 6 g, thuyền thoái 3 g; phòng phong, kim ngân hoa mỗi thứ 5 g. Sắc uống.
- Dị ứng mẩn ngứa do ăn phải các chất lạ, đặc biệt các protein lạ như các loại hải sản, nhộng tằm: Dùng kinh giới 25 g, sao vàng sắc uống, kết hợp lấy một ít lá kinh giới sao với cám rồi xát nhẹ lên vùng da bị ngứa, ngày 2-3 lần cho đến khi khỏi. Nếu mẩn ngứa do tuần hoàn huyết dịch trì trệ, thêm chỉ xác 12 g sắc với kinh giới; hoặc dùng lá đơn tướng quân 15 g, sài đất, kim ngân hoa mỗi vị 12 g; cỏ nhọ nồi 10 g; núc nác 8 g; thổ phục linh 15 g. Sắc uống. Trường hợp lở ngứa nổi sần do huyết trệ thêm đan bì, xích thược, quy vĩ mỗi thứ 10 g sắc.
- Trường hợp ngứa phát ban do phong nhiệt dùng thương nhĩ tử, địa phu tử mỗi thứ 6 g; hoặc dùng bồ công anh 15 g; cúc hoa, kim ngân hoa mỗi vị 9 g, cam thảo 5 g. Sắc uống ngày một thang. Có thể dùng lá đơn tướng quân 20 g hoặc nhẫn đông đằng, thổ phục linh, thương nhĩ tử mỗi vị 20 g. Sắc uống.
- Nếu huyết nhiệt gây ra mụn nhọt, mẩn ngứa dùng bài Ngũ vị tiêu độc ẩm: Kim ngân hoa 20 g, bồ công anh, cúc hoa, sinh địa, cam thảo đất mỗi thứ 10 g. Sắc uống.
Phạm Hinh, Sức Khỏe & Đời Sống

13 thg 9, 2013

Điều trị hội chứng táo bón thuốc y học cổ truyền


tao bon
Người Pháp có câu ngạn ngữ " Câu từ chối của người khoẻ mạnh nghe còn dễ chịu hơn câu đồng ý của người táo bón". Người bị chứng táo bón bao giờ cũng khó tính và bẳn gắt, bởi lẽ họ bị tự nhiễm độc bởi các chất độc sinh ra trong quá trình lên men thối. Những hydrosunfit, indocin, sunfuahydro..là những sản phẩm trung gian sinh ra trong quá trình tiêu hoá cần được đào thải.Nhà bác học Metnhicôp đã từng chứng minh những cơ địa mỗi ngày đại tiện 2 lần sống lâu hơn người táo bón.
Theo đông y táo bón do các nguyên nhân sau:
Táo bón do phần âm của cơ thể hư với các biểu hiện nóng trong, mặt đỏ, lòng bàn chan, tay nóng, người gầy khô, môi khô, khát nước nhưng không uống nhiều, mạch nhanh nhỏ, tần số > 80 lần /phút. Có thể nói trẻ em bị táo bón cơ bản thuộc chứng này, khi khắc phục được chứng táo bón trẻ ngủ ngon và chóng lớn, hết cáu kỉnh, hết khóc nhè.
Thuốc:
Thục địa  16g; Sơn thù bắc  08g; Hoài sơn  08g;  Trạch tả  06g; đan bì  06g; phục linh  06g. Công thức trên là 1 thang, sắc uống mỗi ngày 1 thang x 10 ngày. Với người lớn, người già nên uống 15-21 thang.
Táo bón do huyết hư ta có thể hiểu là trường hợp táo bón do thiếu máu, thường gặp nhất sau khi đẻ, kèm theo hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi. Chứng táo bón này dễ gặp ở phụ nữ đang tuổi sinh đẻ, sau kỳ rong kinh, rong huyết, sau phẫu thuật....Thuốc dùng Xuyên khung  12g; đương quy  12g; Thục địa  12g; bạch thược  12g, đào nhân 16g, kỷ tử  12g; Tang thầm 12g. Mỗi ngày uống 1 thang x 10 ngày.
Táo bón do thực nhiệt bao giờ cũng có sốt cao trước đó hoặc đang giai đoạn sốt chưa dứt cơn. Thuốc  Huyền sâm  40g; Sinh địa  32g; Mạch môn 16g; đại hoàng  04g. Mỗi ngày 1 thang x 3 ngày.
Táo bón do khí hư, khí trệ là trường hợp trên những người làm việc văn phòng, tĩnh tại, ít vận động, giảm nhu động ruột do liệt ruột tạm thời sau mổ ổ bụng. Thuốc: Nhân sâm 12g; Phục linh  12g; bạch truật  12g g; cam thảo 04g; Hậu phác 12g; trần bì 12g; Mộc hương 04g. Nên két hợp xoa bóp vùng bụng theo chiều kim đồng hồ mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 phút để kích thích nhu động ruột.
Táo bón do dương hư thường gặp ở các cụ ông với các biểu hiện dương hư tay chân lạnh, đái đêm nhiều lần, thờ ơ, bàng quan. Thuốc Nhục thung dung  40g sắc uống mỗi ngày 1 lần x 10 ngày.

Giới thiệu 1 số bài thuốc nam đơn giản chữa táo bón:

  • Bài Phù tang chí bảo do cụ tuệ tĩnh chế ra nhằm chữa táo bón, làm đẹp da, kéo dài tuổi thọ: Lá dâu non hái ngày 5/5 âm lịch  2kg; Mật ong trắng 2kg; Vừng đen  2kg. Lá dâu phơi trong râm, tán bột; Vừng đen rang giòn tán bột, trộn với mật ong để làn viên bằng đầu ngón tay cái (10g). mỗi ngày ăn 3 viên x 3 lần.
  • Lá ớt non 100g xào thịt ba chỉ ăn thay rau, nên ăn rau lang, rau đay, mồng tơi và những loại rau nhiều chất xơ.
  • Bs.Hoàng Sầm
    Nghiên cứu viên cao cấp
    Viện Y Học Bản Địa Việt Nam

Cây Bồ quân chữa khỏi u xơ tiền liệt tuyến


Cây và quả Bồ QuânTheo kinh nghiệm dân gian, nước sắc rễ cây quân có tác dụng chữa khỏi cho đàn ông chừng 40 - 50 tuổi trở lên mắc chứng đái dắt, đái khó, thường hay mót rặn lâu nhưng có cảm giác đi không hết bãi, hơi thở hôi nồng, đau ê ẩm vùng bọng đái, bàng quang...


Bồ quân hay mùng quân, hồng quân (hay còn gọi là cây quân) có tên khoa học là Flacourtia jangomas (Lour.) Raeusch hoặc tên khác Flacourtia cataphracta Roxb., thuộc họ Bồ quân hay họ Chùm bao lớn Flacourtiaceae. Cây bồ quân thuộc loại thân gỗ, sống lâu năm ở vùng nhiệt đới, thổ nhưỡng và thổ ngơi rất đa dạng.

Chỉ cần dùng vài mẩu rễ cây quân rửa sạch, bỏ vào ống nứa hay nồi nhỏ, nấu  lên  theo công thức 3 bát  nước, sắc cho còn 1 bát, uống trong ngày. Những mẩu rễ này có thể sắc di sắc lại vài lần.

Uống liên tục chừng 3 ngày thì những tình trạng đã nêu trên sẽ hết. Người bệnh có giấc ngủ êm, giảm cho đến hết phản xạ đi tiểu đêm. Chấm dứt tình trạng khét khắm, do quần áo, trang phục nội y dính những giọt nước tiểu sót rỉ ra triền miên trong ngày...

Điều tra tại Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên năm 2001 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến như sau: 61% trường hợp 60 - 74 tuổi, 28% trường hợp 55 - 59 tuổi; 11% trên 75 tuổi. Sau 20 ngày điều trị bằng uống cao lỏng cây quân với liều 0,1ml/kg/ngày, tất cả các triệu chứng rối loạn bài tiết nước tiểu trên lâm sàng đều giảm đi rõ rệt.
Đặc biệt, mất hẳn các triệu chứng cầu bàng quang căng to, đau tức vùng hạ vị.

Trong 20 bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt, sau đợt điều trị bằng uống cao lỏng cây quân đều không cần đòi hỏi  phải phẫu thuật. Hình ảnh siêu âm cuối cùng cho thấy, thể tích khối u giảm trung bình 3,5cm3. Đồng thời, qua siêu âm còn nhận thấy nhiều chỗ vôi hóa biến mất, thể tích bàng quang co trở lại gần như mức bình thường.

Khi thăm khám trực tràng, các bệnh nhân  trên đều có tuyến tiền liệt mềm, nhận biết rõ rãnh giữa điển hình. Có 1 trường hợp thể tích khối u tăng thêm 1cm3 nhưng lại không cần phải mổ vì sau đợt điều trị, các triệu chứng rối loạn bài tiết nước tiểu được cải thiện rõ rệt. Người bệnh đã tiểu tiện thành tia, thành bãi lớn.
Trường hợp này cũng được thăm dò lại trực tràng thấy khối u mềm ra, phân biệt rõ rãnh giữa của tuyến, tuy vẫn còn to.

Các tác giả thống nhất nhận định: Cao lỏng cây quân hoặc nước sắc 3/1 của 100g thân hoặc cành cây quân, uống hàng ngày và liên tục trong một tuần lễ có khả năng điều trị đối với những trường hợp bệnh mới xuất hiện.

Nam giới từ  40 - 50 tuổi trở lên khi đã biết chắc chắn không bị chấn thương, không bị các loại bệnh nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, chỉ đơn thuần là đi tiểu khó khăn, khó chịu ở vùng cổ bàng quang, hạ vị, nên dùng cao lỏng cây quân hoặc nước sắc 3/1 của cây quân.

Sử dụng cây bồ quân như trên còn có thể giúp đàn ông lớn tuổi tránh được u xơ tiền liệt tuyến.

 
 Bs Hoàng Sầm
Nghiên cứu viên cao cấp
Viện Y Học bản Địa Việt Nam