17 thg 10, 2013

Cỏ mực - thuốc thanh nhiệt và cầm máu



Để chữa chứng chảy máu mũi đêm ngày không dứt, Y thư cổ Nam dược thần hiệu khuyên lấy cỏ mực giã nát, đắp vào giữa mỏ ác và trên trán.
Cỏ mực (rau mực) có tên khoa học là Eclipta alba Hassk, thuộc họ cúc Asteraceae. Gọi là cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen. Người ta còn gọi nó là cây nhọ nồi, dễ gây nhầm lẫn với vị thuốc nhọ nồi lấy từ nồi chảo. Tên chữ Hán là hạn liên thảo (cây có đài quả như sen).

Cỏ mực tính lạnh, vị ngọt chua, không độc, có tác dụng lương huyết (mát huyết), cầm máu, thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, làm đen râu tóc. Chủ trị: xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, tiêu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét, mẫn ngứa (uống trong, rửa ngoài).

Sách Thần nông bản thảo gọi cỏ mực “là thuốc cầm máu nổi tiếng”. Sách Đường bản thảo viết, người bị chảy máu dữ dội dùng cỏ mực đắp sẽ cầm, bôi nước lên đầu thì tóc sẽ mọc lại nhanh chóng. Điền nam bản thảo cho rằng, rau mực làm chắc răng, đen tóc chữa khỏi 9 loại trĩ. Bản kinh (ra đời cách đây 2000 năm) viết: “Máu chảy không cầm, đắp rau mực cầm ngay”.

Kỵ dùng cỏ mực khi có âm hư không có nhiệt, tỳ vị hư hàn tiêu chảy. Ngày nay, vị thuốc này được dùng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư và nhiều bệnh khác.

Viện Dược liệu từng nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ mực và nhận thấy nó có khả năng chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông), cầm máu ở tử cung, tăng trương lực tử cung. Cỏ mực không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sẩy thai.

Một số bài thuốc

Thổ huyết và chảy máu cam: Dùng cỏ mực cả cành và lá tươi giã lấy nước để uống.

Tiêu ra máu: Cỏ mực nướng trên miếng ngói sạch cho khô, tán bột. Mỗi lần dùng 2 chỉ (8g) với nước cơm (Gia tàng kinh nghiệm phương).

Tiểu ra máu: Cỏ mực, mã đề 2 vị bằng nhau, giã lấy nước ngày uống 3 chén lúc đói (Y học chân truyền). Hoặc nấu cháo cỏ mực (100 g) với 3 lát gừng.

Trĩ ra máu: Một nắm cỏ mực để nguyên rễ, giã nhuyễn, cho vào 1 chén rượu nóng, thành dịch đặc vừa uống trong, vừa đắp bã ngoài (Bảo thọ đường phương).

Chảy máu dạ dày - hành tá tràng: Cỏ mực 50 g, bạch cập 25 g, đại táo 4 quả, cam thảo 15g sắc uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Vết đứt chém nhỏ chảy máu: Một nắm cỏ mực sạch nhai hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.

Chữa râu tóc bạc sớm: Cỏ mực với lượng tùy dùng, rửa sạch, nấu cô đặc thành cao rồi cho nước gừng, mật ong với lượng vừa phải, cô lại lần nữa. Cho vào lọ, khi dùng lấy 1-2 thìa canh hòa nước đun sôi còn ấm hoặc cho ít rượu gạo để uống. Ngày 2 lần, cao này có tác dụng bổ thận, ích tinh huyết.

Hoặc: Cỏ mực 1-2 kg, cho vào nước ép lấy dịch đặc trộn với bột nữ trinh tử đã được chế sẵn như sau: nữ trinh tử 300-1.000 g ngâm rượu 1 ngày, bóc vỏ, rang khô tán bột. Viên hoàn bằng mật ong. Mỗi lần uống 10 g. Ngày uống 3 lần với rượu gạo hâm nóng. Hoàn này bổ can thận, xanh đen râu tóc, khỏi đau lưng gối (Nữ trinh tử không phải trinh nữ tử).

Chữa di mộng tinh (do tâm thận nóng): Cỏ mực sấy khô, tán bột. Uống ngày 8 g với nước cơm, hoặc sắc cỏ mực để uống ngày 30 g.

Rong kinh: Nếu nhẹ, lấy cỏ mực tươi giã vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều, cần phối hợp thêm trắc bá diệp hoặc cây huyết dụ…

Trẻ tưa lưỡi: Cỏ mực tươi 4 g, lá hẹ tươi 2 g giã nhuyễn, lấy nước cốt hòa mật ong chấm lên lưỡi cách 2 giờ 1 lần.

Cỏ mực chữa sốt xuất huyết

Viện Đông y cùng bệnh viện quận Đống Đa từng dùng cỏ mực chống dịch sốt xuất huyết muỗi truyền vào năm 1969, với 230 bệnh nhân nội trú, kết quả khỏi bệnh 99,6%. Viện Quân y 13, quân khi 5 cũng dùng mấy bài thuốc Nam dạng xiro có thành phần cỏ mực để chữa bệnh này, đem lại hiệu quả cao.

Ngoài việc thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, tác dụng cầm máu của cỏ mực đã được nghiên cúu tổng kết qua lâm sàng bệnh sôta xuất huyết và trong phòng thí nghiệm, mở ra cách giải thích cơ chế tác dụng cầm máu. Do vậy, cần bảo lưu vai trò của cỏ mực trong phương pháp chữa sốt xuất huyết vì chảy máu là một trong 2 yếu tố gây tử vong lớn nhất trong bệnh này.

Ngoài ra, theo tài liệu của Trung Quốc, cỏ mực đã được dùng để chữa ung thư các loại (phối hợp với những vị khác) như ung thư dạ dày, tử cung, xương, bạch huyết, họng. Trong đó, để chữa ung thư họng, chỉ dùng mỗi vị cỏ mực 50 g tươi vắt nước uống hàng ngày hoặc sắc nước uống.

5 bài thuốc chữa chảy máu cam


Mùa thu, khi tiết trời bắt đầu chuyển sang hanh khô. Độ ẩm không khí thường thấp, nhất là trong điều kiện đường sá có nhiều bụi bậm, bên cạnh đó, thời tiết lại thường có các đợt gió mùa đông bắc, se lạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho chứng "chảy máu cam" xuất hiện. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song ở trẻ em, tỷ lệ thường cao hơn.

Tại sao lại gọi là chảy máu cam?

Chữ cam ở đây theo nghĩa là "Ngọt", có nghĩa là chứng chảy máu gây ra do một thứ bệnh có tên chung là "Bệnh cam". Bệnh thuộc chứng cam thường chỉ xuất hiện ở trẻ em. Vì trẻ em thường thích ăn nhiều đồ ngọt. Và sau mỗi lần ăn như vậy, các em lại không có thói quen súc miệng sạch. Chính điều đó là điều kiện tốt cho các yếu tố gây viêm nhiễm ở các bộ phận họng, mũi, lưỡi, niêm mạc miệng, răng, lợi... Khi bị viêm niêm mạc mũi bị sưng tấy, sung huyết. Các mao mạch ở niêm mạc mũi do viêm nhiễm dẫn đến xơ giòn, dễ bị đứt. Mặt khác với khí hậu của mùa thu và đầu đông khô hanh, kèm theo thời tiết lạnh,  làm cho các mao mạch bị co lại, mà gây xuất huyết, tức "chảy máu cam". Đương nhiên, điều đó sẽ xảy ra nhiều hơn đối với  những trẻ em có sức đề kháng kém hơn, và trong tình trạng cơ thể thiếu một số vitamin, liên quan đến tính thấm của thành mạch, như vitamin C, P, K... những chất có tác dụng làm cho  thành mạch dẻo dai, bền chắc.
Bịt mũi khi bị chảy máu cam.
Thuốc cổ truyền trị chảy máu cam 

Chảy máu cam là chứng thường gặp, thường không có dấu hiệu gì báo trước, cũng không kể về thời gian. Có khi trẻ em đang nô đùa cũng chảy máu cam, có khi đêm ngủ máu cam ra lúc nào cũng không hay... Nếu bị chảy với lượng ít, số lần bị ít, thì ảnh hưởng cũng không lớn. Song nhiều trẻ do việc chăm sóc và quan tâm của gia đình không chu đáo, hiện tượng chảy máu cam sẽ xuất hiện nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đến việc học tập của các cháu.

YHCT cho rằng, chảy máu cam là do nguyên nhân "huyết nhiệt" gây ra "huyết nhiệt sinh phong", tức cơ thể ở trạng thái nhiệt sẽ làm cho "bức huyết vong hành", tức là gây xuất huyết; mà trong trường hợp này là xuất huyết ở mũi. Do vậy mà YHCT thường sử dụng các vị thuốc và phương thuốc mang tính lương huyết, chỉ huyết, kèm với bổ huyết để điều trị chứng bệnh này.

Một số bài thuốc thường dùng

Khi bị chảy máu cam, trước hết lấy ngón tay trỏ và ngón tay cái, ấn vào chỗ phía trên cánh mũi, hơi ngửa cổ về phía sau. Đồng thời lấy một ít tóc rối, tên vị thuốc là "loạn phát", loạn là "rối", "phát" là tóc. Trường hợp không có tóc rối có thể cắt ngay một nhúm tóc cũng được. Đem tóc đốt cháy thành than, vò cho thành bột mịn, rồi đặt ngay vào bên lỗ mũi bị chảy máu, hít  sâu vào trong, máu sẽ ngừng chảy ngay.
Cỏ nhọ nồi.
Sau đó hãy dùng các bài thuốc sau đây.

Bài 1: Ngó sen tươi 40 g, móng giò lợn 1 cái. Ninh nhừ, ngày ăn một lần. Cách 2 ngày ăn lại. Làm liền như vậy 2 tuần lễ, là được. Cách này rất dễ làm, và tiện cho các trẻ nhỏ. 

Bài 2: Lá sen tươi 50 g, hoặc 20 g khô. Sắc uống. Để tăng tác dụng, cần đem lá sen sao cháy.

Bài 3: Lá cây huyết dụ 12 - 16 g, cỏ nhọ nồi,  lá trắc bách diệp, đồng lượng,  sao đen, sắc uống, ngày một thang, 2 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền hai tuần lễ.

Bài 4: Hoa hòe (sao cháy) 12g, trắc bách diệp (sao cháy) 12g, kinh giới tuệ (sao cháy) 12g, chỉ xác (sao vàng xém cạnh) 12g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 2 lần uống, sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền 2 tuần lễ.

Bài 5: Thục địa 16g, trạch  tả 6g, hoài sơn 8g, bạch linh 6g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì 6g.

Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ 30 phút. Uống liền 3 tuần lễ. Cũng có thể làm dưới dạng viên hoàn với mật ong, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g. Phương này thích hợp cho những trường hợp cơ thể bị huyết nhiệt, do chứng âm hư hỏa vượng, chứng chảy máu cam, nhiều lần, cơ thể gầy và xanh...

Ngoài việc dùng thuốc YHCT ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần bổ sung thêm thường xuyên các loại rau quả tươi, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Trong trường hợp cần thiết nên kết hợp uống thêm vitamin C và hoa hòe sao đen hàng ngày, dưới dạng chè hãm. Vì trong hoa hòe chứa rutin, một chất có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm giảm tính thấm của thành mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Do đó, nó là thành phần hữu hiệu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch và suy yếu tĩnh mạch,  gây chảy máu cam, ho ra máu và các chứng xuất huyết khác.      
GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Ứng dụng mới của cỏ Nhọ nồi trên lâm sàng


Cỏ Nhọ nồi (còn có tên Cỏ mực, Hạn liên thảo) vị chua, ngọt, tính hàn, vào 2 kinh can, thận; có tác dụng lương huyết, cầm máu, bổ thận, ích âm, thường dùng chữa trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, băng huyết, rong huyết. Gần đây, Y học cổ truyền đã có nhiều ứng dụng mới về cỏ Nhọ nồi trên lâm sàng, đạt hiệu quả tốt. 

Cỏ nhọ nồi chữa gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là cả một quá trình tích tụ lâu dài, ảnh hưởng đến các tạng phủ của cơ thể, làm chức năng tạng phủ bị tổn thương. Bệnh lâu ngày vào thận, thận tinh dần hao tổn, thuỷ (thận) không nuôi dưỡng được mộc (can), ắt can kém sơ tiết, tỳ kém kiện vận, lipit huyết vận hoá không bình thường, tích ứ ở huyết làm tắc nghẽn can lạc mà thành gan nhiễm mỡ. Mỡ tồn đọng lâu ngày ở can, can uất lâu ngày tất sinh nội nhiệt. Can tàng huyết nên thành nhiệt huyết.
            Bài thuốc: Cỏ nhọ nồi 30 - 100g, Nữ trinh tử 20g, Trạch tả 15g, Đương quy 15g; Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm: Cát căn 30g, Chỉ củ tử (hạt Khúng khéng) 15g, Bồ công anh 15g; người bị viêm gan virut, nhất là viêm gan B mạn thì thêm: Phong phòng 15g, Bán biên liên 20g, Hổ trượng 15g. Người bị bệnh đái đường, thêm: Huyền sâm 15g, Thương truật 15g; người béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: Đại hoàng 6 – 10g, Hà diệp (lá sen) 15g; người tỳ hư thêm Phục linh 12g, Bạch truật 20g. Mỗi ngày uống một thang.
 
Cỏ nhọ nồi chữa bạch biến
 
Bệnh này, một là do phong tà từ ngoài xâm nhập vào da, tấn công lỗ chân lông làm cho huyết khí ứ trệ, tắc mao khiếu, không nuôi dưỡng được da; hai là do bên trong huyết hư sinh phong, lại thêm khí trệ huyết ứ, gốc thì hư mà ngọn thì thực
Bài thuốc: Cỏ nhọ nồi 30g, Sa uyển tử 15g, Sinh hà thủ ô 30g, Bạch chỉ 12g, Đương quy 10g, Xích thược 10g, Đan sâm 15g, Đảng sâm 15g, Bạch truật 10g, Thiền thoái 6g; sắc uống ngày một thang; 15 ngày là một liệu trình.
Trong bài thuốc: Cỏ nhọ nồi, Đương quy, Sinh hà thủ ô, Đảng sâm, Bạch truật có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, kiện tỳ hoá ứ, tư bổ can thận; Bạch chỉ, Thiền thoái có tác dụng tán phong trừ thấp, sinh cơ da, nhuận sắc da; Đan sâm, Xích thược có tác dụng hoạt huyết thông lạc, khư ứ sinh tân, chủ yếu nhằm cải thiện tuần hoàn huyết dịch. 
 
Cỏ nhọ nồi trị eczema trẻ em
 
Cỏ nhọ nồi tươi, rửa sạch, giã lấy nước, cho vào nồi hấp 15 - 20 phút (tiệt trùng), để nguội, bôi chỗ đau, ngày vài ba lần, hoặc 50g Cỏ nhọ nồi khô (nếu không có tươi) sắc lấy nước rồi cô đặc, bôi chỗ đau; thường 2 - 3 ngày sau là dịch rỉ giảm rõ ràng, đóng vẩy, đỡ ngứa, khoảng một tuần là khỏi.
Theo Y học cổ truyền, eczema trẻ em thuộc phạm trù thai liễm sang, chủ yếu do thấp nhiệt nội uẩn, phát ra ngoài da, chữa bằng Cỏ nhọ nồi da không bị kích ứng.
 
(Theo Trung y tạp chí)
GS. Phạm Đình Sửu