12 thg 2, 2012

Trái Sung Chữa Tan Sỏi Mật, Điều Mà Ít Ai Biết

Trái Sung Chữa Tan Sỏi Mật, Điều Mà Ít Ai Biết


image
Sung là loài cây sống trải rộng khắp nơi trên trái đất. Sung gần gũi với dân quê hiền hòa chất phát, từ đó có những câu hát, câu ca dao truyền từ đời này qua đời khác…
...Đói lòng ăn nửa trái sung
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng...

Theo Y học cổ truyền, quả sung có vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ, ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện...

Quả sung dân dã, quê mùa, nhưng ít ai biết sung có công dụng trị nhiều thứ bệnh.
Khi quý vị vào trang google nhập từ TRÁI SUNG sẽ được nhiều thông tin phong phú nói về trái sung.
Trái sung tên khoa học là Ficus carica, họ dâu tằm Moraceae L
Trái sung giàu Phenol, axit béo, omega3 và omega6, tốt cho tim mạch.
Chất xơ trái sung có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt ung thư gan mật, ruột kết và ung thư vú.
Vi chất ổn định đường huyết, ổn định huyết áp…

Đó là những thông tin trong sách báo, trên mạng Internet, nhưng ở vùng miền Trung vùng sâu, vùng  xa hẻo lánh của quê hương tôi người ta dùng để chữa hiệu quả một chứng bệnh, đó là bệnh

                                                           SỎI MẬT

Nghe qua  khó tin nhưng là việc thật. Bỡi thế người Trung Hoa thường bảo “ người Việt Nam chết trên cây thuốc” là vậy.

Vào thời điểm những năm sau 1975, đời sống kinh tế và thuốc men rất là khó khăn khổ cực. đối với mọi người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, cho nên mọi người rất sợ đau ốm.

Câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1976 tại huyện Phù Cát thuộc Tỉnh Bình Định quê hương tôi.

Hôm đó vào khoảng xế chiều trên bến xe lam, chưa đủ khách nên xe chưa chạy, trên chiếc xe lam chỉ có 3 người : một bà già ngồi nhai trầu bỏm bẻm miệng đỏ hoe, nhìn cô gái ( khoảng 20 tuổi ) ốm yếu, da mặt vàng sạm, với hơi thở yếu ớt nằm ngoặc nghẽo trong vòng tay người mẹ.

Bà già trầu cất tiếng hỏi:
- Chị ơi, con bé bị bệnh gì mà trông tội nghiệp quá vậy ?
- Dạ, cháu nó bị sỏi mật, nằm bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn cả tháng nay, bác sĩ định mổ nhưng xét nghiệm rồi nói cháu nó máu loãng không đông nên không thể mổ, nếu mổ sẽ không cầm được máu sẽ chết, thôi thì đưa cháu về cho ăn được gì ăn rồi cháu sẽ chết !
Nói xong 2 hàng nước mắt lăn dài trên đôi má gầy còm của người mẹ.

Nghe xong, bà già tay cầm miếng trầu đang nhai trong miệng vứt xuống đất nghe cái “bộp”, nói một giọng chắc mẩm :

- Wééé...ét……Chết chóc cái gì mà chết, bịnh này mà mổ xẻ cái gì chứ ! Chị nghe lời tôi, về nhà hái một rổ trái sung xanh, xắc mỏng phơi khô sao vàng cho vào nồi, đổ ngập nước nấu cạn còn nửa nồi cho cháu uống dần sẽ hết bịnh.

- Nghe bà già trầu nói thế  người mẹ mừng quá quên cả cám ơn , về đến nhà trời cũng đã tối, bà con lối xóm nghe con bé về ai nấy đến thăm, nhìn thân hình tiều tụy, mê man mà lắc đầu thương xót.
Khi đưa cô con gái vào nằm trên giường, mặc ai thăm thì cứ đến thăm, riêng bà đốt đèn ra bờ sông soi tìm hái đầy một rổ trái sung.

Về đến nhà mọi người đến thăm ai nấy đã về hết, chỉ còn con gái bà  còn  nằm bất động trên giường. Mặc kệ mày !

Bà cặm cụi xắt mỏng từng trái sung, đêm không nắng không phơi được, hơn nữa thời giờ cấp bách bà chất lửa đốt, bắt chảo lên rang vàng đến khô giòn từng lát  sung, sau đó cho vào nồi nấu đến khi còn lại 1 bát lớn thì trời cũng đã khuya lắm rồi.

-  Dậy uống thuốc nè con
-  Ôi ! Con mệt quá…
-  Ráng uống để sống với người ta đi con ơi, không thì con sẽ chết!
Nửa tỉnh nửa mê nghe nói chết, cô con gái  cũng sợ ráng ngồi dậy uống hết bát thuốc.

Thấy con uống xong, là lúc bà cũng mệt mỏi lắm, nằm ngủ thiếp lúc nào không hay.
 ………..
-Má ơi con đói bụng quá !
Đang nằm ngủ ngon giấc, bà mẹ giật mình ngồi dậy;
- Hã? Con nói gì ?
- Con đói bụng quá, có gì ăn không ?
Trời đất, con nhỏ nó hồi dương rồi sao ? Nằm bệnh viện cả tháng trời nó có chịu ăn uống gì đâu, nó chỉ sống bằng thuốc , bằng dịch chuyền thôi mà, sao nay về nhà nó lại đói bụng đòi ăn ? Vậy là nó hồi dương và sắp chết thật rồi. Bà thầm nghĩ vậy.
- Có ăn cũng để má nấu cơm nóng đã chứ. Còn cơm nguội ăn gì được .
- Kệ má ơi, cho con ăn đi, con đói lắm rồi.
Trời ! Bà còn sợ dữ nữa, nhất định con nhỏ hồi dương rồi, chắc rồi nó cũng chết, thôi cứ cho nó ăn đại cơm nguội, nếu nó có chết cũng là chết no. Nghĩ vậy bà bèn lấy cơm nguội với mắm cho nó ăn.
Nhìn nó ăn ngon lành mà bà thấy buồn thương cho đứa con gái tội nghiệp, rồi đây nó sẽ không còn trên cõi đời này, không còn trong căn nhà này nữa…
           
Sau hơn tháng trời xa nhà nằm bệnh viện, sáng nay nó đi khắp xóm khắp làng gặp nhà ai nó cũng ghé vào nói cười vui vẻ làm ai cũng lo cũng sợ. Cứ nghĩ cô gái này chết rồi mà hồi dương lại đi thăm mọi người rồi về cũng  sẽ chết luôn…(dân quê hay quan miệm vậy mà!)

Đến chiều nhìn đứa con gái xem ra vẫn khỏe hơn, bà nghĩ bụng : vậy là trái sung đã cứu sống con mình rồi. Bà vui mừng đi tìm hái thêm mấy  rổ nữa về làm cho nó uống…

Thưa quý vị, trải qua 34, 35 năm nay cô con gái đó, nay đã trở thành bà nội bà ngoại rồi. Đây là câu chuyện thật 100% ở cùng làng quê tôi.

Thằng em út tôi ( sinh năm 1977) vào năm 1995 làm ăn ở Sài gòn cũng bị chứng sỏi mật nằm bệnh viện Bình dân (đã lên lịch mổ), tối hôm đó tôi có lên thăm thấy mắt, mặt và toàn thân là một màu vàng sạm ( nói xin lỗi, còn xấu hơn da người mới chết ) nhưng sáng hôm sau đã thấy nó vát mặt về nhà.

-Trời ơi, sao mày không nằm để bác sĩ người ta mổ ?

Thì thằng em tôi nó nó nói: “Thôi, em về uống trái sung, sợ mổ lắm”.

Và thưa quý vị quả thật cho đến hôm nay (tháng 2-2011) trải qua 16 năm nó vẫn lao động bình thường, sỏi cũng tiêu đâu mất.

Trải qua 12 năm tôi có tham gia chữa bệnh từ thiện ở các phòng khám của các chùa. Vào năm 2003 tôi đang châm cứu cho một bà bệnh nhân, bà ấy  bảo:

-Thầy ơi châm giùm tôi chỗ cạnh sườn này. Vừa nói bà vừa lấy ngón tay chỉ vào.Tôi hỏi

- Sao lại phải châm chỗ này ?

- Tôi bị sỏi mật, còn 1 tháng nữa là tôi phải đi mổ đó.Giờ châm cho đỡ đau thôi.

Bà còn nói –“bác sĩ cho biết giá mổ xong hoàn tấc là 30 triệu đó”.
Tôi hỏi :
- Vậy ai lo cho bà ?
- Tôi có thằng con làm giám đốc sẽ lo cho tôi về tiền bạc.
Nghe vậy tôi nói nữa đùa nửa thật:
- Vậy nếu tôi chữa cho bà, đến khi tan hết sỏi, khỏi mổ bà cho tôi bao nhiêu ?

Thật tình những lương y chúng tôi phần đông ai cũng nghèo, nhưng vì yêu thích nghề nên ăn cơm nhà đi làm từ thiện miễn phí, giúp cho những bệnh, thỉnh thoảng cũng gặp được những người gia đình khá giả họ cũng có bồi dưỡng cho chúng tôi ít nhiều có tiền uống café với anh em , nay gặp bà bệnh nhân này nói có con làm giám đốc vậy cũng mừng.
Bà ấy nói : Nếu thầy chữa tôi hết bệnh khỏi mổ tôi tạ thầy 10 triệu, nhưng mà…thầy chữa hết không ?

-  Tôi là người lớn, là một lương y không thể nói đùa.

Nghe vậy bà ấy vui mừng 2 bên thỏa thuận bằng miệng với nhau và hứa ngày mai đến gặp tôi lấy thuốc.

Tôi mướn người đi tìm hái trái sung về sao tẩm chế biến,thỉnh thoảng hết thuốc bà thường đến gặp tôi để lấy về uống, liên tục như thế thời gian khoảng 1 tháng, rồi sau đó bà bặt tăm luôn không thấy đến nữa, mà tôi thì quên hỏi số điện thoại nhà bà. Đến chừng 6 tháng sau bà đến chùa, gặp lại bà tôi rất vui và hỏi :

- Lâu quá không gặp bà, bà khỏe không ?
- Khỏe !
- Vậy sỏi mật bà hết chưa ? Có đi bác sĩ mổ không ?
Bà đáp :
- À hết rồi, hết rồi thôi đâu có đi bác sĩ chi nữa.
Tôi hỏi :
- Vậy chứ còn bà hứa sau khi hết bệnh cho tôi 10 triệu bà tính sao ?
Bà cười giả lả : Các thầy có cái tâm đến đây làm từ thiện mà nhắc đến tiền bạc sao ?
 - Trời đất ! Bà nói vậy thôi tôi chịu thua bà luôn.
Từ đó về sau, gặp bà tôi cũng không nhắc đến chuyện đó nữa.

“Làm người thầy thuốc rất vinh hạnh, nhưng cũng lắm phũ phàng” là vậy. Đây là chuyện có thật trong đời làm thuốc của tôi, bạn bè đồng nghiệp làm chung với tôi, biết chuyện ai cũng phì cười.

Là một người Phật tử tin sâu vào Phật Pháp, một lương y tuy có đủ bằng cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng xưa nay phần nhiều làm ở các chùa, tiếp xúc đủ loại bịnh, tuy ít ai biết đến tôi, nhưng tôi cũng có vài bí quyết kinh nghiệm nhỏ, người ta bảo “Thầy dở cũng đỡ xóm làng” ấy mà. Nay tuổi cũng đã xế chiều, trường chay đạm bạc, niệm Phật phát nguyện vãng sanh, không vì danh lợi, muốn được phổ biến, chia sẻ cùng Chư Đạo hữu một vài kinh nghiệm nhỏ.
Nói thế chứ cũng tùy theo cơ địa của từng mỗi người, nhưng những phương tôi chia sẻ từ “cây nhà lá vườn”, bằng trái, hoa, củ quả… uống vào nếu vô thưởng thì cũng vô phạt. .

Khi quý vị gặp bệnh này hãy làm bằng cái tâm (miễn phí) sau khi thấy hiệu quả cũng xin được chia sẻ lại niềm vui đó đến với tôi, tôi sẽ tiếp tục phổ biến những phương khác nữa bằng những câu chuyện như trên.

Thuốc không phân là thuốc mắc hay thuốc rẻ, Thuốc nào trị lành bệnh là thuốc hay !

Pháp Phật không phân biệt Pháp cao hay Pháp thấp, Pháp nào hạp căn cơ, cứu cánh là Pháp đó hay !

                                    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Hai bài thuốc chữa suy thận mạn

- Kết hợp kinh nghiệm của nhiều lương y và những bài thuốc theo cổ phương của hai danh y Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải thượng Lãn Ông cùng hai bài cổ phương nổi tiếng còn truyền lại là bài "Lục vị" và "Bát vị", GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện 19/8 đã giúp nhiều người phục hồi chức năng thận.


GS Lâm Quang Thiệp (số nhà 121 Chung cư đường sắt, 35 Láng Hạ, Hà Nội) cho biết: Tôi bị bệnh gút, uống nhiều thuốc chứa corticoid dẫn tới suy thận độ 2 với chỉ số Creatinin trong máu đã lên tới 230mg. Sau 2 tháng uống "bổ thận dưỡng vinh" chỉ số Creatinin trong máu của tôi đã xuống 100mg gần như bình thường. Tôi tiếp tục uống mỗi năm một vài đợt, đến nay sau 14 năm, thận của tôi vẫn ổn định bình thường. Đặc biệt, nhờ uống thuốc Đông y tôi cũng không phải dùng thuốc gút của Tây y nữa mà bệnh cũng giảm nhiều, không còn các cơn đau nặng nữa". Ông Thiệp cho hay, nếu bài thuốc của GS.TS Hoàng Tuấn không được truyền lại thì thật tiếc cho bệnh nhân.

f
GS.TSKH Hoàng Tuấn đang nói về âm dương ngũ hành chữa bệnh tại Trung tâm Unesco.


Theo GS.TSKH Hoàng Tuấn, người bị suy thận là người còn nguyên hai thận nhưng những đơn vị trong thận đã bị hỏng đến 2/3 (hai quả thận gồm 2,5 triệu đơn vị thận), còn nếu thận bình thường thì kể cả khi "cho" một quả thận, chỉ còn một quả, thận bù trừ vẫn hoạt động bình thường. Chữa suy thận là chữa nội thận (thận bên trong) chứ không phải ngoại thận (tinh hoàn) vì quan niệm thận trong Đông y thường được hiểu là gồm cả cơ quan sinh dục của nam giới.
 
Điều trị suy thận mạn bằng Đông y là sử dụng các bài thuốc nuôi dưỡng cơ thể, giải độc lợi tiểu nhằm chống viêm và phục hồi các tế bào sắp chết vì xơ hóa. Tuyệt đối không được dùng các thuốc cả Đông và Tây y sẽ có hại cho thận. Đối với các bệnh nhân suy thận mạn, ông phối hợp theo quan niệm về âm dương, thủy hỏa... của người xưa, dùng cả hai bài thuốc "Lục vị" và "Bát vị", tùy từng bệnh nhân mà gia giảm các liều lượng cho thích hợp.

Thông thường, một bài thuốc của ông có từ 30 - 35 vị, nhiều vị có  tính "thực phẩm", tự tay ông phải đi chọn thuốc và bào chế cho bảo đảm vì cùng một vị thuốc chỉ cần lấy đoạn khác nhau giữa thân, rễ và cành, kết quả cũng khác nhau. Trong quá trình điều trị của mình, ông đã nghiên cứu trên 28 bệnh nhân bị suy thận mạn, có 5 người suy thận có mức urê từ 350 - 370mg% dùng thuốc đến nay hơn 3 năm vẫn còn sống. Trong khi 3 người khác có mức urê như thế cho đi chạy thận nhân tạo đều tử vong không quá được 6 tháng.


Thúy Nga

Sự liên quan giữa sỏi thận và bệnh suy thận

Sự liên quan giữa sỏi thận và bệnh suy thận

 




Sỏi thận hay bệnh sỏi niệu, sỏi bàng quang v.v, dù tên gọi thế nào thì cũng có một nghĩa chung là có sự hình thành chất khoáng cô đặc trong thận hay ở hệ tiết niệu. Phần lớn sỏi thận được hình thành do giảm lượng nước tiểu hay do tăng lượng khoáng chất tạo thành sỏi trong nước tiểu.
Sỏi tiết niệu có thể hình thành trong thận nơi tập hợp nước tiểu, được gọi là bể thận, bàng quang (là nơi giữ nước tiểu trước khi được đưa ra ngoài cơ thể) hay niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Sỏi thận có nhiều kích cỡ khác nhau, nó có thể từ cỡ nhỏ như những hạt cát và có sỏi lớn bằng quả bóng golf. Có những sỏi tự ra ngoài qua đường tiểu, nhưng cũng có sỏi thận gây đau đớn và không thể tự ra ngoài qua đường tiểu nếu không có sự can thiệp của thuốc men hay các phương pháp điều trị khác.

Sỏi thận là gì?

Phần lớn các trường hợp sỏi thận hình thành do lượng nước quá ít (từ việc mất nước do uống ít nước hoặc tập thể thao quá sức), sự thừa khoáng tinh thể trong nước tiểu, và/hoặc mức khoáng chất phân nhỏ hơn mức bình thường trong nước tiểu. Các khoáng chất như canxi, oxalate, uric axit, Natri, cystine hay phốt-pho kết thành một khối rắn và đó chính là sỏi thận. Sỏi thận cũng có thể ra ngoài qua đường tiểu, nhưng cũng có thể ở trong thận, bàng quang hay niệu đạo.
Nói chung sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài mà không ảnh hưởng gì, nhưng nếu sỏi lớn, có thể bị mắc lại trên đường ra và  sẽ cần phải có sự trợ giúp của bác sỹ chuyên khoa để lấy sỏi ra ngoài.
Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây sỏi thận và loại sỏi thận, từ đó mới tìm được cách chữa trị tốt nhất và cách phòng tránh. Nếu một người đã từng bị sỏi thận, rất có khả năng sẽ bị hình thành sỏi tiếp. Sỏi tiết niệu có thể gây cản trở cho thận trong việc loại bỏ các chất độc hại. Một viên sỏi trong thận cũng có thể xù xì, lởm chởm hoặc có các cạnh sắc nhọn và có thể làm tổn thương tạo nên những vết sẹo trong thận, dẫn đến thận bị hỏng và đôi khi gây nên suy thận.

Những triệu chứng của sỏi thận

Bạn có thể không biết rằng mình bị sỏi thận cho đến khi nó gây đau đớn, là sỏi lớn và chặn đường tiểu hoặc đôi khi đi tiểu ra sỏi mới biết. Triệu chứng thông thường là cơn đau dữ dội, không đều bắt đầu từ vùng của thận, là sau lưng ở phía dưới hoặc phía dưới xương sườn. Cơn đau có khuynh hướng di chuyển cùng với sỏi. Nếu sỏi dừng không di chuyển thì cơn đau cũng hết. Ngoài ra còn có các triệu chứng sau:
  • Nước tiểu có máu hoặc màu đục, có mùi
  • Choáng váng và/hoặc nôn
  • Sốt và/hoặc ớn lạnh
  • Cảm giác bỏng rát, đau khi tiểu
Nếu bạn có bất kể một triệu chứng nào kể trên, hãy đến gặp bác sỹ ngay. Chữa trị sỏi thận sớm có thể ngăn chặn được các biến chứng nguy hiểm như bệnh về thận, đặc biệt nghiêm trọng là có thể gây suy thận.

Các loại sỏi thận và cách hình thành sỏi

Có bốn loại sỏi thận chính: sỏi canxi, sỏi struvite, sỏi cystine và uric acid.
  • Sỏi Canxi là loại sỏi phổ biến nhất. Khoảng 80-90% sỏi thận là canxi với một vài khoáng chất khác (thường là oxalate và phosphate). Lượng canxi dư thừa trong cơ thể không sử dụng hết được loại bỏ qua thận, luợng dư thừa này thường chảy vào nước tiểu. Nếu canxi không được đưa ra ngoài, hoặc đơn giản là quá nhiều để có thể hoà tan trong nước tiểu, nó sẽ rắn lại và kết hợp với các khoáng chất khác tạo thành sỏi. Sỏi canxi thường xuất hiện ở những nguời có lượng Vitamin D cao hoặc bị cường tuyến giáp (hạch tuyến giáp quá nhạy cảm). Những người bị suy thận thường có khả năng bị sỏi canxi.
  • Sỏi khuẩn là loại sỏi thường được hình thành sau khi bị viêm đường tiết niệu. Loại này khá phổ biến ở phụ nữ, do phụ nữ cũng dễ bị viêm đường tiết niệu hơn nam giới. Viêm đường tiết niệu mãn tính tạo ra enzyme làm tăng lượng amoniac trong nước tiểu. Lượng amoniac dư thừa này làm vi khuẩn có thể phát sinh nhanh hơn tạo điều kiện cho sỏi khuẩn hình thành. Sỏi khuẩn thường có nhiều cạnh nhọn, hoặc phân nhánh thành sừng và kích thước có thể phát triển lớn làm tổn thương đến thận.
  • Sỏi uric acid hình thành do quá nhiều uric acid trong nước tiểu. Khi lượng axit tăng cao, khoáng chất hình thành và kết hợp với canxi cộng oxalate tạo nên sỏi. Loại sỏi này thường có ở nam giới. Một chế độ ăn giàu chất đạm động vật có thể góp phần tăng cao lượng uric acid trong cơ thể. Những người bị bệnh gout có nguy cơ bị sỏi uric acid cao.
  • Sỏi cystine hiếm gặp hơn vì sỏi này thường bị do di truyền. Cystine là một loại amino acid. Một vài người bị bệnh xistine niệu làm cho thận không thể hút lại xistine vào trong máu. Xistine không được hoà tan tốt trong nước tiểu, vì vậy những dư thừa sẽ tạo thành khối rắn là sỏi cystine. Những người bị bệnh này thường được phát hiện ngay từ khi còn trẻ và sẽ được tiếp tục theo dõi chữa trị.

Điều trị sỏi thận

Để điều trị sỏi thận thì điều quan trọng là bác sỹ phải xác định bạn bị sỏi loại gì, từ đó mới có cách điều trị hiệu quả nhất. Sẽ lấy nước tiểu để xét nghiệm ra loại sỏi, do có nhiều loại sỏi thận nên  cũng có nhiều cách điều trị hiệu quả với từng loại
Có nhiều cách để loại trừ sỏi thận mà không phải phẫu thuật. Bạn có thể làm cho sỏi tự ra khi đi tiểu nếu uống nhiều nước (2-3 lít nước mỗi ngày, nếu bạn không bị bệnh gì cấm uống nhiều nước). Nếu sỏi quá lớn, có thể gây chảy máu hay làm tổn thương thận khi ra ngoài thì  phải dùng cách khác.
Một số cách điều trị sỏi thận:
  • Tán sỏi ngoài cơ thể. Năng lượng tạo nên từ sóng siêu âm sẽ được chiếu qua da vào viên sỏi và phá vỡ sỏi. Bệnh nhân sẽ nằm trên một đệm nước, bác sỹ sẽ xác định vị trí viên sỏi qua chụp X-quang hoặc siêu âm. Sóng siêu âm cao hay thấp sẽ tán viên sỏi ra thành nhiều mảnh nhỏ vừa đủ để nó tự ra ngoài qua đường tiểu. Quá trình tán sỏi diễn ra trong khoảng một giờ. Tán sỏi ngoài cơ thể cũng có thể gây đau nên bác sỹ sẽ cho bạn dùng thuốc giảm đau hoặc gây tê. Sau khi trị liệu bạn có thể đi tiểu ra máu, có cảm giác hơi bỏng rát sau lưng và ở bụng hoặc đau khi viên sỏi đi ra ngoài.
  • Lấy sỏi thận qua da. Là phương pháp nội soi để lấy sỏi thận khi không tán sỏi được. Một ống soi thận sẽ được đặt vào trong thận, viên sỏi sẽ bị tán vỡ ra nhờ sóng siêu âm và sau đó được hút ra ngoài qua ống. Mặc dù cách lấy sỏi thận qua da không tạo ra vết mổ hở nhưng vẫn cần dùng thuốc gây tê và giảm đau, bệnh nhân vẫn phải nằm viện hai hoặc ba ngày. Lấy sỏi thận qua da được dùng khi viên sỏi quá lớn không thể dùng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được hoặc khi đã tán sỏi ngoài mà không hiệu quả. Phương pháp này thường được dùng để điều trị những sỏi có nhiều cạnh nhọn, phân nhánh, sỏi khuẩn. Sau khi lấy sỏi qua da, bạn có thể cảm thấy đau ở đường rạch đặt ống soi và vùng thận. Sau khi hút hết sỏi, bác sỹ sẽ đặt ống thông dẫn nước tiểu ra ngoài, ống thông này sẽ được rút ra sau một vài ngày sau khi phẫu thuật.
  • Tán sỏi niệu quản qua nội soi là dùng một máy soi niệu quản qua bàng quang để lấy sỏi còn mắc trong niệu quản. Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Máy soi niệu quản là máy dò có thể đi qua bàng quang lên niệu quản để xác định vị trí sỏi trong niệu quản, khi tìm được vị trí sẽ dùng sóng siêu âm để tán vụn sỏi ra. Bệnh nhân cũng cần được gây mê khi làm tán sỏi niệu quản.

Hãy thay đổi cách sống để phòng ngừa sỏi thận

Vì hơn một nửa số người đã từng bị sỏi thận sẽ bị lại, nên cách tốt nhất là chữa trị và tìm cách phòng ngừa sỏi tái phát. Cách phòng ngừa tốt nhất là thay đổi cách sống, đặc biệt là khẩu phần ăn và thói quen tập thể dục.  Những người đã từng bị sỏi thận nên uống khoảng 2 đến 3 lít nước mỗi ngày (nếu không bị bệnh gì cần phải hạn chế uống nước). Ngoài ra, nếu bạn đã bị sỏi canxi, bác sỹ có thể sẽ yêu cầu bạn giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalate, canxi như các loại quả hạnh nhân, sô-cô-la, chè, rau chân vịt, các loại quả mọng như dâu tây. Ăn kiêng với chế độ ăn ít chất đạm cũng làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận
Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn, bác sỹ cũng có thể cho bạn uống một số loại thuốc giúp kiểm soát lượng khoáng chất phát triển trong nước tiểu.
Một số người bị sỏi thận là do tuyến giáp nhạy quá mức và tiết ra nhiều hóc-môn, cường tuyến giáp cũng làm lượng canxi được giải phóng từ xương ra nhiều, số canxi này sẽ tạo thành sỏi trong thận. Vì vậy để điều trị triệt để có thể phẫu thuật tuyến giáp và sỏi thận sẽ không bao giờ còn nữa.

Mối liên quan giữa sỏi thận và suy thận

Một số người bị sỏi thận có nguy cơ bị suy thận nếu sỏi thận không được chữa trị kịp thời. Sỏi thận ở quá lâu trong thận cũng có thể gây ảnh hưởng đến thận. Một số loại sỏi thận, có cạnh sắc nhọn có thể làm tổn thương đến các mạch máu nhỏ trong thận và tạo ra sẹo. Vì vậy cần phải tìm đúng loại sỏi và đúng cách chữa trị sỏi thận  triệt để nếu phát hiện ra sỏi.
Nếu bạn có sỏi thận, nghĩa là bạn có nguy cơ bị tổn thương thận, suy thận cao hơn những người khác, vì vậy hãy thực hiện cách phòng ngừa sỏi thận và nếu đã bị sỏi thì thảo luận với bác sỹ để tìm cách chữa trị và ngăn chặn sỏi xuất hiện trở lại.

Minh Huệ(Theo www.davita.com)