22 thg 1, 2013

Về tẩu hoả nhập ma

VỀ TẨU HỎA NHẬP MA (Sưu tầm để nhớ mãi về những ngày đau ốm quằn quại trong căn bệnh THNM quái ác).

Bài báo dưới đây được đăng trong tờ Nguyệt san Võ thuật, xuất bản đã lâu, nhưng nội dung cũng có giá trị hữu ích cho những ai thích tập nội công nhưng không có điều kiện học tập đúng thầy đúng sách. Nội dung nói về kinh nghiệm của một người tự tập Dịch cân kinh, nhưng do không tập đúng mà phải chịu ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ. Phần dưới đây không đăng đầy đủ của bài báo gốc, do phần cuối đề cập những việc riêng tư không liên quan nhiều đến nội dung chính nên được lược bỏ. Dịch cân kinh & tôi – Thích phước Điện Một môn công phu tu luyện có một kết quả cực cao thường đi đôi với những nguy hiểm vượt bực không kém. Nếu thành công : "nội công được hàm dưỡng để thân tâm siêu phàm nhập thánh", nếu thất bại : "bị tẩu hỏa nhập ma, thân bại danh liệt". Hai trạng thái đó chỉ cách nhau một đường tơ kẻ tóc. Nguyên nhân : - Không thầy hướng dẫn. - Người luyện công thiếu kinh nghiệm. - Chưa qua thời kỳ nội công căn bản. - Chưa nắm vững tâm pháp. - Không nghiên cứu kỹ các hệ thống kinh mạch mà luồng khí vận sẽ chạy qua. - Chưa đả thông các huyệt mạch tự nó bế tắt từ thuở sơ sinh của kiếp người. - Chưa vận được khí và điều khiển âm dương nhị khí. Chỉ thiếu một điều kiện trong các điều kiện không thể thiếu đó cũng khó luyện công được. Hơn nữa các sách lưu truyền chỉ trình bày một cách tổng quát về chiêu thức mà không giải thích tường tận các bí quyết uyên thâm, do đó, dù nắm được sách cũng chỉ nắm chơi, nếu luyện, khó thành công cũng như dễ lạc công, tẩu hỏa, loạn khí… đem đến nguy hiểm cho người luyện không ít. Tôi không nhớ rõ vào khoảng năm tháng nào nhưng chắc chắn lúc đó tôi đang viết những bài đầu tiên về môn phái Thiếu Lâm cho những số đầu tiên của nguyệt san Võ Thuật. Phong trào võ lâm phục hưng làm tâm hồn tôi thao thức và võ công của tôi bừng sống, nhiều huynh đệ thương mến, khuyến khích tôi nên đóng góp cho võ lâm một vài viên gạch, nhưng đóng góp bằng cách nào ? Tôi lưỡng lự rất lâu để cuối cùng chọn cách gởi gắm tâm hồn và sự hiểu biết nhỏ hẹp của mình vào tờ báo. Ngoài những giờ viết bài và ôn lại võ thuật, tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ về Dịch cân kinh, một môn tu luyện nội công thượng thừa của Thiếu Lâm tự ; để rồi từ đó : rủi, may, và bao thăng trầm quanh cuộc đời võ nghiệp của tôi bắt đầu, ảnh hưởng luôn đến nếp sống của tôi ở các phương diện khác, như một xáo trộn toàn diện... làm tôi điêu đứng ê chề, để khi viết tài này, tôi đã xa khởi điểm trên hai năm. Đến nay, thâm tâm tôi tạm yên ổn, để tôi thành kính cống hiến cho những ai có duyên nghiệp trên bước đường tu luyện Dịch cân kinh vài chi tiết nhỏ bé của riêng tôi, bồi đắp thêm cho rừng võ lâm một vài hoa lá. Tôi thương thân tôi một thuở nào vì tu luyện võ công mà phải khổ sở, nên thương mến tất cả những ai sẽ đi trên con đường này, thao thức vì các bạn sẽ và đang tu luyện như thao thức vì chính mình "đồng thanh tương ứng" trong xóm hoạn nạn và cùng một lý tưởng. Thuở đó, tôi đã viết cho võ thuật khoảng ba bài giới thiệu tổng quát về môn phái Thiếu Lâm, bài kế, tôi định đưa Dịch cân kinh ra mắt độc giả của Võ Thuật, cũng may, tôi chưa viết, nếu không, giờ này tôi ân hận biết dường nào. Đầu tiên, tôi đem 8 bản Dịch cân kinh mà tôi sưu tầm được ra so sánh, tuyển chọn. Ba bản Dịch cân không phải của Thiếu Lâm phái được tôi để riêng ra, đó là các bản : - Dịch cân bật kinh bát đoạn cẩm của tiên gia. - Dịch cân kinh nhị thập bát thức của Thiên Hư đạo trưởng (thuộc Côn Lôn phái). - Dịch cân trước lục của Nhiếp ngột Truật Đế thuộc một dị phái giáp giới Tây Tạng. Ba bản này tôi chỉ đọc sơ để cho biết rồi đem cất. Tôi đem 5 bản còn lại được gắn nhãn hiệu của Thiếu Lâm ra phân chất. Ba bản kế đó được loại ra một lần nữa vì chiêu thế nhiều ít không đồng theo đương truyền (24 đoạn) nên khó tin cậy. Hai bản còn lại giống nhau khoảng một chín một mười, hai bản này được lưu truyền ở hai nơi khác nhau và hai nhân vật cũng ở hai thế hệ xa nhau gần hai trăm năm, đó là hai bản : 

1) Dịch cân kinh của Tử y hầu (Anh Lạc Hà ở báo Võ Thuật đã có dịch ra Việt ngữ với nhan đề là Dịch cân Tổ truyền - trong khi chính bản được in chung với Ngũ hình quyền - 8 lần tái bản ở Ma cao và Hồng Kông, 3 lần đổi tựa sách : Nội công Thiếu Lâm tự - Ngũ hình quyền - Nội công Tâm Pháp Thiếu Lâm tự).

 2) Dịch cân kinh của Vân không Đại Sư, sách in theo lối mộc bản, cuốn sách có hàng chữ : Trọng đông giáp thìn niên - đời Vua Thánh Tổ, niên hiệu Khang Hy (khoảng năm 1784 theo dương lịch). Cả hai bản này đều có 24 đoạn, các đường khí vận tuy hơi chênh lệch nhau chút đỉnh vì có vài huyệt được kê khai thừa thiếu không đồng nhưng hệ thống kinh mạch đồng nhất nên không sao, nhưng tôi cũng phân vân đến mấy hôm liền. Bản nào mới là chính bản của Thiếu Lâm hay đúng hơn, của Đạt ma Thiền Sư. Không có vấn đề Tổ sư cho lưu hành hai bản khác nhau, cũng không có vấn đề Dịch cân kinh loại giả mạo vì Dịch cân là danh từ chung, ai cũng có quyền để tựa cho tác phẩm của mình cả (như ba quyển dịch cân mà tôi đề cập ở đoạn đầu và còn vô số các bản Dịch cân khác mà tôi chưa gặp như bản do Trần Tuấn Kiệt dịch thuật chẳng hạn...) Cuối cùng tôi quyết định dồn hai quyển làm một, hay đúng hơn hai quyển vốn là một, chỉ bổ túc vài thiếu kém của nhau thôi, như vậy tôi có một pho Dịch cân hoàn toàn đầy đủ. (Tôi xin thông tri một điều : hiện có nhiều pho quyền phổ, bí kíp, luyện công được in bằng loại chữ cổ trên giấy súc, như một pho sách xưa, được tung ra thị trường và bán từng quyển một, giá cả tương đương với một món đồ cổ giá trị, đó là sách xưa giả mạo. Còn sách xưa chính tông thì sao ? cũng khó tin cậy vì hội võ thuật Trung Quốc đã từng cảnh cáo : phải coi chừng, sách càng xưa càng không bảo đảm vì sự thiên vị và sự hiểu biết hạn cuộc của người ra sách, không như ngày nay, được hội kiểm duyệt và được nhiều danh sư phối hợp ấn chứng trước khi xuất bản…). Bởi vậy khi nắm pho Dịch cân kinh bằng loại giấy hoa tiên sản xuất tại Giang Nam với giòng chữ xa xưa, lòng tuy nao nức cảm động, tôi vẫn hồi hộp hoài nghi, đến khi phối hợp với pho lưu truyền của Tử y Hầu (được kiểm duyệt và khích lệ bởi hội võ thuật Trung Quốc) tôi mới yên tâm tin tưởng. Tôi về một tịnh thất nhỏ bên bờ sông Đồng Nai ở Biên Hòa để rãnh giờ tu luyện. Thức thứ nhất mà cũng là thức quan trọng nhất được tôi đặc biệt lưu ý, dành nhiều thì giờ thực hiện. Nửa tháng đầu tôi siêng năng luyện tập, kết quả vô cùng khả quan. Trong người tôi đã có một luồng hơi nóng thường trực luân chuyển, tôi mừng rỡ, cho là nội công đã khai phát (?). Tôi không hiểu sao thời kỳ đó tôi ngớ ngẩn khờ dại đến thế, có lẽ sự lạc quan và ảnh hưởng tiểu thuyết làm tôi quên mất thực tế. Đến ngày thứ 18, trong người tôi nóng quá, mắt đỏ và hay đổ ghèn, đầu nhức, tôi hy vọng đó là do bệnh chứ không phải do sự tập luyện bị sơ sót, tuy nhiên đó là một sự biện luận để tự đánh lừa mình trong một ý niệm hoài vọng cao xa, thực tâm tôi đã hơi lo : chắc có sao đây trong vấn đề tu luyện. Tôi đọc lại tất cả các pho Dịch cân kinh mà tôi hiện có, nhưng với trình độ của tôi hoàn toàn mù tịt, không khám phá một cái gì mới lạ cả. Tôi nghỉ tập hai ngày để lắng nghe sự phản ứng tự bản thân (Tôi không dám bỏ tập quá 3 ngày vì với thời gian này tất cả các cách luyện công của người xưa dù ở phái nào đều cấm kỵ, nếu phạm phải tập lại từ đầu, điều này trong pho "huyền nghĩa" Dịch cân kinh của sư phó đại sư cho thí dụ rằng : như gà ấp trứng chưa nở thành con, nếu bỏ quá hạn, trứng hư, phải đợi lứa khác; như nước chưa sôi, bỏ dở, nước trở lạnh như bình thường; như người lội ngược giòng suối chảy mạnh, không cẩn thận, hỏng chân, nước sẽ cuốn về vùng dưới, phải bắt đầu từ đầu, chứ không phải tiếp tục chỗ bỏ dở... Sau hai ngày bỏ dở, nhiệt lượng trong người vẫn không giảm. Tôi luyện tiếp thì sức nóng lại tăng. Tôi liều mạng luyện đều đều không chịu bỏ. Có ngày quá nóng tôi phải nằm dưới bến sông Đồng Nai trước mặt, thân mình ngâm được nước, đầu gối trên một hòn đá ngủ say sưa. Đến đêm thứ 25 kể từ lúc tu luyện, tôi bị xuất tinh dầm dề, tôi mê đi, đúng hơn là được ngủ yên. Sáng hôm sau thức dậy, sức nóng không còn nữa nhưng thể xác mệt mỏi rã rời, tôi lại bỏ tập hai ngày, rồi tập lại, sức nóng lại gia tăng nhưng độ năm ngày sau tôi lại bị xuất tinh, sáng mai hết nóng, người lại yếu… Kinh nghiệm này làm tôi hoảng sợ bỏ tập hẳn. Nhưng dù không tập thì sức nóng vẫn tăng đều, khoảng một tuần thì lại bị xuất tinh, tinh ra cho kỳ hết mới thôi, và hôm sau lại bớt nóng… Chu kỳ này đến với tôi từ đó, người tôi ốm yếu xanh xao rõ rệt, các bạn tôi đều kinh ngạc cho sự biến đổi của tôi. Tôi không muốn gặp ai hết, đóng cổng chữa bệnh, nơi tu dưỡng trở thành nơi dưỡng đường. Tâm hồn tôi cáu kỉnh bất thường, sự ham muốn tình dục ở đâu ầm ầm kéo đến làm tôi khổ sở, tôi xa lánh tất cả các người quen thuộc, tìm các danh y để trị bệnh, các đông y thì bảo là tôi bị thận suy, hỏa vượng, thủy khô, có vị bảo là gan héo, có vị bảo mật sưng, thần loạn, tôi uống đủ thứ thuốc, mùi thuốc nam thuốc bắc xông lên không ngớt trong am tịnh tu của tôi. Không gặp đúng thầy đúng thuốc nên bệnh tôi không giảm chút nào, tôi cũng biết bịnh do võ công kiến tạo, chỉ có những người am tường võ công mới chữa nổi, nên giả từ Đông y tôi tìm đến Tây y. Bác sĩ Tài giới thiệu tôi vào bệnh viện Đồn Đất, ở đây tôi được thử đủ thứ : thử nước tiểu, thử phân, nước bọt, đo nhiệt độ, đo áp suất máu. Ngành Tây y với một lối khám bệnh toàn diện, kỹ lưỡng cũng không đoán nổi bệnh của tôi, kết luận họ bảo : lục phủ ngũ tạng của tôi hoàn hảo, tôi chỉ bị nóng, trong máu có nhiều thán khí, số lượng hồng huyết cầu sút giảm quá nhiều, thận hơi teo lại, trong hai tháng tôi được vào mười chai nước biển, tiêm đủ loại thuốc bổ, thuốc mát... nhưng đâu vẫn còn đấy, chu kỳ nóng đến cao độ, tôi xuất tinh rồi tiếp tục nóng trở lại vẫn đến với tôi hàng tuần. Giả từ Biên Hòa, tôi về Phú Thọ, Gia Định, bến Hàm tử rồi đi Đà Lạt, Banmêthuột, Pleiku... Tôi không đi chơi mà đi để tìm danh sư trị bệnh. Tôi biết bệnh của tôi chỉ có người rành về tu luyện, phải giỏi nội công, khí công hoặc có thừa kinh nghiệm võ công may ra mới cứu tôi ra khỏi đoạn trường Dịch cân kinh này mà thôi. Năm tháng dần qua, tôi đi mãi trong giòng đời qua muôn xứ, tôi hay gởi thư cho các người quen ở hải ngoại như Hồng Kông, Nhật, Pháp, Anh, Mỹ để nhờ tìm hộ những pho võ công tu luyện và đặc biệt về Dịch cân kinh hầu tìm một giải pháp chữa trị. Tôi ốm yếu quá, mặt mày vàng vỏ xanh xao, tôi sụt đến 12 kg, người tôi đôi khi đi không vững. Tôi chán cho chính tôi. Những bức thư gởi đi vẫn bặt vô âm tín, chẳng thấy hồi âm. Sau ba tháng chờ đợi mỏi mòn làm tôi bi quan đến cùng cực. Cho đến năm sau, những yêu cầu của tôi lần lượt được đáp ứng, những ân nhân xa gần gởi về cho tôi nhiều tài liệu đáng giá không ngờ. Anh Hoàng Cầm ở Nhật gởi cho tôi bản Dịch cân kinh do Điền thứ Lang sao lục và cuốn sách thuốc trị các bệnh do huyết mạch, khí công tàn phá. Chị Tôn nữ thị Mỹ Linh ở Anh chép cho tôi bản "huyền nghĩa Dịch cân kinh" nguyên tác của Sư Phó Đại Sư. Pho này trình bày những diệu lý, cách tu luyện Dịch cân kinh và những thắc mắc khi bị lệch lạc trong việc luyện công. (Bộ sách này có lẽ do liên minh Anh Pháp chiếm đoạt trong chiến cuộc đánh phá vườn Viên Minh tại Bắc Kinh năm 1859, nhiều sách cổ trong thư viện ở hoàng cung Thanh Triều bị chiếm vào dịp này). Tôi cũngkhông quên ơn chú Lê Tâm Anh ở Macao đã gởi cho cuốn "Khí công y dược trị liệu toàn thư". Tôi lành bệnh do phối hợp nhiều phương pháp ở các pho sách này, tôi xin chân thành ghi lên đây những sự tri ân của riêng tôi (hiện chúng tôi đang dịch thuật để phổ biến các tài liệu quí giá này một ngày gần đây). Nguyên thức thứ nhất trong tiền bộ Dịch cân kinh gọi là Hỗn nguyên nhứt khí (một danh từ hoàn toàn của tiên gia. Theo pho "huyền nghĩa dịch cân kinh" của Sư phó thì toàn bộ 24 đoạn không có đoạn nào được đặt tên cả, có chăng chỉ là lời giải thích các công dụng của từng chiêu thức do các đại sư đời sau bổ túc thêm để kẻ hậu học được rộng phần kiến thức thôi. Cũng theo Sư phó thì việc đặt tên cho các chiêu thức sẽ làm cho người tu luyện bị kẹt vào danh từ, tâm ý sẽ có ấn tượng theo ý riêng của danh từ được đặt ra làm mất sự vô tâm theo tinh thần tu luyện cao siêu của Dịch cân kinh) - Thức đầu tiên trong tiền bộ này được sử dụng khí theo hệ thống huyệt đạo nhai nhiệt, huyệt mở đường là huyệt khí hải ở vùng Đan điền, đường khí này bò theo xương sống bắt đầu từ huyệt vỹ tử (nhiều người lầm là huyệt hội âm) theo xương sống lên hai vai rồi tỏa xuống hai tay, luồng khí đến đây được quần một vòng theo tư thế bật hai bàn tay và rút lên, điểm quan trọng được cấm kỵ thứ nhất là hai tay không được rút cao quá khởi điểm (huyệt khí hải) nếu rút cao hơn sẽ bị loạn khí và lúc đó đầu khí ở khí hải, đuôi khí ở cườm tay, sự giao động được vận dụng đến tối đa, như một bình thông nhau, càng chênh lệch khí càng bị tràn ra ngoài sanh bệnh khi trả khí về, luồng khí không chạy theo lối cũ mà cùng trở lại xương sống trên cổ qua đỉnh đầu (huyệt thiên tinh, hoặc còn gọi là huyệt bá hội, hay nê hoàn cung) xong vòng ra trước và xả ra đằng mũi. Điểm cấm kỵ thứ hai là khi khí chạy qua huyệt linh đài phải từ tốn điều hòa, vì huyệt này là yếu huyệt để tập trung hay phân tán khí lực, nếu huyệt này bị tổn thương sẽ gây khó khăn trong việc tu luyện khí công, nội công, vô cùng. Ngoài thức thứ nhất, mỗi thức khác trong 24 thức đều có một hệ thống khí vận và cấm kỵ riêng biệt, hết 24 thức là giáp cả một châu thân trong nội thể (cũng theo Sư phó Đại sư thì pho Tẩy Tủy là tổng luận về huyệt pháp sanh biến, sanh trụ và sanh khắc của điện lực âm dương trong con người, pho Dịch cân kinh là phương pháp kiến thiết hệ thống đối trị và hóa giải. Nói đến Tẩy Tủy thì phải nói đến Dịch cân kinh, tuy nhiên có thể thiếu Tẩy tủy chứ không thể thiếu Dịnh cân kinh, vì Dịch cân kinh mới là then chốt trong vấn đề tu luyện, nói như vậy không phải Tẩy tủy kinh không quan trọng thật sự. Tẩy Tủy quan trọng ở một phương diện khác : những liên hệ của thời gian, vị trí và con người khi thực hiện sự tu luyện, ngoài ra Tẩy tủy cũng còn dạy phương pháp di chuyển huyệt đạo hoặc khai thêm huyệt đạo hoặc đóng kín các huyệt đạo không cần thiết v.v...) Riêng vấn đề bệnh tật của tôi là do tôi luyện sai, điều cấm kỵ là không nên rút tay lên quá eo lưng hoặc ngang eo lưng theo các sách đương thời chỉ dạy, một lời dạy quá mơ hồ tổng quát, đúng ra phải phân lượng huyệt đạo rành mạch mới phải. Tôi vấp phải cấm luật này nên hỏa nhiệt tràn ra ngoài hệ thống riêng biệt của nó, sinh ra bịnh nhiệt hỏa sinh biến. Để chữa trị, tôi phải sử dụng thức cuối cùng của hậu bộ dịch cân kinh, thức nầy có công dụng làm tản tinh lực trong người ra khắp toàn thân, tinh không tụ lại thì không tràn ra ngoài (xuất tinh) mỗi khi bị hỏa nhiệt nấu lỏng và kích thích. Tôi lại phải luyện lại thức thứ nhất thật đúng để kéo các luồng khí đang tán loạn khắp nơi trở về hệ thống cũ. Ngoài ra tôi lại phải ngồi điều khí sổ tức quán theo thiền gia. Trong gần 3 tháng chữa trị, bệnh tôi hoàn toàn bình phục. Lần này tôi lại tu luyện Dịch cân kinh mà không phải lo sợ vì đầy đủ các tài liệu cần thiết. Lúc này tôi đang ở Đà Lạt, nhiều bạn thân ở xa về thăm, chúc mừng tôi, lâu lâu gởi cho tôi một cuốn Nguyệt San Võ thuật, tôi xúc động đọc say sưa như lính tiền đồn đọc báo... Thích phước Điện

6 thg 10, 2012

Hãy đặt cốc nước của bạn xuống!

Một giáo sư bắt đầu giờ giảng của mình với một cốc nước. Ông giơ nó lên và hỏi các sinh viên, “Các bạn nghĩ cốc nước này nặng bao nhiêu?”
‘50 gam!’…‘100 gam!’… ‘125 gam!’… các sinh viên trả lời.
‘Tôi không thể biết chính xác nếu không cân,’ giáo sư nói, ‘nhưng câu hỏi của tôi là: Điều gì sẽ xảy ra khi tôi cứ giơ cái cốc thế này trong vài phút?’
‘Chẳng có gì cả’ các sinh viên nói.
‘OK, vậy điều gì xảy ra nếu tôi giơ trong một giờ?’ giáo sư hỏi.
‘Tay thầy sẽ bắt đầu đau ạ’, một sinh viên trả lời.
‘Đúng vậy, và nếu trong một ngày thì sao?’
‘Tay thầy có thể tê liệt’ một sinh viên khác cả gan nói.
‘Trong tất cả các trường hợp đó, cân nặng của cái cốc có thay đổi không?’, giáo sư lại hỏi.
‘Không ạ,’ các sinh viên trả lời.
‘Vậy, cái gì khiến cho tay bị tê liệt? Và thay vì việc cứ cầm mãi, tôi nên làm gì?’
Các sinh viên lúng túng. Rồi một người trả lời, ‘Đặt cốc xuống!’
’Chính xác!’ giáo sư nói, ‘Các vấn đề trong cuộc sống cũng giống như thế. Khi bạn giữ nó trong đầu vài phút thì không sao. Nghĩ nhiều hơn, chúng làm bạn đau. Và nếu cố giữ thêm nữa, chúng bắt đầu làm bạn tê liệt. Và bạn sẽ không thể làm gì được nữa.’

Tính bậc cầu thang theo phong thuỷ

Cầu thang là không gian giao thông theo chiều đứng để tới được các tầng, các buồng trong nhà. Trong khoa học phong thủy, cầu thang được ví như xương sống của ngôi nhà và là nơi khí vận động mạnh, liên tục để đưa dòng khí lan tỏa đi các tầng trong nhà. Tính bậc cầu thang theo phong thủy | ảnh 1 Bậc cầu thang phải không có lỗ hổng giữa các bậc Hiện nay, nhiều nhà có cầu thang bố trí hình xoắn ốc chạy từ trên xuống dưới ngay trung tâm nhà. Về mặt phong thủy, đây là kiểu kiến trúc không tốt, khiến gia chủ dễ mắc các bệnh tim mạch, hoặc gặp những trắc trở trong công việc. Theo quan niệm phong thủy truyền thống, người Hoa thường để ý đến cầu thang ở các nhà cao tầng. Đầu cầu thang hướng vào chỗ tốt thì gia chủ gặp thuận lợi, nhưng nếu đầu cầu thang đổ tuột ra ngay đường, ra cửa chính của căn nhà là một đại kỵ. Lý thuyết Phong thủy thường dựa vào hình tượng, biểu tượng, trong trường hợp đầu cầu thang hướng thẳng ra cửa chính, khi mở cửa sẽ như cái miệng đang há ra. Gia chủ sống trong căn nhà đó thường bị hao tán, thất thoát tiền bạc. Ngoài ra, người sống trong căn nhà đó hay có tư tưởng, hướng sống ở ngoài hơn là ở trong nhà. Gặp trường hợp này, tùy vào cách bố trí của ngôi nhà, có thể hóa giải bằng cách dùng gương soi phản chiếu hay dùng chậu cây, ống sáo, bình phong … để hoãn khí cho kiểu cầu thang này. Cầu thang là nơi khí khởi phát để tiếp dẫn lên hay xuống lầu, cũng chính là nơi luân lưu di động của khí. Vì vậy, nếu cầu thang mở tại những cung tốt thì các tầng trên được tốt. Ngược lại, nếu cầu thang mở tại những cung xấu thì các tầng trên phải chịu xấu. Khu vực cầu thang phải có đủ ánh sáng, điều này sẽ thu hút nhiều sinh khí dẫn lên các tầng. Nếu cầu thang hẹp, bạn hãy treo một tấm gương lớn để có tác dụng mở rộng cầu thang về mặt hình ảnh trong phong thuỷ. Bậc cầu thang phải hoàn toàn kín, liền nhau, không có lỗ hổng giữa các bậc. Điều này bảo đảm rằng, tài chính gia đình sẽ không bị thất thoát. Vì vậy, nếu cầu thang trong nhà có lỗ hổng ở giữa các bậc, hãy dùng ván gỗ bít kín chúng lại. Khi nói đến cầu thang, ta thường quan tâm đến số bậc của cầu thang. Có hai cách tính số bậc cầu thang: tính theo số bậc tới mặt sàn mỗi tầng và tính theo tổng số bậc cầu thang của ngôi nhà. Tuy nhiên, trong khoa học phong thủy, số bậc cầu thang tính tới mặt sàn mỗi tầng là căn cứ chính để định tốt, xấu mà không câu nệ tổng số bậc cầu thang trong nhà. Tại nhiều ngôi nhà, cầu thang không được bố trí tại cùng một cung vị, có khi cầu thang lên mỗi tầng lại được bố trí ở một vị trí khác nhau. Để xét số bậc của cầu thang, phải căn cứ vào ngũ hành thuộc về hình thể kiến trúc của ngôi nhà rồi lấy vòng Trường sinh mà định số bậc. Tính bậc cầu thang theo phong thủy | ảnh 2 1 - Cách tính theo vòng Trường sinh Vòng Trường sinh là 12 sao thể hiện quy luật sinh tồn (phát sinh, tồn tại, phát triển và chấm dứt) của vạn vật. Theo quan niệm của triết học phương Đông thì bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào cũng phải trải qua 12 giai đoạn sau: 1. Trường sinh (sinh ra) 2. Mộc dục (tắm rửa) 3. Quan đới (phát triển) 4. Lâm quan (trưởng thành) 5. Đế vượng (cực thịnh) 6. Suy (suy yếu) 7. Bệnh (ốm đau) 8. Tử (chết) 9. Mộ (nhập mộ) 10. Tuyệt (tan rã) 11. Thai (phôi thai) 12. Dưỡng (thai trưởng) Căn cứ vào hình thể kiến trúc của ngôi nhà, thì nhà hình Thủy bậc thứ 1 là Trường sinh, nhà hình Mộc bậc thứ 3 là Trường sinh, nhà hình Thổ bậc thứ 5 là Trường sinh, nhà hình Hỏa bậc thứ 7 là Trường sinh, nhà hình Kim bậc thứ 9 là Trường sinh. Bắt đầu từ bậc Trường sinh theo ngũ hành của ngôi nhà, tiếp tục thuận đếm mỗi bậc là 1 sao kế tiếp trong vòng Trường sinh, cứ hết 12 sao lại tiếp tục đếm một vòng mới. Như vậy, nhà hình Thủy thì số bậc nên dùng là: 1, 3, 4, 5, 9, 11, 13, 15, 16, 17, 21, 23… Nhà hình Mộc thì số bậc nên dùng là: 1, 3, 5, 6, 7, 11, 13, 15, 17, 18, 19, 23, 25… Nhà hình Thổ thì số bậc nên dùng là: 1, 3, 5, 7, 8, 9, 13, 15, 17, 19, 20, 21, 25, 27... Nhà hình Hỏa thì số bậc nên dùng là: 3, 5, 7, 9, 10, 11, 15, 17, 19, 21, 22, 23, 27... Nhà hình Kim thì số bậc nên dùng là: 1, 5, 9, 11, 12, 13, 15, 17, 19, 21, 22, 23, 25… Tính bậc cầu thang theo phong thủy | ảnh 3 Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh được rằng sự thay đổi trạng thái của con người cũng như sự ngưng tĩnh vận động ở một nhịp độ, tiết tấu nào đó đều có ảnh hưởng tới sự phát triển cơ thể và hình thành tính cách, có thể tăng cường sức khỏe, tăng trí nhớ nếu sự thay đổi hay ngưng tĩnh phù hợp. Ngược lại, nó cũng có thể làm giảm sức khỏe, tăng stress và đặc biệt là phát sinh một số bệnh tật. Số bậc cầu thang dừng lại ở bao nhiêu bậc để dẫn tới sàn mỗi tầng cũng làm thay đổi trạng thái vận động và sự ngưng tĩnh của con người. Từ đó, làm thay đổi sức khỏe, tâm tính con người. 2 - Cách tính theo sinh - lão - bệnh - tử Số lượng bậc thang được tính từ bậc thứ nhất cho tới điểm kết thúc. Một điều rất cần thiết là số bậc của mỗi tầng, cũng như của cả cầu thang, tính từ bậc thứ nhất đến bậc kết thúc phải rơi vào cung “Sinh” trong vòng tuần hoàn “Sinh”, “Lão”, “Bệnh”, “Tử”. Vì thế, tổng số bậc cầu thang là bậc lẻ (21, 17...). Được như vậy, sẽ đảm bảo không những thuận tiện về sinh hoạt, đồng thời, cũng mang lại cho chúng ta cảm giác yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà của mình. (Theo ĐTCK)