13 thg 7, 2013

Đông y với bệnh vảy nến


Bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Bệnh mang tính di truyền, không nguy hại đến tính mạng, không lây nhưng thường kéo dài, tái phát, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Theo y học cổ truyền, bệnh vảy nến gọi là tùng bì tiễn, là bệnh ngoài da mạn tính hay tái phát. Thương tổn cơ bản của bệnh vảy nến là đỏ da, có vảy nổi cộm ít hoặc nhiều. Nền đỏ này thường có vảy trắng, xám phủ lên trên, phải cạo hết lớp vảy này mới thấy rõ. Bệnh hay phát vào mùa đông, ở da đầu và mặt ngoài của tay, chân; nặng thì phát ra toàn thân kèm theo sưng đau các khớp tay chân. Y học cổ truyền cho nguyên nhân của bệnh vảy nến là do huyết nhiệt, lại cảm phải phong hàn mà thành bệnh, lâu ngày làm huyết táo, không dinh dưỡng được da sinh vảy nến.
Sau đây là các bài thuốc chữa trị bệnh này tuỳ theo từng thể bệnh:

Thể phong huyết nhiệt: 

Triệu chứng: những nốt chấm đỏ xuất hiện nhiều, liên tục, lâu ngày to dần, màu hồng tươi, ngứa nhiều.
Phép chữa: khu phong, thanh nhiệt, lương huyết.

Bài thuốc 1: hoa hoè 20g, sinh địa 20g, thổ phục linh 16g, ké dầu ngựa 16g, hy thiêm 16g, cây cứt lợn 12g, thạch cao 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài thuốc 2 (Hoè hoa thang gia giảm): hoè hoa sống 40g, thăng ma 12g, sinh địa 40g, thổ phục linh 40g, tử thảo 12g, thạch cao 40g, ké đầu ngựa 20g, địa phu tử 12g, chích thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể phong huyết táo: 

Triệu chứng: ở thể bệnh kéo dài, có triệu chứng: những nốt mới ít xuất hiện, những nốt cũ màu hơi đỏ, ngứa, mặt da khô.
Phép chữa: dưỡng huyết, nhuận táo, khu phong.

Bài thuốc 1: hà thủ ô 20g, đương quy 20g, khương hoạt 16g, thổ phục linh 40g, ké đầu ngựa 16g, sinh địa 16g, huyền sâm 12g, oai linh tiên 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài thuốc 2: huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, hà thủ ô, vừng đen mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài thuốc tắm rửa: hoả tiêu, phác tiêu, khô phàn, dã cúc hoa mỗi thứ 15g. Nấu nước tắm rửa, ngày 1 lần.

Kết hợp day bấm các huyệt: khúc trì, nội quan, thần môn, túc tam lý, tam âm giao, phi dương.

Những bài thuốc theo kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh:

Bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông: 

+ ngải cứu khô 2 nắm tay, tẩm ít bột mỳ, nấu nước uống hằng ngày.

Phèn chua, vỏ lựu, tán nhỏ hoà dấm mà bôi.
 Cây và củ sinh địa.
Bài thuốc của Tuệ Tĩnh: rễ cây núc nác 1 nắm, sinh địa 10 củ (trồng ở vườn) đều đập nát, thạch tín một ít, tán nhỏ, dấm chua 1 bát (200ml). Tất cả bỏ vào lọ, lấy bùn trát kín, đun cách thuỷ 10 giờ, rồi đem ra xức (ngửi). Không để thuốc vào mắt, mặt (thạch tín là thuốc độc bảng A). Nếu nổi vết đỏ, tròn bằng đồng tiền, ngứa, chảy nước vàng thì dùng: xương chó vàng 2 phần, vỏ trứng gà con so 1 phần, tóc rối 1 phần. Tất cả đốt ra tro, tán nhỏ, hoà dầu vừng, xát vào tổn thương.

Ăn uống hỗ trợ trị bệnh: Người bệnh vảy nến nên thường xuyên ăn cháo tang thầm, hồng táo: tang thầm (quả dâu tằm) 30g, hồng táo 10 quả, bách hợp 30g, gạo lức 100g. 3 vị trên cho nước ninh kỹ, sau khi bỏ bã cho gạo đã vo sạch vào nấu thành cháo. Ngày dùng 1 liều, ăn liền 1 tuần là một liệu trình, nghỉ 1 tuần, ăn tiếp và cứ ăn như thế đến khi bệnh thuyên giảm. 

Lưu ý: Bệnh vảy nến không nguy hại nhưng thường kéo dài và hay tái phát. Cần chú ý ăn uống thanh đạm, ít mỡ, nhiều rau quả, vitamin. Tránh bia rượu, thịt trâu, thịt chó, các thức ăn khó tiêu. Tránh thức đêm, căng thẳng thần kinh. Cần giải trí vui chơi lành mạnh, tâm hồn thanh thản.
 
Vị trí huyệt
Khúc trì: gấp cánh tay vào ngực, huyệt ở đầu khuỷu cẳng tay cách cùi chỏ khoảng chiều ngang của 3 ngón tay 2 - 3 - 4.
Nội quan: từ lằn chỉ cổ tay, phía lòng bàn tay đo lên 2 tấc, ở giữa 2 đường gân.
Thần môn: chỉ cổ tay phía lòng bàn tay đầu xương quay (từ ngón út kéo xuống đến chỉ cổ tay).
Túc tam lý: nằm ở bắp chân ngoài, dưới đầu gối 3 tấc, ngay tại đầu ngoài nếp nhăn ngang dưới đầu gối.
Tam âm giao: trên mắt cá chân trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chày.
Phi dương: trên mắt cá ngoài chân 7 tấc.
Thay đổi day bấm trong 1 tuần: các huyệt khúc trì, nội quan, thần môn day bấm trong 3 ngày sau đó chuyển sang day bấm huyệt túc tam lý, tam âm giao, phi dương trong 3 ngày là một đợt, nghỉ 1 ngày rồi tiếp đợt 2…
Lương y Minh Chánh

12 thg 7, 2013

Bài thuốc gia truyền đặc trị bệnh gan của người Chăm Pa



ST
Bài thuốc 19 loài cỏ cây
Theo ông Doan, gan là một “nhà máy lọc chất” trong cơ thể, thanh lọc chất độc, tiếp thu dinh dưỡng nuôi cơ thể. Khi chức năng gan yếu, cơ thể thường mệt mỏi, dẫn đến dễ dàng phát sinh nhiều bệnh tật. Phương pháp chữa bệnh của ông mang tính khoa học khi không dùng phương pháp bắt mạch, mà lấy kết quả chẩn đoán Tây y làm nền tảng. Bài thuốc trước đây của người Chămpa có khoảng 70 vị thuốc, sau này ông nghiên cứu rút gọn lại còn 19 loại, công dụng không đổi.
Với mong muốn được phổ biến bài thuốc, ông Doan không giấu tỷ lệ kết hợp. Mười chín vị thuốc này bao gồm: Cây chum hoa (lục lạc ba lá) 10g, diệp hạ châu (cây chó đẻ) 10g, ngưu tất (cỏ xước) 10g, mã đề 10g, trinh nữ 10g, cỏ mực 5g, cỏ sữa 5g, hà thủ ô 5g, móng tranh 5g, lá lốt 5g, bạc thau 5g, cam thảo 5g, bồ ngọt (rau ngót) 5g, lạc tiên 5g, mần trầu 5g, mằn ri hoa tím 10g, rau má 5g, bướm bạc 10g, chìa vôi 5g. Tổng trọng lượng các vị thuốc là 130g và tỉ lệ này phải chính xác thì bài thuốc mới có tác dụng như lời tác giả bài thuốc nói.
Ông Doan chia sẻ, thông thường lấy thuốc buổi trưa tốt nhất, bởi lúc này lượng tinh chất được cây quang hợp nhiều nhất, giữ được dược tính cao nhất. Trong một năm, ngày hái thuốc tốt nhất là ngày Hạ chí. Sau khi hái thuốc về, nên rửa sạch, sao qua trên chảo nóng, đem phơi nắng, hoặc sấy khô dùng dần. Ngoài cây bạc thau khi sao phải cho rượu, còn những vị thuốc khác đều sao bình thường.
 
Kỹ sư nông nghiệp yêu nghề thuốc Trà Quang Doan
Ông Doan có lời khuyên: Nên thực hiện công đoạn này càng nhanh càng tốt, bởi nếu để lâu, lượng dược chất có trong thảo dược bị giảm do khô héo. Thông thường một thang có thể đun để dùng thay nước uống hàng ngày, nhưng để đạt hiệu quả cao hơn nên sắc thành thuốc.
Cách nấu thuốc, theo ông Doan là khá đơn giản: Ban đầu cho thuốc vào nồi, đổ xâm xấp nước, đun nhỏ lửa cho đến khi nước còn khoảng một bát (một chén ăn cơm). Lần thứ hai cũng làm tương tự, nhưng lượng thuốc còn lại chỉ còn 0,8 bát thì thành thuốc. Với mỗi thang thuốc, ngày uống hai lần, còn trẻ nhỏ có thể uống ½ thang. Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp, nên ăn các loại rau, qủa, giảm ăn chất béo, thức ăn chứa nhiều đạm.
Chữa bệnh không lấy tiền
Sinh ra trong một gia đình có 8 anh em, là anh cả nên cuộc đời ông Doan trải qua nhiều vất vả. Thấm thía cảnh nghèo, ông quyết tâm theo đuổi con đường khoa cử, năm 1981 thi đậu vào Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông Nghiệp II (Tp Huế). Tốt nghiệp, ông xin về Quảng Nam phục vụ quê hương.
Nghề nghiệp của ông vốn gắn bó với những loại cây trồng, lại thêm ý thích nghiên cứu những loài cây thuốc nên chàng kỹ sư đặc biệt lưu tâm đến những loài cây có
 công dụng chữa bệnh cứu người. Những cuốn sách y học cổ truyền luôn là sách “gối đầu giường”, như cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” ông nghiền ngẫm 30 năm nay đã rách cả gáy.
Bài thuốc chữa bệnh gan theo bí quyết của người Chăm pa ->
Điều tình cờ thú vị khác là trong dòng tộc nhà ông Doan, từ trước đến nay mỗi người lại sở hữu một bài thuốc riêng. Chú ông có bài thuốc chữa bệnh sỏi thận, mẹ ông sở hữu bài thuốc chữa thận nhiễm mỡ, chữa xương khớp; bản thân ông giỏi về chữa gan.
Những bài thuốc không để kiếm tiền, mà trong xóm có ai bị bệnh thì những lang y này tự nguyện đến giúp người bệnh, hái thuốc đem đến cho không. “Chúng tôi quan niệm bài thuốc của gia đình là để cứu người, không lấy tiền”, ông Doan nói. Không như nhiều người khác giữ riêng bí quyết bài thuốc gia truyền, ông lại sẵn sàng chia sẻ bí quyết chế bài thuốc, dẫn những người thích học nghề đi tìm cây thuốc, hướng dẫn tỉ mỉ cách pha chế.
Chỉ là “nghề” tay trái, và nỗi khổ của người bệnh khiến mình trăn trở nên với những người bệnh ở xa tìm đến, người đàn ông tốt bụng này thậm chí còn thu xếp nơi ăn chốn ở, dù hoàn cảnh gia đình mình không khá giả gì. Chuyện nhiều người ở xa nhờ ông bốc thuốc mà không hề biết mặt là chuyện thường.
Chị Ngô Thị Duyên (ngụ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Trước đây em trai chị bị bệnh gan, lại hay uống rượu nên bệnh ngày càng nặng. Sau khi đã “vái tứ phương” mà chẳng mang lại hiệu quả, được mách bài thuốc của ông Doan, người bệnh nay đã chuyển biến tích cực: Da dẻ mềm trở lại, ăn được nhiều, tăng được khoảng 5kg, tinh thần tự tin hơn.
Vị kỹ sư nông nghiệp kiêm nghề thầy thuốc khuyên rằng mọi người nên có cách nhìn nhận lại những bài thuốc dân tộc, bởi một số người ở chính các nước phương Tây còn đang quay lại dùng thuốc nam và “người Việt nên biết phát huy, lưu truyền các bài thuốc dân tộc đem lại hiệu quả cao trong việc chữa bệnh, tránh lạm dụng vào thuốc Tây” như lời ông nói.

11 thg 7, 2013

Bài thuốc nam giản dị bóp nát những viên sỏi thận



nguoiphattu.com - Gặp ông lão Nguyễn Sinh Châu (60 tuổi, dân tộc Mường, ngụ xóm Yên Thành, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đang phơi nắng đống thân cây xắt nhỏ trên sân nhà, không ai nghĩ ông là một thầy thuốc có tiếng, thậm chí còn là Phó Chủ tịch Hội đông y huyện.  Lý do nhầm tưởng cũng giản dị như những vị thuốc ông đang phơi “tầm thường” giống… đồ bỏ đi. Vậy mà thực chất đó lại là những vị thuốc có thể bóp nát những viên sỏi thận gây đau đớn trong cơ thể người bệnh.
Lương y Nguyễn Sinh Châu
Lương y Nguyễn Sinh Châu
Bắt bệnh sỏi thận       
Sinh ra và lớn lên ở trong một gia đình có truyền thống về thuốc nam, từ nhỏ ông đã được gia đình truyền lại bài thuốc chữa sỏi thận. Tham gia Hội đông y xã, kinh nghiệm hành nghề hàng chục năm cộng với những lần được cử đi tập huấn các khóa huấn luyện về y học cổ truyền, ông Châu đã thành một “lão làng” trong nghề. Bài thuốc chữa sỏi thận của ông đã được Hội đông y huyện kiểm nghiệm, công nhận là bài thuốc gia truyền.
Lương y này cho rằng có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sỏi thận, chủ  yếu là các dạng sau: Có thể là do uống nước không đủ, một số người lao động nặng nhọc, lúc nghỉ ngơi thì uống rất nhiều nước nhưng lượng nước uống vào không đồng đều. Nhiều lần như vậy sẽ tạo thành thói quen, do tác động của việc đi tiểu không điều độ có thể làm ảnh hưởng đến ống thoát nước tiểu, nước tiểu sẽ bị ứ đọng do không được thoát hết ra ngoài, lâu ngày tạo thành sỏi.
Lý do nữa là ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều thịt hoặc quá nhiều rau. Lại có những trường hợp bị chấn thương nặng, phải nằm một chỗ, nhất là vết thương ở đùi, khi người bệnh uống nhiều sữa, ít nước sẽ dễ ảnh hưởng đến nước tiểu và ảnh hưởng đến ống thoát nước tiểu.
Theo ông Châu, ở phụ nữ thường khi bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục do không vệ sinh thường xuyên, vi trùng có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó tạo thành sỏi. Cũng có thể do người bệnh bị u xơ tiền liệt tuyến, lâu dần dẫn đến u xơ đội lên trong lòng bàng quang khiến nước tiểu đọng lại ở khe kẽ. Cũng có những trường hợp rất kuf dị như lá cây, cỏ, rơm… vô tình lọt vào trong ống dẫn nước tiểu gây bí tắc, dẫn đến sự tạo thành những viên sỏi.
“Những viên sỏi được tạo từ trong thận có nhiều kích thước khác nhau. Có thể nhỏ như hạt cát, có những viên sỏi to có kích thước bằng quả trứng. Những viên sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài bằng đường nước tiểu, nhưng cũng có những sỏi thận lớn gây đau đớn vì chúng không thể tự thoát ra ngoài”, ông lão cho biết.
Người mắc bệnh thường có các cơn đau quặn thận. Đau từng cơn, lúc đầu chỉ đau ở hai thắt lưng, sau đó lan ra bụng, lan xuống bụng dưới, rồi xuống đùi. Các cơn đau được sinh ra do các viên sỏi chặn đường nước tiểu. Nếu các cơn đau chỉ kéo dài thời gian ngắn thì do viên sỏi chưa đủ lớn để bưng bít kín mít ống dẫn nước tiểu, một thời gian nó lại nhúc nhích đến vị trí khác.
Trường hợp viên sỏi lớn sẽ làm cho các cơn đau buốt kéo dài dai dẳng. Người ta cũng có thể chỉ đau ở một bên thì chỉ bị thận một bên, nếu bị sỏi ở cả hai thận sẽ dẫn đến người bệnh bị đau ở hai hố thắt lưng. Hiện tượng đái buốt, đái rắt, đái ra máu là do sỏi đã va vào niệu quản. Nguy hiểm nữa là các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn. Bệnh sỏi thận không được chữa kịp thời sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận dạng cấp tính, nặng hơn là mãn tính. Riêng đối với dạng mãn tính thì tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%.
Chia sẻ bí quyết chữa bệnh gia truyền
Ông Châu cho rằng mình có thể “tiêu tán” những viên sỏi to bằng quả trứng gà chỉ với những cây thuốc nam. Tuy là bài thuốc gia truyền nhưng ông cũng không giấu bí quyết và kê đủ những vị thuốc: Cây xạ bướm, dây mộc thông, dây ngũ da bì (cây chân chim), cây râu mèo, cây ý dí, rễ cỏ xương, cây sa ngạn, cây mã đề, cây gai nước, cây cối xay, cây phèn đen ( làm vết thương mau hồi phục, sỏi mòn đến đâu là hổi phục đến đó), cây thóc bút. Không sợ bài thuốc gia truyền bị người khác “học lỏm”, ông lão cười: “Làm nghề bốc thuốc này chủ yếu là để chữa bệnh cứu người. Càng phổ biến thì càng chữa được nhiều người, làm sao phải giấu giếm”
Công đoạn chế biến bài thuốc khá đơn giản: Những cây thuốc này được hái về rửa sạch, thái dài khoảng 5cm, phơi khoảng một tuần. Mỗi vị thuốc lấy một chén để tổng hợp thành một thang thuốc. Đun sôi khoảng 30 phút rồi bắc xuống để nguội, uống nhiều lần trong ngày, nên cách khoảng một tiếng đồng hồ lại uống một bát. Mỗi thang thuốc uống được 3 ngày lại thay thang khác.
“Thời gian chữa khỏi bệnh không cố định. Người nào bị nhẹ, viên sỏi nhỏ thì chữa rất nhanh, có thể chỉ đến 3 ngày uống thuốc là có thể thải được viên sỏi ra ngoài. Đối với những viên sỏi quá lớn cần có một thời gian bào mòn khá lâu mới có thể thoát ra ngoài”, lão lương y giải thích.
Ông Châu lý giải về cơ chế của bài thuốc một cách dân dã, dễ hiểu: “Cứ tưởng tượng xem ở ruột phích bị đá vôi ăn vào, cọ cũng không ra, nhưng đổ nước thuốc chữa sỏi thận vào cái là từng mảng bay hết. Chữa bệnh sỏi thận cũng vậy, chỉ cần uống một thời gian thì nó sẽ tự bào mòn viên sỏi và “tiêu tán” viên sỏi to”.
Những thang thuốc cuối cùng được bổ sung loại thuốc kháng sinh. Đó là lá cây xạ đen chuyên dùng để trị các loại ung thư. Loại lá này có tác dụng chống viêm sưng, kích thích ăn ngủ. Sau khi lấy lá về, thái nhỏ, phơi khô một tuần nắng. Khi có hiện tượng sỏi đã ra khỏi ống nước tiểu thì cho vị thuốc này vào đun cùng với những thang thuốc cuối để làm chất kháng sinh.
Mỗi thang thuốc của ông Châu có giá 30 ngàn đồng. “Đấy là tiền công đi hái. Cả nhà đi khắp các vùng đồi núi Hòa Bình để tìm thuốc, có những cây phải xuống tận Ninh Bình mới có. Có lúc công việc đồng áng chững lại vì có nhiều người đến tìm thuốc quá. Gia đình không có tiền để thuê người đi hái, hơn nữa để người khác đi hái sợ không đúng thuốc thì khổ. Với số tiền công đó cũng chỉ đủ cả nhà rau cháo qua ngày. Quan trọng nhất ở điều cứu được bệnh cho người ta là tôi vui rồi”, ông lão chia sẻ.
Ông Bùi Phi Diệp, Phó chủ tịch UBND xã Yên Trị xác nhận bài thuốc chữa bệnh gia truyền của gia đình ông Nguyễn Sinh Châu nổi tiếng ở xã. “Nhiều trường hợp bệnh nhân tìm đến nhờ ông Châu chữa đều đã khỏi bệnh. Bài thuốc đã được Hội đông y huyện kiểm nghiệm và chứng nhận”, vị Chủ tịch xã cho biết.
Sỏi thận là tình trạng một hoặc vài viên sỏi kết tụ nơi thận hoặc đường tiểu ngăn trở việc bài tiết nước tiểu. Sỏi thận hình thành qua thời gian dài, người bệnh thường chỉ biết được từ những cơn đau quằn quại dữ dội ở vùng bụng dưới và xác định qua chụp X - quang hoặc siêu âm. Chế độ ăn uống không hợp lý khiến cơ thể rất dễ mắc bệnh sỏi thận. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần ăn uống điều độ, uống nhiều nước.
Hoàng Thế Tào - PLVN