14 thg 3, 2013

"thần dược" trị dạ dày

Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày

    (VTC News) - Sự kết hợp giữa kiến thức Tây y với Đông y gia truyền và kinh nghiệm dân tộc, đã mang lại những khám phá thú vị trong các bài thuốc của anh, đặc biệt bài thuốc chữa dạ dày mà anh dày tâm nghiên cứu.


    Mới đây, lương y Phạm Văn Thanh gọi điện cho tôi rủ xuống Nam Định chơi mấy ngày. Anh tự lái chiếc xe Zace cũ từ mãi Lào Cai xuống. Tôi hỏi, sao không đi tàu cho sướng, lái xe đường sá xa xôi làm gì cho khổ. Hóa ra, trong xe chứa toàn thuốc. Anh tự mình lái xe chở cả tạ thuốc đi từ Hà Nội về Nam Định. Hầu hết số thuốc trên xe anh dành tặng những người nghèo mắc bệnh trọng, là những thân phận khốn cùng mà anh đọc trên báo. Số cây cỏ còn lại anh mang về Công ty Nam Dược ở Nam Định để nhờ máy móc công ty chiết xuất, phân tích thành phần hoạt chất. Đó là những cây thuốc mà anh mới học được của đồng bào vùng cao.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Lương y Phạm Văn Thanh và cây thuốc quý. 

    Trên đường về thăm và tặng thuốc người chiến sĩ cộng sản Vũ Minh Tằng, nạn nhân của những trò tra tấn tàn ác trong nhà tù Phú Quốc ở Nam Định, còn có một bệnh nhân đặc biệt đi cùng. Biết anh Thanh về miền xuôi, anh nằng nặc xin được đi theo để đội ơn ông thầy thuốc đặc biệt, đã cứu anh thoát khỏi căn bệnh loét dạ dày, mà đối với anh, nó thực sự quá kinh hoàng. Bệnh nhân đó là anh Đinh Bách Diệp, ở Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội).

    Theo lời anh Diệp, đã có 4 lần anh suýt toi mạng vì căn bệnh loét dạ dày. Vết loét dạ dày của anh rất quái gở, lại nằm ngay thành mạch máu. Đã mấy lần đi nội soi, song bác sĩ khuyên không nên mổ, vì vết mổ sẽ rất rộng, cắt rất nhiều dạ dày, lại phải tạo hình lại môn vị khá nguy hiểm.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Anh Đinh Bách Diệp đã khỏi căn bệnh viêm loét dạ dày. 

    Mặc dù chỉ là vết loét ở dạ dày, song vết loét thường xuyên xuất huyết âm thầm, không gây đau đớn. Máu cứ lặng lẽ chảy từ vết loét, đầy dạ dày. Mất máu, đầu óc choáng váng, mất kiểm soát, anh lại lăn ra ngất xỉu. Căn bệnh biến anh thành người mất hồn, rất yếu, không làm được gì. Dù bệnh viện kê đủ các loại thuốc cầm máu, thuốc đặc trị vi khuẩn HP, song vẫn chả ăn thua, cứ 2-3 tháng lại xuất huyết trở lại.

    May mắn, sử dụng bài thuốc đặc trị của lương y Phạm Văn Thanh, chỉ chưa đầy một tháng anh hết triệu chứng bệnh. Anh Diệp đi nội soi lại, bác sĩ bảo vết loét đã thành sẹo màu hồng. Như vậy, về cơ bản, vết loét dạ dày đúng chỗ hiểm của anh Diệp đã được chữa khỏi. Giờ anh ăn khỏe, ngủ khỏe, tăng cân. Với anh Diệp, đó là sự thần kỳ, là niềm vui không gì đánh đổi được.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Anh Thanh và người tù cộng sản trung kiên Vũ Minh Tằng.  Anh Thanh đã tặng khá nhiều thuốc trị dạ dày và tá tràng cho ông Tằng.

    Theo anh Thanh, bài thuốc chữa dạ dày của anh là bài thuốc gia truyền của cha ông, truyền đến anh là đời thứ 4. Cha anh là ông lang nổi tiếng đất Lào Cai Phạm Văn Đĩnh.

    Mặc dù là con của lang y nổi tiếng, song thời trẻ anh Thanh lại theo… Tây y. Anh vốn học tập ở Bệnh viện Việt Đức, sau công tác ở Bệnh viện tỉnh và Hội Đông y Lào Cai.

    Những người làm việc trong môi trường Tây y hiện đại, vốn ít nhiều coi thường Đông y, song có một điều lạ, là càng hiểu sâu về Tây y, thì anh Thanh lại càng nhận ra chân giá trị của những bài thuốc Đông y gia truyền. Khi đã hiểu được sâu sắc bản chất của nền Tây y và Đông y, anh có một quyết định đặc biệt là xin thôi việc.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Anh Thanh đang đào thuốc trong rừng. 
    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Củ thuốc quý có tác dụng tiêu độc cực mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. 

    Quyết định thôi nghề sau 20 năm theo đuổi của anh khiến không ít người ngạc nhiên. Nhưng anh bảo, kiến thức Đông y vô cùng sâu rộng, uyên bác, dù có học cả đời cũng chỉ hiểu được bằng cái móng tay. Do đó, không còn nhiều thời gian nữa, anh phải tập trung toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu Đông y.

    Sự kết hợp giữa kiến thức Tây y mà anh có được, với các phương thuốc gia truyền và các cây cỏ, bài thuốc của dân tộc, đã mang lại những ngạc nhiên thú vị, khả năng chữa bệnh thần kỳ. Trời đất và sự sống đều trong vòng sinh – diệt. Nếu trời đất sinh ra con người, sinh ra bệnh tật, thì cũng sinh ra cây cỏ có tác dụng điều trị bệnh, vấn đề là người thầy thuốc phải tìm ra được phương pháp, quy luật, sử dụng được cây cỏ đó trong việc điều trị bệnh. Kiến thức này là của nhân loại, và nó có ma lực cuốn hút rất lớn đối với thầy thuốc yêu nghề. Ngay như bản thân anh, được cha ông truyền lại rất nhiều bài thuốc, song anh chuyên tâm nhất vào căn bệnh dạ dày. Chỉ một căn bệnh này, anh phải mất cả đời để nghiên cứu, theo đuổi, cũng chưa chắc đã hoàn thiện được. Thế giới của các vị thuốc, cây thuốc đa dạng, sâu sắc và biến ảo khôn lường.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Củ thuốc đặc biệt có tác dụng trị viêm loét dạ dày. 

    Anh Thanh bảo rằng, dù bài thuốc chữa dạ dày gia truyền của ông cha anh có tiếng ở đất Lào Cai, song tác dụng thực sự chỉ đạt vài chục phần trăm. Lý do là vì ngày xưa, những người đau dạ dày phần lớn ở tuổi ngoài 40. Nguyên nhân đau dạ dày chủ yếu là do can khí phạm vị, tức suy nghĩ căng thẳng. Những người đứng tuổi hay suy nghĩ, nên mới đau dạ dày. Ngoài ra, còn có thêm 2 nguyên nhân nữa là do đồ ăn không phù hợp và tì vị hư hàn (đường ruột lạnh).

    Nếu những người mắc bệnh dạ dày do những nguyên nhân trên, bài thuốc gia truyền của cha ông anh sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, còn có thêm vô số nguyên nhân nữa dẫn đến căn bệnh dạ dày như rượu chè, bia bọt, thuốc lá, môi trường ô nhiễm, các loại đồ ăn độc hại, vi khuẩn HP(Helicobacter Pylori)… Do đó, nếu không xác định được rõ nguyên nhân gây đau dạ dày, thì phương thuốc gia truyền cha ông để lại sẽ ít tác dụng.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Anh Thanh theo đồng bào đi tìm cây thuốc quý ở Hà Giang. 

    Vì vậy, để việc chữa bệnh đạt hiệu quả, anh Thanh phải nghiên cứu thêm rất nhiều vị thuốc mới nhằm hoàn thiện bài thuốc của mình và tùy từng nguyên nhân mắc bệnh mà tăng giảm liều lượng mới có tác dụng triệt để.

    Nói thì đơn giản, nhưng để có được bài thuốc chữa mỗi cái dạ dày to bằng vốc tay, ông thầy thuốc Phạm Văn Thanh đã mất cả chục năm trời ăn rừng ngủ thác. Kiến thức Đông y trong sách vở nước ta quả thực như giọt nước trong biển cả, quá mỏng manh và ít ỏi.

    Ngoài việc học từ ông cha, thầy thuốc, sách vở trong nước, thì kiến thức Đông y vô cùng quan trọng anh học từ thực tế. Anh Thanh kể chuyện này mà lòng đau như dao cứa: Ở Lào Cai, mỗi năm lại diễn ra vài cơn lốc tận thu thảo dược bán sang Trung Quốc. Người Trung Quốc mang mẫu cây cỏ sang, đặt các đại lý, các đại lý thuê dân chúng đi tìm. Lúc đầu họ mua giá rẻ, đến khi cạn kiệt thì giá lên tận… trời xanh! Có những cây cỏ, như cỏ nhung chẳng hạn, lúc đầu họ mua 5-10 ngàn đồng/kg, nhưng khi cạn kiệt, thì giá vọt lên đến 8 triệu đồng/kg. Nhưng lúc đó thì loài thảo dược này sạch bóng ở Việt Nam rồi.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Hành trình đi tìm thuốc ở rừng sâu bên nước bạn Lào. 

    Hầu hết những cây cỏ mà người Trung Quốc mua đều không có tên trong sách vở, chưa ai từng biết đến. Hễ thấy người Trung Quốc thu mua, anh liền mang mẫu đi phân tích, rồi dò la tìm hiểu từ nước họ. Quả thực, những thứ họ săn mua tận diệt, đều là cây thuốc rất quý, mà nền Đông y nước nhà chưa biết đến. Riêng việc tìm hiểu qua cách này, anh Thanh đã biết được cả chục loại thuốc quý, có tác dụng chữa bệnh thần kỳ. Để bảo tồn được các giống thảo dược mà người Trung Quốc thu mua tận diệt, anh lặng lẽ xới những mảnh đất nơi khe đá trong rừng sâu để gieo trồng, bảo tồn. Những mảnh vườn bí mật trong rừng Hoàng Liên Sơn của anh hiện đang bảo tồn cả chục loại cây thuốc quý đã bị người Trung Quốc mua sạch. Vì những lý do đó, mà mong ước lớn nhất của anh Thanh lúc này là Nhà nước hãy ra sức ngăn chặn tình trạng chảy máu thuốc quý ra ngoài biên giới. Ngoài ra, anh ước có được mảnh đất trong rừng, nơi đó, anh sẽ trồng trọt, bảo tồn thật nhiều cây thuốc sắp bị tuyệt chủng vì thói mua bán nhổ tận gốc trốc tận rễ của người Trung Quốc.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Anh Thanh tại khu vườn bí mật bảo tồn các loại thuốc quý trên đỉnh Tả Phời. 

    Hàng chục năm nay, dấu chân lương y Phạm Văn Thanh đã in khắp các đỉnh núi cao nhất của miền Bắc Việt Nam, các khe suối, vách đá, đại ngàn hoang thẳm. Anh đi xuyên sang cả nước Lào để nghiên cứu thêm. Hễ dân tộc nào có bài thuốc quý, cây thuốc đặc biệt, anh sẽ tìm ngay đến để nghiên cứu, học hỏi và làm sáng tỏ tác dụng của nó. Sự kết hợp giữa kiến thức Tây y, kiến thức gia truyền và kinh nghiệm dân tộc, đã mang lại những khám phá thú vị trong các bài thuốc của anh, đặc biệt bài thuốc chữa dạ dày mà anh dày tâm nghiên cứu.

    Người bỏ bệnh viện vào rừng tìm "thần dược" trị dạ dày
    Cụ Lê Thế Minh, cụ già mù 80 tuổi, sống cô độc bằng nghề ăn mày, hiện trú ở xóm liều, xã Tân Dương (Thủy Nguyên, Hải Phòng), là nhân vật trong phóng sự "Đau lòng cụ già mù dắt chó đi ăn mày" (đăng ngày 1-4-2011 trên VTC News) đã được lương y Phạm Văn Thanh tặng thuốc trị viêm loét dạ dày. Ngay khi VTC News đăng bài về cụ Minh 1 giờ đồng hồ, lương y Phạm Văn Thanh đã điện thoại cho tác giả xin địa chỉ cụ Minh để tặng thuốc. Tuy nhiên, cụ sống ở xóm liều, chính quyền xã không nắm rõ, nên mấy lần thuốc gửi đi theo đường bưu điện lại quay về Lào Cai. Cuối cùng, anh Phạm Văn Thanh phải nhờ người quen mang thuốc đến tận nơi tặng cụ. Sau khi uống thuốc một tháng, cụ đã nhờ cậu hàng xóm sống bằng nghề đánh giày gọi điện cảm ơn anh Thanh, vì đã khỏi bệnh.

    Anh Thanh cho rằng, dạ dày là thứ tối quan trọng của con người. Từ căn bệnh dạ dày, sẽ sinh ra đủ các thứ bệnh khác, nghiêm trọng nhất là ung thư dạ dày, với 90% là chết. Nước ta có hàng triệu người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày. Do vậy, cái dạ dày ảnh hưởng đến sinh mạng của cả triệu con người, chứ không phải đơn giản. Hiện tại, sức anh không giúp xuể số người đau dạ dày ở khắp cả nước, nên sau nhiều ngày trằn trọc suy nghĩ, anh đã có một quyết định hệ trọng, đó là chuyển giao bài thuốc đặc biệt này cho một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất thuốc Nam. Anh hy vọng, doanh nghiệp này sẽ làm được một việc quan trọng, đó là điều trị cho hàng vạn bệnh nhân đang bị căn bệnh dạ dày hành hạ, những cái dạ dày bệnh tật đã nhờn với thuốc Tây độc hại nhiều tác dụng phụ.

    Sau khi phát hết xe ô tô thuốc trên cung đường từ Hà Nội về Nam Định, thầy thuốc Phạm Văn Thanh lại lái xe lên núi. Hôm sau, tôi gọi điện hỏi thăm thì: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện… “đang ở trên đỉnh Tả Phời!”. Có lẽ, ông chủ của nó đang còng lưng cuốc đất trồng cây thuốc quý ở khu vườn bí mật giữa rừng sâu trên đỉnh ngọn núi cao hơn 2000m so với mặt nước biển. Sự khắc nghiệt và giá lạnh mới cho ra đời những cây thuốc quý.


    Bài thuốc chữa dạ dày của lương y Phạm Văn Thanh gồm cam thảo, bạch truật, hoài sơn, nghệ đen, hoàng kỳ, hồi đầu thảo, phan tàu cáy, phục quản thống… cùng cả chục vị gia truyền khác. Ngoài việc tiêu viêm, chủ trị chữa viêm loét, thì bài thuốc còn có nhiều vị giải độc, thông khí, tăng cường chức năng tiêu hóa, nhằm nâng cao thể trạng cơ thể. Sự kết hợp giữa điều trị ngọn (tấn công trực tiếp vào bệnh - Tây y) và điều trị tận gốc (nâng cao sức khỏe – nhân cường tật nhược – Đông y), đã đem lại kết quả rất tốt.

    Lương y Phạm Văn Thanh coi việc cứu người là trách nhiệm của một thầy thuốc chân chính. Sáng nào anh cũng dậy sớm đọc cả chục tờ báo, tìm các nhân vật có số phận bất hạnh. Nghèo khổ quá thì anh biếu chút tiền, có bệnh thì anh biếu thuốc. Hầu hết tiền lời lãi ít ỏi từ nghề bốc thuốc anh dành tặng cho người nghèo.
    Sau khi VTC News đăng loạt bài 2 kỳ về Lương y Phạm Văn Thanh, tòa soạn nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, email, phản hồi xin địa chỉ liên lạc nhờ lương y tư vấn, chữa bệnh. VTC News xin cung cấp địa chỉ và số điện thoại của lương y Thanh để bạn đọc tiện liên lạc.

    Địa chỉ: Nhà thuốc Hoàng Liên Sơn, số 166, Hàm Nghi, Kim Tân, TP. Lào Cai. Số điện thoại: 0913230521


    Phạm Ngọc Dương

    1 nhận xét:

    Nặc danh nói...
    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.