14 thg 12, 2013

Bài Học Từ Hai Quốc Gia

ST


Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan: “Việt Nam không phát triển được vì có quá nhiều tài nguyên”

Theo Hoàng Vân (Trí thức trẻ – 11/12/2013)

Con người Thụy Sĩ từ không có gì tạo ra mọi thứ. Trong khi đó, Việt Nam có tất cả nhưng lại không có gì.



“Tại sao Thụy Sĩ giàu vậy? Về tài nguyên, Thụy Sĩ  không có gì cả, trong khi Việt Nam lại có quá nhiều”, Đó là câu hỏi thường trực của Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, người đã từng nhiều lần đặt chân lên Thụy Sĩ.

Nếu so sánh kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ thì quả là quá khập khiễng.  Năm 2012, GDP của Thụy Sĩ đạt hơn 600 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người hàng năm là trên 75 nghìn USD, gấp rưỡi cường quốc Mỹ.

Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới. Trong ngân hàng , dược phẩm, máy móc, thậm chí dệt may, ở bất cứ lĩnh vực nào công ty Thụy Sĩ cũng xếp hạng cùng với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất và mạnh nhất .
Tuy nhiên, nền kinh tế Thụy Sĩ không phải tự dưng mà có được như ngày hôm nay, nó cũng phải trải qua rất nhiều bước thăng trầm để chuyển mình. Trong buổi ra mắt cuốn sách “Swiss Made – Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ”, Ông Vũ Khoan nhận định, Việt Nam cũng có thể học theo người Thụy Sĩ trong 4 điểm chính: 

Thứ nhất, phát triển kinh tế mũi nhọn. Không phải mũi nhọn theo kiểu nền kinh tế quả mít như của nước ta (ngành nào cũng “nhọn”?). Thụy Sĩ tập trung vào 2 ngành chính: Nông nghiệp và Du lịch, cũng là 2 ưu thế lớn nhất của họ. “Đến ngày nay, Thụy Sĩ đã phát triển nông nghiệp tới mức ai cũng biết Nestlé của Thụy Sĩ, sô-cô-la Thụy Sĩ, pho mát Thụy Sĩ. Còn du lịch ở Thụy Sĩ là số 1 thế giới”, ông Vũ Khoan cho biết.

Trong khi đó, theo Việt Nam cũng có tiềm năng ở cả 2 lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Nhưng tiềm năng chỉ mãi là tiềm năng. Ở mặt nông nghiệp, Việt Nam chưa có thương hiệu nào nổi tiếng, ở mặt du lịch, Việt Nam có những bãi biển, hang động đẹp nhất thế giới nhưng ngành du lịch chưa đem lại nhiều giá trị.

Cái họ không có thì họ tạo nên được, đó là vấn đề đáng học hỏi ở đất nước này. Họ chọn những ngành cần trí tuệ, công nghệ cao và dịch vụ – đó là các ngành nghề phát triển mạnh. Còn Việt Nam chọn lĩnh vực nào – thực sự là chưa rõ. Mặc dù, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều mũi nhọn nhưng tôi nghĩ đó là mũi tù chứ không phải mũi nhọn”.
Điều thứ 2 mà Việt Nam có thể học hỏi từ Thụy Sĩ đó là vấn đề đào tạo nhân lực. Những nước không có tài nguyên thiên nhiên, con người luôn mang yếu tố quyết định. Đất nước này đã có các chương trình đào tạo nhân lực tốt nhưng vẫn đặc biệt chú ý tới dạy nghề. Dạy nghề của người Thụy Sĩ hiện nằm trong top tốt nhất thế giới.

Điều thứ 3, đó là tinh giản bộ máy Nhà nước. “Bộ máy nhà nước của Thụy Sĩ rất nhỏ nhưng tiết kiệm và hiệu quả.

“Tôi nhớ mãi cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ, tôi rất ngạc nhiên vì ông ấy tiếp tôi ở một trạm bưu điện, phòng tiếp rất nhỏ. Tìm hiểu mới biết rằng, tất cả các quan chức ở Thụy Sĩ đi công tác tại các địa phương, chỉ được ở nhà bưu điện thôi, chứ không được ở nhà khách sạn. Trong khi, nước mình nghèo nhưng đi họp toàn ở khách sạn 5 sao”– ông Vũ Khoan nói.

Điều thứ 4, đó là chính sách đối ngoại. Là nước nhỏ sống kẹt giữa các nước lớn nhưng Thụy Sĩ luôn được tôn trọng. Về đối ngoại, họ theo đuổi chính sách trung lập tích cực, tức là một chính sách trung lập không đứng về bên nào cả nhưng có vai trò tích cực đối với người dân. Họ biến đất nước của họ thành tụ điểm của toàn cầu.

Kết lại, điều làm nên sự phi thường của Thụy Sĩ vẫn nằm ở con người, họ biết từ không có gì tạo ra mọi thứ. Trong khi đó, Việt Nam có tất cả nhưng lại không có gì. Trong “Swiss Made”, tác giả có đề cập tới việc người Thụy Sĩ cần 1 phương thuốc chữa bệnh tự mãn, . Tôi nghĩ Việt Nam cũng cần thuốc đó để chữa cả bệnh tự mãn và tự ti”, ông Khoan chia sẻ.

2 nhận xét:

TTM Gốc Mai nói...

Bài viết rất là chính xác Jo ạ.. huhu cho chính mình quá đi em ơi!

jojojotran.blogspot.com nói...

Quan trọng là những người "đứng đầu" đất nước chị ạ. Các vị ấy chỉ lo lắng để được đại diện cho nhân dân thôi. Chứ những vấn đề quan trong như thế này họ không cần phải đọc, nghe và hiểu chị nhỉ?