26 thg 7, 2014

Mỹ không có bộ giáo dục, còn VN có văn hóa truyền khẩu



Cái tựa entry này sẽ làm cho nhiều người thắc mắc, thậm chí khó chịu. Một cái tựa ... rất vớ vẩn. Vì hai phần trước và sau dấu phẩy chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng nếu kiên nhẫn đọc đến hết bài, sẽ thấy giữa 2 phần có chút liên hệ logic. Là tôi nghĩ thế.

Trước hết, nói về phần đầu của cái tựa. Tôi rất mong những bạn đọc blog của tôi đều biết điều khẳng định ấy là sai. Mong vậy thôi, chứ không dám chắc. Vì ở Việt Nam, đã có nhiều hơn một người dám công khai khẳng định rằng Mỹ không có bộ giáo dục. Xin mở ngoặc, tôi nói "nhiều hơn một" có nghĩa là 2, vì tôi biết chắc chắn là có ít nhất 2 người; nhưng theo cách nói của tiếng Anh thì "nhiều hơn một" được hiểu đơn giản là "nhiều"; có lẽ cũng không sai!

Nói có sách, mách có chứng. Trước hết, xin mọi người hãy đọc entry của GS NVT, Việt kiều Úc, người đã từng rất ngạc nhiên, thậm chí shocked, khi đọc trên báo Việt lời khẳng định nói trên. Entry ấy ở đây.

Xin trích lại ở đây lời phát biểu của chuyên gia ấy, hiện vẫn còn nằm nguyên trên mạng, ở đây. Format in đậm nghiêng do tôi thêm vào để nhấn mạnh.
Ở Anh, Mỹ, khi kiểm định, Hội đồng thẩm định có quyền tối cao, nhà nước không tham gia nữa vì họ không có Bộ GD-ĐT.


Uả, vậy chứ mấy nước này có bộ giáo dục không vậy? GS NVT đã viết rất rõ ràng:
Ở Mĩ, bộ này có tên là “U.S. Department of Education” và website đàng hoàng www.ed.gov/index.jhtml. Còn Anh thì bộ giáo dục và đào tạo xuất hiện qua nhiều tên khác nhau như Ministry of Education (trước đây là Board of Education). Tra wikipedia thì được biết cơ quan quản lí giáo dục và đào tạo của Anh đã trải qua nhiều tên như Department for Education and Skills (từ năm 2001 đến 2007), Department for Children, Schools and Families (2007), Department for Innovation, Universities and Skills (2007-2009).


Nói thêm, 2 trang web của 2 Bộ Giáo dục này, đặc biệt là Bộ Giáo dục của Mỹ, là những địa chỉ tôi ra vào thường xuyên lắm lắm. Vì chúng rất hay. Vào trang web của bộ giáo dục Mỹ, tôi tìm được các thông tin về chủ trương, chính sách, hoặc cơ cấu tổ chức, nhân sự, và hoạt động của Bộ Giáo dục và chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề giáo dục của toàn nước Mỹ.

Và quan trọng hơn đối với tôi, ở đó còn có các số liệu thống kê về giáo dục Mỹ, các thực tiễn tối ưu (best practices) liên quan đến giáo dục để mọi người cùng học hỏi, các tài liệu hướng dẫn thực hành các vấn đề liên quan đến giảng dạy và học tập, và cả các nghiên cứu hàn lâm nữa.

Rất thuận tiện, và đáng đọc, cho tất cả mọi người đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục dưới những vai trò khác nhau - giáo viên đứng lớp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, và các vị lãnh đạo ngành giáo dục. Trang ấy ở đây. Hình ngay dưới đây.

Trước đây tôi cũng có đọc cả phát biểu của chuyên gia ở Hà Nội lẫn entry của GS NVT, nhưng tin rằng có lẽ phóng viên ghi nhầm vì không hiểu hết ý của người phát biểu. Gì chứ việc này ở VN dễ xảy ra lắm. Nên bỏ qua, không chú ý.

Nhưng tôi thực sự giật mình khi cách đây 2 ngày, trong chuyến công tác Thái Lan vừa qua, được nghe lại lời phát biểu cũng vẫn chắc như đinh đóng cột như thế của một chuyên gia giáo dục đại học khác, lần này là chuyên gia ở TP Hồ Chí Minh (cho nó cân bằng í mà): Mỹ không có bộ giáo dục!

Sao thế nhỉ? Cả hai chuyên gia có những phát biểu "giật gân" này tôi đều biết rõ, là đồng nghiệp hẳn hoi, và là những nguời tôi đánh giá cao, làm việc khá nghiêm túc, giỏi giang hơn mức trung bình chung trong giới rất nhiều. Cả hai đều đã học nước ngoài, nước tư bản cẩn thận, sử dụng tiếng Anh thoải mái trong công việc.

Hai chuyên gia giáo dục của VN, một Nam một Bắc, đều đã công khai khẳng định nước Mỹ không có bộ giáo dục?

Băn khoăn, tôi hỏi hai người. Một người là một đồng nghiệp khác, đi cùng đoàn với tôi, và ngồi gần tôi trên cùng chuyến bay từ Bangkok về Sài Gòn. Người ấy nói, không tỏ ra bức xúc lắm, rằng có lẽ người ta muốn nói không có bộ giáo dục theo kiểu của mình, tức một bộ giáo dục can thiệp quá sâu vào việc vận hành của các trường. Nhưng tôi chưa cảm thấy thuyết phục lắm. Vì như thế, thì phải nói rằng ở Mỹ, bộ giáo dục không can thiệp vào việc của các trường, chứ không thể nói là không có bộ giáo dục.

Người thứ hai mà tôi hỏi, vâng, còn ai trồng khoai đất này nữa, đó là ông xã tôi. Và ông ấy nói, "Em ơi, đúng rồi còn gì, Mỹ nó đâu có các ministry giống như mình. Nó gọi là department mà!"

Và thế là tôi bỗng ngộ ra mọi việc (ừ, thì tôi tưởng bở thế). Nên mới bật ra phần thứ hai của cái tựa này. Tôi nhớ mang máng cũng đã từng nghe ai đó, rất lâu rồi, kể về việc nhầm lẫn này. Mỹ không gọi là ministry và minister (bộ và bộ trưởng như Việt Nam và một số nước khác), mà nó gọi là department và secretary. Ví dụ, department of education và secretary of education. Nếu không thực sự hiểu biết về thế giới (thời VN đóng cửa, chưa có internet), thì khi gặp từ department of education dám dịch là "bộ môn giáo dục", và secretary of education dịch là "thư ký bộ môn giáo dục", không biết chừng!

Vậy thì, có thể mọi việc đã diễn ra như thế này chăng: có ai đó (cỡ bậc thầy, cao niên một chút) nghĩ rằng Mỹ không có bộ giáo dục vì thấy nó không có "ministry of education". Người ấy đã chân thành nhưng hăng hái phát biểu suy nghĩ nhầm lẫn này công khai ở nơi nào đó. Với một ấn tượng rất sâu sắc rằng vì Mỹ không có bộ giáo dục nên các trường đại học được sự tự chủ rất cao (điều này không phải là sai hoàn toàn: có bộ, nhưng bộ không can thiệp gì nhiều, các trường rất chủ động --> có thể coi như là không có bộ?)

Sau đó, những người khác cứ thế mà phát biểu theo, không kiểm chứng lại?

Có lẽ những gì tôi viết ở trên chỉ là do tôi tưởng tượng ra. Nhưng nếu không dùng đến sự tưởng tượng này, thì tôi thực sự không làm sao lý giải được những phát biểu tự tin, công khai đến thế của các đồng nghiệp đáng kính kia của tôi.

Mà suy cho cùng, chẳng phải văn hóa truyền khẩu đã ăn rất sâu vào người VN chúng ta rồi sao? Mời đi ăn cưới, dự tiệc, hoặc thậm chí đi họp, nếu chỉ đưa thiệp/giấy mời, thì như thế là không coi trọng, người ta sẽ không đi. Phải gọi điện, nói đến tận tai, thì mới là thông tin chính thức.

Cũng vậy, thông báo dán sờ sờ trên bảng, nhưng vẫn cứ phải chen chúc đến chỗ người văn thư để hỏi, mới thấy yên tâm, mới tin là thật. Nếu có sự khác biệt giữa giấy và lời, thì người Việt tin vào lời hơn là tin vào giấy. Văn hóa truyền khẩu mà.

Ai không đồng tình với entry này của tôi, xin cho tôi lời giải thích khác. Mong lắm lắm, và cám ơn lắm lắm!

Còn các vị đồng nghiệp của tôi nếu có đọc entry này, mong các vị không giận, vì tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm các vị. Nhầm lẫn cũng là bình thường thôi, quan trọng là khi nhận ra mình nhầm thì sửa lại. Chứ đừng tự vệ bằng cách cãi cho lấy được, thà chết chứ nhất định không nhận mình sai.

Mà dân trí, quan trí, "trí trí" (= trí tuệ của trí thức) của ta như thế này, đố biết khi nào VN có trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế?

Không có nhận xét nào: