21 thg 10, 2014

Điệp viên hoàn hảo - Larry Berman

Link sách: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnmnvnvn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1
Larry Berman
Điệp Viên Hoàn Hảo
Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng
LỜI TỰA
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh: PERFECT SPY
Larry Berman và Nguyễn Đại Phượng
Copyright 2007 by Larry Berman Published by arrangement with Smithsonian Books in association with Harpercollins PublishersBản quyền năm 2007 của Larry Berman
Xuất bản có sự thoả thuận với Smithsonian Books kết hợp với Nhà xuất bản HarpercollinsBản quyền tiếng Việt thuộc về Nhà xuất bản Thông tấn.
Phạm Xuân Ẩn
LỜI TỰA
Tháng 4/2007, giáo sư, nhà sử học người Mỹ Larry Berman cho ra mắt độc giả cuốn sách viết về nhà tình báo Việt Nam Phạm Xuân Ẩn với tựa đề Điệp viên hoàn hảo (Perfect Spy). Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tác giả suốt 5 năm, trong đó khắc hoạ chân dung Phạm Xuân Ẩn - một nhà tình báo nổi tiếng của chúng ta.Ngay sau khi phát hành, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả trong và ngoài nước Mỹ, trong đó có độc giả Việt Nam.Về thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn, cho đến nay đã có khá nhiều tư liệu, tác phẩm, bài viết của các tác giả trong và ngoài nước đánh giá cao về ông. Tuy nhiên, còn nhiều điều "bí ẩn" trong con người Phạm Xuân Ẩn mà bạn đọc muốn biết. Cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman đã phần nào đáp ứng mong muốn đó của độc giả.Nếu có thể nói một điều gì chung nhất về Phạm Xuân Ẩn thì đó chính là lòng yêu nước vô bờ bến, lòng trung thành với Đảng, với ngành tình báo của một đảng viên cộng sản trung kiên, một cán bộ tình báo mẫu mực, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Larry Berman đã viết: "Động cơ cuộc sống của Phạm Xuân Ẩn chính là những mục đích cao cả của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Tình yêu dành cho đất nước đã giúp ông tin tưởng vào con đường cách mạng mình đã chọn - con đường mà ông có thể cống hiến tốt nhất cho đất nước."Tôi đã hứa trước Đảng… Tôi còn có nhân dân trông cậy vào tôi và sứ mạng của tôi. và ông đã không phụ lòng tin của Đảng, của nhân dân. Những tin tức tình báo quan trọng kèm theo sự phân tích, đánh giá sắc sảo của ông đã góp phần giúp Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương có cơ sở tin cậy để đề ra quyết sách đúng đắn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những báo cáo tình báo của Phạm Xuân Ẩn chính xác đến mức Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét rằng, "dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ".Là một nhà tình báo có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, từng hoạt động trong "vỏ bọc" một nhà báo làm việc cho Tạp chí Time của Mỹ tại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn không mưu cầu lợi ích cho riêng mình, mà ông hoạt động vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Với nghề tình báo thầm lặng và đơn tuyến, chỉ một sai lầm nhỏ là có thể nguy hiểm tới sự an toàn của tổ chức, tính mạng của bản thân và đồng đội Phạm Xuân Ẩn quả không chút phóng đại khi nói về cái nghiệp đã "vận vào mình": "Người ta có thể nói gì về cuộc sống khi mà luôn chuẩn bị sẵn sàng hy sinh.Để chiến thắng đối phương phải hiểu rõ đối phương. Phạm Xuân Ẩn đã được cơ quan tình báo quân sự của chúng ta cử sang Mỹ học báo chí cũng nhằm mục đích đó. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn thầm lặng hoạt động trong lòng đối phương. Với nghiệp tình báo mà ranh giới giữa thực và giả thật mong manh, thật khó phân định, thì Phạm Xuân Ẩn - "một con người bị xẻ đôi" như một nhà báo Mỹ từng gọi ông, sẽ luôn là ẩn số đối với chúng ta. Đó chính là thành công của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.Năm 1975 khi hoà bình lập lại, Phạm Xuân Ẩn bước ra từ "vỏ bọc" trờ về với cuộc sống đời thường của một công dân ở đất nước bao năm oằn mình trong chiến tranh với vô vàn khó khăn. Vì vậy, sự "trở về" ấy không hề đơn giản, nó đòi hỏi ở ông sự thấu hiểu và cảm thông. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi trong con mắt của nhà sử học Mỹ Larry Berman, cuộc đời của nhà cựu tình báo và cuộc đời của một con người bình thường luôn có những mâu thuẫn giằng xé những suy tư trăn trở.Trong cuốn sách Điệp viên hoàn hảo, con người trong "vỏ bọc" mà Phạm Xuân Ẩn "tạo ra" thuở nào nhằm hoàn thành nhiệm vụ tình báo được giao và con người Phạm Xuân Ẩn trong cuộc sống đời thường đã được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Xuyên suốt trong cuốn sách là sự vĩ đại gắn liền với những chiến công to lớn và sự dung dị, gần gũi rất con người trong các mối quan hệ, suy nghĩ, cảm xúc của một nhà tình báo; là tính chất anh hùng, vinh quang đi liền với gian khổ, khó khăn, hy sinh âm thầm của nghề tình báo, những day dứt, thậm chí bi kịch của đời riêng không thể chia xẻ của con người tình báo. Dưới ngòi bút của Larry Berman, tất cả những điều dường như là mâu thuẫn đó đã được thể hiện sống động, thống nhất trong cùng một con người Phạm Xuân Ẩn.Phải chặng đó chính là sự "hoàn hảo" của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn và cũng chính là thành công của tác giả.Cuốn sách Điệp viên hoàn hảo cung cấp cho độc già nhiều thông tin mới, trong đó có cả những suy nghĩ, nhận xét riêng của tác giả. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, đó chưa phải là toàn bộ thông tin liên quan đến con người và hoạt động của Phạm Xuân Ẩn. Lý do rất đơn giản, gắn liền với một nguyên tắc sống còn của nghề tình báo - nguyên tắc bí mật.Cần nhớ rằng, khi tiếp xúc với Larry Berman, Phạm Xuân Ẩn vẫn là một nhà tình báo chuyên nghiệp. Ông đồng ý tiếp xúc với Larry Berman để "mở" cho thế giới thấy rõ hơn về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhưng trong ông cũng luôn thường trực ý thức "đóng" để giữ bí mật cho ngành tình báo, cho những đồng đội của ông đang còn đứng trong bóng tối. Chắc chắn có nhiều thông tin Phạm Xuân Ẩn biết nhưng sẽ không bao giờ nói ra. Bời vậy đối với nhiều người, Phạm Xuân Ẩn sẽ vẫn tiếp tức là một "bí ẩn".Giáo sư Larry Berman là một nhà sử học nổi tiếng ở Mỹ, tác giả của nhiều cuốn sách về cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam như: Không hoà bình, không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam, Con đường đi đến bế tắc ở Việt Nam, Vạch kế hoạch cho một thảm hoạ: Mỹ hoá cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cuốn sách Điệp viên hoàn hảo và những cuốn sách nói trên của ông có giá trị lịch sử giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam và nguyên nhân thất bại của Mỹ.Tuy nhiên, là một nhà nghiên cứu nước ngoài, chưa thể hiểu thật sâu sắc và đầy đủ về lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam, nên cách nhìn nhận, đánh giá của tác giả trong cuốn sách còn có chỗ khác biệt với chúng ta. Đó cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta có thể chia sẻ và cảm thông với tác giả.Trân trọng công trình nghiên cứu của giáo sư Larry Berman, đồng thời mong muốn cung cấp thêm một nguồn tư liệu để bạn đọc và các nhà nghiên cứu hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cữu nước của nhân dân ta, qua đó thấy được thắng lợi vĩ đại của dân tộc, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự hy sinh to lớn của nhân dân, chúng tôi xuất bản cuốn sách này.Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả một ấn phẩm rất đáng tham khảo.
NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TẤN


Việt Nam đứng áp chót trong bảng xếp hạng "Quốc gia đáng sống" của LHQ

  • Depplus.vn - Việt Nam đứng thứ 124/125 đất nước được xếp hạng, thấp hơn nhiều các quốc gia ở Đông Nam Á. Trong khi danh hiệu "Quốc gia đáng sống nhất" thuộc về Ireland
Bảng xếp hạng "Quốc gia đáng sống" dùng để đo những đóng góp của mỗi quốc gia cho hành tinh và nhân loại. Có 7 phương diện được xét đến đó là "đóng góp về khoa học công nghệ, đóng góp về văn hóa, đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới, trật tự thế giới, bảo vệ môi trường hành tinh, đóng góp vào sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới, đóng góp về y tế sức khỏe. từ văn hóa đến đóng góp để cái thiện hành tình và nâng cao sức khỏe cộng đồng".


Theo công bố của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng tứ 124/125 đất nước được khảo sát, chỉ đứng trên Lybia - đất nước bất ổn ở Trung Đông.

Cũng theo bảng xếp hạng này Ireland là quốc gia tử tế nhất thế giới. Với tư cách là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất hành tinh, quốc gia này luôn đạt được những thành quả lý tưởng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng đến sự thay đổi môi trường trên toàn hành tinh theo hưởng tích cực.


Bên cạnh đó, nhờ được hưởng những điều kiện tốt về các dịch vụ an sinh xã hội, người dân Ireland luôn rất hạnh phúc và cởi mởi. Chính vì vậy, khách du lịch khi đến Ireland luôn được chào đón trong bầu không khí thân thiện, nồng ấm.


Bảng xếp hạng này đã đưa ra một gợi ý tuyệt vời cho những người muốn tìm một địa điểm du lịch tốt nhất với không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, an toàn và thân thiện với du khách.
10 đất nước đáng sống nhất trên thế giới bao gồm:

1. Ireland
2. Phần Lan
3. Thụy Điển
4. Hà Lan
5. New Zealand
6. Thụy Sĩ
7. Vương quốc Anh
8. Na Uy
9. Đan Mạch
10. Bỉ
Hyo (depplus.vn/MASK)

13 thg 10, 2014

Đất nước những năm tháng thật buồn


Vương Trí Dũng

Khi viết dòng tiêu đề đầu tiên, nước mắt tôi chan chứa không thể nào kìm được. Người đàn ông đã đi qua hai phần ba cuộc đời, trải qua những năm tháng khó khăn gian khổ, sống sót qua khói bom lửa đạn, mà có thể mềm lòng đến thế này ư?
Không, không chỉ riêng mình tôi, chắc chắn có hàng vạn người đàn ông đã mềm lòng như thế. Đất nước những năm tháng thật buồn.

Giả dối lộng hành

Sẽ có người nói là quá quắt. Chỉ nhìn thấy mảng đen. Không đó là sự thật. 

Không chỉ giả đối để lừa đảo trộm cắp. Sự giả dối đó có từ ngàn đời và không bao giờ hết. Nhưng sự giả dối trong xã hội ta hiện nay ở mức đau đớn bởi vì nó hiện diện khắp mọi nơi với mức độ đáng sợ.
Xã hội hiện đại là một xã hội thị trường nơi mà hàng hóa ngự trị. Và ta thử nhìn lại xem, có nơi nào là không có hàng hóa giả. Ngay cả những lĩnh vực nguy hiểm cho sinh mạng con người như thuốc men thực phẩm cũng không ngoại lệ. 

Không chỉ là hàng hóa, đến giấy tờ bằng cấp cũng giả. Thậm chí đến con người cũng giả. 

Sự giả dối không chỉ trong hàng hóa hay hành động. Sự giả dối lộng tràn trong cả nhận thức và hành vi. Không chỉ trong người dân mà trong toàn bộ bộ máy công quyền. Lấy một vài thí dụ cụ thể. 

Để vào bộ máy công quyền, từ vị trí lao công cho đến lãnh đạo, không vị trí nào mà không mất tiền. Điều này ai cũng biết. Nhưng khi các cơ quan chức năng điều tra việc chạy chức chạy quyền thì không phát hiện ra. Thật là một sự giả dối trớ trêu.

Có ai trong bộ mấy công quyền không thấy hệ thống của chúng ta có lỗi phải cải cách căn bản? Có ai trong bộ máy công quyền không thấy cái đuôi “Định hướng Xã hội Chủ nghĩa” là vô nghĩa? Có ai trong bộ máy công quyền không thấy ghi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào Hiến Pháp là phi lý? Tất cả họ đều thấy nhưng đều giả vờ không thấy. Đó mới là sự giả dối đáng kinh sợ.

Do những người trong bộ máy công quyền giả dối nên xã hội đang được điều hành bằng một bộ máy giả dối. Bộ máy giả dối không chỉ vì những người tham gia có hành vi giả dối. Mà sâu xa hơn, bộ máy giả dối bởi nó không xứng đáng được quản lý. Tất cả những điều giả dối đang tồn tại ngập tràn trong xã hội bởi chính vì xã hội đang được điều hành bởi một bộ máy quản lý giả dối. Đó là tai họa kinh khủng. 

Sự truy sát bạo tàn thời trung cổ

Edward Snowden gây ra biết bao nhiêu khó khăn cho chính phủ Mỹ, nhưng bố mẹ của anh ta vẫn bình yên vô sự. Osama Bin Laden bị truy sát khắp mọi nơi, nhưng người thân họ hàng không ai bị truy sát. 

Nhưng ở chế độ Stalin, Mao Trạch Đông và mọi nơi mà các Đảng Cộng sản thống trị, chỉ cần tuyên bố 4 từ “Kẻ thù chế độ”, “Kẻ thù nhà nước”, “Kẻ thù giai cấp”, là bị thủ tiêu không cần xét xử. Không chỉ có thế, bố mẹ, vợ con, anh em họ hàng, bạn bè đều bị liên đới, bị truy sát, bị đe dọa, bị quản thúc, bị cô lập, bị ngược đãi. Không chỉ một năm, mà cả đời. Không chỉ ở quê nhà, mà khắp mọi nơi cư trú. Một kiểu truy sát bạo tàn kiểu Thương Ưởng.
Đã 69 năm sau ngày cách mạng tháng Tám, nhưng vẫn phải kê khai lý lịch: thành phần trước cách mạng tháng Tám, trong cải cách ruộng đất… Các thế hệ sinh ra trong các thập niên 80, 90 trở lại đây có liên quan gì mà phải phân biệt? Đẻ ra ở đâu, đẻ ra lúc nào không phải là người Việt ư? Chuyện của hôm qua là của hôm qua, sao phải đeo đẳng mãi về sau?

Đã hơn 400 năm rồi, ở châu Âu chỉ thực thi chính sách ai làm người đó chịu. Đằng sau sự dân chủ là một triết lý ngời sáng: Tự do thể hiện. Chỉ có không liên lụy đến bất cứ ai, ngoại trừ bản thân mình, con người mới tự do thể hiện những suy tư sáng tạo, tự do dấn thân vì ước mơ hoài bão. Đó có thể là điều mang lại lợi ích, nhưng cũng có thể là điều tồi tệ. Nhưng cái tôi tự do cho phép mỗi cá nhân được tỏa sáng theo cách của mình. Và xã hội vì thế mà không ngừng phát triển đa dạng. Còn chính sách truy sát bạo tàn thời trung cổ tiêu diệt hết mọi khả năng tỏa sáng, dẫu sự tỏa sáng đó có lợi cho tiến bộ xã hội, nhưng mà bất lợi cho kẻ cầm quyền.

Bất công ngập tràn

Khẩu hiệu của cách mạng là “Người cày có ruộng”. Nhưng chúng ta đã tước đi quyền sở hữu đất đai của người dân. Để ném vào một khái niệm ngu xuẩn: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Thực chất là không thuộc của bất cứ người dân nào cả. Mà chỉ thuộc quyền phán quyết của một thiểu số.

Bởi vậy mới tạo nên hằng hà sa số bất công trong xã hội. Tịch thu, lấy đất đền bù giá rẻ của người này để ban phát cho người khác. Không hoàn toàn vô tư, mà nhiều phần bị chi phối bởi quyền lợi.
Bị thất thoát thảm hại, chúng ta buộc phải đi ngược trở lại, là cổ phần hóa các tài sản của “toàn dân”. Tức là đưa tài sản của nhà nước vào tay một số người. Cũng không phải hoàn toàn vô tư. Mà cũng bởi vì quyền lợi. Bởi thế lại tạo ra một hệ thống bất bình đẳng mới trong xã hội.

Mục tiêu của cái gọi là “Chủ nghĩa Xã hội” là đem lại công bằng cho người dân, nhưng trên thực tế những người cầm quyền đã tạo nên một sự bất bình đẳng phi lý nhất trong lịch sử phát triển dân tộc.

Tiềm lực quốc gia trống rỗng

Một quốc gia hơn 90 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới, mà thu nhập quốc dân bình quân theo đầu người của Việt Nam chỉ đứng thứ 136/191 vùng quốc gia lãnh thổ (số liệu của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế ngày 13-2-2014). Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt khoảng 170 tỷ USD trong khi Singgapore (5 009 236 người) có GDP là 293 tỷ USD, còn Thái Lan (66 982 746 người) là 370 tỷ USD, và Malaysia (27 763 309 người) đạt 290 tỷ USD.

Đau xót nhất không phải là thứ hạng về thu nhập GDP, mà là tiềm lực công nghiệp – cột sống của sức mạnh kinh tế quốc gia – trống rỗng. Đến cái bu lông cũng không sản xuất được. Vừa qua hãng Samsung đưa ra đơn đặt hàng phụ kiện, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không cung cấp được thậm chí chỉ vỏ điện thoại… là một bằng chứng vô cùng đớn đau.

Chỉ cần nói đến các quốc gia Bắc Âu. Thụy Điển với số dân 9 592 552 người (2013) mà GDP đạt 557,94 tỷ USD. Điều quan trọng hơn là Thụy Điển có nền công nghiệp hàng đầu với những tập đoàn công nghiệp nổi tiếng như Volvo, Ericsson... Năm 2013 xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển xếp hàng thứ 11 thế giới. Na Uy có số dân 5 109 059 người, nhưng đạt GDP 512,6 tỷ USD thuộc loại giàu có nhất thế giới. Na Uy có tập đoàn dầu khí khổng lồ Statoil với doanh số 111,6 tỷ USD, tập đoàn thiết bị công nghiệp Norsk Hydro doanh số 16,3 tỷ USD. Còn Đan Mạch (dân số 5 591 000 người) có công nghệ đóng tàu vận tải container bậc nhất thế giới, tập đoàn Novo Nordisk về thiết bị y tế doanh thu 11,6 tỷ USD, có công nghệ xi măng và tourbin gió nhiều nước phải đặt hàng. Phần Lan với dân số 5,4 triệu người và GDP 256,84 tỷ USD (2013), có tập đoàn Nokia danh giá (doanh thu 50,1 tỷ USD), có nền công nghệ lọc dầu Neste Oil tiên tiến (doanh thu 20 tỷ USD). Các nước Bắc Âu, chẳng được “dưới sự lãnh đạo” của ai cả, chẳng phải “định hướng” về đâu cả, mà có nền kinh tế và đời sống xã hội phồn hoa giàu có bậc nhất địa cầu.

Có thể lấy một thí dụ khác là Israel. Dân số vỏn vẹn có 8 252 500 người, nhưng GDP của Israel xếp thứ 16 trên thế giới với 291,36 tỷ USD. Tuy có GDP xấp xỷ Singgapore và thu nhập bình quân đầu người đứng sau Singapore, nhưng Israel xếp thứ 8 về xuất khẩu vũ khí. Tiềm lực của Israel rất khác biệt với Singapore. Singapore giàu có cơ bản vì thương mại, còn Israel hùng mạnh vì khoa học và công nghiệp. Israel xứng đáng là một cường quốc.
Còn Việt Nam thân yêu chúng ta? Càng nghĩ càng ứa nước mắt.

Bị ngoại bang chèn ép

Vì đói nghèo tụt hậu nên bị ngoại bang chèn ép. Bị lũng đoạn về kinh tế. Bị chi phối về nhân sự. Bị ảnh hưởng về đường lối. Bị xâm hại cả tài nguyên lẫn lãnh thổ.

Trong hai mươi lăm năm gần đây, mỗi ngày một thêm bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều nguy hiểm không chỉ là nền kinh tế bị Trung Quốc chi phối mà còn ở chỗ người Trung Quốc đang tràn sang sống khắp mọi nơi trên đất Việt Nam. Thảm họa kinh tế có thể khắc phục. Nhưng tai vạ sắc tộc thì khó có thể vượt qua.

Dân tộc bị phân biệt

Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa không đẻ ra sang hèn. Nhưng người Việt Nam bị tra xét thảm hại mỗi lần qua biên giới. Công dân Việt Nam không được bảo vệ, bị xem thường, bị ngược đãi nhiều nơi trên đất nước người.

Những người phụ nữ Việt Nam dịu hiền đáng yêu, chịu thương chịu khó, bị bán đi tìm chồng xứ khác, bị liệt vào hàng thấp cấp, bị trả tiền rẻ mạt ở những chốn ăn chơi.

Tạo hóa không sinh ra đẳng cấp. Con người tự làm nên đẳng cấp. Tất cả là do đói nghèo tụt hậu.Tất cả bởi lỗi tại chính mình.

Ai bắt chúng ta phải đói nghèo?

Trước đây chúng ta nói rằng dân chúng bị lầm than khổ cực là do thực dân phong kiến. Chúng ta đã đánh đuổi thực dân, đã lật đổ phong kiến mà sao không tránh được đói nghèo lầm than? Đừng nghĩ rằng đói nghèo là chỉ bởi thiếu ăn, lầm than là phải lao động khổ cực. Đói nghèo lầm than còn phải hiểu là so với ai và ở vị trí nào trên thế gian này vào cùng thời điểm với các dân tộc khác.
Đã 40 năm rồi sau ngày thống nhất đất nước, dưới sự toàn trị, chúng ta càng ngày càng tụt hậu so với bạn bè quốc tế. Tụt hậu ở tất cả các phương diện. Sự toàn trị là nguyên nhân của tụt hậu. Sự toàn trị là chiếc khóa giam cầm bước tiến của dân tộc. Sự toàn trị đã trở thành kẻ thù của dân tộc.

Chìa khóa là dân chủ. Không ai ngăn cấm ta dân chủ. Không kẻ thù nào cản phá ta dân chủ. Dân chủ nằm trong tay chúng ta. Tại sao chúng ta lại ngăn cản chính mình? Tại sao chúng ta lại tự giam hãm mình?

Trời làm thì trách trời. Người làm thì trách người. Nhưng chính mình tự gây ra cho mình thì không thể không khóc.
Đất nước những năm tháng thật buồn.
V. T. D.