29 thg 5, 2013

Bài thuốc hay chữa khỏi viêm đại tràng


ST

Bùi Hữu Cư   -Thứ Tư, 17/04/2013, 18:30 (GMT+7)
Nhờ bài thuốc này, từ 39 kg nay vợ tôi đã nặng 50 kg và không còn thấy đau đại tràng suốt 20 năm. Tôi cũng đã cho không dưới hai chục người công thức bài thuốc này và họ đều nói là đã khỏi bệnh.

Tôi là Bùi Hữu Cư - cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, hiện sống tại ngõ 78 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vợ tôi trước đây bị bệnh viêm đại tràng (thể táo), đã chữa rất nhiều nơi bằng rất nhiều các loại thuốc từ Tây y đến Đông y của rất nhiều thầy thuốc nhưng đều không khỏi. Mỗi bữa ăn cơm cứ có mỡ hoặc chất tanh là vợ tôi lại bị đau bụng quặn lên. Khi đó vợ tôi chỉ nặng có 39 kg.

Thật may, năm 1991 tôi được một anh bạn (có bố cũng bị bệnh này, đã đi chữa ở CHDC Đức không khỏi, dùng một bài thuốc rất đơn giản do một người quen bên Trung Quốc cho thì khỏi hẳn) cho lại công thức của bài thuốc chữa bệnh viêm đại tràng. Tôi làm thuốc cho vợ tôi uống. Chỉ trong 3 ngày đầu vợ tôi thấy dễ chịu hẳn. Sau một tuần thì không đau và có thể ăn thức ăn có mỡ. Sau một tháng thì có thể ăn cả cá .Cơ thể hấp thụ tốt nên ngay tháng đầu uống thuốc vợ tôi đã tăng được 2 kg. Từ 39 kg nay vợ tôi đã nặng 50kg và không còn thấy đau đại tràng suốt 20 năm. Hiện nay gia đình tôi vẫn có một lọ nhỏ loại thuốc này trong tủ lạnh để khi thấy bụng dạ không ổn là uống một viên.

Tôi cũng đã cho không dưới hai chục người công thức bài thuốc này và họ đều nói là họ đã khỏi. Theo anh bạn tôi kể lại rằng: Người bạn Trung Quốc có nói qua về tác dụng của các thành phần của bài thuốc như sau :


- Cây ngải cứu có tác dụng như một kháng sinh có thể đẩy một số loại vi khuẩn có hại ra ngoài như vi khuẩn lị, amip...

- Nghệ và mật ong thì trám vào vết thương trong đường ruột làm nó mau lành.

- Mật lợn: Theo họ nói người bị bệnh đại tràng thường là do dịch mật tiết ra không đủ trong quá trình tiêu hóa nên một lượng thức ăn vẫn còn độ cứng dễ làm các vết thương trong đại tràng tái phát. Mật lợn trong bài thuốc này hỗ trợ cho phần thiếu hụt trong cơ thể.
 

Lá ngải cứu.

Bài thuốc cụ thể như sau:

Thành phần:

- Mật lợn tươi: 1 cái  (lợn có trọng lượng 70 – 100 kg).
- Nghệ vàng tươi: 2 lạng.
- Mật ong: 30 ml.
- Ngải cứu tươi: 5 bó to (tương đương với khoảng 500 g).

Cách làm:

Nghệ tươi và ngải cứu rửa sạch, cắt nhỏ cho vào máy xay sinh tố xay cùng với 0,5 lít nước thật nhuyễn. Sau đó lọc qua vải phin lấy nước. Bã bỏ đi. Mật lợn lọc lấy nước (vì mật lợn hay có sạn sỏi bên trong). Cho tất cả phần nước hỗn hợp nghệ + ngải cứu + nước mật lợn + mật ong vào môt nồi, quấy đều, đun nhỏ lửa để cô lại thành cao. Cho phần cao đó vào một cái lọ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần.

Lưu ý: Để tránh mất thời gian và đủ lượng dùng, ta nên làm một lần với tỷ lệ trên cho 4 hoặc 5 cái mật lợn.

Cách dùng:

Mỗi ngày 2 lần: Sáng và tối, uống vào trước bữa ăn 30 phút. Liều lượng mỗi lần 1 viên to như hạt lạc là đủ.

Nếu bạn nào muốn hỏi thêm thông tin về bài thuốc này, xin mời liên hệ với tôi: Bùi Hữu Cư, số điện thoại 0913.205363. Chúc các bạn nhanh khỏi bệnh!

28 thg 5, 2013

11 Bí Quyết Giúp Bạn Đơn Giản Hóa Cuộc Sống

 


1./ Rút kinh nghiệm chứ đừng sống trong quá khứ!


Những vấp ngã ngày xưa sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, giúp bạn xây dựng một tương lai tốt đẹp. Đừng để quá khứ trở thành nỗi sợ hãi. Đừng để bụng những phiện muộn mà bạn đã trải qua. Thay vào đó, hãy đạp lên quá khứ, hãy biến nó thành những nấc thang kinh nghiệm. Đừng hối hận. Nếu quá khứ bạn tốt đẹp, đó là điều tuyệt vời. Nếu ngược lại, nó là những trải nghiệm quý báu. Thành công không phải ở vị trí mà bạn đang đứng, thành công là bạn đã học hỏi được bao nhiêu và bạn đã đi được bao xa.

2./ Tập trung vào những việc quan trọng

Hãy xác định điều gì là thiết yếu nhất đối với bạn. Loại bỏ tất cả những thứ không đáng để quan tâm. Đừng phí thời gian vào những gì vô bổ để rồi phải hối hận.

3./ Làm việc thông minh chứ đừng chăm chỉ

Hoàn thành xong việc khác với hoàn thành đúng việc. Kết quả luôn luôn quan trọng hơn thời gian bạn bỏ ra để hoàn thành công việc nào đó. Dừng lại và tự hỏi bản thân: công việc mình đang làm liệu có đáng để nỗ lực? Liệu nó có đưa mình đến gần mục tiêu mình muốn hay không? Đừng để bị cuốn vào những công việc lặt vặt, thậm chí là nghe có vẻ khẩn cấp. Hãy làm những việc quan trọng nhất.

4./ Cho đi những gì bạn muốn nhận

Bạn nhận được những thứ tốt nhất từ mọi người khi bạn cho đi những gì tốt nhất từ bạn, trong mọi tình huống. Hãy tiến hành quy luật vàng này. Nếu bạn muốn ai đó yêu thương bạn, hãy yêu thương họ. Nếu bạn muốn kết bạn, hãy tỏ ra thân thiện. Nếu bạn muốn vật chất, hãy bổ sung giá trị. Đó là sự thật, chỉ đơn giản là thế.

5./ Hãy thôi lo chuyện bao đồng

Đừng cố gắng làm bạn với tất cả mọi người. Hãy xây dựng mối quan hệ thân tình với một nhóm người. Hãy trở thành mọi thứ với một ai đó. Giúp đỡ hay làm hài lòng thiên hạ là chuyện bất khả thi. Nhưng làm cho một ai đó cười có thể thay đổi cả thế giới, không phải thế giới to lớn ngoài kia, mà là thế giới của họ. Do đó, hạn chế các mối quan hệ lại và hãy là chính bạn.

6./ Làm theo những gì trái tim bạn cho là đúng

Hãy thôi làm những việc trái với lương tâm chỉ vì bạn có thế làm. Hãy trở nên trung thực với chính bản thân mình và với mọi người. Đừng gian dối. Hãy tử tế. Làm những việc đúng đắn. Một cách đơn giản nhất để sống. Đức tính chính trực là đức tính quan trọng nhất để thành công. Khi bạn đánh mất đi sự liêm chính của mình, vô tình bạn đã mời gọi những rắc rối đáng kể bước vào cuộc sống của bạn. Hãy đơn giản hóa cuộc sống và hạnh phúc làm theo những gì trái tim bạn cho là đúng.

7./ Sống và làm việc có tổ chức

Hãy dọn sạch mọi hỗn độn. Vứt bỏ đi những vật vô ích và sắp xếp những gì còn sót lại. Giữ cho ngôi nhà và nơi làm việc của bạn được gọn gang là việc hoàn toàn cốt yếu. Nếu không gian của bạn bừa bộn, bạn sẽ dễ bị stress và xao nhãng nhiều thứ. Không gian sạch sẽ giống như một bức tranh trắng vậy, bạn có thể vẽ lên đó những nét họa tuyệt vời.

8./ Làm việc hiệu quả

Hãy thôi làm việc kém hiệu quả chỉ vì lúc nào bạn cũng hoàn thành công việc theo cách cũ. Nếu bạn cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ chỉ nhận được tiếp những gì ban đang nhận. Nghĩ lại xem, có phải bạn đang sống trong một cuộc sống đầy phức tạp và vô kế hoạch chỉ đơn giản vì bạn lười biếng, không muốn tìm hướng đi mới hay không? Thay vào đó, hãy tổ chức hóa cuộc sống của bạn bằng cách tìm những phương pháp tốt nhất để giải quyết mọi công việc thường lệ. Tập trung hệ thống từng việc tại từng thời điểm (hệ thống hóa công việc dọn dẹp, hệ thống hóa các việc lặt vặt mỗi ngày, hệ thống hóa các công việc giấy tờ, hệ thống hóa chiếc Laptop/PC của bạn…) theo cách hiệu quả và logic. Một khi bạn hài lòng với hệ thống mới của mình, hãy cứ theo đó mà tiến hành.

9./ Giã từ chủ nghĩa hoàn hảo

Hãy hài lòng với mọi cơ hội mà bạn có, không phải vì cuộc sống này dễ dàng, tuyệt mỹ, hay chính xác với những gì bạn đã đề ra, mà bởi vì bạn đã chọn cách hạnh phúc và biết ơn những điều tốt đẹp bạn đang có. Hãy chấp nhận sự thật rằng cuộc sống này không hề hoàn hảo, con người cũng không hoàn hảo và cả chính bạn cũng vậy, chúng ta đều không hoàn hảo. Chẳng sao cả, vì thực tế cuộc sống chẳng đề cao sự hoàn mỹ. Nó đề cao những người hoàn thành đúng những việc đáng làm. Và cách duy nhất để hoàn thành mục tiêu bạn đề ra là hãy thôi đòi hỏi sự hoàn mỹ.

10./ Hãy làm lơ những kẻ tiêu cực

Đừng kết bạn với những người tiêu cực. Hãy kết bạn với những ai khiến bạn tự hào mỗi khi nhắc đến, những người bạn ngưỡng mộ, những người yêu thương và tôn trọng bạn – những người làm cho mỗi ngày của bạn sáng sủa hơn dù chỉ một ít. Đừng tránh xa những kẻ tiêu cực, HÃY TRỐN CHẠY HỌ! Cuộc sống này quá ngắn ngủi, thật uổng phí khi bạn phải quan tâm đến những người đã lấy đi hết niềm vui của bạn.

11./ Bớt quan tâm đến những gì mà mọi người nghĩ về bạn

Nếu bạn muốn tự do, đơn giản thôi, hãy thôi để ý đến dư luận. Thỉnh thoảng bạn nên ra ngoài đi đâu đó đi, hít thở chút không khí, và tự nhủ với bạn thân : Tôi là ai và tôi muốn trở thành ai? Tốt nhất, hãy làm theo trái tim mình. Đánh liều. Đừng ở mãi trong vùng an toàn với những sự lựa chọn dễ dàng chỉ vì bạn sợ sẽ đối mặt với dư luận, với những hậu quả được họ báo trước. Nếu bạn tiếp tục quan tâm đến những gì thiên hạ nghĩ về bạn, bạn sẽ chẳng thu được thành tích gì lớn lao. Đừng để những tâm trí hèn mọn thuyết phục bạn rằng :” Ôi, mày trèo cao quá con à!”. Thử nhìn lại xem, họ chẳng làm được gì to tát cả.

19 thg 5, 2013

Biết ngay quá khứ, hiện tại, tương lai của mình và người

ST


Muốn biết quá khứ, hiện tại, và tương lai của mình và người, không cần tốn thời gian, công sức và tiền bạc đi coi bói toán ở đâu cả, mà chỉ cần bỏ ra vài phút đọc lời Phật dạy dưới đây: Thuở Đức Phật còn tại thế, có một chàng thanh niên tên là Subha, thắc mắc trước tình trạng khác biệt về số phận giữa loài người, muốn hiểu chân tướng vấn đề, bèn tìm đến Đức Phật và bạch rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, vì sao mà trên đời này người ta đều có những số phận rất khác nhau, có  người mạng yểu và có người sống thọ, có người bệnh hoạn và có người khoẻ mạnh, có người xấu xa và có người xinh đẹp, có người làm gì cũng không ai làm theo, nói chi cũng không ai nghe và có người lắm thế lực, làm gì cũng có người theo, nói chi cũng có người nghe, có người nghèo khổ và có người giàu sang, có người sinh trưởng trong gia đình hạ tiện và có người dòng dõi cao sang, có người dốt và có người trí tuệ? Xin Ngài giảng giải cho con.”
Đức Phật trả lời vắn tắt như sau: "Tất cả chúng sinh đều mang theo cái Nghiệp (tiếng Phạn là Karma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa.
Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người đều khác nhau nên mới có tình trạng khác biệt về số phận giữa chúng sinh."
Rồi Đức Phật giải thích cho Subha nghe từng trường hợp:
Nếu người nào trọn đời chỉ biết sát sinh, như người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẫm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương thì do tính hiếu sát ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ có mạng "yểu" (chết non).
Nếu người nào luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến tính mạng của ai, sống xa gươm đao, giáo mác và các loại khí giới, lấy lòng tứ ái đối với tất cả chúng sinh thì do từ tâm, do sự không sát sinh ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ trường "thọ".
Nếu người  nào độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, thường dùng đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người thì do nết hung dữ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ ốm đau bệnh hoạn.
Nếu người  nào không bao giờ làm tổn thương ai thì do đức tính hiền lương nhu hòa ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ được mạnh khỏe.
Nếu người nào thô lỗ, cộc cằn, luôn luôn giận dữ, chửi mắng, nguyền rủa kẻ khác thì do sự thô lỗ, cộc cằn ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ xấu xí.
Nếu người nào thanh tao nhã nhặn, dầu ai có chửi mắng thậm tệ cũng không hề oán giận và tìm cách trả thù thì do phong thái thanh nhã ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ xinh đẹp.
Nếu người nào có tính đố kỵ, thèm thuồng, ham muốn lợi danh của kẻ khác, không biết tôn kính người đáng kính, luôn luôn chứa chấp lòng ganh tỵ thì do tính tật đố ganh ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người nói gì không ai nghe, làm gì không ai theo.
Nếu người nào không có tánh đố kỵ, không thèm thuồng, ham muốn lợi danh của người khác, biết tôn trọng người đáng kính, không chứa chấp lòng ganh tỵ thì do cái tâm không ganh tỵ, không đố kỵ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người có thế lực, nói gì cũng có người nghe, làm gì cũng có người theo.
Nếu người nào không bao giờ biết bố thí vật gì cho ai thì do tính keo kiệt, bám níu vào tài sản của mình, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người nghèo nàn thiếu thốn.
Nếu người nào giàu lòng quảng đại, tính ưa bố thí thì do lòng rộng rãi ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người giàu có dư dả.
Nếu người nào không biết phục thiện, tính kiêu căng, không tôn trọng người đáng kính thì do tính ngạo mạn và vô lễ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người hạ tiện thấp hèn.
Nếu người nào biết phục thiện, tính không kiêu căng, biết tôn trọng người đáng kính thì do đức tính biết phục thiện và có lễ độ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người sang trọng quyền quý.
Nếu người nào không chịu gần người có tài đức để học hỏi điều hay lẽ phải và phân biệt chính tà thì do sự kém học hỏi ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người dốt.
Nếu người nào cố công tìm đến người có tài đức để học hỏi thì do sự học hỏi chính đáng ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người thông minh trí tuệ." (Trích Đức Phật và Phật pháp - Narada Maha Thera - Phạm Kim Khánh dịch)
Tóm lại, chỉ cần nhớ và suy nghiệm hai câu kệ Đức Phật dạy trong kinh Nhân Quả:
"Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị."
Nghĩa là:
Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại.
Muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại.
Quần Anh