2 thg 7, 2013

Thuốc nam trị thấp khớp

ST

Bệnh thấp khớp y học cổ truyền gọi là "chứng tý" hiện nay là một loại bệnh rất hay gặp, biểu hiện chủ yếu của bệnh này là đau nhức sưng tấy hoặc nóng đỏ ở các khớp xương hay cơ gân; nhiều chỗ hay một chỗ, có thể kèm tê dại nặng nề, bệnh tình thường liên miên dai dẳng, khi khí hậu thay đổi thường phát nặng hơn.
 Viêm khớp gối.
Bệnh thấp khớp cấp tính nhiều khi có biến chứng tim, cần kết hợp với y học hiện đại để theo dõi và điều trị. Khác với bệnh phong, hàn và thấp đơn thuần, đặc điểm của bệnh thấp khớp là đủ cả 3 khí phong, hàn và thấp kết hợp lại thành một bệnh, cho nên người xưa biện chứng nhận xét trong 3 khí, khí nào nhiều hơn, để chia ra 3 loại mà điều trị, như:
- Bệnh di chuyển từ nơi này qua nơi khác, là do phong khí nhiều, nên gọi là phong tý (hành tý).
- Đau nhức kịch liệt và liên tục là do hàn khí nhiều, nên gọi là hàn tý (thống tý).
- Đau cố định một chỗ kèm có nặng nề tê dại là do thấp khí nhiều, nên gọi là thấp tý (trước tý).
Lâu ngày, phong hàn thấp hoá nhiệt kết hợp với âm hư gây nên thể "nhiệt tý" là những đợt cấp diễn của thấp khớp kinh.
Tổng hợp cả 4 thể trên quy nạp lại có 2 loại chính như sau:
Loại cấp tính:
Phát bệnh đột ngột sưng tấy nóng đỏ, đau nhức kịch liệt, hoặc phát sốt, hoặc có khát nước, buồn bực khó chịu, rêu lưỡi nhờn mỏng, mạch phù sác hoặc khẩn.
Phép chữa: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, thanh nhiệt.
Bài thuốc: Rễ gối hạc 16g, lá đơn mặt trời 12g, đơn tướng quân 12g, lá bạc thau (sao) 12g, dây kim ngân 10g, ké đầu ngựa 16g, lá thông 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần trước bữa ăn.
- Nếu phong nhiều, thêm: Vòi voi 16g, kinh giới 12g. Hàn nhiều, thêm: Tỳ giải 16g, thổ phục linh 16g.

 Rễ cà gai leo
Loại mạn tính: Bệnh phát từ từ hoặc ở cấp tính chuyển qua mạn tính, đau nhức nhẹ, không sưng hoặc có sưng mà da bình thường không tấy đỏ, không nóng, có khi ngoài da có chỗ tê dại, tay chân co duỗi khó khăn hoặc không vận động được, thay đổi thời tiết thì đau hơn, rêu lưỡi hoặc trắng nhờn hoặc vàng, mạch có khi trầm hoãn, có khi nhu hoãn.
Phép chữa: Khu phong, tán hàn, trừ thấp và chú ý đến bồi bổ cơ thể.
Bài thuốc: Nam đằng (sao vàng) 12g, găng bầu 12g, rễ gối hạc 12g, rễ bươm bướm 12g, rễ rung rúc 8g, tơ mành 8g, cử thiên tuế 16g, tầm gửi cây ruối 12g. Ăn kém thêm: ý dĩ 20g; Huyết kém thêm: rễ gấm (vương tôn) 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa chung cho cấp tính và mạn tính:
Rễ độc lực (tầm sọng) 240g, rễ và dây lá lốt 120g, rễ cỏ xước 80g, rễ cà gai leo 80g, thiên niên kiện 40g, quế chi 40g, rễ gấc hoặc dây mặt quỷ 80g, rễ rung rúc 80g, rễ bộ nảy. Đổ 2 lít nước, sắc lấy 500ml, cho thêm đường và 1/10 rượu vào. Mỗi lần uống 20ml, ngày 3 lần uống trong 10 ngày.
Lương y Vũ Quốc Trung

Hai bài thuốc “cứu tinh” của bệnh đau thần kinh toạ

ST


Trong lúc y học hiện đại còn đang “vò đầu bứt tai” tìm cách chữa chứng bệnh thần kinh toạ, lương y Lương Minh Trí (45 tuổi, ngụ khu vực chợ Bồ Bản, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Triệu Phong lại cho biết mình sở hữu đến hai bài thuốc cùng có thể giúp bệnh nhân bị thần kinh toạ giải trừ nỗi âu lo bệnh tật.
“Bảo bối” đông y từ 17 vị dược liệu

Chứng bệnh thần kinh toạ hay còn gọi toạ cốt phong, như lời lương y Trí cho hay, thường gặp phải ở lứa tuổi trung niên (40 - 60 tuổi). Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng thần kinh toạ như lao động nặng nhọc, nhiễm phong hàn.

Nguyên nhân phổ biến nhất xuất phát từ quá trình chuyển hoá can xi theo độ tuổi bên trong cơ thể người. Triệu chứng “đặc trưng” của bệnh nhân mắc chứng thần kinh toạ được ông Trí khái quát như sau: “Người bệnh thường bị đau ở vùng lưng, vùng chân hoặc đau nhức râm ran toàn cơ thể. Có một kinh nghiệm rằng bệnh nhân nữ thường đau nhức ở chân phải, còn nam đau ở chân trái. Thần kinh toạ khiến người mắc phải chịu cảm giác đau buốt đến tận xương tuỷ, việc đi lại rất khó khăn. Nếu để bệnh kéo dài sẽ dẫn đến bại liệt”.

Về nguyên tắc chữa trị, ông Trí cho biết trước tiên phải chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh mới có thể chọn lựa từng vị thuốc sao cho phù hợp. 

Bài thuốc đông y ông thường sử dụng gồm tất cả 17 vị với liều lượng cụ thể như sau: 


Độc hoạt (12g), 
phòng phong (12g), 
tế tân (5g), 
tần giao (12g), 
tang kí sinh (15g), 
đỗ trọng (15g), 
ngưu tất (15g), 
xuyên quy (15g), 
 xuyên khung (12g), 
thục địa (12g), 
bạch thược (15g), 
cam thảo (8g), 
bạch linh (12g), 
đẳng sâm (15g), 
nhục quế (4g), 
oai linh tiên (15g) 
thiên niên kiện (15g).

Về cách thức sử dụng thuốc, ông Trí cho biết chỉ cần trộn đều các vị đem sắc nước uống mỗi ngày chia thành 3 bữa sau khi ăn cơm. Ngoài ra tuỳ theo độ tuổi, thể trạng, mức độ nặng nhẹ của bệnh mà liều lượng những vị thuốc có thể tăng giảm khác nhau. Bởi vậy mỗi thang thuốc có thể uống một ngày hoặc chia thành các phần nhỏ uống nhiều ngày.

Thời gian uống thuốc trị bệnh thông thường kéo dài trên dưới 10 ngày. Đối với trường hợp bệnh nặng thời gian trị liệu thậm chí kéo dài hơn tháng. Công dụng của bài thuốc trên theo lời lương y Trí giải thích, sẽ giúp bệnh nhân giảm đau dần, khôi phục phần nào sự mềm mại của các khớp xương.

“Thuốc có chức năng bồi bổ khí huyết, tăng cường thể lực. Đối với người mắc bệnh do thoái hoá cột sống sinh gai thuốc sẽ tạo nên vỏ bọc bọc lấy chiếc gai này. Có thể hiểu đơn giản rằng khi được bọc kín gai sẽ không phát triển thêm và không tác động trực tiếp vào hệ thần kinh gây nên những cơn đau nhói nữa”, ông Trí giải thích.
Bốn vị cốt yếu trong bài thuốc đông y mà ông Trí cho biết có thể chữa khỏi bệnh thần kinh toạ.
Vị lương y bổ sung, bên cạnh việc uống thuốc trị liệu, người bị thần kinh toạ nên kết hợp song song phương pháp châm cứu, bấm huyệt nhằm tăng tác dụng của thuốc.

Bài cao thuốc nam trị chứng thần kinh toạ


Thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong việc chữa trị chứng bệnh thần kinh toạ, lương y Trí cho hay bệnh nhân có thể áp dụng bài thuốc nam nấu cao trị liệu. So với bài thuốc bắc, bài thuốc nam sau đây giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhưng tác dụng không hề thua kém.

Theo đó người bệnh sử dụng sáu loại thảo dược cơ bản để chế biến cao gồm: 


+ Gốc rễ cỏ xước, 
+ gốc rễ cây xấu hổ, 
+ rau má (mỗi loại ở dạng phơi khô 20g), 
+ lá lốt, 1 kg
+ cây hoa xích đồng nam 1 kg
+ bạch đồng nữ  1kg (ở dạng tươi). 

“Tất cả thảo dược trên có thể sử dụng ở cả hai dạng tươi hoặc khô, nếu dùng tươi thì hàm lượng tăng gấp đôi so với thuốc khô. Đem thảo dược rửa sạch, thái nhỏ sau đó sao vàng hạ thổ”, lương y Trí hướng dẫn cách chế biến nguyên liệu thảo dược.

Đến bước này người bệnh có thể bào chế thuốc theo nhiều cách khác nhau để sử dụng. Thức nhất đem thuốc nấu lấy nước uống hằng ngày hoặc cô cạn thành cao. Đối với phương pháp bào chế dạng cao, đòi hỏi liều lượng thuốc phải nhiều gấp 3 – 4 lần và bổ sung thêm mật ong. Cao càng đậm đặc, càng tăng công hiệu trị bệnh. “Riêng nấu cao cũng có đến hai dạng là lỏng hoặc dạng bánh. Chế biến dạng cao rất tiện sử dụng”, lương y Trí chỉ dẫn.

Về liều lượng sử dụng thuốc, ông Trí hướng dẫn tỉ mỉ tuỳ theo dạng thuốc như sau: 

“Nếu sắc nước, mỗi ngày uống một thang, uống trong vòng 10 - 15 ngày sẽ phát huy công dụng rõ rệt. Ở dạng cao lỏng mỗi ngày chỉ cần uống 1 - 2 tách nhỏ; còn cao bánh, mỗi lần ăn chú ý hấp mềm. Ngoài ra cũng có thể dùng cao thuốc ngâm rượu uống đều độ trước mỗi bữa ăn”.

Thú vị hơn, ông Trí cho rằng công dụng của loại cao thảo dược trên không chỉ đặc trị bệnh thần kinh toạ mà còn hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác.

Từ bệnh nhân trở thành thầy thuốc


Bất ngờ khi nghe lương y Trí tự thuật về cuộc đời mình. Ngày trước vốn ông không biết gì về thuốc thang, châm cứu. Chàng thanh niên lúc đó vẫn ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo: “Tôi may mắn đỗ vào ngành sư phạm nhưng bất ngờ bị bệnh thần kinh toạ. Bệnh ngày một nặng đến nỗi chân teo nhỏ bé tí nhấc đi không nổi. Dẫu gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng ai cũng lắc đầu bó tay, thế là tôi đành nghỉ học nằm liệt giường ở nhà gác lại mọi hoài bão”, ông Trí nhớ lại quãng thời gian giông tố trong đời.

Nhưng rồi số phận đã mỉm cười khi ông may mắn được người quen giới thiệu đến chữa bệnh tại một vị sư đồng thời là thầy thuốc. Sau sáu tháng trị liệu, bệnh tình ông Trí thuyên giảm đến bất ngờ: “Thật kì diệu, chỉ bằng châm cứu và uống thuốc đông y mà tôi đã đi lại như trước. Kể từ đó tôi xin thầy theo học nghề y luôn”.

Không chỉ học ở vị thầy cũng là ân nhân của mình, ông quyết tâm khổ luyện đèn sách để rồi vinh dự đứng trong hàng ngũ sinh viên tốt nghiệp trường trung cấp y Huế năm 1988. Quãng thời sau đó ông hồ hởi mang kiến thức nghề y học được trên ghế nhà trường bôn ba vào tận Đồng Nai cứu người.

Đến năm 1991 lương y Trí trở về sinh hoạt tại hội đông y Quảng Trị và nay trở thành phó chủ tịch hội đông y huyện Triệu Phong: “Tôi đem chính bài thuốc sư phụ đã chữa khỏi cho mình để chữa trị cho người khác. Tuy chỉ là cỏ cây hoa lá đơn giản nhưng tác dụng thật kì diệu. Bản thân tôi từng là bệnh nhân nên rất thấu hiểu tâm trạng người bệnh. Tôi muốn mọi người sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc đến bất ngờ như tôi năm xưa”.

Thêm câu chuyện khá thú vị nữa liên quan giữa nghề y và đời tư thầy Trí chính là chuyện tình của ông : “Vợ tôi lúc trước cũng là bệnh nhân đến nhà nhờ tôi chữa bệnh, sau vì cảm mến nhau nên gắn bó thành vợ chồng. Hay có thể nói nhờ nghề thuốc tôi đã lấy được vợ”.
Hơn 25 năm hành nghề y, ông Trí khẳng định nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi bệnh thần kinh toạ nhờ hai bài thuốc mình đang chỉ dẫn. “Tôi không dám cam đoan chắc chắn nhưng tỉ lệ khỏi bệnh rất cao. Đặc biệt bài thuốc cao từ thảo dược ai cũng có thể tự chế để áp dụng”, ông khiêm tốn chia sẻ.

Để phòng trừ bệnh đau thần kinh tọa, cần tập luyện thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao thể lực. Nên áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khoẻ mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống. Tránh mọi chấn thương gây nên cho cột sống, người có dấu hiệu đau thắt lưng tuyệt đối tránh các trò thể thao hoặc vận động quá mức. Không nên nằm nệm quá dày, mềm và giường lò xo. Đối với những người lao động chân tay cần chú ý không mang vác vật quá nặng so với trọng lượng cơ thể.
Theo Mai Long - PLVN

"Bảo bối" gia truyền cực dễ kiếm trị dứt viêm dạ dày, đại tràng

ST

Lương y Hoàng Thiên Vân (74 tuổi, ngụ làng Trúc Lâm, phường Hương Long, Tp Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết hàng chục năm nay đã áp dụng bài thuốc nam gia truyền chuyên trị bệnh viêm dạ dày, viêm đại tràng mãn tính thành công với hàng trăm người bệnh.
 
Bài thuốc tác dụng đúp
Lương y Vân trình bày bệnh nhân bị viêm dạ dày, viêm đại tràng mãn tính thường có những triệu chứng như: Hay ựa chua, tức bụng, ăn không tiêu, đi đại tiện ra phân lỏng.  Kèm theo đó, thể trạng người bệnh thường gầy yếu, da dẻ xanh xao.
Viêm đại tràng mãn tính là bệnh thường gặp, gây tổn thương niêm mạc đại tràng, khu trú một vùng hoặc lan tỏa khắp đại tràng. Bệnh dễ tái phát, dai dẳng và khó điều trị khỏi hoàn hoàn. Nếu không điều trị tốt, người bệnh sẽ gầy yếu, ăn kém, có thể dẫn tới suy kiệt và tử vong.
Viêm dạ dày mãn tính là một biến chứng của viêm mạc dạ dày do bị kích thích gây tổn thương hoặc bị tổn thương do cọ xát, ăn uống không điều độ, tinh thần không ổn định gây nên.
Theo kiến thức đông y, nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, bệnh nhân viêm dạ dày, đại tràng có thể bị biến chứng sang nhiều bệnh khác, nặng có thể dẫn đến ung thư: “Thông thường người bị viêm dạ dày thường kéo theo đau đại tràng, nếu chỉ chữa trị cho dạ dày hoặc đại tràng thôi thì bộ phận còn lại vẫn bị đau. Bởi vậy tôi giới thiệu bài thuốc này để mọi người có thể áp dụng chữa một lúc hai bệnh”, ông Vân nói.
Giới thiệu cụ thể về bài thuốc nam gia truyền đang sở hữu, lương y Vân cho hay bài thuốc gồm bốn vị chính là: Thương truật (dạng củ, 20g), trần bì (tức vỏ quýt, 10g), hậu phát (một loại vỏ cây thuốc, 15g) và cam thảo (10g). Trong trường hợp người bệnh có triệu chứng đi đại tiện ra phân lỏng, cần bổ sung thêm hai vị thuốc khác nữa là sa nhân và mộc hương, mỗi vị 10g.
Ông Vân chỉ dẫn thêm cách thức bào chế thuốc như sau: “Ngoại trừ mộc hương, đem tất cả các vị thuốc phơi khô, sao vàng hạ thổ. Riêng cam thảo cần sao kĩ đến khi cháy sém các cạnh xung quanh là được. Để thuốc phát huy công dụng hơn, có thể tẩm thêm nước gừng tươi vào vị thuốc hậu phát trong lúc sao thuốc”.
Về cách dùng, theo ông Vân, có thể sử dụng bài thuốc theo hai cách: Sắc lấy nước uống; hoặc tán bột sau đó hoà với nước để uống. “Mỗi thang thuốc đem sắc nước hai lần, lần đầu 3,5 chén nước lấy 2/3 chén thuốc, lần sau 2,5 chén nước lấy 1/3 chén thuốc. Tiếp tục trộn đều nước thuốc thu được, chia uống thành 3 lần/ngày trước mỗi bữa ăn. Nếu thuốc dạng bột thì đem hoà với nước chia uống tương tự. Thông thường thuốc phải uống khi bụng no, tuy nhiên đối với bệnh viêm dạ dày, viêm đại tràng, uống thuốc lúc đói sẽ cho công dụng tốt hơn”, ông Vân căn dặn kĩ lưỡng.

Ngoài ra tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, thể trạng sức khoẻ bệnh nhân mà có thể tăng hoặc giảm hàm lượng các vị thuốc nhất định. Tất nhiên vị lương y không quên lưu ý người bệnh cần kiêng tránh thức ăn cứng, dai, các loại mắm, thực phẩm cay, nóng trong quá trình trị liệu.
Giải thích công dụng của bài thuốc, ông Vân cho biết các vị thuốc sẽ giúp tái tạo men, trám lấp những vị trí hỏng men ở dạ dày, đại tràng gây viêm đau. Ngoài ra nếu bệnh nhân bị đau dạ dày, đại tràng kèm theo những bệnh khác, vẫn có thể bổ sung thêm vị thuốc để kết hợp điều trị tuỳ theo từng bệnh lý. “Thông thường chỉ cần kiên trì uống thuốc trong vòng nửa tháng, bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt. Những người bị viêm ở vị trí đáy bao giờ cũng nhanh khỏi hơn so với bị viêm ở thành dạ dày hoặc thành đại tràng”, ông Vân nói thêm.
“Bảo bối” gia truyền
Theo lời thầy thuốc Vân, bài thuốc nêu trên được ông nội của ông, vốn là một thầy lang ghi chép, truyền lại. Sau khi ông nội qua đời, bài thuốc quý dần chìm vào quên lãng. Mãi đến đời mình, ông Vân mới tìm tòi, mò mẫm thu thập các tài liệu cổ để bào chế lại bài thuốc gia truyền xưa kia. Ông kể: “Từ nhỏ tôi đã thường giúp ông nội sao chế thuốc nên yêu nghề và quyết tâm sau này sẽ nối nghiệp tổ tiên. Sau thời gian thống nhất đất nước, tôi chính thức hành nghề bốc thuốc cho đến tận bây giờ, tính sơ sơ đã gần 40 năm làm nghề”.
Nói thêm về bài thuốc gia truyền, lương y Vân cho hay trước đây do thiếu thốn, các thầy lang thường sử dụng hạt cau khô hoặc lá măng cụt để thay thế cho vị thuốc thường truật. Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu ông Vân đã hoàn chỉnh bài thuốc như bây giờ. Ưu điểm lớn nhất của bài thuốc như lời ông Vân nói là cực kì dễ kiếm, dễ bào chế nhưng mang lại hiệu quả cao trong chữa trị bệnh đau dạ dày, đại tràng.

Mặt khác bài thuốc gồm toàn những vị thuốc nam nên người bệnh không phải lo lắng chuyện xảy ra tác dụng phụ, ngay cả người không bệnh tật gì vẫn thi thoảng có thể sắc thuốc uống nhằm phòng bệnh. Bất ngờ hơn khi ông Vân nhẩm tính luôn giá mỗi thang thuốc nêu trên chỉ trên dưới 20 ngàn đồng, tùy vào giá cả của mỗi vùng miền.
Dẫu đã cao tuổi nhưng ông Vân vẫn nhiệt tình, xông xáo tham gia những hoạt động từ thiện như về vùng sâu vùng xa khám chữa bệnh giúp người nghèo, quyên góp thuốc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mang bệnh tật. Ở làng Trúc Lâm, ông Vân còn được “vinh danh” là vị lương y duy nhất của làng.
“Thầy Vân tốt bụng lắm, ai đau gì ông đều khám chữa nhiệt tình, ai khó khăn ông đã miễn phí tiền công, còn cho thêm thuốc”, một dân làng nhận xét. Điều đáng nể nữa, chưa bao giờ ông lão này tính toán đến chuyện bán buôn, kinh doanh thuốc thang. Điều ông bận lòng giờ đây là liệu mình còn sống được bao lâu để đem nghề giúp người, giúp đời?.
Theo Khoa học & Đời sống, người bị viêm dạ dày mãn tính, ngoài việc sử dụng thuốc, còn nên: 1. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc; 2. Ăn những đồ dễ tiêu hóa. Kỵ ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá;
3. Khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ. Nên ăn nhiều bữa và số lượng thức ăn trong mỗi bữa có thể ít đi, đúng giờ;
4. Viêm dạ dày dạng co bóp, vị toan tiết ra giảm, nên người bệnh có thể ăn thêm hoa quả chua, sữa chua, canh thịt để tăng thêm dịch vị;
5. Nếu vị toan tăng nhiều (bệnh nhân bị ợ chua, nôn nao, cảm thấy nóng ruột, ăn nhiều nhưng dễ đói) có thể ăn thêm rau xanh nhiều xơ, bánh bích quy…;
6. Kiêng ăn các thực phẩm ướp hoặc xào rán, ít ăn các thực phẩm mặn và các loại bánh quá ngọt;
7. Hạn chế dùng một số thuốc có corticoit, thuốc giảm đau…;
8. Tích cực tham gia rèn luyện thân thể, đặc biệt là khí công.
Theo Quảng Thiên - PLVN