17 thg 10, 2013

Bàn thêm về con Giun đất (Địa long)

Nguồn: http://www.caythuocquy.info.vn/old/modules.php?name=News&opcase=detailsnews&mid=1765&mcid=245

Trong bài trả lời bạn đọc về Con giun đất trên CTQ27, lương y Nguyễn Hữu Hiệp có nhắc đến bài thuốc “Thần dược cứu mệnh”. Nhân đây tôi xin kể thêm sự việc vào các năm 97-98 thế kỷ trước, bài thuốc này đã từng là “huyền thoại một thời”. Không ai ngờ được rằng từ một “tư liệu y học” đăng nhiều kỳ trên tờ báo địa phương tỉnh Long An, sau được một loạt các tạp chí không phải chuyên ngành y dược như Thế giới mới,... đăng giới thiệu, thế là dẫn đến một phong trào sử dụng bài thuốc cho nhiều bệnh chứng nan y phát triển rầm rộ từ Nam ra Bắc. 

Thời đó quả là một cơ hội vàng cho nhiều cửa hiệu kinh doanh thuốc. Giá Địa long đắt như tôm tươi, từ khoảng trên dưới ba mươi ngàn đã đẩy lên đến cả trăm ngàn/1kg, mà nhiều khi không đủ hàng để bán. Theo quy luật cung cầu, có những nhà thuốc, thậm chí cả những bệnh nhân sau một vài lần sử dụng đã có thể tự xào xáo chế biến hàng loạt cái gọi là “thần dược” ấy để tung ra bán trên thị trường nhằm trục lợi. Không ai có thể phủ định một số hiệu quả thực tế của bài thuốc, nhưng thổi phồng tác dụng quá đáng để cho kẻ xấu lợi dụng, gây khủng hoảng niềm tin cho người bệnh, bởi càng gieo hy vọng tràn trề, càng chuốc thất vọng não nề  cho nhau, thì thật là đáng tội. Sau hơn một năm suy nghĩ, thậm chí cả day dứt trăn trở nữa, tôi đã quyết đinh viết bài “cuối năm con hổ, tính sổ con giun” hay “hiểu đúng về vị thuốc Địa long” đăng trên chuyên san y dược của địa phương. Việc xảy ra 6 - 7 năm rồi, nay có dịp trở lại nói thêm về con Giun đất ngỏ hầu tiếp chuyện cùng bạn đọc CTQ.
Giun đất còn gọi là Trùn, Địa long, Thổ long, Khâu dẫn..., là một vị thuốc khá quen thuộc, được sử dụng lâu đời trong Đông y. Trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, quyển sách thuốc đầu tiên ra đời khoảng hai ngàn năm trước, với tên “Bạch cảnh khâu dẫn” nghĩa là trùn có cổ trắng, hay như dân ta quen gọi là trùn khoang cổ, vị thuốc này bị xếp vào loại “hạ phẩm”, theo cách phân loại của sách này chỉ những vị thuốc ít nhiều có độc, không được dùng lâu dài, chủ yếu để trị bệnh chứ ít tác dụng bổ dưỡng.  
Các sách thuốc đời sau, kể cả danh tác Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân ở Trung Quốc, cũng như Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh Thiền sư và Lĩnh Nam Bản Thảo của Hải Thượng Lãn Ông đều phân Giun đất vào bộ côn trùng. Quyển Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam của GS, TS. Đỗ Tất Lợi cũng không ngoài lệ ấy. Nếu phân loại thuốc theo tác dụng dược lý cổ truyền mà hầu hết sách Đông dược mới biên soạn hay áp dụng, theo một số đầu sách ít ỏi chúng tôi có được thì  giun đất được xếp vào rất nhiều nhóm thuốc khác nhau.  Sách Lâm sàng thường dụng, Trung dược thủ sách (Học viện Trung y Hồ Nam biên soạn, NXB Vệ sinh Nhân dân, Bắc Kinh, 1972) xếp vào nhóm “khu phong thấp”. Sách Dược học cổ truyền của GS.Trần Văn Kỳ (T.2, NXB Tp.HCM,1997) cũng xếp theo nhóm này. Sách Tân biên Trung y học khái yếu  (do 9 Học viện Trung y Trung Quốc phối hợp biên soạn, nxb VSND, Bắc Kinh, 1974) xếp vào nhóm thuốc “trấn tiềm an thần”. Sách Giản minh Trung y học (Đại học Tân Y Hà Bắc biên soạn, nxb VSND, Bắc Kinh, 1974) xếp vào nhóm “bình can tức phong”. Tương tự là sách Thuốc cổ truyền và ứng dụng Lâm sàng của GS. Hoàng Bảo Châu (NXB Yhọc, Hà Nội, 1999) xếp vào nhóm “trấn kinh an thần” loại “tức phong chỉ kinh”. Trong khi đó sách Dược Tính Đại Từ Điển (Hồ An Bang biên soạn, Trường Hưng thư cục, xuất bản ở Hương Cảng, không ghi năm in) lại xếp giun đất vào nhóm “tả hạ thuỷ ẩm “ (lợi tiểu). Chúng tôi buộc phải dẫn nhiều sách của TQ vì các tài liệu chính thống ở nước ta như bộ giáo trình Bài Giảng YHCT in đi in lại nhiều lần vẫn bỏ quên vị thuốc này. Nhưng mục đích quan trọng của trưng dẫn xếp loại không thống nhất là muốn nói lên một sự thật về tính công dụng đa năng của vị thuốc Giun đất.
Nhìn chung, theo tài liệu cổ, Giun đất có vị mặn, tính hàn, nhập các kinh Tỳ, Vị, Can, Thận, có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, lợi tiểu, giải độc, định suyễn; dùng chữa bệnh nhiệt phát cuồng, kinh phong co giật, ho suyễn, bán thân bất toại, miệng mắt méo lệch, tiểu tiện khó khăn, phong thấp đau nhức,..
Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại của các nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc, tác dụng thanh nhiệt (hạ sốt) của Giun đất là do thành phần lumbrifebrin; tác dụng phá huyết (làm giảm độ dính của máu và độ ngưng tập của hồng cầu) là do chất lumbritin; tác dụng lợi tiểu, chữa đau nhức khớp xương là do có nhân purin. Các thực nghiệm còn chứng minh các thành phần đạm có trong giun đất có tác dụng kháng histamin (giải độc), làm giản khí quản (hiện nay ở TQ đã chế thành ống tiêm dịch giun đất gọi là địa long chú xạ dịch để điều trị hen suyễn trên lâm sàng), hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của ruột non. Thành phần Giun đất còn có một độc tố là terrestro-lumbrolysin có thể gây co giật. Có lẽ nhờ thành phần này mà Giun đất được dùng điều trị các chứng cấp mạn kinh phong theo nguyên tắc “lấy độc trị độc”, nhưng phải theo liều lượng và phối hợp thuốc nghiêm mật. Liều dùng thông thường của Giun đất ghi nhận qua các tài liệu là 6-12g dưới dạng thuốc sắc, 2-4g dưới dạng thuốc bột (khô). Việc bào chế cũng là một khâu rất quan trọng trong dùng thuốc Đông y, tuỳ từng trường hợp mà có cách bào chế riêng, xin giới thiệu một vài ứng dụng lâm sàng của Giun đất:
Dùng làm thuốc thông kinh hoạt lạc, giảm đau: Sử dụng cho thể thấp nhiệt ứ trệ kinh lạc, khớp xương sưng nóng đỏ đau, tiểu tiện ít mà vàng. Có thể phối hợp với các vị thuốc nhiệt như Ô đầu, Phụ tử để điều trị đau khớp xương thể hàn thấp. Bài thuốc điển hình là Hoạt lạc đơn: Xuyên ô đầu, Thảo ô đầu,  Địa long, Thiên nam tinh mỗi thứ 8g, Nhủ hương, Một dược mỗi thứ 6g, tất cả tán bột, lấy rượu khuấy hồ làm hoàn. Mỗi lần uống 4g với nước sắc Kinh giới để trị thấp đàm ứ huyết trở trệ kinh lạc gây đau.
            
Một bài thuốc khác có công dụng bổ khí hoạt huyết, hành ứ tán trệ, dùng trị di chứng trúng phong (tai biến mạch máu não): liệt nửa người, miệng mắt méo lệch, nói khó, miệng chảy nước dãi, tiểu không tự chủ... cho kết quả tốt là bài Bổ dương hoàn ngũ thang của tác giả Vương Thanh Nhiệm: Hoàng kỳ 40g, Đương quy vĩ, Xuyên khung, Địa long mỗi thứ 8g, Đào nhân 12g, Hồng hoa 6g, Xích thược 12g; sắc uống ngày một thang.
  
Dùng trị sốt cao, co giật: Có thể chọn một trong các bài sau:
- Địa long tán: Địa long 12g, Toàn yết 4g, Câu đằng 16g, Kim ngân hoa 16g, Liên kiều 12g; sắc uống.
- Địa long 12g, Châu sa (Thuỷ phi) 4g; tán bột làm viên, mỗi lần uống 4g.
-Trùn đất sống 160g, Đường đỏ 40g, giã nhuyễn, bọc vải đắp lên bụng dưới.
Dùng làm thuốc lợi tiểu, trị đái khó: Đi tiểu không thông do thấp nhiệt, hoặc bí tiểu do sỏi tiết niệu, dùng Trùn tươi, đầu củ Tỏi, lá Khoai đỏ giã nhuyễn đắp lên vùng rốn, hoặc phối hợp thuốc lợi thuỷ để uống.
Dùng làm thuốc thanh phế bình suyễn: Đối với ho suyễn do hoả nhiệt thượng viêm, như hen phế quản khó thở, trẻ em ho gà, có thể dùng:
- Địa long 12g sắc uống.
- Hoặc Địa long tán bột mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần.
- Hoặc Địa long và Sinh cam thảo bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần.
            
Ngoài ra, xin giới thiệu một bài thuốc mới được báo cáo có khả năng trị ung thư và hạ huyết áp, trích từ sách Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách như sau: Địa long, Ngô công, Phong phòng (tổ ong), Bồ công anh, Bản lam căn, Toàn yết, Xà thoát (xác rắn lột), mỗi thứ 40g, Bạch hoa xà thiệt thảo 320g, tất cả tán bột, luyện mật làm hoàn; mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.
Những bài thuốc trên đây chủ yếu để giới thiệu ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Giun đất hay Địa long, thầy thuốc có thể tham khảo vận dụng phép gia giảm, điều chế (nhất là đối với các vị thuốc có độc như Phụ tử, Ô đầu, Châu sa...) thích hợp với từng người bệnh cụ thể mới đem lại kết quả trong điều trị. Người bệnh không được tự ý sử dụng, bởi không nắm được các chống chỉ định của thuốc. Thuốc là con dao hai lưỡi cần được điều khiển bởi bàn tay lành nghề mới phát huy hết tác dụng và tránh được tác hại của nó.
L/Y Phan Công Tuấn

10 thg 10, 2013

Bài thuốc dân gian chữa dị ứng

Bài thuốc dân gian chữa dị ứng



Cuộc đời có số phận hẩm hiu khi chồng hi sinh, con qua đời, bà lão Nguyễn Thị Chuyền (77 tuổi, ngụ xóm 1, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hàng chục năm nay chỉ biết tìm nguồn vui từ những thang thuốc công hiệu chữa bệnh dị ứng, mẩn ngứa giúp người nghèo.
Những vị thuốc… với tay ra hàng rào là bắt gặp
Nguyên nhân của bệnh mẩn ngứa, theo bà lão thì có nhiều lý do như thay đổi thời tiết, dị ứng với thức ăn; khi ốm chưa khỏi mà không kiêng cữ, lại ra ngoài trời gặp gió… Thường thì mọi loại bệnh mẩn ngứa rất dễ chẩn đoán, phân biệt bằng mắt thường, được chia làm hai loại: Nếu nổi những nốt đỏ như rôm sảy thì gọi là “đơn bọ nẹt” theo cách nói của người địa phương, còn nếu nổi nốt to hơn gọi là đơn hỏa (đơn mề đay).




Bà lão Nguyễn Thị Chuyền và một số vị thuốc trong bài thuốc chữa mẩn ngứa
Nếu không chữa trị kịp thời, những nốt mẩn ngứa ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt cho người mắc phải.

Bà Chuyền tự tin cho rằng mình có thể chữa khỏi 90% các loại bệnh này và không “giấu nghề” mà sẵn sàng kể tên, phương pháp kết hợp những loại cây dại trong tự nhiên để tạo thành bài thuốc. Tùy vào độ tuổi, liều lượng, bài thuốc chữa mẩn ngứa sẽ được bổ sung thêm loại cây thuốc khác nhau.

Có hai bài thuốc dành cho hai lứa tuổi: Trẻ em từ sơ sinh - 10 tuổi; và người lớn từ 10 tuổi trở. Bài thuốc của trẻ em dùng những loại cây sau: Lá cúc tần, cây cam nha, sài đất, phượng vĩ, tía tô, lá rưới, rau má đề, ké đội đầu, râu ngô, sắn dây (lá hay cây đều được), tổng trọng lượng mỗi thang thuốc khoảng 100g. Bài thuốc của người lớn ngoài những loại cây trên còn có thêm cây đơn mặt xanh, kinh giới, đăng cay với trọng lượng mỗi thang thuốc là gấp đôi, khoảng 200g.

Những loại cây này đều phải được hái lúc còn tươi, sau đó rang vàng hạ thổ, theo lý giải của bà Chuyền thì bào chế theo cách này sẽ giúp thuốc phát huy hết tác dụng, đem lại hiệu quả cao nhất. Có một lưu ý là trong trường hợp người bệnh nặng, bị sưng phù, đau nhức; trong đơn thuốc sẽ có thêm cây dáy, và lượng cây má đề phải nhiều lên. Nhìn chung đây là những loại cây cực kỳ dễ gặp, dễ kiếm.

Bà lão hướng dẫn người bệnh sử dụng bài thuốc kết hợp giữa xông và uống. Ngoại trừ trường hợp trẻ nhỏ mới sinh thì không được uống mà chỉ xông, lúc này người mẹ sẽ uống thay con, khi con nhỏ bú sữa mẹ thì bài thuốc cũng sẽ được đứa con hấp thụ.

Cách sử dụng như sau:
Nước lá thuốc khi đun xong sẽ lấy khăn sạch hơ nóng, nhúng vào rồi lau vào những vết mẩn ngứa. Với thang thuốc dành cho người lớn, 200g thuốc được sắc thành một ấm, đổ bốn bát nước (tương đương khoảng một lít nước), đun đến sôi và sau khoảng 5 phút “sôi sùng sục” thì nhấc ra để nguội.

Khác với nhiều bài thuốc dân gian khác là có thể cho nhiều nước rồi cô đặc lại thành thuốc, bài thuốc của bà lão Chuyền lại tuân thủ nguyên tắc “cho nhiêu bát nước thì lấy bấy nhiêu bát thuốc”. Bát đầu tiên để cho dễ uống, bệnh nhân có thể cho thêm đường. Còn 3 bát thuốc sau được chia đều uống trong ngày, nhưng đặc biệt lưu ý là không được để qua đêm vì thuốc sẽ hết tác dụng. Đến cuối ngày, khi đã uống hết thuốc, bệnh nhân tận dụng lá thuốc đó cho thêm nước vào đun lần nữa, lấy nước xông hơi, tắm rửa.

Để bài thuốc thêm hiệu quả, bà lang khuyên người bệnh phải kiêng ra gió; tuyệt đối không được tắm nước lã mà phải dùng nước đun sôi để nguội. Bên cạnh đó cần kiêng cứ: Không ăn thịt gà, cá gáy, cua đồng, mắm tôm, thịt ếch, trứng vịt, trứng gà. Tùy theo biểu hiện bệnh và thể chất người bệnh thời gian có thể khỏi lâu hay chậm, thông thường theo bà thì chỉ cần uống từ 2 – 3 thang là bệnh mẩn ngứa biến mất.

Nỗi lo thất truyền
Khách mới đến ngôi nhà cấp 4 đã ngả màu thời gian của bà lão, thường phải cất tiếng gọi bà lão chữa bệnh mẩn ngứa vài câu thì mới thấy tiếng đáp vọng từ phía sau nhà. Những khi rảnh rỗi, bà lão lại cặm cụi cuốc đất trồng thêm những cây thuốc mới mang từ rừng. “Trước đây còn trẻ khỏe thì còn lên rừng kiếm những cây thuôc gắp ít gặp, nhưng giờ già rồi nên mang cây về vườn gây giống. Nhưng đấy chưa phải là nỗi lo lớn nhất của tôi, sợ nhất vẫn là sau khi tôi mất đi bài thuốc sẽ bị thất truyền”, bà lão chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em có người mẹ từng nức danh chữa bệnh bằng thuốc Nam trong vùng, các anh chị em của bà đều thành đạt và chọn con đường riêng mà không theo nghề của mẹ. Năm 16 tuổi cô thiếu nữ Chuyền lấy chồng, thời gian sau có bầu được khoảng 3 tháng thì niềm vui làm mẹ vuột mất vì sảy thai.

Không lâu sau đó chồng bà đi bộ đội và hi sinh ở chiến trường miền Nam, góa phụ chuyển về ở với mẹ, theo học nghề bốc thuốc chữa bệnh, đặc biệt là bài thuốc chữa bệnh mẩn ngứa. Bà sống cô độc từ ngày mẹ qua đời, lấy niềm vui là bài thuốc giúp người nghèo.

Gần 80 tuổi nhưng không con cháu, không chịu nghỉ ngơi khi về già, bà lão “cứ như trời đày” như lời dân làng nhận xét, cứ thấy bệnh nhân đến là lại tất tả đi hái thuốc, cặm cụi chế biến. Lấy công việc là nguồn vui chứ không phải vì tiền nên thuốc của bà không có giá, ai có lòng đưa bao nhiêu bà cũng không chê ít nhiều.

Người dân ở đây đa số là những người làm nghề nông nghiệp, người có tiền thì biếu bà 5 – 10 ngàn, “kỷ lục” là 20 ngàn đồng cho mỗi lần bốc thuốc, nhiều người vì hoàn cảnh nghèo quá mà không có tiền thì bà biếu không.

Riêng những người nghèo trong làng thì thậm chí bà còn lọ mọ tìm đến tận nhà chữa giúp vì bệnh nhân kiêng không được ra gió. Một người dân trong xóm xác nhận: “Trong làng cứ ai bị bệnh mẩn ngứa là lại đến bà Chuyền. Bà lão nhiệt tình khám chữa bệnh còn không lấy tiền, thường nói “của nhà trồng được”, giúp được ai thì giúp”.

Vài năm trở lại đây, người anh trai của bà lão là ông Nguyễn Xuân Lưu (80 tuổi) sau hàng chục năm công tác, định cư ở một tỉnh phía Nam trở về sống cùng em gái. Tuy nhiên, do tuổi đã cao nên người anh từ năm ngoái người anh đã không còn bốc thuốc giúp em, hiện chỉ còn mình bà theo nghề gia truyền mẹ để lại.

Tuổi đã cao, lại không có con nối nghề, nỗi niềm bà lão nhiều năm nay lúc nào cũng canh cánh nỗi lo thất truyền: “Góp một phần sức mình giúp người bệnh là tôi cảm thấy vui, chỉ tiếc là tôi già rồi lại không có người kế nghiệp bài thuốc”.

Lưu ý: Những Thông tin trên mang tính chất tham khảo, để việc điều trị bệnh của bạn có hiệu quả cao nhất bạn nên tham khảo ý kiến của Bác Sĩ trước khi áp dụng!

9 thg 10, 2013

Chữa dị ứng bằng Đông y


Để chữa dị ứng mẩn ngứa, bạn có thể chọn một trong những vị sau sắc uống: cây đơn kim 15 g, lá đơn tía (đơn lá đỏ) 15 g, cây đơn nem 10 g hoặc lá đơn tướng quân 15 g.
tr
Đơn lá đỏ.
Theo y học hiện đại, dị ứng là một phản ứng không bình thường của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ, thường gọi là “dị nguyên”. Dị nguyên có thể là bụi, phấn hoa, những lông nhỏ trên cành, lá của một vài loại thực vật, các protein, dịch tiết các loại côn trùng, hóa chất... Khi bị xâm nhập, lập tức trong cơ thể xuất hiện phản ứng kháng nguyên - kháng thể và một chất trung gian sinh học histamin được phóng thích khỏi các tế bào dưới dạng tự do. Chính chất này đã gây nên hiện tượng dị ứng làm mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp...
Sự xâm nhập của các dị nguyên có thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt) và phần nhiều qua đường da do tiếp xúc.
Trong Đông y, dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang. Phong ngứa là từ dân gian quen gọi chỉ hiện tượng dị ứng. Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào trong cơ thể còn do nhiễm ngoại tà hoặc thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp, phong thấp nhiệt... mà gây ra uất kết ở da, bắp thịt. Mặt khác, do quá trình chuyển hóa, hoạt động của các tạng phủ thiếu điều độ, chẳng hạn can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.
Để điều trị dị ứng, điều quan trọng là xác định được nguyên nhân và loại trừ “dị nguyên”. Có rất nhiều bài thuốc chữa dị ứng:
- Gặp mưa, lạnh, người nổi ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu, dân gian thường gọi bị “lất”: Cần vào chỗ ấm tránh mưa lạnh. Dùng một miếng vải vó cũ cho vào chảo rang lên cho nóng chừng 40-45 độ C rồi chườm vào vùng bị lất. Có thể lấy 3 lát gừng tươi, giã nát thêm ít nước sôi và một chút đường cho uống để tăng tác dụng ôn trung.
- Rễ chàm mèo 12 g, kim ngân hoa 10 g, đại hoàng 9 g, hoàng bá 8 g, cam thảo 5 g, hoặc phù bình 6 g, thuyền thoái 3 g; phòng phong, kim ngân hoa mỗi thứ 5 g. Sắc uống.
- Dị ứng mẩn ngứa do ăn phải các chất lạ, đặc biệt các protein lạ như các loại hải sản, nhộng tằm: Dùng kinh giới 25 g, sao vàng sắc uống, kết hợp lấy một ít lá kinh giới sao với cám rồi xát nhẹ lên vùng da bị ngứa, ngày 2-3 lần cho đến khi khỏi. Nếu mẩn ngứa do tuần hoàn huyết dịch trì trệ, thêm chỉ xác 12 g sắc với kinh giới; hoặc dùng lá đơn tướng quân 15 g, sài đất, kim ngân hoa mỗi vị 12 g; cỏ nhọ nồi 10 g; núc nác 8 g; thổ phục linh 15 g. Sắc uống. Trường hợp lở ngứa nổi sần do huyết trệ thêm đan bì, xích thược, quy vĩ mỗi thứ 10 g sắc.
- Trường hợp ngứa phát ban do phong nhiệt dùng thương nhĩ tử, địa phu tử mỗi thứ 6 g; hoặc dùng bồ công anh 15 g; cúc hoa, kim ngân hoa mỗi vị 9 g, cam thảo 5 g. Sắc uống ngày một thang. Có thể dùng lá đơn tướng quân 20 g hoặc nhẫn đông đằng, thổ phục linh, thương nhĩ tử mỗi vị 20 g. Sắc uống.
- Nếu huyết nhiệt gây ra mụn nhọt, mẩn ngứa dùng bài Ngũ vị tiêu độc ẩm: Kim ngân hoa 20 g, bồ công anh, cúc hoa, sinh địa, cam thảo đất mỗi thứ 10 g. Sắc uống.
Phạm Hinh, Sức Khỏe & Đời Sống