29 thg 1, 2014

Bài thuốc chữa rắn cắn hiệu quả cực nhanh chỉ từ cây dại dễ kiếm

Dù không một tấm biển quảng cáo nhưng khi đến xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), hỏi ông Tuấn chuyên chữa rắn cắn bằng lá cây cỏ dại thì ai cũng biết.

Với phương pháp giã lá cây thuốc bí truyền vắt lấy nước uống 1 lần sau 10 phút là có thể vô hiệu hoá tác hại của nọc rắn, ông Tuấn được biết đến là người “khắc tinh” của các loại rắn độc.
Bài thuốc quý từ cây, cỏ dại
Dịp tình cờ trở lại huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) công tác, chúng tôi được nghe người dân rỉ tai râm ran những câu chuyện về tài chữa rắn độc cắn thần kỳ của ông An Văn Tuấn (74 tuổi). Ở xứ Thanh, người ta thậm chí chẳng ngần ngại gọi lão nông đã qua tuổi gần đất, xa trời này bằng biệt danh “vua” trị rắn độc nhờ sở hữu bài thuốc Nam đơn giản mà cực kỳ hiệu quả.
Để hiểu rõ thực hư, chúng tôi cất công lặn lội về tận thôn Tân Phúc, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân để tìm vị “vua” rắn độc này.
Phải mất nhiều lần hỏi thăm đường, PV mới tìm đến được làng nơi ông sinh sống. Ông Tuấn nay đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng trông dáng vóc vẫn còn quắc thước, nhanh nhẹn lắm. Đang lúi húi bên vườn cây thuốc trước nhà, thấy có khách tới, ông Tuấn bỏ dở công việc cuốc đất, hồ hởi pha trà mời chúng tôi.
Vừa nhấp chén trà đặc, thơm nóng, ông bắt đầu kể cho PV những câu chuyện về cái nghề của mình: “Bài thuốc cứu giúp những người bị rắn độc cắn thoát khỏi tử thần là do một người dân tộc Mường ở Tây Bắc truyền lại cho tôi trong một lần ghé thăm nhà”.
Bài thuốc chữa rắn cắn hiệu quả cực nhanh chỉ từ cây dại dễ kiếm.
Ông An Văn Tuấn – khắc tinh của các loài rắn độc.
Ông Tuấn kể lại, lúc bấy giờ vào năm 1974, ông đang là bộ đội trên vùng Tây Bắc. Có lần đồng đội tôi bị rắn xanh cắn dẫn đến tử vong vì không có thuốc thang và được cứu kịp thời. Xuất phát từ nguyên nhân đó, ông Tuấn đã quyết tâm tìm hiểu các loại cây cỏ dại trong rừng để hy vọng có thể tìm ra một loại thuốc chữa cho những người bị rắn cắn.
Cơ duyên cũng đã đến với ông trong một lần đơn vị được lệnh di chuyển lên phía bắc vùng Tây Bắc. Tối hôm đó, giữa lúc đang trò chuyện tại một nhà người dân trong bản, ông được một người thầy trong bản tên Krong đồng ý dạy cách chữa trị độc rắn bằng lá cây cỏ trong rừng.
Ngay sáng hôm sau, ông Tuấn theo thầy vào rừng nhìn mặt cây thuốc. Sau lần đó, ông ghi chép tất cả những gì được thầy dạy và những cây thuốc vào sách vở để khỏi quên. “Khi mới bắt đầu đi tìm cây thuốc, tôi cũng thấy khó khăn lắm. Giữa rừng đủ các loại cây, việc phân biệt cây thuốc với những cây khác rất khó khăn. Nếu lấy nhầm, thì thuốc sẽ không có tác dụng mà ngược lại nó còn gây hại cho người uống”, ông Tuấn tâm sự.
Sau này, ông tiếp tục đi khắp nơi để tìm hiểu các loại rắn độc cũng như các loại cây thuốc quý để từ đó có những bài thuốc chữa trị tốt nhất. Không ngại ngần chia sẻ những kinh nghiệm cũng như các bài thuốc chữa bệnh, “vua” khắc tinh rắn độc cho biết: “Bài thuốc chữa rắn cắn rất đơn giản, chỉ là những lá cây cỏ dại trong đời sống hàng ngày mà chúng ta cũng có thể bắt gặp như: Lá cây nghể rong, cây phèn đen, lá cây kim hoàng, lá bồ ngót…”. Ông đem trộn lẫn lộn các vị với nhau rồi giã ra lấy nước để uống. Những cây thuốc này nhìn bề ngoài không khác gì những cây thường, nhưng lại có công hiệu đặc biệt với mọi loại rắn độc.
Tùy vào trường hợp bị rắn gì cắn, thời gian bị cắn, ông Tuấn chế những liều lượng khác nhau cho bệnh nhân uống. Uống thuốc xong, ông luôn dặn dò rất cẩn thận về các trạng thái mà người bị rắn cắn có thể sẽ gặp như tức ngực, khó thở hay nôn mửa. Thông thường đối với bài thuốc trị rắn độc cắn, ông chỉ cho uống duy nhất 1 lần và sau 10 phút là bệnh nhân khỏi hoàn toàn.
Tác dụng cực nhanh
Nói chuyện về hành trình gần 30 năm chữa bệnh cứu người, ông Tuấn cho biết: “Khi người bệnh đến, tôi chỉ cần nhìn vào vết cắn là có thể đã xác định được đó là loại rắn nào. Như rắn khô mộc sau khi cắn thường có tấm đỏ xuất hiện nơi chân lông. Rắn hổ mang cắn thì toàn bộ cơ thể nóng ran lên, hoại tử, vết thương phù nề. Rắn lục cắn chỗ nào bị thâm chỗ đó và làm cho máu đông lại nhanh chóng và rất nguy hiểm, còn rắn cạp nia cắn thì không gây đau đớn nên nhiều người tử vong vì chủ quan.
Phương thuốc chữa bệnh của ông Tuấn là tổng hợp của các loại lá. Nhiều cây thuốc ông trồng được trong vườn những cũng nhiêu vị phải đi lấy trên đồi núi. Mỗi một loại cây thì lấy khoảng 4 đến 5 lá, giã nhỏ rồi lấy nước cho bệnh nhân uống ngay. Nếu người nào không há được miệng thì phải cạy miệng ra hoặc dùng ống đổ thuốc vào kịp thời.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo sau khi uống thuốc xong, bệnh nhân phải cấm kỵ việc ăn trứng gà vì nếu sau khi uống thuốc rồi mà ăn trứng thì nọc độc theo đó lại xâm nhập trở lại vào hồng cầu và nó lại phát tác các triệu chứng gây nguy hiểm tới tính mạng. Nói về cuộc đời chữa độc rắn cắn, ông Tuấn cho biết: “Gần 30 năm nay, tôi đã chữa khỏi cho hàng ngàn người bị rắn độc cắn. Những người tìm đến chưa bao giờ tôi phải bó tay. Có trường hợp khi đến trong tình trạng tê liệt toàn thân những sau đó đã lành lặn hoàn toàn”.
Trong mấy chục năm chữa bệnh cứu người, ông vẫn còn nhớ như in họ tên, tuổi, triệu chứng của những ca nặng. Gần đây nhất vào năm 2012, anh Đoàn Văn Quang, trú tại thôn Đăng Lâu, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị rắn khô mộc cắn trong lúc đang chặt củi trên đồi. Do cũng biết một số loại thuốc lá nên anh Quang đã tự mình hái thuốc chữa. Ban đầu thấy dấu hiệu bệnh có vẻ thuyên giảm nên chủ quan dừng uống thuốc.
Sau một thời gian thấy chỗ vết rắn cắn ngày càng thâm đen, phù nề, có dấu hiệu hoại tử. Đang trong lúc tình trạng nguy kịch thì anh được mọi người mách tìm đến ông Tuấn. Khi đến nơi, khắp người anh Quang đã bị nổi mẩn đỏ, cơ thể không còn sức cử động. Tuy nhiên, chỉ sau một chén thuốc của ông Tuấn, anh Quang đã cử động được, các nốt đỏ trên người dần biến mất.
Trường hợp khác là anh Bùi Văn Thành ở Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa lên đồi chặt cây để chuẩn bị trồng keo, bạch đàn bị một con rắn lục xanh cắn vào cổ chân. Hai tiếng sau, toàn thân bị phù nề, khó thở và có biểu hiện co giật mạnh. Hoảng hốt gia đình đưa anh lên đến nhà ông Tuấn. Sau khi được uống thuốc, anh Thành đã thoát chết trong gang tấc.
Không chỉ có tiếng tại vùng mà người dân nơi khác cũng đã tìm đến ông cầu cứu mạng sống. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Vân, ở Nga Sơn, Thanh Hóa lặn lội đến ông vì bị rắn cạp nia cắn, làm cho toàn cánh tay thâm tím, phù nề. Vì đường xa nên khi đến nơi thì chị Vân đang trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc 10 phút, cánh tay dần dần hết thâm, cơ thể linh hoạt trở lại.
Dù có được bài thuốc bí truyền nhưng ông Tuấn lại không sử dụng bài thuốc này để làm kế mưu sinh, mà hàng ngày vợ chồng ông vẫn cày cấy, làm nông nghiệp để nuôi con cái. Khi nào có người bị rắn cắn, cần đến thuốc giải là ông sẵn sàng giúp đỡ.
Chuyện ông Tuấn chữa độc rắn đã được chứng minh.
Nói về bài thuốc khắc tinh của các loài rắn độc, ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Tân Phúc, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân - Thanh Hóa) cho biết: “Việc ông Tuấn dùng lá cây để chữa khỏi rắn độc cắn cho người dân đã được biết đến từ lâu. Chúng tôi không biết ông dùng những thứ lá gì để chữa bệnh. Nhưng thực tế, ông đã chữa khỏi cho rất nhiều người trong và cả ngoài huyện. Nên bà con hàng xóm rất quý mến và gọi ông với cái tên thân mật là khắc tinh của loài rắn độc”.

22 thg 1, 2014

Cơn đau Tim và NƯỚC !

Một bác sĩ tim mạch nói rằng, nếu mỗi người đọc được thông tin này mà chia sẻ cho 10 người biết thì chúng ta sẽ cứu được ít nhất 1 người:

Cơn đau Tim và NƯỚC !

Khi bạn đứng, cơ thể giữ nước ở phần dưới của cơ thể, khiến chân bạn sưng lên. Khi bạn nằm xuống, cơ thể hạ xuống thấp hơn, do đó, thận thải nước dễ dàng hơn, độc tố cũng dễ dàng loại bỏ hơn.

RẤT QUAN TRỌNG, xin hãy ghi nhớ:


- 2 ly nước sau khi thức dậy - giúp kích hoạt các cơ quan nội tạng
- 1 ly nước 30 phút trước bữa ăn - giúp tiêu hóa
- 1 ly nước trước khi tắm - giúp giảm huyết áp
- 1 ly nước trước khi đi ngủ - tránh đột quỵ hoặc đau tim.

Kết quả một số công trình nghiên cứu cho thấy trước khi đi ngủ, uống một cốc nước có thể giúp phòng ngừa chứng tai biến mạch máu não.


Trong thực tế, những trường hợp tai biến mạch máu não thường xảy ra vào sáng sớm. Sau một đêm dài cơ thể không được cung cấp nước, máu trở nên đặc hơn, và đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Trong một ngày, máu có lúc đặc lúc loãng, đồng thời có một quy luật nhất định. Buổi sáng, từ 4 giờ đến 8 giờ, là lúc máu đông đặc nhất, sau đó dần dần loãng ra, đến khoảng 12 giờ đêm là thời điểm loãng nhất, rồi dần dần đặc lại, và đến buổi sáng hôm sau lại lên đến đỉnh cao.

Vì vậy, mỗi chúng ta, nhất là những người lớn tuổi, buổi tối trước khi đi ngủ nên uống khoảng 200 ml nước (chừng một cốc), thì sáng ngủ dậy, không những máu không bị đặc mà còn loãng ra.

Các chuyên gia y học cũng khuyên rằng, buổi tối trước khi đi ngủ uống nước khiến cho máu loãng ra, có lợi cho sự tuần hoàn của mạch máu, giúp phòng chống tai biến mạch máu não.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não, sự đông đặc của máu tăng lên chỉ là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có thể khẳng định thói quen uống nước trước khi đi ngủ có tác dụng nhất định đối với việc phòng chống tai biến mạch máu não.

LÀM SAO ĐỂ SỐNG QUA CƠN ĐAU TIM KHI BẠN Ở 1 MÌNH

Người bệnh khi lên cơn đau tim thì tim họ sẽ đập loạn nhịp, yếu. Sau đó, họ cảm thấy choáng, uể oải.

Khi bắt đầu cảm thấy như thế, thì chỉ còn 10 giây nữa họ sẽ ngất.

Tuy nhiên người bệnh có thể tự giúp mình bằng cách ngay lập tức ho rất mạnh, rất dài và rất sâu (như khạc đờm từ sâu trong ngực). Đồng thời, trước và xen kẽ mỗi cơn ho người bệnh hít 1 hơi thật sâu.

Người bệnh cần lặp lại hít thở sâu và cơn ho như trên mỗi 2s,
chỉ dừng lại cho đến khi cảm thấy tim đập trở lại bình thường và người có thể giúp đỡ đến.

Hít thở sâu giúp cho oxy vào phổi nhiều hơn bình thường và mỗi cơn ho dài, mạnh, sâu giúp bóp mạnh quả tim làm cho máu lưu thông.

1 bác sĩ tim mạch nói rằng, nếu mỗi người đọc được thông tin này
mà chia sẻ cho 10 người biết thì chúng ta sẽ cứu được ít nhất 1 người.

Xin vui lòng chia sẻ!

Nguồn Dr Azhar Sheikh
(copy từ nhà của BS Tuan Nguyen)

8 thg 1, 2014

Tiềm năng của con người - Chương 22

CHƯƠNG 22
TIỀM NĂNG CỦA CON NGƯỜI


Như trên, chúng ta đã thấy rằng luật nhân quả mang tính liên tục và luôn có sự tương tác, kết hợp giữa nhiều yếu tố phức tạp với nhau. Nói về tính chất liên tục của luật nhân quả thì mỗi một sự việc ta đã làm trong quá khứ đều tạo ra một nghiệp nhân nhất định và liên tục tiến đến gần hơn thời điểm kết quả của nó. Đồng thời, mỗi một hành vi ta đang làm trong hiện tại lại tiếp tục tạo ra nghiệp nhân để hình thành những kết quả trong tương lai. Và như vậy, dòng nhân quả cứ trôi chảy tương tục không có bất cứ một thời điểm nào gián đoạn. Mỗi một thời điểm bất kỳ trong đời sống của chúng ta đều là thời điểm gieo nhân và gặt quả. Hay nói cách khác, khi ta vẫn còn trong vòng sinh tử luân hồi thì mọi tư tưởng, hành vi của ta đều không thể ra ngoài sự chi phối liên tục của luật nhân quả.

Chính điều này đã dẫn đến việc có nhiều khuynh hướng trái ngược nhau có thể đồng thời xuất hiện và tạo nên một sự xung đột bên trong tâm hồn của một người.

Trong những cuộc soi kiếp của ông Cayce, những khuynh hướng về năng khiếu hay tánh tình của một người có thể truy nguyên từ những kinh nghiệm trong kiếp trước. Chẳng hạn như một người kia có những khuynh hướng về âm nhạc đã được tích lũy trong một kiếp trước, nhưng đồng thời cũng có khuynh hướng về ngành sư phạm từ một kiếp trước nữa. Thế là người này có cả hai khuynh hướng về hai ngành khác nhau là âm nhạc và giáo dục.

Những khuynh hướng khác biệt này gây ra một sự xung đột trong tâm hồn, khi người này buộc phải chọn lấy một nghề duy nhất. Ông sẽ làm nhạc sĩ hay giáo sư? Trong nhiều năm, ông bị giày vò bởi một sự lưỡng lự phân vân, không biết chọn lấy nghề nào. Sau cùng sự xung đột ngấm ngầm này phải được giải quyết bằng cách dung hòa cả hai khuynh hướng, hoặc phải từ bỏ một nghề và chỉ chọn lấy một nghề. Sự chọn lựa này đôi khi có thể là tùy theo ý muốn của đương sự, nhưng đôi khi cũng phải phụ thuộc vào hoàn cảnh hay các điều kiện cụ thể, chẳng hạn như nhu cầu tài chánh.

Còn có một sự xung đột khó khăn hơn nữa là khi đương sự chưa trừ bỏ được một tật xấu cũ. Chẳng hạn, một người có thói khinh ngạo từ kiếp trước, và trong kiếp sống đó đã từng lạm dụng quyền thế một cách độc tài đối với người khác. Trong một kiếp sau đó, người này phải đầu thai làm một đứa trẻ tàn tật sống trong một túp lều nghèo nàn. Thói khinh ngạo của ông đã phải nhận lãnh quả báo, và ông đã bắt đầu có thái độ khoan dung, ôn hòa hơn đối với mọi người. Nhưng thói khinh ngạo trong quá khứ vẫn chưa trừ bỏ hoàn toàn và hãy còn biểu lộ một phần nào. Bởi đó trong kiếp này, ông có hai khuynh hướng trái ngược nhau trong tâm tính. Khi thì ông có thái độ khinh ngạo, khi thì có lòng khoan dung.

Chính đương sự cũng biết rõ điều này, và mỗi khi ông nghĩ đến tình thương nhân loại thì ông cố gắng diệt trừ thói khinh ngạo còn tiềm ẩn trong lòng.

Nhưng phần nhiều, người ta không ý thức được vấn đề này. Các tập hồ sơ Cayce có chứa đựng rất nhiều trường hợp như trên, mà dưới đây là một trường hợp rõ rệt nhất.

Một người kia có hai khuynh hướng trái ngược nhau, khi thì khép chặt, cách biệt, lạnh lùng; khi thì lại rất hồn nhiên, cởi mở. Theo một cuộc soi kiếp cho người này thì điều đó có nguyên nhân từ hai loại kinh nghiệm khác hẳn nhau trong quá khứ. Trong một kiếp trước, ông là một tu sĩ thuộc một dòng tu kín của Anh quốc, và chính kiếp sống này đã tạo cho ông một tâm hồn khép chặt và cách biệt. Trong một kiếp trước nữa, ông là người tình nguyện tùng chinh trong cuộc Thánh chiến thời Trung Cổ; và kiếp đó đã giúp ông có tâm hồn cởi mở, yêu đời.

Sự trái ngược đó thường làm cho mọi người xa lánh ông, vì họ thấy khó hiểu được vì sao một người lại có tính khí thất thường như thế; mới hôm qua vừa vui vẻ hồn nhiên, nay đã tỏ ra thật lạnh lùng cách biệt!

Ông Aldous Huxley có thuật chuyện một tu sĩ người Ý hồi thế kỷ 17 tên là Pierre Claver, đã hy sinh tận tụy suốt đời để phụng sự những nô lệ da đen bị mua về từ châu Phi, thường bị dân bản địa ngược đãi và đối xử tàn nhẫn. Vị tu sĩ này thường khuyên những người da đen hãy nhẫn nhịn và cố gắng làm nhiều việc tốt để có một tương lai tốt đẹp hơn. Ông Huxley nói:

- Lời khuyên đó có vẻ như không đúng chỗ, nhưng biết đâu vị tu sĩ ấy có lý, vì cho dù ở vào hoàn cảnh nào con người cũng luôn cần phải biết chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ và hướng đến xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Những sự ngược đãi, hung ác, bất công của người khác đối với ta tuy là quả báo xấu của những hành vi bất thiện trong quá khứ, nhưng cũng có thể được xem như những cơ hội nhắc nhở chúng ta phải biết tránh xa những hành vi xấu ác và cố gắng nhiều hơn trong việc thực hiện các điều thiện.

Ông Huxley còn nêu ra một vấn đề rất quan trọng là đừng bao giờ nuôi cái ảo tưởng rằng ta là người hoàn toàn trong sạch và vô tội. Đa số chúng ta khi lâm vào những nghịch cảnh hay phải chịu đựng những nỗi đau khổ bất công thường nghĩ rằng mình là oan ức, vô tội và phải chịu thiệt thòi, chứ không nghĩ rằng đó là do ta đã từng gây ra những nỗi bất công và đau khổ cho kẻ khác. Chúng ta luôn tưởng rằng mình tốt lành và vô tội. Có lẽ là do thói kiêu căng vốn có từ nhiều kiếp trong mỗi con người.

Nhưng còn một lý do khác nữa, đó là sự lãng quên, một định luật tự nhiên đã khiến ta quên đi mọi sai lầm và tội lỗi trong quá khứ. Một người đàn bà nọ phàn nàn:

- Tôi luôn đối xử tốt lành với tất cả mọi người; nhưng người khác đối xử với tôi quá tệ bạc. Con người thật là bạc bẽo và vô ơn!

Ông Cayce đã trả lời bà ấy rằng:

- Phải, bà đã hết sức tốt lành và lương thiện, nhưng đó là những biểu hiện trong kiếp này, bởi vì bà nhận thấy rằng về phần thể chất bà không tốt đẹp; và bà chỉ có thể thâu phục được lòng người bằng những hành động tốt lành và vị tha. Nhưng đó chỉ là một đức tánh mà bà mới có đây thôi. Trong một kiếp trước, bà là người có một sắc đẹp duyên dáng, sắc xảo, mặn mà nhưng tâm địa rất độc ác! Cho nên, ngày nay bà chỉ gặt hái đúng những gì bà đã gieo trồng trong kiếp trước. Việc bà bị đối xử độc ác và bất công không phải là vô cớ, mà chính là quả báo của những hành vi độc ác mà bà đã gây ra đối với kẻ khác. Bà đã trồng hoa thơm quả ngọt suốt đời, nhưng bà chỉ hái lấy gai nhọn và trái đắng là những thứ mà bà đã gieo trồng trong kiếp trước. Mùa gặt sau sẽ đem lại cho bà những hoa thơm trái ngọt mà bà đã gieo trồng trong kiếp này. Trong khi chờ đợi, bà hãy vui lòng nhận lãnh những quả đắng và gai nhọn, nhưng đừng nên thối chí và hãy tiếp tục làm điều thiện một cách can đảm và đầy tin tưởng...

Những sự khổ đau và nghịch cảnh trong đời đều có thể xem như những cơ hội thử thách và rèn luyện tánh tình, cho dù đó là những tai ách bên ngoài như chiến tranh, dịch lệ, động đất, bão lụt... hoặc là những mối xung đột ngấm ngầm trong tâm hồn.

Chỉ khi nào khoa tâm lý học nhìn nhận rằng tất cả mọi sự đau khổ đắng cay, tai ương và nghịch cảnh của người đời đều có một ý nghĩa nhất định trong việc giúp con người tiến bộ nhiều hơn trên con đường hướng thượng thì ngành học thuật này mới có thể được xem là đã tiến được một bước tiến lớn.