15 thg 6, 2014

Sắc sắc không không

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/sac-sac-khong-khong-2136638.html

Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ. Nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.
Trần Thanh Giảng - 
Tôi có một ông chú rất yêu thích truyện kiếm hiệp Kim Dung. Và mỗi lần ngồi uống rược với ông, thường bàn về tiểu thuyết Kim Dung rất tâm đắc. Trong một lần ngà ngà say, ông hỏi tôi một câu, nếu phải nhận xét về Đoàn Dự và Mộ Dung Phục trong một câu, thì cháu nhận xét thế nào?
Cố nhiên tôi nêu ra vô số nhận xét, rằng Đoàn Dự là một chàng trai chung tình, là người tốt, người nghĩa hiệp, còn Mộ Dung Phục là độc ác, ích kỷ, kẻ tiểu nhân…
Ông nói với tôi, tất cả những gì cháu nhận xét đều đúng, nhưng ý nghĩa sâu xa trong hai nhân vật này thì cháu chưa lĩnh hội được. Những gì mà cháu nói thì ai cũng biết cả và đối với 2 nhân vật này, Kim Dung gởi gắm nhiều triết lý cuộc sống sâu xa hơn thế. Và đương nhiên, tôi chống tai lên nghe ông sẽ nói về hai nhân vật nổi tiếng này của Kim Dung...
Đạo Phật có một triết lý sâu sắc là “sắc sắc không không”. Trong Phật học kinh điển, ý nghĩa của nó có thể rất thâm thúy và khó hiểu. Tôi không có tham vọng giải thích tất cả những ý nghĩa của nó, chỉ nêu một số cảm nhận “sắc sắc không không” từ bộ truyện Thiên Long Bát Bộ.
Sắc sắc: nghĩa là có có, không không là “không có, không có”. Nói một cách dân dã, ý nghĩa của từ này là “có có không không” để diễn tả sự ‘không’ và ‘có’, một quan niệm tương đối. Có mà không, không mà có, khó lường lắm thay.
Trong cuộc sống diễn ra hằng ngày, không ai là có tất cả cũng như không ai là không có gì cả. Cái sự có không chỉ là tương đối. Nhiều khi không có gì tức là có tất cả, và có tất cả lại là không có gì cả. Chỉ là quan niệm suy nghĩ của mỗi người trước cuộc sống mới biết mình có hay không?
Triết học gia cổ đại của Hi Lạp Socrate có câu nói nổi tiếng, là: "Tôi chỉ biết một điều, là tôi không biết gì cả". Và người thông minh nhất là người tự nhìn nhận mình không biết gì cả. Trong cả hai trường hợp đó, ông “có” rất nhiều. Đó cũng là một phần nào của ý nghĩa “sắc sắc không không” trong Phật học
Trở lại với bộ truyện Thiên Long Bát Bộ, thông điệp “sắc sắc không không" được tác giả chuyển tải hoàn chỉnh trong hai nhân vật đối lập chính - tà là Đoàn Dự và Mộ Dung Phục. Đây là hai nhân vật xuyên suốt của bộ truyện và là tham dự nhiều mâu thuẫn ân oán.
Bây giờ ta hãy xem họ có gì, và không có gì? Tại sao họ không có mà tác giả cho là có và ngược lại
Mộ Dung Phục là con trai độc nhất của Mộ Dung Bác, là dòng dõi quý tộc của quốc gia Đại Yên đã bị diệt vong từ những đời trước. Mộ Dung Bác một đời muốn khôi phục lại nước Yên và gia tộc của mình nên đã nghĩ ra những mưu mô xảo quyệt, giây chiến tranh thù địch giữa các thế lực Trung Nguyên và các quốc gia lân cận. Ông ta chết đi (sau này mới biết là chết giả) khi sự nghiệp khôi phục yên quốc còn dang dở, và tất cả đại nghiệp của gia tộc gánh vác lên chàng trai Mộ Dung Phục.
Như vậy, cái có của Mộ Dung Phục là một tiếng tăm, danh gia vọng tộc, là con nhà quý phái. Điều này không phải tự nhiên mà người ta có được. Tự hào lắm thay!
Mộ Dung Phục là một chàng trai anh tuấn, luận về võ công và danh tiếng sánh ngang với Kiều Phong, chính vì vậy mà giang hồ có câu “Nam Kiều Phong, Bắc Mộ Dung’. Quả thật nhà Mộ Dung không phải là hư danh, bởi vì Mộ Dung Phục có môn võ là dùng võ người để đánh người, bởi vậy biết bao cao thủ đều bại dưới tay chàng.
Như vậy, Mộ Dung Phục có một thực tài, một tiếng tăm lừng lẫy, ít nhất người ngoài nhìn vào đều nghĩ anh ta có đủ tài lực để hoàn thành đại nghiệp.
Mộ Dung Phục có một tri kỷ Vương Ngữ Yên, người xinh đẹp bội phần, thông minh tuyệt đỉnh, và hết lòng vì chàng. Vương Ngữ Yên tuy không thích chuyện quốc gia đại sự, nhưng ép mình coi sách võ công để giúp ích cho Mộ Dung Phục. Và quả thật, những khi Mộ Dung Phục gặp khó khăn trong võ học thì được cô gái này chỉ điểm.
Mộ Dung Phục lại có những thuộc hạ toàn tài, và một lòng vì chàng. Đó là Bao Bấtt Đồng và Phong Ba Ác cũng nổi tiếng khắp thiên hạ
Đầu truyện, Kim Dung cũng ưu ái kể về lại lịch của Mộ Dung Phục một cách kỹ lưỡng và rõ ràng, ngay cách xuất hiện của chàng không phải tầm thường mà qua những lời kể của những nhân vật rồi mới đường đường xuất hiện khiến cho người đọc phần nào có cảm nhận tốt về nhân vật này.
Chính vì vậy Mộ Dung Phục cho rằng mình có tất cả, chàng nói “Không nam nam bắc bắc gì cả, trên đời này chỉ có Mộ Dung Phục ta”, chàng tuy chưa khôi phục Yến quốc nhưng lại đối xử với người khác như là bề trên đối xử với bề dưới, nhỏ nhen ích kỷ. Chàng không coi trọng tình yêu của Vương Ngữ Yên mà lấy cô giống như là con bài của mình.
Cuối cùng, Mộ Dung Phục vì cái danh háo đó mà làm hại mình, trở thành người điên điên khùng khùng, ngay cả người trước đây yêu thương mình cũng ra đi, bởi vì tham vọng quá mà hóa rồ.
Trong khi đó, Đoàn Dự giống như không có gì. Chàng tuy xuất thân là Vương gia nước Đại Lý, nhưng không chịu học võ công, nên bản lãnh tầm thương, tính tình hiền lành, và đi đâu cũng bị người khác chê bai ăn hiếp cho là ngờ ngạch (lời của Vương Ngữ Yên).
Chàng bị nhà sư Cưu Ma Trí ức hiếp đi lên phía Bắc lưu lạc giang hồ, đi đâu người ta cũng coi chàng là người chẳng đáng để kính trọng.
Nhưng tất cả trên hết, chàng có một tấm lòng đối tốt – hết lòng với mọi người, một tinh thần hiệp nghĩa, và một mối tình chung thủy với Vương Ngữ Yên, một tấm lòng xả thân vì bạn bè...
Kể từ lúc chàng gặp Mộ Dung Phục, chàng luôn kính phục Mộ Dung Phục, và tự trách bản thân mình kém tài nên không được Vương Ngữ Yên để ý tới.
Nhưng nhìn kỹ ra, chàng là người yêu thương Vương Ngữ Yên cao độ, và nhiều lần xả thân vì nàng, tình yêu của chàng cũng không toan tính. Vì yêu Vương Ngữ Yên mà chàng nhiều lần cứu cả Mộ Dung Phục, có thể gọi là tình địch của chàng.
Trong trận chiến Thiếu Lâm Tự, Đoàn Dự đã lột xác hết tất cả, cái không trong người chàng mất đi, trở thành cái có. Chính chàng ban đầu cũng nghĩ rằng mình không đủ bản lĩnh đối đầu với Mộ Dung Phục, và khi không có đường cùng chàng mới dùng sở trường để đánh. Một trận huyết chiến với Mộ Dung Phục đã thấy rõ tài năng cũng như bản chất hiệp nghĩa cao thượng của chàng. Trong khi đó, Mộ Dung Phục đã thể hiện rõ là một tên độc ác, tiểu nhân, không từ thủ đoạn để thực hiện đại nghiệp của mình...
Sự đời “sắc sắc không không” là chỗ đó. Mộ Dung Phục tuy bề ngoài có tất cả, nhưng bản chất bên trong lại không có gì, vậy mà anh lại lấy cái “không”, làm cái “có”, và tưởng rằng mình có tất cả. Từ đó có những hành động và suy nghĩ không được lòng người. Trịch thượng, cao ngạo, tiểu nhân không từ thủ đoạn và không có tình người.
Trong khi đó, Đoàn Dự bề ngoài có vẻ không có gì, nhưng chàng có tất cả, có một gia đình hạnh phúc, có tuyệt chiêu “Lục Mạch Thần Kiếm’, có cả một trái tim yêu thương, có một tấm lòng nghĩa hiệp, nhưng chàng lại không xem đó là của mình. Chàng lấy cái “không có gì” của mình để xử thế. Cuối cùng hóa ra chàng có rất nhiều.
Mộ Dung Phục lấy có mà hóa ra lại không. Còn Đoàn Dự lấy không có mà loại hóa ra có rất nhiều…
Trong xã hội có rất nhiều người cũng ảo tưởng như Mộ Dung Phục, và cũng có rất nhiều người ẩn mình như Đoàn Dự. Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ, nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.
Bởi vậy, không ai là có tất cả, cũng như không ai là không có gì. Cái có chỉ là ảo ảnh và hư danh, còn cái không trong đời mới là thực. Chính chúng ta sống, khiêm tốn lấy cái không có gì làm trọng, mới chính là có rất nhiều vậy.

8 thg 6, 2014

10 bài thuốc chữa bệnh từ cây nhọ nồi

10 bài thuốc chữa bệnh từ cây nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi còn có tên cỏ mực, hạn liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên. Dù là cây cỏ thường mọc hoang ở nhiều nơi nhưng theo dân gian cây nhọ nồi lại là một vị thuốc dễ kiếm rất hữu ích trong việc chữa bệnh.
Theo Đông y, cỏ nhọ nồi không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết, cầm máu, bổ thận, ích âm, thường dùng chữa trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, sốt cao, chảy máu cam, mề đay...

Đây là 10 bài thuốc chữa bệnh được đúc rút trong dân gian từ cây nhọ nồi để bạn đọc tham khảo:

1. Chữa chảy máu cam: Cỏ nhọ nồi 20g, hoa hoè sao đen 20g, 16g cam thảo đất, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.

2. Chữa viêm họng: Cỏ nhọ nồi và bồ công anh mỗi vị 20g, 12g củ rẻ quạt, 16g kim ngân hoa, 16g cam thảo đất, sắc lấy nước uống. Uống mỗi ngày một thang. Dùng trong 3 - 5 ngày.

3. Chữa sốt cao: Cỏ nhọ nồi, sài đất, củ sắn dây mỗi vị 20g, 16g cây cối xay, 12g ké đầu ngựa, 16g cam thảo đất, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.

4. Chữa mề đay: Nhọ nồi, rau diếp cá, lá xương sông, lá huyết dụ, lá khế, lá dưa chuột, lá nhài giã nát, cho nước vào rồi vắt lấy nước uống. Bã còn lại dùng để xoa, đắp vào chỗ sưng.

5. Chữa sốt phát ban: Cỏ nhọ nồi 60g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 4 lần uống trong ngày.

6. Chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, ăn không ngon: Cỏ nhọ nồi, mần trầu mỗi vị 100g, gừng khô 50g, các vị chặt nhỏ sao sơ, khử thổ, đổ vào 3 chén nước dừa tươi, nấu còn 8 phân, uống ngày 2 lần.

7. Chữa bạch biến: Nhọ nồi 30g, sa uyển tử 15g, hà thủ ô 30g, bạch chỉ 12g, đương quy 10g, xích thược 10g, đan sâm 15g, đảng sâm 15g, bạch truật 10g, thiền thoái 6g các vị rửa sạch đem sắc uống ngày 1 thang, mỗi đợt uống 15 ngày.

8. Trị Eczema trẻ em: Cỏ nhọ nồi 50g, sắc lấy nước cô đặc, bôi chỗ đau. Thường 2 - 3 ngày sau là dịch rỉ giảm rõ ràng, đóng vẩy, đỡ ngứa, khoảng 1 tuần là khỏi.

9. Chữa gan nhiễm mỡ: Cỏ nhọ nồi 30g, nữ trinh tử 20g, trạch tả 15g, đương quy 15g. Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm: Cát căn 30g, chỉ củ tử 15g, bồ công anh 15g; Người béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: đại hoàng 6g, lá sen 15g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang.

10. Chữa sốt xuất huyết nhẹ: Cỏ nhọ nồi 20 g, lá trắc bá sao đen 12 g, hoa hòe sao đen 12 g, củ hoặc lá sắn dây 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày 1 thang.
An ninh thủ đô

Bài thuốc đơn giản rẻ tiền trị cảm cúm

Bài thuốc đơn giản rẻ tiền trị cảm cúm Mất khoảng 20 phút, và chưa tới 10.000 đồng một ngày, bạn đã có bài thuốc trị cảm cúm hiệu nghiệm đến bất ngờ. Tất cả những thứ bạn cần là quất, nghệ và mật ong. 
Đây là bài thuốc "Quân bình âm dương" của giáo sư Bùi Quốc Châu được ông giới thiệu năm 1979, khiến những ai từng dùng đều ngạc nhiên vì sự đơn giản, an toàn, tính kinh tế và trên hết là hiệu quả của nó.
Bài thuốc này được bác sĩ chỉ định chữa các bệnh do nóng hay lạnh như cảm lạnh, cảm nóng, viêm mũi họng, viêm xoang…

Công thức:

  • Nghệ xà cừ (khi cạo vỏ thấy màu vàng sậm): Một củ bằng ngón chân cái người bệnh. Nghệ tính dương.
  • Quất tươi xanh (không dùng quất chín): một quả. Quất có tính âm.
  • Mật ong: 3 thìa cà phê (hoặc đường phèn).
  • Nước nóng: 1/2 chén.

Cách làm:

- Nghệ cạo vỏ, giã nhỏ. Quất cắt đôi, để nguyên hột, bỏ vào bát, thêm 3 thìa mật ong và 1/2 chén nước đem chưng cách thủy 15 phút. Uống ấm sau 2 bữa cơm chính trong ngày (2 lần một ngày). Không dùng trước khi ăn.
- Liều dùng: Người lớn 5 thìa cà phê một lần (có thể ăn cả xác nghệ và quất). Trẻ em: 2-3 thìa cà phê một lần. Trẻ sơ sinh bú mẹ: Mẹ uống rồi cho con bú.
Thuốc dùng xong có thể cất trong tủ lạnh để dùng tiếp. Uống đến khi hết triệu chứng bệnh.
Theo kinh nghiệm của các bệnh nhân, thông thường, tới cuối ngày thứ hai bệnh bắt đầu chuyển biến, các biểu hiện đau họng, sổ mũi bắt đầu thuyên giảm. Trong đa số trường hợp, cuối ngày thứ ba người bệnh khá lên rất nhiều. Nhiều cháu bé phải sang ngày thứ tư mới thấy cải thiện nhưng sau đó bệnh lui rất nhanh.
Các mẹ có con nhỏ, khi đi chơi xa nên mang theo quất, nghệ, mật ong để nếu cần là có thể dùng ngay. Hy vọng bài thuốc này sẽ thực sự hữu ích cho các bạn và người thân.

Lưu ý:

- Với bệnh lạnh và người hư nhược, yếu ớt phải giảm liều quất xuống còn 1/2 quả.
- Với bệnh nóng thì tăng liều quất lên thành 2 quả và giảm liều nghệ xuống còn 1/2 đốt ngón tay út.
- Thuốc này thơm ngon và công hiệu nhưng cũng không nên lạm dụng vì sẽ bị phản tác dụng.
- Dấu hiệu bệnh nhiệt (nóng): Không sợ trời lạnh, không sợ gió, không sợ nước lạnh, hơi thở nóng, môi khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, khát nước, tiểu nóng, vàng. Mạch cổ tay đập nhanh, mạnh.
- Dấu hiệu bệnh hàn (lạnh): Ngược lại với các dấu hiệu trên, sợ khí hậu lạnh, sợ gió, sợ nước lạnh, hơi thở lạnh, môi khô, lưỡi không đỏ, rêu lưỡi trắng, không khát nước, tiểu trong. Mạch cổ tay đập chậm, yếu.
Bác sĩ Thu Thủy