13 thg 4, 2015

Sự khác biệt giữa thiền chỉ và thiền Vipassanā




Thiền chỉ có nghĩa là vắng lặng và Vipassanā có nghĩa là nhìn thấu vào bên trong. Đây là hai trình độ của sự phát triển tâm linh và thông qua sự thực tập, qua đó tâm của con người có khả năng để phát triển hơn nữa và trở nên hoàn thiện.
Những người đã phát triển tâm của mình đến mức hoàn thiện được gọi là các vị Thánh A-la-hán. Đức Phật-  vị Thánh A-la-hán đầu tiên của kỷ nguyên của chúng ta - nói, “Nếu con người siêng năng thực hành chánh niệm và tỉnh giác một cách liên tục, thế giới này sẽ không vắng bóng các bậc Thánh A- la –hán.”

Chúng ta bắt đầu việc ngồi thiền bằng cách thực hành thiền vắng lặng. Đầu tiên, chúng ta chọn một đề mục thiền thích hợp. Trong Phật giáo, có khoảng 40 đề mục được đề nghị để sử dụng cho việc thực hành thiền vắng lặng, và hơi thở là một đề mục phổ biến.
Sau khi chọn một đề mục thích hợp, bạn tìm một chỗ thích hợp, ít bị quấy rầy để thực hành. Ngày nay, thật khó tìm được một nơi hoàn toàn yên tĩnh, không có tiếng ồn của xe cộ, ti vi và chuyện trò ồn ào của cuộc sống thường nhật, nhưng chúng ta nên tìm sự yên tĩnh mà chúng ta có thể tìm thấy trong nhà chúng ta.

Chúng ta ngồi trên gối, hai tay đặt vào lòng, hai chân bắt chéo nếu bạn có thể ngồi được như vậy (điều quan trọng là bạn hãy khởi sự thực tập cho dẫu bạn không thể ngồi được tư thế kiết già). Nếu bạn muốn hoặc cần ngồi trên ghế, cũng tốt nữa, nhưng hãy cố gắng giữ lưng cho thẳng.

Bây giờ, hãy nhẹ nhàng nhắm mắt lại, chú tâm hoàn toàn vào đề mục thiền của bạn. Hãy thư giãn mọi bắp thịt trong cơ thể của bạn, thả lỏng mọi sự căng thẳng hoặc căng cứng. Hãy thở một cách tự nhiên. Ngồi yên như vậy cho đến khi bạn cảm nhận được sự định tĩnh và bạn kinh nghiệm được trạng thái tâm vắng lặng. Cố gắng thực hành như vậy tối thiểu vài phút mỗi ngày.

Đây là cách để phát triển sự an tịnh, học để chú tâm vào một đề mục hoặc một điểm để tâm ý tập trung vào đó. Bạn phải cố gắng giữ cho tâm mình tập trung vào một đề mục, trong trường hợp này là hơi thở vào và hơi thở ra. Hãy để cho hơi thở trôi chảy một cách tự nhiên, thanh thản và êm dịu.

Thực hành Vipassanā thì hoàn toàn khác. Vipassana về cơ bản, có nghĩa là chia ra hoặc tách ra. Nó là kết quả của quá trình thực tập và phát triển chánh niệm và tuệ giác. Ở đâu có chánh niệm ở đó có tuệ giác. Đó là lý do tại sao thiền quán còn được gọi là thiền tuệ. Qua việc thực hành Vipassanā, hành giả có thể thấy rõ ba đặc tướng của sự hiện hữu là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, không có linh hồn.

Không giống thiền vắng lặng hay thiền chỉ (samatha), trong thiền Vipassanā, hành giả phải chú tâm vào các đối tượng sanh khởi, càng nhiều càng tốt. Chúng ta thường nhận biết nhiều đối tượng khác nhau thông qua các cửa giác quan của chúng ta. Qua mắt, chúng ta tiếp xúc với (thấy) những vật hữu hình (cảnh sắc), qua tai chúng ta tiếp xúc với âm thanh, qua mũi chúng ta tiếp xúc với mùi, qua lưỡi chúng ta tiếp xúc với vị, qua thân thể chúng ta xúc chạm với những đối tượng hữu hình và qua tâm chúng ta tiếp xúc với những đối tượng mà tri giác nhận biết được (đối tượng của tâm). Tất cả đều sanh khởi do nhân duyên. Nếu hành giả hướng sự chú tâm đến thời điểm tiếp xúc (thời điểm mà chủ thể, đối tượng và ý thức gặp nhau hay sự ghi nhận trong khoảnh khắc hiện tại), hành giả có thể hiểu được bản chất của các cảm thọ, thủ cũng như tham ái.

Với một sự hiểu biết vào bản chất của sự vật như vậy, hành giả có thể đi đến kết luận rằng chẳng có gì đáng để ôm giữ như là của ta và “ chẳng có gì là của ta, tất cả mọi thứ chẳng phải là ta, tất cả mọi thứ chẳng phải là cái Ngã của ta, mọi thứ đều vô thường, mọi thứ đều bất toại nguyện và mọi thứ đều vô ngã, không có linh hồn.”
Qua sự quán chiếu như vậy, hành giả sẽ không còn cảm thấy có những ham muốn bám níu vào bất cứ điều gì cũng như không xua đuổi bất cứ điều gì, hành giả sẽ sống hạnh phúc và an vui trong xã hội như một đóa sen nở trong hồ. Rễ của nó có thể tìm thấy trong bùn, nhưng hoa thì tinh khiết và trong sạch.

Tương tự như vậy, chúng ta sinh ra trong một thế giới đầy đau khổ, nhưng nếu chúng ta có đủ chánh niệm và phát triển trí tuệ, tánh giác chúng ta sẽ đơm hoa. Vậy, đây là những gì khác biệt trong việc thực hành thiền vắng lặng (samatha), trong đó chúng ta chỉ lấy một đối tượng (làm đề mục), trong khi với Vipassanā, chúng ta ghi nhận càng nhiều đối tượng càng tốt. Đó chính là sự khác biệt.


Chuyển ngữ: Pañña Dīpa Tuệ Đăng

11 thg 4, 2015

Nhịp tim cho biết gì?



● Trái tim bạn là trung tâm của hệ tuần hoàn và cơ quan làm việc rất cần mẫn. Nếu là người trưởng thành, tim của bạn có thể đập hơn 100.000 lần mỗi ngày. Ngay cả khi bạn nghỉ ngơi, cơ tim cũng làm việc chăm chỉ—gấp đôi cơ chân khi bạn chạy nước rút. Và khi cần, tim bạn có thể tăng tốc gấp hai lần trong vòng năm giây. Ở người lớn, lượng máu tim bơm thay đổi từ 5 lít một phút—5 lít là xấp xỉ lượng máu trong cơ thể—đến 20 lít một phút khi bạn tập thể dục.
Nhịp tim của bạn được điều khiển bởi hệ thần kinh, hệ thống được thiết kế vô cùng tuyệt vời. Hệ thần kinh đảm bảo ngăn trên của tim (tâm nhĩ) co bóp trước ngăn dưới (tâm thất), bằng cách làm cho tâm thất co bóp sau tâm nhĩ chỉ một phần nhỏ của giây. Điều đáng lưu ý là tiếng “thịch thịch” mà bác sĩ nghe qua ống nghe là tiếng của van tim đóng lại, chứ không phải tiếng co bóp của cơ tim.

Đập một tỷ lần

Thông thường, tần số tim đập của con vật tỉ lệ nghịch với kích thước cơ thể nó—nghĩa là con vật càng lớn thì tần số càng chậm. Chẳng hạn, trung bình tim con voi đập 25 nhịp/phút, trong khi tim của chim hoàng yến đập khoảng 1.000 nhịp/phút! Nhịp tim con người lúc mới sinh là khoảng 130 mỗi phút, giảm xuống khoảng 70 khi trưởng thành.

Đa số động vật có vú dường như sống cho đến khi tim đập khoảng một tỷ lần. Vì vậy, một con chuột, tim đập khoảng 550 nhịp/phút, có thể sống gần 3 năm; trong khi cá voi xanh, tim đập khoảng 20 nhịp/phút, có thể sống hơn 50 năm. 

Con người là ngoại lệ. Nếu tính theo nhịp đập của tim, tuổi thọ của chúng ta chỉ khoảng 20 năm. Tuy nhiên, trái tim của người khỏe mạnh có thể đập đến 3 tỷ lần hoặc hơn, vì thế người đó sống hơn 70 hoặc 80 tuổi!*

25 thg 3, 2015

Kinh nghiệm quý chữa lành vết thương mưng mủ bằng lá bàng


Đây là những kinh nghiệm thực tế sử dụng lá bàng chữa lành vết thương được rút ra từ độc giả sau khi đọc sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GSTS Đỗ Tất Lợi.
Năm 1983, tôi có đọc quyển “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” và rất tâm đắc với nội dung “Cây bàng dùng để chữa sâu quảng: lá đun nước ngâm vết thương , búp sao lên, tán thành bột rắc”. Tôi đã áp dụng thành công và xin kể lại 5 trường hợp điển hình sau.
Trường hợp 1: Năm 1983, khi tôi đi Liên xô thực tập 4 tháng về thì thấy con trai 2,5 tuổi chân bị lở tung với các mụn mủ có đường kính khoảng 1cm, bôi Xanh mêtylen đầy 2 chân. Chị tôi trông cháu ở nhà bảo “Bế đi khắp nơi rồi đấy mà không khỏi”.
Nhớ lại bài thuốc của thầy Đỗ Tất Lợi, tôi đun nước lá bàng đổ vào chậu rồi cho cháu ngâm lúc lắc chân trong đó khoảng 20 phút.
Thật kỳ lạ, khi nhấc chân cháu khỏi chậu, tất cả các mụn ở chân không còn tý mủ nào cả (do tanin trong lá bàng đã kéo mủ ra ngoài chậu, để lại những vết loét rất sạch).
Tôi bôi thuốc mỡ Cloroxít cho cháu, sau 1 tuần (mỗi ngày ngâm một lần cho đến khi các mụn se, khô) thì 2 bàn chân cháu trắng trẻo như chưa từng bị mụn bao giờ.
Trường hợp 2: Khoảng năm 1990, chú lái xe cơ quan tôi bị bỏng xăng 2 chân, từ đầu gối tới bàn chân. Tôi gặp chú ở Bệnh viện thấy hai chân đầy mủ, đau đớn.
Vợ chú đã lấy bông và nước ôxi già rửa nhưng không sao lấy được mủ ra.Tôi mách bảo đi mua 2 xô to, mỗi ngày đun 2 xô nước lá bàng cho chú ấy ngâm lúc lắc chân trong đó. Kết quả, mủ tự ra, vết thương rất sạch kết hợp bôi thuốc Bệnh viện cho mà lành rất nhanh.
Trường hợp 3: Năm 2006, bác hàng xóm đã 70 tuổi bị lở hết trong miệng, lan vào trong họng, miệng lúc nào cũng há ra, mặt mũi nhăn nhó. Bác đã uống rất nhiều Vitamin C, PP, kháng sinh mà vẫn không khỏi.Tôi sang chơi, thấy vậy, mách bác lấy lá bàng non và búp lá bàng đun 1 ca nước rồi súc miệng. Bác đã làm vậy và chỉ 2 lần súc là khỏi.
Trường hợp 4: Năm 2007, khi dịch lở mồm long móng bùng phát, chú Ph. ở cơ quan nhà tôi có 6 con lợn gần 1 tạ sắp xuất chuồng thì bị lở mồm long móng.
Tôi bảo với Ph., thú y họ làm gì cứ để họ làm còn mình thì ôm lá bàng về, chọn lấy lá bánh tẻ và lá non thôi (lá già không có nhựa đâu), đun một nồi to nước lá bàng, đẻ âm ấm rồi cứ 3 tiếng một lần lấy ca múc đổ vào mõm và chân cho lợn, thế nào chúng cũng khỏi thôi.
Nếu có nhiều nước lá bàng thì đổ vào chuồng sát trùng càng tốt. Kết quả là sau một tuần, 6 con lợn đã khỏi và tôi được Ph. biếu 1kg cá dìa (loại cá cao cấp ở Huế).
Trường hợp 5: Một thầy giáo trường tôi bị vết ngứa và ra nước ở bụng dài 10cm, rộng 3cm rất khó chịu, đã bôi 27 tuýp thuốc mỡ mà không khỏi.
Tôi đưa lá bàng cho thầy bảo đun nước rửa thử xem thế nào. Sau 2 lần rửa bằng nước lá bàng, vết thương đã khỏi hoàn toàn.
Tôi vô cùng biết ơn GSTS Đỗ Tất Lợi vì thầy đã cho tôi bài thuốc quý. Tôi cũng mong bài thuốc này được phổ biến rộng rãi để nhiều người biết mà áp dụng .