21 thg 2, 2012

Bài thuốc dân gian đáng lưu ý chữa ung thư và tim mạch




Bài thuốc dân gian đáng lưu ý

Tương truyền bài thuốc này do một vị tử tù trước lúc chết 3 ngày sợ thất truyền mới tiết lộ bí mật gia truyền (!). Điều đó chưa biết đúng sai, nhưng thực tế bài thuốc đã được nhiều người sử dụng và được đánh giá là một nguồn dinh dưỡng - dược liệu hỗ trợ tích cực cho việc điều trị bệnh ung thư và tim mạch. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:
Thành phần gồm:
1. Hồng táo: 8 quả lớn hay 10 quả nhỏ.
2. Bán chi liên: 1 lạng.
3. Bách hoa xà thiệt thảo: 2 lạng.
4. Bồ công anh: 2 lạng.
5. Lá thiết thụ (lá đu đủ): 1 ngọn (1 lá cả cọng).




Bán chi liên
Cách nấu và liều dùng:
- Lần thứ nhất: nấu 2 giờ liền, từ 2 lít còn lại 1,5 lít, để riêng ra.
- Lần thứ hai: nấu 2 giờ, 2 lít còn 1 lít.
Sau đó hòa nước đã nấu hai lần lại với nhau làm nước uống hằng ngày như ta vẫn dùng nước trà. Có thể uống liên tục trong 3 tháng.

- Lưu ý: Đây là bài thuốc dân gian, nếu cần thiết thì nên tham khảo ý kiến các nhà dược học. Tuy nhiên qua thực tế cho thấy có nhiều trường hợp bài thuốc có tác dụng tốt. Sau khi uống nếu thấy có lẫn máu trong phân hay nước tiểu thì không phải lo ngại.
Bán chi liên là loại dược liệu thanh nhiệt có tác dụng thải chất bẩn ra ngoài. Vì vậy uống xong thuốc không nên uống thêm nước nóng vì sẽ làm mất hiệu nghiệm của thuốc.

Sưu tầm

Bài thuốc quí chữa bệnh đường ruột trẻ em


Bài thuốc quí chữa bệnh đường ruột trẻ em


Bài thuốc “liêu trai”



Tình trạng trẻ em loạn khuẩn do dùng thuốc kháng sinh hiện rất phổ biến. Hậu quả là trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu và đã có nhiều trường hợp tử vong. Bài thuốc cực kỳ đơn giản, không độc hại sau đây của Thầy thuốc nhân dân, BS Nguyễn Xuân Hướng (ảnh), Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam hy vọng sẽ giúp các bé vượt qua những khó khăn đầu tiên của cuộc đời.
Duyên kỳ ngộ

Một ngày cuối năm, chúng tôi ngồi nghe BS Nguyễn Xuân Hướng, kể về duyên kỳ ngộ của ông với bài thuốc chữa đi ngoài ra máu ở trẻ em. Câu chuyện nhuốm một màu liêu trai, khiến ai đã một lần nghe thì khó có thể quên được.

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp bác sĩ Đông y ở Trung Quốc, ông Hướng về Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô công tác. Tại đây, ông gặp lương y Nguyễn Văn Đặng, quê ở Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc. Năm đó, lương y Đặng công tác tại Viện Đông y, nay gọi là Viện Y học cổ truyền Việt Nam. Trong hồi ức của ông Hướng, cụ Đặng là người đã tham gia viết nhiều quyển sách, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cuốn Bào chế Đông dược, nay là cẩm nang của những người theo nghề Đông y.

Đó là một lương y giỏi và đức độ của đất nước. Cụ được điều động sang Bệnh viện Hữu nghị để chăm sóc sức khoẻ cho các cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước. Ông Hướng hồi tưởng: “Cách xem mạch của cụ rất hay. Trong cả cuộc đời làm thuốc, tôi chưa thấy ai bắt mạch chuẩn như vậy. Cụ nói ai chết, người đó khắc chết, ai sống tức là sẽ khỏi bệnh, không chệch vào đâu được”.

Hàn huyên ngày nọ năm kia, mới hay cả hai đều sinh trưởng trong gia đình trên dưới chục đời làm thuốc. Có điều, cụ Đặng mang nỗi buồn là chẳng có con cháu nào chịu theo nghề. Vậy nên, có một bài thuốc Nam gia truyền, cụ chẳng biết truyền cho ai. Đó là một bài thuốc đơn giản, nhưng lại chữa được chứng bệnh nguy hiểm của trẻ: chứng đi ngoài ra máu. “Tôi bàng hoàng vì bỗng nhiên cụ đồng ý sẽ truyền cho tôi - chỉ một mình tôi, như lời cụ nói”.

Một bài thuốc ba vị

Bài thuốc chỉ gồm 7-9 lá mơ tam thể, 3 lá huyết dụ, 2 lóng mía đỏ.

Mía đỏ nướng chín rồi bỏ vỏ, chẻ nhỏ. Dùng dao nứa thái lá huyết dụ và lá mơ tam thể rồi sao vàng, hạ thổ. Nếu hạ thổ trên nền gạch và nền đá thì trải một tờ báo ra, đổ thuốc đã sao vàng, có mùi thơm, sau đó lấy bát sắt hoặc bát sứ úp lại.

Đợi một thời gian, cho thuốc vào nồi sắc. Cách sắc cũng rất thông thường: đổ một bát nước, sắc lấy 2/3 bát, chia hai lần cho trẻ uống trong ngày (dùng trong 3 ngày). Bài thuốc này chỉ áp dụng cho trẻ bị đi ngoài có phân như máu mũi. Theo ông Hướng, cho đến khi truyền lại bài thuốc này, cụ Đặng mới chỉ dùng bài thuốc điều trị cho 20 trường hợp nhưng hiệu quả thì cực kỳ tốt.

Bài thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân đi ngoài ra máu do nguyên nhân: Theo cách nói của Đông y, đó là do tì vị của đứa trẻ bị hư; theo cách nói của Tây y là do trẻ dùng quá nhiều kháng sinh mà bị loạn khuẩn, sinh ra bệnh. Bài thuốc không có tác dụng cho các trường hợp bệnh do vi khuẩn gây ra.

Phảng phất liêu trai

“Ngày truyền bài thuốc cho tôi, cụ Đặng dặn: “Đây là bài thuốc gia truyền của bao nhiêu đời nhà tôi. Giận nỗi con tôi theo nghề mộc, không chịu làm nghề y nên tôi không thể để bài thuốc mai một được. Tôi truyền cho đồng chí, và phải đem bài thuốc giúp người. Có điều, nếu cần giúp ai, đồng chí phải tự tay sắc thuốc rồi mang đến cho người bệnh. Nếu đồng chí để người ta tự làm lấy thì bài thuốc sẽ không còn tác dụng”. Tôi nghe, biết thế” – BS Hướng kể.

Mà đúng thế thật. Ngày truyền lại bài thuốc cho ông Hướng, lương y Đặng trực tiếp hướng dẫn ông chữa trị cho một cháu bé. Tại Khoa Đông dược của Bệnh viện Hữu nghị, ông Hướng đã sắc bài thuốc đầu tiên, và rất hiệu nghiệm. Từ đó, trong vòng nhiều năm, ông Hướng chỉ điều trị rải rác cho một vài cháu bé con nhà người quen nên bài thuốc vẫn “nằm yên” một chỗ. Thế rồi sau đó, công tác quản lý khiến ông Hướng bận rộn.

Và một lần, con của một cô y tá bị loạn khuẩn, ông Hướng không có thời gian để sắc thuốc cho bé, ông liền hướng dẫn mẹ bé sắc thang thuốc gia truyền của cụ Đặng. Ông đã phạm phải một sai lầm: con của cô y tá thì khỏi bệnh, nhưng từ đó, ông không dùng được bài thuốc đó nữa. Tay ông đã hết thiêng, chẳng có trường hợp nào ông chữa mà khỏi cả! “Tôi không biết lý giải thế nào, và chỉ biết tự trách mình, vì cụ Đặng đã dặn dò kỹ lưỡng mà lại không làm theo”. Cũng có một vài lần, ông bày cho người khác làm, ai dùng cũng khỏi.

Cuối cùng, ông Hướng đã có một quyết định: truyền bài thuốc này lại cho tất cả mọi người. “Vậy nên hôm nay, tôi quyết định truyền bài thuốc này cho tất cả mọi người. Với tư cách là một thầy thuốc, tôi khẳng định bài thuốc không hề độc. Lá mơ tam thể, lá huyết dụ và kể cả mía đỏ, chúng ta vẫn ăn hàng ngày. Trong khi đó, bệnh loạn khuẩn do lạm dụng kháng sinh ở trẻ hiện nay đang ngày một nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Tại sao các phụ huynh, các thầy thuốc không thử?”.

- Mơ tam thể còn có tên gọi là dây mơ lông, là một thứ dây leo, lá mọc đối, hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài. Hoa tím nhạt, tràng hình ống mọc thành xim kép ở kẽ lá hoặc đầu cành. 

 Quả hình cầu, có đài. Lá mơ tam thể được dùng để chữa lỵ trực trùng Shiga: 30-50g lá mơ tam thể lau sạch, thái nhỏ trộn với một quả trứng gà. Bọc lá chuối đem nướng hoặc đặt lên chảo rán (không có mỡ) cho thơm. Ngày ăn 2-3 lần trong 5-8 ngày.


- Huyết dụ thuộc họ Hành tỏi, có hai loại: loại lá đỏ cả 2 mặt và loại lá mặt đỏ mặt xanh (dùng loại toàn đỏ tốt hơn). Nhân dân dùng làm thuốc cầm máu, chữa lỵ, lậu, xích bạch đới, dùng cho trường hợp băng huyết sau đẻ.


- Nước mía có tác dụng tiêu đờm, hết khát, bổ dưỡng.

 
Theo Khoa học & Đời sống

14 thg 2, 2012

Các bài thuốc chữa bệnh gut

Bài thuốc chữa bệnh Gut của người Sán Dìu
(nguồn: http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/293597)
Một số bạn biết tôi có thâm niên bệnh gut khoảng 15 năm. Đọc sách về gut đã nhiều, quen các bác sĩ cũng lắm. Sưu tầm nhiều bài thuốc Nam chữa bệnh gut được kha khá.

Thuốc tây thì dứt cơn đau nhưng không khỏi bệnh.

Thuốc Nam cũng thế nhưng ít ai biết đến các tác dụng phụ của thuốc. Ví dụ bài chuối hột + củ ráy làm lợi tiểu, kháng viêm khớp và làm mất luôn nhiều chất vi lượng trong máu, dẫn đến hại tim. Ví dụ lá sa kê cũng chữa gút nhưng lại làm cho ông đàn ông bớt đàn ông, uống nhiều ông có thể biến thành... bà!

Có người bày uống nước gừng, lấy căn cứ là người Nhật ăn nhiều hải sản nhưng rất hay dùng gừng nên ít bị bệnh gut.

Vân vân và vân vân. Rất nhiều bài thuốc Nam theo kinh nghiệm, ai hợp thì tốt, không hợp thì lại đi tìm bài thuôc khác.

Giáo sư Thuận Nghĩa phổ biến rất nhiều bài thuốc hay, song hình như chưa nói gì về gut.

Tết vừa rồi, tôi đến thăm anh Đoàn Ngọc Bông, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Việt nam. Anh Bông rót ly rượu ngoại mời mà tôi không uống, lấy cớ bị gut. Anh Bông liền phổ biến bài thuốc chữa gút của người dân tộc Sán Dìu (bản thân anh Bông là người dân tộc Tày) mà anh đã áp dụng rất hiệu quả. Tôi từng chứng kiến anh Bông uống rượu như điên!

Ra Tết, chọn khoảng thời gian một tháng không đi đâu, tôi bắt đầu "uống" bài thuốc của người Sán Dìu.

Bài thuốc rất đơn giản: Đậu xanh để nguyên vỏ, ninh nhừ, không cho thêm bất cứ thứ gì (muối, đường, gia vị...) sáng ngủ dậy ăn một bát (chén ăn cơm loại trung bình) và tối ăn bát thứ 2. Sáng thì thay ăn sáng, tối ăn trước khi đi ngủ. Tùy khẩu vị, có thể nấu khô hoặc nhão. Không kiêng cữ gì. Các bữa trong ngày ăn uống bình thường.

Ăn liên tục như vậy trong 30 ngày là xong "cua điều trị". Một lạng rưỡi đậu xanh ăn hai ngày, 30 ngày hết chưa tới 2,5kg, chi phí không đáng kể, chủ yếu là cần kiên trì và quyết tâm vì ăn tới ngày thứ 3 là bắt đầu ngán!

Đậu xanh, theo đông y, là lành, mát, khử độc. Chưa có tài liệu nào nói về khả năng chữa bệnh gút của đậu xanh.

Nhưng tôi đã dùng bài thuốc của người Sán Dìu, thấy tốt nên viết lên đây phổ biến cho những ai "đồng bệnh tương liêu".

Các bài thuốc đông y chữa gut:



Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh gút là khí huyết suy yếu khiến ngoại tà xâm nhập cơ thể, gây nghẽn tắc kinh lạc. Hậu quả là khí huyết rối loạn, tà độc tích tụ ở các khớp, gây đau nhức, vận động khó khăn.
Gút (thống phong) là một dạng bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa purine gây nên. Biểu hiện chủ yếu là: khớp xương sưng tấy, nóng đỏ, đau nhức kịch liệt, tái phát nhiều lần. Bệnh lâu ngày có thể dẫn đến dị dạng khớp, nổi u cục quanh khớp và dưới da, sỏi thận, suy thận...

Trong Đông y, thống phong là một loại bệnh Tý (chỉ trạng thái kinh mạch, xương khớp bị nghẽn tắc, đau nhức, vận động khó khăn). Đau xuất hiện ở khắp các khớp xương, đau ghê gớm như bị hổ cắn, nên còn gọi là chứng “Bạch hổ lịch tiết phong” (“lịch” là khắp cả, “tiết” chỉ khớp xương).
Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh tà sẽ thâm nhập vào sâu bên trong, gây tổn thương các tạng phủ, chủ yếu là hai tạng can, thận. Bệnh kéo dài lâu ngày khiến công năng của các tạng phủ suy yếu dần, khí huyết bị ứ trệ hóa thành cục “đàm” - đọng lại quanh các khớp dưới dạng những khối u. Đông y gọi những khối u đó là “thống phong thạch” (đá thống phong).
Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã nhận thấy thống phong có những biểu hiện bệnh lý rất phức tạp, không thể chỉ dùng một phương thuốc cố định mà chữa khỏi. Các bài thuốc gia truyền, kinh nghiệm dân gian tuy có thể mang lại một số kết quả trị liệu nhất định nhưng ít khi chữa khỏi hoàn toàn, tận gốc. Những người không hợp thuốc còn gặp tác dụng phụ ngoài mong muốn. Vì vậy, cần căn cứ vào các chứng trạng cụ thể để phân loại bệnh và sử dụng các phép trị, bài thuốc tương ứng:
Thể thấp nhiệt nghẽn tắc kinh mạch

Khớp xương đột nhiên bị sưng tấy, nóng đỏ, xung huyết, khó cử động, đau kịch liệt - gân như bị xé, xương như muốn nứt ra. Bệnh thường phát nặng vào ban đêm, kèm theo sốt cao, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.

Dùng phép chữa thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết thông lạc: Phòng phong, hạnh nhân, liên kiều, tàm sa, xích tiểu đậu, khương hoàng, hải đồng bì, sơn chi mỗi thứ 10 g, ý dĩ nhân 30 g, hoạt thạch 15 g, bán hạ 6 g. Sắc kỹ với nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Nếu khớp xương nóng đỏ nhiều, thêm nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 30 g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 10 g. Nếu đau nhiều, thêm uy linh tiên 15 g, nhũ hương 6 g, cùng sắc uống.
Thể huyết ứ đàm trở
Bệnh kéo dài nhiều ngày, hay tái phát, khớp xương bị biến dạng và cứng lại, vùng da quanh khớp xương đen sạm, đau kịch liệt ở một số vị trí cố định, chân tay tê dại, khó co duỗi. Khi bệnh phát nặng, khớp xương có thể bị sưng, đau, nóng, đỏ, người phát sốt, khát nước, tiểu tiện sẻn đỏ; hoặc khớp xương lạnh ngắt, gặp thời tiết lạnh đau càng kịch liệt, được chườm nóng thì thấy dễ chịu. Chất lưỡi đỏ tía, có những điểm ứ huyết.
Dùng phép chữa hoạt huyết hóa ứ, hóa đàm thông lạc: Đào nhân, hồng hoa, khương hoạt, tần cửu, đương quy mỗi thứ 12 g, địa long, ngưu tất mỗi thứ 20 g, ngũ linh chi, xuyên khung, mộc dược, hương phụ mỗi thứ 9 g, cam thảo 6 g. Sắc kỹ với nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Nếu quanh các khớp còn nổi lên những cục “thống phong thạch”, cần thêm bạch giới tử 10 g, bạch cương tàm 10 g, cùng sắc uống.

Thể can thận suy hư

Bệnh kéo dài lâu ngày khiến cơ thể ngày càng tiều tụy, hai tạng can và thận bị hư tổn nặng. Sức đề kháng của cơ thể giảm khiến ngoại tà dễ xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến những cơn đau lúc nặng lúc nhẹ, các khớp xương thỉnh thoảng lại sưng đau, nóng đỏ. Dạng bệnh này còn kèm theo các triệu chứng như: toàn thân mệt mỏi, kém ăn, sốt nhẹ về chiều, lưng đau gối mềm, phiền táo, tai ù, đầu choáng, mắt hoa, miệng háo, ra mồ hôi trộm khi nằm ngủ, đại tiện phân lỏng hoặc tiêu chảy vào lúc sáng sớm (ngũ canh tả), tiểu tiện nhiều lần, chất lưỡi đỏ ít rêu.

Dùng phép trị bổ ích can thận, trừ thấp, thông kinh lạc: Phòng phong, đương quy, địa hoàng, phục linh, tang ký sinh mỗi thứ 15 g, tần cửu, xuyên khung, bạch thược, đỗ trọng, ngưu tất mỗi thứ 10 g, tế tân 3 g, nhục quế 7 g, nhân sâm 12 g, cam thảo 6 g. Sắc kỹ với nước, chia 3 lần uống trong ngày.
Thêm phụ tử 8 g, can khương 8 g nếu người bệnh thiên về dương hư, với những biểu hiện như sợ lạnh, da nhợt nhạt, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng, lưỡi trắng nhợt. Phụ tử là vị thuốc có độ độc rất cao, cần được bào chế đúng phương pháp mới sử dụng được. Vì vậy, chỉ mua nó ở những cửa hàng Đông Nam dược có uy tín. Mặt khác, phải cho phụ tử vào sắc trước - nấu sôi với nước ít nhất 1,5 giờ để độc tố có đủ thời gian phân giải bớt, sau đó mới cho các vị thuốc khác vào cùng sắc uống.

Cần bỏ nhục quế, thêm kỷ tử 15 g, hà thủ ô chế 15 g để tư bổ can thận nếu có triệu chứng thiên về âm hư, với những biểu hiện như hai gò má ửng đỏ từng cơn, sốt cơn về chiều, phiền táo, ra mồ hôi trộm khi nằm ngủ, đầu mặt choáng váng, tai ù, miệng khô khát, chất lưỡi đỏ ít rêu.
Nếu lưng gối đau mỏi nhiều, thêm hoàng kỳ 30 g, tục đoạn 15 g để bổ thận, ích khí. Nếu chân tay tê dại nhiều, cần thêm kê huyết đằng 30 g để dưỡng huyết, thông lạc.



Goute là bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa thường gặp. Bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất purin và tăng nồng độ acid uric máu.

Đông y mô tả bệnh goute trong phạm trù thống phong, chứng tý. Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc rất khả quan tùy từng thể bệnh.
Thể phong hàn thấp tý
Phương pháp điều trị: khu phong tán hàn, trừ thấp thông kinh lạc.
Bài 1: Khương hoạt, đương quy, khương hoàng, chích hoàng kỳ, xích thược, phòng phong đều 9g; chích cam thảo, gừng tươi đều 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
- Nếu khớp co duỗi không được gia tế tân 3g, phụ tử 6g.
- Nếu chân tay nặng nề tê dại gia thương truật 9g, phòng kỷ 8g, ý dĩ nhân 12g.
- Nếu các khớp sưng đỏ gia thạch cao 10g, tri mẫu 10g, quế chi 6g, phòng kỷ 9g.
- Nếu đau ở chi trên gia tang chi 9g, uy linh tiên 12g.
- Nếu đau chi dưới nhiều gia ngưu tất 15g, tục đoạn 15g.
Tổn thương ngón chân cái trong bệnh goute.
Bài 2: Khương hoạt 6g, cảo bản 3g, chích cam thảo 3g, mạn kinh tử 2g, độc hoạt 6g, phòng phong 3g, xuyên khung 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
- Nếu hàn nhiều gia xuyên thảo ô 10g, tế tân 1,5 – 3g.
- Nếu thấp tà nhiều, các khớp sưng đau gia phòng kỷ 15g, thương truật 10g, ý dĩ nhân 15g, phục linh 15 – 30g, mộc qua 10g.
Thể phong thấp nhiệt tý
Phương pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt.
Bài thuốc: Thạch cao 30g, tri mẫu 9g, ngạnh mễ 9g, chích cam thảo 3g hợp với quế chi thang (gồm quế chi 9g, chích thảo 6g, thược dược 9g, sinh khương 9g, đại táo 5g). Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể thấp trọc ứ
Phương pháp điều trị: Lợi thấp tiết trọc, hóa đàm khứ ứ thông lạc.
Bài thuốc: Đào nhân 8g, bạch thược 12g, hồng hoa 6g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, trần bì 8g, bán hạ chế 12g, phục linh 12g, trúc nhự 12g, bạch giới tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể tỳ hư ứ trọc
Phương pháp điều trị: Kiện tỳ, tiết trọc, khứ ứ thông lạc.
Bài thuốc: Phòng kỷ 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, gia độc hoạt 12g, ý dĩ nhân 12g, thương truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
- Nếu sưng phù chân thì gia quế chi 8g, phục linh 12g.
Ngoài thuốc sắc, dân gian còn nhiều cách chữa bệnh gút như sau:
Thuốc uống trong
Bài 1: Cành dâu 1kg, đường phèn 500g. Trước hết đem cành dâu sắc lấy nước, bỏ bã, thêm đường phèn vào làm thành cao, mỗi buổi sáng uống nửa thìa, hòa vào nước sôi, uống ấm.
Bài 2: Lá vừng tươi 60g. Lá vừng rửa sạch, băm nhỏ, sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần.
Lưu ý: Về mùa đông không có lá vừng có thể thay bằng thân cây vừng. Đơn thuốc này có thể đề phòng viêm khớp tái phát.
Bài 3: Cỏ hy thiêm 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2-3 lần.
Bài 4: Cỏ hy thiêm 90g, cam thảo 10g. Nghiền cả hai vị thành bột, mỗi lần uống 6g với nước sôi để ấm, ngày uống 3 lần.
Bài 5: Kê huyết đằng (còn gọi là dây máu người) 10-15g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần.
Bài 6: Đậu tương 50g, lá ngô 30g, đào nhân 15g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần. Đây là một nghiệm phương bí truyền trong dân gian, hiệu quả điều trị rất tốt.
Bài 7: Lá vừng 30g, mộc qua 15g, bạch quả (còn gọi ngân hạnh, công tôn phụ Ginkgo biloba) 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 – 2 lần.
Bài 8: Vỏ mướp 30g, ý dĩ nhân 30g, gừng khô 3g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 – 3 lần.
Thuốc đắp ngoài
Bài 1: Lá cây phù dung lượng vừa, phơi khô, nghiền thành bột, trộn với nước chè nguội, đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 2: Bạch giới tử nghiền thành bột, trộn vào lòng trắng trứng gà, đắp vào chỗ đau, khoảng 3 giờ thì rửa đi.
Bài 3: Xương bồ 120g, cốt toái bổ tươi 250g. Tất cả giã nát, sao nóng, đắp vào chỗ đau, lấy vải băng lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 4: Xuyên ô, thảo ô, thương truật mỗi vị 30g. Tất cả nghiền thành bột, trộn vào rượu đun nóng lên, đem đắp vào chỗ đau. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 5: Củ hành ta 10g, lá ngải cứu sống 60g, cốt toái bổ tươi 15g, nửa chén nước gừng tươi. Tất cả giã nát, đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 6: Bột đại hoàng tẩm nước ấm đắp ở vùng khớp xương đau.
Lưu ý: Người bệnh  gout nên hạn chế ăn những loại thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật (gan, thận, óc…), các loại đậu, thịt tươi đỏ. Bỏ hẳn đồ uống có cồn như rượu, bia, nước trái cây lên men… vì cồn làm giảm bài tiết acid uric qua thận, không nên uống nước ngọt có gas, trà, cà phê… Trong cơn đau tuyệt đối để khớp nghỉ ngơi vì sự vận động làm phóng thích nhiều hơn các tinh thể muối urat vào trong khớp. Không nên chườm nóng vì sẽ làm cơn đau tăng lên.
Theo BSCKII. Trần Lập Công

Hôm nay tình cờ tìm lại được bài báo đó, mình gõ lại cho những ai cần thì tham khảo nhé:

"Anh Nguyễn Văn Thắng, 39 tuổi , ở 34 Phạm Ngũ Lão, Quy Nhơn là cán bộ xây dựng. Anh bị bệnh gút nên đau nhức và sưng tấy các khớp cổ ngón bàn chân, bàn tay. Từ 1990 anh điều trị bằng nhiều loại thuốc  tân dược nhưng không khỏi bệnh. Đến năm 1997, nhờ người  quen mách, anh đã uống bài thuốc nam: Củ ráy và chuối chát hột chín, sau 1-2 tháng bệnh gút của anh đã khỏi không tái phát.

Củ ráy còn có tên cây ráy dại, dã vũ, mọc hoang ở những vùng ẩm thấp. Để làm thuốc nên dùng ráy có tuổi 2-3 năm. Đào rễ rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi khô nấu chín hoặc nếu dùng tươi , phải ngâm lâu trong nước. Khi chế biến nên có găng tay vì rất ngứa.
Trái chuối chát hột ngoài chữa bệnh có sỏi đường tiết niệu còn có thêm tác dụng chữa bệnh gút khi phối hợp với củ ráy theo công thức: ráy sao vàng 50g, chuối quả chín thái mỏng, sao vàng 30g sắc uống liên tục hàng tháng. Anh Thắng tuy các khớp không còn đau nhức, nhưng anh vẫn uống nước sắc củ ráy quả chuối hột chín thường xuyên, sức khoẻ tốt, lao động bình thường"

Trên đây là nguyên văn bài báo do BS Trang Xuân Chi giới thiệu trong mục thuốc nam chữa bệnh (báo nào thì mình không biết vì mình chỉ copy lại từ một tờ đã copy trong lần sang chỗ khách hàng làm việc). Các mẹ cần thì có thể liên hệ với anh Thắng theo địa chỉ trên để hỏi lại. Hy vọng sẽ giúp ích cho những ai đang bị bệnh gút hành hạ.