21 thg 2, 2012

Bài thuốc quí chữa bệnh đường ruột trẻ em


Bài thuốc quí chữa bệnh đường ruột trẻ em


Bài thuốc “liêu trai”



Tình trạng trẻ em loạn khuẩn do dùng thuốc kháng sinh hiện rất phổ biến. Hậu quả là trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu và đã có nhiều trường hợp tử vong. Bài thuốc cực kỳ đơn giản, không độc hại sau đây của Thầy thuốc nhân dân, BS Nguyễn Xuân Hướng (ảnh), Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam hy vọng sẽ giúp các bé vượt qua những khó khăn đầu tiên của cuộc đời.
Duyên kỳ ngộ

Một ngày cuối năm, chúng tôi ngồi nghe BS Nguyễn Xuân Hướng, kể về duyên kỳ ngộ của ông với bài thuốc chữa đi ngoài ra máu ở trẻ em. Câu chuyện nhuốm một màu liêu trai, khiến ai đã một lần nghe thì khó có thể quên được.

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp bác sĩ Đông y ở Trung Quốc, ông Hướng về Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô công tác. Tại đây, ông gặp lương y Nguyễn Văn Đặng, quê ở Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc. Năm đó, lương y Đặng công tác tại Viện Đông y, nay gọi là Viện Y học cổ truyền Việt Nam. Trong hồi ức của ông Hướng, cụ Đặng là người đã tham gia viết nhiều quyển sách, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cuốn Bào chế Đông dược, nay là cẩm nang của những người theo nghề Đông y.

Đó là một lương y giỏi và đức độ của đất nước. Cụ được điều động sang Bệnh viện Hữu nghị để chăm sóc sức khoẻ cho các cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước. Ông Hướng hồi tưởng: “Cách xem mạch của cụ rất hay. Trong cả cuộc đời làm thuốc, tôi chưa thấy ai bắt mạch chuẩn như vậy. Cụ nói ai chết, người đó khắc chết, ai sống tức là sẽ khỏi bệnh, không chệch vào đâu được”.

Hàn huyên ngày nọ năm kia, mới hay cả hai đều sinh trưởng trong gia đình trên dưới chục đời làm thuốc. Có điều, cụ Đặng mang nỗi buồn là chẳng có con cháu nào chịu theo nghề. Vậy nên, có một bài thuốc Nam gia truyền, cụ chẳng biết truyền cho ai. Đó là một bài thuốc đơn giản, nhưng lại chữa được chứng bệnh nguy hiểm của trẻ: chứng đi ngoài ra máu. “Tôi bàng hoàng vì bỗng nhiên cụ đồng ý sẽ truyền cho tôi - chỉ một mình tôi, như lời cụ nói”.

Một bài thuốc ba vị

Bài thuốc chỉ gồm 7-9 lá mơ tam thể, 3 lá huyết dụ, 2 lóng mía đỏ.

Mía đỏ nướng chín rồi bỏ vỏ, chẻ nhỏ. Dùng dao nứa thái lá huyết dụ và lá mơ tam thể rồi sao vàng, hạ thổ. Nếu hạ thổ trên nền gạch và nền đá thì trải một tờ báo ra, đổ thuốc đã sao vàng, có mùi thơm, sau đó lấy bát sắt hoặc bát sứ úp lại.

Đợi một thời gian, cho thuốc vào nồi sắc. Cách sắc cũng rất thông thường: đổ một bát nước, sắc lấy 2/3 bát, chia hai lần cho trẻ uống trong ngày (dùng trong 3 ngày). Bài thuốc này chỉ áp dụng cho trẻ bị đi ngoài có phân như máu mũi. Theo ông Hướng, cho đến khi truyền lại bài thuốc này, cụ Đặng mới chỉ dùng bài thuốc điều trị cho 20 trường hợp nhưng hiệu quả thì cực kỳ tốt.

Bài thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân đi ngoài ra máu do nguyên nhân: Theo cách nói của Đông y, đó là do tì vị của đứa trẻ bị hư; theo cách nói của Tây y là do trẻ dùng quá nhiều kháng sinh mà bị loạn khuẩn, sinh ra bệnh. Bài thuốc không có tác dụng cho các trường hợp bệnh do vi khuẩn gây ra.

Phảng phất liêu trai

“Ngày truyền bài thuốc cho tôi, cụ Đặng dặn: “Đây là bài thuốc gia truyền của bao nhiêu đời nhà tôi. Giận nỗi con tôi theo nghề mộc, không chịu làm nghề y nên tôi không thể để bài thuốc mai một được. Tôi truyền cho đồng chí, và phải đem bài thuốc giúp người. Có điều, nếu cần giúp ai, đồng chí phải tự tay sắc thuốc rồi mang đến cho người bệnh. Nếu đồng chí để người ta tự làm lấy thì bài thuốc sẽ không còn tác dụng”. Tôi nghe, biết thế” – BS Hướng kể.

Mà đúng thế thật. Ngày truyền lại bài thuốc cho ông Hướng, lương y Đặng trực tiếp hướng dẫn ông chữa trị cho một cháu bé. Tại Khoa Đông dược của Bệnh viện Hữu nghị, ông Hướng đã sắc bài thuốc đầu tiên, và rất hiệu nghiệm. Từ đó, trong vòng nhiều năm, ông Hướng chỉ điều trị rải rác cho một vài cháu bé con nhà người quen nên bài thuốc vẫn “nằm yên” một chỗ. Thế rồi sau đó, công tác quản lý khiến ông Hướng bận rộn.

Và một lần, con của một cô y tá bị loạn khuẩn, ông Hướng không có thời gian để sắc thuốc cho bé, ông liền hướng dẫn mẹ bé sắc thang thuốc gia truyền của cụ Đặng. Ông đã phạm phải một sai lầm: con của cô y tá thì khỏi bệnh, nhưng từ đó, ông không dùng được bài thuốc đó nữa. Tay ông đã hết thiêng, chẳng có trường hợp nào ông chữa mà khỏi cả! “Tôi không biết lý giải thế nào, và chỉ biết tự trách mình, vì cụ Đặng đã dặn dò kỹ lưỡng mà lại không làm theo”. Cũng có một vài lần, ông bày cho người khác làm, ai dùng cũng khỏi.

Cuối cùng, ông Hướng đã có một quyết định: truyền bài thuốc này lại cho tất cả mọi người. “Vậy nên hôm nay, tôi quyết định truyền bài thuốc này cho tất cả mọi người. Với tư cách là một thầy thuốc, tôi khẳng định bài thuốc không hề độc. Lá mơ tam thể, lá huyết dụ và kể cả mía đỏ, chúng ta vẫn ăn hàng ngày. Trong khi đó, bệnh loạn khuẩn do lạm dụng kháng sinh ở trẻ hiện nay đang ngày một nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Tại sao các phụ huynh, các thầy thuốc không thử?”.

- Mơ tam thể còn có tên gọi là dây mơ lông, là một thứ dây leo, lá mọc đối, hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài. Hoa tím nhạt, tràng hình ống mọc thành xim kép ở kẽ lá hoặc đầu cành. 

 Quả hình cầu, có đài. Lá mơ tam thể được dùng để chữa lỵ trực trùng Shiga: 30-50g lá mơ tam thể lau sạch, thái nhỏ trộn với một quả trứng gà. Bọc lá chuối đem nướng hoặc đặt lên chảo rán (không có mỡ) cho thơm. Ngày ăn 2-3 lần trong 5-8 ngày.


- Huyết dụ thuộc họ Hành tỏi, có hai loại: loại lá đỏ cả 2 mặt và loại lá mặt đỏ mặt xanh (dùng loại toàn đỏ tốt hơn). Nhân dân dùng làm thuốc cầm máu, chữa lỵ, lậu, xích bạch đới, dùng cho trường hợp băng huyết sau đẻ.


- Nước mía có tác dụng tiêu đờm, hết khát, bổ dưỡng.

 
Theo Khoa học & Đời sống

1 nhận xét:

Unknown nói...

cảm ơn bạn đã chia sẽ bài viết
---------------------------maygo----------------------------
nhà cung cấp hệ thống máy làm ghế tốt nhất tại tphcm