23 thg 6, 2013

Móng tay người đốt cháy để… chữa bệnh

ST

Hàng trăm năm qua, trong dân gian có không ít người, nhất là các cụ già vẫn truyền lưu cho con cháu chuyện về những phế phẩm từ cơ thể người như răng, tóc, ráy tai… được các lương y bào chế thành nhiều phương thuốc thần hiệu để chữa bệnh giúp dân trong những tình cảnh khó ngặt.

Y học cổ truyền Việt Nam vốn dĩ là kho tàng phong phú với hàng ngàn vạn bài thuốc huyền diệu, giản đơn mà hiệu quả. Nhưng tiếc rằng với sự phát triển của y học hiện đại và do hậu thế ít quan tâm, gìn giữ nên khá nhiều bài thuốc quý được cha ông sau hàng trăm, có khi cả ngàn năm mới đúc kết được đã bị chìm vào lãng quên, mai một. 

Với mong muốn vén màn bí mật về những phương thuốc dân gian thần hiệu của người xưa, đồng thời để bạn đọc hiểu rõ hơn về kinh nghiệm chữa trị của cha ông ta ngày trước, sau một thời gian dài kiếm tìm, chúng tôi đã biết và làm rõ nhiều bài thuốc thoạt nghe tưởng vô căn cứ, thậm chí đến khó tin. 

Câu chuyện về những phương thuốc thần hiệu từ cơ thể người là minh chứng điển hình ấy!

 Móng tay có khả năng chữa bệnh? 

Biết chúng tôi quan tâm đến những bài thuốc y học cổ truyền dạng bí truyền, ông Nguyễn Tố, 62 tuổi, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, ngay khi nhận quyết định nghỉ hưu, rời bục giảng, ông đã lập tức dồn thời gian tìm hiểu những bài thuốc cổ từ cơ thể người mà ông vốn dĩ rất đam mê. Bài thuốc đầu tiên mà ông Nguyễn Tố muốn nói đến là bài thuốc trị bệnh tiểu ra máu được bào chế từ móng tay người. 

“Những kinh nghiệm chữa trị của cha ông mình huyền diệu lắm”, ông Tố bắt đầu câu chuyện. “Có ai nghĩ cái móng tay, ráy tai, nước bọt, nước tiểu… lại từng được các danh y Việt như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông sử dụng chữa cho nhiều người mắc các chứng bệnh trầm kha (chữa nhiều nơi nhưng không khỏi) rất hiệu nghiệm. 

Bản thân tôi ngày trước từng bị chứng bệnh tiểu ra máu, đi chữa nhiều nơi không khỏi, cơ thể vỗn dĩ hao gầy càng thêm suy nhược tưởng khó qua khỏi. May sao lương y Trần Song, người gốc Bình Định, sinh sống tại Quận 12 là bạn thân của ba tôi khi đến nhà chơi đã mách cho bài thuốc với nguyên liệu từ móng tay người. Nhờ đó mà tôi đã lướt qua bạo bệnh”, ông Tố kể.

Bài thuốc kỳ diệu cứu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần 

Ông Tố cho biết, ông phát bệnh tiểu ra máu lúc 30 tuổi. Khi đó, ông chuẩn bị lấy vợ. Bệnh tình cứ ngày càng tiến triển nặng, nước tiểu càng lúc càng đỏ như máu, chữa nhiều nơi không khỏi nên ông rất bi quan. 

Đến khi được cụ Trần Song đến thăm nhà qua bắt mạch, hỏi bệnh đã cười khùng khụng cam đoan chỉ cần dùng bài thuốc cổ mà cụ đã từng áp dụng cho chính mình thì sẽ dứt bệnh trong nay mai. 

“Khi ấy tôi nghĩ trong đầu hoặc cụ Song lẩm cẩm, hoặc cụ bỡn cợt với nỗi đau của mình nên giận cụ lắm. Nhưng thấy cụ nhất mực quả quyết rằng đó không phải là kiểu chữa bệnh điên rồ, tôi quyết định thử, thử để cho ông già tôi được vui chứ thật lòng tôi chẳng tin gì mấy”, ông Tố chia sẻ. 

Chuyện đã xảy ra hơn 30 năm nhưng mỗi khi kể lại bài thuốc lạ “lấy móng tay người chữa dứt chứng bệnh tiểu ra máu”, ông Tố vẫn nhớ như in, như thể chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. 

Khi ấy, cụ thân sinh ông (qua đời năm 2008) đã tụ hợp con cháu trong nhà lệnh phải cắt gọt hết móng tay, được một nhúm, giao cho lương y Trần Song chế thuốc. Ông Tố nhớ lại: “Vì không tin tưởng nên tôi khi ấy tỏ ra rất bất cần. Dầu vậy với suy nghĩ sẽ chứng minh cho ba tôi thấy rằng ông bạn lương y của ông thực chất chỉ là lang băm, chẳng tài cán như ba vẫn thường khen ngợi nên tôi bám riết cụ Song xem mọi nhất cử nhất động của cụ để mai này vạch trần, kết tội.

Chẳng biết khi ấy cụ có cảm nhận được điều ấy hay không nhưng cụ Song vẫn thản nhiên và chỉ bảo tôi cặn kẽ cách chế thuốc từ móng tay. Kiểu chế thuốc của cụ cũng rất quái đản. Nhận được móng tay, cụ bảo tôi kiếm cho mình một miếng ngói rồi hối má tôi nhóm lửa.

Khi lửa đã đượm, cụ kê miếng ngói lên nung cho thật nóng rồi thả hết mớ móng tay lộn xộn lên trên. Ngói đỏ rực khiến mớ móng tay bốc khói rồi trở màu đen, động vào thì rã thành bột. Rồi cụ lấy bột đó pha nước bảo tôi uống. Cảm giác uống móng tay vừa gớm ghiếc vừa tởm lợm”. 

Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, việc vệ sinh thân thể, cắt móng tay chân ít được chú trọng nên móng tay của nhiều thành viên trong gia đình tôi, nhất là mấy đứa nhỏ đóng đầy đất, đen sì. Nay phải uống cái thứ ấy vào bụng, hỏi sao mà không gớm. Dầu vậy tôi cũng cũng ráng bấm bụng uống một mạch cho xong. 

Được 5 phút sau, cụ Song lại bảo tôi uống thêm một ly nhưng lần này cái thứ bột hắc ám kia chỉ bằng phân nửa lần trước. Lúc tôi dùng dằng tỏ ý không bằng lòng, cụ nhẹ nhàng bảo: “Cháu cứ uống đi, ông từng bị như cháu, từng không tin như cháu nhưng nhờ bài thuốc này mà dứt bệnh, từ đó ông quyết tâm theo nghề y”. 

Nghe cụ nói thế, nhất là khi thấy cụ quá nhiệt tình, tôi không nỡ chối từ. Lúc tôi đưa ly lên miệng, nghe rõ mồn một lời nói của cụ với ba rằng ngày mai, nếu cháu nhà anh không giảm bệnh, tôi bỏ nghề”.

Khoảng 1 giờ khi cụ Song chào về, ông Tố “đau tiểu” và lắc đầu khi nước tiểu vẫn đỏ như máu. “Tôi đem chuyện kể với ba thì ông vỗ vai động viên dù gì cũng nên ghi nhận thiện ý của cụ Song. Ai ngờ tối hôm ấy, tôi đi tiểu thì thấy màu máu có phần lờn lợt. Sáng hôm sau thì cái màu đỏ quạch ấy đã giảm còn phân nửa. 

Nghe tin vui, ba tôi hộc tốc đạp xe đến tìm gặp cụ Song kể cho cụ nghe và khi uống hết phần bột móng tay còn lại, tôi hết bệnh, cơ thể lại nhẹ nhõm, dứt các cơn đau rát trong quá trình tiểu tiện, từ đó tôi ăn được ngủ được, lên ký trông thấy”.

Đến khi hết bệnh, ông Tố mới tin bài thuốc bột móng tay người quả thật thần hiệu và kể từ đó, ông rất mến phục tài chữa bệnh của cụ Trần Song. Ông cho biết: “Trước khi cụ mất vì tai nạn giao thông, tôi đã được đàm đạo với cụ mấy lần. Cụ Song bảo rằng y học cổ truyền Việt Nam rất vi diệu. 

Mọi thứ quanh mình đều gắn kết với nhau, hỗ trợ và phục vụ lẫn nhau, nói chung đều có vị thuốc. Khi nghe cụ nói không chỉ móng tay, nhiều bộ phận phế thải của cơ thể người như tóc, nước bọt, ráy tai… cũng có nhiều phép chữa bệnh rất hay, tôi đâm ra mê mẩn và ngỏ ý muốn được theo học nghề của cụ”.

Giải mã bí ẩn… nhân chi giáp!

Chắc hẳn khi nghe câu chuyện của thầy giáo tuổi hưu Nguyễn Tố, không ít người cho đó là chuyện xằng bậy, hoang đường. Cá nhân người viết lúc đầu cũng tin như vậy nhưng càng đi sâu tìm hiểu mới thấy niềm tin của mình trong trường hợp này… nói theo kiểu cách dân gian là “trật lất”. 

Từ ghi chép của các danh y trong các y văn, mới biết móng tay người là bài thuốc hẳn hoi, được y học cổ truyền gọi là “Nhân chi giáp”. Và kỳ lạ hơn, không chỉ chữa dứt căn bệnh đái ra máu như ông Tố từng mắc phải, Nhân chi giáp còn chữa được nhiều chứng bệnh khác.

Trong cuốn Nam dược thần hiệu, Nhân chi giáp được danh y Tuệ Tĩnh gọi là “Trảo giáp - móng tay người”. Về khí chất, Trảo giáp được danh y Tuệ Tĩnh ghi: “Vị ngọt mặn, tính hàn không độc, có công dụng khai thông thúc đẻ, thông lâm chỉ huyết, chữa chứng phạm phòng và chứng thương phong”. Cách dùng Trảo giáp rất giản đơn: “Đốt tồn tính cho uống vào là khỏi ngay”. 

Không dừng lại ở danh y Tuệ Tĩnh, bài thuốc Trảo giáp cũng được Hải Thượng Lãn Ông ghi nhận trong Lĩnh Nam bản thảo: “Trảo giáp gọi tên là móng tay/ Ngọt, mặt, không độc mở thông thay/ Thúc đẻ, chữa huyết lâm, nục huyết/ Dịch phục, thương phong uống khỏi ngay”. 

Từ ghi chép của 2 danh y đất Việt là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, mới rõ tuy mỗi danh y gọi móng tay người khác nhau (Nhân chi giáp và Trảo giáp) nhưng đều có điểm chung là cùng khẳng định chỉ cần đốt tồn tính thì ai đó mắc các chứng bệnh huyết lâm, nục huyết và dịch phục uống vào sẽ dứt bệnh trông thấy. 

Lại cất công tìm hiểu, người viết mới biết huyết lâm là chứng bệnh tiểu ra máu mà ông Tố từng mắc phải, nục huyết là chứng mũi chảy máu (bệnh chảy máu cam) và dịch phục là chứng bệnh trai (gái) bị bệnh nặng mới khỏi đã vội hành phòng (quan hệ tình dục) làm cho bệnh tái phát. 

Đặc biệt hơn, cuốn Dược tính chỉ nam của Đông y sĩ Hạnh Lâm - Nguyễn Văn Minh ghi Nhân trảo giáp còn có tên gọi khác là “Cân thoái” với cách thức chữa bệnh như sau: “Dùng móng tay người đàn bà có thai tán bột thật nhỏ điểm mắt chữa được chứng đau mắt có màng mộng rất hay”. Không những thế, Cân thoái còn chữa được chứng “trúng gió bị đờm rãi vướng chặt ở cổ”. 

Box: Trong cuốn Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam, nói về móng tay người, bên cạnh kinh nghiệm chữa trị của 2 danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, TS. Võ Văn Chi ghi: “Ngày nay người ta còn dùng móng tay đốt cháy làm thuốc có tác dụng lợi niệu tiêu thủng, thúc đẻ làm hạ thai, làm thuốc trị mắt mờ và hóc xương”.

19 thg 6, 2013

Trị mụn nhọt bằng Đông dược


Chăm sóc vườn thuốc Nam.

Những người bị nhọt tái phát nhiều lần có thể do cơ địa huyết nhiệt, nên uống thuốc thanh nhiệt, lương huyết theo hướng dẫn của lương y. Nếu sốt cao liên tục và kéo dài, cần kết hợp với Tây y.

Nhọt chủ yếu do tụ cầu gây nên (theo Đông y là do huyết nhiệt và nhiệt độc) gây nên, phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhất là ở nơi có điều kiện khí hậu và mức sống chưa cao như Việt Nam. Tây y điều trị chủ yếu bằng kháng sinh trấn áp, thuốc nâng cao thể trạng và điều trị rối loạn chuyển hóa (nếu có); kết hợp với chích tháo khi có điều kiện. 
Y học cổ truyền chữa mụn nhọt bằng các phương pháp sau:
1. Giai đoạn mới phát: Tại chỗ nhọt có sưng, nóng, đỏ, đau, toàn thân có thể kèm theo sốt. Thuốc đắp tại chỗ: Lá cúc hoa trắng giã nát với chút ít muối, đắp vào mụn nhọt. Về thuốc uống trong, có thể dùng một trong các bài sau:
- Thổ phục linh 20 g, thương nhĩ tử (quả ké đầu ngựa) 20 g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Kinh giới 8 g, đỗ đen sao 40 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo dây 8 g, ké đầu ngựa 16 g, liên kiều 12 g, lá sen 16 g, sắc uống. Nếu sốt cao, thêm hoàng liên, hoàng cầm, chi tử (quả dành dành) mỗi thứ 12 g. Tiểu tiện ngắn, đỏ thì thêm xa tiền tử 12 g. Táo bón thêm đại hoàng 4 g.
2. Giai đoạn hóa mủ: Tại vùng nhọt, sưng nhức tăng hơn, xuất hiện mủ trắng và chuyển dần thành màu vàng. Một số nhọt có ngòi (là khối mủ và tổ chức hoại tử đặc quánh), thường nằm giữa trung tâm nhọt.
- Thuốc đắp tại chỗ cho phá vỡ mủ: Dọc ráy, lá xoan, muối liều lượng như nhau, đem giã nhỏ, trộn đều, ngày đắp 2 lần.
- Thuốc uống: Kim ngân hoa 20 g, hoàng cầm, liên kiều, tạo giác thích mỗi thứ 12 g, trần bì 6 g, bồ công anh 16 g, bối mẫu 8 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục 3 đến 5 thang.

3. Giai đoạn đã vỡ mủ: Bình thường, cần rửa sạch, thay băng cho mọc tổ chức, liền da. Nếu cơ thể suy nhược, mủ không hết, nhọt lâu liền thì uống thêm các vị thuốc bổ khí huyết như bạch truật, đẳng sâm, hoàng kỳ, đương quy...
Dùng cao dán hút mủ và lên da non: Củ ráy dại 100 g, sáp ong 30 g, nghệ già 50 g, nhựa thông 30 g, dầu vừng 500 ml, cóc vàng 1 con đốt tồn tính. Cho dầu vừng, nghệ, ráy đun sôi cho đến khi teo lại, gạn bỏ bã, cho sáp ong vào đun tan; cho bột cóc, nhựa thông quấy đến khi tan đều, lấy một giọt rỏ vào một cái đĩa thấy không loe ra là được. Rửa sạch mụn nhọt bằng nước lá trầu không và kinh giới. Lấy miếng giấy chọc thủng ở giữa và phết cao lên giấy. Ngày dán một lần.
Các nghiên cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội cho thấy, loại cao dán trên có hiệu quả tương tự kháng sinh cephalexin. Cao không gây tác dụng phụ, người bệnh đỡ đau sau 1đến 2 lần dán.
TS Lê Lương Đống, Sức Khỏe & Đời Sống

Cây Lược vàng chữa khỏi bệnh vẩy nến toàn thân

Cảm ơn bạn Nguyễn Trần Như Thảo đã cung cáp bài này!

Báo Người cao tuổi - 21/02/2012 09:23

Tháng 8 năm 2010, tôi mua cuốn “Cây Lược vàng quý hơn vàng” đọc hết, biết nhiều tác dụng chữa bệnh của nó. Nhưng cũng như nhiều người khác, tuy tin tưởng, tôi vẫn muốn được kiểm chứng, dù chỉ là một loại bệnh. May sao, tôi đã thực hiện được ý định này.


Tháng 2-2010, Chị Trần Thị T, 48 tuổi ở số nhà 206, tầng 2, nhà A4 Tập thể Dệt Kim, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bị mẩn ngứa, xuất hiện các lớp vẩy ở hai khuỷu tay, lan dần ra hai thái dương, tóc rụng nhiều khi chải đầu. Nghĩ là bệnh ngoài da bình thường, chị rửa cồn, bôi thuốc mỡ không đỡ, đến Bệnh viện Da Liễu Hà Nội khám, xét nghiệm, được kết luận là viêm da cơ địa + rụng tóc, được điều trị bằng kem bôi và thuốc uống. Đột nhiên, đầu tháng 4 năm 2010 bệnh phát triển rất nhanh: Lớp vẩy lan ra hai tay, khắp người, cổ, mặt, toàn thân trông rất sợ, đầy vẩy, dưới lớp vẩy ứa máu, ngứa ngáy toàn thân, tóc rụng từng mảng, chị luôn phải mặc áo dài, đội mũ. Cả nhà vô cùng lo lắng, đưa đi khám lại và được kết luận là vẩy nến thể mảng, lại được điều trị bằng kem bôi và thuốc uống. Chị phải nghỉ bán hàng, người hốc hác, khó chịu, phải nằm thường xuyên, kiên trì uống thuốc, chấm bôi thuốc mỡ khắp người, vẩy rụng ra hàng vốc lại mọc mà không đỡ.
Sốt ruột, nghe mách bảo, tháng 6-2011 chị đi khám Đông y Nguyễn Bỉnh Khiêm, uống hơn 30 thang thuốc, không thay đổi gì, lại quay lại khám Bệnh viện Da liễu được cấp thuốc mỡ, kem bôi và thuốc uống, kiên trì từ tháng 7 đến hết tháng 10-2010. Tháng 11-2010 chị chuyển sang khám tại Viện Da liễu Quốc gia (tại Bệnh viện Bạch Mai), sau khi sinh thiết, vẫn được kết luận là vẩy nến thể mảng, được cấp kem bôi và thuốc uống, tiếp tục kiên trì điều trị. Trong quá trình điều trị, chị còn được chạy xạ hai đợt tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, mỗi đợt 5 ngày, mỗi ngày khoảng 5 phút, người đỏ như tôm luộc.
Tuy biết vẩy nến không nguy hiểm ngay đến tính mạng, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, có khi phải “chung sống”, nhưng cả gia đình chị hết sức lo lắng, vì chị là trụ cột chính của gia đình, lại phải nằm bẹp một chỗ.
Tháng 10-2010 tôi đến thăm chị. Lần đầu tiên nhìn thấy bệnh vẩy nến tôi cũng ghê sợ. Cầm trên tay cuốn sổ y bạ kẹp hơn hai chục tờ giấy xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn; nhìn chị ngồi thu lu, rúm ró trên giường tôi ái ngại khuyên chị thử dùng cây Lược vàng và đưa cho chị cuốn “Cây Lược vàng quý hơn vàng” bản phô-tô, dặn đọc kĩ những trang đánh dấu về chữa bệnh vẩy nến.
Gần Tết Tân Mão (2011), người nhà chị ở Nam Định gửi đến một bao tải dứa cây Lược vàng, chủ yếu là thân, vòi nhờ tôi ngâm rượu. Còn lá chị cho vào nhiều túi ni-lông, để vào tủ lạnh, dùng dần. Đúng 28 Tết, chị bắt đầu sử dụng: Ngày ăn 6 lá (lá dài trên 20cm), chia 3 lần trước bữa ăn 20 phút. Đập giập lá, lấy bã và nước xoa xát khắp người. Tạm dừng sử dụng các loại thuốc Tây. Sau 5 ngày, chị thấy người thay đổi: Toàn thân như căng ra, nhất là chân, tay, da căng mọng, chân các vẩy rớm máu, rất khó chịu. Đó là phản ứng có tác dụng như sách đã nói, thông báo cho tôi biết và tiếp tục kiên trì sử dụng. Thời gian tiếp theo là những tin đáng khích lệ: Toàn thân dịu dần, vẩy không ứa máu, tắm nước nóng ấm hằng ngày vẩy rụng rất nhiều, người thấy dễ chịu. Sau hai tháng, vẩy rụng hết, các vết bắt đầu lên da non, tóc không còn rụng. Chị sử dụng thêm rượu Lược vàng xoa khắp chỗ bị vẩy nến. Tháng 4-2011, da chân tay trở lại bình thường, sức khỏe hồi phục, chị lại đi bán hàng. Tháng 6-2011, chị cùng chồng, con đến thăm tôi, vui tươi, khỏe mạnh hơn trước, có thể do trút được gánh nặng lo âu về căn bệnh khó chịu chăng? Tôi khuyên chị duy trì sử dụng cho đến khi khỏi hẳn và tiếp tục dùng phòng bệnh tái phát.
Gia đình và họ hàng chị cũng vô cùng phấn khởi, có người nói: “Đó là thuốc tiên dành cho người nghèo và mọi nhà đều phô-tô cuốn “Cây Lược vàng quý như vàng”, để sử dụng. Ngoài ra, một người trong họ từ tháng 5-2011 sử dụng Lược vàng để chữa trị biến chứng tiểu đường, đến nay đã có nhiều chuyển biến khả quan: Đường huyết hạ, mắt đỡ biến chứng, đang dần hồi phục.
Còn chị T bệnh nhân vẩy nến, yên tâm vui vẻ ăn Tết Nhâm Thìn. Tôi thực sự vui lây và muốn chuyển lời cảm ơn của gia đình họ đến Báo Người cao tuổi, đến tác giả cuốn sách “Cây Lược vàng quý như vàng”
Xuân Hùng