6 thg 6, 2014

10 lợi ích kì diệu của bột trà xanh Nhật Bản

Mình là "tín đồ" của bột trà xanh Nhật Bản (matcha), bất cứ thứ gì liên quan đến matcha mình đều muốn thử, đi cà phê cũng chỉ uống matcha. Và nhận ra điều này thật sáng suốt, heheh. Không phải tự nhiên mà matcha đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản.


Người Nhật rất thích matcha không hẳn vì nó ngon (bạn bè mình nhiều người không uống được matcha vì thấy đắng và không quen được mùi), nó có màu đẹp, mà vì nó tốt nữa. Khi người Nhật tin dùng, có nghĩa là matcha mang đến vài lợi ích kì diệu. Mọi người cùng xem qua 10 lợi ích này nhé:

1. Chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa
Lợi ích tuyệt vời đầu tiên của trà xanh Nhật Bản là: chỉ là một lượng bột nhỏ cũng cung cấp hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn 5 lần so với các thực phẩm khác – mức cao nhất theo phương pháp ORAC (khả năng hấp thụ oxy).

2. Chứa nhiều Catechin và EGCg - chống ung thư
Trà xanh chứa một tập hợp các hợp chất hữu cơ được gọi là catechin. 1 hợp chất catechin có tên epigallocatechin gallate (EGCg) - có khả năng chống ung thư. Theo nghiên cứu khoa học, trà xanh Nhật Bản chứa hàm lượng EGCg nhiều hơn 100 lần so với các loại trà khác trên thị trường.


3. Tăng cường sự điềm tĩnh
Trong hơn một thiên niên kỷ, Lão giáo Trung Quốc và các thiền sư Nhật Bản đã sử dụng bột trà xanh Nhật Bản như một phương tiện để thư giãn và thiền định. Trạng thái cao hơn của tâm thức này được tạo nên nhờ các axit amin L-Theanine có trong lá trà xanh- thúc đẩy sự sản xuất của sóng alpha trong não giúp con người thư giãn mà không gây buồn ngủ.

4. Tăng trí nhớ và sự tập trung
Một tác dụng phụ của L-Theanine là sản xuất ra dopamine và serotonin. Hai chất này giúp phục hồi tâm trạng, cải thiện trí nhớ, và giúp tập trung cao độ hơn.

5. Tăng năng lượng và sức chịu đựng
Các chiến binh Samurai cao quý thời trung cổ Nhật Bản thường uống trà xanh trước khi chiến đấu do trà cung cấp rất nhiều năng lượng. Trong khi các loại trà xanh khác bản chất đều có chứa cafein, trà xanh Nhật Bản lại giúp tăng năng lượng nhờ sự kết hợp độc đáo của nhiều dưỡng chất. Một chén trà xanh Nhật Bản có thể giúp tăng sức bền với tác động kéo dài tới 6h.

Những người uống bột trà xanh Nhật Bản không chịu bất kỳ tác dụng phụ thông thường của chất kích thích nào như căng thẳng và tăng huyết áp. Nó là một nguồn năng lượng sạch.

6. Đốt cháy năng lượng thừa

Uống bột trà xanh Nhật Bản cũng làm tăng sự trao đổi chất và giúp cơ thể đốt cháy chất béo nhanh hơn so với trung bình khoảng bốn lần. Lại một lần nữa, không giống với những thực phẩm ăn kiêng hiện nay trên thị trường, Matcha không gây tác dụng phụ tiêu cực như tăng nhịp tim và huyết áp cao.

7. Giải độc cơ thể
Trong 3 tuần cuối trước khi thu hoạch lá trà để làm bột trà xanh, cây trà sẽ được che phủ tránh ánh sáng mặt trời. Điều này làm gia tăng sự sản sinh chất diệp lục trong quá trình tăng trưởng của cây. Kết quả là chất diệp lục không những khiến bột trà có màu xanh tuyệt đẹp mà còn có khả năng giải độc thông qua việc loại bỏ các kim loại nặng và chất độc hóa học trong cơ thể.

8. Củng cố hệ thống miễn dịch
Một chén trà xanh có thể cung cấp số lượng đáng kể kali, vitamin A&C, sắt, protein và canxi. Các nghiên cứu khác còn cho thấy dưỡng chất trong trà xanh có khả năng ức chế sự tấn công của HIV với tế bào T trong cơ thể người.

9. Giảm hàm lượng cholesterol
Các nghiên cứu trên nhiều quần thể khác nhau cho thấy, những người uống trà xanh thường xuyên có nồng độ cholesterol LDL (có ảnh hưởng xấu) thấp hơn và đồng thời có nồng độ cholesterol HDL (có ảnh hưởng tốt) cao hơn. Uống trà xanh làm giảm nguy cơ bị bệnh tim tới 11% ở nam giới.

10. Hương vị thơm ngon
Trà xanh Nhật Bản không phải pha chế thêm bất cứ thứ gì. Nó có được vị thơm ngon đặc biệt nhờ các axit amin L-Theanine.

Hãy thư giãn và tận hưởng một chén trà xanh nóng để có một cuộc sống khỏe mạnh và không kém phần thi vị. Đó là những lý do để bạn quyết định chọn bột trà xanh Nhật Bản.

Nguồn: purematcha

26 thg 5, 2014

Kinh nghiệm dùng nhân sâm

 ST

SUÝT MẤT CẢ VỢ VÀ CON VÌ... NHÂN SÂM

Các bậc danh y tiền bối chỉ có Hải Thượng Lãn Ông (là tên hiệu của cụ Lê Hữu Trác) là người có ghi chép lại các trường hợp bệnh chữa khỏi gọi là Dương án và các trường hợp bệnh không chữa khỏi, tử vong gọi là Âm án để đời sau lấy đó làm gương, may ra tìm được phương thuốc khác mà cứu được người.

Tôi là một dược sĩ, nên chỉ ghi chép lại các trường hợp bản thân được chứng kiến về tác dụng của thuốc để rút kinh nghiệm hoặc cảnh báo cho người thân và cộng đồng. Nhân có “Diễn đàn: Tai biến y khoa” trên báo Sức khỏe&Đời sống; tôi xin góp một câu chuyện đã ghi chép được cách nay 40 năm.

Trong Đông y nhân sâm được xếp vào hàng quý hiếm: sâm, nhung, quế, phụ. Thời kỳ bao cấp nước ta nhập nhân sâm của Triều Tiên về phân phối cho các cán bộ thuộc diện Ban bảo vệ sức khỏe của tỉnh quản lý, mỗi suất 10g sâm củ loại một (15 củ = 600g).

Tôi là Trưởng trạm Nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm dược phẩm tỉnh Bắc Thái (trong các tỉnh thành trên cả nước khi ấy chỉ có Bắc Thái có liên trạm NCDL & KNDP) thuộc diện “có tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe” nên được phân phối một suất.

Vợ tôi cũng là dược sĩ đại học (chuyên khoa dược liệu khóa đầu tiên của Trường đại học Dược Hà Nội) công tác ở Phòng Quản lý dược Ty Y tế Bắc Thái nên cũng biết tác dụng của nhân sâm. Cuối tháng 10/1973 sắp chuyển dạ đẻ nên vào Khoa Sản - Bệnh viện A để chờ đẻ. Nhà tập thể của chúng tôi cũng ở liền Bệnh viện A nên cứ hết giờ làm việc là tôi sang xem vợ có chuyển biến thế nào.

Vợ tôi đau kéo dài tới 12 giờ, rất mệt (vì là đẻ con đầu nên chúng tôi chưa có kinh nghiệm gì chỉ trông vào các thầy thuốc Khoa Sản). Thấy vợ mệt quá, tôi phải đến bác sĩ bệnh viện trưởng xin tem phân phối mua một hộp sữa đặc hiệu “Ông Thọ” cho vợ bồi dưỡng.

Khi đem sữa về cho vợ uống, vợ tôi tức giận bảo: “Người ta đau mệt chết đi được, có tí nhân sâm lại đem cất đi, đợi bao giờ không thở được mới cho uống à”, tôi bảo: “Nhân sâm là thuốc bổ thuộc loại đại bổ nguyên khí. Nếu dùng cứu nguy cho người thoát dương thì phải phối hợp với phụ tử chế. Em mệt do đau đẻ, không biết dùng nhân sâm độc vị có được không”.

Vợ tôi bảo: “Em còn nhớ lời thầy giảng về nhân sâm khi còn là sinh viên: Các nhà khoa học Liên Xô đã thí nghiệm cho hai lô chuột nhắt, lô thứ nhất uống nhân sâm, lô thứ hai làm đối chứng cho uống nước cất, rồi bắt tất cả lội nước. Kết quả cuối cùng là sau hai giờ lội nước, lô uống nhân sâm có tới 80% số chuột vẫn còn đủ sức lội nước so với đối chứng là 0%”. Tôi bảo: “Đó là thí nghiệm trên động vật khỏe mạnh, còn em là người chờ đẻ, để anh phải tra sách cho kỹ đã, không thể thấy nhân sâm là thuốc bổ thì dùng được”.

Tôi về phòng làm việc tra cứu trên các tài liệu hiện có như: Dược điển Việt Nam I (1970). 6 tập sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của dược sĩ Đỗ Tất Lợi (năm 1980 dược sĩ Đỗ Tất Lợi mới được Nhà nước phong hàm Giáo sư Đại học) và một số sách của Trung Quốc, Dược điển Liên Xô IX (1961). Trong mục nói về nhân sâm, tất cả đều không có một chữ nào khuyên không nên dùng nhân sâm cho người đau đẻ. Chỉ có lời khuyên: “Những người bệnh có thực tà không dùng được” và truyền thuyết về “Phúc thống phục nhân sâm... tắc tử” lưu giữ trong đầu tôi.

Truyền thuyết kể rằng có một thầy lang khám cho cháu 3 tuổi bị đau bụng, đi phân lỏng, thấy cháu quá mệt, thầy định cho dùng nhân sâm, trước khi quyết định thầy giở sách tra cứu về nhân sâm, ở đoạn cuối trang ghi: phúc thống phục nhân sâm... Thầy vội gấp sách lại rồi cho cháu uống thang thuốc có nhân sâm, sau khoảng nửa canh giờ thì cháu tử vong. Thầy tra lại sách, mở tiếp trang sau có chữ... tắc tử.

Như vậy, sách đã ghi: Đau bụng dùng nhân sâm... ắt chết (tiếc rằng chữ “ắt chết” lại ở trang sau mà lần đầu thầy chưa giở ra). Truyền thuyết này đã nhắc nhở tôi phải đọc kỹ tài liệu để tránh sai sót như người xưa.

Thế là tôi phải thuận theo ý vợ, chia suất nhân sâm 10g thành 5 miếng, đưa cho vợ ngậm 1 miếng, sau 1 giờ thì vợ tôi nhai hết miếng sâm, đỡ mệt nên ngủ được.

Đến 21 giờ tôi vào thăm, vẫn chưa thấy lên bàn đẻ, sốt ruột quá tôi đến gặp bác sĩ trực (BS. Lý Thị H.) bác sĩ khám cho vợ tôi bảo: “côn” (cổ tử cung) đã mở được 6 phân rồi. Tôi yên trí là vợ sắp đẻ rồi ngồi chờ đến 24 giờ vẫn chưa thấy bác sĩ hành xử gì, tôi lại vào phòng bác sĩ đề nghị kiểm tra cho vợ tôi. Sau khi kiểm tra, bác sĩ bảo: “côn” không mở được thêm nữa. Tôi đề nghị can thiệp y khoa cho vợ tôi đẻ. Bác sĩ bảo: đây là chuyên môn của tôi, anh là dược sĩ không nên can thiệp vào. Vợ tôi lại yêu cầu cho ngậm tiếp một miếng sâm nữa để có sức “rặn đẻ”.

Tôi nghĩ: đến miếng sâm này tổng số mới là 4g vẫn chưa quá liều 6g/ngày, nên đưa sâm cho vợ ngậm. Sau đó, tôi ngồi chờ rồi cũng gục xuống bàn ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì đã 5 giờ sáng, thấy vợ vẫn chưa đẻ được, bác sĩ vẫn “bình chân như vại”, tôi phải chạy xuống nhà tập thể Bệnh viện A gõ cửa phòng bác sĩ M. - Trưởng khoa Sản gọi: M. ơi, dậy ngay cứu vợ tao với! “Côn” mở 6 phân từ 9 giờ đêm qua mà đến giờ chưa đẻ được.

Thế là bác sĩ M. và tôi chạy vội lên phòng đỡ đẻ. Bác sĩ M. khám ngay cho vợ tôi, thấy cổ tử cung đã mở hết nhưng không có cơn co tử cung, có biểu hiện suy tim thai. Anh lấy máy hút thai trong tủ trực ra, bảo tôi tiệt khuẩn để cấp cứu. Tôi đem rửa thì thấy tổ tò vò trong giác hút, rửa sạch giác hút rồi tôi đổ cồn 90 độ vào đốt để tiệt khuẩn, sau lại đổ cồn 90 độ vào làm lạnh để kịp dùng ngay.

Bác sĩ M. bảo tôi bơm máy hút, hai bác sĩ và hai y tá kéo giác hút và giữ vợ tôi trên bàn đẻ, đến lúc kéo được con tôi ra thì nó đã ngạt, trắng như túi bóng đựng nước, bác sĩ M. phải một tay xách ngược hai chân bé lên, một tay phát thật mạnh vào mông bốn, năm cái bé mới khóc lên được, khi cất được tiếng khóc đầu tiên, bé mới hồng trở lại. Tôi nín thở từ lúc kéo được con ra khỏi bụng mẹ đến khi con cất được tiếng khóc chào đời mới thở ra được nhẹ nhàng và xem đồng hồ, lúc ấy là 7 giờ, mặt trời đỏ như bát tiết vừa ló ra khỏi đám mây.

Thế là nhờ bác sĩ M. cấp cứu sau gần 2 tiếng đồng hồ vợ con tôi đã thoát chết, do bác sĩ Lý Thị H. vô tâm và 2 miếng nhân sâm hảo hạng dùng cho người đau đẻ đã làm cho vợ tôi đờ tử cung suýt chết cả mẹ lẫn con, chuyện này tôi nhớ suốt đời. Nay chép lại làm bài học kinh nghiệm Âm án.

Ngày nay, nhân sâm Hàn Quốc và nhân sâm Trung Quốc (sâm Cát Lâm) nhập vào nước ta rất nhiều, cứ có tiền là mua bao nhiêu cũng được. Các nghiên cứu khoa học cũng thông báo có hàng chục trường hợp không nên dùng nhân sâm độc vị. Thiết nghĩ, câu chuyện này cũng là bài học cảnh giác cho những bà mẹ mang thai và là đề tài cần nghiên cứu để làm sáng tỏ thêm về tác dụng lợi, hại của nhân sâm với người chuyển dạ đẻ.

DS. TRẦN XUÂN THUYẾT


19 thg 5, 2014

Quyền năng của gỗ sưa: Những bí mật chưa từng được tiết lộ

ST


Các thương lái Trung Quốc liên tục lùng sục tìm mua loại gỗ Sưa khắp nơi với giá hàng chục triệu đồng cho 1kg khiến cho cơn sốt gỗ sưa ở Việt Nam không ngừng tăng nhiệt những năm gần đây, gỗ sưa là loại gỗ quý giá thật sự hay chỉ là chiêu trò của các thương lái? bài viết được đăng tải lại từ Báo Pháp Luật.

Niềm tin gỗ sưa chữa được nhiều bệnh tật
Đem những thắc mắc về gỗ sưa hỏi một người Trung Quốc (tên phiên âm Hong Dan, người Chiết Giang) từng có nhiều năm buôn gỗ, anh này cho biết: “Quả thực gỗ sưa là một loại gỗ quý, có giá trị sưu tập rất cao. Những năm gần đây, tại Trung Quốc đang có trào lưu sưu tập đồ gia dụng cổ bằng gỗ sưa. Chắc chắn người sưu tập đều rõ như lòng bàn tay về giá trị vật chất ngoài thị trường của vật mình sưu tập. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết rằng ngoài giá trị về mặt sưu tập, gỗ sưa còn có tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe con người”.
Theo người này, gỗ sưa có mùi thơm nhạt, nhưng dễ ngửi, là tượng trưng cho sự cao quý, vinh hoa. Những gia đình quan lại giàu có thời cổ đại thường chọn gỗ sưa làm nguyên liệu đóng tủ đựng quần áo. Càng lâu ngày, quần áo để trong đó càng có mùi thơm, khi mặc vào, người ta thấy tinh thần sảng khoái vô cùng, có thể nói là rất kỳ diệu.
Ngoài ra, trước đời Thanh, trong hiệu thuốc, bột gỗ sưa là một loại dược liệu rất quý. Sau này, do nguyên liệu gỗ sưa khan hiếm nên thậm chí một số hiệu thuốc còn thu mua hoặc đem đồ gia dụng bằng gỗ sưa của nhà mình ra nghiền thành bột để bốc thuốc. Đây có thể cũng là một nguyên nhân khiến các đồ gia dụng ít có cơ hội được lưu truyền về sau.

Chiếc tủ gỗ sưa có giá trị cực lớn
Vậy tại sao trước đây các vua chúa và các gia đình quyền quý ở Trung Quốc thường dùng gỗ sưa làm đồ gia dụng và coi đó như một loại dược liệu thượng đẳng, một bảo vật khó kiếm? Người này cho biết, cây gỗ sưa quý là cây đã sinh trưởng qua hàng trăm năm, có cây có tuổi đời tới 800 năm, do đó đã tích tụ một năng lượng hết sức kỳ lạ. Khi con người tiếp xúc lâu và thường xuyên, nó có thể khiến người ta thay đổi khí huyết, trừ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
Thậm chí, những người trước đây có hàm răng xỉn màu, khi tiếp xúc lâu với gỗ cũ (gỗ sưa từ 100 năm trở lên), răng có thể trắng trở lại. Không ít người cũng tin rằng dùng bột nghiền của gỗ sưa đun với nước để đắp vào chỗ bị đau bệnh có thể đả thông kinh lạc, hoạt huyết, thúc đẩy tuần hoàn và giảm áp lực máu.
Bột gỗ sưa còn có thể dùng để điều trị bệnh ngoài da, như bệnh chàm (eczema). Cách thức chữa bệnh được giới thiệu như sau: Dùng 1g bột gỗ sưa, 3g hùng hoàng, 1g axit salicylic, 10g nước dấp cá, 2g thất lý tán (hỗn hợp: Trân châu, tổ yến, hoàng liên, khổ hạnh nhân, bán hạ, mạch nha, phục linh, trần bì, thần khúc, cam thảo, hổ phách…) trộn đều bôi lên chỗ da bị chàm mỗi ngày một lần.
Ngoài ra, gỗ sưa cũ thường tán phát ra ngoài một loại vật chất được gọi là “mộc dưỡng”. Loại vật chất này có tác dụng an thần, tỉnh táo, khi thường xuyên sử dụng có thể thúc đẩy việc tái tạo các tế bào, phòng chống các nếp nhăn và sự lão hóa của cơ thể, thậm chí góp phần giúp phục hồi các chức năng tạng phủ trong cơ thể.
Sử dụng đồ gia dụng bằng gỗ sưa như giường tủ, bàn ghế, thời gian tiếp xúc lâu sẽ có hiệu quả điều hòa khí huyết, duy trì sắc đẹp, tránh lão hóa, phòng bệnh ung thư.
Gỗ sưa không chỉ có tác dụng làm đẹp, nó còn có tác dụng chữa bệnh xương khớp. Dùng bột gỗ sưa hòa với dấm trắng, sau đó đắp vào chỗ khớp bị xưng, cứ 10 ngày một liệu trình chữa trị, khoảng 3 liệu trình như vậy xương khớp sẽ gần như hết đau nhức.
Thực tế, gỗ sưa có tác dụng như vậy là do nó có thể điều hòa khí huyết. Các mạch máu lưu thông, chức năng thận tạng cải thiện. Thận lại được coi là “tiên thiên chi bản, bách bệnh chi nguyên”, tức là nguồn của bách bệnh, thận lại chủ về xương khớp, sinh ra tủy, thông với não nên thận khỏe thì mọi bệnh tật tiêu tán, trẻ lâu, trường thọ.

Vì vậy, tiếp xúc một thời gian với gỗ sưa, khí sắc con người cũng sẽ tốt lên, da dẻ hồng hào, hai mắt có thần hơn, không bị ù tai, xương cốt chắc khỏe, tăng cường trí nhớ, trấn tĩnh, không sợ hãi, người này cho biết thêm. Gỗ sưa càng để lâu càng đẹp nên khi chế tác thành đồ mỹ nghệ, tác dụng tán phát các chất “mộc dưỡng” càng nhiều.
Hiểu biết để bảo tồn
Tiếp tục đi tìm lời giải về gỗ sưa, phóng viên đã liên lạc một người bạn là bác sĩ Trung y khá am hiểu về loại gỗ trên. Người này cho biết, gỗ sưa loại lâu năm quả thực có tác dụng chữa bệnh vì trong gỗ có rất nhiều chất như: Isoliquiritigenin, pterostilbene, pterocarpin,narrin, santalin, angiolensin, homopterocarpin, prunetin, formonoetin, p-hydroxyhydratropic acid, pterofuran, pterocarpol.
Các chất này có tác dụng chữa bệnh phong, làm liền vết thương, hồi phục cảm giác nóng lạnh cho người bệnh, giảm đau cho phụ nữ đau bụng kinh, giảm đau và chữa trị bệnh xương khớp, điều tiết lượng đường trong máu của người tiểu đường và giảm các biến chứng như hồi phục chức năng sinh lý, cải thiện vấn đề tiền liệt tuyến, bài tiết sỏi thận và bàng quang.
Các chất này cũng giúp ức chế u ung thư, ban đỏ, bệnh về huyết quản, chứng mất trí, bệnh nha chu, cơ tim, hen xuyễn. Đơn cử như chất Pterostilbene, có tác dụng kháng ô-xy hóa, kháng tăng sinh tế bào, giảm mỡ máu, giảm áp lực máu. Có giá trị lớn trong y học, ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư, cao huyết áp, mỡ máu cao. Homopterocarpin ứng dụng trong y học là tiêu sưng giảm đau. Pterocarpin có tác dụng chống nấm, hoạt tính kháng ung thư…
Ngoài ra, gỗ sưa còn được coi là tuyệt phẩm trong các loại gỗ bởi tính rắn chắc, màu sắc hoa lệ, vân gỗ đẹp, bền, được vua chúa và vương công quý tộc sử dụng. Gỗ có mùi hương vĩnh hằng, bách độc không thể ngấm vào nên thường được dùng làm tràng hạt, có ý nghĩa tránh tà ma và tật bệnh. Từ đó, gỗ sưa còn được con người gán cho ý nghĩa tâm linh.

Một cây sưa ở Hà Nội bị “sưa tặc” đốn hạ.
Do ở ngoài tự nhiên gỗ sưa có tốc độ sinh trưởng rất chậm mà ở thời nào thì con người cũng ráo riết tìm cách đốn hạ chúng nên ngày nay gỗ sưa cũ (cây sưa lâu năm) đã không còn nhiều.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp người dân Việt Nam hiểu rõ hơn giá trị của những cây gỗ sưa cổ thụ hiếm hoi đang còn sót lại để từ đó có biện pháp bảo vệ, bảo tồn chúng hiệu quả trước sự săn lùng của “sưa tặc”, để một tài sản quý của quốc gia không “chảy máu” ra ngoài lãnh thổ, từ đó sau này thế hệ con cháu chúng ta còn có dịp tận mắt thưởng ngoạn loại “đệ nhất gỗ” này./.