6 thg 7, 2014

Tiếng trống đồng Đông Sơn ở Indonesia


Cập nhật: 10:08 GMT - thứ ba, 24 tháng 9, 2013


Hai năm trước, khi đến thăm Bảo tàng Quốc gia Malaysia ở Kualar Lumpur, tôi đã thấy nhà rông, cồng chiêng và cột nhà mồ như ở Tây Nguyên, Việt Nam và hiểu rằng văn minh Đông Nam Á cổ đã trải rộng thế nào ở châu Á lục địa.
Nhưng tuần qua, khi vào Bảo tàng Quốc gia Indonesia giữa thủ đô Jakarta thì tôi khá ngạc nhiên khi thấy bốn chiếc trống đồng Đông Sơn (Dongson kettledrum) trưng bày ở đó trong phần về di sản văn hóa nước này.
Với các hình mặt trời và cả chim Lạc giống hệt như ở trống ở Bảo tàng Lịch sử tại Hà Nội, trống đồng tại Indonesia, mà họ gọi là gendang, đã được tìm thấy ở các đảo xa ngoài Thái Bình Dương.
Một trong số đảo đó là East Nusa Tengarah (cách TPHCM 2600 km đường chim bay), nơi người ta tìm được một chiếc trống đồng năm 1828.
Nhưng ngoài ba trống đồng có hình người chèo thuyền, chim và thú như trống ở Việt Nam, chiếc thứ tư có hoa văn dạng khác hẳn, cho thấy một sự dịch chuyển, biến đổi về văn hóa trống đồng.
Ngoài khu vực đồng bằng sông Hồng, hàng trăm chiếc trống thuộc nhiều giai đoạn khác nhau đã được tìm thấy ở Nam Trung Hoa, Lào, Thái Lan, và tất nhiên là ở các hải đảo.
Ở đây tôi không muốn đi vào câu chuyện của giới khảo cổ rằng trống đồng đã có ở đâu, ai làm ra...mà chỉ muốn chia sẻ một chút cảm nghĩ về thái độ nhìn lịch sử của người Indonesia.

Giống và khác

Gốm sứ Việt Nam đã đến Indonesia qua nhiều thế kỷ và đóng góp vào văn hóa ở đây
Như câu chuyện trống đồng Indonesia cho thấy, hiện còn rõ dấu tích của một nền văn minh bản địa đã trải rộng từ vùng lục địa Đông Nam Á sang các hải đảo, trước khi hai dòng văn minh lớn khác là Trung Hoa và Hồi giáo ập đến.
Tại Bảo tàng Quốc gia Indonesia, người ta viết rõ rằng quốc gia mà nay có gần 250 triệu dân, là do người chủng Mongoloid từ châu Á lục địa ra và các nhóm Melanesian và Austronesian từ vùng hải đảo tới mà thành.
Sự giao lưu, hòa trộn này có trùng hợp với truyền thuyết '50 con lên rừng, 50 con xuống biển' ở Việt Nam?
Lời thuyết minh cũng nói chừng 6000 năm trước, các nhóm từ lục địa bắt đầu thống lĩnh các đảo mà người Indonesia gọi chung là Nusantara, lập ra các quốc gia sau đó theo Ấn giáo và Phật giáo, trước khi đạo Hồi tràn đến.
Ở thời kỳ tiền Hồi giáo tại Indonesia hay trước Khổng giáo ở Việt Nam, hẳn các tộc người bản địa có trao đổi văn hóa mạnh mẽ, liên tục, nếu không nói là cùng chung nhiều yếu tố từ ngôn ngữ, ăn mặc đến thờ cúng mà các hình trên trống đồng chỉ là một biểu hiện còn thấy được.
Và cứ thể mà suy ra thì nhóm Việt (Kinh) ở Việt Nam hiện nay không phải nhóm thừa kế duy nhất về văn hóa từ đại gia đình Đông Nam Á đó.
Nhưng người Việt vì ở tuyến đầu chống lại sức ép từ Phương Bắc, dù giữ được độc lập đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán sâu rộng hơn hẳn các dân tộc Đông Nam Á khác và phần nào tiếp nhận cả tư duy độc tôn kiểu Hán.
Trái lại, tác động của Trung Quốc đến các đảo Indonesia xa xôi chưa bao giờ mạnh như ở Đông Dương mà chỉ là một trong nhiều dòng văn hóa du nhập vào đây.
Chữ Hán cũng xuất hiện trên các đồ tế tự nhập vào Indonesia bởi người gốc Hoa nhưng sắc dân này cũng thường bị đồng hóa vào các nhóm Phật giáo bản địa và ngôn ngữ Hán chưa bao giờ có vị trí gì cao, theo lời giới thiệu ở Bảo tàng Quốc gia Indonesia.
Bên cạnh dấu ấn từ Ấn Độ và thế giới Hồi giáo luôn rất mạnh và rõ rệt, Bảo tàng này cũng ghi nhận bốn dòng văn hóa ảnh hưởng đến nghệ thuật gốm sứ của họ: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan.
Hình chim Lạc trên một chiếc trống đồng Indonesia
Điều này hẳn làm người Việt Nam cảm thấy tự hào nhưng cũng khiến bạn tự hỏi vì sao trong cách trình bày về lịch sử, trong người Việt luôn có xu hướng không rộng rãi và bao dung bằng người Indonesia.
Người Việt thường thích nhấn mạnh đến sự riêng biệt, độc tôn của mình mà làm nhẹ đi nguồn gốc chung với nhiều dân tộc khác dù trên thực tế văn hóa chỉ lớn được qua sự tiếp thu, hội nhập và giao lưu.

Không độc quyền

Sau khi giành độc lập, người Java đông nhất tại Indonesia (hiện có 100 triệu) tự nguyện không chọn tiếng Java mà chấp nhận dùng tiếng Bahasa Indonesia, gốc Mã Lai làm ngôn ngữ quốc gia để thống nhất 300 dân tộc khác nhau trên hàng nghìn hòn đảo.
Nhưng dù dùng chung Bahasa Indonesia, các nhóm sắc tộc Indonesia ngày nay vẫn có quyền học tiếng mẹ đẻ của mình ở trường đến hết tiểu học.
Còn ở Việt Nam, nước chính thức có trên 50 nhóm sắc tộc, tiếng Kinh chiếm ví trí độc tôn trong mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội và các ngôn ngữ thiểu số có nguy cơ bị mai một, thậm chí biến mất trong tương lai.
Tính bao dung của Indonesia còn nổi bật lên khi nhìn vào báo chí và hệ thống chính trị.
Dù 86% dân số theo Hồi giáo, các đạo khác Phật, Thiên Chúa giáo...có vị trí được công nhận trong hiến pháp nước cộng hòa.
Các nhà báo Indonesia quan tâm nhiều đến Việt Nam
Hiện nay, đôi khi vẫn có va chạm giữa tín đồ Hồi giáo phái Sunni và thiểu số phái Shia nhưng đây không phải là đề tài cấm kỵ và báo chí nói đến nó liên tục.
Từ sau khi ông Suharto sụp đổ năm 1998, sau một thời 'tập sự dân chủ', nay Indonesia đã có một nền chính trị đa nguyên khá sôi động, và năm 2014 sẽ có kỳ bỏ phiếu khép lại hai nhiệm kỳ của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
Đến Jakarta trước năm bầu cử cả quốc hội và tổng thống nên tôi được nghe các nhà báo ở đây bàn thảo rất nhiều về các ứng viên tiềm năng, các đảng khác nhau, về chuyện tham nhũng, chuyện kinh tế, giao lưu khu vực và cơ hội của Indonesia.
So với nhiều nơi khác ở châu Á, tôi thấy các nhà báo bạn không chỉ cởi mở, trẻ trung, thạo tiếng Anh mà còn rất quý Việt Nam.
Không ít biên tập viên, phóng viên đã từng sang Việt Nam dự các sự kiện thể thao, chính trị ASEAN, và trận đá bóng Cup AFF giữa Việt Nam và Thái Lan tuần rồi cũng trở thành chủ đề bàn tán của các đồng nghiệp trong văn phòng BBC Indonesia ở Jakarta vào sáng hôm sau.
Ngồi ăn bánh chưng chay với các bạn Indonesia, cũng thứ bánh bằng gạo nếp, nhân đỗ xanh, quấn lá chuối nhưng gói mỏng hơn bánh ở Việt Nam, tôi cảm được sự tương đồng văn hóa vẫn còn từ một thời kỳ xa xưa với xứ sở và con người ở đây.
Nhưng hai xã hội này có vẻ đang chọn hay con đường khác nhau.
Indonesia đã và đang thể hiện vai trò đàn anh trong ASEAN, là cầu nối giữa Thế giới Hồi giáo và các cường quốc Phương Tây và có tham vọng thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào năm 2030.
Việt Nam cũng đang nỗ lực đóng một vai trò quan trọng về an ninh vùng nhưng còn thiếu tham vọng ở tầm khu vực cho xứng đáng với số dân và khao khát của giới trẻ.
Trở lại chuyện trống đồng, người Indonesia đang tự hào rằng trên đảo Selayar của họ hiện có chiếc trống đồng Đông Sơn, cũng thuộc loại Heger I, 'to nhất thế giới'.
Indonesia coi trọng quan niệm di sản văn hóa mở
Tranh cãi ai kế thừa cái gì ở thời kỳ chưa hình thành quốc gia dân tộc, như cuộc tranh luận Việt - Trung rằng đâu là cái nôi của trống đồng, dễ trở nên vô nghĩa nếu ta tiếp thu tinh thần vươn ra biển xa của các chủ nhân trống đồng hàng nghìn năm trước.
To lớn nhưng vẫn bao dung trong đa dạng là tinh thần Indonesia ngày nay.
Có thể vì thái độ với quá khứ hẹp hơn các quốc gia hải đảo nên Việt Nam chưa thể 'lướt sóng' ngoài đại dương được?

25 thg 6, 2014

Chữa chai chân

Kinh nghiệm đã khỏi 100%: Bạn ra hiệu thuốc đông y, ở Hà Nội là phố thuốc Bắc, mua một hộp thuốc chữa chai chân trong đó có  5 viên mầu hồng. Mỗi tối trước khi đi ngủ, dắp một viên vào chỗ chai. Sau 5 ngày chai chân tự rụng.

Jo. Trần

 

 Đây là một cách khác:

Vết chai chân chữa mọi cách không dứt khiến tôi rất đau, đi lại khó khăn. Một ông lão người dân tộc thiểu số bày cách lấy củ hành giã thật nhuyễn rịt vào vết chai, làm kiên trì 10 ngày sẽ khỏi.


Bệnh chai chân này cả bố và tôi đều mắc phải. Bố tôi bị vết chai bàn chân phải, đi lại rất đau. Bố đã làm mọi cách vẫn không được, từ dùng kềm cắt da, bôi thuốc tây… vùng chai vẫn cứng, còn dãn rộng và xuất hiện nhiều vết mới.

Chịu đau không thấu, bố đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán là bệnh chai chân, nguyên nhân là bị tỳ đè và ma sát, do giày dép chật, do viêm thần kinh trong bệnh đái tháo đường, do di truyền bị chai bất thường hoặc quá mức. Triệu chứng chính là đau khi tỳ đè, nhất là tại chỗ chai. Khi cắt tổ chức chai tìm thấy một lõi ở trong vị trí chai…


song bố tôi cho biết hễ nghĩ đến lúc phẫu thuật là ổng sởn da gà. Bởi phần bàn chân là nơi có nhiều dây thần kinh nhạy cảm nên ca tiểu phẫu đã khiến ông phải nằm ở nhà hơn nửa tháng trời chẳng đi đâu, hay làm được việc gì cả.
Chẳng biết do di truyền hay lây mà chỉ một thời gian ngắn sau tôi cũng bị chai chân. Quả thật những gì mà bố tôi mô tả giờ tôi cảm nhận rõ mồn một: đau buốt mỗi khi giày dép ma sát với vết chai, đi lại phải nhón rất khổ sở… Lúc đó tôi rất sợ phải lên bàn mổ bởi sẽ mất hơn nửa tháng trời nằm nhà, đang là thời điểm nhạy cảm của công việc. Do đó dù đau tôi vẫn cố cà nhắc đi làm.
Tình cờ một lần ngồi uống cà phê tại một quán ở phố núi, có ông lão người đồng bào dân tộc thiểu số thấy dáng điệu đi lại của tôi đã hỏi: “Mày bị chai chân à?”. Ông bảo cởi giày cho ông xem, rồi nói: “Cái này tao biết, dễ chữa mà, cũng không tốn kém gì”. Rồi ông bày: 
Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa chân cho thật sạch. Lấy củ hành ta giã cho thật nhuyễn rồi rịt vào vết chai sau đó dùng một miếng vải sạch cố định lại. Cứ kiên trì làm chừng 10 ngày là hết đau.
Tôi đã thực hiện như lời ông lão. Quả nhiên mới 3 ngày là chân cảm thấy bớt buốt khi đi lại và vài ngày sau thì vết chai rụng lúc nào không hay, thay vào đó là lớp da non. Cách này tôi cũng đã bày cho hai người bạn và đều rất công hiệu.
Tùy Phong

15 thg 6, 2014

Sắc sắc không không

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/sac-sac-khong-khong-2136638.html

Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ. Nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.
Trần Thanh Giảng - 
Tôi có một ông chú rất yêu thích truyện kiếm hiệp Kim Dung. Và mỗi lần ngồi uống rược với ông, thường bàn về tiểu thuyết Kim Dung rất tâm đắc. Trong một lần ngà ngà say, ông hỏi tôi một câu, nếu phải nhận xét về Đoàn Dự và Mộ Dung Phục trong một câu, thì cháu nhận xét thế nào?
Cố nhiên tôi nêu ra vô số nhận xét, rằng Đoàn Dự là một chàng trai chung tình, là người tốt, người nghĩa hiệp, còn Mộ Dung Phục là độc ác, ích kỷ, kẻ tiểu nhân…
Ông nói với tôi, tất cả những gì cháu nhận xét đều đúng, nhưng ý nghĩa sâu xa trong hai nhân vật này thì cháu chưa lĩnh hội được. Những gì mà cháu nói thì ai cũng biết cả và đối với 2 nhân vật này, Kim Dung gởi gắm nhiều triết lý cuộc sống sâu xa hơn thế. Và đương nhiên, tôi chống tai lên nghe ông sẽ nói về hai nhân vật nổi tiếng này của Kim Dung...
Đạo Phật có một triết lý sâu sắc là “sắc sắc không không”. Trong Phật học kinh điển, ý nghĩa của nó có thể rất thâm thúy và khó hiểu. Tôi không có tham vọng giải thích tất cả những ý nghĩa của nó, chỉ nêu một số cảm nhận “sắc sắc không không” từ bộ truyện Thiên Long Bát Bộ.
Sắc sắc: nghĩa là có có, không không là “không có, không có”. Nói một cách dân dã, ý nghĩa của từ này là “có có không không” để diễn tả sự ‘không’ và ‘có’, một quan niệm tương đối. Có mà không, không mà có, khó lường lắm thay.
Trong cuộc sống diễn ra hằng ngày, không ai là có tất cả cũng như không ai là không có gì cả. Cái sự có không chỉ là tương đối. Nhiều khi không có gì tức là có tất cả, và có tất cả lại là không có gì cả. Chỉ là quan niệm suy nghĩ của mỗi người trước cuộc sống mới biết mình có hay không?
Triết học gia cổ đại của Hi Lạp Socrate có câu nói nổi tiếng, là: "Tôi chỉ biết một điều, là tôi không biết gì cả". Và người thông minh nhất là người tự nhìn nhận mình không biết gì cả. Trong cả hai trường hợp đó, ông “có” rất nhiều. Đó cũng là một phần nào của ý nghĩa “sắc sắc không không” trong Phật học
Trở lại với bộ truyện Thiên Long Bát Bộ, thông điệp “sắc sắc không không" được tác giả chuyển tải hoàn chỉnh trong hai nhân vật đối lập chính - tà là Đoàn Dự và Mộ Dung Phục. Đây là hai nhân vật xuyên suốt của bộ truyện và là tham dự nhiều mâu thuẫn ân oán.
Bây giờ ta hãy xem họ có gì, và không có gì? Tại sao họ không có mà tác giả cho là có và ngược lại
Mộ Dung Phục là con trai độc nhất của Mộ Dung Bác, là dòng dõi quý tộc của quốc gia Đại Yên đã bị diệt vong từ những đời trước. Mộ Dung Bác một đời muốn khôi phục lại nước Yên và gia tộc của mình nên đã nghĩ ra những mưu mô xảo quyệt, giây chiến tranh thù địch giữa các thế lực Trung Nguyên và các quốc gia lân cận. Ông ta chết đi (sau này mới biết là chết giả) khi sự nghiệp khôi phục yên quốc còn dang dở, và tất cả đại nghiệp của gia tộc gánh vác lên chàng trai Mộ Dung Phục.
Như vậy, cái có của Mộ Dung Phục là một tiếng tăm, danh gia vọng tộc, là con nhà quý phái. Điều này không phải tự nhiên mà người ta có được. Tự hào lắm thay!
Mộ Dung Phục là một chàng trai anh tuấn, luận về võ công và danh tiếng sánh ngang với Kiều Phong, chính vì vậy mà giang hồ có câu “Nam Kiều Phong, Bắc Mộ Dung’. Quả thật nhà Mộ Dung không phải là hư danh, bởi vì Mộ Dung Phục có môn võ là dùng võ người để đánh người, bởi vậy biết bao cao thủ đều bại dưới tay chàng.
Như vậy, Mộ Dung Phục có một thực tài, một tiếng tăm lừng lẫy, ít nhất người ngoài nhìn vào đều nghĩ anh ta có đủ tài lực để hoàn thành đại nghiệp.
Mộ Dung Phục có một tri kỷ Vương Ngữ Yên, người xinh đẹp bội phần, thông minh tuyệt đỉnh, và hết lòng vì chàng. Vương Ngữ Yên tuy không thích chuyện quốc gia đại sự, nhưng ép mình coi sách võ công để giúp ích cho Mộ Dung Phục. Và quả thật, những khi Mộ Dung Phục gặp khó khăn trong võ học thì được cô gái này chỉ điểm.
Mộ Dung Phục lại có những thuộc hạ toàn tài, và một lòng vì chàng. Đó là Bao Bấtt Đồng và Phong Ba Ác cũng nổi tiếng khắp thiên hạ
Đầu truyện, Kim Dung cũng ưu ái kể về lại lịch của Mộ Dung Phục một cách kỹ lưỡng và rõ ràng, ngay cách xuất hiện của chàng không phải tầm thường mà qua những lời kể của những nhân vật rồi mới đường đường xuất hiện khiến cho người đọc phần nào có cảm nhận tốt về nhân vật này.
Chính vì vậy Mộ Dung Phục cho rằng mình có tất cả, chàng nói “Không nam nam bắc bắc gì cả, trên đời này chỉ có Mộ Dung Phục ta”, chàng tuy chưa khôi phục Yến quốc nhưng lại đối xử với người khác như là bề trên đối xử với bề dưới, nhỏ nhen ích kỷ. Chàng không coi trọng tình yêu của Vương Ngữ Yên mà lấy cô giống như là con bài của mình.
Cuối cùng, Mộ Dung Phục vì cái danh háo đó mà làm hại mình, trở thành người điên điên khùng khùng, ngay cả người trước đây yêu thương mình cũng ra đi, bởi vì tham vọng quá mà hóa rồ.
Trong khi đó, Đoàn Dự giống như không có gì. Chàng tuy xuất thân là Vương gia nước Đại Lý, nhưng không chịu học võ công, nên bản lãnh tầm thương, tính tình hiền lành, và đi đâu cũng bị người khác chê bai ăn hiếp cho là ngờ ngạch (lời của Vương Ngữ Yên).
Chàng bị nhà sư Cưu Ma Trí ức hiếp đi lên phía Bắc lưu lạc giang hồ, đi đâu người ta cũng coi chàng là người chẳng đáng để kính trọng.
Nhưng tất cả trên hết, chàng có một tấm lòng đối tốt – hết lòng với mọi người, một tinh thần hiệp nghĩa, và một mối tình chung thủy với Vương Ngữ Yên, một tấm lòng xả thân vì bạn bè...
Kể từ lúc chàng gặp Mộ Dung Phục, chàng luôn kính phục Mộ Dung Phục, và tự trách bản thân mình kém tài nên không được Vương Ngữ Yên để ý tới.
Nhưng nhìn kỹ ra, chàng là người yêu thương Vương Ngữ Yên cao độ, và nhiều lần xả thân vì nàng, tình yêu của chàng cũng không toan tính. Vì yêu Vương Ngữ Yên mà chàng nhiều lần cứu cả Mộ Dung Phục, có thể gọi là tình địch của chàng.
Trong trận chiến Thiếu Lâm Tự, Đoàn Dự đã lột xác hết tất cả, cái không trong người chàng mất đi, trở thành cái có. Chính chàng ban đầu cũng nghĩ rằng mình không đủ bản lĩnh đối đầu với Mộ Dung Phục, và khi không có đường cùng chàng mới dùng sở trường để đánh. Một trận huyết chiến với Mộ Dung Phục đã thấy rõ tài năng cũng như bản chất hiệp nghĩa cao thượng của chàng. Trong khi đó, Mộ Dung Phục đã thể hiện rõ là một tên độc ác, tiểu nhân, không từ thủ đoạn để thực hiện đại nghiệp của mình...
Sự đời “sắc sắc không không” là chỗ đó. Mộ Dung Phục tuy bề ngoài có tất cả, nhưng bản chất bên trong lại không có gì, vậy mà anh lại lấy cái “không”, làm cái “có”, và tưởng rằng mình có tất cả. Từ đó có những hành động và suy nghĩ không được lòng người. Trịch thượng, cao ngạo, tiểu nhân không từ thủ đoạn và không có tình người.
Trong khi đó, Đoàn Dự bề ngoài có vẻ không có gì, nhưng chàng có tất cả, có một gia đình hạnh phúc, có tuyệt chiêu “Lục Mạch Thần Kiếm’, có cả một trái tim yêu thương, có một tấm lòng nghĩa hiệp, nhưng chàng lại không xem đó là của mình. Chàng lấy cái “không có gì” của mình để xử thế. Cuối cùng hóa ra chàng có rất nhiều.
Mộ Dung Phục lấy có mà hóa ra lại không. Còn Đoàn Dự lấy không có mà loại hóa ra có rất nhiều…
Trong xã hội có rất nhiều người cũng ảo tưởng như Mộ Dung Phục, và cũng có rất nhiều người ẩn mình như Đoàn Dự. Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ, nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.
Bởi vậy, không ai là có tất cả, cũng như không ai là không có gì. Cái có chỉ là ảo ảnh và hư danh, còn cái không trong đời mới là thực. Chính chúng ta sống, khiêm tốn lấy cái không có gì làm trọng, mới chính là có rất nhiều vậy.