29 thg 8, 2014

Bài thuốc đơn giản chữa bệnh suy thận


Bài thuốc đơn giản chữa bệnh suy thận
Lương y Đào Hồ Phong Giao nói về tác dụng của thuốc nam
(PLO) -  Xuất thân từ gia đình nhiều đời theo nghề thuốc, cộng với niềm đam mê khám phá những cây thuốc dân gian, bác sĩ - lương y Đào Hồ Phong Giao (50 tuổi, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, phường 5, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã nghiên cứu thành công nhiều bài thuốc dễ kiếm, hiệu nghiệm. Theo ông, bệnh suy thận cấp hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng bài thuốc tự chế rất đơn giản, rẻ tiền.
Cây cỏ mực và đỗ đen trị bệnh suy thận cấp
Thành phần chính của bài thuốc là cây cỏ mực - cỏ nhọ nồi (có tên đông y là hạ liên thảo) và hạt đỗ đen. Hai loại thảo dược này rất tốt trong việc chữa trị chứng suy thận cấp, tức bệnh suy thận ở cấp độ mới mắc phải. 
Triệu chứng bệnh suy thận thường gặp như sau: Tiểu đêm, ngủ hay gặp ác mộng, tóc bạc sớm kèm biểu hiện đau lưng mỏi gối. Nếu không chữa trị kịp thời, để bệnh chuyển sang mãn tính sẽ rất khó chữa trị.
Ông Giao hướng dẫn: Hái cỏ mực đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sau đó sao vàng trên lửa than. Hằng ngày dùng khoảng 30g cây cỏ mực nấu chung với 40g đỗ đen rang cháy vừa. Đun hỗn hợp cỏ mực và đỗ đen sôi rồi chắt lấy nước uống như uống nước bình thường. Mỗi thang thuốc có thể nấu nhiều lần. 
Bài thuốc từ cỏ mực và đỗ đen phù hợp với mọi cơ địa, không hề lo lắng xảy ra tác dụng phụ. Uống chừng vài thang thuốc, người bệnh sẽ thấy triệu chứng tiểu đêm thưa dần rồi giảm hẳn; đồng thời ăn ngon, ngủ ngon hơn. 
Bài thuốc không chỉ bổ thận mà còn giúp hệ thống cơ xương phát triển tốt. “Tây y bồi bổ xương khớp bằng cách cung cấp canxi trực tiếp. Còn Đông y bổ xương cũng thông qua việc tạo canxi nhưng thông qua bồi bổ thận”, lương y Giao giải thích. 
 Cây cỏ mực (có nơi còn gọi là cỏ nhọ nồi)
Tuỳ thể trạng từng người, bệnh tình thuyên giảm nhanh hoặc chậm khác nhau. Tuy nhiên đặc tính chung của thuốc  nam là phát huy công dụng chậm. Bởi vậy người bệnh cần kiên trì uống thuốc đều đặn. Cũng liên quan đến chứng suy thận, ông Giao khuyên mọi người nên chú trọng bảo vệ cơ quan này bởi thận giữ vai trò cốt yếu giúp cơ thể khoẻ mạnh: “Thận hoạt động tốt, chất độc trong cơ thể sẽ được đào thải hết ra ngoài, ắt bệnh tật tiêu tan”.
Phương pháp cai nghiện bằng châm cứu và thuốc đông y
Ngoài bài thuốc chứa suy thận cấp. ông Giao cũng cho biết có thể áp dụng liệu pháp châm cứu kết hợp thuốc đông y vẫn giúp con nghiện cắt cơn nghiện hiệu quả, đồng thời giảm chi phí đáng kể. 
Phương pháp châm cứu có tác dụng kích thích vào hệ thần kinh, thúc đẩy quá trình tạo hoóc môn của cơ thể, tạo sự cân bằng giúp con nghiện cắt cơn. Tất nhiên mỗi người nghiện ma tuý, nội tạng tổn thương ở mức độ khác nhau nên phương pháp kích thích bằng kim châm cứu cũng khác nhau. Mỗi lần châm cứu sẽ tác động trực tiếp vào nhóm huyệt trên dưới 10 huyệt đạo. Thời gian châm cứu chỉ kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ. 
Khi áp dụng liệu pháp này, thầy thuốc cần nắm rõ chu kì lên cơn nghiện của con nghiện. Căn cứ vào đó, phải tiến hành châm cứu trước thời điểm phát cơn một tiếng đồng hồ nhằm giúp cơ thể sản sinh hoóc môn ức chế kịp thời. “Thông thường, mỗi liệu trình châm cứu kéo dài từ 15 - 25 ngày. 
Nếu con nghiện lên cơn 2 – 3 lần/ngày thì cũng phải châm cứu cắt cơn tương đương chừng đó lần. Bên cạnh tác dụng kích thích quá trình tạo hoóc môn kháng thể, châm cứu còn giúp ổn định hệ thần kinh người nghiện”, ông Giao trình bày.
Song song với quá trình châm cứu, người nghiện ma tuý nên sử dung bài thuốc “Thập toàn đại bổ” nhằm bổ dưỡng ngũ tạng tổn thương, lấy lại sức đề kháng. 
Bài thuốc gồm thành phần như sau, liều lượng mỗi vị dao động từ 6 đến 20g: Đản sâm (có tác dụng bổ khí, sơn thù; nói cách khác là bổ thận âm), bạch truật (bổ tỳ, tăng đề kháng, kích thích ăn uống), hoài sơn (bổ tỳ, khí), thục địa (bổ thận dương), sài hồ (bổ thận âm, thanh nhiệt), cam thảo (giải độc, làm trung hoà các dược liệu), bạch chỉ (kháng viêm, có tác dụng trị đau vùng thượng đình), táo nhân; và viên chỉ (có tác dụng an thần, bổ tâm can). 
Đem bài thuốc trên sắc lấy nước uống, thời gian uống là trước bữa ăn chừng 30 phút. Theo ông Giao, nếu kết hợp song song liệu pháp châm cứu và uống thuốc sẽ rút ngắn thời gian cai nghiện hơn. Nguyên lý chung của hai phương pháp đều nhằm mục đích tạo sự cân bằng cơ thể, ổn định thần trí. Từ đó người nghiện “quên” đi cơn “đói” ma tuý.
Tương tự bài thuốc nam trị chứng suy thận cấp, cai nghiện bằng y học cổ truyền giúp con nghiện rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, sử dụng thuốc đông y hoàn toàn không lo lắng xuất hiện tác dụng phụ ngoài ý muốn. Nhất là người nghiện ma tuý sử dụng nhiều thuốc tây y dễ gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể. Vị lương y cung cấp thêm, tất cả mọi người, nhất là người lớn tuổi đều có thể áp dụng bài “Thập toàn đại bổ” để tăng cường sức khoẻ. 
Ông Giao được đánh giá là vị thầy thuốc giỏi về chuyên môn, từng công tác nhiều năm tại Viện Y dược học TP.HCM. Mười hai tuổi cậu bé đã học nghề đông y, sau đó tốt nghiệp trường Đại học Y dược TP.HCM. Suốt thời gian công tác tại viện y dược học, ông Giao nhiều lần được những bệnh viện nước ngoài trực tiếp mời sang giảng dạy, thực nghiệm chữa bệnh đông y. 
Ông từng đem phương pháp châm cứu, thuốc y học cổ truyền sang Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kì. Bệnh nhân những nước này rất chuộng liệu pháp trị bệnh không cần dùng thuốc như kĩ thuật châm cứu, bấm huyệt của người Việt. 
Mang trong mình hai trường phái y học, ông Giao quan niệm muốn trị bệnh hiệu quả cần biết cách kết hợp hài hoà giữa Đông và Tây y. Nói cách khác tức kết hợp hài hoà hai yếu tố cổ (tức đông y) và kim (y học hiện đại): “Mỗi ngành đều có cái hay của nó. Nếu biết kết hợp sẽ tăng cao tính hiệu quả trong việc chữa trị bệnh tật”, ông Giao trải lòng.
Huế Thương

27 thg 7, 2014

Sự thực ít biết về Tượng thần tự do NewYork ở Hà Nội xưa

print friendly
(Kiến Thức) - Tượng nữ thần tự do nay là một biểu tượng của thành phố NewYork nói riêng và nước Mỹ nói chung. Nhưng ít ai biết Hà Nội từng có một phiên bản của bức tượng này.



Người Mỹ nói chung và người dân NewYork nói riêng coi tượng thần tự do là biểu tượng đáng tự hào của họ. Nhưng thật ra, đây lại là tác phẩm của các nhà kiến trúc, điêu khắc Pháp thế kỷ 19. Năm 1875, chính phủ Pháp đã đặt hàng kiến trúc sư Bartholdi một bức tượng để tặng cho chính phủ Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Mỹ. Phải mất gần 10 năm, Bartholdi mới hoàn thành công trình tượng thần tự do khổng lồ với khối lượng 204 tấn này. Năm sau, tượng được đưa lên tàu chiến Mỹ đem về đặt ở cảng New York. 

Sau khi trao cho chính phủ Mỹ tượng thần tự do, người Pháp cũng tạo thêm một vài phiên bản nhỏ hơn nhiều để đem dự triển lãm. Một trong số những phiên bản đó được đem sang triển lãm ở Việt Nam năm 1887 và sau đó, được tặng cho thành phố Hà Nội. Bức tượng mang sang Hà Nội cao 2,5m làm bằng đồng. Vì tượng mặc áo lòe xòe nên người dân gọi nôm na là tượng bà đầm xòe. 

Lúc đầu, tượng được đặt ở vườn hoa trung tâm gần tòa công sứ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau đó, vào năm 1891, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương muốn thay vào đó tượng Pôn Be (paul Bert) - viên toàn quyền Đông Dương đầu tiên, nên đã hạ tượng bà đầm xòe xuống. Trong lúc còn chờ xây dựng bệ đá đặt tượng Pôn Be và tìm vị trí mới đặt tượng bà đầm xòe, cả hai bức tượng bị hạ xuống nằm chỏng trơ trên nền cỏ. Nhân đó, người Hà Nội đặt câu vè để chế diễu:
“Ông Pôn Be lấy bà đầm xòe
Trước nhà kèn ò e í e”

Sau nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng, chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội quyết định đặt tượng bà đầm xòe trên nóc tháp Rùa mà họ gọi là ngôi đền nhỏ. Bức tượng được đặt ở đó từ năm 1891 đến 1896. Mặt tượng hướng về phía đông tức là khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay. Sau năm 1896, một lần nữa người ta lại di dời bức tượng này về vườn hoa Cửa Nam.


 Ảnh chụp tháp rùa với tượng bà đầm xòe được đặt trên nóc.

Tháng 7/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được quân Nhật dựng lên. Ở Hà Nội, cụ Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm thị trưởng. Là một người yêu nước, cụ Lai đã cho đổi lại tên hầu hết các con phố Hà Nội từ những tên của Pháp sang tên các danh nhân nước Việt mà cụ biết. Đồng thời với hành động đó, cụ Lai cũng ký quyết định cho giật đổ nhiều tượng đài tàn tích của thực dân Pháp. Một trong số chúng là tượng bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam. 

Như vậy, so với “người anh em” của mình bên Mỹ, tượng bà đầm xòe đã không thể yên ổn ở một chỗ. Ít nhất nó đã phải ba lần di chuyển. Và trong khi tượng thần tự do ở Mỹ trở thành một biểu tượng để người dân nước này tự hào thì tượng bà đầm xòe là thứ khiến cho người Việt căm ghét vì nó gắn với sự xâm lăng của bọn thực dân.

Những thứ tự do, bình đẳng, bác ái giả hiệu mà bọn thực dân nêu ra khi xâm lăng nước Việt không thể ru ngủ người Việt. Bởi thế, chúng chẳng thể đặt bức tượng lòe bịp ấy ở yên một chỗ lâu dài. 

Người Việt ta có tính tiết kiệm, phàm cái gì đã hư hỏng cũng đều cố tận dụng để làm việc khác. Từ khi thứ nghề “đồng nát” ra đời, những vật hỏng quá không còn giá trị sử dụng thì đem bán đồng nát cho đỡ phí của. Và tượng bà đầm xòe cũng được người Việt cho đi theo truyền thống. Đó là thanh lý đồng nát. 

Cụ thể, năm 1952, dân làng Ngũ Xã – một làng có nghề đúc đồng nổi tiếng ở Hà Nội, có ý định đúc một bức tượng phật A Di Đà, họ đã xin mua lại hai bức tượng trên để lấy đồng. Pho tượng A Di Đà này cao 3,95m, nặng hơn 12 tấn được đánh giá là hoàn hảo, không hề có một chút sai sót nào về kỹ thuật đúc và là pho tượng A Di Đà bằng đồng đầu tiên ở Việt Nam. 
 Hiện tại tượng ông Pôn Be và bà đầm xòe đã nằm trong pho tượng
phật A Di Đà ở chùa Ngũ Xã.

Vậy là tượng ngài Pôn Be với “bà đầm xòe” – đại diện cho cái tự do giả hiệu ở xứ An Nam bị nấu chảy để đúc nên tượng phật A Di Đà với gương mặt hiền từ luôn cảm thông, cứu vớt những nỗi đau trần thế. Sự kết thúc của pho tượng nữ thần tự do ở Việt Nam có thể là vô tình hay hữu ý của những người thợ đúc. Tuy nhiên, nó rất hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Truyền thống đó là luôn tiếp thu văn hóa bên ngoài để làm giàu nền văn hóa của dân tộc nhưng cũng luôn bài trừ rất mạnh những yếu tố văn hóa đi cùng các đội quân xâm lược. 


Minh chứng cho điều này, ta có thể ví dụ: học thuyết Nho giáo đã phát triển từ trước Công Nguyên ở Trung Quốc, tuy nhiên, suốt gần 1.000 năm người Hán thống trị nước Nam, dù dùng vũ lực để ép người Việt học văn hóa Hán, ăn mặc giống người Hán mà kết quả vẫn chẳng được bao nhiêu. Nhưng từ khi người Việt lấy lại độc lập thì lại chủ động tìm học Nho giáo và tạo ra một thời vàng son của chế độ khoa cử. Nhiều trí thức Việt khi sang phương Bắc đối đáp về Nho giáo, Khổng học khiến triều đình Trung Quốc phải kính nể. Đó là một minh chứng rất rõ ràng về khí phách kiên cường bất khuất của người Việt Nam.

26 thg 7, 2014

Mỹ không có bộ giáo dục, còn VN có văn hóa truyền khẩu



Cái tựa entry này sẽ làm cho nhiều người thắc mắc, thậm chí khó chịu. Một cái tựa ... rất vớ vẩn. Vì hai phần trước và sau dấu phẩy chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng nếu kiên nhẫn đọc đến hết bài, sẽ thấy giữa 2 phần có chút liên hệ logic. Là tôi nghĩ thế.

Trước hết, nói về phần đầu của cái tựa. Tôi rất mong những bạn đọc blog của tôi đều biết điều khẳng định ấy là sai. Mong vậy thôi, chứ không dám chắc. Vì ở Việt Nam, đã có nhiều hơn một người dám công khai khẳng định rằng Mỹ không có bộ giáo dục. Xin mở ngoặc, tôi nói "nhiều hơn một" có nghĩa là 2, vì tôi biết chắc chắn là có ít nhất 2 người; nhưng theo cách nói của tiếng Anh thì "nhiều hơn một" được hiểu đơn giản là "nhiều"; có lẽ cũng không sai!

Nói có sách, mách có chứng. Trước hết, xin mọi người hãy đọc entry của GS NVT, Việt kiều Úc, người đã từng rất ngạc nhiên, thậm chí shocked, khi đọc trên báo Việt lời khẳng định nói trên. Entry ấy ở đây.

Xin trích lại ở đây lời phát biểu của chuyên gia ấy, hiện vẫn còn nằm nguyên trên mạng, ở đây. Format in đậm nghiêng do tôi thêm vào để nhấn mạnh.
Ở Anh, Mỹ, khi kiểm định, Hội đồng thẩm định có quyền tối cao, nhà nước không tham gia nữa vì họ không có Bộ GD-ĐT.


Uả, vậy chứ mấy nước này có bộ giáo dục không vậy? GS NVT đã viết rất rõ ràng:
Ở Mĩ, bộ này có tên là “U.S. Department of Education” và website đàng hoàng www.ed.gov/index.jhtml. Còn Anh thì bộ giáo dục và đào tạo xuất hiện qua nhiều tên khác nhau như Ministry of Education (trước đây là Board of Education). Tra wikipedia thì được biết cơ quan quản lí giáo dục và đào tạo của Anh đã trải qua nhiều tên như Department for Education and Skills (từ năm 2001 đến 2007), Department for Children, Schools and Families (2007), Department for Innovation, Universities and Skills (2007-2009).


Nói thêm, 2 trang web của 2 Bộ Giáo dục này, đặc biệt là Bộ Giáo dục của Mỹ, là những địa chỉ tôi ra vào thường xuyên lắm lắm. Vì chúng rất hay. Vào trang web của bộ giáo dục Mỹ, tôi tìm được các thông tin về chủ trương, chính sách, hoặc cơ cấu tổ chức, nhân sự, và hoạt động của Bộ Giáo dục và chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề giáo dục của toàn nước Mỹ.

Và quan trọng hơn đối với tôi, ở đó còn có các số liệu thống kê về giáo dục Mỹ, các thực tiễn tối ưu (best practices) liên quan đến giáo dục để mọi người cùng học hỏi, các tài liệu hướng dẫn thực hành các vấn đề liên quan đến giảng dạy và học tập, và cả các nghiên cứu hàn lâm nữa.

Rất thuận tiện, và đáng đọc, cho tất cả mọi người đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục dưới những vai trò khác nhau - giáo viên đứng lớp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, và các vị lãnh đạo ngành giáo dục. Trang ấy ở đây. Hình ngay dưới đây.

Trước đây tôi cũng có đọc cả phát biểu của chuyên gia ở Hà Nội lẫn entry của GS NVT, nhưng tin rằng có lẽ phóng viên ghi nhầm vì không hiểu hết ý của người phát biểu. Gì chứ việc này ở VN dễ xảy ra lắm. Nên bỏ qua, không chú ý.

Nhưng tôi thực sự giật mình khi cách đây 2 ngày, trong chuyến công tác Thái Lan vừa qua, được nghe lại lời phát biểu cũng vẫn chắc như đinh đóng cột như thế của một chuyên gia giáo dục đại học khác, lần này là chuyên gia ở TP Hồ Chí Minh (cho nó cân bằng í mà): Mỹ không có bộ giáo dục!

Sao thế nhỉ? Cả hai chuyên gia có những phát biểu "giật gân" này tôi đều biết rõ, là đồng nghiệp hẳn hoi, và là những nguời tôi đánh giá cao, làm việc khá nghiêm túc, giỏi giang hơn mức trung bình chung trong giới rất nhiều. Cả hai đều đã học nước ngoài, nước tư bản cẩn thận, sử dụng tiếng Anh thoải mái trong công việc.

Hai chuyên gia giáo dục của VN, một Nam một Bắc, đều đã công khai khẳng định nước Mỹ không có bộ giáo dục?

Băn khoăn, tôi hỏi hai người. Một người là một đồng nghiệp khác, đi cùng đoàn với tôi, và ngồi gần tôi trên cùng chuyến bay từ Bangkok về Sài Gòn. Người ấy nói, không tỏ ra bức xúc lắm, rằng có lẽ người ta muốn nói không có bộ giáo dục theo kiểu của mình, tức một bộ giáo dục can thiệp quá sâu vào việc vận hành của các trường. Nhưng tôi chưa cảm thấy thuyết phục lắm. Vì như thế, thì phải nói rằng ở Mỹ, bộ giáo dục không can thiệp vào việc của các trường, chứ không thể nói là không có bộ giáo dục.

Người thứ hai mà tôi hỏi, vâng, còn ai trồng khoai đất này nữa, đó là ông xã tôi. Và ông ấy nói, "Em ơi, đúng rồi còn gì, Mỹ nó đâu có các ministry giống như mình. Nó gọi là department mà!"

Và thế là tôi bỗng ngộ ra mọi việc (ừ, thì tôi tưởng bở thế). Nên mới bật ra phần thứ hai của cái tựa này. Tôi nhớ mang máng cũng đã từng nghe ai đó, rất lâu rồi, kể về việc nhầm lẫn này. Mỹ không gọi là ministry và minister (bộ và bộ trưởng như Việt Nam và một số nước khác), mà nó gọi là department và secretary. Ví dụ, department of education và secretary of education. Nếu không thực sự hiểu biết về thế giới (thời VN đóng cửa, chưa có internet), thì khi gặp từ department of education dám dịch là "bộ môn giáo dục", và secretary of education dịch là "thư ký bộ môn giáo dục", không biết chừng!

Vậy thì, có thể mọi việc đã diễn ra như thế này chăng: có ai đó (cỡ bậc thầy, cao niên một chút) nghĩ rằng Mỹ không có bộ giáo dục vì thấy nó không có "ministry of education". Người ấy đã chân thành nhưng hăng hái phát biểu suy nghĩ nhầm lẫn này công khai ở nơi nào đó. Với một ấn tượng rất sâu sắc rằng vì Mỹ không có bộ giáo dục nên các trường đại học được sự tự chủ rất cao (điều này không phải là sai hoàn toàn: có bộ, nhưng bộ không can thiệp gì nhiều, các trường rất chủ động --> có thể coi như là không có bộ?)

Sau đó, những người khác cứ thế mà phát biểu theo, không kiểm chứng lại?

Có lẽ những gì tôi viết ở trên chỉ là do tôi tưởng tượng ra. Nhưng nếu không dùng đến sự tưởng tượng này, thì tôi thực sự không làm sao lý giải được những phát biểu tự tin, công khai đến thế của các đồng nghiệp đáng kính kia của tôi.

Mà suy cho cùng, chẳng phải văn hóa truyền khẩu đã ăn rất sâu vào người VN chúng ta rồi sao? Mời đi ăn cưới, dự tiệc, hoặc thậm chí đi họp, nếu chỉ đưa thiệp/giấy mời, thì như thế là không coi trọng, người ta sẽ không đi. Phải gọi điện, nói đến tận tai, thì mới là thông tin chính thức.

Cũng vậy, thông báo dán sờ sờ trên bảng, nhưng vẫn cứ phải chen chúc đến chỗ người văn thư để hỏi, mới thấy yên tâm, mới tin là thật. Nếu có sự khác biệt giữa giấy và lời, thì người Việt tin vào lời hơn là tin vào giấy. Văn hóa truyền khẩu mà.

Ai không đồng tình với entry này của tôi, xin cho tôi lời giải thích khác. Mong lắm lắm, và cám ơn lắm lắm!

Còn các vị đồng nghiệp của tôi nếu có đọc entry này, mong các vị không giận, vì tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm các vị. Nhầm lẫn cũng là bình thường thôi, quan trọng là khi nhận ra mình nhầm thì sửa lại. Chứ đừng tự vệ bằng cách cãi cho lấy được, thà chết chứ nhất định không nhận mình sai.

Mà dân trí, quan trí, "trí trí" (= trí tuệ của trí thức) của ta như thế này, đố biết khi nào VN có trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế?