10 thg 5, 2014

cuộc sống và các thể chế ở Mỹ - Phần IV: Chính phủ Mỹ


Phần IV: Chính phủ Mỹ

“Người Mỹ hình thành quốc gia từ một ý tưởng; không phải mảnh đất mà chính là ý tưởng đó đã tạo ra Chính phủ Hoa Kỳ”.
Bạn đọc Lê Oanh tiếp tục chia sẻ với bạn đọc Tuần Việt Nam về nền Chính trị Mỹ - một trong những nội dung của cuốn sách "Cuộc sống và các thể chế ở Mỹ" của nhà văn Mỹ nổi tiếng Doulas K.Spevenson. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi và bình luận. 

Một dân tộc mới ra đời

Vào năm 1776, 13 thuộc địa nhỏ yếu của Anh ở châu Mỹ đã tập hợp nhau lại, vùng lên và tuyên bố với cường quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc đó là nước Anh rằng từ nay trở đi họ sẽ là những quốc gia tự do và độc lập. Chính quyền Anh không thấy thế làm buồn và cũng không lấy gì làm vui và rồi tiếp đến là cuộc chiến tranh quyết liệt kéo dài hơn bảy năm, cuộc chiến tranh cách mạng.

Ngày nay khó mà đánh giá được, sau hai thế kỷ, cuộc cách mạng đó như thế nào. Một nước cộng hòa mới được thành lập, biến những ước mơ và lý tưởng của không ít triết gia chính trị thành hiện thực.
Những người Mỹ đã phá vỡ một truyền thống lâu đời, và đem những làn sóng vượt qua đại dương bất ngờ tấn công vượt trở lại: họ cho rằng họ có quyền lựa chọn hình thức chính phủ của riêng họ.
Vào thời điểm đó, ý tưởng cho rằng chính phủ phải đón nhận quyền lực chỉ từ “sự đồng ý của những kẻ thống trị” là rất mạnh mẽ. Thế nhưng một điều mới mẻ đã ló ra dưới ánh mặt trời – đó là hệ thống chính quyền, theo lời nói của Lincoln, “của dân, do dân và vì dân”.

Hiến pháp và bộ luật dân quyền

Các nước thuộc địa trước đây, và bây giờ là “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, lúc đầu vận hành theo một thỏa thuận được gọi là Điều lệ liên bang” (1781). Chẳng bao lâu sau, một điều rõ ràng là thỏa thuận lỏng lẻo này giữa các bang vận hành không tốt. Chính phủ liên bang trung ương quá yếu vì có quá ít về quyền lực quốc phòng, thương mại và thuế quan.
Chính vì vậy, vào năm 1787 đại diện các bang đã gặp nhau ở Philadelphia. Họ muốn sửa đổi điều lệ liên bang, nhưng họ đã làm được nhiều hơn thế. Họ đã viết nên một bản văn hoàn toàn mới là Hiến pháp mà phải sau rất nhiều bàn cãi, tranh luận và thỏa hiệp mới được hoàn tất vào năm đó và được chính thức thông qua vào năm 1789.
Hiến pháp Mỹ, một văn bản lâu đời nhất cho đến nay vẫn có hiệu lực, quy định hình chức chính quyền cơ bản: ba nhánh quyền lực riêng biệt, mỗi nhánh có những quyền của mình (“kiểm soát và cân bằng quyền lực”) đối với các nhánh còn lại. Hiến pháp cụ thể hóa những quyền và nghĩa vụ của mỗi nhánh quyền lực chính quyền liên bang cùng với tất cả những quyền và nghĩa vụ khác thuộc về các bang.
Cho đến nay, Hiến pháp đã được sửa đổi nhiều lần để đáp ứng những nhu cầu không ngừng thay đổi của quốc gia, nhưng đó vẫn là “bộ luật tối cao của mảnh đất này”. Tất cả các chính quyền và các nhóm chính quyền thuộc chính phủ liên bang, bang và địa phương đều phải hoạt động trong khuôn khổ những đường hướng chỉ đạo của Hiến pháp.
Quyền lực tối cao theo quy định của Hiến pháp không được trao cho Tổng thống (nhánh hành pháp), Quốc hội (nhánh lập pháp), hay Tòa án tối cao (nhánh tư pháp). Như nhiều quốc gia khác, quyền lực đó không thuộc một thiết chế chính trị nào cả - hay thậm chí một đảng phái chính trị nào. Quyền lực tối cac thuộc về “chúng ta, những người dân” cả trên thực tế lẫn tinh thần.
Theo cách thức này, người Mỹ tự dành cho họ sự tự do và những đặc quyền mà ở những nơi khác chỉ thuộc về những đặc quyền đặc lợi của số ít người. Người Mỹ cố giải quyết những vấn đề của riêng họ dựa trên những lợi ích của chính họ. Họ bầu ra những người đại diện cho mình và viết nên luật pháp của chính họ.
Và dĩ nhiên, họ cũng tự mắc phải những sai lầm. Họ tuyên bố trong 10 văn bản sửa đổi Hiến pháp đầu tiên, tức Bộ luật dân quyền (1791), điều mà họ cho là cơ bản đối với bất kỳ người Mỹ nào.
Những quyền đó – hầu hết đã được nói đến trong Bộ luật dân quyền Virginia (1776) và Massachusetts (1780) – bao gồm quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, quyền tụ tập hòa bình và quyền kiến nghị chính phủ sửa chữa những sai sót.
Những quyền khác bảo vệ các công dân trước những điều tra, bắt người và tịch thu tài sản vô căn cứ và thiết lập nên một hệ thống tư pháp để bảo đảm các hoạt động pháp luật diễn ra hợp pháp. Điều này là bao gồm quyền được một bồi thẩm đoàn phán xét, tức là được những công dân của chính mình xét sử.
Điều tự hào lớn lao của người Mỹ về Hiến pháp của họ, tương tự như sự tôn trọng mang tính chất tôn giáo, bắt nguồn từ nhận thức rằng những lý tưởng, tự do và quyền đó không phải do một nhóm nhỏ giai cấp thống trị tạo ra. Hơn thế những lý tưởng, tự do và quyền đó được xem như những quyền tự nhiên “không thể tách rời” của mọi người Mỹ, mà họ đã phải chiến đấu vì nó và đã chiến thắng.
Họ không thể bị bất kỳ chính phủ, tòa án, hay luật pháp nào tước đoạt mất những quyền này. Chính phủ liên bang và chính phủ các bang được hình thành theo Hiến pháp, do đó phải phục vụ nhân dân và thực hiện những mong muốn của đại đa số những người dân.
Trong suốt hai thế kỷ qua, Hiến pháp Mỹ vẫn luôn có ảnh hưởng đáng kể ở bên ngoài nước Mỹ. Một số các quốc gia khác đã sao chép Hiến pháp Mỹ để hình thành nên hình thức chính phủ của họ. Và cũng đã có những lời ngợi ca Hiến pháp Mỹ trong hiến chương của Liên hợp quốc.
Có một sự mỉa mai trong thực tế là hai thế kỷ sau cách mạng Mỹ, một số chính trị gia người Anh đang đòi hỏi có một cuộc cải cách cơ bản trong chính phủ của họ bao gồm “một hiến pháp thành văn, một quốc hội thứ hai do dân bầu, và một bộ luật dân quyền”.

Hệ thống chính quyền Mỹ

Các hệ thống thuộc chính phủ ở Mỹ - liên bang, bang , hạt và địa phương – khá dễ hiểu. Dễ hiểu vì bạn đã cùng lớn lên với nó và đã học nó ở trường. Tuy nhiên có một số nguyên tắc cơ bản có thể thấy ở tất cả các cấp độ chính quyền Mỹ. Một trong những nguyên tắc đó là “một cử tri, một phiếu bầu”, tức là các nghị sĩ được các cử tri bầu trực tiếp từ các khu vực địa lý. Theo nguyên tắc này, tất cả các đơn vị bầu cử phải có xấp xỉ một số lượng dân cư nhất định.
Một nguyên tắc căn bản khác của chính quyền Mỹ là, do hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực, thỏa hiệp trong chính trị là một vấn đề tất yếu chứ không phải là sự lựa chọn. Trong các vấn đề đối ngoại, tổng thống cũng bị hạn chế hết sức. Bất kỳ hiệp ước nào trước hết cũng phải được Thượng nghị viện thông qua. Nếu không được thông qua thì sẽ không có hiệp ước. Nguyên tắc này là “Tổng thống đề nghị còn Quốc hội thì bác bỏ”.
Quốc hội

Quốc hội, nhánh lập pháp của chính phủ liên bang, bao gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Có 100 thượng nghị sĩ, mỗi bang có hai người. Một phần ba số thượng nghị sĩ được bầu lại hai năm một lần trong nhiệm kỳ sáu năm. Các thượng nghị sĩ đại diện cho tất cả nhân dân của một bang và những lợi ích của họ.
Hạ nghị viện có 435 đại biểu, các hạ nghị sĩ được bầu hai năm một lần cho nhiệm kỳ hai năm. Họ đại diện cho dân cư của “các đơn vị thuộc quốc hội” phân chia cho mỗi bang. Số đại biểu của mỗi bang dựa theo dân cư của bang đó. Ví dụ, California là bang có số dân đông nhất có tới 52 hạ nghị sĩ, trong khi đó Delawere chỉ có một hạ nghị sĩ.
Hầu hết các cuộc bầu cử ở Mỹ đều theo nguyên tắc “được ăn cả ngã về không”: ứng cử viên giành được số phiếu bầu lớn nhất trong một đơn vị thuộc quốc hội là người thắng cuộc.
Quốc hội ban hành tất cả các loại luật, và mỗi viện của Quốc hội đều có quyền đưa ra các văn bản pháp luật. Mỗi viện cũng có thể bỏ phiếu chống lại văn bản pháp luật do viện kia thông qua. Vì văn bản pháp luật chỉ có thể trở thành luật nếu cả hai viện đồng ý nên sự thỏa hiệp giữa hai viện là điều rất cần thiết. Quốc hội quyết định các loại thuế và số tiền được phép chi tiêu.
Ngoài ra, Quốc hội cũng quy định thương mại giữa các bang và với các quốc gia khác. Thêm vào đó, cơ quan quyền lực này còn đặt ra các luật lệ để các công dân nước ngoài nhập quốc tịch trở thành công dân Mỹ.

Hệ thống tư pháp liên bang

Nhánh chính quyền thứ ba, bên cạnh nhánh lập pháp (Quốc hội) và hành pháp (Tổng thống) là bộ máy tư pháp liên bang. Công cụ chính của hệ thống tư pháp liên bang là tòa án tối cao, giám sát hai cơ quan quyền lực kia.
Tòa án tối cao có quyền tài phán trực tiếp chỉ trong hai loại trường hợp: loại các trường hợp liên quan đến các nhà ngoại giao nước ngoài và loại trường hợp mà một bên liên quan là một bang. Tất cả các trường hợp khác lên tới Tòa án tối cao là những trường hợp phúc thẩm từ các toàn án cấp dưới.
Tòa án tối cao lựa chọn những trường hợp họ sẽ xử phúc thẩm, phần lớn những trường hợp này liên quan đến việc giải thích Hiến pháp. Tòa án tối cao cũng có “quyền xem xét tài phán”, tức là có quyền tuyên bố luật pháp, hành động của các chính quyền liên bang, bang, và địa phương là không hợp hiến. Cho dù không được quy định rõ trong Hiến pháp, quyền lực này đã dược hình thành cùng với thời gian.

Kiểm soát và cân bằng

Hiến pháp quy định sao cho ba nhánh quyền lực chính riêng rẽ và khác biệt nhau. Quyền lực của mỗi nhánh được cân bằng một cách thận trọng bởi quyền lực của hai nhánh kia. Mỗi nhánh là một bộ máy kiểm soát đối với hai nhánh kia. Hệ thống cân bằng quyền lực này là để không cho bất kỳ một nhánh quyền lực nào giành được quá nhiều quỳen lực hoặc sử dụng không đúng quyền lực của mình.
Quốc hội có quyền làm luật, nhưng Tổng thống có quyền phủ quyết bất kỳ đạo luật nào của Quốc hội.
Về phần mình, Quốc hội có thể bác bỏ quyền phủ quyết bằng hai phần ba số phiếu ở mỗi viện. Quốc hội cũng có thể từ chối cung cấp khoản tiền do Tổng thống yêu cầu. Tổng thống có thể bổ nhiệm các quan chức chính phủ quan trọng trong chính quyền của mình, nhưng các quan chức này phải được Thượng nghị viện thông qua.

Tòa án có quyền quyết định tính hợp hiến của tất cả các đạo luật của quốc hội và các hoạt động của Tổng thống, và phế truất những ai mà họ thấy là vi phạm Hiến pháp.
Hệ thống kiểm soát và cân bằng tạo ra những thỏa hiệp và nhất trí cần thiết
Thỏa hiệp cũng là một khía cạnh quan trọng của các cấp độ chính quyền khác ở Mỹ. Hệ thống này chống lại những nhân tố cực đoan. Điều này có nghĩa là, chẳng hạn, các Tổng thống mới không thể thay đổi quá cấp tiến các chính sách của chính phủ chỉ vì họ muốn làm vậy. Vì vậy, ở Mỹ khi người dân nghĩ đến “Chính phủ”, họ thường bao hàm toàn bộ hệ thống, tức là, bộ máy hành pháp hay Tổng thống, Quốc hội và Tòa án. Do đó, cả trên lý thuyết và trong thực tế, Tổng thống không có nhiều quyền lực như nhiều người bên ngoài nước Mỹ thường nghĩ. So sánh với những nhà lãnh đạo khác trong hệ thống mà đảng chiếm đa số thành lập nên “chính phủ”, Tổng thống Mỹ có ít quyền lực hơn.
 
  • Bạn đọc: Lê Oanh (Hà Nội)
Phần V: Chính phủ Mỹ (tiếp)

28/06/2007 09:18 (GMT + 7)

Liệu tất cả mọi người ở Mỹ có bình đẳng với nhau không nếu trong Tuyên ngôn độc lập của họ tuyên bố rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”?

Các đảng phái chính trị

Hiến pháp không nói gì đến các đảng phái chính trị, nhưng cùng với thời gian, trên thực tế ở Mỹ đã phát triển một hệ thống hai đảng. Hai đảng dẫn đầu là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Bên cạnh hai đảng này còn có các đảng khác và nhiều nhà quan sát nước ngoài thường ngạc nhiên khi biết rằng trong số các đảng đó cũng có cả Đảng Công sản và một số Đảng Xã hội.
Các đảng thiểu số đôi khi cũng giành được các chức vụ trong chính quyền cấp dưới, nhưng các đảng này không có vai trò trong nền chính trị quốc gia. Một người không nhất thiết phải là thành viên của một đảng phái chính trị để tham gia tranh cử ở bất kỳ cấp chính quyền nào.

Khi đăng ký bầu cử, người dân chỉ có thể đơn giản tuyên bố mình la thành viên của một trong hai đảng chính. Điều này, được coi như một nguyên tắc, cho phép họ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chọn ứng cử viên tổng thống của đảng.
Đôi lúc, khi nghĩ đến những người Dân chủ người ta thường gắn liền với lao động và những người Cộng hòa thường đi cùng với kinh doanh và công nghiệp. những người Cộng hòa cũng thường phản đối sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ liên bang vào một số lĩnh vực của đời sống công chúng mà họ cho là thuộc trách nhiệm của các bang và cộng đồng. Trái lại, những người Dân chủ thường ủng hộ việc chính phủ trung ương có một vai trò tích cực hơn trong các vấn dề xã hội.
Tuy nhiên, phân biệt giữa hai đảng là một điều rất khó. Hơn thế, những khái niệm truyền thống của Châu Âu như “tả”và “”hữu, hay “bảo thủ” và “tự do” không hoàn toàn giống như hệ thống của Mỹ. Chẳng hạn, một người ở “cánh hữu bảo thủ” có thể chống lại chính quyền trung ương hùng mạnh.
Một người dân chủ ở một nơi nào đó của đát nước có thể rất “tự do”, còn một người Dân chủ ở một nơi khác của đất nước lại có thể khá “bảo thủ”. Ngay cả là họ đã được bầu là nghị sĩ cũng không hoàn toàn tuân theo tất cả các chương trình của đảng cũng như không hoàn toàn chấp hành mọi nguyên tắc khi họ không nhất trí với đảng của mình.
Nói cách khác, trong khi một số tham gia “bỏ phiếu thẳng” cho tất cả các ứng cử viên Đảng Cộng hòa hay Dân chủ trong một cuộc bầu cử, một số khác lại không tham gia. Họ bỏ phiếu cho ứng cử viên của một đảng vào một vị trí và ứng cử viên khác vào một vị trí khác. Do đó, các đảng phái chính trị của Mỹ ít có quyền lực thực sự hơn nhiều so với các đảng phái chính trị ở các quốc gia khác.
Tại Mỹ các đảng phái không thể tự ý dành các ghế cho những thành viên của đảng do họ chọn. Thay vào đó, cả các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đều được bầu trên tư cách cá nhân nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và các khu vực mà họ đại diện, tức là “các khu vực cử tri” của họ.
Trong khoảng 70% các quyết định của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu theo những mong muốn cụ thể của các cử tri của họ ngay cả khi điều đó đi ngược lại điều mà đảng của họ có thể muốn thành như chính sách quốc gia. Thực ra, việc các Đảng viên Dân chủ trong Quốc hội bỏ phiếu cho luật của Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ trong khi một số đảng viên Cộng hòa lại bỏ phiếu chống lại, v.v., là điều khá phổ biến.

Bầu cử

Các công dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Tuy nhiên, họ phải đăng ký bầu cử thì mới có thể thực hiện quyền bầu cử của mình. Mỗi bang đều có quyền quyết định thủ tục đăng ký. Nhiều tổ chức dân sự như Hiệp hội cử tri nữ giới đang cố gắng tích cực lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào quá trình bầu cử và có càng nhiều đợt vận động người đăng ký bầu cử càng tốt.
Tuy nhiên, lại có mối lo ngại về số lượng công dân có quyền tham gia bầu cử nhưng không tham gia. Có 50 luật đăng ký khác nhau ở Mỹ - mỗi luật dành cho một bang. Tại miền Nam, các cử tri phải đăng ký không chỉ ở địa phương mà cả ở địa hạt.
Một yếu tố quan trọng khác là ở Mỹ có nhiều cuộc bầu cử ở cấp nhà nước và địa phương hơn phần lớn các nước khác. Tất nhiên, người Mỹ quan tâm nhiều đến chính trị địa phương hơn những người làm việc ở cấp liên bang. Nhiều quyết định quan trọng nhất, chẳng hạn như, những quyết định liên quan đến giáo dục, nhà ở, thuế, v.v.đều được đưa ra ở các cấp gần với người dân, tai bang hoặc hạt.
Bầu cử Tổng thống thực ra gồm hai chiến dịch bầu cử riêng biệt.Chiến dịch thứ nhất là để chỉ định các ứng cử viên tại các hội nghị đảng quốc gia. Chiến dịch thứ hai mới là để tranh cử tổng thống thật sự. Cuộc chạy đua để được chỉ định là một cuộc cạnh tranh giữa các thành viên của cùng một đảng. Họ phải chạy đua liên tiếp trong các cuộc bầu cử cơ sở chọn ứng cử viên tổng thống ở các bang và các cuộc họp kính trong đảng .
Họ hy vọng dành được đa số phiếu bầu của các đại biểu cho các cuộc họp của đảng của họ. Sau đó, hội nghị của đảng bỏ phiếu để bầu ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng. Vài tháng sau đó là các chiến dịch chạy đua giành chức tổng thống của các ứng cử viên.
Các cuộc bầu cử cơ sở chọn ứng cử viên tổng thống này kéo dài trong cả quá trình bầu cử. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử này có một số ưu điểm, tất cả đều có ý nghĩa hêt sức quan trọng đối với nền dân chủ ở Mỹ.
Thứ nhất, các cuộc bầu cử giúp ngăn không để một số những nhà lãnh đạo chọn các ứng cử viên. Tất cả mọi thành viên đều có thể tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương, bất kỳ ai muốn được đảng mình lựa chọn ra ứng cử đều phải chạy đua.
Thứ hai, do ưu điểm trên, “một nguồn sinh lực mới” có thể tham gia vào cuộc chạy đua và đôi khi , như điều mà Clinton dã làm được vào năm 1992, giành được sự đề cử trong đảng của ông. Và cuối cùng, khi các ứng cử viên trong một đảng tranh luận với nhau công khai tất cả mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy những ưu điểm và nhược điểm. Vì những lý do này, một số đảng ở một số quốc gia giờ đây đang thử nghiệm các hệ thống cơ sở riêng của họ.
Vào tháng Mười một của năm bầu cử - cư bốn năm một lần- các cử tri trên khắp đất nước đi bỏ phiếu. Nếu đa số phiếu bầu của nhân dân trong một bang ủng hộ ứng cử viên tổng thống (phó tổng thống) của một đảng thì người đó được coi là giành được toàn bộ “phiếu bầu” của bang đó. Các phiếu bầu này tương đương với số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của mỗi bang trong quốc hội.
Ứng cử viên giành được số phiếu bầu nhiều nhất sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử. Kết quả bỏ phiếu của mỗi bang thông thường sẽ do “cử tri đoàn” thông báo chính thức. Vào tháng Một năm tiếp theo, trong một kỳ họp hỗn hợp của Quốc hội, tổng thống và phó tổng thống mới sẽ chính thức được thông báo.

Chủ nghĩa liên bang: chính phủ bang và chính quyền địa phương

Năm mươi bang rất khác nhau về diện tích, dân số, khí hậu, kinh tế, lịch sử và quyền lợi.
Chính phủ của 50 bang thường cũng rất khác nhau. Bởi lẽ các chính phủ của các bang thường tiếp cận các vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị khác nhau nên các bang được gọi là “các phòng thí nghiệm dân chủ”. Tuy nhiên, chính phủ các bang lại có chung những cơ cấu căn bản giống nhau nhất định. Từng bang riêng lẻ có các hình thức chính quyền cộng hòa với một thượng nghị viện và một hạ nghị viện.
Tất cả các bang đều có cơ quan hành pháp do thống đốc bang đứng đầu và hệ thống tòa án độc lập. Mỗi bang cũng có hiến pháp riêng của mình. Tuy nhiên, tất cả các bang đều phải tôn trọng luật pháp liên bang và không được ban hành pháp luật trái với luật pháp của các bang khác. Cũng tương tự như vậy, các thành phố và các nhà chức trách địa phương phải ban hành pháp luật và quy định của mình sao cho phù hợp với hiến pháp của bang mà họ trực thuộc.
Hiến pháp của Mỹ hạn chế chính phủ liên bang chỉ trong những quyền hạn rất cụ thể, nhưng những hướng dẫn thực thi Hiến pháp ngày nay đã mở rộng trách nhiệm của chính phủ liên bang. Tất cả những quyền còn lại đương nhiên thuộc về các bang và các khu vực địa phương.
Điều này có nghĩa rằng luôn luôn có một cuộc chiến giữa những quyền lợi của chính phủ liên bang và của từng bang. Sự bất tín nhiệm có tính truyền thống trước một chính quyền trung ương quá hùng mạnh của người Mỹ đã giữ cho cuộc chiến này diễn ra tương đối ổn định trong nhiều nặm. Các bang và địa phương nước Mỹ có những quyền mà ở các nước khác nhìn chung thuộc về chính phủ trung ương.
Có nhiều lĩnh vực khác cũng thuộc mối quan tâm của các thành phố, thị trấn, làng mạc. Trong số đó có giờ mở của và đóng cửa của các cửa hiệu, việc sửa chữa đường xá, xa lộ, những quy định về kiến trúc và những quy định khác.
Đồng thời, một địa phương có thể quyết định rằng một tạp chí nào đó là có tính chất khiêu dâm và cấm tạp chí đó được phát hành, hay ban giám hiệu của một trường địa phương có thể quyết định rằng một cuốn tiểu thuyết nào đó không được có mặt trong thư viện của trường.
Nhưng một làng khác, chỉ cách địa phương và trường học đó có vài dặm đường bộ, lại có thể chấp nhận cả tờ tạp chí lẫn cuốn tiểu thuyết đó. Không giống với ở nhiều nước khác, việc kiểm duyệt sách báo hay phim ảnh quốc gia không tồn tại trên đất nước Mỹ.
Phần lớn các bang và một số các thành phố có các loại thuế thu nhập riêng. Nhiều thành phố và hạt cũng có những luật riêng quy định những ai có thể và không thể sở hữu súng. Nhiều sân bay, một số trong số đó là sân bay quốc tế, thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của các thành phố và hạt và có một lực lượng cảnh sát sân bay riêng.
Cuối cùng, rất nhiều những vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất do cấp trung ương quyết định ở các quốc gia khác thì ở Mỹ lại do từng bang và địa phương quyết định.
Sợi chỉ xuyên suốt nối tất cả các chính quyền các bang ở Mỹ là “trách nhiệm giải trình” của các chính trị gia, các quan chức, các cơ quan và các tổ chức trực thuộc chính phủ. Điều này có nghĩa là các thông tin và hồ sơ về tội phạm, hỏa hoạn, hôn nhân và ly hôn, các vụ án, thuế tài sản, v.v đều là những thông tin công khai.
Hơn thế nữa, có vô số loại cơ quan khác nhau trực thuộc Chính phủ Mỹ. Hệ thống các cơ quan này cố gắng đáp ứng các yêu cầu và mong muốn của nhân dân taị các địa phương, đồng thời với việc Hiến pháp bảo đảm những quyền lợi cơ bản cho bất kỳ ai và bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ.

Các nhóm đặc quyền đặc lợi

Người Mỹ luôn quan tâm đến việc các chính trị gia đại diện cho lợi ích của họ thường lập nên các “nhóm áp lực”, vận động hành lang chính trị, ủy ban hành động công chúng (PACs), hay các nhóm lợi ích đặc biệt (SIGs).Các nhóm này tìm cách cố gắng gây ảnh hưởng đối với các chính trị gia về hầu hêt mọi vấn đề.
Một nhóm có thể vận động cho luật kiểm soát vũ khí liên bang trên toàn quốc, trong khi nhóm khác lại phản đối luật này. Và không có gì đáng ngạc nhiên là một số nhóm áp lực muốn các nhóm áp lực bị ngừng hoạt động và vận động hành lang chống lại các nhà vận động hành lang.
Các nhóm công dân như vậy cũng góp phần làm suy yếu các đảng phái chính trị. Từng chính trị gia phải hết sức chú ý tới những mối lo ngại đặc biệt và động cơ của các cử tri của họ. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều tổ chức chính phủ, với rất nhiều các lợi ích về sắc tộc, văn hóa, kinh doanh và địa lý, lại dường như có thể giải quyết rất tốt các vấn đề của những người mà các tổ chức đó được lựa chọn để đại diện.
Nhưng rất nhiều các chính quyền địa phương, vùng và bang thực sự góp phần thực hiện mong muốn của rất nhiều các nhóm cử tri khác. Nếu người New York muốn trường đại học của thành phố họ mở cửa đối với bất kỳ cư dân thành phố nào thì đó là chuyện của họ.
Nếu một thành phố nhỏ ở vùng núi thuộc bang Colorado quyết định rằng các loại xe chạy bằng máy đi trên tuyết và băng lại có quyền đi trên đường bộ của thành phố thì là quyết định của họ.

Thái độ chính trị

Người ta thường nói và điều đó có vẻ như cũng đúng: người Mỹ dường như chủ yếu theo bản năng không thích chính quyền và các chính trị gia. Đặc biệt, họ có xu hướng không thích “những kẻ ngớ ngẩn ở Washington”, những kẻ chi tiêu số tiền đóng thuế của họ và luôn tìm cách “can thiệp” vào các vấn đề cá nhân và địa phương họ. Rất nhiều người có lẽ sẽ không ngại ngần nhất trí với ý kiến cho rằng chính phủ tốt nhất là một chính phủ điều hành ít nhất.
Các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có một phần tư những người được hỏi muốn chính phủ liên bang làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề của đất nước. Các vùng lân cận, các cộng đồng và các bang có một niềm tự hào mạnh mẽ vì khả năng của mình trong việc tự giải quyết các vấn đề của chính địa phương họ và niềm tin này mạnh mẽ nhất là ở miền Tây.
Các quan chức hiếm khi gây ấn tượng đối với người Mỹ. Họ không tin vào những người tự gọi mình là chuyên gia. Họ không thích bị gia lệnh phải làm bất kỳ cái gì .Như hàng nghìn nhà quan sát nước ngoài đã nhận xét, đơn giản là người Mỹ không thích giới lãnh đạo.
Nhiều khách du lịch tới Mỹ vẫn còn hết sức ngạc nhiên bởi những xu hướng bình đẳng mạnh mẽ mà họ gặp trong cuộc sống hàng ngày. Người Mỹ thuộc tất cả các tầng lớp khác nhau, với xuất thân về giáo dục và xã hội khác nhau thường sẽ bắt đầu câu chuyện với nhau “như là họ hoàn toàn bình dẳng với nhau” vậy.
Liệu tất cả mọi người ở Mỹ có bình đẳng với nhau không nếu trong Tuyên ngôn độc lập của họ tuyên bố rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”? Không, tất nhiên là không – ngoại trừ cách hiểu theo khía cạnh có những quyền bình đẳng như nhau.
Tóm lại, người Mỹ nghĩ gì về hệ thống chính quyền của họ? “Các công dân chúng ta” ngày nay có thể quyết định điều gì? Một người Mỹ đạt giải thưởng Nobel về văn học đã nói: “Chúng ta có thể tin rằng chính phủ của chúng ta yếu ớt, ngu ngốc, không đáng tin cậy, và không hiệu quả và đồng thời chúng ta cũng lại hết sức tin tưởng rằng đó là chính phủ tốt nhất trên thế giới, và chúng ta muốn áp đặt nó đối với bất kỳ ai khác”.
Tất nhiên, rất nhiều người trong số 250 triệu dân Mỹ ngày nay có thể không đồng ý phần nào hoặc tất cả với quan điểm nói trên. Họ có thể hỏi rằng người Mỹ này là ai mà lại có thể nói hộ cho tất cả chúng ta?
Bạn đọc: Lê Oanh (Hà Nội) 

Cuộc sống và thể chế ở Mỹ - Phần III: Giáo dục Mỹ


Phần III: Giáo dục nước Mỹ

Với lịch sử của nước Mỹ và nhân dân Mỹ, từ nhiều nguồn gốc, nhiều nhu cầu, khát vọng khác nhau, thực tế giáo dục Mỹ luôn nhạy cảm với những điểm yếu và nhận thức được những điểm mạnh của mình để có thể phát triển một tương lai tốt đẹp.
Bạn đọc Lê Oanh tiếp tục chia sẻ với bạn đọc Tuần Việt Nam về nền giáo dục Mỹ - một trong những nội dung của cuốn sách "Cuộc sống và các thể chế ở Mỹ" của nhà văn Mỹ nổi tiếng Doulas K.Spevenson. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi và bình luận.

“Trong suốt chiều dài lịch sử của nước Mỹ, giáo dục luôn là niềm hy vọng lớn lao để cải biến từng cá nhân và xã hội” (Gunnar Myrdal)

Lịch sử

Phần lớn các nhà sử học đều nhất trí rằng rất nhiều tiến bộ về kinh tế, chính trị, khoa học và văn hóa của Mỹ đạt được trong lịch sử khá ngắn ngủi của mình là nhờ vào sự phát triển của giáo dục.

Ngay những ngày đầu của thời kỳ thuộc địa người Mỹ đã tỏ ra rất quan tâm đến giáo dục. Những người định cư đầu tiên đã bao gồm một tỷ lệ những người đã được học hành cao khác thường.Chính sách mở các trường học ở các bang trở nên phổ biến, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã tập hợp nhau lại và lập nên các trường đại học, các trường đại học cũ được duy trì và phát triển.

Các bang luôn có chính sách vừa khuyến khích vừa bắt buộc lập nên các trường học miễn phí bắt buộc và phổ cập từ những năm 1640. Tầm quan trọng của giáo dục trong đời sống của người Mỹ cũng phản ánh trong pháp lệnh Tây Bắc năm 1785, nó đưa ra những đường hướng chỉ đạo và quy định mỗi thị trấn phải dành đất để xây dựng các trường học công.

Đến năm 1850, tất cả các bang đều đã có được một hệ thống các trường học công miễn phí cho tất cả mọi người dân và chi phí của các trường này lấy từ các khoản thuế công cộng.Cũng trong năm này, các trường đại học và tổng hợp do nhà nước hỗ trợ đã được thành lập ở nhiều bang.
Năm 1862, Quốc hội đã thông qua một đạo luật trong đó quy định cung cấp cho các bang các khu đất công cộng (thuộc liên bang) để sử dụng cho hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở của các trường đại học về nông nghiệp và kỹ thuật.

Do vậy, nhiều “trường đại học được cấp đất” đã được thành lập, các trường đại học này đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình dân chủ hóa hệ thống đào tạo đại học ở Mỹ.
Đến năm 1900, đã có gần 1000 trường đại học ở Mỹ. Trong số đó có các trường luật và y cùng hàng trăm các trương đại học nghệ thuật tự do nhỏ với các khóa học dài bốn năm. Và ngày nay, có khoảng 41 triệu sinh viên là học sinh taị các trường công từ tiểu học đến trung học, 5 triệu sinh viên , học sinh tại các trường tư trên khắp cả nước. Cứ bốn trong số năm trường tư là do các nhà thờ Thiên chúa giáo , giáo đường Do thái hay các nhóm tôn giáo khác quản lý.
Hàng năm, khoảng 13 triệu người Mỹ đăng ký học tại hơn 3000 trường đại học và đại học tổng hợp thuộc đủ loại: công hữu, tư nhân, có liên quan đến tôn giáo, lớn, nhỏ, ở các thành phố, các bang, các hạt.Gần 78% sinh viên đại học theo học tại các trường công trong khi chỉ có hơn 22% dăng ký học tại các trường đại học tư. Các con số về giáo dục của Mỹ (năm 1990) cho thấy xét theo số tiền dành cho giáo dục tính theo đầu người thì Mỹ thuộc những nước đứng đầu trên thế giới.
Những tiến bộ mà Mỹ đạt được còn nhờ vào sự cam kết đối với lý tưởng về các cơ hội đồng đều của Mỹ. Đó là lý tưởng càng có nhiều người Mỹ đi học càng tốt, học cho tới khi họ không thể học được nữa thì thôi. Ngay từ thời kỳ đầu cho đến nay, đặc biệt là ở các bang phía bắc và tây, chính sách chung là đào tạo ra những con người có trình độ.
Không còn nghi ngờ gì nữa giáo dục của Mỹ, với mục đích đem đến sự bình đẳng về cơ hội cũng như chất lượng tuyệt vời của nó, đã nâng cao trình độ học vấn chung của người Mỹ. Giáo dục đã khuyến khích nhiều người Mỹ hơn bao giờ hết nghiên cứu, học tập để có những bằng cấp cao hơn và tham gia vào nghiên cứu chuyên sâu.
Nhiều người Mỹ có niềm tin rằng, tương lai của xã hội phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của các công dân có giáo dục. Điều đó giải thích vì sao nhiều người Mỹ vẫn sẵn sàng dành nhiều tiền hơn nữa cho giáo dục ngay cả vào những thời kỳ khó khăn của nền kinh tế.

Kiểm soát giáo dục

Có hai ảnh hưởng quan trọng đối với giáo dục Mỹ tạo nên đặc điểm của nó hiện nay, đó là quy mô và tính đa dạng cao tại mọi cấp độ của giáo dục. Ảnh hưởng thứ nhất là ảnh hưởng về vấn đề luật pháp hay chính phủ. Ảnh hưởng thứ hai là thuộc về văn hóa.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không có một hệ thống giáo dục toàn quốc, Hiến pháp không quy định trách nhiệm giáo dục của chính phủ liên bang nên tất cả các vấn đề giáo dục đều thuộc về từng bang. Cho dù có một Bộ giáo dục của liên bang nhưng chỉ có các chức năng: thu thập thông tin, cố vấn và giúp đỡ tài chính cho các chương trình giáo dục nhất định.
Hiến pháp từng bang lại cho phép các cộng đồng đại phương kiểm soát thực sự về mặt hành chính đối với các trường công. Có khoảng 15.300 khu vực trường học trong 50 bang. Các ban giám hiệu gồm các công dân được bầu lên từ mỗi cộng đồng giám sát các trường học ở mỗi khu vực.

Họ, chứ không phải là bang, đề ra chính sách của trường học và quyết định thực sự sẽ dạy cái gì. Năm 1990, khoảng 47% ngân quỹ giành cho giáo dục tiểu học và trung học là từ các nguồn của bang và 46% là của địa phương và chỉ có 6% là của chính phủ liên bang.
Những người quản lý trường học phải thể hiện những mong muốn của địa phương và những quan tâm về giáo dục khi họ được cộng đồng bầu ra. Tất cả các trường phổ thông hay các trường đại học đều có các nhóm tự quản lý, các hiệp hội hay ban bệ tín nhiệm và đều khá tự do trong việc quyết định những tiêu chuẩn, tiếp nhận học sinh và những yêu cầu về tốt nghiệp riêng của mình.

Kết quả chủ yếu của tình hình khác thường này là sự đa dạng và rất linh họat trong hệ thống giáo dục tiểu học, trung học và đại học trong cả nước.Vì các loại thuế địa phương và bang hỗ trợ cho các trường công nên cũng có những khác biệt đáng kể về chật lượng giáo dục.

Các cộng đồng, các bang có khả năng hoặc sẵn sàng chi nhiều hơn cho các trường học, cơ sở vật chất, giáo viên thì hầu như luon luôn họ có hệ thống giáo dục tốt hơn và ngược lại. Những nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm cung cấp các quỹ đặc biệt cho các khu vực và khối trường học nghèo hơn đã giúp ở một chừng mực nào đó, nhưng những khác biệt căn bản vẫn còn tồn tại.

Đồng thời, một số người Mỹ lo lắng rằng có thêm nhiều sự giúp đỡ của liên bang có thể dẫn tới các trường học địa phương của họ ít độc lập hơn và sự kiểm soát của địa phương giảm đi. Sự kiểm soát của địa phương đối với các trường học cũng có nhiều sự kinh hoạt.

Có nhiều cơ hội để thử nghiệm và làm cho các chương trình phù hợp với mong muốn và nhu cầu của một cộng đồng. Tiêu biểu là các trường phổ thông trung học sẽ đưa ra các khóa học mà họ cảm thấy phản ánh sát nhất các nhu cầu của sinh vien trường họ.
Các học sinh tại cùng một trường sẽ cùng tham gia các khóa học ở các lĩnh vực khác nhau. Các loại khóa học có ở các trường trên khắp nước Mỹ hết sức phong phú, gồm tất cả các môn học, từ máy vi tính ở các trường tiểu học cho tới thiết kế ôtô và xây dựng trong các chương trình hướng nghiệp.

Gần đây đã có những nỗ lực ở cấp trung ươngnhằm thông qua các luật giúp khuyến khích các bang chấp nhận cái gọi là những tiêu chuẩn quốc gia, đưa ra hình thức kiểm tra toàn quốc, hay thậm chí công nhận loại hình chương trình giảng dạy quốc gia nào đó.
Các trường đại học và đại học tổng hợp được nhà nước hỗ trợ ở một mức độ nhất định, cũng điều chỉnh các khóa học của mình theo nhu cầu của các bang và các sinh viên.Điều khiến cho giáo dục cấp phổ thông trung học của Mỹ khác nhiều so với phần lớn các nước khác là ở chỗ tất cả các chương trình như vậy, cho dù là các chương trình lý thuyết, kỹ thuật hay thực hành nói chung đều được dạy trong cùng một môi trường.

Những mục tiêu của giáo dục

Về cơ bản, ngươi Mỹ luôn hướng tới cơ hội giáo dục bình đẳng, bất kể tầng lớp xã hội, nguồn gốc dân tộc, chủng tộc hay sắc tộc nào. Những ảnh hưởng về văn hóa đối với giáo dục của Mỹ cũng quan trọng không kém, nhưng khó có thể xác định hơn. Trình độ giáo dục tổng thể cao luôn luôn được xem như là một sự tất yếu trong xã hội dân chủ này.
Giáo dục tại Mỹ cũng có truyền thống nhằm phục vụ mục tiêu tập hợp mọi người lại với nhau, tức là mục tiêu “Mỹ hóa”.Các trương học ở Mỹ đã phục vụ mục tiêu tập hợp lại hàng trăm nhóm văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo nguồn gốc về xã hội và chính trị đại diện cho hàng triệu triệu người nhập cư khác nhau.
Cũng có những quan điểm giáo dục cần phải góp phần cải tạo xã hội - làm giảm bớt những khác biệt về nguồn gốc xa hội cũng như về sắc tộc hay chủng tộc đã và đang được nhiều người chấp nhận. Phần lớn các trường đại học công cũng như tư đều rất tích cực ủng hộ mục tiêu “đa dạng dân chủ” này và thể hiện điều đó trong việc lựa chọn các sinh viên của mình.
Năm 1991, trong lớp sinh viên mới vào trường Đại học Harvard có 1/3 sinh viên là dân tộc thiểu số, với hơn 8% sinh viên người Phi. Nhiều trường đại học có nguồn gốc lịch sử của người da đen đã được thành lập để đem lại thêm nhiều cơ hội cho người Mỹ gốc Phi không được phép vào các trường đại học “da trắng”.
Mục tiêu lớn của giáo dục là một cách “làm cho bản thân trở nên tốt hơn”, hay “vươn lên trên thế giới này”, nó như là một phần căn bản của Giấc mơ Mỹ. Hàng triệu người nhập cư tới Mỹ thường gắn liền những hy vọng của họ mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn với một nền giáo dục tốt cho chính bản thân họ và quan trọng nhất cho con cái họ. Bước khởi đầu – cho dù mục tiêu cuối cùng là tiền tài, danh vọng, quyền lực hay chỉ đơn giản là kiến thức – thường bắt đầu từ ngưỡng cửa của trường đại học.

Giáo dục sau đại học

Ý tưởng của người Mỹ về giáo dục đại chúng cho tất cả mọi người đi cùng với nhận thức rằng nước Mỹ cũng cần các chuyên gia có trình độ cao. Do đó, trong hệ thống giáo dục sau đại học và đặc biệt là các trường đào tạo sau đại học có một hệ thống chọn lọc cao và hết sức cạnh tranh.

Hệ thống các trường đại học cấp cao này đã được nhiều nơi trên thế giới bắt chước và cũng là một nơi có nhiều sinh viên nước ngoài muốn theo học nhất sau khi họ tốt nghiệp đại học. Hiện nay, hệ thống giáo dục của Mỹ đang lựa chọn sinh viên và hệ thống đó càng trở nên chọn lọc hơn ở các cấp độ giáo dục cao hơn.

Mỗi trường đều có những quy định về tiêu chuẩn tiếp nhận học sinh riêng của mình, nên các trường đại học tốt nhất cũng là những trường khó có thể tiếp nhận vào học nhất. Một số trường đại họctuyển chọn rất cẩn thận ngay cả ở các lớp hệ đại học hay lớp bắt đầu.
Năm 1991, trương đại học California chỉ tiếp nhận 40% tổng số những người xin học có đủ tiêu chuẩn, đối với trường Harvard con số này chỉ là 17,2%. Đúng như người ta nói, trẻ em mơ ước một ngày nào đó được theo học tại các trường đại học tốt thì phải bắt đầu thực hiện mục tiêu này ngay từ khi còn học tại trường tiểu học.
Không cần phải nói cũng có thể thấy là những trẻ em đã theo học những trường tốt hơn hay sinh ra từ một gia đình có trình độ học vấn cao hơn thì thường có lợi thế hơn so với những trẻ em khác. Đây vẫn là một vấn đề của nước Mỹ, một đất nước mà bình đẳng về cơ hội là một mục tiêu văn hóa trọng tâm.

Năm 1990, 23% người Mỹ từ 25 tuổi trở lên đều đã tốt nghiệp hệ đại học từ bốn năm trở lên, trình độ giáo dục đối với phụ nữ vẫn còn khá thấp so với nam giới.
Trong khi 24,5% nam giới Mỹ đã học bốn năm đại học vào năm 1989 thì chỉ có 18% phụ nữ đã tốt nghiệp đại học. Nhưng qua số liệu trong bảng dưới đây thì ta thấy có một số tiến bộ trong thời gian gần đây.

Nguồn: Tập san về các con số thống kê giáo dục năm 1993, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, Cơ quan nghiên cứu và cải cách giáo dục, Trung tâm quốc gia về thống kê giáo dục.


Rất nhiều các chương trình khác nhau nhằm mục đích nâng cao cơ hội giáo dục cho các nhóm người thiểu số ở mọi cấp độ - địa phương, bang và liên bang. Tuy nhiên, các chương trình này không thu được nhiều kết quả, các nhóm thiểu số vẫn không được đại diện một cách công bằng trong số học sinh tốt nghiệp trung học hay số các kỹ sư, bác sĩ, luật sư và giáo sư đại học.

Giáo dục tiểu học và trung học

Hiện nay ở Mỹ có rất nhiều loại trường học phổ thông và đại học, nhiều sự khác biệt giữa các trường này nên không một trường đơn lẻ nào có thể được chọn ra như một điển hình hay thậm chí để mang tính chất đại diện.Tuy nhiên, cũng có những nét tương đồng cơ bản về cấu trúc giữa các trường và các hệ thống khác nhau này đủ để cho phép có một số nhận xét chung.
Phần lớn các trường học đều bắt đầu từ cấp vườn trẻ, có một số khu vực trương học không có giai đoạn bắt đầu này và một số khu vực trường khác lại có thêm một giai đoạn “trước khi đến trường”. Gần như luôn có những môn học bắt buộc ở mọi trình độ giáo dục.

Trong một số lĩnh vực và ở những trình độ giáo dục cao hơn các học sinh có thể lựa chọn một số môn học. Bên cạnh các chương trình giáo dục song ngữ và hai văn hóa, nhiều trường có các chương trình đặc biệt dành cho các em khó khăn trong học tập và đọc sách.

Các chương trình này thêm phần nhấn mạnh sự chú trọng của giáo dục Mỹ đối với việc cố gắng tăng cường sự bình đẳng về cơ hội. Các trường học đã thực hiện các chính sách bồi dưỡng nâng cao và tìm kiếm nhân tài có khả năng đặc biệt và có triển vọng.
Các trường học ở Mỹ cũng luôn luôn nhấn mạnh đến các “đặc điểm” hay “các kỹ năng xã hội” thông qua các họat động ngoại khóa, bao gồm cả những môn thể thao có tổ chức và nhiều môn thể thao khác. Phần lớn các trường học cùng chung các cơ sở vật chất với công chúng như bể bơi, sân quần vợt, đường chạy và sân vận động.

Trong trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu tạo cho học sinh có cơ hội sinh hoạt cùng nhau ngoài giờ học và góp phần phát triển cảm nhận về “tinh thần nhà trường” cho các học sinh và trong cộng đồng đó.

Các tiêu chuẩn

Những ai tin rằng các trường học của Mỹ chơi nhiều hơn học đều đã bỏ qua một thực tế quan trọng: bằng tốt nghiệp trung học không phải là một các vé để ai đó có thể đương nhiên vào đại học. Các kỳ thi được tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò quyết định trong hầu hết mọi trình độ giáo dục, đặc biệt để tiếp nhận vào các trường đại học.
Có hai kỳ thi tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi và được giám sát ở tầm quốc gia đối với các học sinh trung học muốn theo học đại học. Một kỳ thi là Kiểm tra trắc nghiệm trung học (SAT) nhằm đánh giá khả năng về nói năng và toán học của học sinh cần thiết cho việc học tập đại học.

Kỳ thi kia là Chương trình kiểm tra đại học Mỹ (ACT) nhằm đánh giá kỹ năng tiếng Anh, các môn học tự nhiên và xã hội. Cả hai kỳ thi được các trường đại học sử dụng như là các tiêu chuẩn để so sánh, nhưng không có nghĩa là “chính thức”.
Cũng có cả các chương trình kiểm tra tương tự ở các trình độ cao hơn, những người học xong đại học muốn thi vào các trường y hay luật cũng phải trải qua các kỳ thi tiêu chuẩn. Các kỳ thi này đã được các trường luật và y chấp nhận và được giám sát trong cả nước và những thời điểm nhất định.

Cũng giống như các kỳ thi SAT và ACT, các kỳ thi này không chính thức hay không do chính phủ kiểm soát. Còn có những áp lực khác ở cấp độ đại học. Phần lớn các trường đại học đòi hỏi phải kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ.

Nhiều sinh viên không đạt đã phải thôi học vì không đạt kết quả.Những sinh viên được nhận học bổng cần phải duy trì một kết quả học tập trung bình nhất định để được tiếp tục nhận học bổng.
Học phí của các trường có danh tiếng khá cao, các sinh viên vừa phải làm việc vừa phải học là một luật lệ chứ không phải là một ngoại lệ. Các sinh viên cũng không thể chuyển từ trường đại học này sang trường đại học khác một cách đơn giản hay trao đổi vị trí cho các sinh viên khác.

Trước khi chuyển sang một trường đại học khác, các sinh viên trước hết phải được trường đại học mới chấp nhận và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tuyển sinh của trường đại học đó. Sự cạnh tranh và áp lực ở nhiều trường đại học, đặc biệt là ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ không hề dễ chịu chút nào.

Cho dù phần lớn người Mỹ đều rất hay chỉ trích hệ thống giáo dục của họ ở trình độ tiểu học và trung học thì nhiều người cũng phải thừa nhận rằng hệ thống giáo dục đại học và sau đại học của họ “về nhiều mặt, là tốt nhất thế giới”.
Giáo dục cho người lớn và giáo dục tiếp tục

Khái niệm giáo dục tiếp tục (hay suốt đời) hết sức quan trọng đối với người Mỹ. Vào năm 1991, 57 triệu người Mỹ từ độ tuổi 17 trở lên tiếp tục học tập bằng cách tham gia vào các lớp giảng dạy ngoài giờ, theo học các khóa học ở các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức của chính phủ hay thậm chí các nhà thờ và giáo đường.
Phần lớn những người tham gia giáo dục tiếp tục đều có một mục tiêu thiết thực: muốn cập nhật và nâng cao các kỹ năng làm việc, muốn có thêm các cơ hội làm việc trong một thị trường việc làm đang thay đổi, hoặc đơn giản họ muốn mở rộng kiến thức của mình hoặc là học một cái gì đó mà họ thích.
Các khóa học giáo dục tiếp tục phần lớn do cộng đồng hay các trường cao đẳng tổ chức và chủ yếu là học vào buổi tối, số học viên tham gia rất đa dạng. Nhiều trường đại học còn có các khóa học buổi tối để những người đi làm có thể theo học và hầu hết các trường đều có các khóa học mùa hè. Họ cũng đã tiến hành “đưa giáo dục tới người dân” bằng cách lập nên các khu trường sở tại các thị trấn nhỏ hay các khu vực nông thôn rộng lớn.

Cải cách và tiến bộ


Có một mâu thuẫn lớn luôn luôn tồn tại giữa hai mục tiêu của giáo dục Mỹ. Một là giáo dục toàn diện và bình quân với mục tiêu đem lại cơ hội bình đẳng. Hai là sự nhấn mạnh của giáo dục có chọn lọc cao nhằm tìm kiếm những người xuất sắc và đào tạo ra những học giả và nhà khoa học hàng đầu.
Một số người Mỹ cảm thấy rằng cần phải dành nhiều tiền của và nỗ lực hơn nữa vào việc nâng cao giáo dục toàn diện. Những người khác lại cho rằng cần dành nhiều tiền hơn nữa cho việc nâng cao kiến thức khoa học và duy trì vị trí của Mỹ trong khoa học công nghệ và nghiên cứu.

Việc tạo nên sự cân bằng giữa giáo dục toàn diện và bình quân với giáo dục chuyên môn hóa và xuất sắc vẫn luôn là một nhiệm vụ không dễ dàng trong tương lai. Cũng có những yêu cầu các trường học phổ thông và đại học tổng hợp cần phải làm ngày càng nhiều hơn nữa để giúp đỡ, hay thậm chí là cứu giúp, những vấn đề về xã hội và kinh tế nhất định vì các trường đại học có mối quan hệ truyền thống với các cộng đồng.

Kiểm tra các trường học

Một trong những vấn đề đáng chú ý chủ yếu của giáo dục ở Mỹ là mức độ tự kiểm tra thường xuyên.Trên thực tế, ngày nay khi kiểm tra các học sinh và sinh viên thì cũng đồng thời kiểm tra các giáo viên, giáo trình giảng dạy ở các trường phổ thông, đại học và toàn bộ hệ thống giáo dục.
Hàng năm, có hàng trăm công trình nghiên cứu kiểm tra khắt khe các trường học trên toàn quốc được công bố. Ở mối trường lại có các khoa nhgiên cứu và đánh giá về giáo dục.Trong những giai đoạn nhất định việc kiểm tra đánh giá này lại có phần khắt khe hơn. Những cuộc tranh luận của công chúng về chất lượng, nội dung và các mục tiêu giáo dục luôn diễn ra rộng lớn công khai trên toàn nước Mỹ.
Với lịch sử của nước Mỹ và lịch sử của nhân dân Mỹ, từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhiều nhu cầu, khát vọng khác nhau, thực tế là giáo dục Mỹ luôn nhạy cảm với những điểm yếu và nhận thức được những điểm mạnh của mình để có thể phát triển một tương lai tốt đẹp.
Phần IV: Chính Phủ Mỹ

Bạn đọc: Lê Thị Oanh (Hà Nội)