10 thg 5, 2014

cuộc sống và các thể chế ở Mỹ - Phần IV: Chính phủ Mỹ


Phần IV: Chính phủ Mỹ

“Người Mỹ hình thành quốc gia từ một ý tưởng; không phải mảnh đất mà chính là ý tưởng đó đã tạo ra Chính phủ Hoa Kỳ”.
Bạn đọc Lê Oanh tiếp tục chia sẻ với bạn đọc Tuần Việt Nam về nền Chính trị Mỹ - một trong những nội dung của cuốn sách "Cuộc sống và các thể chế ở Mỹ" của nhà văn Mỹ nổi tiếng Doulas K.Spevenson. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi và bình luận. 

Một dân tộc mới ra đời

Vào năm 1776, 13 thuộc địa nhỏ yếu của Anh ở châu Mỹ đã tập hợp nhau lại, vùng lên và tuyên bố với cường quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc đó là nước Anh rằng từ nay trở đi họ sẽ là những quốc gia tự do và độc lập. Chính quyền Anh không thấy thế làm buồn và cũng không lấy gì làm vui và rồi tiếp đến là cuộc chiến tranh quyết liệt kéo dài hơn bảy năm, cuộc chiến tranh cách mạng.

Ngày nay khó mà đánh giá được, sau hai thế kỷ, cuộc cách mạng đó như thế nào. Một nước cộng hòa mới được thành lập, biến những ước mơ và lý tưởng của không ít triết gia chính trị thành hiện thực.
Những người Mỹ đã phá vỡ một truyền thống lâu đời, và đem những làn sóng vượt qua đại dương bất ngờ tấn công vượt trở lại: họ cho rằng họ có quyền lựa chọn hình thức chính phủ của riêng họ.
Vào thời điểm đó, ý tưởng cho rằng chính phủ phải đón nhận quyền lực chỉ từ “sự đồng ý của những kẻ thống trị” là rất mạnh mẽ. Thế nhưng một điều mới mẻ đã ló ra dưới ánh mặt trời – đó là hệ thống chính quyền, theo lời nói của Lincoln, “của dân, do dân và vì dân”.

Hiến pháp và bộ luật dân quyền

Các nước thuộc địa trước đây, và bây giờ là “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, lúc đầu vận hành theo một thỏa thuận được gọi là Điều lệ liên bang” (1781). Chẳng bao lâu sau, một điều rõ ràng là thỏa thuận lỏng lẻo này giữa các bang vận hành không tốt. Chính phủ liên bang trung ương quá yếu vì có quá ít về quyền lực quốc phòng, thương mại và thuế quan.
Chính vì vậy, vào năm 1787 đại diện các bang đã gặp nhau ở Philadelphia. Họ muốn sửa đổi điều lệ liên bang, nhưng họ đã làm được nhiều hơn thế. Họ đã viết nên một bản văn hoàn toàn mới là Hiến pháp mà phải sau rất nhiều bàn cãi, tranh luận và thỏa hiệp mới được hoàn tất vào năm đó và được chính thức thông qua vào năm 1789.
Hiến pháp Mỹ, một văn bản lâu đời nhất cho đến nay vẫn có hiệu lực, quy định hình chức chính quyền cơ bản: ba nhánh quyền lực riêng biệt, mỗi nhánh có những quyền của mình (“kiểm soát và cân bằng quyền lực”) đối với các nhánh còn lại. Hiến pháp cụ thể hóa những quyền và nghĩa vụ của mỗi nhánh quyền lực chính quyền liên bang cùng với tất cả những quyền và nghĩa vụ khác thuộc về các bang.
Cho đến nay, Hiến pháp đã được sửa đổi nhiều lần để đáp ứng những nhu cầu không ngừng thay đổi của quốc gia, nhưng đó vẫn là “bộ luật tối cao của mảnh đất này”. Tất cả các chính quyền và các nhóm chính quyền thuộc chính phủ liên bang, bang và địa phương đều phải hoạt động trong khuôn khổ những đường hướng chỉ đạo của Hiến pháp.
Quyền lực tối cao theo quy định của Hiến pháp không được trao cho Tổng thống (nhánh hành pháp), Quốc hội (nhánh lập pháp), hay Tòa án tối cao (nhánh tư pháp). Như nhiều quốc gia khác, quyền lực đó không thuộc một thiết chế chính trị nào cả - hay thậm chí một đảng phái chính trị nào. Quyền lực tối cac thuộc về “chúng ta, những người dân” cả trên thực tế lẫn tinh thần.
Theo cách thức này, người Mỹ tự dành cho họ sự tự do và những đặc quyền mà ở những nơi khác chỉ thuộc về những đặc quyền đặc lợi của số ít người. Người Mỹ cố giải quyết những vấn đề của riêng họ dựa trên những lợi ích của chính họ. Họ bầu ra những người đại diện cho mình và viết nên luật pháp của chính họ.
Và dĩ nhiên, họ cũng tự mắc phải những sai lầm. Họ tuyên bố trong 10 văn bản sửa đổi Hiến pháp đầu tiên, tức Bộ luật dân quyền (1791), điều mà họ cho là cơ bản đối với bất kỳ người Mỹ nào.
Những quyền đó – hầu hết đã được nói đến trong Bộ luật dân quyền Virginia (1776) và Massachusetts (1780) – bao gồm quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, quyền tụ tập hòa bình và quyền kiến nghị chính phủ sửa chữa những sai sót.
Những quyền khác bảo vệ các công dân trước những điều tra, bắt người và tịch thu tài sản vô căn cứ và thiết lập nên một hệ thống tư pháp để bảo đảm các hoạt động pháp luật diễn ra hợp pháp. Điều này là bao gồm quyền được một bồi thẩm đoàn phán xét, tức là được những công dân của chính mình xét sử.
Điều tự hào lớn lao của người Mỹ về Hiến pháp của họ, tương tự như sự tôn trọng mang tính chất tôn giáo, bắt nguồn từ nhận thức rằng những lý tưởng, tự do và quyền đó không phải do một nhóm nhỏ giai cấp thống trị tạo ra. Hơn thế những lý tưởng, tự do và quyền đó được xem như những quyền tự nhiên “không thể tách rời” của mọi người Mỹ, mà họ đã phải chiến đấu vì nó và đã chiến thắng.
Họ không thể bị bất kỳ chính phủ, tòa án, hay luật pháp nào tước đoạt mất những quyền này. Chính phủ liên bang và chính phủ các bang được hình thành theo Hiến pháp, do đó phải phục vụ nhân dân và thực hiện những mong muốn của đại đa số những người dân.
Trong suốt hai thế kỷ qua, Hiến pháp Mỹ vẫn luôn có ảnh hưởng đáng kể ở bên ngoài nước Mỹ. Một số các quốc gia khác đã sao chép Hiến pháp Mỹ để hình thành nên hình thức chính phủ của họ. Và cũng đã có những lời ngợi ca Hiến pháp Mỹ trong hiến chương của Liên hợp quốc.
Có một sự mỉa mai trong thực tế là hai thế kỷ sau cách mạng Mỹ, một số chính trị gia người Anh đang đòi hỏi có một cuộc cải cách cơ bản trong chính phủ của họ bao gồm “một hiến pháp thành văn, một quốc hội thứ hai do dân bầu, và một bộ luật dân quyền”.

Hệ thống chính quyền Mỹ

Các hệ thống thuộc chính phủ ở Mỹ - liên bang, bang , hạt và địa phương – khá dễ hiểu. Dễ hiểu vì bạn đã cùng lớn lên với nó và đã học nó ở trường. Tuy nhiên có một số nguyên tắc cơ bản có thể thấy ở tất cả các cấp độ chính quyền Mỹ. Một trong những nguyên tắc đó là “một cử tri, một phiếu bầu”, tức là các nghị sĩ được các cử tri bầu trực tiếp từ các khu vực địa lý. Theo nguyên tắc này, tất cả các đơn vị bầu cử phải có xấp xỉ một số lượng dân cư nhất định.
Một nguyên tắc căn bản khác của chính quyền Mỹ là, do hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực, thỏa hiệp trong chính trị là một vấn đề tất yếu chứ không phải là sự lựa chọn. Trong các vấn đề đối ngoại, tổng thống cũng bị hạn chế hết sức. Bất kỳ hiệp ước nào trước hết cũng phải được Thượng nghị viện thông qua. Nếu không được thông qua thì sẽ không có hiệp ước. Nguyên tắc này là “Tổng thống đề nghị còn Quốc hội thì bác bỏ”.
Quốc hội

Quốc hội, nhánh lập pháp của chính phủ liên bang, bao gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Có 100 thượng nghị sĩ, mỗi bang có hai người. Một phần ba số thượng nghị sĩ được bầu lại hai năm một lần trong nhiệm kỳ sáu năm. Các thượng nghị sĩ đại diện cho tất cả nhân dân của một bang và những lợi ích của họ.
Hạ nghị viện có 435 đại biểu, các hạ nghị sĩ được bầu hai năm một lần cho nhiệm kỳ hai năm. Họ đại diện cho dân cư của “các đơn vị thuộc quốc hội” phân chia cho mỗi bang. Số đại biểu của mỗi bang dựa theo dân cư của bang đó. Ví dụ, California là bang có số dân đông nhất có tới 52 hạ nghị sĩ, trong khi đó Delawere chỉ có một hạ nghị sĩ.
Hầu hết các cuộc bầu cử ở Mỹ đều theo nguyên tắc “được ăn cả ngã về không”: ứng cử viên giành được số phiếu bầu lớn nhất trong một đơn vị thuộc quốc hội là người thắng cuộc.
Quốc hội ban hành tất cả các loại luật, và mỗi viện của Quốc hội đều có quyền đưa ra các văn bản pháp luật. Mỗi viện cũng có thể bỏ phiếu chống lại văn bản pháp luật do viện kia thông qua. Vì văn bản pháp luật chỉ có thể trở thành luật nếu cả hai viện đồng ý nên sự thỏa hiệp giữa hai viện là điều rất cần thiết. Quốc hội quyết định các loại thuế và số tiền được phép chi tiêu.
Ngoài ra, Quốc hội cũng quy định thương mại giữa các bang và với các quốc gia khác. Thêm vào đó, cơ quan quyền lực này còn đặt ra các luật lệ để các công dân nước ngoài nhập quốc tịch trở thành công dân Mỹ.

Hệ thống tư pháp liên bang

Nhánh chính quyền thứ ba, bên cạnh nhánh lập pháp (Quốc hội) và hành pháp (Tổng thống) là bộ máy tư pháp liên bang. Công cụ chính của hệ thống tư pháp liên bang là tòa án tối cao, giám sát hai cơ quan quyền lực kia.
Tòa án tối cao có quyền tài phán trực tiếp chỉ trong hai loại trường hợp: loại các trường hợp liên quan đến các nhà ngoại giao nước ngoài và loại trường hợp mà một bên liên quan là một bang. Tất cả các trường hợp khác lên tới Tòa án tối cao là những trường hợp phúc thẩm từ các toàn án cấp dưới.
Tòa án tối cao lựa chọn những trường hợp họ sẽ xử phúc thẩm, phần lớn những trường hợp này liên quan đến việc giải thích Hiến pháp. Tòa án tối cao cũng có “quyền xem xét tài phán”, tức là có quyền tuyên bố luật pháp, hành động của các chính quyền liên bang, bang, và địa phương là không hợp hiến. Cho dù không được quy định rõ trong Hiến pháp, quyền lực này đã dược hình thành cùng với thời gian.

Kiểm soát và cân bằng

Hiến pháp quy định sao cho ba nhánh quyền lực chính riêng rẽ và khác biệt nhau. Quyền lực của mỗi nhánh được cân bằng một cách thận trọng bởi quyền lực của hai nhánh kia. Mỗi nhánh là một bộ máy kiểm soát đối với hai nhánh kia. Hệ thống cân bằng quyền lực này là để không cho bất kỳ một nhánh quyền lực nào giành được quá nhiều quỳen lực hoặc sử dụng không đúng quyền lực của mình.
Quốc hội có quyền làm luật, nhưng Tổng thống có quyền phủ quyết bất kỳ đạo luật nào của Quốc hội.
Về phần mình, Quốc hội có thể bác bỏ quyền phủ quyết bằng hai phần ba số phiếu ở mỗi viện. Quốc hội cũng có thể từ chối cung cấp khoản tiền do Tổng thống yêu cầu. Tổng thống có thể bổ nhiệm các quan chức chính phủ quan trọng trong chính quyền của mình, nhưng các quan chức này phải được Thượng nghị viện thông qua.

Tòa án có quyền quyết định tính hợp hiến của tất cả các đạo luật của quốc hội và các hoạt động của Tổng thống, và phế truất những ai mà họ thấy là vi phạm Hiến pháp.
Hệ thống kiểm soát và cân bằng tạo ra những thỏa hiệp và nhất trí cần thiết
Thỏa hiệp cũng là một khía cạnh quan trọng của các cấp độ chính quyền khác ở Mỹ. Hệ thống này chống lại những nhân tố cực đoan. Điều này có nghĩa là, chẳng hạn, các Tổng thống mới không thể thay đổi quá cấp tiến các chính sách của chính phủ chỉ vì họ muốn làm vậy. Vì vậy, ở Mỹ khi người dân nghĩ đến “Chính phủ”, họ thường bao hàm toàn bộ hệ thống, tức là, bộ máy hành pháp hay Tổng thống, Quốc hội và Tòa án. Do đó, cả trên lý thuyết và trong thực tế, Tổng thống không có nhiều quyền lực như nhiều người bên ngoài nước Mỹ thường nghĩ. So sánh với những nhà lãnh đạo khác trong hệ thống mà đảng chiếm đa số thành lập nên “chính phủ”, Tổng thống Mỹ có ít quyền lực hơn.
 
  • Bạn đọc: Lê Oanh (Hà Nội)
Phần V: Chính phủ Mỹ (tiếp)

28/06/2007 09:18 (GMT + 7)

Liệu tất cả mọi người ở Mỹ có bình đẳng với nhau không nếu trong Tuyên ngôn độc lập của họ tuyên bố rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”?

Các đảng phái chính trị

Hiến pháp không nói gì đến các đảng phái chính trị, nhưng cùng với thời gian, trên thực tế ở Mỹ đã phát triển một hệ thống hai đảng. Hai đảng dẫn đầu là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Bên cạnh hai đảng này còn có các đảng khác và nhiều nhà quan sát nước ngoài thường ngạc nhiên khi biết rằng trong số các đảng đó cũng có cả Đảng Công sản và một số Đảng Xã hội.
Các đảng thiểu số đôi khi cũng giành được các chức vụ trong chính quyền cấp dưới, nhưng các đảng này không có vai trò trong nền chính trị quốc gia. Một người không nhất thiết phải là thành viên của một đảng phái chính trị để tham gia tranh cử ở bất kỳ cấp chính quyền nào.

Khi đăng ký bầu cử, người dân chỉ có thể đơn giản tuyên bố mình la thành viên của một trong hai đảng chính. Điều này, được coi như một nguyên tắc, cho phép họ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chọn ứng cử viên tổng thống của đảng.
Đôi lúc, khi nghĩ đến những người Dân chủ người ta thường gắn liền với lao động và những người Cộng hòa thường đi cùng với kinh doanh và công nghiệp. những người Cộng hòa cũng thường phản đối sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ liên bang vào một số lĩnh vực của đời sống công chúng mà họ cho là thuộc trách nhiệm của các bang và cộng đồng. Trái lại, những người Dân chủ thường ủng hộ việc chính phủ trung ương có một vai trò tích cực hơn trong các vấn dề xã hội.
Tuy nhiên, phân biệt giữa hai đảng là một điều rất khó. Hơn thế, những khái niệm truyền thống của Châu Âu như “tả”và “”hữu, hay “bảo thủ” và “tự do” không hoàn toàn giống như hệ thống của Mỹ. Chẳng hạn, một người ở “cánh hữu bảo thủ” có thể chống lại chính quyền trung ương hùng mạnh.
Một người dân chủ ở một nơi nào đó của đát nước có thể rất “tự do”, còn một người Dân chủ ở một nơi khác của đất nước lại có thể khá “bảo thủ”. Ngay cả là họ đã được bầu là nghị sĩ cũng không hoàn toàn tuân theo tất cả các chương trình của đảng cũng như không hoàn toàn chấp hành mọi nguyên tắc khi họ không nhất trí với đảng của mình.
Nói cách khác, trong khi một số tham gia “bỏ phiếu thẳng” cho tất cả các ứng cử viên Đảng Cộng hòa hay Dân chủ trong một cuộc bầu cử, một số khác lại không tham gia. Họ bỏ phiếu cho ứng cử viên của một đảng vào một vị trí và ứng cử viên khác vào một vị trí khác. Do đó, các đảng phái chính trị của Mỹ ít có quyền lực thực sự hơn nhiều so với các đảng phái chính trị ở các quốc gia khác.
Tại Mỹ các đảng phái không thể tự ý dành các ghế cho những thành viên của đảng do họ chọn. Thay vào đó, cả các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đều được bầu trên tư cách cá nhân nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và các khu vực mà họ đại diện, tức là “các khu vực cử tri” của họ.
Trong khoảng 70% các quyết định của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu theo những mong muốn cụ thể của các cử tri của họ ngay cả khi điều đó đi ngược lại điều mà đảng của họ có thể muốn thành như chính sách quốc gia. Thực ra, việc các Đảng viên Dân chủ trong Quốc hội bỏ phiếu cho luật của Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ trong khi một số đảng viên Cộng hòa lại bỏ phiếu chống lại, v.v., là điều khá phổ biến.

Bầu cử

Các công dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Tuy nhiên, họ phải đăng ký bầu cử thì mới có thể thực hiện quyền bầu cử của mình. Mỗi bang đều có quyền quyết định thủ tục đăng ký. Nhiều tổ chức dân sự như Hiệp hội cử tri nữ giới đang cố gắng tích cực lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào quá trình bầu cử và có càng nhiều đợt vận động người đăng ký bầu cử càng tốt.
Tuy nhiên, lại có mối lo ngại về số lượng công dân có quyền tham gia bầu cử nhưng không tham gia. Có 50 luật đăng ký khác nhau ở Mỹ - mỗi luật dành cho một bang. Tại miền Nam, các cử tri phải đăng ký không chỉ ở địa phương mà cả ở địa hạt.
Một yếu tố quan trọng khác là ở Mỹ có nhiều cuộc bầu cử ở cấp nhà nước và địa phương hơn phần lớn các nước khác. Tất nhiên, người Mỹ quan tâm nhiều đến chính trị địa phương hơn những người làm việc ở cấp liên bang. Nhiều quyết định quan trọng nhất, chẳng hạn như, những quyết định liên quan đến giáo dục, nhà ở, thuế, v.v.đều được đưa ra ở các cấp gần với người dân, tai bang hoặc hạt.
Bầu cử Tổng thống thực ra gồm hai chiến dịch bầu cử riêng biệt.Chiến dịch thứ nhất là để chỉ định các ứng cử viên tại các hội nghị đảng quốc gia. Chiến dịch thứ hai mới là để tranh cử tổng thống thật sự. Cuộc chạy đua để được chỉ định là một cuộc cạnh tranh giữa các thành viên của cùng một đảng. Họ phải chạy đua liên tiếp trong các cuộc bầu cử cơ sở chọn ứng cử viên tổng thống ở các bang và các cuộc họp kính trong đảng .
Họ hy vọng dành được đa số phiếu bầu của các đại biểu cho các cuộc họp của đảng của họ. Sau đó, hội nghị của đảng bỏ phiếu để bầu ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng. Vài tháng sau đó là các chiến dịch chạy đua giành chức tổng thống của các ứng cử viên.
Các cuộc bầu cử cơ sở chọn ứng cử viên tổng thống này kéo dài trong cả quá trình bầu cử. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử này có một số ưu điểm, tất cả đều có ý nghĩa hêt sức quan trọng đối với nền dân chủ ở Mỹ.
Thứ nhất, các cuộc bầu cử giúp ngăn không để một số những nhà lãnh đạo chọn các ứng cử viên. Tất cả mọi thành viên đều có thể tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương, bất kỳ ai muốn được đảng mình lựa chọn ra ứng cử đều phải chạy đua.
Thứ hai, do ưu điểm trên, “một nguồn sinh lực mới” có thể tham gia vào cuộc chạy đua và đôi khi , như điều mà Clinton dã làm được vào năm 1992, giành được sự đề cử trong đảng của ông. Và cuối cùng, khi các ứng cử viên trong một đảng tranh luận với nhau công khai tất cả mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy những ưu điểm và nhược điểm. Vì những lý do này, một số đảng ở một số quốc gia giờ đây đang thử nghiệm các hệ thống cơ sở riêng của họ.
Vào tháng Mười một của năm bầu cử - cư bốn năm một lần- các cử tri trên khắp đất nước đi bỏ phiếu. Nếu đa số phiếu bầu của nhân dân trong một bang ủng hộ ứng cử viên tổng thống (phó tổng thống) của một đảng thì người đó được coi là giành được toàn bộ “phiếu bầu” của bang đó. Các phiếu bầu này tương đương với số Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của mỗi bang trong quốc hội.
Ứng cử viên giành được số phiếu bầu nhiều nhất sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử. Kết quả bỏ phiếu của mỗi bang thông thường sẽ do “cử tri đoàn” thông báo chính thức. Vào tháng Một năm tiếp theo, trong một kỳ họp hỗn hợp của Quốc hội, tổng thống và phó tổng thống mới sẽ chính thức được thông báo.

Chủ nghĩa liên bang: chính phủ bang và chính quyền địa phương

Năm mươi bang rất khác nhau về diện tích, dân số, khí hậu, kinh tế, lịch sử và quyền lợi.
Chính phủ của 50 bang thường cũng rất khác nhau. Bởi lẽ các chính phủ của các bang thường tiếp cận các vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị khác nhau nên các bang được gọi là “các phòng thí nghiệm dân chủ”. Tuy nhiên, chính phủ các bang lại có chung những cơ cấu căn bản giống nhau nhất định. Từng bang riêng lẻ có các hình thức chính quyền cộng hòa với một thượng nghị viện và một hạ nghị viện.
Tất cả các bang đều có cơ quan hành pháp do thống đốc bang đứng đầu và hệ thống tòa án độc lập. Mỗi bang cũng có hiến pháp riêng của mình. Tuy nhiên, tất cả các bang đều phải tôn trọng luật pháp liên bang và không được ban hành pháp luật trái với luật pháp của các bang khác. Cũng tương tự như vậy, các thành phố và các nhà chức trách địa phương phải ban hành pháp luật và quy định của mình sao cho phù hợp với hiến pháp của bang mà họ trực thuộc.
Hiến pháp của Mỹ hạn chế chính phủ liên bang chỉ trong những quyền hạn rất cụ thể, nhưng những hướng dẫn thực thi Hiến pháp ngày nay đã mở rộng trách nhiệm của chính phủ liên bang. Tất cả những quyền còn lại đương nhiên thuộc về các bang và các khu vực địa phương.
Điều này có nghĩa rằng luôn luôn có một cuộc chiến giữa những quyền lợi của chính phủ liên bang và của từng bang. Sự bất tín nhiệm có tính truyền thống trước một chính quyền trung ương quá hùng mạnh của người Mỹ đã giữ cho cuộc chiến này diễn ra tương đối ổn định trong nhiều nặm. Các bang và địa phương nước Mỹ có những quyền mà ở các nước khác nhìn chung thuộc về chính phủ trung ương.
Có nhiều lĩnh vực khác cũng thuộc mối quan tâm của các thành phố, thị trấn, làng mạc. Trong số đó có giờ mở của và đóng cửa của các cửa hiệu, việc sửa chữa đường xá, xa lộ, những quy định về kiến trúc và những quy định khác.
Đồng thời, một địa phương có thể quyết định rằng một tạp chí nào đó là có tính chất khiêu dâm và cấm tạp chí đó được phát hành, hay ban giám hiệu của một trường địa phương có thể quyết định rằng một cuốn tiểu thuyết nào đó không được có mặt trong thư viện của trường.
Nhưng một làng khác, chỉ cách địa phương và trường học đó có vài dặm đường bộ, lại có thể chấp nhận cả tờ tạp chí lẫn cuốn tiểu thuyết đó. Không giống với ở nhiều nước khác, việc kiểm duyệt sách báo hay phim ảnh quốc gia không tồn tại trên đất nước Mỹ.
Phần lớn các bang và một số các thành phố có các loại thuế thu nhập riêng. Nhiều thành phố và hạt cũng có những luật riêng quy định những ai có thể và không thể sở hữu súng. Nhiều sân bay, một số trong số đó là sân bay quốc tế, thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của các thành phố và hạt và có một lực lượng cảnh sát sân bay riêng.
Cuối cùng, rất nhiều những vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất do cấp trung ương quyết định ở các quốc gia khác thì ở Mỹ lại do từng bang và địa phương quyết định.
Sợi chỉ xuyên suốt nối tất cả các chính quyền các bang ở Mỹ là “trách nhiệm giải trình” của các chính trị gia, các quan chức, các cơ quan và các tổ chức trực thuộc chính phủ. Điều này có nghĩa là các thông tin và hồ sơ về tội phạm, hỏa hoạn, hôn nhân và ly hôn, các vụ án, thuế tài sản, v.v đều là những thông tin công khai.
Hơn thế nữa, có vô số loại cơ quan khác nhau trực thuộc Chính phủ Mỹ. Hệ thống các cơ quan này cố gắng đáp ứng các yêu cầu và mong muốn của nhân dân taị các địa phương, đồng thời với việc Hiến pháp bảo đảm những quyền lợi cơ bản cho bất kỳ ai và bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ.

Các nhóm đặc quyền đặc lợi

Người Mỹ luôn quan tâm đến việc các chính trị gia đại diện cho lợi ích của họ thường lập nên các “nhóm áp lực”, vận động hành lang chính trị, ủy ban hành động công chúng (PACs), hay các nhóm lợi ích đặc biệt (SIGs).Các nhóm này tìm cách cố gắng gây ảnh hưởng đối với các chính trị gia về hầu hêt mọi vấn đề.
Một nhóm có thể vận động cho luật kiểm soát vũ khí liên bang trên toàn quốc, trong khi nhóm khác lại phản đối luật này. Và không có gì đáng ngạc nhiên là một số nhóm áp lực muốn các nhóm áp lực bị ngừng hoạt động và vận động hành lang chống lại các nhà vận động hành lang.
Các nhóm công dân như vậy cũng góp phần làm suy yếu các đảng phái chính trị. Từng chính trị gia phải hết sức chú ý tới những mối lo ngại đặc biệt và động cơ của các cử tri của họ. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều tổ chức chính phủ, với rất nhiều các lợi ích về sắc tộc, văn hóa, kinh doanh và địa lý, lại dường như có thể giải quyết rất tốt các vấn đề của những người mà các tổ chức đó được lựa chọn để đại diện.
Nhưng rất nhiều các chính quyền địa phương, vùng và bang thực sự góp phần thực hiện mong muốn của rất nhiều các nhóm cử tri khác. Nếu người New York muốn trường đại học của thành phố họ mở cửa đối với bất kỳ cư dân thành phố nào thì đó là chuyện của họ.
Nếu một thành phố nhỏ ở vùng núi thuộc bang Colorado quyết định rằng các loại xe chạy bằng máy đi trên tuyết và băng lại có quyền đi trên đường bộ của thành phố thì là quyết định của họ.

Thái độ chính trị

Người ta thường nói và điều đó có vẻ như cũng đúng: người Mỹ dường như chủ yếu theo bản năng không thích chính quyền và các chính trị gia. Đặc biệt, họ có xu hướng không thích “những kẻ ngớ ngẩn ở Washington”, những kẻ chi tiêu số tiền đóng thuế của họ và luôn tìm cách “can thiệp” vào các vấn đề cá nhân và địa phương họ. Rất nhiều người có lẽ sẽ không ngại ngần nhất trí với ý kiến cho rằng chính phủ tốt nhất là một chính phủ điều hành ít nhất.
Các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có một phần tư những người được hỏi muốn chính phủ liên bang làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề của đất nước. Các vùng lân cận, các cộng đồng và các bang có một niềm tự hào mạnh mẽ vì khả năng của mình trong việc tự giải quyết các vấn đề của chính địa phương họ và niềm tin này mạnh mẽ nhất là ở miền Tây.
Các quan chức hiếm khi gây ấn tượng đối với người Mỹ. Họ không tin vào những người tự gọi mình là chuyên gia. Họ không thích bị gia lệnh phải làm bất kỳ cái gì .Như hàng nghìn nhà quan sát nước ngoài đã nhận xét, đơn giản là người Mỹ không thích giới lãnh đạo.
Nhiều khách du lịch tới Mỹ vẫn còn hết sức ngạc nhiên bởi những xu hướng bình đẳng mạnh mẽ mà họ gặp trong cuộc sống hàng ngày. Người Mỹ thuộc tất cả các tầng lớp khác nhau, với xuất thân về giáo dục và xã hội khác nhau thường sẽ bắt đầu câu chuyện với nhau “như là họ hoàn toàn bình dẳng với nhau” vậy.
Liệu tất cả mọi người ở Mỹ có bình đẳng với nhau không nếu trong Tuyên ngôn độc lập của họ tuyên bố rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”? Không, tất nhiên là không – ngoại trừ cách hiểu theo khía cạnh có những quyền bình đẳng như nhau.
Tóm lại, người Mỹ nghĩ gì về hệ thống chính quyền của họ? “Các công dân chúng ta” ngày nay có thể quyết định điều gì? Một người Mỹ đạt giải thưởng Nobel về văn học đã nói: “Chúng ta có thể tin rằng chính phủ của chúng ta yếu ớt, ngu ngốc, không đáng tin cậy, và không hiệu quả và đồng thời chúng ta cũng lại hết sức tin tưởng rằng đó là chính phủ tốt nhất trên thế giới, và chúng ta muốn áp đặt nó đối với bất kỳ ai khác”.
Tất nhiên, rất nhiều người trong số 250 triệu dân Mỹ ngày nay có thể không đồng ý phần nào hoặc tất cả với quan điểm nói trên. Họ có thể hỏi rằng người Mỹ này là ai mà lại có thể nói hộ cho tất cả chúng ta?
Bạn đọc: Lê Oanh (Hà Nội) 

Không có nhận xét nào: