8 thg 1, 2014

Tiềm năng của con người - Chương 22

CHƯƠNG 22
TIỀM NĂNG CỦA CON NGƯỜI


Như trên, chúng ta đã thấy rằng luật nhân quả mang tính liên tục và luôn có sự tương tác, kết hợp giữa nhiều yếu tố phức tạp với nhau. Nói về tính chất liên tục của luật nhân quả thì mỗi một sự việc ta đã làm trong quá khứ đều tạo ra một nghiệp nhân nhất định và liên tục tiến đến gần hơn thời điểm kết quả của nó. Đồng thời, mỗi một hành vi ta đang làm trong hiện tại lại tiếp tục tạo ra nghiệp nhân để hình thành những kết quả trong tương lai. Và như vậy, dòng nhân quả cứ trôi chảy tương tục không có bất cứ một thời điểm nào gián đoạn. Mỗi một thời điểm bất kỳ trong đời sống của chúng ta đều là thời điểm gieo nhân và gặt quả. Hay nói cách khác, khi ta vẫn còn trong vòng sinh tử luân hồi thì mọi tư tưởng, hành vi của ta đều không thể ra ngoài sự chi phối liên tục của luật nhân quả.

Chính điều này đã dẫn đến việc có nhiều khuynh hướng trái ngược nhau có thể đồng thời xuất hiện và tạo nên một sự xung đột bên trong tâm hồn của một người.

Trong những cuộc soi kiếp của ông Cayce, những khuynh hướng về năng khiếu hay tánh tình của một người có thể truy nguyên từ những kinh nghiệm trong kiếp trước. Chẳng hạn như một người kia có những khuynh hướng về âm nhạc đã được tích lũy trong một kiếp trước, nhưng đồng thời cũng có khuynh hướng về ngành sư phạm từ một kiếp trước nữa. Thế là người này có cả hai khuynh hướng về hai ngành khác nhau là âm nhạc và giáo dục.

Những khuynh hướng khác biệt này gây ra một sự xung đột trong tâm hồn, khi người này buộc phải chọn lấy một nghề duy nhất. Ông sẽ làm nhạc sĩ hay giáo sư? Trong nhiều năm, ông bị giày vò bởi một sự lưỡng lự phân vân, không biết chọn lấy nghề nào. Sau cùng sự xung đột ngấm ngầm này phải được giải quyết bằng cách dung hòa cả hai khuynh hướng, hoặc phải từ bỏ một nghề và chỉ chọn lấy một nghề. Sự chọn lựa này đôi khi có thể là tùy theo ý muốn của đương sự, nhưng đôi khi cũng phải phụ thuộc vào hoàn cảnh hay các điều kiện cụ thể, chẳng hạn như nhu cầu tài chánh.

Còn có một sự xung đột khó khăn hơn nữa là khi đương sự chưa trừ bỏ được một tật xấu cũ. Chẳng hạn, một người có thói khinh ngạo từ kiếp trước, và trong kiếp sống đó đã từng lạm dụng quyền thế một cách độc tài đối với người khác. Trong một kiếp sau đó, người này phải đầu thai làm một đứa trẻ tàn tật sống trong một túp lều nghèo nàn. Thói khinh ngạo của ông đã phải nhận lãnh quả báo, và ông đã bắt đầu có thái độ khoan dung, ôn hòa hơn đối với mọi người. Nhưng thói khinh ngạo trong quá khứ vẫn chưa trừ bỏ hoàn toàn và hãy còn biểu lộ một phần nào. Bởi đó trong kiếp này, ông có hai khuynh hướng trái ngược nhau trong tâm tính. Khi thì ông có thái độ khinh ngạo, khi thì có lòng khoan dung.

Chính đương sự cũng biết rõ điều này, và mỗi khi ông nghĩ đến tình thương nhân loại thì ông cố gắng diệt trừ thói khinh ngạo còn tiềm ẩn trong lòng.

Nhưng phần nhiều, người ta không ý thức được vấn đề này. Các tập hồ sơ Cayce có chứa đựng rất nhiều trường hợp như trên, mà dưới đây là một trường hợp rõ rệt nhất.

Một người kia có hai khuynh hướng trái ngược nhau, khi thì khép chặt, cách biệt, lạnh lùng; khi thì lại rất hồn nhiên, cởi mở. Theo một cuộc soi kiếp cho người này thì điều đó có nguyên nhân từ hai loại kinh nghiệm khác hẳn nhau trong quá khứ. Trong một kiếp trước, ông là một tu sĩ thuộc một dòng tu kín của Anh quốc, và chính kiếp sống này đã tạo cho ông một tâm hồn khép chặt và cách biệt. Trong một kiếp trước nữa, ông là người tình nguyện tùng chinh trong cuộc Thánh chiến thời Trung Cổ; và kiếp đó đã giúp ông có tâm hồn cởi mở, yêu đời.

Sự trái ngược đó thường làm cho mọi người xa lánh ông, vì họ thấy khó hiểu được vì sao một người lại có tính khí thất thường như thế; mới hôm qua vừa vui vẻ hồn nhiên, nay đã tỏ ra thật lạnh lùng cách biệt!

Ông Aldous Huxley có thuật chuyện một tu sĩ người Ý hồi thế kỷ 17 tên là Pierre Claver, đã hy sinh tận tụy suốt đời để phụng sự những nô lệ da đen bị mua về từ châu Phi, thường bị dân bản địa ngược đãi và đối xử tàn nhẫn. Vị tu sĩ này thường khuyên những người da đen hãy nhẫn nhịn và cố gắng làm nhiều việc tốt để có một tương lai tốt đẹp hơn. Ông Huxley nói:

- Lời khuyên đó có vẻ như không đúng chỗ, nhưng biết đâu vị tu sĩ ấy có lý, vì cho dù ở vào hoàn cảnh nào con người cũng luôn cần phải biết chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ và hướng đến xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Những sự ngược đãi, hung ác, bất công của người khác đối với ta tuy là quả báo xấu của những hành vi bất thiện trong quá khứ, nhưng cũng có thể được xem như những cơ hội nhắc nhở chúng ta phải biết tránh xa những hành vi xấu ác và cố gắng nhiều hơn trong việc thực hiện các điều thiện.

Ông Huxley còn nêu ra một vấn đề rất quan trọng là đừng bao giờ nuôi cái ảo tưởng rằng ta là người hoàn toàn trong sạch và vô tội. Đa số chúng ta khi lâm vào những nghịch cảnh hay phải chịu đựng những nỗi đau khổ bất công thường nghĩ rằng mình là oan ức, vô tội và phải chịu thiệt thòi, chứ không nghĩ rằng đó là do ta đã từng gây ra những nỗi bất công và đau khổ cho kẻ khác. Chúng ta luôn tưởng rằng mình tốt lành và vô tội. Có lẽ là do thói kiêu căng vốn có từ nhiều kiếp trong mỗi con người.

Nhưng còn một lý do khác nữa, đó là sự lãng quên, một định luật tự nhiên đã khiến ta quên đi mọi sai lầm và tội lỗi trong quá khứ. Một người đàn bà nọ phàn nàn:

- Tôi luôn đối xử tốt lành với tất cả mọi người; nhưng người khác đối xử với tôi quá tệ bạc. Con người thật là bạc bẽo và vô ơn!

Ông Cayce đã trả lời bà ấy rằng:

- Phải, bà đã hết sức tốt lành và lương thiện, nhưng đó là những biểu hiện trong kiếp này, bởi vì bà nhận thấy rằng về phần thể chất bà không tốt đẹp; và bà chỉ có thể thâu phục được lòng người bằng những hành động tốt lành và vị tha. Nhưng đó chỉ là một đức tánh mà bà mới có đây thôi. Trong một kiếp trước, bà là người có một sắc đẹp duyên dáng, sắc xảo, mặn mà nhưng tâm địa rất độc ác! Cho nên, ngày nay bà chỉ gặt hái đúng những gì bà đã gieo trồng trong kiếp trước. Việc bà bị đối xử độc ác và bất công không phải là vô cớ, mà chính là quả báo của những hành vi độc ác mà bà đã gây ra đối với kẻ khác. Bà đã trồng hoa thơm quả ngọt suốt đời, nhưng bà chỉ hái lấy gai nhọn và trái đắng là những thứ mà bà đã gieo trồng trong kiếp trước. Mùa gặt sau sẽ đem lại cho bà những hoa thơm trái ngọt mà bà đã gieo trồng trong kiếp này. Trong khi chờ đợi, bà hãy vui lòng nhận lãnh những quả đắng và gai nhọn, nhưng đừng nên thối chí và hãy tiếp tục làm điều thiện một cách can đảm và đầy tin tưởng...

Những sự khổ đau và nghịch cảnh trong đời đều có thể xem như những cơ hội thử thách và rèn luyện tánh tình, cho dù đó là những tai ách bên ngoài như chiến tranh, dịch lệ, động đất, bão lụt... hoặc là những mối xung đột ngấm ngầm trong tâm hồn.

Chỉ khi nào khoa tâm lý học nhìn nhận rằng tất cả mọi sự đau khổ đắng cay, tai ương và nghịch cảnh của người đời đều có một ý nghĩa nhất định trong việc giúp con người tiến bộ nhiều hơn trên con đường hướng thượng thì ngành học thuật này mới có thể được xem là đã tiến được một bước tiến lớn.

Bí quyết đào tạo khả năng - Chương 21

CHƯƠNG 21
BÍ QUYẾT ĐÀO TẠO KHẢ NĂNG


Những tiết lộ của ông Cayce về khả năng của con người và sự phát triển khả năng một cách liên tục từ kiếp này sang kiếp khác có ảnh hưởng rất sâu xa về phương diện thực tế. Trước hết, điều này cho ta thấy được những triển vọng vô hạn về sự nỗ lực vươn lên của con người và vai trò chủ động của mỗi cá nhân trong sự hoàn thiện chính mình.

Theo cách nhận thức này thì điều tất nhiên là năng lực và đức tánh của mỗi người đều hoàn toàn tùy thuộc vào những cố gắng mà người ấy đã thực hiện trong quá khứ và đã tích lũy trong kho tàng tâm thức. Nhưng điều này cũng đúng với những khả năng của mỗi người trong tương lai. Vì cũng như những khả năng của chúng ta bây giờ là do sự cố gắng tích lũy từ quá khứ, thì những khả năng mà ta sẽ có trong tương lai cũng phải là do những cố gắng trau giồi, tu dưỡng của ta trong hiện tại.

Vì thế, những công sức, thời gian và sự khó nhọc mà chúng ta đang bỏ ra hôm nay sẽ không bao giờ mất đi, mà chắc chắn sẽ mang lại kết quả tương xứng cho ta trong những kiếp tương lai.

Trên thế gian này luôn có hàng trăm nghìn người dành suốt cuộc đời để âm thầm cố gắng theo đuổi một chí hướng nào đó, mặc dầu biết chắc rằng không thực hiện được. Xét theo lối thường tình thì đó thật là một việc đáng buồn và vô ích. Nhưng sự cố gắng của họ thật ra không phải là hoài công vô ích nếu ta nhìn vấn đề từ góc độ của thuyết nhân quả luân hồi.

Một ông lão cố gắng vun trồng những khóm hoa trong vườn nhà, có lẽ không mong ước chiếm giải quán quân về một cuộc thi trồng hoa đẹp; hoặc sẽ được khen tặng và biểu dương trên những tạp chí nông nghiệp. Tuy nhiên trong lúc hiện tại, ông ta đang xây đắp mầm mống cho sự hiểu biết về ngành thực vật học, để rồi trong một kiếp tương lai, nó sẽ đâm chồi nẩy lộc thành những kiến thức sâu rộng về ngành này và giúp ông ta trở thành một nhà trồng trọt trứ danh hay một nhà thực vật học uyên bác.

Những cố gắng thô thiển và vụng về của một người đàn bà đứng tuổi đang tập vẽ tranh, không chỉ là đề tài chế giễu của bạn bè thân quyến trong gia đình như người ta nhìn thấy, mà chính là những bước đầu tiên trên con đường hướng đến một trình độ nghệ thuật cao hơn và chắc chắn sẽ giúp cô trở thành một họa sĩ tài danh vào một kiếp nào đó trong tương lai.

Ông giáo sư âm nhạc trải qua nhiều năm tận tụy với nghề dạy đàn dương cầm, vẫn cố gắng hành nghề một cách âm thầm, không tên tuổi. Với thời gian trôi qua, năm tàn tháng lụn, ông không còn nuôi hy vọng trở thành một nhạc sĩ tài danh nữa, nhưng có lẽ ông ta sẽ tự an ủi nếu biết rằng mình đang dấn bước trên con đường sự nghiệp vẻ vang trong những kiếp tương lai.

Nói tóm lại, theo thuyết luân hồi nhân quả thì không có một sự cố gắng nào là mất đi. Nếu luật nhân quả luôn tác động một cách khách quan và chính xác để hình thành những quả báo tương xứng cho những hành vi bất chính, thì nó cũng mang lại phần thưởng xứng đáng cho những ai biết nỗ lực xây dựng.

Nếu chúng ta thật sự tin tưởng nơi điều rất quan trọng này thì chúng ta sẽ không bao giờ bị thất vọng trên đường đời. Mỗi giờ phút trôi qua, chúng ta đều đang tạo dựng tương lai của chính mình. Cái tương lai đó được tốt đẹp hay không là tùy nơi những cố gắng tốt lành của ta trong hiện tại, và nếu chúng ta lãng phí thời giờ vô ích để tìm những thú vui vật chất phù du giả tạm của cuộc đời trần thế thì chắc chắn ta sẽ không thể mong đợi có một tương lai huy hoàn xán lạn.

Hiểu như thế, người ta sẽ không còn cho rằng giai đoạn cuối cùng của đời người là một giai đoạn bất lực và vô dụng, chỉ có thể nghỉ ngơi, an phận và không làm được gì cả. “Tuổi già” hiểu như thế là một sự bi quan và tiêu cực.

Theo các cuộc soi kiếp của ông Cayce, ở xứ cổ Ai Cập cách đây độ mười ngàn năm, đời sống trung bình của con người là trên một trăm tuổi. Sự ăn uống tiết độ, đúng phép vệ sinh, và bí quyết giữ cho tư tưởng được lành mạnh trong sạch giúp cho con người sống rất lâu, và thậm chí khi tuổi già họ cũng không đến nỗi run rẩy lụm cụm.

Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh điều này. Khoa Tâm bệnh học (Psychosomatique) cũng khám phá rằng sự già nua một phần lớn do bởi một bệnh trạng tâm lý của đương sự, theo đó người ta tự nghĩ rằng mình đã là một người vô ích, vô dụng cho xã hội, và đã đến lúc cần phải được thay thế bởi những người trẻ. Sở dĩ họ có thái độ đó là bởi vì họ quan niệm theo “chiều ngang” về cuộc đời, tức là một thói quen hay so sánh mình với những kẻ khác trên cùng bình diện thời gian và không gian.

Nhưng theo thuyết luân hồi nhân quả thì quan niệm đúng thật về cuộc đời phải là một quan niệm theo “chiều dọc”. Tự so sánh mình với những người trẻ tuổi hơn không những là một điều vô lý, mà còn là vô ích vì chúng ta chỉ hoạt động để tự vươn mình và hoàn thiện chính mình, sự tiến bộ của chúng ta không phải là sự tương đối so với kẻ khác, mà là sự so sánh với chính bản thân mình qua từng thời điểm.

Hiểu như thế, ta sẽ không còn thắc mắc ganh tị với những người ở vào một hoàn cảnh tốt lành và thuận tiện hơn hoàn cảnh của ta trong hiện tại. Sự ganh tỵ chỉ là một ảo tưởng vật chất. Trên phương diện tâm linh, ta không ganh tỵ với ai cả. Mỗi người đều tự chịu trách nhiệm về những gì mình làm và không liên quan gì đến sự tốt đẹp hay xấu xa của người khác.

Dầu sao, nói một cách tích cực thì người già không bao giờ nên tự xem mình như một phế nhân bên lề xã hội. Trái lại, chính trong sự lắng đọng và tĩnh lặng của độ tuổi xế chiều mà ta càng nên dành tất cả thời gian còn lại để trau dồi và tu dưỡng tâm tính, như sự chuẩn bị tích cực nhất trước khi bước sang một đời sống khác, và nỗ lực học hỏi những điều cao cả trong đời sống mà trước kia vì bận rộn công việc hoặc vì bổn phận gia đình mà ta đã không có thời gian để theo đuổi một cách tận tâm và trọn vẹn.

Nếu một người già có thể ý thức và thực hiện được như vậy, người ấy sẽ xây đắp nền tảng cho sự tiến bộ tâm linh của mình trong kiếp sau, thay vì chỉ sống những tháng ngày tẻ nhạt và vô vị cuối cùng trước khi chấm dứt đời sống. Chỉ xét riêng về điểm này không thôi, rõ ràng quan điểm luân hồi nhân quả đã có thể mang lại cho ta một sức sống mới và một niềm vui sống vô biên trong lúc tuổi già mà những ai có cái nhìn giới hạn đời sống trong một kiếp này thôi sẽ không có được.

Những cuộc soi kiếp của ông Cayce thường nói rằng, chúng ta nên sống một cách tích cực và nỗ lực xây dựng cho đến giây phút cuối cùng của đời ta. Dưới đây là một vài đoạn rất có ý nghĩa đã được ghi lại:

- Anh hãy sống điều độ trong tất cả mọi việc, không nên làm bất cứ điều gì thái quá. Được như vậy, anh sẽ sống đến trăm tuổi một cách dễ dàng. Nhưng điều quan trọng hơn là anh sẽ phải sống cách nào để xứng đáng với tuổi thọ đó. Anh làm được những gì cho người khác? Nếu anh không làm được gì để giúp đỡ người khác, thì sự sống của anh chẳng có ý nghĩa gì khác hơn là chỉ làm chật đất!

Hỏi: Tôi phải làm sao để tự chuẩn bị cho lúc tuổi già?

Đáp: Cô hãy tự chuẩn bị ngay từ lúc này, rồi tuổi già sẽ giúp cho cô khôn ngoan già dặn hơn nữa. Hãy tỏ ra dịu dàng, khả ái và biết thương yêu mọi người. Như thế, tâm hồn cô sẽ được trẻ trung mãi mãi...

Hỏi: Tôi phải làm gì để không cảm thấy cô đơn khi tuổi già sắp đến?

Đáp: Anh hãy bắt tay ngay vào một việc gì đó để giúp đỡ người khác. Hãy làm cho người khác được vui vẻ hạnh phúc, và hãy tự quên mình để giúp đỡ mọi người quanh ta. Mối liên hệ được tạo ra giữa cá nhân và cộng đồng sẽ giúp anh không còn sợ sệt lo âu về những gì có thể xảy đến cho mình và sẽ không cảm thấy buồn chán, cô đơn.

Hỏi: Tôi phải làm gì để được yên ổn trong lòng và tìm thấy sự an tịnh?

Đáp: Anh hãy tận tình giúp đỡ người khác. Hãy quyết định mỗi ngày phải làm một điều thiện nào đó, cho dù rất nhỏ, hoặc nâng đỡ cho những ai cần đến mình, cho dù đó là người chưa quen biết. Chẳng hạn, anh có thể viếng thăm một người bệnh và trò chuyện an ủi họ. Sự quan tâm thực sự đến người khác sẽ giúp anh thấy trong lòng yên ổn, không có gì cần phải thắc mắc, nghĩ ngợi, lo âu.

Như vậy đời sống của chúng ta mới trở nên thực sự có ý nghĩa và bất cứ lúc nào ta cũng biết chắc rằng mình đang tích lũy được một điều gì đó tốt đẹp hơn cho những kiếp sống tương lai. Hiểu được chân lý đó, người ta sẽ không còn có sự ganh tị đối với kẻ khác, vì sự ganh tị là một điều vô ích, không mang đến cho ta bất cứ kết quả tốt đẹp nào.

Triết gia Emerson nói: “Sẽ có lúc người ta nhận định rằng thói ganh tị là do sự ngu dốt mà ra.”

Điều ấy rất đúng, nhưng nó chỉ được hiểu rõ nhất khi ta hiểu và tin vào luật nhân quả. Những kẻ ganh tị là những người không biết rằng bất cứ điều gì người khác làm được ta cũng có thể làm được; tất cả những gì người khác có được, như sắc đẹp, tài năng, danh vọng, giàu sang, đức hạnh, v.v... ta cũng có thể có được, chỉ cần ta thực sự cố gắng làm những việc tốt lành để gieo nhân mà thôi. Kết quả tốt đẹp chắc chắn sẽ tự nó tìm đến.

Một thái độ xử thế thích nghi về điểm này đã được diễn tả trong cuộc đời của nhạc sĩ trứ danh Paganini. Người ta thuật lại rằng nhạc sĩ này có lần bị hai năm tù vì mắc nợ không trả được. Trong khi bị giam, hằng ngày ông vẫn chơi một cây đàn vĩ cầm cũ, chỉ có ba dây. Sau khi được ra tù, ông trình diễn đàn vĩ cầm trước công chúng với một ngón đàn tuyệt diệu hơn trước, làm cho cử tọa phải ngạc nhiên về tài nghệ xuất chúng của ông.

Ngón đàn đặc biệt của ông là mỗi khi đến những đoạn nhạc khó khăn nhất thì ông bèn cắt đứt sợi dây dưới của cây đàn vĩ cầm và tiếp tục kéo đàn chỉ có ba dây! Ngón đàn tuyệt luân này, ông đã học được trong thời gian hai năm ngồi tù. Việc bị giam cầm là một điều chướng ngại khó khăn và là một nghịch cảnh, nhưng Paganini đã phản ứng một cách tích cực chứ không thối chí hay thất vọng.

Ngày nào con người còn sống giữa thế gian thì chắc chắn vẫn còn có những nghịch cảnh do quả báo đưa đến. Nhưng chúng ta không nên để cho nghịch cảnh đè bẹp hoặc làm cho ta điêu đứng khổ sở; mà trái lại, ngay trong những nghịch cảnh chúng ta cũng vẫn có thể vui sống với một niềm hy vọng và lạc quan.

Khi nghịch cảnh xảy đến không thể tránh khỏi, chúng ta có thể chấp nhận nó một cách kiên nhẫn, can đảm và vui vẻ; và như thế chính là ta đang xây đắp nền tảng cho sự thành công vẻ vang trong tương lai.


Phương châm trong việc chọn nghề - Chương 20

CHƯƠNG 20
PHƯƠNG CHÂM TRONG VIỆC CHỌN NGHỀ


Những câu chuyện về các khuynh hướng nghề nghiệp trong các tập hồ sơ Cayce có thể làm cho người sưu tầm khảo cứu không khỏi nêu ra nhiều câu hỏi. Trước hết, sự khởi đầu nghề nghiệp của một cá nhân là một vấn đề làm cho người ta phải thắc mắc khi cố gắng tìm hiểu cho đến tận những động cơ thúc đẩy ban đầu. Điều đó có nghĩa là, nếu quả thật có các tiền kiếp, thì khi một con người lần đầu tiên đến với một nghề nghiệp nào đó, họ đã chịu sự thúc đẩy của những động lực nào? Tại sao họ lại chọn một ngành hoạt động này mà không phải là một ngành hoạt động khác? Nếu tất cả mọi con người đều có bản chất bình đẳng như nhau thì tại sao có người lại hướng về nông nghiệp, có người lại chọn ngành thương mại, người khác lại hướng về âm nhạc, và người khác nữa lại chọn ngành toán học? Như vậy, phải chăng trong mỗi con người đều có một động lực tế nhị thuộc về cá tính, đã thúc đẩy họ chọn lựa những ngành hoạt động khác nhau? Và nếu quả như thế thì nguyên nhân tối sơ nào đã tạo ra cái cá tính đó, và nó biểu lộ ra bằng cách nào?

Trong những hồ sơ Cayce, không có sự giải đáp rõ ràng những câu hỏi nêu trên, nhưng lại có những tài liệu khá hoàn chỉnh về một điểm khác là nguyên nhân nào làm cho một người phải thay đổi từ một nghề nghiệp này sang một nghề nghiệp khác.

Người ta tìm thấy trong các hồ sơ Cayce có nhiều trường hợp thay nghề đổi nghiệp như vậy, và sự phân tách các tài liệu đó chỉ ra rằng sự thay đổi ấy thường căn cứ trên hai yếu tố căn bản là do lòng ham thích hoặc do luật nhân quả.

Trong nhiều trường hợp đã kể trên, chúng ta thấy rằng lòng ham thích cũng có một sức mạnh đáng kể trong việc gây nhân tạo quả. Một người có thể bắt đầu nảy sinh ý muốn có một khả năng hay một đức tính vào khi họ tiếp xúc với một người khác có cái khả năng hay đức tính đó. Sức mạnh của ý muốn đó thúc đẩy một cá nhân luôn có sự cố gắng trải qua nhiều kiếp để phát triển khả năng hoặc đức tính mà mình mong muốn.

Đôi khi, lòng ham muốn không phải do ảnh hưởng của một người nào, mà vì đương sự cảm thấy bất lực trước một tình trạng nguy cấp mà vì thiếu khả năng cần thiết nên không thể giải cứu người khác hay làm được điều mình muốn làm.

Cho dù với nguyên nhân sinh khởi như thế nào, lòng ham muốn dường như vẫn luôn là một yếu tố quan trọng quyết định khuynh hướng của mỗi con người. Lòng ham muốn đó thường tăng trưởng dần dần và nhắm đến những mục đích ngày càng rõ rệt hơn cho đến khi đủ để bắt đầu phát triển một khía cạnh mới trong những năng khiếu tự nhiên của một cá nhân.

Có lẽ phải trải qua rất nhiều kiếp sống con người mới có thể hoàn toàn thực hiện một sự thay đổi từ một nghề này sang nghề khác do sự thúc đẩy của ý muốn. Nhưng nếu điều này là đúng thì đó là một tín hiệu khuyến khích quí báu cho những ai tự thấy mình quá kém cỏi trong nghề nghiệp hiện tại. Có thể rằng lý do sự kém cỏi của một cá nhân so với tài năng của những người khác là vì cá nhân ấy chỉ mới bắt đầu ngành hoạt động này chưa bao lâu, và chưa đủ thời gian để phát triển tài năng của mình.

Ngoài lòng ham muốn, nghiệp quả cũng là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự thay đổi nghề nghiệp. Chẳng hạn, một quả báo tàn tật về thể xác khi đến lúc chín muồi và xuất hiện có thể làm gián đoạn danh vọng đang lên của một võ sư nổi tiếng, một sự nghiệp mà ông này đã dày công rèn luyện đến mức hoàn thiện trải qua nhiều tiền kiếp. Một quả báo làm gián đoạn một sự nghiệp như thế, tự nhiên là đưa đến sự thay đổi qua một nghề nghiệp khác, và có thể làm khơi dậy một khả năng tiềm tàng khác đã bị chôn vùi và quên lãng từ lâu.

Đó là trường hợp của một thiếu nữ bị bệnh lao xương như đã kể trong chương 5. Sau khi mắc phải chứng bệnh này một thời gian rất lâu, thiếu nữ ấy đã yêu cầu ông Cayce soi kiếp và cho biết xem cô có thể làm nghề gì để trở nên hữu ích cho xã hội. Ông Cayce khuyên cô nên học đàn, và cho biết thêm rằng cô có thiên tư về âm nhạc, vì trong một kiếp trước ở xứ cổ Ai Cập cô đã từng là một nghệ sĩ chuyên về loại đàn dây. Người thiếu nữ nghe theo và nhận thấy rằng mình quả có một năng khiếu đặc biệt về đàn dây, mặc dù trước kia cô chưa học đàn bao giờ. Sau một thời gian ngắn, cô đã có thể biểu diễn trước công chúng, và cho dù tài nghệ của cô chưa đủ để được nổi tiếng nhưng ít nhất cô đã làm được một nghề hữu ích để tìm thấy lẽ sống cùng hạnh phúc trong cuộc đời.

Trong những kiếp trước gần đây, cô đã làm những nghề nghiệp khác. Như vậy, trong trường hợp này, một quả báo xác thân đã xuất hiện thình lình để làm gián đoạn một sự nghiệp, nhưng lại làm sống lại một tài năng khác đã bị quên lãng.

Một vấn đề khác được nêu ra là người ta có thể có kinh nghiệm cùng lúc về nhiều nghề nghiệp khác nhau hay chăng? Thật ra, trong dòng chảy tự nhiên của nhiều kiếp sống, mỗi con người đều phải trải qua rất nhiều kinh nghiệm khác nhau. Vì thế, hầu như không thể có một con người nào có thể được xem như chỉ có kinh nghiệm hoàn toàn về nghệ thuật chẳng hạn, và không biết gì cả về ngành cơ khí, y học, hay xã hội học. Người ta có thể hình dung rằng mỗi con người đều phải trải qua ít nhiều những hiểu biết và kinh nghiệm về tất cả mọi ngành hoạt động khác nhau, chỉ có điều là họ sẽ chọn lấy theo ý muốn sự phát triển vượt trội của một trong các ngành đó qua nhiều kiếp sống của mình.

Trong rất nhiều trường hợp, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa vấn đề nghề nghiệp và vấn đề tâm linh. Nói một cách khác, một sự khó khăn về nghề nghiệp có thể có nguyên nhân từ một sự khuyết điểm về tánh tình, cần phải được sửa chữa.

Đó là trường hợp của một người đàn ông độc thân, bốn mươi tám tuổi, làm nhân viên địa ốc, vì tánh tình khó khăn nên càng ngày càng bị lúng túng trong việc hành nghề. Ông đã yêu cầu ông Cayce soi kiếp để biết xem có nên đổi qua nghề khác hay chăng, và nghề nào sẽ thích hợp?

Ông Cayce cho biết rằng trong một kiếp trước ông đã làm nghề dạy học, nhưng ông có một tánh chất hung bạo, cộc cằn và độc đoán. Ông đã mang theo tánh chất cứng rắn và bạo ngược đó trong kiếp này, và nó làm cho ông khó hòa mình trong sự giao tế xã hội.

Ông Cayce khuyên người này không nên đổi nghề mặc dầu ông ta đang bị nhiều nỗi khó khăn trong nghề nghiệp. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:

- Mặc dầu điều đó không phải dễ làm, nhưng nếu cố gắng thì ông sẽ học được những bài học cần thiết.

Có nhiều trường hợp tương tự như thế trong các tập hồ sơ Cayce, làm cho người ta nhớ lại một tư tưởng của Tolstoy. Nhà văn hào này nói rằng những hoàn cảnh trong đời người giống như những giàn giáo dùng để cất nhà. Những giàn giáo này được dựng lên để làm cái sườn chung quanh, nhờ đó mà một ngôi nhà cao tầng được xây dựng ở phía trong. Nhưng cái giàn giáo đó vốn không hề có một giá trị lâu dài. Khi ngôi nhà đã xây xong thì người ta phải dẹp bỏ nó. Có lẽ những sinh hoạt nghề nghiệp của con người cũng cần được hiểu theo cách đó, vì chúng chỉ là những phương tiện và điều kiện cần thiết cho sự tu dưỡng tâm tánh và tiến hóa tâm linh mà thôi.

Những tập hồ sơ Cayce chứa đựng nhiều tài liệu về cuộc đời của một số người có những năng khiếu đã bị quên lãng từ lâu và chôn vùi trong những chỗ thâm sâu kín đáo của tiềm thức. Những cuộc soi kiếp thường nhắc nhở đương sự chú ý đến những khả năng tiềm tàng đó, và trong rất nhiều trường hợp, những khả năng ấy một khi đã được khơi dậy liền có thể phát triển rất mau chóng để trở thành một thiên tư đặc biệt về nghề nghiệp.

Người ta có thể truy nguyên những khả năng đặc biệt này từ những kinh nghiệm mà đương sự đã tích lũy được trong những tiền kiếp. Biết được điều này tức là biết rằng mỗi người trong chúng ta có thể đang chất chứa trong tiềm thức một số vốn kiến thức hay khả năng chưa được dùng đến. Những sự say mê thích thú của ta về một ngành nào đó đều có thể truy nguyên từ những hoạt động của ta trong những kiếp trước về ngành ấy.

Có người chỉ thích thú đặc biệt những sự vật của xứ Tây Ban Nha; hoặc có người chỉ ưa thích những sự vật của Trung Hoa, hay Nhật Bản chẳng hạn; điều đó cho thấy là họ đã từng sống một kiếp trước ở những xứ ấy. Nếu những người ấy biết trau dồi khuynh hướng của họ bằng cách học tiếng Tây Ban Nha, hoặc khảo cứu về lịch sử và văn hóa Trung Hoa hay Nhật Bản... họ có thể làm khơi dậy những ký ức sâu xa trong tiềm thức và những khả năng đã tích lũy được trong kiếp trước ở những xứ ấy. Nhờ đó, họ cũng có thể tiếp xúc với những người mà họ đã từng có dây liên lạc mật thiết trong những kiếp đó.

Sự gặp gỡ với những người mà chúng ta đã có nhân duyên cũ từ kiếp trước có thể hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời của chúng ta bằng cách mở cửa cho chúng ta bước vào những địa hạt hoạt động mà ta không hề nghĩ đến.

Việc làm trước tiên trong vấn đề hướng nghiệp là kiểm điểm lại những khả năng của mình và chọn lấy một khả năng nào trội nhất. Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đều đồng ý với các nhà chuyên môn về vấn đề hướng nghiệp và thường nêu ra những khả năng trội nhất của đương sự. Nhưng trong những trường hợp khả nghi không quyết đoán, hoặc khi cần đưa ra cho đương sự những cảnh báo đặc biệt nào đó thì ông Cayce thường đưa ra những nguyên tắc đại cương làm tiêu chuẩn cho sự quyết định của họ. Những nguyên tắc đó thường được lặp lại nhiều lần, đến nỗi người ta có thể xem đó như những nguyên tắc căn bản cho việc chọn lựa nghề nghiệp. Dưới đây là một vài nguyên tắc như thế:

Nguyên tắc thứ nhất:

Hãy xác định và nêu cao một lý tưởng.

Điều này có nghĩa là, ta cần phải định rõ mục đích sâu xa của cuộc đời mình và tìm mọi cách nỗ lực thực hiện lý tưởng đó. Sự nêu cao lý tưởng là một điều quan trọng trong vấn đề hướng nghiệp. Những cuộc soi kiếp đều nhấn mạnh rằng ta nên biết rõ về cái lý tưởng mà mình muốn thực hiện. Và lý tưởng đó đối với ta còn cách bao xa?

Ông Cayce cũng nhìn nhận rằng những lý tưởng của một người thường là phức tạp nhưng chúng ta chỉ có thể đi đúng con đường của mình khi nào chúng ta nêu được rõ ràng cái mục đích mà mình muốn đi tới. Sự chọn lựa nghề nghiệp phải căn cứ trên vấn đề xác định và nêu cao lý tưởng trước nhất.

Nguyên tắc thứ hai:

Hãy cố gắng giúp đỡ và phụng sự người khác.

Bằng cách nào ta có thể phụng sự nhân loại một cách hiệu quả nhất? Đó là tiêu chuẩn quan trọng trong việc chọn lựa một nghề nghiệp. Nếu xét thấy một nghề nghiệp nào mà qua đó ta có thể giúp đỡ mọi người quanh ta một cách hiệu quả nhất thì đó chính là nghề nghiệp mà ta nên theo đuổi. Ta đừng bao giờ quên rằng mình là một phần tử của nhân loại. “Giúp đỡ kẻ khác là việc làm cao cả nhất.” Đó là một câu thường được lặp lại nhiều lần trong các cuộc soi kiếp.

Đi kèm với phương châm này, ông Cayce còn nói rằng vấn đề tiền bạc, danh vọng ở đời phải đặt sau lý tưởng phụng sự người khác, và chỉ nên xem đó là những vấn đề phụ thuộc mà thôi.

Một đứa trẻ mười ba tuổi có năng khiếu đặc biệt về nhiều ngành khác nhau và chưa biết nên theo học về ngành nào, đã đặt câu hỏi:

- Tôi phải phát triển khả năng nào để đến lúc trưởng thành tôi có thể kiếm được nhiều tiền bạc nhất?

Câu trả lời của ông Cayce là:

- Em hãy quên đi vấn đề tiền bạc, mà chỉ nên nghĩ đến việc em có thể giúp đỡ người khác bằng cách nào để làm cho cõi đời này trở nên tốt đẹp hơn. Đừng nên lãng phí công lao cố gắng chỉ vì vấn đề tiền bạc. Tiền bạc sẽ tự đến với ta khi ta dùng khả năng của mình để phụng sự tốt cho nhân loại.

Một người khác hỏi:

- Tôi nên theo đuổi ngành hoạt động nào để có thể kiếm được nhiều tiền nhất?

Câu trả lời cho ông vẫn là:

- Anh hãy gác lại vấn đề tiền bạc. Vấn đề tiền bạc phải là kết quả tất nhiên của sự cố gắng giúp đỡ kẻ khác. Sự thịnh vượng về vật chất phải đi sau lý tưởng phụng sự con người.

Một nhà buôn xuất nhập khẩu cũng nhận được lời khuyên sau đây:

- Phương châm của ông phải là: Tôi muốn phụng sự nhân loại, và tiền tài danh vọng sẽ đến với tôi như những kết quả tất nhiên của một cuộc đời tốt lành và phụng sự. Đừng bao giờ xem tiền bạc như những miếng mồi thơm, rồi vì nó mà ta phải hành động trái với lương tâm để chiếm đoạt.

Nguyên tắc thứ ba:

Hãy sử dụng những gì mình đang có trong tay.

Hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của mình. Câu này dường như hơi thừa, vì đó là một lẽ rất hiển nhiên. Tuy vậy, cũng như nhiều sự thật hiển nhiên khác, nó cần được lặp lại và nhấn mạnh, vì người ta vốn có thói quen khinh thường những điều giản dị và gần gũi để luôn hướng đến tìm kiếm những chuyện xa vời, khó khăn.

Có nhiều người muốn phụng sự nhân loại, nhưng lại nêu ra một lý tưởng quá viễn vông, không thiết thực, hoặc không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Trong khi họ chọn cho mình một mục đích cao cả để theo đuổi, thì trong thực tế lại mắc kẹt trong một cuộc đời phức tạp không thể nào thoát ra khỏi. Những trách nhiệm gia đình hay trở lực về tài chánh làm ngăn trở sự thực hiện lý tưởng của họ.

Đối với hạng người này, những cuộc soi kiếp thường khuyên rằng:

- Người ta chỉ có thể sử dụng tốt những gì hiện có trong lúc này. Cuộc hành trình muôn dặm cũng bắt đầu bằng chỉ một bước chân.

Bước chân đầu tiên đó, người ta phải thực hiện ngay từ vị trí hiện tại của mình. Một người đàn bà bốn mươi chín tuổi hỏi ông Cayce:

- Tôi nên làm những công việc gì trong đời? Câu trả lời là:

- Bà hãy giúp đỡ những kẻ yếu đuối và những kẻ vấp ngã; giúp thêm sức mạnh và can đảm cho những kẻ thất bại.

Bà ấy lại hỏi:

- Bằng cách nào tôi có thể làm công việc đó? Ông Cayce đáp:

- Bà hãy bắt đầu ngay từ những cơ hội hiện tại. Hãy sử dụng những gì bà đang có và bắt đầu ngay từ vị trí của bà hiện nay.

Một người đàn bà khác cũng có sự thắc mắc tương tự. Bà ấy đã sáu mươi mốt tuổi, vợ của một vị lãnh sự ở một xứ Bắc Âu. Bà đã từng đi du lịch nhiều nơi ở miền Trung Đông và có nhiều kiến thức sâu rộng. Bà ấy hỏi:

- Tôi phải làm gì để phụng sự nhân loại một cách hữu hiệu nhất?

Câu trả lời cũng giống như trong trường hợp kể trên:

- Bà hãy làm bất cứ việc gì đến với bà hằng ngày. Không phải người làm nên những kỳ công hiển hách, vang dội mới là những kẻ làm được nhiều việc nhất; mà chính những ai biết đón nhận lấy mọi cơ hội phụng sự trong cuộc sống hằng ngày.

Khi những cơ hội hằng ngày luôn được tận dụng triệt để thì những cơ hội tốt lành hơn sẽ có đủ điều kiện để xuất hiện nhiều hơn, và những công việc phụng sự lớn lao sẽ đến ta. Đó là vì khi ta dùng những phương tiện đang có sẵn để phụng sự kẻ khác thì những phương tiện ấy sẽ không bao giờ mất đi, mà tự nó sẽ tiếp tục phát triển một cách dồi dào hơn trước nữa.

Một người khác cũng nhận được lời khuyên tương tự:



- Anh hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của anh. Và khi anh đã làm xong bổn phận, chắc chắn anh sẽ gặp được những cơ hội tốt đẹp và lớn lao hơn nữa!

Lời khuyên đầy tính triết lý này tuy nghe có vẻ rất trừu tượng nhưng lại vô cùng chính xác trong thực tế, và những ai đã tuân theo đều phải thừa nhận nó như một sự thật vô cùng cụ thể. Lời khuyên này không những áp dụng cho những người có ý muốn phụng sự nhân loại, mà cũng được áp dụng như một phương thức hữu hiệu dành cho những ai muốn làm nên sự nghiệp to lớn, vang dội tiếng tăm, cho dù là trên bất cứ lãnh vực hoạt động nào.

Dường như sự lặp lại nhiều lần trong các cuộc soi kiếp về việc “cần phải sử dụng những gì mình đang có và bắt đầu từ vị trí hiện tại” là để chống lại hai khuynh hướng cực đoan thường tình của người đời. Đó là, người ta có thể trở nên hoàn toàn thụ động vì thấy rằng kiến thức của mình quá hẹp hòi nông cạn; hoặc vì có một tầm kiến thức quá bao quát rộng lớn.

Có nhiều người biết rõ mục đích mà họ muốn thực hiện trên các địa hạt nghệ thuật, văn hóa, khoa học hay chính trị. Nhưng vì một sự tính toán sai lầm, họ bỏ dở nửa chừng và không làm gì cả, mục đích của họ dường như không thể thực hiện được. Vì họ không biết rõ về tính liên tục của mọi cố gắng và sinh hoạt trong đời sống con người, nên họ không nhận thức được rằng thời gian không phải là yếu tố giới hạn, vì những gì đã bắt đầu trong kiếp này sẽ đem lại kết quả trong kiếp sau.

Vì lầm tưởng rằng đời sống chỉ giới hạn trong một kiếp sống duy nhất ngắn ngủi nên họ cho rằng mình không thể thực hiện được mục đích vì không đủ thời gian. Họ trở nên hoàn toàn thụ động, tê liệt cả ý chí tiến thủ, và bỏ dở mọi việc. Vì thế, thay vì tích cực thực hiện được phần nào mục tiêu đề ra, họ lại đứng giậm chân tại chỗ không tiến thêm được nữa, và trong những kiếp sau họ lại phải khởi sự từ đầu!

Nhưng nếu người ta biết áp dụng lời khuyên đầy minh triết của ông Cayce là “hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại” và “sử dụng những gì hiện có”, thì sự thụ động kia sẽ không còn nữa, và họ sẽ dùng hết nghị lực để hoạt động theo đúng đường lối, với nhiều triển vọng tốt đẹp và tin tưởng nơi sự thành công trong tương lai.

Ngoài ra, có những người nhờ tin vào thuyết luân hồi nhân quả mà hé mở được tầm nhìn vào tương lai, với một viễn ảnh xán lạn huy hoàng, nhưng họ lại không thể hiện được cái đức tin đó ra thành những hành động xử thế hằng ngày.

Nhiều nhà triết học và khoa học mãi đắm chìm trong việc học hỏi khảo cứu các định luật thiên nhiên ảnh hưởng đến sự tiến hóa của nhân loại, nhưng hoàn toàn không biết rằng sự tiến bộ của con người không chỉ được thực hiện bằng sự học hỏi suông. Họ chẳng khác nào người du khách mãi lo nghiên cứu lộ trình trên tấm bản đồ một cách chăm chú và say sưa nhưng lại chưa bao giờ cất bước ra đi!

Những người ấy luôn mải mê chạy theo với những vấn đề trừu tượng siêu hình đến nỗi khi cần phải thực hiện một sự thay đổi tâm tính hay làm một việc hữu ích để giúp đỡ nhân loại thì họ lại thờ ơ chểnh mảng và hoàn toàn bất lực.

Những cuộc soi kiếp của ông Cayce luôn luôn nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, dù ta sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể làm cho hoàn cảnh ấy trở nên thích hợp với những nỗ lực hướng thiện của ta trong hiện tại. Dù cho gặp phải những hoàn cảnh khó khăn trái nghịch, chúng ta cũng nên xem đó như những cơ hội giúp ta rèn luyện và tu dưỡng tâm tính, chứ không nên xem đó như là những chướng ngại.

Khi ta biết vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trở ngại thì chúng ta mới xứng đáng bước vào những hoàn cảnh tốt lành và thuận tiện hơn.

Trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce có đưa ra lời khuyên như sau:

- Anh hãy nhớ rằng, dù anh sống trong hoàn cảnh nào, điều đó cũng là cần thiết cho sự tiếp xúc hằng ngày với mọi người, và chính nhờ sự cải thiện trong từng ngày, từng giờ, từng phút đó mà anh thực hiện được sự tu dưỡng một cách hiệu quả và vươn đến sự hoàn thiện trong tương lai.

Chính nhờ kiên nhẫn xây lắp từng viên gạch nhỏ mà người ta mới hoàn tất được những ngôi nhà đồ sộ. Khi một người đã phát khởi ý nguyện sẵn sàng phụng sự nhân loại, sự cố gắng không ngừng trong từng giờ từng phút là điều kiện cần thiết cho sự hoàn thành tâm nguyện đó, và từ đó anh ta sẽ gặp được những hoàn cảnh, những cơ hội thuận tiện hơn. Mỗi người chúng ta hãy xây dựng tương lai của chính mình với những gì đang sẵn có trong tay, và phải khởi sự một cách kiên nhẫn ngay từ những việc làm vô cùng nhỏ nhặt. Đó là những viên gạch nhỏ không thể thiếu nếu ta muốn xây dựng một tòa nhà tương lai thật đồ sộ và kiên cố.