8 thg 1, 2014

Phương châm trong việc chọn nghề - Chương 20

CHƯƠNG 20
PHƯƠNG CHÂM TRONG VIỆC CHỌN NGHỀ


Những câu chuyện về các khuynh hướng nghề nghiệp trong các tập hồ sơ Cayce có thể làm cho người sưu tầm khảo cứu không khỏi nêu ra nhiều câu hỏi. Trước hết, sự khởi đầu nghề nghiệp của một cá nhân là một vấn đề làm cho người ta phải thắc mắc khi cố gắng tìm hiểu cho đến tận những động cơ thúc đẩy ban đầu. Điều đó có nghĩa là, nếu quả thật có các tiền kiếp, thì khi một con người lần đầu tiên đến với một nghề nghiệp nào đó, họ đã chịu sự thúc đẩy của những động lực nào? Tại sao họ lại chọn một ngành hoạt động này mà không phải là một ngành hoạt động khác? Nếu tất cả mọi con người đều có bản chất bình đẳng như nhau thì tại sao có người lại hướng về nông nghiệp, có người lại chọn ngành thương mại, người khác lại hướng về âm nhạc, và người khác nữa lại chọn ngành toán học? Như vậy, phải chăng trong mỗi con người đều có một động lực tế nhị thuộc về cá tính, đã thúc đẩy họ chọn lựa những ngành hoạt động khác nhau? Và nếu quả như thế thì nguyên nhân tối sơ nào đã tạo ra cái cá tính đó, và nó biểu lộ ra bằng cách nào?

Trong những hồ sơ Cayce, không có sự giải đáp rõ ràng những câu hỏi nêu trên, nhưng lại có những tài liệu khá hoàn chỉnh về một điểm khác là nguyên nhân nào làm cho một người phải thay đổi từ một nghề nghiệp này sang một nghề nghiệp khác.

Người ta tìm thấy trong các hồ sơ Cayce có nhiều trường hợp thay nghề đổi nghiệp như vậy, và sự phân tách các tài liệu đó chỉ ra rằng sự thay đổi ấy thường căn cứ trên hai yếu tố căn bản là do lòng ham thích hoặc do luật nhân quả.

Trong nhiều trường hợp đã kể trên, chúng ta thấy rằng lòng ham thích cũng có một sức mạnh đáng kể trong việc gây nhân tạo quả. Một người có thể bắt đầu nảy sinh ý muốn có một khả năng hay một đức tính vào khi họ tiếp xúc với một người khác có cái khả năng hay đức tính đó. Sức mạnh của ý muốn đó thúc đẩy một cá nhân luôn có sự cố gắng trải qua nhiều kiếp để phát triển khả năng hoặc đức tính mà mình mong muốn.

Đôi khi, lòng ham muốn không phải do ảnh hưởng của một người nào, mà vì đương sự cảm thấy bất lực trước một tình trạng nguy cấp mà vì thiếu khả năng cần thiết nên không thể giải cứu người khác hay làm được điều mình muốn làm.

Cho dù với nguyên nhân sinh khởi như thế nào, lòng ham muốn dường như vẫn luôn là một yếu tố quan trọng quyết định khuynh hướng của mỗi con người. Lòng ham muốn đó thường tăng trưởng dần dần và nhắm đến những mục đích ngày càng rõ rệt hơn cho đến khi đủ để bắt đầu phát triển một khía cạnh mới trong những năng khiếu tự nhiên của một cá nhân.

Có lẽ phải trải qua rất nhiều kiếp sống con người mới có thể hoàn toàn thực hiện một sự thay đổi từ một nghề này sang nghề khác do sự thúc đẩy của ý muốn. Nhưng nếu điều này là đúng thì đó là một tín hiệu khuyến khích quí báu cho những ai tự thấy mình quá kém cỏi trong nghề nghiệp hiện tại. Có thể rằng lý do sự kém cỏi của một cá nhân so với tài năng của những người khác là vì cá nhân ấy chỉ mới bắt đầu ngành hoạt động này chưa bao lâu, và chưa đủ thời gian để phát triển tài năng của mình.

Ngoài lòng ham muốn, nghiệp quả cũng là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự thay đổi nghề nghiệp. Chẳng hạn, một quả báo tàn tật về thể xác khi đến lúc chín muồi và xuất hiện có thể làm gián đoạn danh vọng đang lên của một võ sư nổi tiếng, một sự nghiệp mà ông này đã dày công rèn luyện đến mức hoàn thiện trải qua nhiều tiền kiếp. Một quả báo làm gián đoạn một sự nghiệp như thế, tự nhiên là đưa đến sự thay đổi qua một nghề nghiệp khác, và có thể làm khơi dậy một khả năng tiềm tàng khác đã bị chôn vùi và quên lãng từ lâu.

Đó là trường hợp của một thiếu nữ bị bệnh lao xương như đã kể trong chương 5. Sau khi mắc phải chứng bệnh này một thời gian rất lâu, thiếu nữ ấy đã yêu cầu ông Cayce soi kiếp và cho biết xem cô có thể làm nghề gì để trở nên hữu ích cho xã hội. Ông Cayce khuyên cô nên học đàn, và cho biết thêm rằng cô có thiên tư về âm nhạc, vì trong một kiếp trước ở xứ cổ Ai Cập cô đã từng là một nghệ sĩ chuyên về loại đàn dây. Người thiếu nữ nghe theo và nhận thấy rằng mình quả có một năng khiếu đặc biệt về đàn dây, mặc dù trước kia cô chưa học đàn bao giờ. Sau một thời gian ngắn, cô đã có thể biểu diễn trước công chúng, và cho dù tài nghệ của cô chưa đủ để được nổi tiếng nhưng ít nhất cô đã làm được một nghề hữu ích để tìm thấy lẽ sống cùng hạnh phúc trong cuộc đời.

Trong những kiếp trước gần đây, cô đã làm những nghề nghiệp khác. Như vậy, trong trường hợp này, một quả báo xác thân đã xuất hiện thình lình để làm gián đoạn một sự nghiệp, nhưng lại làm sống lại một tài năng khác đã bị quên lãng.

Một vấn đề khác được nêu ra là người ta có thể có kinh nghiệm cùng lúc về nhiều nghề nghiệp khác nhau hay chăng? Thật ra, trong dòng chảy tự nhiên của nhiều kiếp sống, mỗi con người đều phải trải qua rất nhiều kinh nghiệm khác nhau. Vì thế, hầu như không thể có một con người nào có thể được xem như chỉ có kinh nghiệm hoàn toàn về nghệ thuật chẳng hạn, và không biết gì cả về ngành cơ khí, y học, hay xã hội học. Người ta có thể hình dung rằng mỗi con người đều phải trải qua ít nhiều những hiểu biết và kinh nghiệm về tất cả mọi ngành hoạt động khác nhau, chỉ có điều là họ sẽ chọn lấy theo ý muốn sự phát triển vượt trội của một trong các ngành đó qua nhiều kiếp sống của mình.

Trong rất nhiều trường hợp, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa vấn đề nghề nghiệp và vấn đề tâm linh. Nói một cách khác, một sự khó khăn về nghề nghiệp có thể có nguyên nhân từ một sự khuyết điểm về tánh tình, cần phải được sửa chữa.

Đó là trường hợp của một người đàn ông độc thân, bốn mươi tám tuổi, làm nhân viên địa ốc, vì tánh tình khó khăn nên càng ngày càng bị lúng túng trong việc hành nghề. Ông đã yêu cầu ông Cayce soi kiếp để biết xem có nên đổi qua nghề khác hay chăng, và nghề nào sẽ thích hợp?

Ông Cayce cho biết rằng trong một kiếp trước ông đã làm nghề dạy học, nhưng ông có một tánh chất hung bạo, cộc cằn và độc đoán. Ông đã mang theo tánh chất cứng rắn và bạo ngược đó trong kiếp này, và nó làm cho ông khó hòa mình trong sự giao tế xã hội.

Ông Cayce khuyên người này không nên đổi nghề mặc dầu ông ta đang bị nhiều nỗi khó khăn trong nghề nghiệp. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:

- Mặc dầu điều đó không phải dễ làm, nhưng nếu cố gắng thì ông sẽ học được những bài học cần thiết.

Có nhiều trường hợp tương tự như thế trong các tập hồ sơ Cayce, làm cho người ta nhớ lại một tư tưởng của Tolstoy. Nhà văn hào này nói rằng những hoàn cảnh trong đời người giống như những giàn giáo dùng để cất nhà. Những giàn giáo này được dựng lên để làm cái sườn chung quanh, nhờ đó mà một ngôi nhà cao tầng được xây dựng ở phía trong. Nhưng cái giàn giáo đó vốn không hề có một giá trị lâu dài. Khi ngôi nhà đã xây xong thì người ta phải dẹp bỏ nó. Có lẽ những sinh hoạt nghề nghiệp của con người cũng cần được hiểu theo cách đó, vì chúng chỉ là những phương tiện và điều kiện cần thiết cho sự tu dưỡng tâm tánh và tiến hóa tâm linh mà thôi.

Những tập hồ sơ Cayce chứa đựng nhiều tài liệu về cuộc đời của một số người có những năng khiếu đã bị quên lãng từ lâu và chôn vùi trong những chỗ thâm sâu kín đáo của tiềm thức. Những cuộc soi kiếp thường nhắc nhở đương sự chú ý đến những khả năng tiềm tàng đó, và trong rất nhiều trường hợp, những khả năng ấy một khi đã được khơi dậy liền có thể phát triển rất mau chóng để trở thành một thiên tư đặc biệt về nghề nghiệp.

Người ta có thể truy nguyên những khả năng đặc biệt này từ những kinh nghiệm mà đương sự đã tích lũy được trong những tiền kiếp. Biết được điều này tức là biết rằng mỗi người trong chúng ta có thể đang chất chứa trong tiềm thức một số vốn kiến thức hay khả năng chưa được dùng đến. Những sự say mê thích thú của ta về một ngành nào đó đều có thể truy nguyên từ những hoạt động của ta trong những kiếp trước về ngành ấy.

Có người chỉ thích thú đặc biệt những sự vật của xứ Tây Ban Nha; hoặc có người chỉ ưa thích những sự vật của Trung Hoa, hay Nhật Bản chẳng hạn; điều đó cho thấy là họ đã từng sống một kiếp trước ở những xứ ấy. Nếu những người ấy biết trau dồi khuynh hướng của họ bằng cách học tiếng Tây Ban Nha, hoặc khảo cứu về lịch sử và văn hóa Trung Hoa hay Nhật Bản... họ có thể làm khơi dậy những ký ức sâu xa trong tiềm thức và những khả năng đã tích lũy được trong kiếp trước ở những xứ ấy. Nhờ đó, họ cũng có thể tiếp xúc với những người mà họ đã từng có dây liên lạc mật thiết trong những kiếp đó.

Sự gặp gỡ với những người mà chúng ta đã có nhân duyên cũ từ kiếp trước có thể hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời của chúng ta bằng cách mở cửa cho chúng ta bước vào những địa hạt hoạt động mà ta không hề nghĩ đến.

Việc làm trước tiên trong vấn đề hướng nghiệp là kiểm điểm lại những khả năng của mình và chọn lấy một khả năng nào trội nhất. Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đều đồng ý với các nhà chuyên môn về vấn đề hướng nghiệp và thường nêu ra những khả năng trội nhất của đương sự. Nhưng trong những trường hợp khả nghi không quyết đoán, hoặc khi cần đưa ra cho đương sự những cảnh báo đặc biệt nào đó thì ông Cayce thường đưa ra những nguyên tắc đại cương làm tiêu chuẩn cho sự quyết định của họ. Những nguyên tắc đó thường được lặp lại nhiều lần, đến nỗi người ta có thể xem đó như những nguyên tắc căn bản cho việc chọn lựa nghề nghiệp. Dưới đây là một vài nguyên tắc như thế:

Nguyên tắc thứ nhất:

Hãy xác định và nêu cao một lý tưởng.

Điều này có nghĩa là, ta cần phải định rõ mục đích sâu xa của cuộc đời mình và tìm mọi cách nỗ lực thực hiện lý tưởng đó. Sự nêu cao lý tưởng là một điều quan trọng trong vấn đề hướng nghiệp. Những cuộc soi kiếp đều nhấn mạnh rằng ta nên biết rõ về cái lý tưởng mà mình muốn thực hiện. Và lý tưởng đó đối với ta còn cách bao xa?

Ông Cayce cũng nhìn nhận rằng những lý tưởng của một người thường là phức tạp nhưng chúng ta chỉ có thể đi đúng con đường của mình khi nào chúng ta nêu được rõ ràng cái mục đích mà mình muốn đi tới. Sự chọn lựa nghề nghiệp phải căn cứ trên vấn đề xác định và nêu cao lý tưởng trước nhất.

Nguyên tắc thứ hai:

Hãy cố gắng giúp đỡ và phụng sự người khác.

Bằng cách nào ta có thể phụng sự nhân loại một cách hiệu quả nhất? Đó là tiêu chuẩn quan trọng trong việc chọn lựa một nghề nghiệp. Nếu xét thấy một nghề nghiệp nào mà qua đó ta có thể giúp đỡ mọi người quanh ta một cách hiệu quả nhất thì đó chính là nghề nghiệp mà ta nên theo đuổi. Ta đừng bao giờ quên rằng mình là một phần tử của nhân loại. “Giúp đỡ kẻ khác là việc làm cao cả nhất.” Đó là một câu thường được lặp lại nhiều lần trong các cuộc soi kiếp.

Đi kèm với phương châm này, ông Cayce còn nói rằng vấn đề tiền bạc, danh vọng ở đời phải đặt sau lý tưởng phụng sự người khác, và chỉ nên xem đó là những vấn đề phụ thuộc mà thôi.

Một đứa trẻ mười ba tuổi có năng khiếu đặc biệt về nhiều ngành khác nhau và chưa biết nên theo học về ngành nào, đã đặt câu hỏi:

- Tôi phải phát triển khả năng nào để đến lúc trưởng thành tôi có thể kiếm được nhiều tiền bạc nhất?

Câu trả lời của ông Cayce là:

- Em hãy quên đi vấn đề tiền bạc, mà chỉ nên nghĩ đến việc em có thể giúp đỡ người khác bằng cách nào để làm cho cõi đời này trở nên tốt đẹp hơn. Đừng nên lãng phí công lao cố gắng chỉ vì vấn đề tiền bạc. Tiền bạc sẽ tự đến với ta khi ta dùng khả năng của mình để phụng sự tốt cho nhân loại.

Một người khác hỏi:

- Tôi nên theo đuổi ngành hoạt động nào để có thể kiếm được nhiều tiền nhất?

Câu trả lời cho ông vẫn là:

- Anh hãy gác lại vấn đề tiền bạc. Vấn đề tiền bạc phải là kết quả tất nhiên của sự cố gắng giúp đỡ kẻ khác. Sự thịnh vượng về vật chất phải đi sau lý tưởng phụng sự con người.

Một nhà buôn xuất nhập khẩu cũng nhận được lời khuyên sau đây:

- Phương châm của ông phải là: Tôi muốn phụng sự nhân loại, và tiền tài danh vọng sẽ đến với tôi như những kết quả tất nhiên của một cuộc đời tốt lành và phụng sự. Đừng bao giờ xem tiền bạc như những miếng mồi thơm, rồi vì nó mà ta phải hành động trái với lương tâm để chiếm đoạt.

Nguyên tắc thứ ba:

Hãy sử dụng những gì mình đang có trong tay.

Hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của mình. Câu này dường như hơi thừa, vì đó là một lẽ rất hiển nhiên. Tuy vậy, cũng như nhiều sự thật hiển nhiên khác, nó cần được lặp lại và nhấn mạnh, vì người ta vốn có thói quen khinh thường những điều giản dị và gần gũi để luôn hướng đến tìm kiếm những chuyện xa vời, khó khăn.

Có nhiều người muốn phụng sự nhân loại, nhưng lại nêu ra một lý tưởng quá viễn vông, không thiết thực, hoặc không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Trong khi họ chọn cho mình một mục đích cao cả để theo đuổi, thì trong thực tế lại mắc kẹt trong một cuộc đời phức tạp không thể nào thoát ra khỏi. Những trách nhiệm gia đình hay trở lực về tài chánh làm ngăn trở sự thực hiện lý tưởng của họ.

Đối với hạng người này, những cuộc soi kiếp thường khuyên rằng:

- Người ta chỉ có thể sử dụng tốt những gì hiện có trong lúc này. Cuộc hành trình muôn dặm cũng bắt đầu bằng chỉ một bước chân.

Bước chân đầu tiên đó, người ta phải thực hiện ngay từ vị trí hiện tại của mình. Một người đàn bà bốn mươi chín tuổi hỏi ông Cayce:

- Tôi nên làm những công việc gì trong đời? Câu trả lời là:

- Bà hãy giúp đỡ những kẻ yếu đuối và những kẻ vấp ngã; giúp thêm sức mạnh và can đảm cho những kẻ thất bại.

Bà ấy lại hỏi:

- Bằng cách nào tôi có thể làm công việc đó? Ông Cayce đáp:

- Bà hãy bắt đầu ngay từ những cơ hội hiện tại. Hãy sử dụng những gì bà đang có và bắt đầu ngay từ vị trí của bà hiện nay.

Một người đàn bà khác cũng có sự thắc mắc tương tự. Bà ấy đã sáu mươi mốt tuổi, vợ của một vị lãnh sự ở một xứ Bắc Âu. Bà đã từng đi du lịch nhiều nơi ở miền Trung Đông và có nhiều kiến thức sâu rộng. Bà ấy hỏi:

- Tôi phải làm gì để phụng sự nhân loại một cách hữu hiệu nhất?

Câu trả lời cũng giống như trong trường hợp kể trên:

- Bà hãy làm bất cứ việc gì đến với bà hằng ngày. Không phải người làm nên những kỳ công hiển hách, vang dội mới là những kẻ làm được nhiều việc nhất; mà chính những ai biết đón nhận lấy mọi cơ hội phụng sự trong cuộc sống hằng ngày.

Khi những cơ hội hằng ngày luôn được tận dụng triệt để thì những cơ hội tốt lành hơn sẽ có đủ điều kiện để xuất hiện nhiều hơn, và những công việc phụng sự lớn lao sẽ đến ta. Đó là vì khi ta dùng những phương tiện đang có sẵn để phụng sự kẻ khác thì những phương tiện ấy sẽ không bao giờ mất đi, mà tự nó sẽ tiếp tục phát triển một cách dồi dào hơn trước nữa.

Một người khác cũng nhận được lời khuyên tương tự:



- Anh hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của anh. Và khi anh đã làm xong bổn phận, chắc chắn anh sẽ gặp được những cơ hội tốt đẹp và lớn lao hơn nữa!

Lời khuyên đầy tính triết lý này tuy nghe có vẻ rất trừu tượng nhưng lại vô cùng chính xác trong thực tế, và những ai đã tuân theo đều phải thừa nhận nó như một sự thật vô cùng cụ thể. Lời khuyên này không những áp dụng cho những người có ý muốn phụng sự nhân loại, mà cũng được áp dụng như một phương thức hữu hiệu dành cho những ai muốn làm nên sự nghiệp to lớn, vang dội tiếng tăm, cho dù là trên bất cứ lãnh vực hoạt động nào.

Dường như sự lặp lại nhiều lần trong các cuộc soi kiếp về việc “cần phải sử dụng những gì mình đang có và bắt đầu từ vị trí hiện tại” là để chống lại hai khuynh hướng cực đoan thường tình của người đời. Đó là, người ta có thể trở nên hoàn toàn thụ động vì thấy rằng kiến thức của mình quá hẹp hòi nông cạn; hoặc vì có một tầm kiến thức quá bao quát rộng lớn.

Có nhiều người biết rõ mục đích mà họ muốn thực hiện trên các địa hạt nghệ thuật, văn hóa, khoa học hay chính trị. Nhưng vì một sự tính toán sai lầm, họ bỏ dở nửa chừng và không làm gì cả, mục đích của họ dường như không thể thực hiện được. Vì họ không biết rõ về tính liên tục của mọi cố gắng và sinh hoạt trong đời sống con người, nên họ không nhận thức được rằng thời gian không phải là yếu tố giới hạn, vì những gì đã bắt đầu trong kiếp này sẽ đem lại kết quả trong kiếp sau.

Vì lầm tưởng rằng đời sống chỉ giới hạn trong một kiếp sống duy nhất ngắn ngủi nên họ cho rằng mình không thể thực hiện được mục đích vì không đủ thời gian. Họ trở nên hoàn toàn thụ động, tê liệt cả ý chí tiến thủ, và bỏ dở mọi việc. Vì thế, thay vì tích cực thực hiện được phần nào mục tiêu đề ra, họ lại đứng giậm chân tại chỗ không tiến thêm được nữa, và trong những kiếp sau họ lại phải khởi sự từ đầu!

Nhưng nếu người ta biết áp dụng lời khuyên đầy minh triết của ông Cayce là “hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại” và “sử dụng những gì hiện có”, thì sự thụ động kia sẽ không còn nữa, và họ sẽ dùng hết nghị lực để hoạt động theo đúng đường lối, với nhiều triển vọng tốt đẹp và tin tưởng nơi sự thành công trong tương lai.

Ngoài ra, có những người nhờ tin vào thuyết luân hồi nhân quả mà hé mở được tầm nhìn vào tương lai, với một viễn ảnh xán lạn huy hoàng, nhưng họ lại không thể hiện được cái đức tin đó ra thành những hành động xử thế hằng ngày.

Nhiều nhà triết học và khoa học mãi đắm chìm trong việc học hỏi khảo cứu các định luật thiên nhiên ảnh hưởng đến sự tiến hóa của nhân loại, nhưng hoàn toàn không biết rằng sự tiến bộ của con người không chỉ được thực hiện bằng sự học hỏi suông. Họ chẳng khác nào người du khách mãi lo nghiên cứu lộ trình trên tấm bản đồ một cách chăm chú và say sưa nhưng lại chưa bao giờ cất bước ra đi!

Những người ấy luôn mải mê chạy theo với những vấn đề trừu tượng siêu hình đến nỗi khi cần phải thực hiện một sự thay đổi tâm tính hay làm một việc hữu ích để giúp đỡ nhân loại thì họ lại thờ ơ chểnh mảng và hoàn toàn bất lực.

Những cuộc soi kiếp của ông Cayce luôn luôn nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, dù ta sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể làm cho hoàn cảnh ấy trở nên thích hợp với những nỗ lực hướng thiện của ta trong hiện tại. Dù cho gặp phải những hoàn cảnh khó khăn trái nghịch, chúng ta cũng nên xem đó như những cơ hội giúp ta rèn luyện và tu dưỡng tâm tính, chứ không nên xem đó như là những chướng ngại.

Khi ta biết vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trở ngại thì chúng ta mới xứng đáng bước vào những hoàn cảnh tốt lành và thuận tiện hơn.

Trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce có đưa ra lời khuyên như sau:

- Anh hãy nhớ rằng, dù anh sống trong hoàn cảnh nào, điều đó cũng là cần thiết cho sự tiếp xúc hằng ngày với mọi người, và chính nhờ sự cải thiện trong từng ngày, từng giờ, từng phút đó mà anh thực hiện được sự tu dưỡng một cách hiệu quả và vươn đến sự hoàn thiện trong tương lai.

Chính nhờ kiên nhẫn xây lắp từng viên gạch nhỏ mà người ta mới hoàn tất được những ngôi nhà đồ sộ. Khi một người đã phát khởi ý nguyện sẵn sàng phụng sự nhân loại, sự cố gắng không ngừng trong từng giờ từng phút là điều kiện cần thiết cho sự hoàn thành tâm nguyện đó, và từ đó anh ta sẽ gặp được những hoàn cảnh, những cơ hội thuận tiện hơn. Mỗi người chúng ta hãy xây dựng tương lai của chính mình với những gì đang sẵn có trong tay, và phải khởi sự một cách kiên nhẫn ngay từ những việc làm vô cùng nhỏ nhặt. Đó là những viên gạch nhỏ không thể thiếu nếu ta muốn xây dựng một tòa nhà tương lai thật đồ sộ và kiên cố.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Rất thú vị và bổ ích! Cảm ơn bạn chủ blog đã chia sẻ bài viết đầy ý nghĩa này!



------------------------------
Cafe Starmoon: Dạy học pha chế cafe uy tín tại TPHCM hoặc Day hoc pha che cafe uy tin tai TPHCM