21 thg 2, 2012

Chữa bệnh tổ đỉa ở tay, chân, đông y chữa bệnh tổ đỉa

Chữa bệnh tổ đỉa ở tay, chân

1. Đồng bào Mường có kinh nghiệm lấy 1 nắm thật to lá lốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống làm một lần. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi vớt bã để riêng. Khi nước âm ấm thì dùng rửa sạch tổ đỉa. Lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5 - 7 ngày là khỏi.

2. Lá ớt 1 nắm, mẻ chua 15 gr. Hai thứ giã nát, đắp vào nơi bị tổ đỉa băng qua đêm.

Buổi sáng lấy một trong các thứ lá sau đây đun nước rửa:
- Chua me đất, lá khế chua mỗi thứ một nắm hoặc:
- Lá cây Bạch đồng nữ( cây mò hoa trắng) một nắm hoặc
- Lá Kinh giới, lá cây Húng giổi( Húng quế, Húng chó) mỗi thứ một nắm.

Sử dụng bài thuốc uống sau đây để giải độc, chống dị ứng rất tốt:
    Kim ngân hoa 30 gram, Ké đầu ngựa 15 gr, Thổ phục linh 20 gr, Liên kiều 15 gr, Huyền sâm 20 gr, Sinh địa 20 gr, Cam thảo 5 gr. Tất cả đổ vào nồi cho 1,5 lít nước,  đun sôi kỹ, uống thay nước hàng ngày.

    Đây là những bài thuốc kinh nghiệm, đơn giản,dễ kiếm đã sử dụng hiệu quả trong nhiều năm qua.

Chú ý: khi chữa bệnh không ăn các thức ăn:
- Thịt gà
- Tôm
- Cua
Vương Văn Liêu


Đông y và cách chữa bệnh tổ đỉa

Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG HỮU HẢO

Tổ đỉa là một bệnh khá phổ biến, đặc biệt hay gặp ở những vùng bị ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, làng nghề, do rác thải (công nghiệp và sinh hoạt), do hóa chất bảo vệ thực vật… Bệnh thường thấy ở những người mà nghề nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với dầu mỡ (công nhân cơ khí, thợ sửa xe…), với hóa chất công nghiệp, rác thải (công nhân vệ sinh, phân loại rác, bới rác…), với hóa chất bảo vệ thực vật như người trồng rau vùng ngoại thành các thành phố lớn, đặc biệt là những người trồng rau nước (rau muống, rau cần…) ở gần các vùng mà nước thải thành phố chảy qua.

Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh

Cơ địa dị ứng, sự tác động của yếu tố môi trường tiếp xúc như đã kể trên chỉ là yếu tố thuận lợi trực tiếp gây bệnh. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là các mụn nước nhỏ sờ chắc ở bàn tay, bàn chân. Các mụn nước này thường xuất hiện ở mé bên các ngón tay, mặt sau ngón tay, lòng bàn tay; Mặt bên, mặt trên và mặt dưới các ngón chân, lòng bàn chân. Các mụn nước không tự vỡ mà thường xẹp đi, sau đó bong vảy, nếu khêu ra sẽ thấy một ít nước sánh chảy ra. Kèm theo mụn nước là ngứa, có thể ngứa nhiều hoặc ít tùy từng người.
Các tổn thương không bao giờ lan lên quá cổ tay, cổ chân người bệnh. Bệnh thường phát, tái phát hoặc nặng lên về mùa xuân và mùa hè. Khi ngứa, bệnh nhân gãi thường làm vỡ các mụn nước, nếu vệ sinh không tốt sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng tạo thành các nốt mụn mủ, có thể gây ra các bọc mủ nếu nhiễm trùng lan rộng.
Đông y gọi bệnh này là nga trưởng phong nếu bệnh ở bàn tay, là thấp cước khí nếu bệnh ở bàn chân. Nguyên nhân do phong - thấp - nhiệt kết hợp với nhau gây bệnh.

Cách điều trị

Để chữa bệnh, ta có thể áp dụng các phương pháp sau:
1. Dùng một nắm nhỏ lá đào tươi (50g) rửa sạch, giã nhỏ đắp vào tổn thương, sau 30 phút tháo ra để thoáng, ngày đắp 2 lần.
2. Khoảng 100g lá móng tay rửa sạch, sắc trong 1 lít nước, ngâm tay chân bị bệnh trong 15-20 phút, ngày ngâm 2 lần.
3. Nếu ngứa nhiều nhưng không có hiện tượng nhiễm trùng, dùng bột đại hoàng (khoảng 15g gói trong vải mỏng, sạch) tẩm với rượu trắng xoa lên nơi ngứa.
4. Xông khói thương truật: Cho vài miếng thương truật lên bếp than hoa đang cháy nỏ, khi khói thuốc bốc lên, hơ vùng tổn thương trên khói thuốc.
5. Ké đầu ngựa 20g, hy thiêm thảo 20g sao khô, sắc nước uống hàng ngày.
6. Thang thanh nhiệt tiêu viêm: Huyền sâm 30g, liên kiều, thiên hoa phấn đều 16g; Đơn bì, xích thược, mạch môn, ngưu tất, núc nác, hoàng đằng, chi tử, mộc thông đều 12g, cam thảo dây hay cỏ ngọt 8g. Sắc uống ngày 1 thang
Thực tế có thể kết hợp các phương pháp trên trong cùng thời gian điều trị.

Cách phòng bệnh đơn giản

Để phòng bệnh phát sinh hoặc tái phát, nên mang găng tay cao su khi tiếp xúc với các chất kích thích, bụi bẩn, nước bẩn. Giữ bàn chân khô ráo, thoáng mát nhất là về mùa nóng, đặc biệt là khe giữa các ngón chân.
 

Không có nhận xét nào: