Phèn đen còn gọi là tạo phàn diệp, co ranh (Thái), mạy tẻng đăm (Tày), chè nộc. Tên khoa học: Phyllanthus recticulatus Poir., họ thầu dầu (Euphorbiaceae). |
|
Cây mọc tự nhiên ở bờ bụi, ven đường, ven rừng. Là loài cổ nhiệt đới nên có phân bố rất rộng, vùng Đông Nam Á, Nam Trung Quốc và Tây, Nam Phi…
Bộ phận dùng làm thuốc: rễ và lá. Rễ thu hái vào mùa thu, lá thu hái vào mùa xuân, hạ.
Theo Đông y, phèn đen vị đắng chát, tính mát; có tác dụng làm se, giảm đau, sát khuẩn, giải độc. Chủ trị: Làm thuốc cầm máu, chữa đậu mùa, chữa viêm cầu thận, chữa lỵ tiêu chảy.
Phèn đen được dùng làm thuốc chữa:
- Chữa lỵ cấp tính: rễ phèn đen 20g, dây mơ lông 20g, rễ seo gà 20g, rễ cỏ tranh 20g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày uống 1 thang (Nam dược thần hiệu).
Rễ phèn đen 20g, rễ seo gà 20g, vỏ rụt 10g. Tất cả sao đen, sắc đặc. Ngày uống 1 thang.
- Chữa lỵ, tiêu chảy: rễ phèn đen 20g, vỏ quả lựu 20g. Rễ phèn đen sao vàng hạ thổ, vỏ quả lựu sao vàng. Sắc chia uống 2 lần trong ngày. Thời gian điều trị 3 - 7 ngày.
- Chữa đòn đánh ứ máu: lá phèn đen tươi 40g, giã nát, thêm 1 chén rượu, ép vắt lấy nước cho uống.
- Chữa nhọt độc mới phát: lá phèn đen tươi, củ chuối tiêu; giã nát đắp chỗ đau.
- Chữa rắn độc cắn: lá phèn đen tươi nhai nuốt nước, bã đắp vào chỗ rắn cắn đã nặn bớt máu độc.
- Thuốc cầm máu dùng tại chỗ: lá phèn đen 300g, cành lá non cây sim 500g, ngũ bội tử 100g, xạ can 50g. Sắc với nước, cô thành cao đặc tỷ lệ 1:1. Làm thuốc cầm máu khi cắt amidan, đứt chân tay và các vết xước nhỏ có chảy máu. Nên đóng chai và hấp tiệt khuẩn trong 30 phút.
Cây phèn đen được người dân Lào, Campuchia dùng chữa đậu mùa, giang mai; ở Philippines dùng làm thuốc lợi tiểu, lọc máu, làm mát, chữa đau răng, nước sắc chữa lỵ và chữa hen; ở Malaysia dùng nước sắc trị viêm họng; ở Nam Phi dùng bột lá khô rắc lên vết thương giúp mau lành...
(Theo SK&ĐS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét