THẦN DƯỢC CỨU MỆNH
( Bài đăng trên báo Long An - thứ năm từ 21-4 đến 24-4 1997,
năm thứ 34, số 29/97 (1509)
( Bài đăng trên báo Long An - thứ năm từ 21-4 đến 24-4 1997,
năm thứ 34, số 29/97 (1509)
LTS: Ông Nguyễn An Định, cộng tác viên của Báo Long An, hiện nghỉ hưu tại TP.HCM. Với tấm lòng thiết tha với vốn quý y học cổ truyền, lại thêm mối cảm tình với nghề y trong gia tộc (ông là trưởng nam của nhà ái quốc Nguyễn An Ninh), từng có lúc hành nghề y dược. Vừa qua ông có bài viết sau đây; chúng tôi xin giới thiệu, như một tư liệu để bạn đọc tham khảo. Tác giả và tòa soạn báo rất mong nhận được ý kiến đánh giá của các nhà chuyên môn về nội dung y dược học nêu trong bài viết.
THẦN DƯỢC CỨU MỆNH 1
Có quyển sách thuốc Nam, in đầu thế kỷ 20 mang tên "Thần dược cứu mệnh", giới thiệu một bài thuốc thần "cứu người sau bốn khắc". Trong quyển "Hai trăm bài thuốc quý" của ông Lê Văn Tĩnh, Sa Đéc, in khoảng năm 1940, cũng có một bài giống y như vậy, đề là "chủ trị lâm ban, ôn dịch và các bệnh nan y, công hiệu như thần, bệnh lui sau 60 phút".
Quyển "Thần dược cứu mệnh" mở đầu bằng câu "Con người dẫm lên thuốc thần mà không biết, nên vẫn chết". Vị thuốc thần đó chính là vị thuốc có tên "Địa long" - con rồng trong đất. Ở Trung Quốc và Việt Nam, vị Địa long có mặt trong nhiều thang thuốc trị bệnh hiểm nghèo hoặc để cấp cứu người sắp chết. Nhân dân Hàn Quốc có thói quen ăn cháo Địa long trứơc khi ngủ, để tẩm bổ và để trị bá bệnh. Đêm đêm, cháo Địa long có bán tại các thị trấn và ngay cả ở thủ đô. Gần đây trong thời gian Thế vận hội Olempic Seoul, vì ngại người nước ngoài không hiểu vị thuốc quý mà coi thường nhân dân Nam Hàn, nên Chính phủ đã cấm bán cháo Đia long trong thời gian Thế vận hội. Vậy "Địa long" là gì? Nó chính là con trùn đất, loại có màu sẫm đen, ánh xanh ở cổ, to bằng đầu đũa hoặc to hơn, khi đào trúng nó, nó không giãy giụa, co thành một nùi tròn nằm im.
"Thần dược cứu mệnh" phân tích tính dược của trùn đất, cho rằng nó có khả năng: làm dai mạch máu và dây thần kinh, nối liền các chỗ dây thần kinh bị dứt, các mạch mạu bị nứt rách, hồi phục sự sống cho các tế bào đã bị hoại tử, tách ra và đào thải các tế bào đã chết thối, hết phương phục hồi, vực dậy vô cùng nhanh chóng sức chống trả bệnh tật của con người ( ngày nay gọi là vực dậy sức miễn dịch của cơ thể). Cho nên, chỉ sau sáu mươi phút bệnh phải lui, mọi hiện tượng lâm sàng đều biến mất. Do đó Địa long được dùng và công hiệu rất nhanh chóng trong các trường hợp: cửu khiếu xuất huyết, não bộ xuất huyết, ngũ tạng, lục phủ xuất huyết, phù thận, phù gan, phù toàn thân, phù tim, đột ngột phát điên không rõ nguyên do có sốt hoặc không có sốt, bí đại tiểu tiện, bí trung tiện, bụng báng trướng nước, "mắc đằng dưới" (bạch đới nặng, ngày đêm đáy quần ướt sũng hôi hám, người ốm tong, xanh xao...)
Ở hai quyển sách, hai bài thuốc giống nhau, có một nét đặc biệt nổi bật "bênh lui sáu mươi phút sau khi uống thuốc", mà lại chuyên trị những ca rất khó trị. Ví vậy nói "thần dược cứu mệnh" thật không ngoa chút nào.
Lúc nhỏ tôi rất mê nganh y dược. Các sách chữ Pháp dành cho các y bác sĩ nghiên cứu kỹ về nhi khoa, sản khoa, đa khoa, giải phẫu... đọc rất khó hiểu và rất đắt tiền, tôi cũng ráng mua để nghiên cứu. Hai quyển sách thuốc : "thần dược cứu mệnh" và "200 bài thuốc quý" tôi coi như vàng ngọc. Đi kháng chiến, hai quyển đó nằm dưới đáy ba lô tôi, theo tôi suốt chín năm, giúp tôi trị bệnh cứu người. Chỉ riêng năm 1953 và nửa đầu năm 1954, tôi đã cứu gần trăm người, coi như giật lại từ tay thần chết.
Trong cuộc giành giật đó, có lần tôi đã chạm trán cả với một vị danh y, mà trước đó các nhà điền chủ lớn ở Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu thường đưa xe hơi hoặc ghe máy đến tận nhà để rước ông. Năm đó ở vùng Giáp bốn tỉnh này có một đợt dịch bệnh, phần lớn là các cháu nhỏ từ 9 -10 tuổi đến 15 -17 tuổi, đa số là gái, các cháu trai và người lớn ít bị hơn. Hiện tượng là xuất huyết nội tạng, xuất huyết cửu khiếu, xuất huyết dưới da (nổi vệt đỏ bầm tím, xanh đen khắp người) hôn mê bất tỉnh nằm im như xác chết suốt bảy ngày, có khi lâu hơn, mạch đã lạc không bắt được, hơi thở rật yếu khó nhận thấy, da tái xanh, tay chân lạnh ngắt (nhưng vẫn còn mềm dịu, nếu cứng đơ thì đã bị đem chôn rồi)
Lần đó cháu gái hôn mê đã 8 ngày, mình đầy các vệt tím. Gia đình đã rước được vị danh y nổi tiếng nói trên, nhưng ông đến xong lại từ chối không trị bệnh cho cháu, chỉ vì trong số 30-40 vệt bầm đen trên da cháu, có một vệt đen kịt to bằng đầu ngón tay, nằm đúng giữa hai đầu lông mày. Ông cho đó là điềm báo không thể cứu sống. Sợ mất uy tín thầy, nên ông không hốt thuốc.
Tình cờ tôi đến, thấy má cháu đang quỳ lạy van xin ông cứu cháu, mà ông một mực chối từ. Nghe mạch tại tim, thấy còn tiếng thoi thóp rất yếu, tôi nói:
- Thưa thầy, thầy quyết bỏ, thì con xin phép thầy cho con cứu cháu.
- Em mà cứu được hả? Có thấy vệt đen ngay huyệt Tam tinh không mà em liều mạng vậy? Tôi hỏi em, sau khi em đổ thuốc thì bao lâu cháu tỉnh lại? Em nói được, tôi sẽ để cho em đổ thuốc.
- Thưa thầy bài thuốc của con, cháu uống xong chỉ độ 63-65 phút sau cháu sẽ mở mắt.
Thầy trợn tròn mắt, đỏ mặt tía tai, lườm tôi rồi quát:
- Chủ nhà đâu, đem cho tôi cái đồng hồ bàn.
Ông dằn mạnh đồng hồ lên bàn, nói:
- Được rồi! Có đồng hồ đó. Tôi ở lại coi cháu nhỏ tỉnh dậy.
Có kinh nghiệm cả trăm lần rồi, tôi rất tin ở bài thuốc. Tôi đi nấu rồi cạy răng đổ cho cháu uống. Quả nhiên tới phút 63 cháu mở mắt, đến phút thư 65 cháu đòi đỡ ngồi dậy, đòi uống nước ăn cháo, đòi cho đi tiêu tiểu. Tiếng cháu rất yếu, hai mắt cháu toàn tròng trắng, không thấy tí tròng đen nào. Nhưng tay chân cháu đã ấm, da hết tái xanh. Rõ ràng cháu đã sống lại.
Ông thầy thuốc với hai tay lên đầu, lột khăn đóng xuống chắp tay trước ngực nói:
- Lúc nãy em kêu tôi bằng thầy, bây giờ tôi phải lạy em ba lạy mà kêu em bằng thầy. Xin thầy thông cảm cho, vì thầy trẻ quá, nhỏ hơn con tôi nhiều, do đó tôi không quỳ lạy sợ tổn thọ cho thầy. Tôi chỉ xin xá đủ ba xá thay cho ba lạy.
Nói xong ông trịnh trọng xá tôi ba xá, đầu cúi sâu thật nghiêm túc. Sau đó ông xin tôi bài thuốc.
Năm đó, ngoài các hiện tượng hôn mê sâu nhiều ngày, xuật huyết dưới da, xuất huyết cửu khiếu, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, còn có nhiều ca bệnh khác. Bà nọ phát điên đã 4-5 ngày. Phải vất vả lắm mới đổ được thuốc. Cũng hơn 60 phút bà khỏi hẳn. Ông kia hơn 90 tuổi, cảm gió nằm im sùi bọt mép, mắt trật thị, tay chân lạnh ngắt. Lấy móc tai đâm dưới móng mười ngón tay mút không ra tí máu, máu đã đông. Khi tôi cạy răng đổ thuốc, còn có người nhà nói sau lưng tôi:
- Thuốc hay thì trị được bệnh, chứ cãi làm sao được mệnh của trời. Ông đã trên chín mươi tuổi còn gì. Cứu sao được mà cứu?
Vậy mà sau khi đổ thuốc 65 phút, ông vẫn sống, cãi cả mệnh trời thật!
THẦN DƯỢC CỨU MỆNH 2
Cuối năm 1969, ở Hà Nội có đợt dịch bệnh gọi là sốt xuất huyết, được xác định xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta. Các cháu nhỏ chết la liệt, tại bệnh viện lớn có ngày 15-17 cháu chết. Nghe nói có dịch bệnh gây chết tràn lan, tôi đến các bệnh viện xem. Thấy các dạng bệnh giống y như tôi đã từng gặp, tôi viết ngay một bài, nói rõ về bệnh và phổ biến bài thuốc "Thần dược cứu mệnh", gởi lên Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Bác gởi phổ biến đi các tỉnh, đồng thời gởi đăng ngay trên báo "Hà Nội mới". Trong bài viết của tôi có câu:
"Đề nghị dùng thuốc này cho các ca bệnh nặng nhất. Bảo đảm 100% sẽ không có tử vong". Bác sĩ Hưởng đã xóa bỏ đoạn "... Bảo đảm 100%...". Đọc báo thấy mất đoạn đó, tôi chạy ngay đến nhà bác Bộ trưởng. Tôi nói:
- Thưa bác, bác bỏ mất đoạn quan trọng nhất trong bài của cháu. Vì cháu nghĩ, vị chủ của bài thuốc nầy là con trùn, nên nó dễ gây ngại dùng. Bắt con trùn còn gớm, làm thuốc càng ớn hơn, vì vậy để câu đó, người ta tin chắc chắn nó sẽ cứu sống người bệnh, do đó người ta ráng không gớm, ráng bằng mọi giá làm thuốc để cứu bệnh nhân.
Bác Hưởng nói:
- Giả dụ người bệnh đến giờ phải chết, 5-10 phút nữa sẽ chết, mà thuốc của cháu lại cần đến 60 phút mới cứu sống. Vậy làm sao bảo đảm 100% được? Thận trọng vẫn hơn cháu à. Trong ngành y không nên nói câu đó.
- Thưa bác, nhưng kinh nghiệm thực tế của cháu đã cho thấy rõ, thuốc có uống khỏi cổ là đã chắc sẽ sống rồi.
Bác Hưởng không bằng lòng nên nói:
- Tôi nhắc lại, ngành y không cho phép nói bảo đảm cứu sống 100%.
Bác cháu tôi tranh luận như vậy. Nhưng vài tháng sau, đến Hội nghị tổng kết dịch sốt xuất huyết toàn miền Bắc, do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, tôi nhận được thư mời của đồng chí Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Trong giấy mời đồng chí viết:
- Trong cuộc chống dịch sốt xuất huyết vừa qua, Bộ có sử dụng bốn bài thuốc Nam do nhân dân đóng góp. Nói chung, thuốc Nam trị bệnh này đạt hiệu quả rõ ràng và nhanh chóng hơn Tây y. Tuy nhiên, trong các bệnh nhân dùng ba bài thuốc kia, vẫn có những ca tử vong. Duy chỉ có bài "trùn đất" của đồng chí là cứu sống 100%, không có ca tử vong nào. Mặc dù bài thuốc đó đã dùng cho tất cả các bệnh nhân nặng nhất. Vì vậy, mời đồng chí dự hội nghị tổng kết. Đặc biệt mời đồng chí báo cáo với hội nghị một số vấn đề mà chúng tôi muốn biết. Ví dụ: tại sao đồng chí biết dùng năng lượng của dòng điện 12 von để gọi thức thần kinh trung ương của bệnh nhân hôn mê sâu. Mà lại nói được: sau khi nạp điện lần thứ năm thì bệnh nhân tỉnh dậy?
- Còn một số vấn đề khác, chúng tôi cũng xin đồng chí cho biết rõ hơn. Ví dụ vấn đề 63-65 phút, có trường hợp nào khác đi, kéo dài hơn không? Ngoài bệnh sốt xuất huyết, thuốc còn trị được các bệnh nào khác?
Cuộc họp đó có khoảng hơn 200 người đến dự, gồm Hội đồng Kỹ thuật của Bộ, các giám đốc bệnh viện quận và huyện ngoại thành, các lương y và sư sãi tham gia trị bệnh cứu người. Báo cáo của tôi trả lời các câu hỏi của đồng chí giám đốc sở cùng nhiều câu hỏi khác, đã được hội nghị vỗ tay hoan hô hồi lâu.
Sau hôi nghị đó, bác Hưởng mời tôi tới nhà bác và gợi ý:
- Tôi muốn đề nghị với Bộ Văn hóa biệt phái cháu về Viện Đông y trong thời gian 3-5 năm. Ỡ Viện, tôi sẽ cử cháu phụ trách một tổ nghiên cứu gồm nhiều phó tiến sĩ y dược. Cháu cùng các vị đó sẽ bào chế, biến bài thuốc của cháu thành thuốc chai để uống, sau đó tiến tới biến thuốc thành dạng nước trong cho vào ampoule để chích. Chế được thuốc tiêm, ta sẽ đưa đi điều trị cho bảy - tám chục bệnh nhân. Nếu thời gian chấm dứt các hiện tượng làm sáng tỏ vấn đề là 63-65 phút như thuốc thang, coi như ta thành công. Chừng đó bác sẽ cho sản xuất đại trà, bán rộng ra nước ngoài. Bác sẽ để tên thuốc là AV, ngầm hiểu là antivirus. Vì hiện nay trên thế giới người ta cho là "chưa có thuốc đặc hiệu trị siêu vi trùng", cho nên ta chưa dám đề rõ nguyên chữ antivirus. Khi nào thiên hạ dùng nhiều và xác định thuốc này diệt siêu vi trùng rất có kết quả, lúc đó tự họ sẽ cho thuốc của ta là antivirus.
Hồi đó tôi mới lấy xong bằng đại hoc nghệ thuật từ nước ngoài, mới về nước, nên còn mê công tác văn học nghệ thuật. Chưa biết say mê ngành y, cho nên đã từ chối lời mời của bác Bộ trưởng Bô Y tế, kiêm Viện trưởng Viện Đông y. Tôi nói:
- Thưa bác, cháu làm tổ trưởng tổ nghiên cứu thì làm sao các vị phó tiến sĩ y dược nghe theo lời cháu. Đã lập một tổ chức gồm toàn các vị có chuyên môn cao, sao bác không ra lệnh cho các vị chịu trách nhiệm bào chế cho thành công? Làm như vậy có phải tốt hơn không?
- Cháu ơi, vấn đề phức tạp lắm. Phải nói thật, mặc dù Đảng bảo phải coi trọng Đông y, nhưng những người có học vị cao, đã có mấy người thật sự tin tưởng Đông y! Hơn nữa, bài thuốc của cháu gồm bốn vị, thì con trùn đất dễ bị người ta gớm. Còn ba vị kia: đậu đen, đậu xanh, rau bù ngót, rất dễ làm cho người ta coi thường. Do hai đặc điểm đó nên bài thuốc của cháu có thể khiến người ta thiếu quyết tâm nghiên cứu thật đến nơi đến chốn. Chỉ có cháu, người đã có kinh nghiệm thực tế, đã từng cứu sống hàng trăm người, giành giật họ lại từ tay thần chết, thì cháu mới có đủ quyết tâm và lòng tin, để đưa cuộc nghiên cứu đến thành công. Bác tin cháu, cử cháu làm, bác phải có trách nhiệm theo dõi sát và buộc mọi người phải làm đúng theo lời cháu. Với bài thuốc đó, bác tin là thời gian hoàn thành công trình sẽ rất ngắn. Bởi vì, đặc điểm 65 phút của nó rất đặc biệt. Nó xác định xác bước nghiên cứu của ta bằng cách xem giờ. Bác tin rằng có thể chỉ một năm, ta sẽ hoàn thành công trình này.
Bác Bộ trưởng rất tin ở bài thuốc, tin ở tôi, từng lời bác mang nhiều ý nghĩa khích lệ, động viên tôi dũng cảm nhận trách nhiệm lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn ngại, cái lo ngại tự nhiên của một người mặc dù có kinh nghiệm thực tế không phải ít, có đọc sách trình độ cao, nhưng chưa được học có hệ thống lý luận nghiệp vụ chính quy trường lớp.
THẦN DƯỢC CỨU MỆNH 3
Tôi định chép hết cả bài báo của Ông Định, nhưng thấy một số bạn muốn biết ngay bài thuốc nên tôi chép luôn phần 4 của bài báo. Trong khi chép lại, thấy có một số chỗ hơi gợn về từ ngữ, nhưng tôi trung thành chép nguyên không thay đổi theo ý mình hiểu, sợ bản thân chưa nắm hết sẽ hiểu sai ý tác giả. KT
Bỏ mất cơ hội đó, tôi cứ tiếc mãi. Suốt 27 năm qua, cứ mỗi lần đọc báo, xem đài, nghe thấy tin dịch bệnh vẫn hoành hành, các cháu vẫn chết. Vào bệnh viện thấy các cháu nhỏ hôn mê sâu, nằm im như xác chết xanh lè, là tôi không sao cầm được nước mắt. Có lần đang ăn cơm mà tôi phải buông đũa rồi khóc nức nở như trẻ nhỏ. Một lần, kiềm không được lòng mình, tôi đã la lên: Trời ơi! Thuốc đây! Có thuốc đây, tại sao các cháu vẫn chết, hỡi trời?
Gần 30 năm đã trôi qua, mà tôi cứ tự trách mình, tự dằn vặt mãi. Cứ mãi cho rằng do tôi, năm đó tôi đã thiếu trách nhiệm, đã thiếu dũng cảm mà nên. Khổ nỗi ở nước ta, nhiều người vẫn còn gớm con trùn cho nên bài thuốc vẫn không được dùng rộng rãi?
Cuối cùng tôi quyết phải cố gắng viết, đưa vấn đề này lên mặt báo, để bài "Thần dược cứu mệnh" đến tận tay đồng bào, nhất là bà con ở các vùng xa xôi hẻo lánh, đường đi tới bệnh viện có khó khăn, người ta buộc lòng phải tự làm để cứu mạng người thân. Nếu có hàng trăm, hàng ngàn người được cứu sống, thì bài thuốc này sẽ được khẳng định.
Hoặc giả, trong cả triệu nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu sẽ có những người tin tưởng nó, dùng nó để trị bệnh, dùng nó để chế thuốc tiêm, tiện dùng hơn, hiệu quả hơn.
Nếu thật sự có những vị như thế, trong nước như ngoài nước thì khi các vị cần tôi hợp tác, tôi sẽ luôn luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu.
Bài thuốc gồm 3 vị : Trùn đất, đậu đen, bù ngót. Trong quá trình trị bệnh cứu người, tôi có gia thêm vị thứ tư là đậu xanh. Vì tôi nghĩ: đào trùn có khi ở gốc chuối, có thể có những chai lọ hóa chất, hoặc trùn đào tại các cây có độc như xương rồng, sầu đâu, chùm ruột, ít nhiều bị nhiễm độc, sẽ có đậu xanh giải độc.
Từ khi tôi thêm vị đậu xanh, năm 1954 đến nay, thuốc vẫn đẩy lùi bệnh sau 65 phút, y như thang gốc. Nghĩa là hầu hết các trường hợp cứu bệnh tôi kể trên, thuốc đều có 4 vị, tức có thêm đậu xanh.
Bài thuốc như sau:
1/Địa long 50g mỗi thang, tương đương 50 con trùn tươi(Xin mách : ở khu chợ thuốc bắc, đường Hải Thượng Lãn Ông Chơ Lớn lúc nào cũng sẵn, muốn mua cả tạ cũng có ). Nếu không có điều kiện mua Địa Long thì đào trùn tươi (loại màu sẫm rất dai, đào trúng nó, nó không giãy co lại thành 1 núi tròn). 50 con cho liều người lớn hoặc từ 15-16 tuổi trở lên. 30 con cho trẻ từ 5-6 tuổi đến 13-14 tuổi. 20 con cho trẻ từ 1-2 tháng tuổi đến 5-6 tuổi.
2/ Đậu đen, đậu xanh mỗi thứ 100g (sách cổ ghi: 1 bụm to).
3/ Rau bù ngot bằng 2-3 mớ bán ở chợ, khoảng 200-300g, băm nhỏ cả cọng và lá.
Trùn rọc ra, rủa sạch sao thơm giòn, giã nhỏ. Đậu và rau sao thơm, tất cả cho vào siêu hoặc nồi đất hay nồi nhôm gang đều được. Cho vào 4 chén nước, sắc còn 1/2 hoặc 1/3 chén cho người bất tỉnh, phải cạy răng đổ. Thuốc nầy uống 1 thang cũng thấy hết bệnh, nhưng tôi thường cho uống 3 thang trong 3 ngày (tối nước nhất, sáng nước nhì). Hai thang sau để trừ căn và triệt các di chứng (như tai biến mạch máu não có thể di chứng câm, què quặt tay chân, hư mặt, tai ... sốt xuất huyết dễ hư tim, óc ... ) cho nên khi uống thang thứ 2, thứ 3, bệnh nhân đã tỉnh táo. Thuốc có thể pha đường cho dễ uống. Bù ngót sao thật khô giòn, thuốc sẽ có vị thuốc bắc. Bù ngót để tươi sắc không sao, nước thuốc giống chè đậu đen pha đường uống rất ngon.
Thuốc nầy bệnh càng nặng càng thấy rõ hiệu quả 65 phút. Bệnh nhẹ ít thấy rõ kết quả 65 phút, nhưng bệnh vẫn lui. Ở Đại Hàn (Nam Triều Tiên) là xứ sở nhân sâm Caoly, mà người ta còn tẩm bổ bằng cháo trùn. Ở nước ta các dân tộc miền núi phía Bắc trị bụng báng trướng nước bằng cách : trùn băm nhỏ để tươi, trộn với sữa, cứ để thế múc nuốt. Triều Tiên thì cháo trùn là món ăn ngon (đặc sản) chứ không chỉ là món thuốc vừa tẩm bổ vừa trị bá bệnh. Trùn băm nhuyễn, xào thơm, nấu với đậu. Vì quý chất bổ và chất trị bá bệnh của con trùn nên người ta đâu có gớm nó. Huống hồ khi cần trị bệnh nan y hoặc giành giật mạng sống từ tay thần chết, thì có gì mà gớm? Mong rằng đồng bào và các cơ sở y tế hãy mạnh dạn dùng nó trong các bệnh siêu vi trùng, kể cả sida.
Nhân đây tôi xin nói rõ thêm hội nghị tổng kết chống bệnh sốt xuất huyết đợt 1 họp năm 1970. Thông tin nầy được đưa ra toàn thế giới. Nước Nhật nghiên cứu, ứng dụng điều trị. Đến năm 1972, đọc trên tạp chí Đông y của Việt Nam (in bằng khổ quyển Kiến thức ngày nay) tôi thấy có dịch và in lại những bài trong tạp chí Đông y Nhật Bản. Họ hết lời ca ngợi "bài thuốc con trùn của Việt Nam", dùng trị siêu vi trùng rất có hiệu quả. Có lẽ do công bố đó của Nhật mà sanh ra món cháo trùn ở Đại Hàn chăng? Tôi còn nghe một người từ Mỹ về nói bên đó người ta làm thuốc bằng trùn và đậu đen. Điều đó không rõ thực hư thế nào. Nhưng điều chắc chắn là Liên hiệp quốc, trong mấy năm trước đây, có chủ trương: "Tìm về cội nguồn các dân tộc kém phát triển, để học cách trị bệnh bằng cỏ cây và côn trùng". Do đó, ta thường thấy trên tivi và báo chí các cách trị bệnh kỳ lạ của dân da đen, da đỏ.
Càng nghĩ tới các điều đó, tôi càng thấy đau lòng, nhớ lại đề nghị của bác Ba Hưởng muốn tôi bào chế toa thuốc thành thuốc tiêm. Đúng là "không sao kéo lùi lại thời gian đã qua". Nhưng việc bào chế thuốc đó thành thuốc chai (để thêm acid benzoide bột) hoặc chưng cất nó như cất rượu, dù có trễ gần 30 năm, nhưng lúc nào bắt đầu, nó vẫn là việc mới, việc hết sức cần thiết.
Tôi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn muốn đóng góp. Các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện hoặc bệnh nhân cần tôi, tôi vẫn sẵn sàng phục vụ. Ngoài toa "Thần dược cứu mệnh", tôi còn trong tay nhiều bài thuốc quý khác. Ví dụ: bó xương gãy, kể cả xương sống dập nát và xương đòn gánh gãy lìa, chỉ cần thời gian 15 ngày. Bản thân tôi bị dập nát 2 đốt xương sống, quân y Quân khu 9 bó tay, báo tử về đơn vị, nhưng tôi nay vẫn sống mà không tật nguyền, vẫn tập tạ 50kg và đánh quần vợt khi tôi trên 40 tuổi, đang ở nước ngoài có độ lạnh âm 20 độ. Lúc trị lành 2 đốt xương sống không có kẹp nẹp bó bột gì hết. Chỉ nằm sấp dội thuốc nóng vào lưng suốt 15 ngày đêm. Sang ngày thứ 16 tôi ngồi dậy và đi ra đồng cả trăm mét. Nếu tôi có dịp, tôi sẽ lần lượt giới thiệu nhiều bài thuốc quý trên báo để phục vụ bạn đọc.
Dưới đây, tôi cũng xin ghi rõ địa chỉ và số điện thoại của mình, để bạn đọc tiện liên hệ trao đổi thêm về nội dung bài viết. NGUYỄN AN ĐỊNH, (40/10 Hậu Lân-Bà Điểm-Hóc Môn-TPHCM) - ĐT 8914379.
(sưu tầm)_______________________
2 nhận xét:
Cảm ơn vì những chia sẻ của bạn rất hữu ích. Nhưng cho mình hỏi có phải An Cung Ngưu Hoàng Hoàn Đồng Nhân Đường Bắc Kinh là thuốc cấp cứu tai biến phải không?
Cảm ơn bạn. Đúng là ACNH là thuốc cấp cứu tai biến, đột quỵ. Nhưng khi dùng bạn phải thảm khảo ý kiến Lương y. Vì cần chú ý một số trường hợp không sử dụng ACNH:
khi sử dụng ACNHH ít nhất cần chú ý đến bốn vấn đề sau:
1. Chống chỉ định 1: Hôn mê kèm theo các triệu chứng: Mặt trắng bệch, môi tái nhợt, nằm yên bất động, rêu lưỡi trắng nhớt, tay xòe, chân tay lạnh, mồ hôi trán dính như dầu, chất lưỡi trắng nhớt, ... đó là “hàn bế”; không được uống ACNHH mà cần dùng loại thuốc có tính năng “ôn khai”, như “Tô hợp hương hoàn” . ACNHH là bài thuốc được lập ra để chữa trường hợp hôn mê do “nhiệt bế”, nếu sử dụng đối với “hàn bế” sẽ khiến cho bệnh càng thêm trầm trọng..
2- Chống chỉ định 2: Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện triệu chứng sợ rét, chân tay lạnh, sắc diện trắng nhợt, vã mồ hôi lạnh, mạch đập yếu, ... , cần lập tức ngừng sử dụng. Đó là hiện tượng Đông y gọi là từ “bế chứng” chuyển sang “thoát chứng”.
3. Đối với phụ nữ mang thai: Trong thành phần của ACNHH có xạ hương và ngưu hoàng là những vị thuốc dễ gây trụy thai. Do đó, phụ nữ đang mang thai cần rất thận trọng khi sử dụng.
4. Không sử dụng quá liều: Trong thành phần của ACNHH có chu sa và hùng hoàng là hai vị thuốc có tính độc. Chu sa có thành phần chính là sunfua thuỷ ngân thiên nhiên (chứa thuỷ ngân (Hg) 86,2% và sunfua (S) 13,8%); Hùng hoàng có thành phần chủ yếu là asen sunfua (AsS) trong đó asen chiếm chừng 70,1%, sunfua 29%. Do đó không được sử dụng với liều cao hoặc sử dụng dài ngày ACNHH. Người chức năng gan thận không kiện toàn sử dụng càng cần thận trọng.
Lương y Hư Đan
Tri Thức Trẻ
Đăng nhận xét