8 thg 1, 2014

Nghiệp quả giữa cha mẹ và con cái - Chương 17

CHƯƠNG 17
NGHIỆP QUẢ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI


Trải qua nhiều thế kỷ, gia đình vẫn là một cấu trúc đặc biệt độc lập trong mọi xã hội, với vai trò gia trưởng của người cha, hay người mẹ theo phong tục ở một vài xứ Theo một quan niệm xưa kia, người ta xem con cái như là vật sở hữu của cha mẹ, vì chúng được sinh ra bởi sự mang nặng đẻ đau và hy sinh của người mẹ, được nuôi dưỡng bởi sự khó nhọc vất vả của người cha.

Về phương diện thể chất, những người làm cha và mẹ có một thể chất khỏe mạnh hơn, nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái; vì lẽ đó, đương nhiên họ giữ quyền quyết định mọi việc trong gia đình.

Nhưng về phương diện tâm linh thì chưa hẳn cha mẹ đã là tuyệt đối cao cả hơn con cái. Tất cả chúng sinh đều là những thực thể bình đẳng trong vũ trụ. Hơn nữa, về mặt tâm linh thì cha mẹ không có quyền sở hữu con cái, thậm chí cũng không được xem là những người tạo ra con cái. Sự ra đời của một con người là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, mà trong đó cha mẹ chỉ là những yếu tố biểu hiện rõ nét nhất. Ngoài ra còn có những yếu tố ẩn tàng nhưng không kém phần quan trọng, chẳng hạn như những điều kiện nhân duyên, nghiệp quả... dẫn đến sự ra đời trong kiếp sống này của một chúng sinh nào đó.

Vì thế, với một nhận thức toàn diện và chính xác hơn thì người ta không xem con cái là “thuộc quyền sở hữu” của cha mẹ. Nếu cha mẹ thực sự có giữ quyền quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến con cái, thì điều đó phải là xuất phát từ tình thương yêu vô bờ bến mà họ dành cho con cái, cũng như trách nhiệm thiêng liêng là mang lại cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả đứa con mà mình đã sinh ra.

Cho nên, những bậc cha mẹ mẫu mực thường không có một thái độ áp chế của kẻ bề trên hoặc ghét bỏ đối với con cái. Họ luôn giữ một thái độ bình thản ôn hòa đối với con cái, và đôi khi cũng cần thiết phải che giấu đi sự thương yêu nồng nhiệt trong lòng mình để sự giáo dục con cái được tốt đẹp hơn. Ngoài lòng thương yêu, họ còn nhận biết là mình có bổn phận phải nuôi dưỡng chăm nom con cái thật tốt, cũng như cha mẹ họ trước đây đã làm với họ.

Thái độ yêu thương và trân trọng đối với con cái thường chỉ có được khi các bậc cha mẹ luôn nhận thức được rằng, là “Tất cả chúng sinh đều bình đẳng như nhau.”

Những cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái không phải do sự ngẫu nhiên tình cờ. Những sợi dây liên hệ quan trọng này đã có sẵn từ những kiếp trước giữa người con với người mẹ hay người cha, thường là theo chiều hướng tốt đẹp, quyến luyến với nhau. Trong những trường hợp rất hiếm khi sự liên hệ này có chiều hướng rất xấu, chẳng hạn như một mối oan khiên nặng nề nào đó đã cuốn hút những chúng sinh này đến với nhau trong một gia đình để cùng nhau “thanh toán” món nợ cũ, thì tình trạng gia đình khi ấy sẽ trở thành một hoàn cảnh thích hợp để những nghiệp quả chín muồi sớm kết thành quả báo.

Những hồ sơ Cayce cho biết rằng duyên nghiệp của một đứa con đối với người cha có thể theo một chiều hướng khác với người mẹ, hoặc ngược lại. Điều này giải thích vì sao có những trường hợp mà con cái có khuynh hướng dửng dưng hoặc lạnh nhạt với người cha hoặc người mẹ, trong khi vẫn có được tình cảm tốt đẹp đối với người kia.

Những trường hợp dưới đây chỉ cho ta thấy một cách đặc biệt nhiều mối liên hệ khác nhau giữa cha mẹ và con cái. Hai mẹ con người kia có một tình mẫu tử rất khắn khít và họ đã từng có quan hệ mẹ con trong một kiếp trước. Hai cha con người kia cũng có một tình phụ tử nồng nàn và trong một kiếp trước họ đã là hai anh em trong một gia đình. Một người mẹ không hợp tính với con gái của bà và được biết là họ đã từng có nhiều hiềm khích với nhau trong kiếp trước. Giữa một người con gái kia với người mẹ của cô ấy chỉ có một sự dửng dưng lạnh nhạt và cuộc soi kiếp cho biết rằng kiếp trước hai người là chị em ruột nhưng lại có một mối bất hòa rất sâu sắc, thường xung đột cãi vả lẫn nhau và vẫn chưa bao giờ hòa thuận trở lại. Hai cha con người kia kiếp trước đã từng là hai vợ chồng. Một người mẹ và cô con gái thường xung đột lẫn nhau và được biết rằng trong kiếp trước họ từng là hai bạn gái cùng tranh nhau một người đàn ông. Trong hai mẹ con người kia, người con trai hay lấn át người mẹ và được biết là trong kiếp trước họ từng là hai cha con, với mối liên hệ gia đình trái ngược lại.

Những trường hợp đó chỉ ra rằng sự hấp dẫn của con cái đến với cha mẹ có thể do tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố đó phần nhiều đều không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Những hồ sơ Cayce giúp ta có được những tài liệu để suy gẫm, nhưng không có đầy đủ chi tiết để ta có thể diễn dịch ra thành những định luật hay nguyên tắc nhất định. Tuy nhiên, có vẻ như theo luật hấp dẫn trong tự nhiên thì những người đồng thanh khí và giống nhau về tâm tình, tánh chất thường có khuynh hướng đến gần nhau hơn, do đó rất dễ sinh ra trong cùng một gia đình. Nhưng đồng thời, do tác động của luật nhân quả, những kẻ thù oán nhau và có “nợ nần” với nhau cũng có khuynh hướng đến gần nhau. Điều này cũng tương tự như khi một người nuôi lòng oán hận ai đó thì lúc nào trong tâm trí anh ta cũng luôn lởn vởn hình bóng của người kia.

Một thí dụ điển hình là trường hợp đứa trẻ kia được ông Cayce soi kiếp khi mới lên năm tuổi. Cuộc soi kiếp cho biết những cá tính nổi bật của đứa trẻ này là thói ích kỷ, sự thờ ơ lãnh đạm với người khác và ngoan cố không chịu phục thiện khi có lỗi. Nhưng nó có những năng khiếu tiềm tàng của một nhà khảo cứu khoa học. Trong một kiếp trước, nó từng là một nhà nghiên cứu về khả năng sử dụng hơi nước để tạo ra năng lượng. Trong một kiếp trước đó, nó từng là một chuyên viên hóa học chế tạo các loại chất nổ; trong kiếp trước nữa nó là một chuyên viên ngành cơ khí; và đi lùi về quá khứ thêm một kiếp nữa, nó là một kỹ sư điện khí ở châu Atlantide. Bốn kiếp sống với sự hoạt động tích cực trong các ngành khoa học thực dụng đã làm cho đương sự phát triển những khả năng đặc biệt, nhưng lại quá thiên về giá trị của khoa học vật chất mà khinh rẻ giá trị của tình thương và sự hòa hợp nhất tâm linh giữa muôn loài. Bởi đó, nó sinh ra sẵn có một thái độ thản nhiên lạnh lùng đối với mọi người chung quanh.

Cuộc soi kiếp còn cho biết rằng đứa trẻ ấy sẽ thành công vẻ vang trong kiếp này nếu nó theo đuổi ngành kỹ thuật điện khí hay cơ khí. Lời tiên tri đã tỏ ra hoàn toàn đúng. Đứa trẻ ấy bây giờ đã trở thành một kỹ sư điện khí rất giỏi và những điểm chính trong tánh tình của anh ta đều giống như cuộc soi kiếp đã tiết lộ, tuy rằng đã có một vài sự thay đổi tốt hơn nhờ ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình trong kiếp sống hiện tại.

Nếu xét theo luật tương ứng thì những người có tâm tính giống nhau sẽ có khuynh hướng đến gần nhau, nhưng trong trường hợp này thì đứa trẻ đã không sinh ra trong một gia đình khoa học có tri thức tương ứng, chẳng hạn như với một người cha là kỹ sư và người mẹ là giáo sư đại học. Trái lại, nó đã thực sự sinh ra trong một gia đình gồm toàn những người nuôi lý tưởng vị tha, không xem trọng những giá trị vật chất. Người cha đứa bé có óc tín ngưỡng tôn giáo và thích những hoạt động từ thiện xã hội; người mẹ tuy kém năng lực xã giao nhưng cũng có khuynh hướng hoạt động từ thiện xã hội do ảnh hưởng của người cha. Người anh cả của đứa trẻ cũng là một người có lý tưởng vị tha và hoạt động chính của anh ta là giúp đỡ kẻ khác.

Xét về bề ngoài, thì sự ra đời của một đứa trẻ như thế trong gia đình này là có phần nghịch lý. Tuy nhiên, chính những sự tương phản này lại có một tác dụng vô cùng tích cực. Chính nhờ sinh trong một gia đình có lý tưởng vị tha giúp đời mà đứa trẻ này đã có cơ hội phát triển tình thương và đức tính vị tha trong tâm tính của nó. Nhờ có dịp tiếp xúc thường xuyên trong gia đình với những người nuôi lý tưởng phụng sự kẻ khác nên tâm tính của đứa trẻ đã được chuyển hóa theo chiều hướng tích cực hơn. Óc thực tế và khoa học của đứa trẻ thường ảnh hưởng đến những người khác trong gia đình một cách lành mạnh, và lý tưởng vị tha của họ hằng ngày luôn nhắc nhở cho nó biết rằng ngoài những giá trị vật chất của cuộc đời còn có những giá trị đạo đức tâm linh cao cả hơn. Tuy rằng kinh nghiệm đó không đưa đến một sự thay đổi hoàn toàn cá tính căn bản của đứa trẻ là óc khoa học thực dụng, nhưng cũng đã ảnh hưởng tích cực đến con người của nó và làm cho nó giảm bớt sự ích kỷ khô khan cũng như trở nên cởi mở hồn nhiên hơn về mặt giao tế xã hội.

Như thế, hoàn cảnh đầu thai dường như có quan hệ đến nhiều yếu tố phức tạp chứ không chỉ đơn thuần tuân theo một vài nguyên tắc mà người ta thường nhắc đến. Những tài liệu hồ sơ Cayce cho thấy rằng sự tái sinh của một tâm thức dường như cũng có ít nhiều sự tự do chọn lựa hoàn cảnh và gia đình trong một số trường hợp, nhưng trong hầu hết các trường hợp khác thì điều đó phụ thuộc vào các điều kiện nhân duyên và nghiệp quả là chính.

Có một vài bằng chứng cho thấy rằng đối với những tâm thức nào có trình độ tâm linh cao, nghĩa là đã qua sự dày công tu dưỡng, thì khả năng tự do chọn lựa ấy càng được gia tăng, còn đối với những người bình thường thì hầu như khả năng ấy rất hạn chế.

Thật không dễ gì hiểu được những lý do khiến cho một người sinh ra trong một căn nhà ổ chuột tối tăm với cha mẹ bần cùng khốn khó, hoặc với một thể xác yếu đuối bệnh tật và những hoàn cảnh bất lợi khác; trong khi một người khác lại sinh ra trong một gia đình giàu có sung túc hoặc quyền thế hơn người. Nhìn thoáng qua sự việc thì dường như chỉ là những sự tình cờ may rủi; nhưng nếu xét theo luật nhân quả thì có thể thấy rằng tất cả những điều ấy đều có những nguyên do sâu xa của nó.

Một điểm lý thú khác được tìm thấy trong những tập hồ sơ Cayce là ảnh hưởng quan trọng của người mẹ trong suốt thời gian đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Những cuộc soi kiếp thường khuyên các bà mẹ đang mang thai hãy thận trọng giữ gìn tránh những tư tưởng xấu và cố gắng rèn luyện, nuôi dưỡng những tư tưởng cao thượng, vị tha trong suốt thời kỳ thai nghén, vì những tư tưởng của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến bào thai và quyết định một phần nào tâm tính của đứa con về sau này.

Dưới đây là một đoạn vấn đáp trong tập hồ sơ Cayce về vấn đề này:

Hỏi: Tôi đang mang thai, tôi nên có một thái độ tinh thần như thế nào trong những tháng sắp tới?

Đáp: Điều đó tùy thuộc vào sự mong muốn của bà đối với đứa con sau này. Nếu bà muốn con bà là một nghệ sĩ hay nhạc sĩ, bà hãy dành nhiều thời gian suy nghĩ và tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật. Nếu bà muốn con bà sẽ giỏi về máy móc, kỹ thuật, bà hãy nghĩ nhiều đến những điều ấy. Bà đừng tưởng rằng những điều ấy không có ảnh hưởng gì!

Đây là một điều mà các bà mẹ đều nên biết: tâm trạng của người mẹ trong khi thai nghén có ảnh hưởng rất nhiều đến tánh tình của đứa trẻ sau này.

Tóm lại, sự ra đời của một con người không phải là một sự tình cờ, và việc một đứa trẻ lọt lòng mẹ chào đời không phải là một điều giản dị như nhiều người lầm tưởng. Mối quan hệ giữa các bậc cha mẹ với con cái rõ ràng là rất đa dạng và phức tạp, luôn bắt nguồn từ những liên hệ sâu xa trong quá khứ và cần được xác lập trên nền tảng của những mục đích tinh thần cao quý hơn là những giá trị vật chất thô thiển nhìn thấy được.

Ngoại tình và ly dị - Chương 16

CHƯƠNG 16
NGOẠI TÌNH VÀ LY DỊ


Trong tất cả những xứ theo chế độ một vợ một chồng thì sự ngoại tình là việc vẫn thường xảy ra. Sự giải thích căn bản của hiện tượng này có lẽ là vì lý do sinh lý. Nhưng trong những nguyên nhân của vấn đề ngoại tình, ngoài yếu tố sinh lý lẽ tất nhiên còn có những yếu tố xã hội và tâm lý nữa.

Nhưng nếu người ta áp dụng thuyết luân hồi thì thật là một điều lý thú để tìm hiểu xem sự ngoại tình có thể là do nhân quả hay không? Những tập hồ sơ Cayce có ghi chép ba trường hợp đáng kể mà sự ngoại tình dường như do nhân quả gây nên.

Trường hợp thứ nhất là của một thiếu phụ có hai con mà người chồng đã ngoại tình với một người đàn bà khác trong tám năm. Người vợ chỉ biết được việc ấy trong hai năm sau cùng.

Trong cuộc soi kiếp, nàng hỏi tại sao phải chịu đựng một sự phụ bạc đau đớn như thế? Câu trả lời là:

- Đó là vì trong kiếp trước chính bà đã ngoại tình với một người đàn ông khác.

Trường hợp thứ hai là của một thiếu phụ đã phản bội chồng một cách trắng trợn trong kiếp trước, dưới vương triều nước Pháp. Hiện nay nàng đã có những hành vi tương tự với người chồng nàng bây giờ, và người này lại chính là tình nhân của nàng trong kiếp trước.

Trường hợp thứ ba là của một người đàn bà mà người chồng trong năm đầu tiên sau khi thành hôn đã bắt đầu chè chén say sưa và chơi bời đàng điếm. Có nhiều lần anh ta đưa cả một người đàn bà khác về nhà. Người vợ vẫn trung thành và sống chung với chồng, khi chồng nàng không đem tình nhân về nhà. Rốt cuộc nàng lại mắc phải bệnh phong tình do người chồng lây sang.

Cuộc soi kiếp truy nguyên cái thảm trạng của người đàn bà này ở kiếp trước. Trong kiếp đó, nàng là đứa con hoang của một một thủy thủ Mỹ và một người đàn bà Nhật. Có lẽ sự kiện này gây cho nàng cái ý niệm rằng nàng là một kẻ ngoài vòng pháp luật. Khi lớn lên, nàng tự buông thả theo một cuộc đời chơi bời trụy lạc. Không bao lâu, nàng dã gieo rắc bệnh phong tình cho nhiều người đàn ông khác. Cuộc soi kiếp nói:

- Bởi những nghiệp xấu gây ra đã đem lại quả báo cho đương sự trong kiếp này.

Nói tóm lại, những trường hợp kể trên dường như chỉ ra rằng sự phản bội của một người chồng hay người vợ có thể là do nhân quả gây nên. Nhưng những thí dụ đó không phải để chứng minh rằng tất cả mọi trường hợp ngoại tình đều là do quả báo. Việc một người phản bội vợ có thể do quả báo mà người vợ ấy phải chịu vì cô ta đã phản bội một người khác trong kiếp trước; nhưng dầu sao thì sự ngoại tình của người chồng cũng có thể do những khiếm khuyết trong tâm tính của người vợ.

Sự ngoại tình rất có thể chỉ là một phản ứng nhất thời đối với một tình trạng hiện tại. Muốn biết xem một trường hợp ngoại tình có phải là do nhân quả hay không, nếu ta không có thần nhãn để nhìn xem quá khứ, thì ta cần phải xét cả những yếu tố lỗi lầm hay khuyết điểm của người vợ hay người chồng trong hiện tại, có thể là nguyên nhân làm cho đương sự đi tìm nguồn an ủi ở một người tình nhân khác.

Theo luật nhân quả, nếu một người đã ngoại tình trong quá khứ thì phải chịu quả báo tương ứng trong hiện tại. Nhưng vì muốn giúp mọi người phát triển những đức tánh trung thành và tình thương đối với kẻ khác nên trong những cuộc soi kiếp ông Cayce thường khuyên không nên ly dị. Nếu một cuộc hôn nhân đau khổ là quả báo do những lỗi lầm trong quá khứ, thì sự đoạn tuyệt và trốn tránh cũng không có ích gì, vì sớm muộn gì người ấy cũng phải trả xong món nợ đó mà thôi. Vì thế, giải pháp tốt hơn là phải tự mình rèn luyện một sức mạnh tinh thần cần thiết để đối phó và vượt qua được nghịch cảnh đó.

Tuy nhiên, những cuộc soi kiếp cũng không ngăn cấm sự ly dị một cách tuyệt đối, mà có nhiều trường hợp lại tán thành quyết định này. Những tiêu chuẩn để xét đoán xem một trường hợp ly dị là nên hay không nên, dường như có hai loại, đó là bổn phận đối với những đứa con và bổn phận giữa hai vợ chồng.

Những trường hợp mà ông Cayce khuyên nên ly dị một cách rõ rệt thường là những trường hợp mà hai vợ chồng không có con. Hoặc nếu có, thì đó là những trường hợp mà sự ly dị sẽ có lợi cho những đứa con; hay là những trường hợp mà một trong hai vợ chồng không đối phó nổi với hoàn cảnh và lôi cuốn cả người kia xuống vực sâu.

Trường hợp điển hình là của một người đàn bà ở tiểu bang New Jersey, bốn mươi chín tuổi, không có con và trong hôn nhân không có hạnh phúc. Cuộc soi kiếp khuyên nàng nên ly dị chồng và nên dùng khả năng của mình để đi dạy học.

Cuộc soi kiếp nói:

- Hôn nhân là một việc tốt, đó là một đời sống tự nhiên cho mọi người trên thế gian. Nhưng khi đời sống giữa vợ chồng thiếu sự hòa hợp đến nỗi làm ngăn trở sự thực hiện những mục đích căn bản của cuộc đời, và nếu sự bất hòa ấy quá rõ rệt, không thể sửa đổi được nữa, thì tốt hơn là hai người nên chia tay nhau.

Một thí dụ trái ngược hẳn với thí dụ trên là trường hợp của một người đàn bà lớn hơn chồng đến hai mươi tuổi. Giữa hai người có một sự bất hòa rất lớn; người chồng say sưa chè chén quá độ, đánh đập vợ con và có một cách cư xử rất thô bỉ. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce không nói đến vấn đề quả báo trong trường hợp này, nhưng không khuyên hai người ly dị. Ông nói:

- Giữa hai người đã xảy ra những xung đột và bất đồng ý kiến. Hai người đừng tìm cách tránh xa nhau mà hãy có một thái độ thản nhiên, ôn hòa với nhau. Đừng để ý quá nhiều đến những sự khinh rẻ hay trách móc, giận hờn; mà hãy biết rằng thật ra bà chỉ đang gặt hái những gì bà đã gieo. Vậy bà hãy cố gắng săn sóc giúp đỡ chồng trong mọi trường hợp và làm cho người chồng tất cả những gì mà bà muốn rằng chồng bà sẽ làm cho bà...

Người ta có thể nghĩ rằng trong trường hợp này, sự gắn bó giữa hai người có lẽ là một món nợ quả báo cần phải trả.

Vì không có đủ bằng chứng soi xét bằng thần nhãn về những sự việc xảy ra trong các kiếp trước, người ta phải thừa nhận rằng thật không dễ gì mà biết được những trường hợp nào là nên đoạn tuyệt và ly dị. Tuy nhiên, sự chấp nhận những khó khăn, trắc trở trong đời sống vợ chồng với một tinh thần hy sinh và chấp nhận những đắng cay, thử thách thường là cơ hội để tu dưỡng và phát triển nhiều đức tính. Xét vì người bạn trăm năm đến với ta do những sợi dây nhân duyên đã có từ trước, không phải do sự ngẫu nhiên tình cờ, nên dầu cho hôn nhân có là một hoàn cảnh khó khăn trắc trở, ta vẫn nên xem đó như một cơ hội để tu dưỡng bằng sự hy sinh quên mình và hành động vị tha. Từ nhận thức đó thì sự ly dị dường như bao giờ cũng là một quyết định thiếu sót.

Trái lại nếu chúng ta cho rằng không ai có quyền cưỡng ép bất cứ một người nào sống trong sự giam hãm trói buộc, là nguồn gốc của mọi sự xung đột, bất hòa và trái hẳn với tâm tình tánh chất của người ấy;, thì chúng ta sẽ tán thành sự ly dị như một biện pháp hợp lý và lành mạnh, cũng như ta hủy bỏ một bản hợp đồng hay khế ước không có lợi chẳng hạn.

Trong cả hai trường hợp, mỗi bên đều có sự cực đoan của nó và chắc chắn sẽ không thích hợp với một số trường hợp. Như thế, tốt nhất là chúng ta nên trở về với sự quân bình, phán xét mọi việc một cách hoàn toàn khách quan và tuân theo cái luật lệ vàng của con đường trung đạo.

Thắc mắc về vấn đề hôn nhân - Chương 15

CHƯƠNG 15
THẮC MẮC VỀ VẤN ĐỀ HÔN NHÂN


Khi hai người đã quyết định làm bạn trăm năm với nhau, họ tạo nên một sự phối hợp và cùng chịu những tác động chung về mặt tâm lý. Những cuộc soi kiếp của ông Cayce về vấn đề hôn nhân đưa đến cho ta một số ý niệm tổng quát về việc chọn lựa bạn trăm năm, cùng những sự liên hệ của hôn nhân trong quá khứ và tương lai.

Chúng ta có thể nói rằng trong vấn đề hôn nhân, cũng như mọi vấn đề khác, mỗi người đều có quyền tự do ý chí trong việc chọn lựa bạn trăm năm. Sự chọn lựa này chẳng khác nào như một người chọn tuyến xe buýt. Mặc dù người ấy có toàn quyền quyết định trong việc chọn lên tuyến xe nào, nhưng một khi đã chọn và bước lên xe, người ấy phải đi theo một lộ trình nhất định, một chiều hướng đã định sẵn, khác hẳn với lộ trình và chiều hướng của những tuyến xe khác. Ngoài ra, những hoàn cảnh và tiện nghi trên xe có thể không hoàn toàn đúng với sở thích của người ấy. Người tài xế có thể là một người cộc cằn thô lỗ, không khí trong xe có thể quá nóng nực, những cánh cửa sổ rất khó mở, hoặc người ngồi bên cạnh nói chuyện quá nhiều! Nói chung, có những sự việc bất ngờ có thể xảy ra trên chiếc xe này mà không xảy ra trên một chiếc xe khác. Nhưng thái độ và cách cư xử của chúng ta trong chuyến đi đều tùy nơi chính bản thân ta, và dầu cho hoàn cảnh chung quanh có diễn ra như thế nào, rốt cuộc chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về thái độ và cách xử thế của mình.

Có nhiều trường hợp hôn nhân mà những cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng do nghiệp quả gây nên. Trong trường hợp lạ lùng sau đây, thật không có một bi kịch nào đau thương hơn nữa, và những ảnh hưởng của luật nhân quả thật rất công bằng và vô cùng mầu nhiệm.

Đó là trường hợp của một thiếu phụ rất đẹp, thành hôn vào năm hai mươi ba tuổi. Nàng có đôi mắt xanh đẹp, một mái tóc vàng dợn sóng xõa xuống tận vai, một vóc người tầm thước, và một dung nhan mỹ lệ như một nữ diễn viên điện ảnh. Dầu cho vào năm bốn mươi tuổi là lúc nàng được ông Cayce soi kiếp, nàng vẫn còn có một vẻ đẹp tuyệt trần làm cho mọi người phải quay đầu nhìn và trầm trồ khen ngợi mỗi khi nàng bước vào chỗ đông người. Những bạn trai giàu có sang trọng có lẽ phải lấy làm ngạc nhiên nếu họ biết được cuộc đời tư của nàng. Trong mười tám năm kết tình chồng vợ với một nhà kinh doanh thương mãi rất có thanh thế và tiếng tăm, nàng đã trải qua một kinh nghiệm rất khó khăn và thất vọng về phương diện tình ái. Chồng nàng bị chứng bệnh bất lực. Người ta thấy ở đời cũng có những người đàn bà không hề cảm thấy dục tình và không bao giờ ham muốn những sự luyến ái trong khuê phòng; và đối với những người ấy thì tình trạng bất lực của người chồng không phải là một điều chướng ngại quan trọng lắm. Nhưng đối với người thiếu phụ kể trên, đẹp đẽ, duyên dáng, lãng mạn đa tình và tràn đầy nhựa sống, thì đó là một thảm trạng thật sự!

Thảm trạng này có thể giải quyết bằng một cuộc ly dị và sẽ chấm dứt dễ dàng, nhưng người thiếu phụ này lại không thể dùng cái biện pháp dứt khoát đó. Nàng vẫn yêu chồng và không muốn làm cho chồng đau khổ. Trong những năm đầu tiên, có một thời kỳ nàng đâm ra dan díu với những người đàn ông khác, không phải vì muốn phản bội chồng, nhưng chỉ là để thỏa mãn nhu cầu về sinh lý và tình cảm. Nhưng lần lần, nàng chế ngự được dục tình, một phần lớn là nhờ sự học hỏi đạo lý và tập tham thiền quán tưởng. Và cuộc đời nàng cứ trôi qua một cách bình thản như thế từ mười tám năm nay, trước khi cơn khủng hoảng xảy đến. Một trong những người yêu cũ của nàng trước kia lại xuất hiện trên bước đường đời của nàng.

Trong bức thơ gởi cho ông Cayce, nàng kể chuyện như sau:

“Khi chúng tôi gặp lại nhau, ngọn lửa tình lại nhen nhúm mãnh liệt trong lòng anh ấy, và tôi cũng đáp lại mối tình đó. Nhưng sức khỏe của tôi lại giảm sút trở lại như hồi trước khi tôi bắt đầu học hỏi đạo lý. Có lẽ tôi sẽ không ngần ngại mà tư tình với anh ta nếu như anh ta không có gia đình. Tôi không muốn bỏ chồng vì những lý do mà ông có thể hiểu, và cũng vì chồng tôi đã tiến bộ rất nhiều về sự cải hóa tánh tình... Có thể rằng những cảm tình của tôi đối với người đàn ông kia không phải là ái tình, mà là do tình trạng đặc biệt của gia đình tôi gây nên. Dầu sao anh ta cũng là một người có tính nết khá tốt. Anh ta yêu tôi từ thuở nhỏ, nhưng tôi không hay biết gì cả và chỉ nghe mẹ tôi nói lại. Anh ta không tỏ tình với tôi vì tự thấy còn chưa đủ sức lập gia đình. Nhưng về sau thì đã quá trễ, vì tôi đã đính hôn với chồng tôi. Tất cả những hoàn cảnh cho tôi thấy sự hành động của luật nhân quả, dường như có thể truy nguyên từ ba kiếp về trước của chúng tôi. Thỉnh thoảng, tôi đã cùng chung chăn gối với anh ta, một lẽ là vì anh ta quá yêu đương và có thể thất vọng đến hủy mình. Sau nữa, tôi hy vọng rằng làm như vậy giúp anh ta được thỏa mãn dục tình và thoát khỏi sự cuồng vọng của yêu đương... Nhưng sau cùng tôi đã đoạn tuyệt với anh ta vì tôi không muốn đóng trò giả dối với vợ anh ta và gây sự rối rắm trong gia đình họ. Tôi quen biết và cũng có cảm tình với vợ anh ta. Xã hội sẽ lên án những mối tình vụng trộm như thế. Tôi thì không muốn làm khổ một người nào. Anh ta cũng không có ác cảm với vợ, mặc dầu vợ anh ta thường giày vò đay nghiến anh ta suốt nhiều tuần không dứt. Người vợ ấy có thể sẽ làm to chuyện nếu biết được câu chuyện ngoại tình này. Chồng tôi có biết việc tôi thỉnh cầu sự giúp đỡ của ông, nhưng ông ấy không hay biết chi cả về chuyện này.”

Đó là bức thư của người thiếu phụ để giải bày tâm sự thắc mắc trong cuộc đời của cô. Câu chuyện cũng khá bi ai; nhưng cuộc soi kiếp còn tiết lộ nhiều điều bí ẩn trong cuộc đời quá khứ của người thiếu phụ, đã tạo nên tình trạng hiện nay, và cho ta thấy rằng tác động của luật nhân quả thật vô cùng chính xác và mầu nhiệm.

Trong hai kiếp về trước ở Pháp, hồi thời kỳ xảy ra cuộc Thánh chiến (Croisades), người thiếu phụ này tên là Suzanne Merceilieu, cũng là vợ của người chồng hiện nay. Ông Merceilieu, chồng cô trong kiếp đó, là một trong những người có óc phiêu lưu, và cuộc Thánh chiến ở vùng Cận Đông xa xôi càng nung nấu chí giang hồ của ông. Và cũng như nhiều người khác có lòng tín ngưỡng nhiệt thành, cuộc đời tư của ông lại hoàn toàn cách biệt hẳn với những nguyên tắc đạo đức mà ông tin tưởng và đề cao! Theo quan niệm của ông, thì Thánh địa Jérusalem, nơi an nghỉ cuối cùng của Đấng Cứu Thế, phải được giải phóng khỏi sự xâm lăng của những người “ngoại đạo.” Nhưng còn vấn đề áp dụng tình bác ái mà Đấng Cứu Thế đã dạy đối với vợ ông, thì dường như ông không bao giờ nghĩ đến!

Bởi đó, khi ông sửa soạn lên đường tham gia cuộc Thánh chiến để bảo vệ tôn giáo Gia Tô chống những kẻ “ngoại đạo”, thì đồng thời ông cũng muốn bảo vệ một chuyện khác, đó là sự trinh tiết của vợ ông. E rằng lòng tín ngưỡng tôn giáo của vợ ông không đủ nhiệt thành để giúp cho bà ấy có một sự hy sinh tuyệt đối, cũng như lòng hy sinh của chính ông, và thay vì tự an ủi bằng cách nương mình theo cửa Đạo, bà ta lại tự an ủi bằng cách nương mình trong hai cánh tay khỏe mạnh của một gã đàn ông khác, ông ta bèn dùng những biện pháp cần thiết để làm cho một sự “an ủi” như thế không thể thực hiện được. Hồi thế kỷ thứ mười hai ở Âu Châu có một dụng cụ rất hiệu quả để làm việc đó, gọi là cái đai trinh tiết mà về sau người ta cũng được biết ở Pháp vào năm 1935 và ở New York năm 1931, khi ở đây xảy ra hai vụ án về việc những người đàn bà bị chồng bắt buộc đeo cái đai trinh tiết này. Đai này gồm có những mảnh sắt và da kết lại, bao bọc phần dưới thân mình của người đàn bà, và được khóa lại bằng một ống khóa với một chìa khóa riêng, để cho người đàn bà không thể giao hợp với người đàn ông nào khác.

Chính bằng cách đó mà ông Merceilieu muốn bảo đảm cho vợ ông khỏi ngoại tình trong khi ông đi vắng. Cuộc soi kiếp của ông Cayce nói về vấn đề này như sau:

- Người này đã bị chồng nghi kỵ và bị bắt buộc phải mang một dụng cụ chướng ngại làm cho đương sự rất khổ sở bực bội.

Hai chữ “bắt buộc” hàm ý rằng bà Merceilieu không thỏa thuận về việc này từ lúc đầu. Câu sau đó cho thấy rằng về sau bà ấy còn đau khổ hơn nhiều và “quyết định sẽ trả thù khi có dịp thuận tiện”.

Sự cưỡng ép phải giữ gìn trinh tiết làm cho bà ta có những quyết định tai hại; và chính những quyết định này đã gây ra cho bà ta cái tình trạng hiện nay theo sự tác động của luật nhân quả.

Bây giờ chúng ta hãy phân tách để tìm hiểu những ảnh hưởng công bằng của luật nhân quả trong trường hợp này. Người đàn ông trong kiếp trước đã dùng một dụng cụ để gây sự chướng ngại khó khăn về tình dục cho vợ, và phải chịu quả báo bị bệnh bất lực trong kiếp này. Thật không có quả báo nào tương xứng hơn nữa.

Nhưng mới nghe qua thì hình như có sự bất công khi một người đàn bà bị áp chế một cách tàn nhẫn như thế lại phải chịu thiệt thòi về phương diện sinh lý đến hai lần. Nhưng sự bất công đó chỉ là ở bề ngoài, vì tội lỗi con người gây ra không phải chỉ là do những hành động bên ngoài mà thôi, mà còn do những ý tưởng, âm mưu, ác ý và tâm trạng tiêu cực. Người đàn bà này đã bị chồng cưỡng ép một cách bất công. Phản ứng của nàng đối với sự nghi kỵ và cách đối xử tàn nhẫn đó là một lòng căm hờn và ý nghĩ trả thù. Theo chỗ chúng ta thấy, thì lòng căm thù đó không biểu lộ ra ngoài bằng cử chỉ, nhưng quyết định trả thù vẫn có. Trong một trường hợp trước đây, chúng ta đã thấy rằng một quyết định có thể tồn tại qua nhiều kiếp sống. Quyết định trả thù sẽ tạo ra một cơ hội thuận tiện cho nàng thi hành ý định ấy.

Trong kiếp này, người thiếu phụ ấy có một sắc đẹp lộng lẫy, yêu kiều, và vô cùng hấp dẫn. Nàng kết hôn với một người đã làm khổ mình trong kiếp trước, và lần này có đủ mọi yếu tố cần thiết để làm cho chồng nàng phải phát điên lên vì ghen tuông, để hạ nhục chồng trước những bạn bè thân thuộc, hoặc gây sự đau khổ cho chồng bằng một cuộc ly dị. Nàng còn muốn gì hơn nữa? Còn cơ hội nào thuận tiện hơn nữa để trả thù một cách hoàn toàn đích đáng? Nhưng điều khác biệt lúc này là nàng đã có sự tiến bộ về phương diện đạo đức, tâm linh, và không còn nuôi ác cảm đối với bất cứ một người nào nữa.

Những bức thư của nàng từ đầu đến cuối đều biểu lộ một sự đa cảm. Nàng có thể ngoại tình, dan díu với tình nhân cũ, một sự ngoại tình mà nàng có thể che giấu chồng một cách dễ dàng. Nhưng nàng không thể chịu nổi cái ý tưởng làm khổ người vợ kia, khi người này biết được câu chuyện tình vụng trộm ấy. Bởi đó, nàng cố giữ mình. Về thể chất và tình cảm, nàng cần có sự thỏa mãn sinh lý nhưng vẫn yêu chồng và không đòi ly dị. Nàng hy sinh sự đòi hỏi của dục tình, sắc đẹp và nhựa sống của thời son trẻ để giữ một tấm lòng son sắt và trung thành.

Theo lời lẽ bí ẩn nhưng rất có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc soi kiếp thì “nàng đã gặp lại chính mình”. Thật vậy, trong tình trạng hiện tại, nàng đã gặp lại quyết định cũ thuở xưa của chính mình và đã chuộc lại lỗi cũ. Nàng đã thành công trong sự thử thách tự đặt ra cho mình từ kiếp sống trước. Kinh Thánh có nhắc lời Chúa như sau:

- Sự báo thù là ở trong tay Ta: Ta sẽ trả đủ, vì mọi sự vay trả đều phải được thanh toán sòng phẳng.

Và:

- Tai họa sẽ đến với kẻ nào chưa thanh toán xong những món nợ cũ!

Hai câu trong Kinh Thánh trên đây hàm ý rằng người ta có thể tin cậy vào luật nhân quả để trừng phạt kẻ tội lỗi; rằng người ta không cần phải băn khoăn về sự báo thù kẻ đồng loại bằng chính bàn tay của mình.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là xã hội không cần chống lại những kẻ sát nhân. Sự lên án kẻ vi phạm luật pháp là một hành động hợp lý của xã hội để duy trì nền an ninh công cộng và hạnh phúc của số đông người. Đó chỉ là sự áp dụng luật pháp một cách vô tư; và hành động lên án đó không phải là một cử chỉ báo thù.

Trong tập hồ sơ Cayce còn có một trường hợp khác về thảm kịch gia đình do việc dùng đai trinh tiết trong một kiếp của đôi vợ chồng nọ cũng vào thời kỳ Thánh chiến. Trong trường hợp này, luật nhân quả đã tác động có hơi khác hơn một chút. Theo lời tường thuật của người vợ thì chồng nàng là một người rất kiên nhẫn, hòa nhã và biết cảm thông. Tuy nhiên, sau tám năm chung sống gia đình, người đàn bà ấy vừa được ba mươi hai tuổi, vẫn luôn sợ hãi sự chung chăn gối với chồng. Người ta có thể hiểu rằng chỉ một sự kiện ấy cũng đủ làm cho tình trạng trở nên khó khăn; nhưng nó còn phức tạp hơn vì người vợ lại thầm yêu trộm nhớ và say mê một chàng ca sĩ người Ý, bạn của gia đình nàng.

Cuộc soi kiếp giải thích lý do sự sợ hãi chung chạ với chồng là do kiếp trước người đàn bà này bị chồng cưỡng ép dùng đai trinh tiết trong thời kỳ người chồng phải tùng chinh trong trận Thánh chiến. Quả báo của hành động này là người đàn ông phải có một người vợ đáp ứng thấp về mặt tình dục và rất sợ không muốn ngủ chung với ông ta!

Sự kiện người vợ chịu khổ sở vì những rối rắm trong gia đình gây nên bởi sự khủng hoảng tình dục kể trên cũng là một quả báo của cô ta. Đối với việc bị cưỡng ép mang đai trinh tiết hồi kiếp trước thì phản ứng của nàng là lòng căm thù. Và lòng căm thù tạo nên dây oan nghiệt. Cuộc soi kiếp cho biết:

- Những sự nghi nan và sợ sệt trong kiếp này là do lòng thù hận nung nấu tiềm tàng ở kiếp trước. Cái nhân xấu đó phải được tiêu trừ bằng sự thông cảm và lòng ưu ái ở kiếp này. Cô phải biết tha thứ nếu cô muốn được tha thứ. Sự say mê chàng ca sĩ có nguyên nhân là do một kinh nghiệm khác. Người ca sĩ này đã là tình nhân của nàng trong một kiếp trước ở Đông Dương.

Đáp lại câu hỏi: “Bây giờ tôi phải làm gì?”, ông Cayce nói:

- Cô hãy làm những gì phù hợp với cái lý tưởng mà cô đã lựa chọn.

Một lần khác, người ta lại thấy có yếu tố sợ hãi trong một trường hợp với nguyên nhân khác hẳn. Xét về sự đau khổ do quả báo đưa đến thì câu chuyện này thật là bi đát; nhưng theo quan điểm phân tách tâm lý thì trường hợp sau đây trình bày những tài liệu rất hay để giúp ta nghiên cứu những mối tương quan của luật nhân quả, sự di truyền và ảnh hưởng của hoàn cảnh.

Hồi đó vào năm 1926, một người đàn bà đã viết thư cho ông Cayce như sau:

“Tôi quá đau khổ đến nỗi tôi sắp sửa phát điên và tự tử. Tôi là người đàn bà vô phước nhất đời, và để làm dịu bớt đau khổ, tôi phải dùng đến chất ma túy. Mẹ tôi là người đã chịu đau đớn vô ngần vì đẻ khó hết sáu lần. Suốt đời, tôi đã từng nghe mẹ tôi nói về sự dau đớn khi sinh đẻ. Vì vậy khi tôi có chồng cách mười tám năm nay đến giờ, tôi sợ mang thai đến nỗi tôi phải ở xa người chồng yêu quý của tôi, vì tôi không thể gần gũi được với anh ấy. Tôi đã cầu nguyện; tôi đã áp dụng thử khoa tâm lý, khoa chữa bệnh thần kinh v.v... nhưng không kết quả. Ông hãy xem tôi còn có hy vọng nào chăng? Tôi muốn có con và tôi vẫn yêu chồng, nhưng sự chung chăn gối làm cho tôi sợ hãi, và bây giờ thì tệ hơn bao giờ hết, vì như tôi đã nói, tôi sẵn sàng tự tử. Tôi vừa muốn tự vẫn trong tuần này, thì nghe nói về công việc của ông...

Cuộc soi kiếp truy nguyên tấn thảm kịch của người đàn bà này ở hai kiếp về trước. Trong kiếp đó, nàng sống một cách ích kỷ, xa hoa và say mê thú vui vật chất dưới vương triều nước Pháp. Đó là một cuộc đời nhộn nhịp vui tươi, nhưng nàng đã gieo hạt giống cho tấn thảm kịch nối liền theo sau, cùng với những nhà khai thác thuộc địa đầu tiên đến Bắc Mỹ, nàng sinh hạ được sáu đứa con và về sau nhìn thấy tất cả sáu đứa con ấy đều bị thiêu sống.

Cuộc soi kiếp nói tiếp:

- Người này đã sợ sệt không dứt suốt cuộc đời kể từ khi đó. Nàng đã đánh mất hoàn toàn đức tin và nuôi lòng oán hận Chúa Trời vì không che chở cho nàng và cho các con. Bởi đó, trong kiếp này nàng sợ có con, và chịu mọi hậu quả của sự sợ sệt đó.

Tấn thảm kịch xảy ra hồi thời kỳ khai thác thuộc địa ở Bắc Mỹ có thể hiểu được. Vì chúng ta biết rằng chỉ khi thất bại về vật chất người ta mới thường quay trở về những vấn đề tâm linh. Nhưng trong khi nàng đang phải nhận lãnh quả báo thì lại gây thêm nghiệp quả mới. Dầu cho đối với một người đàn bà ích kỷ, việc phải nhìn thấy sáu đứa con chết thiêu là một sự đau khổ rất lớn. Trong cơn đau khổ đó, thay vì nuôi dưỡng một tình thương nảy nở dồi dào, nàng đã ôm lấy sự sợ hãi với tấm lòng đầy oán hận. Chính sự oán hận ấy đã tạo thành quả báo ngày nay mà nàng phải nhận chịu.

Điều mà mỗi chúng ta cần nhận biết là, một tình thương chân thật sẽ có năng lực xua đuổi sự sợ sệt.

Người phụ nữ này không hiểu được điều đó, không hiểu rằng nàng phải dứt bỏ cái quan niệm ích kỷ đối với cuộc đời; phải tập mở rộng lòng thương yêu người khác, trong đó có chồng nàng. Vì không nuôi dưỡng được tình thương, nên nàng phải tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi về sự đau đớn thể xác ám ảnh và không thể làm vợ, làm mẹ như mong muốn.


Những hạng người khác nhau - Chương 10

CHƯƠNG 10
NHỮNG HẠNG NGƯỜI KHÁC NHAU


Trong sự tiếp xúc hằng ngày với những người chung quanh, chúng ta thường có thể phân biệt được nhiều hạng người khác nhau. Có hạng người tánh tình cởi mở, xã giao lịch thiệp; có hạng người dè dặt kín đáo, tánh tình trầm lặng; có hạng người ích kỷ, hạng người vị tha.v.v...

Nhiều nhà tâm lý học đi đến kết luận rằng dựa vào những điểm khác biệt và tương đồng mà con người có thể được sắp xếp, phân chia thành những hạng khác nhau, và đã lập một căn bản khoa học cho việc sắp hạng ấy.

Sự phân hạng thông thường nhất là do Carl Jung11 đưa ra. Ông này phân loại con người thành hai hạng chính là: hạng người hướng nội, có tâm hồn khép chặt (intraverti) và hạng người hướng ngoại, có tâm hồn cởi mở (extraverti). Hạng người hướng nội tức là hạng người hướng sự chú ý của họ vào bên trong, nghĩa là vào chính bản thân mình; còn hạng người hướng ngoại tức là hạng người hướng sự chú ý của họ ra thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, các đạo gia cho rằng Carl Jung và những nhà tâm lý học khác đều không đưa ra những giải thích thỏa đáng về lý do nào đã khiến cho một người sinh ra đời lại có một tâm hồn khép chặt, và một người khác sinh ra lại có một tâm hồn cởi mở.

Ông Carl Jung và những nhà bác học khác cho rằng hai trạng thái tâm lý căn bản này là do những nguyên nhân về sinh lý. Tuy nhiên, về mặt tôn giáo thì những nguyên nhân sinh lý kể trên chỉ được xem là phụ thuộc; còn cách sinh hoạt cùng thái độ cử chỉ của một người trong một kiếp trước mới là nguyên nhân chính.

Những tập hồ sơ của ông Cayce có ghi chép rõ ràng nhiều trường hợp hướng nội, tức là của những tâm hồn khép chặt, có nguyên nhân xuất phát từ những kinh nghiệm trong kiếp trước. Xét kỹ những trường hợp này, người ta thấy rằng sự tác động dây chuyền luật nhân quả được biểu lộ một cách rõ ràng, và khiến cho khi chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác luôn có một vài thái độ hay trạng thái tâm lý của con người vẫn giữ nguyên không thay đổi. Dưới đây là một trường hợp như vậy.

Một nữ sinh viên hai mươi mốt tuổi có năng khiếu về âm nhạc, nhưng có tánh e lệ rụt rè một cách quá đáng. Mặc dầu cô ta có dung mạo đẹp đẽ, nhưng cô khó kết bạn với người khác và rất buồn khi không được nhận vào Câu lạc bộ của nhà trường. Người ta không biết gì về hoàn cảnh gia đình của cô trước khi cô vào trường, vì có thể đó là nguyên nhân gây ra nơi cô tính rụt rè nhút nhát. Tuy nhiên, một cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng điều này có nguyên nhân xa hơn ở một kiếp trước. Hồi đó, cô ta là một bà mệnh phụ trong triều đình nước Pháp, có tài hoa, sắc đẹp và rất lịch thiệp. Nhưng chồng bà vốn là một người ích kỷ, không muốn cho bà mở rộng mối quan hệ xã giao khéo léo và lịch sự với tất cả mọi người. Bởi đó, ông ta ngăn trở mọi sự giao tế xã hội của bà vợ bằng một sự áp chế lạnh lùng và khắc nghiệt, thậm chí có khi ông ta đánh đập vợ bằng roi vọt. Điều này làm cho bà vợ e dè sợ sệt, và sự sợ sệt đó hãy còn in sâu vào tiềm thức cho đến bây giờ.

Sau đây là một trường hợp cũng có sự áp chế tương tự, tuy rằng trong hoàn cảnh khác hẳn. Ông Cayce soi kiếp cho một thanh niên hai mươi tám tuổi. Đây là một anh chàng ham học và tâm tính khép chặt. Ông Cayce cho biết rằng trong một kiếp trước, anh ta từng bị khủng bố tàn nhẫn trong những vụ xử án các tay phù thủy ở Salem, thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Kinh nghiệm đó đã bộc lộ bằng hai cách trong tâm tính của anh ta hiện nay. Trước hết, anh ta có sự căm ghét đối với mọi hình thức áp chế; và đồng thời anh ta có tánh rất ham học nhưng lại muốn giữ kín những điều hiểu biết riêng cho mình, không muốn chỉ bày cho ai. Đối với trường hợp của người thanh niên này, trong tiềm thức anh ta rõ ràng là vẫn còn in sâu một bản năng tự vệ khi bị khủng bố, khiến anh ta luôn có thái độ dè dặt đề phòng những người chung quanh, không chịu tiếp xúc và không chịu bày tỏ với ai những điều hiểu biết của mình.

Những tập hồ sơ của ông Cayce còn ghi lại nhiều trường hợp tương tự như trên về những vụ xử án các phù thủy ở Salem, mà kết quả là làm cho đương sự có một thái độ khép nép, kín đáo và dè dặt như thế.

Một vị bác sĩ có tính rất dè dặt kín đáo, không thích giao du, được biết nguyên nhân là vì trong một kiếp trước, ông ta đã từng giữ giới tịnh khẩu theo tín điều của phái Quaker.

Một vị giám đốc thương vụ ở New York cũng có tính rụt rè, thiếu sự xã giao lịch thiệp. Trong một kiếp trước, ông ta là một nhà thám hiểm, sống một cuộc đời cô độc và tự lập ở miền nam châu Phi.

Một cô nữ sinh nhút nhát và tự ti mặc cảm, được cho biết rằng kiếp trước là một thổ dân da đỏ dưới thời đô hộ của thực dân da trắng ở Bắc Mỹ và hãy còn giữ lại thái độ nghi ngờ và phòng thủ đối với người khác.

Theo sự chứng minh của những trường hợp kể trên và nhiều trường hợp khác trong tập hồ sơ Cayce, thì tính rụt rè kín đáo thường kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác, bắt đầu từ một kinh nghiệm đầu tiên khiến cho đương sự có một ấn tượng sâu đậm và nảy sinh thái độ đó.

Sự kéo dài liên tục này cũng xảy ra một cách tương tự trong trường hợp của những người có tánh tình cởi mở.

Đây là trường hợp một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, đã hai lần ly dị, có một tâm hồn cởi mở và vẫn còn nghĩ đến một cuộc tái giá lần thứ ba. Cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng thái độ hồn nhiên, yêu đời đó được truy nguyên từ hai kiếp về trước. Trong một kiếp, cô ta làm huấn luyện viên khiêu vũ tại một vũ trường vào thời kỳ khai mở thuộc địa ở Bắc Mỹ. Trong một kiếp trước nữa dưới triều vua Louis thứ XV nước Pháp, cô là một ái phi của nhà vua. Trong kiếp đó, cô đã phát triển được những khả năng khôn khéo, lịch thiệp và quyến rũ, làm cho mọi người đều thương mến, từ nhà vua cho đến chị bếp trong cung cấm. Trong kiếp làm huấn luyện viên khiêu vũ, cô cũng đã sử dụng và phát triển thêm những khả năng trên đây.

Đây là một thí dụ lý thú khác nữa. Một nhà làm trò ảo thuật ở New York có một sức hấp dẫn rất mạnh, xã giao lịch thiệp, và đặc biệt có tài hài hước, được biết rằng những khả năng trên đây có nguyên nhân từ những kinh nghiệm trong hai kiếp trước. Cuộc soi kiếp cho biết là trong một kiếp trước, ông ta từng là một trong những người khai thác thuộc địa đầu tiên đến vùng thung lũng Mohawk ở Bắc Mỹ. Những đức tính mà ông ta đã phát triển trong kiếp đó và một kiếp trước nữa đã giúp cho ông ta có khả năng hấp dẫn và chỉ huy kẻ khác trong kiếp này. Sự khôn khéo lịch thiệp và tài lãnh đạo của ông ta được phát triển là do thời kỳ tranh đấu cho lý tưởng ở Bắc Mỹ vào thuở ban đầu. Sự nhanh trí và tinh thần hài hước của ông ta lại nảy sinh từ một kiếp khác khi làm hề dưới triều vua Henri VIII ở Anh quốc.

Nói tóm lại, tất cả những trường hợp của những người có tâm hồn cởi mở và xã giao lịch thiệp dường như đều là do kết quả của những hoạt động xã hội trong những kiếp trước.

Trong những tập hồ sơ Cayce, có nhiều trường hợp thành công hoặc thất bại trong sự giao tế và sống hòa hợp với hoàn cảnh xã hội bên ngoài. Một trường hợp là của một người đàn bà có tính chất cởi mở, hoạt bát và vị tha. Trước hết, cô có tham vọng trở thành một nữ diễn viên, nhưng hoàn cảnh gia đình và một thể xác lùn thấp không giúp cô được như ý nguyện, cô bèn xoay qua vấn đề kinh doanh. Cuộc soi kiếp cho biết rằng vào một kiếp trước trong thời kỳ Cách mạng ở Bắc Mỹ, cô đã hưởng thụ rất nhiều, có địa vị xã hội cao, sống một cuộc đời xa hoa lộng lẫy, nhưng thiếu lương tâm và khinh thường đạo lý. Khả năng lôi cuốn hấp dẫn kẻ khác, tinh thần hài hước và khoa ngôn ngữ của cô là do từ kiếp đó mà có; nhưng vì cô đã sử dụng khả năng ấy một cách thiếu đạo đức nên kiếp này cô phải bị thất bại trên trường đời.

Những trường hợp như trên chỉ ra cho ta thấy rằng, vấn đề nghề nghiệp vẫn luôn đi đôi với vấn đề đạo đức tâm linh. Người ta thường thấy rằng, trong rất nhiều trường hợp, sự thất bại về nghề nghiệp không phải chỉ do thiếu năng lực, mà còn vì thiếu tinh thần đạo đức.

Điều này thường không được nhận biết nếu tham vọng nghề nghiệp của một người được thỏa mãn một cách quá tốt đẹp, dễ dàng.

Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce đã khuyên người phụ nữ nói trên, lúc ấy mới có ba mươi hai tuổi, hãy theo đuổi nghề diễn viên hoặc săn sóc những trẻ em tàn tật hoặc mồ côi; nghĩa là, cô phải dùng những khả năng của mình vào những mục đích xây dựng và vị tha.

Đây là trường hợp khác của một người đàn bà bốn mươi chín tuổi, làm thư ký ở Washington, vì trong kiếp trước đã lạm dụng những đức tính lịch thiệp xã giao của mình vào những mục đích không tốt nên phải chịu những hậu quả trong kiếp này. Trong những bức thư, cô cho biết rằng trong bất cứ mọi giới mà cô cố gắng để tiếp xúc, cô đều cảm thấy không được mọi người hoan nghinh. Có lẽ đó là vì hồi thuở nhỏ, cô thường bị những người anh chị trong gia đình ruồng bỏ nên vẫn còn mang nặng cảm giác ấy khi ra tiếp xúc với đời. Cô viết như sau:

“Tôi lớn lên với một sự mặc cảm sợ sệt luôn luôn ám ảnh tôi. Khi tôi đi chơi với một nhóm bạn bè, tôi luôn luôn cảm thấy rằng sự có mặt của tôi không cần thiết, và tôi luôn tự hỏi rằng tôi phải nói gì và phải làm gì. Tôi muốn đi sâu hơn vào các vấn đề, nhưng không biết phải làm sao. Tôi luôn luôn có cảm giác rằng tôi phải cố gắng làm nhiều hơn kẻ khác để làm cho họ vui lòng. Bởi đó, tôi luôn muốn hy sinh sức khỏe và thời giờ của tôi để làm một việc gì đó cho người khác. Tôi muốn rằng người ta cần đến tôi.”

Kế đó, cô thuật lại rằng đã ba lần cô bị thất vọng vì tình, trong đó có hai lần người yêu bỏ cô để đi cưới vợ khác. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce cho biết rằng người đàn bà này trong kiếp trước là một trong những người khai phá thuộc địa đầu tiên ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Người ấy luôn đối xử với người khác một cách vui vẻ, lễ độ, nhưng chỉ vì mục đích ích kỷ, trục lợi. Ông Cayce nói:

- Người này tuy được thỏa mãn về sự thành công của mình, nhưng đã đem lại sự thất vọng cho nhiều người. Những người mà người ấy lợi dụng trước kia, ngày nay trở lại gây những sự lo âu phiền muộn cho cô ta trong kiếp này. Lợi dụng kẻ khác làm cái đà tiến thân cho mình tức là tạo nên nghiệp quả xấu, nên ngày nay phải trả. Luật nhân quả rất công bằng. Nó trả lại cho ta một cách chính xác những gì của ta.

Như một cái gương phản chiếu, những trạng thái tâm lý của người đàn bà này phản ảnh những gì bà ta đã gây ra cho kẻ khác. Trong kiếp trước, cô không bao giờ thật lòng mong muốn làm bạn với kẻ khác, trừ những khi nào cô có thể lợi dụng họ. Vì thế, trong kiếp này, từ thuở nhỏ sống trong gia đình cô đã bị ngược đãi, cảm thấy bị ruồng bỏ. Bởi đó cô cảm thấy cuộc đời bấp bênh và tâm hồn trở nên khép chặt cho đến lúc trưởng thành.

Cô có một dung nhan khá đẹp và những đức tính đủ để hấp dẫn nhiều người, nhưng mặc dầu cô tưởng rằng sẽ được mọi người yêu mến, sau cùng cô luôn bị thất vọng. Cô nhìn nhận rằng cái cảm giác bị ruồng bỏ và tâm hồn khép chặt của cô đã làm cho cô thay đổi thái độ và cố gắng giúp đỡ kẻ khác để được mọi người yêu mến, và được mọi người cần đến mình. Và đó chính đó là cách chọn lựa hành động tốt nhất để sửa đổi nghiệp quả theo hướng tốt hơn. Sự xã giao khôn khéo mà cô đã lạm dụng do lòng ích kỷ và thiếu chân thật trong kiếp trước đã mang đến cho cô sự khó khăn trở ngại hiện nay, và cô chỉ có thể vượt qua được bằng những việc làm vị tha, với một sự chân thành giúp đỡ người khác.

Sự lợi dụng hay lường gạt tình cảm của người khác dường như là một thói xấu thông thường và sẽ mang lại quả báo trên bình diện tâm lý. Về điểm này, dưới đây là một đoạn trong cuộc soi kiếp của ông Cayce mà ông đã thốt ra với một giọng rõ ràng và thẳng thắn:

- Người này thường bị kẻ khác làm cho thất vọng. Điều đó có nguyên nhân của nó: Ai gieo giống nào sẽ gặt giống nấy. Kiếp trước cô đã phỉnh lừa, gạt gẫm kẻ khác. Ngày nay, chính cô bị kẻ khác gạt gẫm, phỉnh lừa, làm cho cô bị thất vọng. Nhưng nếu cô biết thức tỉnh thì chính điều đó sẽ giúp cô rèn luyện tính nhẫn nhục, là đức tính cao quý nhất trong mọi đức tính.

Nói chung, luật nhân quả luôn tác động một cách khách quan và công bằng, nên đối với ai đã biết nhận ra lỗi lầm thì mọi quả báo xấu khi xảy đến cho họ đều có thể được xem là những bài học để giáo dục tâm hồn, sửa đổi tính tình, hoàn thiện tâm thức trong sự vươn lên hướng thượng. Mục đích cao nhất của mọi nỗ lực phải là sự quay đầu hướng thiện, và nhờ đó mà tương lai của mỗi người chắc chắn sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn.

Quả báo đối với sức khoẻ - Chương 8

CHƯƠNG 8
QUẢ BÁO ĐỐI VỚI SỨC KHỎE


Có nhiều người nhận hiểu rất sai lầm vềluật nhân quả. Họ cho rằng theo luật nhân quả thì mọi sự đều đã được định sẵn từ trước, và điều này làm cho họ có một thái độ thụ động, lười biếng, mất cả chí tiến thủ và việc gì cũng đổ thừa cho số mạng.

Khi hiểu nhân quả theo cách này, họ chỉ thấy được một phần của vấn đề mà không nhận hiểu được một cách toàn diện. Ngay cả đối với những người dân Ấn Độ hoặc một số nước ở phương Đông, tuy có sự tin tưởng vào luật nhân quả từ nhiều ngàn năm qua, nhưng cũng không ít người có sự nhận hiểu và thái độ sai lầm như nói trên.

Quả thật là một khi nghiệp quả đã chín muồi và được thể hiện thành một sự kiện cụ thể thì chúng ta hầu như không còn làm gì được nữa đối với quả báo xấu đó. Một người sinh ra đã bị mù do quả báo của một hành vi xấu trong quá khứ, thì hiện tại có vẻ như anh ta không làm được gì ngoài việc chấp nhận sự mù lòa đó. Tuy nhiên, cách hiểu như thế là hết sức phiến diện, vì đã cắt ngang chuỗi tiến trình nhân quả và chỉ xem xét một phần trong toàn bộ tiến trình đó. Sự thật là, nếu một hành vi trong quá khứ đã mang đến kết quả trong hiện tại, thì điều tất nhiên là mọi tư tưởng, hành vi trong hiện tại cũng tiếp tục mang đến những kết quả tương ứng trong tương lại. Hơn nữa, quả báo của một hành vi, như chúng ta sẽ thấy, không phải bao giờ cũng thuộc loại không tức thì như đã nói trong chương trước. Có rất nhiều loại quả báo có thể xảy đến ngay tức thì, hoặc ít ra cũng là ngay trong kiếp sống hiện tại, mà xưa nay người ta vẫn thường gọi là “quả báo nhãn tiền”.

Như vậy, việc ta chấp nhận một quả báo xấu theo cách nào cũng là một nhân tố góp phần tạo ra kết quả mà ta phải nhận lãnh trong tương lai gần hoặc xa. Trong ví dụ nói trên, nếu người bị mù lòa đó luôn than thân trách phận hoặc oán ghét cha mẹ đã sinh ra mình với thân phận mù lòa, thì chắc chắn anh ta phải chịu nhiều khổ đau ngay trong kiếp sống hiện tại và cũng tạo ra cái nhân đau khổ cho kiếp sống tương lai. Ngược lại, nếu anh ta nhận thức rằng sự mù lòa của mình là biểu hiện cho thấy một hành vi xấu ác đã mắc phải trong quá khứ, thì anh ta sẽ khởi lên một sự hối lỗi, sẽ cố gắng hướng đến những tư tưởng và hành vi tốt lành, giúp đỡ người khác. Với ý thức đó, anh ta sẽ chấp nhận sự mù lòa một cách thoải mái hơn, và cũng có những đóng góp tích cực hơn cho đời sống. Điều này tất yếu sẽ mang đến cho anh ta kết quả tốt đẹp hơn trong những kiếp sống tương lai.

Nếu chúng ta chấp nhận quan niệm về nhân quả, thì thái độ của chúng ta đối với mọi sự việc xảy ra trong đời sống sẽ là sự tin tưởng, chấp nhận hiện tại và nỗ lực hướng thiện để xây dựng tương lai.

Như vậy, chúng ta không khỏi đặt ra câu hỏi rằng: Chúng ta nên chấp nhận những quả báo xảy đến cho ta đến mức độ nào? Hay nói cách khác, nếu một người tin rằng căn bệnh của mình là do quả báo xấu thì liệu người ấy có nên cố gắng tìm cách chạy chữa? Hay là phải chấp nhận bệnh trạng như nó đang diễn ra?

Vấn đề này thường được nêu ra trong những trường hợp quả báo về thân xác gây nên những bệnh tật làm bệnh nhân đau khổ. Về vấn đề này, những cuộc soi kiếp của ông Cayce đều rất lý thú vì nó đem đến lời giải đáp cho những sự tranh luận về thuyết luân hồi. Những câu hỏi sau đây thường được nêu ra:

- Đối với những người đau khổ vì một chứng bệnh, nếu tin rằng đó là do quả báo thì phải điều trị như thế nào?

- Có hy vọng chữa khỏi bệnh tật hay không nếu đó là do nhân quả?

Những cuộc soi kiếp được ghi lại trong các tập hồ sơ của ông Cayce đều khuyên người ta không nên có một thái độ hoàn toàn thụ động trong việc đón nhận quả. Ông Cayce thường lặp đi lặp lại câu nói này với bệnh nhân trong trạng thái bị thôi miên của ông:

- Đó là nghiệp quả của anh (hay chị). Và bây giờ, đây là những gì mà anh (hay chị) phải cố gắng làm để thay đổi sự việc.

Trong những tập hồ sơ đó, có điều đáng chú ý là trong tất cả mọi trường hợp về bệnh tật, tuy được giải thích là do nhân quả, nhưng luôn luôn đều có những lời khuyên về cách điều trị cụ thể.

Trong nhiều trường hợp bệnh tật do quả báo, cuộc soi kiếp cho biết đều có hy vọng chữa khỏi. Trong những trường hợp mà nghiệp quả nặng nề hơn, cuộc soi kiếp nói rõ rằng tuy không có hy vọng được hoàn toàn chữa khỏi, nhưng bệnh có thể được thuyên giảm nhờ sự cố gắng tích cực đúng hướng; và kế đó là sự mô tả những phương pháp điều trị, kèm theo những yêu cầu về sự tu tâm dưỡng tánh.

Dưới đây là trường hợp lý thú của một người thợ điện ba mươi bốn tuổi, bị một chứng bệnh đau mắt cườm rất nặng, không thể chữa khỏi. Trong suốt ba năm, anh ta không làm việc gì được; mắt anh ta nhìn kém đến nỗi không thể đọc hay viết; thậm chí khi thử đi vài bước thì anh ta thường bị vấp ngã. Anh ta đã phải điều trị tại bệnh viện, trong khi vợ anh làm công trong một cửa hàng lớn để nuôi cả gia đình, với một đứa con chỉ vừa được năm tuổi.

Trong một cuộc soi kiếp của ông Cayce, anh ta được cho biết đó là một chứng bệnh do quả báo, nhưng không nên tuyệt vọng. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:

- À! Theo chỗ chúng tôi thấy thì bệnh trạng tuy rất nặng nhưng anh chớ nên tuyệt vọng, vì sự cứu chữa đã sắp đến.

Sau đó, ông diễn tả căn bệnh bằng những danh từ y học rất chuẩn xác. Kế đó, ông Cayce tiếp tục nói về những khả năng hồi phục tiềm tàng trong người bệnh nhân; ông nói qua vài điều để chỉ rằng nguyên do chứng bệnh này là một quả báo xấu. Tiếp theo đó, ông khuyên bệnh nhân hãy thay đổi tâm tính và dẹp bỏ mọi điều oán ghét, thù hận, mọi tư tưởng xấu ác. Cuộc soi kiếp kết thúc bằng một phương pháp điều trị tỉ mỉ từng chi tiết.

Khoảng một năm sau, chính bệnh nhân ấy viết thư yêu cầu ông Cayce dành cho một cuộc soi kiếp thứ nhì. Anh ta cho biết rằng đã áp dụng cách điều trị do ông hướng dẫn một cách đúng đắn và đã thấy khá hơn. Sự thuyên giảm đó kéo dài được bốn tháng, nhưng sau đó bệnh lại tái phát và sức khỏe anh ta giảm sút.

Trong thực tế, dường như anh ta chỉ áp dụng phép điều trị về phương diện vật chất mà không chú ý đến phương diện tinh thần, vì cuộc soi kiếp lần thứ hai đã cảnh cáo anh ta một cách rõ ràng như sau:

- Tôi thấy rằng anh đã có nhiều tiến bộ về vật chất, nhưng còn có rất nhiều điều phải sửa chữa về mặt tinh thần.

Sau đó, ông đưa ra những phân tích và chỉ dẫn cụ thể. Như đã nói ở trên, ông đề nghị người bệnh phải thay đổi thái độ ứng xử trong cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, phải biết yêu thương và giúp đỡ đối với người đồng loại. Ông cũng giải thích, tuy bệnh có được thuyên giảm một phần nào nhờ sự áp dụng những phương pháp điều trị về thể chất, nhưng nếu người bệnh lấy đó làm tự mãn và không chịu thay đổi thái độ về mặt tinh thần; vẫn nuôi lòng thù hận, ích kỷ, độc ác bất công và ganh ghét đối với mọi người khác; hoặc nếu anh ta vẫn nuôi trong lòng những gì ngược lại với những đức tính nhẫn nhục, khoan dung, bác ái, thiện cảm, nhân từ... thì bệnh trạng của anh ta sẽ không có hy vọng chữa khỏi.

Ông phân tích: Người này thật ra muốn khỏi bệnh vì mục đích gì? Phải chăng là để thỏa mãn những dục vọng của thể xác? Hay là để làm tăng trưởng thêm lòng ích kỷ của mình? Nếu như thế, thì tốt hơn là anh ta hãy cứ giữ nguyên tình trạng bệnh tật hiện thời. Nếu anh ta có sự thay đổi bên trong tâm tính về thái độ ứng xử với mọi người, và nếu anh ta biểu lộ sự thay đổi đó trong lời nói và hành động, đồng thời áp dụng cách điều trị đúng như phương pháp đã nêu ra, thì bệnh của anh ta sẽ có thể thuyên giảm.

Nhưng ông Cayce nhấn mạnh rằng trước hết cần phải có một sự thay đổi tánh tình, tâm trạng và mục đích, quan điểm sống. Tất cả những phương thức điều trị mà anh ta đã áp dụng chỉ có thể đem đến một sự khỏi bệnh hoàn toàn khi nào chính bản thân anh ta biết nhận rõ lỗi lầm và có một quyết tâm sửa đổi, nỗ lực chuyển hóa hướng thiện, làm thay đổi triệt để ngay từ những khuynh hướng xấu đang hiện hữu trong tâm hồn. Ngoài khả năng khỏi bệnh theo hướng này, ông Cayce cũng cho biết là không còn bất cứ cách nào khác để bàn thêm. Điều đó có nghĩa là mọi việc chỉ thay đổi khi bản thân người bệnh biết tự sửa đổi. Ông đã chấm dứt cuộc khám bệnh sau khi đưa ra nhận xét cuối cùng này.

Người ta nhận thấy trong những nội dung được ghi lại trên đây rằng hy vọng được khỏi bệnh tùy thuộc hoàn toàn vào sự thay đổi trong tâm hồn và thái độ, quan điểm của bệnh nhân đối với cuộc đời. “Anh muốn khỏi bệnh với mục đích gì?” Đó là một câu hỏi rõ ràng với một sự dò xét nghiêm khắc. Phải chăng là để thỏa mãn những dục vọng của thể xác? Hay là để làm tăng trưởng lòng ích kỷ? Nếu đúng như thế thì tốt hơn anh hãy tiếp tục chịu đựng tình trạng cũ!

Trải qua trên hai mươi lăm ngàn cuộc soi kiếp, ông Cayce không một lần nào từ chối giúp đỡ ý kiến để bệnh nhân có khả năng tự điều trị, cho dầu trước đây anh ta đã phạm vào tội lỗi xấu xa nặng nề đến mức nào. Nhưng cũng giống như trong trường hợp kể trên, ông thường nhấn mạnh rằng bệnh tật hay những nỗi đau khổ có thể được xem như một cơ hội giáo dục, vì nó khiến cho người ta phải suy ngẫm về những tội lỗi của mình và quay về nẻo chính, bởi vì bao giờ cũng vậy, ông luôn nhấn mạnh rằng những hành vi, tư tưởng tội lỗi, tà vạy đã gây nên quả báo bệnh tật cần phải được sửa đổi.

Người bệnh phải cố gắng bằng nhiều cách để cải thiện tâm tính của mình; nhưng đồng thời cũng phải áp dụng nhiều phương thức thực hành tu dưỡng để rèn luyện và sửa đổi sự yếu kém bên trong tâm hồn. Những khả năng hồi phục tự nhiên và những cách điều trị của khoa học hiện đại đều có thể mang lại một sự thuyên giảm tạm thời, nhưng không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, và điều này là hợp lý khi xét từ góc độ nhân quả.

Nói tóm lại, trong hầu hết các trường hợp, sự khỏi bệnh thường xuất phát từ những chuyển biến, cải hóa về mặt tâm linh, nghĩa là phải đến từ trong nội tâm của người bệnh. Nếu chỉ dựa vào những tác động khách quan từ bên ngoài thì kết quả chắc chắn sẽ không được lâu bền.

Trường hợp sau đây của một người mù, rút trong số hàng trăm trường hợp mù lòa trong các tập hồ sơ của ông Cayce, có thể xem là tiêu biểu cho nhận xét nói trên. Đây là những gì được ghi trong biên bản cuộc khám bệnh:

“Đây là một bệnh do quả báo. Sự áp dụng các lý tưởng đạo đức tâm linh trong cách xử thế hằng ngày đã đem đến một sự thay đổi lớn trong cuộc đời bệnh nhân. Tuy lúc đầu bệnh vẫn không thấy bớt, nhưng tôi nhận thấy rõ rằng cặp mắt bệnh nhân đã dần dần thuyên giảm khi anh ta bắt đầu sửa đổi tâm tánh. Tôi cũng nhận thấy rằng sự cố gắng đầu tiên phải là thuộc về phạm vi tinh thần và bệnh nhân phải cố gắng biểu lộ lòng nhân từ trong những cử chỉ hằng ngày. Hãy tập ứng xử với sự thiện cảm, tình thân hữu, đức kiên nhẫn, dịu dàng, khoan dung, nhân hậu...”

Trong hai trường hợp kể trên, người ta thấy rằng cuộc soi kiếp nhấn mạnh trước hết ở sự thay đổi tâm tính và chuyển hóa tinh thần, và đó là điều kiện cốt yếu để sửa đổi nghiệp quả về thân xác.

Nếu chúng ta nhớ rằng ý nghĩa của sự quả báo là biểu lộ những hành vi, tư tưởng xấu ác trong quá khứ, hay sự suy thoái về mặt đạo đức, tâm linh, thì chúng ta sẽ hiểu rằng phương pháp điều trị kể trên là lẽ tự nhiên vậy. Cái gọi là tội lỗi trong luật nhân quả không hề mang ý nghĩa dị đoan cổ xưa như là làm trái ý hoặc xúc phạm quỉ thần, cũng không phải theo ý nghĩa của các nhà thần học tin vào một đấng toàn năng thưởng phạt. Tội lỗi ở đây cần được hiểu theo ý nghĩa tâm lý, bao gồm tất cả những gì trái ngược và làm hại đến sự sống trong thiên nhiên. Tội lỗi hiểu theo ý nghĩa này thường là những tư tưởng, hành vi xuất phát từ lòng ích kỷ, khuynh hướng phân biệt giữa người khác với ta, và từ đó luôn tìm cách bảo vệ, vun bồi cho cái bản ngã nhỏ hẹp của mình.

Sự chấp giữ bản ngã đó có thể biểu hiện bằng nhiều hình thức. Nó có thể là sự tàn bạo đối với kẻ khác; hoặc sự lạm dụng cơ thể của chính mình do sự vô tiết độ hay sinh hoạt cẩu thả; hoặc cũng có thể là sự kiêu căng, tự tôn tự đại.

Những lỗi lầm đó sở dĩ có đều là xuất phát từ một nhận thức sai lầm căn bản về sự tồn tại của “bản ngã”. Trong thực tế, không có bất cứ một thực thể nào có thể gọi là “bản ngã” hay “cái ta” mà mỗi người luôn gìn giữ và vun đắp. Sự hiện hữu của con người thật ra chỉ là một sự tập hợp của nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau và sẽ tan biến khi các điều kiện thuận tiện cho sự tồn tại đó không còn nữa. Chính vì nhận thức nhận thức sai lầm về một “bản ngã” là thật có nên con người cứ mãi mê ôm giữ và tạo tác mọi tội lỗi để bảo vệ và phát triển cái “bản ngã” vốn không có thật đó.

Chỉ cần nhận biết được sai lầm căn bản này, người ta sẽ có thể thay đổi hoàn toàn mọi quan điểm ứng xử trong cuộc sống theo hướng tốt đẹp, hướng thiện. Chúng ta sẽ không còn thấy là “mất đi” khi ban phát, cho tặng những gì mình có, và cũng không thấy là “có được” khi giành lấy những thứ thuộc về người khác. Chỉ theo cách nhận thức mới này, người ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của những tư tưởng, hành vi cao quý, vị tha, nhân ái... Khi đó, những giá trị tinh thần, những niềm vui và hạnh phúc chân thật mới có thể được nhận ra và thực hiện.

Về điểm này, những cuộc soi kiếp của ông Cayce gọi là sự thức tỉnh tinh thần hay quay về nguồn cội. Người ta thấy trong những trường hợp kể trên cũng như trong nhiều trường hợp khác về quả báo thân xác được ghi lại trong tập hồ sơ của ông Cayce rằng lời khuyên răn tối hậu để được khỏi bệnh là bệnh nhân hãy cố gắng làm thế nào để loại trừ lòng tham lam ích kỷ và bắt đầu biết quan tâm giúp đỡ người khác.

Những cuộc soi kiếp của ông Cayce đã dùng những lời lẽ và danh từ khác nhau để diễn đạt các ý tưởng trên. Mặc dù vậy, những ý nghĩa chính mà ông đề cập đến trong tất cả các trường hợp khác nhau đều không đi ra ngoài những điều nói trên.

Nhưng cách biểu lộ tư tưởng của ông, dầu là dưới hình thức nào, cũng không có ảnh hưởng gì đến công việc cứu khổ giúp người mà ông đang theo đuổi. Dưới đây là một thí dụ về sự khuyên răn của ông cho một người bị chứng bệnh lao tủy sống:

- Anh hãy nhớ rằng nguồn gốc bệnh trạng của anh là tự anh gây ra: Nó là một chứng bệnh do quả báo. Phương tiện tốt nhứt là anh hãy tin tưởng vào sự công bằng của luật nhân quả và đừng bao giờ oán trách số phận, phải biết tự mình thay đổi nghiệp quả bằng cách hướng về điều thiện và nỗ lực giúp đỡ, chia sẻ cùng người khác. Sự chân thành sám hối, ăn năn tội lỗi và quyết chí sửa mình sẽ mang đến những kết quả tốt lành và có thể giúp làm tiêu tan nghiệp quả.

Sự suy gẫm về những điều thiện ác và nỗ lực làm việc phụng sự người khác là những phương pháp thường được nêu ra trong các cuộc soi kiếp của ông Cayce để khuyên người bệnh sửa đổi tâm tính và tiến bộ về tinh thần. Nhưng muốn đạt được kết quả thì những phương pháp đó phải được thực hành một cách chân thành chứ không phải là một cách máy móc, gượng ép. Nếu không có một tình thương nhân loại và chúng sinh phát xuất tự đáy lòng, nếu không có một tấm lòng nhân ái, từ bi, thì những phương pháp thực hành nêu trên cũng chỉ là trống rỗng và không có ý nghĩa gì. Chỉ có những sự hồi tâm đúng đắn, một quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải tà qui chánh, chuyển hóa tâm tính mới có thể giúp cho nghiệp quả được giảm nhẹ hoặc thay đổi.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều dễ dàng đạt đến một trình độ nhận thức đầy đủ hay phát khởi lòng tin sâu xa đủ để có thể nỗ lực tu dưỡng và đạt được tình thương yêu bao la chân thật dành cho muôn loài, muôn người. Chính tâm yêu thương chân thật đó mới có đủ sức mạnh làm tiêu tan mọi điều tai ách, nghiệp chướng do quả báo đưa đến.

Trong trường hợp người thanh niên bị chứng bệnh lao tủy sống, cuộc soi kiếp dường như cũng cho biết rõ anh ta không đủ sức thực hiện những lời khuyên nói trên. Bởi đó, với sự thẳng thắn của một vị y sĩ biết rõ tiềm lực và khả năng của bệnh nhân và không muốn anh ta hy vọng những điều quá sức mình, ông Cayce đã cho anh ta biết rõ:

- Bệnh của anh chỉ có thể giảm bớt phần nào thôi, chứ không thể dứt tuyệt.

Tuy nhiên, cuộc soi kiếp không phải đã kết thúc. Trong trường hợp này và những trường hợp khác nữa, cuộc soi kiếp tiếp tục đưa ra cho bệnh nhân những phương pháp điều trị về phần thể chất, để cho bệnh nhân có thể thực hiện những cố gắng cụ thể trong việc tự chữa trị. Sự kiên nhẫn, bền chí, can đảm và những đức tính khiêm tốn, nhân từ, khoan hậu, mà bệnh nhân cố gắng phát triển và thâu thập được trong thời kỳ đó sẽ cải thiện phần nào về mặt tinh thần, ít nhất là một cách gián tiếp, để làm thay đổi nghiệp quả.

Như vậy, thay vì có một thái độ tiêu cực, thụ động đối với vấn đề trả quả, những cuộc soi kiếp của ông Cayce luôn luôn khuyến khích bệnh nhân hãy có một thái độ tích cực tranh đấu để vượt qua những nỗi chướng ngại đau khổ của mình. Và sự nỗ lực đó luôn hướng đến việc hoàn thiện chính mình về phương diện đạo đức, tâm linh chứ không phải chỉ lo bồi đắp cho thể xác.

Dưới đây là một khía cạnh quan trọng khác của vấn đề chữa bệnh. Trong những cuộc soi kiếp, ông Cayce luôn luôn đưa ra những điều khuyên răn các bệnh nhân tùy theo trình độ nhận thức riêng của từng người. Ông không đưa ra những phương pháp điều trị nghiêng hẳn về tinh thần đối với những người không thể hiểu được hoặc đang có những định kiến chống lại những phương pháp đó.

Bác sĩ Alexis Carrel, tác giả hai quyển sách nhan đề: “Con người” và “Cuộc hành trình đến thành Lourdes”, cho biết rằng ở Lourdes có nhiều người có tinh thần tín ngưỡng rất sâu xa, đã được chữa khỏi ngay tại chỗ về bệnh ưng thư và những chứng bệnh nan y khác. Nếu như sự khỏi bệnh ấy quả có thật, thì chắc chắn là việc ấy không thể xảy đến cho những người không có một đức tin và một thái độ tinh thần giống như của những người được khỏi bệnh kể trên.

Sự nghiên cứu nhiều cuộc soi kiếp và khám bệnh của ông Cayce chỉ rõ ra rằng ông luôn luôn biết rõ giới hạn đức tin của từng bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, những cuộc soi kiếp biết rằng một vài bệnh nhân nào đó có thể được chữa khỏi bằng phương pháp dẫn dụ tinh thần. Trong những trường hợp khác cũng cùng một chứng bệnh nhưng bệnh nhân lại không thể chữa khỏi bằng phương pháp đó, hoặc do sự thiếu hiểu biết, hoặc do sự hoài nghi, hoặc vì họ quá thiên về quan niệm vật chất. Đối với những người này, tốt hơn là khuyên họ dùng những phương pháp điều trị thể xác.

Người ta còn nhớ một câu chuyện cổ điển ở Ấn Độ nói về người đệ tử của một vị đạo sĩ. Người đệ tử đã trải qua giai đoạn huấn luyện công phu để có thể chế ngự được vật chất bằng sức mạnh tinh thần. Anh ta là một đệ tử ưu tú và có nhiều khả năng tiến bộ. Khi ấy, anh ta bèn ẩn mình trong rừng sâu, và sau mười năm tập luyện mới trở lại gặp thầy. Vị thầy hỏi:

- Con đã làm gì trong suốt thời gian đó? Người đệ tử đáp lại với một giọng hơi tự đắc:

- Con đã luyện tập chế ngự tư tưởng để có thể đi trên mặt nước và bây giờ con có thể vượt qua sông như đi trên đất bằng.

Vị thầy nói với một giọng buồn rầu:

- Con ơi! Con đã lãng phí thời giờ một cách vô ích. Con có thể qua sông mà chỉ trả có một xu cho người lái đò, sao con phải phí nhiều thời gian và công sức đến thế cho việc này?

Câu chuyện này có một ý nghĩa hết sức sâu xa để cho chúng ta suy gẫm. Lẽ dĩ nhiên, sự cố gắng để tự chữa bệnh bằng sức mạnh tinh thần là một nỗ lực đáng khen và giúp ta tự đào luyện tinh thần và ý chí. Khoa học công giáo và những phong trào tôn giáo cùng một loại đã từng phổ biến trước công chúng sự hiểu biết về những quyền năng của tư tưởng, là nguồn gốc nhiều chứng bệnh của người đời, nhưng đồng thời cũng có công năng dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, người ta cần biết rằng có những chứng bệnh mà nguyên nhân không phải là tư tưởng. Có những chứng bệnh có thể được điều trị bằng những phương tiện vật chất một cách hữu hiệu hơn là điều trị bằng tinh thần.

Những quan niệm về y học của ông Cayce còn có một khía cạnh khác là những cuộc soi kiếp ông không bao giờ xem bất cứ một phương pháp điều trị nào là có ý nghĩa tinh thần hơn một phương pháp khác. Tất cả những phương pháp điều trị do ông chỉ dẫn đều có một ý nghĩa tinh thần như nhau.

Một người phụ nữ bị chứng bệnh đau lưng rất dữ dội. Bà muốn biết xem nên theo cách điều trị thể xác hay tinh thần. Cuộc khám bệnh của ông Cayce giải đáp câu hỏi đó như sau:

- Bệnh trạng của bà phần lớn có thể chữa khỏi bằng tinh thần. Nhưng bà hãy để tự nhiên. Nếu bà thấy đau nhiều, bà hãy theo phép điều trị bằng thuốc men để ứng đáp nhu cầu của thể xác.

Thật ra hai phương pháp điều trị đều không khác gì nhau, vì cùng hướng đến một mục đích. Hai phương pháp ấy không phải tương phản nhau như vài người tưởng lầm. Một ký giả ở Pittsburg bị bệnh tê thấp đã mười năm, được khuyên nên điều trị bằng cách tắm nước nóng và dùng tia tử ngoại để làm tăng sự lưu thông máu huyết và bài tiết chất độc trong máu. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:

- Mọi phương thức chữa bệnh đều có ý nghĩa như nhau. Ai là người chữa khỏi bệnh cho anh? Đó chính là sự hướng thiện của bản thân anh, bởi vì nếu những hành vi tội lỗi của anh trong quá khứ đã mang lại quả báo xấu này thì cũng chính những hành vi tốt đẹp của anh trong hôm nay mới giúp anh có được những kết quả tốt đẹp hơn mà thôi.

Bất cứ phương tiện nào người ta dùng để chữa bệnh, dầu cho đó là thuốc men, máy móc dụng cụ, tắm nước nóng, hay là phương tiện vật chất nào khác, thật ra cũng đều phụ thuộc vào sự chuyển biến tinh thần của người bệnh mới có thể mang lại kết quả tốt đẹp. Rất nhiều người giàu có và không thiếu bất cứ một phương tiện chăm sóc vật chất nào, nhưng vẫn phải mang bệnh suốt đời và chịu sự hành hạ khổ đau của căn bệnh đó. Đơn giản chỉ vì những hành vi và tư tưởng của họ mới là nguyên nhân chính của bệnh trạng.

Vài suy nghĩ về luật nhân quả - Chương 6

CHƯƠNG 6
VÀI SUY NGHĨ VỀ LUẬT NHÂN QUẢ


Những tập hồ sơ của ông Cayce trình bày cho ta thấy biết bao nhiêu những sự đau khổ của người đời, có thể phân tách ra thành nhiều loại, đau khổ bệnh tật về thể xác lẫn tinh thần. Những hồ sơ đó làm nổi bật những khía cạnh báo ứng của luật nhân quả, bởi vì những người đến nhờ ông Cayce giúp đỡ, trước hết thường là những người đau khổ vì bệnh tật.

Một người đầy đủ sức khỏe không có lý do tìm đến bác sĩ; và một người sung sướng ít khi thấy cần phải tìm hiểu về mục đích rốt ráo và ý nghĩa của cuộc đời. Chính vì thế mà phần lớn những cuộc quan sát bằng thần nhãn của ông Cayce được thực hiện cho những người đang chịu đau khổ vì những bệnh tật khó khăn, hoặc có khi là những sự đau khổ tinh thần rất lớn mà không có một vị y sĩ, một nhà tâm lý, hay một vị mục sư nào có thể tìm ra cách giải quyết.

Nhưng những cuộc soi kiếp của ông Cayce cũng cho thấy giá trị của sự đau khổ trên phương diện luân lý và tinh thần. Nhờ thấy rõ nguyên nhân sự đau khổ nên nó không còn là một điều khủng khiếp và đáng sợ đối với chúng ta. Trái lại, những cuộc soi kiếp đó đã khuyến khích, an ủi, giúp nguồn cảm hứng và xoa dịu những tâm hồn đau khổ một cách sâu sắc. Người ta không còn khao khát tránh né đau khổ, mà hiểu được rằng đó là những kết quả tất nhiên phải chịu đựng do những việc làm xấu ác của chính mình trong quá khứ. Và điều đó ngay lập tức làm thay đổi quan niệm ứng xử cũng như tâm tính, nhân cách của họ để hướng đến sự hiền thiện.

Tuy nhiên, những tập hồ sơ Cayce không phải chỉ gồm có những trường hợp chữa bệnh và giúp đỡ những kẻ bệnh tật khốn khó mà thôi. Trong những chương sau, chúng ta sẽ thấy sự tác dụng của Luật nhân quả trong việc rèn luyện khả năng, đức tính, thiên tài... và những bẩm tính cùng tư chất đủ loại trong con người, làm căn bản cho sự khám phá những tài năng ẩn tàng cũng như vấn đề hướng thiện, giúp cho mỗi người tìm thấy được con đường chân chính để noi theo trong cuộc đời.

Một hoàn cảnh tốt và một thân thể kiện toàn là do những nghiệp quả tốt đưa đến. Nhưng những cuộc soi kiếp thường không giải thích về nguyên nhân của những quả báo tốt lành, vì người ta cho rằng không phải những người được yên lành sung sướng, mà chỉ có những trường hợp đau khổ mới đáng được chú ý. Những người được soi kiếp cũng đồng quan niệm với cái khuynh hướng chung của mọi người, là một số phận tốt lành hạnh phúc không cần phải giải thích lý do; mọi người đều cho rằng mình có quyền được hưởng một số phận yên lành tốt đẹp. Chỉ khi nào bị điêu linh khốn khổ, tai họa dập dồn, thì người ta mới bắt đầu tự hỏi tại sao họ lại bị như thế!

Một thân hình tốt đẹp cũng là do nghiệp quả tốt mang đến. Những cuộc soi kiếp thỉnh thoảng cũng cho biết rằng một thân hình cân đối xinh đẹp trong kiếp này là kết quả của sự săn sóc giữ gìn thân thể trong kiếp trước. Nhưng trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce có đưa ra một trường hợp lý thú về sắc đẹp do một lý do nghiệp quả khác hẳn. Đó là trường hợp của một người mẫu có sắc đẹp nổi tiếng ở New York. Cô có hai bàn tay tuyệt đẹp, và được các hãng buôn mời chụp ảnh làm mẫu để quảng cáo cho những món hàng trang sức như thuốc nhuộm móng tay, dầu thơm, và đồ nữ trang...

Quả báo tốt lành khiến cho cô có sắc đẹp trong kiếp này được truy nguyên từ một kiếp trước trong một tu viện ở Anh quốc. Trong tu viện, cô dành trọn cuộc đời và dùng hai bàn tay để làm những công việc hèn mọn và thấp kém nhất với một tinh thần phụng sự và hoàn toàn hiến dâng. Cái chí nguyện tâm linh ấy đã đem đến cho cô trong kiếp này một thân hình mỹ lệ với hai bàn tay đẹp đẽ khác thường. Đây là một triển vọng đáng khuyến khích cho những ai mong muốn có sắc đẹp!

Những quả báo đau khổ xảy đến cho ta có lẽ gây cho ta một ấn tượng sâu xa thấm thía hơn là những quả báo tốt lành, nhất là nó lại càng thấm thía hơn và cần thiết hơn vào thời buổi hỗn loạn và suy đồi hiện nay. Người thời nay trí khôn đã mở rộng, khoa học càng ngày càng phát triển, cuộc sống tinh thần cần dựa trên một nền tảng thông minh có thể làm thỏa mãn được lý trí. Một phép xử thế đúng đắn, hợp với lẽ đạo là cần thiết để đem đến cho con người một đời sống hạnh phúc, an vui và giải thoát. Người ta sẽ nhận thấy tầm quan trọng lớn lao của điều này khi hiểu rõ hơn về luật nhân quả và luân hồi.

Vì thế, giáo lý minh triết cổ truyền đem đến cho ta một phương thuốc thần hiệu để chữa khỏi chứng bệnh liệt nhược tinh thần của nhiều giáo phái hiện nay. Có lẽ những sự hành phạt đau khổ của luật nhân quả mà chúng tôi trình bày trong quyển sách này sẽ không làm nản lòng những ai chấp nhận thuyết luân hồi; trái lại nó còn đem đến cho họ niềm hy vọng, một sự yêu đời và một đức tin mới mẻ căn cứ trên sự tin tưởng ở sự công bằng và khách quan tuyệt đối của nhân quả, luôn chi phối tất cả mọi sự việc trên thế gian.

Những thí dụ kể trên có lẽ sẽ làm cho người ta phải dè dặt, cẩn thận hơn trong những hành động và cử chỉ của đời sống hằng ngày. Khi ta biết rằng sự tàn nhẫn độc ác có thể gây nên quả báo đui mù tàn tật, bệnh mất máu, bệnh suyễn hay bệnh liệt bại; sự hoang dâm có thể gây nên chứng bệnh động kinh (Epilepsie); sự áp chế đè nén kẻ khác có thể đem đến bệnh liệt bại... thì những điều đó có thể làm cho chúng ta dễ quay đầu hướng thiện và cố gắng sống một đời sống tốt lành hơn.

Ngoài ra, những trường hợp kể trên đem đến sự giải thích về tình trạng thê thảm của hàng triệu người đang đau khổ vì đủ loại bệnh tật trên thế gian. Chúng ta không thường xuyên nhìn thấy được những kẻ tật nguyền, què quặt, đui mù, câm điếc, điên khùng, những người bị các chứng bệnh nan y, liệt bại, động kinh, cùi phong, những người cụt tay cụt chân vì tai nạn hay vì chiến tranh.v.v... vì những người xấu số đáng thương ấy luôn ẩn trú trong nhà, hoặc nằm yên trong các bệnh viện. Chúng ta chỉ tình cờ gặp họ một đôi khi ở ngoài đường phố, và không biết rõ tổng số những người bệnh tật đau khổ ấy lên đến bao nhiêu! Nhưng nếu ta lưu tâm một chút, ta sẽ biết ngay về sự tồn tại của họ trên thế gian này, với một thành phần rất đông đảo và những số phận hết sức thảm thương.

Sự giải thích thông thường của các giáo sĩ đạo Gia Tô về những thảm trạng đau thương ấy là: “Đó là ý muốn của Chúa Trời!” Nhưng thật khó mà dung hòa cái ý niệm một đấng Cha Lành đầy lòng bác ái mà lại tạo ra những cảnh đau khổ lầm than đó cho những đứa con vô tội của Ngài! Về điểm này, người ta lại nói rằng ý muốn của Chúa Trời là một điều không thể cân nhắc suy lường, và càng không thể hiểu được! Nhưng rốt cuộc thì sự giải thích ấy không thể giải quyết được sự mâu thuẫn nói trên.

Thuyết luân hồi nhân quả đã đưa ra sự giải thích cho vấn đề bí ẩn đó bằng cách chỉ rõ rằng sự vật diễn ra trong vũ trụ không bao giờ do sự ngẫu nhiên tình cờ, mà là do tác động của một định luật tự nhiên rất công bằng và hợp lý. Đó là một định luật căn bản trong vũ trụ, theo đó thì những người đau khổ bệnh tật vốn là do những nguyên nhân xấu ác mà chính họ đã gây ra trong quá khứ, và bây giờ họ phải gánh lấy hậu quả. Không một ai phải chịu những cảnh lầm than khốn đốn nếu đó không phải là do những nguyên nhân xa hoặc gần mà họ đã tạo ra trong quá khứ.

Người Tây phương không thể chấp nhận quan niệm về luân hồi một cách dễ dàng vì nó có vẻ khó tin và không thể được chứng minh một cách khoa học, nghĩa là không có gì làm bằng chứng. Tuy nhiên, trong đời sống có biết bao nhiêu những chuyện khó tin mà chúng ta không hề nghĩ đến! Từ một cái trứng bé nhỏ chui ra một con nòng nọc, lội dưới nước như một con cá, rồi lớn dần và rụng đuôi để trở thành con ếch! Một con sâu kết một cái kén bằng tơ và sau đó ít lâu sẽ từ trong cái kén chui ra và trở thành một con bướm màu sắc sặc sỡ. Đó chỉ là một vài thí dụ lạ lùng để chỉ cho ta thấy rằng sự sống của một sinh vật có thể thay hình đổi dạng nhiều lần liên tiếp mà vẫn không mất cái cá tính riêng của nó; và chúng ta luôn chấp nhận những điều ấy một cách tự nhiên.

Nếu suy nghĩ kỹ, có lẽ ta sẽ thấy rằng những thí dụ đó cũng không khác gì việc tâm thức con người có thể tái sinh nhiều lần để có sự sống trong những thể xác khác nhau mà vẫn giữ nguyên vẹn cá tính của nó.

Những cuộc soi kiếp của ông Cayce mà nếu ta có thể chấp nhận được về phương diện tâm lý và luân lý sẽ giúp cho ta giải tỏa được nhiều sự hoài nghi. Những tài liệu lạ lùng đó là bằng chứng để giúp ta có một tầm hiểu biết sâu xa và đầy đủ hơn. Có lẽ nó sẽ giúp ta thấy rằng, ngoài những kiếp sống tầm thường, khó khăn và gò bó của chúng ta trong thế giới nhỏ hẹp này, còn có một tầm sinh hoạt rộng lớn bao la hơn nữa, và nếu chấp nhận sự nhìn sâu vào đời sống tâm linh, ta sẽ thấy rằng cuộc đời còn có những ý nghĩa sâu xa thâm trầm hơn những gì ta đã có thể tưởng tượng từ trước đến nay.

3 thg 1, 2014

Công dung của vỏ núc nác hay hoàng bá nam


HOÀNG BÁ NAM


Cây: Cây nhỡ, cao 5-13m. Thân nhẵn, ít phân cành, vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2-3 lần lông chim, dài tới 1,5m. Hoa màu nâu đỏ sẫm mọc thành chùm dài ở ngọn thân. Đài hình ống, cứng, dày, có 5 khía nông. Tràng hình chuông, phình rộng, có 5 thuỳ họp thành hai môi, 5 nhị, có chỉ nhị có lông ở gốc. Đĩa mật có 5 thuỳ rõ, cao 4-5mm, đường kính 12-14mm. Quả thõng, dài 40-120cm, rộng 5-10cm, các mảnh vỏ hoá gỗ. Hạt dài 4-9cm, rộng 3-4cm, kể cả cánh mỏng bao quanh. Hoa nở về đêm, thụ phấn nhờ dơi. Hoa và quả từng lúc quanh năm. Các quả chín vẫn ở trên cây khá lâu vào mùa khô khi cây rụng hết lá.
Tên thuốc: Hoàng bá nam.
Tên khác: Vỏ Núc nác, Nam hoàng bá.
Tên khoa học: Vị thuốc là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác (Oroxylon indicum Vent.), họ Chùm ớt (Bignoniaceae).
Mô tả dược liệu:
Dược liệu: Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung, dày 0,6 - 1,3 cm, dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang.  Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng. Mô mềm vỏ lổn nhổn như có nhiều sạn, trong cùng có lớp sợi dễ tách theo chiều dọc.
Bộ phận dùng: Vị thuốc là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác (Oroxylon indicum Vent.)
Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi khắp nước ta.
Thu hái: Thu hái quả nang chín màu nâu vào mùa thu và đông, phơi khô ngoài nắng cho vỏ nứt hạt, tách lấy hạt và phơi tiếp cho đến khô. Vỏ cây thu hái quanh năm; khi cần thiết, đẽo vỏ trên cây, thái phiến dài 2 - 5 cm,  phơi hay sấy khô.
Tác dụng dược lý: Có tác dụng chống viêm, chống dị ứng rõ rệt. Tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân bất lợi từ bên ngoài vào cơ thể. Làm giảm độ thấm của mạch máu.
Thành phần hoá học: Vỏ và hạt chứa một hỗn hợp flavonoid và chất đắng kết tinh là oroxylin. Vỏ chứa baicalein và chrysin. Hạt cũng chứa oroxylin và một chất dầu chứa 80,40% acid oleic, acid palmitic, acid stearic và acid lignoceric.
Công năng: Hạt có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, chống ho, giảm đau, vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Các flavonoid trong vỏ cây và hạt có tác dụng đối với bệnh mày đay và mẩn ngứa và còn có tính kháng trùng.
Công dụng:
+ Lá hoa và quả khi còn non đều ăn được sau khi đun nấu. Người ta thường lùi quả non vào trong tro than rồi đem bóc bỏ vỏ ngoài, lấy phần trong của quả xào ăn. Hạt, vỏ thân thường được dùng làm thuốc.
+ Hạt dùng trị: 1. Viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ; 2. Viêm phế quản cấp và ho gà; 3. Đau vùng thượng vị, đau sườn.
+ Vỏ thân được dùng trị: viêm gan vàng da, viêm bàng quang, viêm họng, khô họng, ho khan tiếng, đau dạ dày, dị ứng trẻ em ban trái, sởi. Cũng dùng chữa dị ứng sơn, trị bệnh vẩy nến, hen phế quản trẻ em. Trong dân gian dùng thay Hoàng bá.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 8 - 16g, dạng thuốc sắc, hoàn tán.
1,5-3g hạt, 8-16g vỏ thân, dạng thuốc sắc. Có thể nấu thành cao hay chế dạng bột. Dùng ngoài nấu nước rửa hoặc dùng cao bôi.
Ở nước ta Viện Dược liệu đã sản xuất nunaxin viên 0,25g từ hỗn hợp các flavonoid để chữa mày đay và mẩn ngứa, dùng vỏ Núc nác làm viên Habanin kháng trùng và một loại viên kết hợp 2 dạng thuốc trên.
Bào chế:
Loại bỏ tạp chất, cạo bỏ lớp bần, rửa sạch, thái phiến chiều dài 2- 5 cm, bề dày 1-3 mm, phơi khô, hoặc sao nhỏ lửa cho đến khi bề mặt dược liệu có màu vàng.
Bài thuốc:
1. Ngoài da lở ngứa, bệnh tổ đĩa ngứa giữa lòng bàn tay, bệnh giang mai lở loét: Vỏ Núc nác, Khúc khắc, mỗi vị 30g, sắc uống hàng ngày.
2. Chữa đau dạ dày: Dùng vỏ núc nác, sấy khô tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-3g (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
3. Chữa kiết lỵ, đau dạ dày ợ hơi, ợ chua: Dùng hạt núc nác phơi khô, tán thành bột mịn, hoặc sắc uống mỗi ngày 8-10g (Trồng hái và dùng cây thuốc).
4. Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày: Mộc hồ điệp 10g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
5.  Viêm đường tiết niệu, đái buốt ra máu: Vỏ núc nác, rễ Cỏ tranh, Mã đề mỗi thứ một nắm, sắc nước uống.
6. Ho lâu ngày: 5-10g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.
7. Lở do dị ứng sơn: Vỏ Núc nác nấu cao, dùng uống và bôi vào chỗ lở.
8. Chữa viêm khí quản cấp tính, ho gà: Dùng mộc hồ điệp 4g, an nam tử 12g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 12g, khoản đông hoa 12g. Sắc lấy nước, thêm 60g đường phèn vào hòa tan, chia uống nhiều lần trong ngày (Hiện đại thực dụng trung dược). "An nam tử" là tên dùng trong đơn thuốc của vị "bạng đại hải", tức là hạt "lười ươi" (Sterculia lychnophora Hance.), có mọc ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị...
9. Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Dùng vỏ núc nác 16g, chi tử (quả dành dành) 20g, mã đề thảo (lá và bông mã đề) 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, quế chi 4g, cam thảo đất 20g; Sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng (Thuốc Nam và Châm cứu).
Kiêng kỵ: Người hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy không dùng.
Ghi chú: Hạt Núc nác cũng là vị thuốc, có tên là Mộc hồ điệp, có tác dụng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, đau dạ dày.