CHƯƠNG 10
NHỮNG HẠNG NGƯỜI KHÁC NHAU
Trong sự tiếp xúc hằng ngày với những người chung quanh,
chúng ta thường có thể phân biệt được nhiều hạng người khác nhau. Có hạng người
tánh tình cởi mở, xã giao lịch thiệp; có hạng người dè dặt kín đáo, tánh tình
trầm lặng; có hạng người ích kỷ, hạng người vị tha.v.v...
Nhiều nhà tâm lý học đi đến kết luận rằng dựa vào những điểm
khác biệt và tương đồng mà con người có thể được sắp xếp, phân chia thành những
hạng khác nhau, và đã lập một căn bản khoa học cho việc sắp hạng ấy.
Sự phân hạng thông thường nhất là do Carl Jung11 đưa ra. Ông này phân loại con
người thành hai hạng chính là: hạng người hướng nội, có tâm hồn khép chặt (intraverti)
và hạng người hướng ngoại, có tâm hồn cởi mở (extraverti). Hạng người hướng
nội tức là hạng người hướng sự chú ý của họ vào bên trong, nghĩa là vào chính bản
thân mình; còn hạng người hướng ngoại tức là hạng người hướng sự chú ý của họ
ra thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, các đạo gia cho rằng Carl Jung và những
nhà tâm lý học khác đều không đưa ra những giải thích thỏa đáng về lý do nào đã
khiến cho một người sinh ra đời lại có một tâm hồn khép chặt, và một người khác
sinh ra lại có một tâm hồn cởi mở.
Ông Carl Jung và những nhà bác học khác cho rằng hai
trạng thái tâm lý căn bản này là do những nguyên nhân về sinh lý. Tuy nhiên, về
mặt tôn giáo thì những nguyên nhân sinh lý kể trên chỉ được xem là phụ thuộc;
còn cách sinh hoạt cùng thái độ cử chỉ của một người trong một kiếp trước mới
là nguyên nhân chính.
Những tập hồ sơ của ông Cayce có ghi chép rõ ràng nhiều
trường hợp hướng nội, tức là của những tâm hồn khép chặt, có nguyên nhân xuất
phát từ những kinh nghiệm trong kiếp trước.
Xét kỹ những trường hợp này, người ta thấy rằng sự tác động dây chuyền luật
nhân quả được biểu lộ một cách rõ ràng, và khiến cho khi chuyển từ kiếp sống
này sang kiếp sống khác luôn có một vài thái độ hay trạng thái tâm lý của con
người vẫn giữ nguyên không thay đổi. Dưới đây là một trường hợp như vậy.
Một nữ sinh viên hai mươi mốt tuổi có năng khiếu về âm nhạc,
nhưng có tánh e lệ rụt rè một cách quá đáng. Mặc dầu cô ta có dung mạo đẹp đẽ,
nhưng cô khó kết bạn với người khác và rất buồn khi không được nhận vào Câu lạc
bộ của nhà trường. Người ta không biết gì về hoàn cảnh gia đình của cô trước
khi cô vào trường, vì có thể đó là nguyên nhân gây ra nơi cô tính rụt rè nhút
nhát. Tuy nhiên, một cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng điều này
có nguyên nhân xa hơn ở một kiếp trước. Hồi đó, cô ta là một bà mệnh phụ trong
triều đình nước Pháp, có tài hoa, sắc đẹp và rất lịch thiệp. Nhưng chồng bà vốn
là một người ích kỷ, không muốn cho bà mở rộng mối quan hệ xã giao khéo léo và
lịch sự với tất cả mọi người. Bởi đó, ông ta ngăn trở mọi sự giao tế xã hội của
bà vợ bằng một sự áp chế lạnh lùng và khắc nghiệt, thậm chí có khi ông ta đánh
đập vợ bằng roi vọt. Điều này làm cho bà vợ e dè sợ sệt, và sự sợ sệt đó hãy
còn in sâu vào tiềm thức cho đến bây giờ.
Sau đây là một trường hợp cũng có sự áp chế tương tự, tuy rằng
trong hoàn cảnh khác hẳn. Ông Cayce soi kiếp cho một thanh niên hai mươi
tám tuổi. Đây là một anh chàng ham học và tâm tính khép chặt. Ông Cayce cho
biết rằng trong một kiếp trước, anh ta từng bị khủng bố tàn nhẫn trong những vụ
xử án các tay phù thủy ở Salem, thuộc tiểu bang Massachusetts,
Hoa Kỳ. Kinh nghiệm đó đã bộc lộ bằng hai cách trong tâm tính của anh ta hiện
nay. Trước hết, anh ta có sự căm ghét đối với mọi hình thức áp chế; và đồng thời
anh ta có tánh rất ham học nhưng lại muốn giữ kín những điều hiểu biết riêng
cho mình, không muốn chỉ bày cho ai. Đối với trường hợp của người thanh niên
này, trong tiềm thức anh ta rõ ràng là vẫn còn in sâu một bản năng tự vệ khi bị
khủng bố, khiến anh ta luôn có thái độ dè dặt đề phòng những người chung quanh,
không chịu tiếp xúc và không chịu bày tỏ với ai những điều hiểu biết của mình.
Những tập hồ sơ của ông Cayce còn ghi lại nhiều trường
hợp tương tự như trên về những vụ xử án các phù thủy ở Salem, mà kết quả
là làm cho đương sự có một thái độ khép nép, kín đáo và dè dặt như thế.
Một vị bác sĩ có tính rất dè dặt kín đáo, không thích giao
du, được biết nguyên nhân là vì trong một kiếp trước,
ông ta đã từng giữ giới tịnh khẩu theo tín điều của phái Quaker.
Một vị giám đốc thương vụ ở New York cũng có tính rụt
rè, thiếu sự xã giao lịch thiệp. Trong một kiếp trước, ông ta là một nhà thám
hiểm, sống một cuộc đời cô độc và tự lập ở miền nam châu Phi.
Một cô nữ sinh nhút nhát và tự ti mặc cảm, được cho biết rằng
kiếp trước là một thổ dân da đỏ dưới thời đô hộ của thực dân da trắng ở Bắc Mỹ
và hãy còn giữ lại thái độ nghi ngờ và phòng thủ đối với người khác.
Theo sự chứng minh của những trường hợp kể trên và nhiều trường
hợp khác trong tập hồ sơ Cayce, thì tính rụt rè kín đáo thường kéo dài từ
kiếp này sang kiếp khác, bắt đầu từ một kinh nghiệm đầu tiên khiến cho đương sự
có một ấn tượng sâu đậm và nảy sinh thái độ đó.
Sự kéo dài liên tục này cũng xảy ra một cách tương tự trong
trường hợp của những người có tánh tình cởi mở.
Đây là trường hợp một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, đã
hai lần ly dị, có một tâm hồn cởi mở và vẫn còn nghĩ đến một cuộc tái giá lần
thứ ba. Cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng thái độ hồn nhiên, yêu
đời đó được truy nguyên từ hai kiếp về trước.
Trong một kiếp, cô ta làm huấn luyện viên khiêu vũ tại một vũ trường vào thời kỳ
khai mở thuộc địa ở Bắc Mỹ. Trong một kiếp trước nữa dưới triều vua Louis thứ
XV nước Pháp, cô là một ái phi của nhà vua. Trong kiếp đó, cô đã phát triển được
những khả năng khôn khéo, lịch thiệp và quyến rũ, làm cho mọi người đều thương
mến, từ nhà vua cho đến chị bếp trong cung cấm. Trong kiếp làm huấn luyện viên
khiêu vũ, cô cũng đã sử dụng và phát triển thêm những khả năng trên đây.
Đây là một thí dụ lý thú khác nữa. Một nhà làm trò ảo thuật ở
New York có một sức hấp dẫn rất mạnh, xã giao lịch thiệp, và đặc biệt có
tài hài hước, được biết rằng những khả năng trên đây có nguyên nhân từ những
kinh nghiệm trong hai kiếp trước. Cuộc soi kiếp cho biết là trong một kiếp trước,
ông ta từng là một trong những người khai thác thuộc địa đầu tiên đến vùng
thung lũng Mohawk ở Bắc Mỹ. Những đức tính mà ông ta đã phát triển trong
kiếp đó và một kiếp trước nữa đã giúp cho ông ta có khả năng hấp dẫn và chỉ huy
kẻ khác trong kiếp này. Sự khôn khéo lịch thiệp và tài lãnh đạo của ông ta được
phát triển là do thời kỳ tranh đấu cho lý tưởng ở Bắc Mỹ vào thuở ban đầu. Sự
nhanh trí và tinh thần hài hước của ông ta lại nảy sinh từ một kiếp khác khi
làm hề dưới triều vua Henri VIII ở Anh quốc.
Nói tóm lại, tất cả những trường hợp của những người có tâm
hồn cởi mở và xã giao lịch thiệp dường như đều là do kết quả của những hoạt động
xã hội trong những kiếp trước.
Trong những tập hồ sơ Cayce, có nhiều trường hợp
thành công hoặc thất bại trong sự giao tế và sống hòa hợp với hoàn cảnh xã hội bên
ngoài. Một trường hợp là của một người đàn bà có tính chất cởi mở, hoạt bát và
vị tha. Trước hết, cô có tham vọng trở thành một nữ diễn viên, nhưng hoàn cảnh
gia đình và một thể xác lùn thấp không giúp cô được như ý nguyện, cô bèn xoay
qua vấn đề kinh doanh. Cuộc soi kiếp cho biết rằng vào một kiếp trước trong thời
kỳ Cách mạng ở Bắc Mỹ, cô đã hưởng thụ rất nhiều, có địa vị xã hội cao, sống một
cuộc đời xa hoa lộng lẫy, nhưng thiếu lương tâm và khinh thường đạo lý. Khả
năng lôi cuốn hấp dẫn kẻ khác, tinh thần hài hước và khoa ngôn ngữ của cô là do
từ kiếp đó mà có; nhưng vì cô đã sử dụng khả năng ấy một cách thiếu đạo đức nên
kiếp này cô phải bị thất bại trên trường đời.
Những trường hợp như trên chỉ ra cho ta thấy rằng, vấn đề
nghề nghiệp vẫn luôn đi đôi với vấn đề đạo đức tâm linh. Người ta thường thấy rằng,
trong rất nhiều trường hợp, sự thất bại về nghề nghiệp không phải chỉ do thiếu
năng lực, mà còn vì thiếu tinh thần đạo đức.
Điều này thường không được nhận biết nếu tham vọng nghề nghiệp
của một người được thỏa mãn một cách quá tốt đẹp, dễ dàng.
Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce đã khuyên người phụ nữ
nói trên, lúc ấy mới có ba mươi hai tuổi, hãy theo đuổi nghề diễn viên hoặc săn
sóc những trẻ em tàn tật hoặc mồ côi; nghĩa là, cô phải dùng những khả năng của
mình vào những mục đích xây dựng và vị tha.
Đây là trường hợp khác của một người đàn bà bốn mươi chín tuổi,
làm thư ký ở Washington, vì trong kiếp trước đã lạm dụng những đức tính
lịch thiệp xã giao của mình vào những mục đích không tốt nên phải chịu những hậu
quả trong kiếp này. Trong những bức thư, cô cho biết rằng trong bất cứ mọi giới
mà cô cố gắng để tiếp xúc, cô đều cảm thấy không được mọi người hoan nghinh. Có
lẽ đó là vì hồi thuở nhỏ, cô thường bị những người anh chị trong gia đình ruồng
bỏ nên vẫn còn mang nặng cảm giác ấy khi ra tiếp xúc với đời. Cô viết như sau:
“Tôi lớn lên với một sự mặc cảm sợ sệt luôn luôn ám ảnh tôi.
Khi tôi đi chơi với một nhóm bạn bè, tôi luôn luôn cảm thấy rằng sự có mặt của
tôi không cần thiết, và tôi luôn tự hỏi rằng tôi phải nói gì và phải làm gì.
Tôi muốn đi sâu hơn vào các vấn đề, nhưng không biết phải làm sao. Tôi luôn
luôn có cảm giác rằng tôi phải cố gắng làm nhiều
hơn kẻ khác để làm cho họ vui lòng. Bởi đó, tôi luôn muốn hy sinh sức khỏe và
thời giờ của tôi để làm một việc gì đó cho người khác. Tôi muốn rằng người ta cần
đến tôi.”
Kế đó, cô thuật lại rằng đã ba lần cô bị thất vọng vì tình,
trong đó có hai lần người yêu bỏ cô để đi cưới vợ khác. Trong cuộc soi kiếp,
ông Cayce cho biết rằng người đàn bà này trong kiếp trước là một trong những
người khai phá thuộc địa đầu tiên ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Người ấy
luôn đối xử với người khác một cách vui vẻ, lễ độ, nhưng chỉ vì mục đích ích kỷ,
trục lợi. Ông Cayce nói:
- Người này tuy được thỏa mãn về sự thành công của mình,
nhưng đã đem lại sự thất vọng cho nhiều người. Những người mà người ấy lợi dụng
trước kia, ngày nay trở lại gây những sự lo âu phiền muộn cho cô ta trong kiếp
này. Lợi dụng kẻ khác làm cái đà tiến thân cho mình tức là tạo nên nghiệp quả xấu,
nên ngày nay phải trả. Luật nhân quả rất công bằng. Nó trả lại cho ta một
cách chính xác những gì của ta.
Như một cái gương phản chiếu, những trạng thái tâm lý của
người đàn bà này phản ảnh những gì bà ta đã gây ra cho kẻ khác. Trong kiếp trước,
cô không bao giờ thật lòng mong muốn làm bạn với kẻ khác, trừ những khi nào cô
có thể lợi dụng họ. Vì thế, trong kiếp này, từ
thuở nhỏ sống trong gia đình cô đã bị ngược đãi, cảm thấy bị ruồng bỏ. Bởi đó
cô cảm thấy cuộc đời bấp bênh và tâm hồn trở nên khép chặt cho đến lúc trưởng
thành.
Cô có một dung nhan khá đẹp và những đức tính đủ để hấp dẫn
nhiều người, nhưng mặc dầu cô tưởng rằng sẽ được mọi người yêu mến, sau cùng cô
luôn bị thất vọng. Cô nhìn nhận rằng cái cảm giác bị ruồng bỏ và tâm hồn khép
chặt của cô đã làm cho cô thay đổi thái độ và cố gắng giúp đỡ kẻ khác để được mọi
người yêu mến, và được mọi người cần đến mình. Và đó chính đó là cách chọn lựa
hành động tốt nhất để sửa đổi nghiệp quả theo hướng tốt hơn. Sự xã giao khôn
khéo mà cô đã lạm dụng do lòng ích kỷ và thiếu chân thật trong kiếp trước đã
mang đến cho cô sự khó khăn trở ngại hiện nay, và cô chỉ có thể vượt qua được bằng
những việc làm vị tha, với một sự chân thành giúp đỡ người khác.
Sự lợi dụng hay lường gạt tình cảm của người khác dường như
là một thói xấu thông thường và sẽ mang lại quả báo trên bình diện tâm lý. Về
điểm này, dưới đây là một đoạn trong cuộc soi kiếp của ông Cayce mà ông
đã thốt ra với một giọng rõ ràng và thẳng thắn:
- Người này thường bị kẻ khác làm cho thất vọng. Điều đó có
nguyên nhân của nó: Ai gieo giống nào sẽ gặt giống nấy. Kiếp trước cô đã phỉnh
lừa, gạt gẫm kẻ khác. Ngày nay, chính cô bị kẻ
khác gạt gẫm, phỉnh lừa, làm cho cô bị thất vọng. Nhưng nếu cô biết thức tỉnh
thì chính điều đó sẽ giúp cô rèn luyện tính nhẫn nhục, là đức tính cao quý nhất
trong mọi đức tính.
Nói chung, luật nhân quả luôn tác động một cách khách quan
và công bằng, nên đối với ai đã biết nhận ra lỗi lầm thì mọi quả báo xấu khi xảy
đến cho họ đều có thể được xem là những bài học để giáo dục tâm hồn, sửa đổi
tính tình, hoàn thiện tâm thức trong sự vươn lên hướng thượng. Mục đích cao nhất
của mọi nỗ lực phải là sự quay đầu hướng thiện, và nhờ đó mà tương lai của mỗi
người chắc chắn sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét